Nguyễn Du và chuyến Bắc hành lần đầu – qua khảo sát một bài thơ cụ thể: Nhạc Vũ Mục mộ

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Lâu nay, có một vài “điểm mờ” trong lý lịch Đại thi hào Nguyễn Du, đặc biệt thời trẻ ở giai đoạn “Thập tải phong trần” (U cư), khiến tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu. Cho đến giờ, có một xu hướng chung là cứ tạm quên đi “cho lành”, hay cứ tin vào những gì sử sách đã nói: trong “mười năm gió bụi” ấy, Nguyễn Du của chúng ta chỉ quanh quẩn ở Thái Bình – Thăng Long – Hà Tĩnh; và quan niệm chính thống đã thành một nếp hằn sâu trong giới nghiên cứu chuyên nghiệp là: Nguyễn Du chỉ “Bắc hành” có một lần khi ông thực thi công vụ Chánh sứ vào năm 1813, không có lần “Bắc hành” nào khác; và ông đã ghi lại hành trình đi sứ đó trọn trong tập Bắc hành tạp lục.

Nhưng khi có dịp nghiền ngẫm tập Bắc hành tạp lục (và cả tập Thanh hiên thi tập) tôi nhận thấy có nhiều bài trong hai tập đó viết về những địa danh lịch sử, những nhân vật lịch sử Trung Quốc lại không hề nằm trên lộ trình Bắc sứ quen thuộc mà một số vị sứ thần nước ta thời Nguyễn Du như Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Oánh, Đoàn Nguyễn Tuấn đã mô tả tỷ mỷ nơi chốn, hành trạng của các sứ đoàn, vẽ cả bản đồ, như “Hoàng hoa sứ trình đồ” và nhật ký hành trình Phụng sứ Yên Kinh tổng ca của ông Nguyễn Huy Oánh, như tập ghi chép dày dặn Bắc sứ thông lục của ông Lê Quý Đôn – cho thấy cái lộ trình được quy định nghiêm ngặt giữa hai quốc gia phong kiến mà chính sứ đoàn Nguyễn Du cũng đã đi! Vậy là sao?

Gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền viết: trong giai đoạn “Thập tải phong trần”, Nguyễn Du về quê vợ ở Thái Bình để sống đời gió bụi giang hồ, thì có thể tin được không? Nguyễn Hành, một trong "An Nam ngũ tuyệt" của thi ca đương thời cùng Nguyễn Du, đã đánh giá một cách chính xác, công bằng về tài năng văn chương kiệt xuất cùng thân phận long đong của chú mình kể từ giai đoạn “Thập tải phong trần khứ quốc xa” đó, đáng chú ý nhất là hai câu: Giang hồ lang miếu nhiêu song thích/ Thi họa cầm thư thiện tứ công. Giang hồ, long miếu hai điều đủ/ Thi họa cầm thư bốn nghệ tinh. Thướng thúc phụ Đông các học sĩ. Quan Đông hải). Chính Nguyễn Du trong thơ chữ Hán miêu tả mình đã sống giang hồ thực sự, với biệt danh Chí Hiên, đội mũ vàng của nhà sư và với cái túi rỗng không lang thang trên các sông của vùng Giang Bắc, Giang Nam, thăm các hồ lớn Trung Quốc như Động Đình Hồ, Thái Hồ, nhiều lần một mình lặng đứng trước dòng Tương giang vùng Hồ Nam tựa nấm mồ lớn mang oan hồn Khuất Nguyên, đã trải qua nhiều địa danh sông ngòi, đất đai không có ở Việt Nam và cũng không nằm trong lộ trình “Bắc sứ” (mà khi dịch thơ, khảo chú, các nhà nghiên cứu bậc thầy của ta đã lờ đi các chú thích, hoặc chú thích sai một cách vô tình hay cố ý chỉ vì thiếu tư liệu chính xác, ví dụ trong bài Lưu biệt Nguyễn Đại Lang của Thanh hiên thi tập, câu hẹn giữa hai người: “Tương kiến tại Trung Châu” – sẽ gặp nhau ở Trung Châu; Trung Châu này là ở đâu đã không được chú thích hoặc cho là “chỉ Bắc Hà”, còn tên “Nguyễn Đại lang” thì chỉ có dòng chua: “Ông bạn họ Nguyễn. Chưa rõ là ai” [1], v.v.).

Thực tế, theo Lê Quý Kỷ sự (Nguyễn Thu), Nguyễn Đại lang chính là Nguyễn Đăng Tiến, cũng tức là Cai Già trong Lịch Triều Tạp Kỷ (Ngô Cao Lạng), Cai Gia trong Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia văn phái): ông tước Quản Vũ Hầu, nguyên là quyền Trấn thủ Thái Nguyên cùng Nguyễn Quýnh (Sĩ Hữu) và Nguyễn Du khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Tư Nông thất bại, bị bắt giải về cho Vũ Văn Nhậm. Sau được Nhậm tha, cả ba người lên đường đi Vân Nam, họ đến nơi có “Cảnh tuyết, lá vàng bốn mùa, tiếng tù và” (Thu chí); “Gió tây thổi rơi chiếc khăn đen nhỏ” (U cư), “trưởng giả ăn mặc còn theo nhà Hán, không theo lịch nhà Tần” (Sơn thôn), v.v.

Với những băn khoăn, suy ngẫm như thế, tôi rất sung sướng khi được đọc một loạt bài của ông Phạm Trọng Chánh trên vanhoanghean.com.vn chimvietcanhnam kể lại: ông đã khảo sát sơ sơ một số bài thơ đi sứ năm 1813 và thơ được sáng tác trong thời giang hồ của Nguyễn Du (1787-1790) – sau khi đi thực địa tại một vài địa điểm Trung Quốc và có đôi kiến giải khá thuyết phục. Nhà nghiên cứu Hoàng Khôi trên cơ sở phát hiện này đã phát triển thành cả một tiểu thuyết lịch sử Trên đường gió bụi, và nhà nghiên cứu Lê Khắc Huy cũng trăn trở đào sâu thêm về những phát hiện ban đầu đó của ông Phạm Trọng Chánh. Riêng tôi đã nghiền ngẫm về những bài thơ cụ thể có viết về con người, lịch sử, thiên nhiên Trung Quốc mà không nằm trong lộ trình “Bắc sứ” của Nguyễn Du, tìm thêm nhiều bài “ẩn khuất” nữa ở hai tập thơ Bắc hành tạp lụcThanh hiên thi tập – dưới góc độ bình giải văn chương tương đối kỹ lưỡng (trong mấy tiểu luận viết về các bài thơ như U cư, Sơn thôn, Tần Cối tượng, Vương Thị tượng, Tương Đàm điếu Tam Lư Đại phu, Phản chiêu hồn, Biện giả, Tương Âm dạ, Thương Ngô trúc chi ca, Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ, Dương phi cố lý, Hán Dương vãn diểu, Bùi Tấn Công mộ, Phân Kinh Thạch Đài, v.v.).

Theo ông Phạm Trọng Chánh, vào năm 1790, sau ba năm đi giang hồ khắp các con sông "Giang Bắc, Giang Nam cái túi không" và thăm các thắng cảnh Trung Quốc, Nguyễn Du đã đến thăm mộ Nhạc Phi. Trước đó, ông cùng Nguyễn Sĩ Hữu và người anh kết nghĩa sinh tử là Nguyễn Đại Lang, cùng bị tướng Tây Sơn bắt rồi cùng được tha, họ đi Vân Nam, sau đó đến Liễu Châu. Tại đây, ba người chia tay, Sĩ Hữu về nước, Nguyễn Du tiếp tục giang hồ ở Trung Quốc, Nguyễn Đại Lang về thăm quê cũ ở Việt Đông (Quảng Đông nay) và hẹn hai năm sau gặp lại Nguyễn Du tại Trung Châu, điểm hẹn là Đền Nhạc Phi, Giang Nam. Nơi đây, Nguyễn Du lúc rảnh rỗi chờ đợi đã viết 5 bài thơ: một bài về Nhạc Phi và tới 4 bài về vợ chồng Tần Cối. Luận điểm của ông Phạm Trọng Chánh đúng sai đến đâu, chúng tôi không dám lạm bàn, chỉ dựa vào một thực tế là đã có 5 bài thơ như vậy viết tại Đền Nhạc Phi (được tạm xếp trong tập Bắc hành tạp lục).

Tôi đã viết mấy tiểu luận về các bài thơ “không nằm trên đường đi sứ” này; trong đó có một tiểu luận về “Tần cối tượng”, “Vương thị tượng” Nguyễn Du viết tại Đền Nhạc Phi [2], ở đây chỉ xin được nói về một bài thơ viếng Nhạc Phi để góp phần làm sáng tỏ vấn đề đã nêu.

NHẠC VŨ MỤC MỘ

Trung nguyên bách chiến xuất anh hùng,

Trượng bát thần thương, lục thạch cung.

Tướng phủ dĩ thành tam tự ngục.

Quân môn do tích thập niên công.

Giang hồ xứ xứ không Nam Quốc,

Tùng bách tranh tranh ngạo Bắc phong.

Trướng vọng Lâm An cựu lăng miếu

Thê Hà sơn tại mộ yên trung.

岳武穆墓

中原百戰出英雄,

丈八神鎗六石弓。

相府已成三字獄,

軍門猶惜十年功。

江湖處處空南國,

松柏錚錚傲北風。

悵望臨安舊陵廟,

栖霞山在暮煙中。

MỘ NHẠC VŨ MỤC

Ông là vị anh hùng xuất hiện trong trăm trận đánh ở Trung Nguyên, với chiếc thương dài trượng tám, và chiếc cung giương nặng sáu thạch. Ở tướng phủ người ta ghép tội ông bằng cái án ba chữ: tam tự ngục. Trong quân còn tiếc công ông mười năm trời. Sông hồ còn đó, nhưng anh hùng mất rồi, nước Nam Tống rỗng không. Cây tùng cây bách vẫn ngạo nghễ trước gió bão Bắc phương. Buồn trông về lăng miếu cũ ở Lâm An. Núi Thê Hà chìm trong khói chiều.

Vương Trọng dịch thơ:

Thương dài, cung nặng vẫy vùng

Trung Nguyên trăm trận, anh hùng xuất danh

Án ba chữ, tướng phủ hành

Mười năm luyện trận trở thành uổng công

Sông hồ còn, Nam Tống không

Coi thường gió lạnh, bách tùng lao xao

Vọng Lâm An, lăng miếu đâu

Khói chiều mờ mịt, chìm sâu Thê Hà.

Đỗ Trung Lai dịch thơ:

Cung sáu thạch. Trượng tám thương

Anh hùng trăm trận giữa Trung Nguyên

Tể tướng sàm tuyên “Án ba chữ”

Vứt đi công tích chục năm trường!

Sông hồ Nam Tống, trung lương hết

Tùng bách còn đây ngạo Bắc phương

Lăng miếu Lâm An, buồn trông lại

Thê Hà, bóng núi khuất trong sương!

Hai câu đề vẽ ngay ra, tựa khắc vào đá những chiến tích và sự dũng cảm vô song của người anh hùng xuất hiện trong trăm trận đánh ở Trung Nguyên, với hai vũ khí từng khiến giặc kinh hồn là chiếc thương dài trượng tám, và chiếc cung giương nặng sáu thạch: Trung nguyên bách chiến xuất anh hùng/ Trượng bát thần thương, lục thạch cung.

Từ đó, tác giả đi tới hai câu thực, lý giải thực chất tấn bi kịch đau đớn của người anh hùng một cách súc tích, chất chứa nỗi căm giận của tác giả về một vụ án đầy oan khuất và sự bất công ngút trời: Tướng phủ dĩ thành tam tự ngục/ Quân môn do tích thập niên công. Ở tướng phủ người ta ghép tội ông bằng cái án ba chữ: tam tự ngục. Khi Tần Cối khép Nhạc Phi vào tội tử hình, đại tướng Hàn Thế Trung hỏi: Có tội gì? Cối trả lời: Mạc tu hữu (Chẳng cần có). Nguyễn Du mượn người khác thay mình đánh giá: Trong quân còn tiếc công ông mười năm trời! Đó là mười năm của một viên tướng can đảm, hiểu biết chiến thuật, ít quân hơn mà đánh thắng quân Kim 126 trận lớn nhỏ. Ông đã giành lại được lãnh thổ phía Nam sông Dương Tử và sông Hoài cho Nam Tống, được phong làm Đại Nguyên soái.

Liên 2 này kể mà như một tiếng than, một lời thở dài trĩu buồn kéo dài tới liên 3: Giang hồ xứ xứ không Nam Quốc/ Tùng bách tranh tranh ngạo Bắc phong – Sông hồ còn đó, nhưng anh hùng mất rồi, nước Nam Tống rỗng không! Nhưng cây tùng cây bách vẫn hiên ngang ngạo nghễ trước gió bão. Hai câu luận đã khảng khái vạch ra cái sự thật đắng ngắt và đau đớn khi đất nước ấy mất Nhạc Phi cũng tựa mất hết người anh hùng, mất hết cây cột trụ chống đỡ giang san, chỉ còn lại lũ người hèn hạ, và chốn chốn miền giang hồ ấy dường cũng chẳng còn nước Nam nữa! Có điều, trong thảm cảnh ấy, anh linh và uy vũ người anh hùng vẫn còn sừng sững như Tùng Bách bất chấp phong ba bão táp tới muôn đời sau! Cái hình ảnh tượng trưng đầy bi tráng này khiến thi hào dường nhòa lệ, và có thể ông đã nhớ tới những dòng thơ bi phẫn của Nhạc Phi: Giận tóc dựng ngược/ Đứng tựa lan can/ Mưa hiu hắt ngừng/ Mở mắt trừng lên/ Nhìn trời hú lớn/ lòng trai khích động/ Ba mươi tuổi công danh như bụi đất/ Tám ngàn dặm đường chỉ mây và trăng/ Đừng chờ đợi uổng công/ Để đầu xanh bạc trắng/ Da diết khắp trời buồn (Mãn Giang Hồng)[3]. Một bầu nhiệt huyết ái quốc trung quân nóng bỏng đến thế mà bị những trái tim đen ngòm đầu độc, hãm hại thê thảm! Phải chăng cái hình ảnh mái đầu xanh bạc trắng ôm niềm bi thống kia đã gợi Nguyễn Du liên tưởng tới khát vọng của bản thân, suốt một thời tuổi trẻ Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên, và cũng góp một phần thi hứng – thi liệu cho người nghệ sĩ sau này sẽ dựng nên người anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, dọc ngang nào biết trên đầu có ai là Từ Hải trong kiệt tác Đoạn trường tân thanh?

Với xúc cảm ấy, nhà thơ Buồn trông về lăng miếu cũ ở Lâm An : Trướng vọng Lâm An cựu lăng miếu/ Thê Hà sơn tại mộ yên trung. Bên ngọn núi Thê Hà và đền miếu mộ tượng cùng bản thân mình đang chìm trong khói chiều, ông buồn trông về lăng miếu xưa cũ, nhìn vào dĩ vãng xa xăm, trầm ngâm suy tưởng về sự hưng phế của các triều đại và bâng khuâng trước bao lẽ đời phải trái, bao nghịch lý ngổn ngang của “miền sinh ký” vẫn đầy rẫy “rắn rồng, hổ báo” độc ác…

Các ông Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Hoàn và Mai Quốc Liên đều đoán/ khẳng định rằng Nguyễn Du có đến Lâm An; song phần đông các nhà nghiên cứu khác đã từ câu Trướng vọng Lâm An cựu lăng miếu mà suy rằng: Lâm An là kinh đô Nam Tống nằm bên sông Tiền Đường, thuộc Hàng Châu, nên Nguyễn Du không tới Lâm An mà chỉ đứng từ xa mà “trướng vọng”, nên câu Thê Hà sơn tại mộ yên trung trong mạch suy đó vẫn thường được dịch là: Thấy núi Thê Hà chìm trong khói chiều.

Nhưng theo thiển ý của tôi, “Trướng vọng” ở đây là nhìn vọng về kinh đô cũ Lâm An, không phải là cái nhìn địa lý mà là cái nhìn về quá khứ lịch sử. Và hãy thử xét về mặt địa lý đơn thuần, từ miếu Nhạc Phi bên Tây Hồ tới cố cung Nam Tống nằm bên sông Tiền Đường có một khoảng cách vài chục cây số! Hơn nữa, không thể cố chấp coi “Trướng vọng” chỉ có nghĩa là nhìn từ xa, rất xa. Ngay ở trên đất Lỗi Dương huyện Hành Dương tỉnh Hồ Nam, nơi Đỗ Phủ mất trên một con thuyền ở thượng du sông Tương, sau đó được xây ngôi mộ giả tưởng niệm tại bờ sông, thế mà Nguyễn Du cũng vẫn nói “Trướng vọng Lỗi Dương”: Thiên chu giang thượng đa thu tứ/ Trướng vọng Lỗi Dương nhật mộ vân (Ta thả chiếc thuyền con trên sông, thu tứ dào dạt – Buồn vọng trông đám mây chiều trên đất Lỗi Dương. Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ). Ông vọng về cái đám mây chiều ngày Đỗ Thiếu Lăng qua đời trên đất Lỗi Dương. Trong Nhạc Vũ Mục mộ cũng vậy, Nguyễn vọng về cựu lăng miếu Lâm An ngày nước Nam Tống không còn người anh hùng nào như Nhạc Phi nữa, bị rơi vào tay người Kim, vua bị bắt. Nếu vậy thì câu kết sẽ cần hiểu là: Lúc này, núi Thê Hà chìm trong khói chiều như cùng nhà thơ tưởng niệm cho một quá khứ đau buồn của đất nước Nam Tống.

IMG_1456

Tranh vẽ Nhạc Vũ Mục trong Đền Nhạc Phi – Hàng Châu, nơi có mộ của hai bố con ông. Phía sau Đền là núi Thê Hà.

Trong Hội thảo Quốc tế về Nguyễn Du năm 2015 tại Hà Nội, qua một bản tham luận, tiến sĩ Nhật Nohira Munehiro có khẳng định: “Nếu theo dõi cuộc hành trình đi sứ của Nguyễn Du thì chúng tôi có thể đoán rằng mộ của Nhạc Phi ở Hà Nam hoặc Hà Bắc, và Nguyễn Du ghé qua mộ ấy trên đường đi Bắc Kinh. Sách Minh nhất thống chí, địa chí Trung Quốc, xác nhận rằng ở Thang Âm, tỉnh Hà Nam, tức là nơi sinh của Nhạc Phi, có ngôi miếu của Nhạc Phi… Tôi chưa bao giờ đến đó, nhưng trên mạng Internet có những trang giới thiệu miếu Nhạc Phi ở Thang Âm, tỉnh Hà Nam và cũng xác nhận rằng ở miếu đó có tượng Tần Cối và tượng Vương thị” [4].

IMG_1444

Tây Hồ ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Giang Nam. “Tây hồ” trong bài thơ Độc Tiểu Thanh ký (Thanh Hiên thi tập): Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư. Vườn hoa bên Tây hồ đã thành bãi hoang rồi, chính là địa danh này.[5]

  Đó là một ý kiến cũng đáng chú ý; song vì chưa tận mắt nhìn thấy tượng sắt vợ chồng Tần Cối mà trang mạng đã xác nhận (bản thân Nohira Munehiro cũng chưa đến đó, cũng chưa được nhìn thấy dù là qua ảnh), nên tôi tạm đồng tình với ý kiến của ông Phạm Trọng Chánh, và chờ thời cơ có dịp đến Thang Âm, tỉnh Hà Nam để mục sở thị và chiêm ngưỡng tượng vợ chồng gian thần. Nhưng dù tại đó có miếu Nhạc Phi và tượng Tần Cối, Vương thị, cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn đấy là nơi sứ thần Nguyễn Du đã đi qua và làm 5 bài thơ nói trên. Là người cũng có tham luận tại Hội thảo trên, sau khi chứng kiến tiến sĩ Nhật thuyết trình trên màn hình, tôi đã định hỏi anh một câu “hóc”: “Thế ở Thang Âm – Hà Nam có núi Thê Hà không?”; nhưng đã không hỏi, vì muốn giữ thể diện cho anh! [5]. 

Sau này, vào năm 1813 trên đường đi sứ (từ 9-8 đến 22- 8 năm Quý Dậu) Nguyễn Du đi qua Yển Thành tỉnh Hà Nam, nơi Nhạc Phi từng đóng quân và viết bài thơ sau:

YỂN THÀNH NHẠC VŨ MỤC BAN SƯ XỨ

Đương thời tằng trú Nhạc gia quân,

Thử địa kinh kim hữu chiến trần.

Đại tướng không hoài bang quốc sỉ,

Quân vương dĩ tuyệt phụ huynh thân.

Kim bài thập nhị hữu di hận,

Thiết kỵ tam thiên không mộ vân.

Huyết chiến thập niên thành để sự,

Phong Ba Đình hạ tạ Kim Nhân.

郾城岳武穆班處

當時曾駐岳家軍,

此地經今有戰塵。

大將空懷邦國恥,

君王已絕父兄親。

金牌十二有遺恨,

鐵騎三千空暮蕓。

血戰十年成底事,

風波亭下謝金人。

YỂN THÀNH NƠI NHẠC VŨ MỤC RÚT QUÂN

Thời bấy giờ quân của Nhạc tướng công từng đóng quân ở đây. Vùng đất này từ xưa đến nay đã từng trải qua bao cát bụi chiến trận. Đại tướng luống mang nỗi sỉ nhục của đất nước. Nhưng nhà vua (Tống Cao Tông) đã dứt bỏ tình thân với cha và anh đã bị quân Kim bắt. Mười hai tấm thẻ bài để lại nỗi hận. Ba ngàn quân thiết kỵ chỉ còn lại đám mây chiều. Mười năm huyết chiến để làm nên cái việc: Bị giết ở Phong Ba Đình để triều đình tạ tội với người Kim (Phong Ba Đình là một đình trong ngục Đại Lý Tự nơi Nhạc Phi và con trai bị giết, nay còn di tích ở Hàng Châu).

Đỗ Trung Lai dịch thơ:

Nơi Nhạc gia quân từng lập doanh

Bao đời ngập ngụa bụi chiến tranh

Đại soái đau lòng mang quốc nhục

Vua nhà quên cả nghĩa cha anh

Một tá kim bài, thiên cổ hận

Ba ngàn thiết kỵ bỏ biên thành

Huyết chiến mười năm không thành việc

Bó tay chết giữa Phong Ba đình!

Bài thơ này, chắc chắn là được Nguyễn Du viết trên đường đi sứ – lần “Bắc hành” chính thức của ông được ghi trong sử sách.

Và một điều cũng có thể khẳng định chắc chắn như thế, là 5 bài thơ viết tại Đền Nhạc Phi – trong đó có bài Nhạc Vũ Mục mộ đã không được Nguyễn Du viết trong khi làm quan Chánh sứ! Cùng với vài chục bài thơ khác viết về đề tài vịnh sử Trung Hoa, miêu tả thiên nhiên, đời sống Trung Hoa lại không nằm trên đường đi sứ, vậy phải chăng Đại thi hào của chúng ta nhất định đã có một lần “Bắc hành” khác nữa?

Đó là một vấn đề lớn, tôi xin được bàn tiếp vào những dịp khác. Chỉ xin nói thêm: cũng từ những suy ngẫm và cảm xúc về mảng thơ này của Nguyễn Du, tôi nảy ra ý định làm một bộ phim tài liệu khoa học tương đối quy mô; tôi đã tìm đọc thêm một số sách địa lý, lịch sử và xây dựng một scénario tương đối chi tiết, để có dịp thuận lợi sẽ cùng với hai người bạn “đồng tâm” là các nhà nghiên cứu Hoàng Khôi và Lê Khắc Huy sang Trung Quốc “Tìm lại dấu vết của Nguyễn Du lần Bắc hành thứ nhất” bằng phim ảnh, nhằm tôn vinh Đại thi hào một cách sâu rộng hơn và góp phần giải một “nghi án” văn chương – lịch sử tồn đọng suốt gần thế kỷ nay…

IMG_1401

Một cảnh tiêu biểu ở Giang Nam

Tài liệu tham khảo:

[1] Trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Lê Thước, Trương Chính biên soạn (In lại theo bản 1965), Nxb Văn học HN, 2012, tr.61.

Còn trong Nguyễn Du – Toàn tập, tập 2, Mai Quốc Liên – Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, giải thích, Nxb Văn học HN, 2015, thì có thêm ba bài Biệt Nguyễn Đại lang, nhân vật “Nguyễn” này cũng được chua: “Chưa rõ là ai” và chữ “Đại lang” được giải thích: “Theo Trung văn đại từ điển (Đài Bắc) có nghĩa “tiên thiên” (tiên trên trời)… Phải chăng đây là tên hiệu có tính cách tự tôn bông đùa của một người thơ ở “lều cỏ”, một ẩn sĩ muốn xa đời thường…” (tr.130). Chữ “Trung Châu” ở sách này được giải thích là khu trung tâm về mặt chính trị, trong thơ, chỉ Bắc Hà (tr.131).

[2] Xin tham khảo : – Thơ chữ Hán Nguyễn Du viết về Khuất Nguyên trong mảng thơ đi sứ vùng Hồ Nam (Trung Quốc): http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tho-chu-hn-nguyen-du-viet-ve-khuat-nguyn-trong-mang-tho-di-su-vng-ho-nam-trung-quoc/

– Nguyễn Du với người đẹp Dương Quý Phi: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nguyen-du-voi-nguoi-dep-duong-qu-phi/

Nguyễn Du – người Việt Nam đầu tiên đã tìm cách “thoát Trung”: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nguyen-du-nguoi-viet-nam-dau-tin-d-tm-cch-thot-trung/

– Những tượng – mộ ô nhục (thơ chữ Hán Nguyễn Du viết bên mộ Nhạc Phi): http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nhung-tuong-mo-nhuc-tho-chu-hn-nguyen-du-viet-bn-mo-nhac-phi/

[3] Nguồn: thivien.net – Bản dịch của Phan Lang.

[4] Di sản văn chương Đại thi hào Nguyễn Du: 250 năm nhìn lại. Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam & Viện Văn học. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, tr.283 – 290 (“Một giả thiết khác về hành trình đi sứ của Nguyễn Du năm 1813 – 1814”). Còn trong “Niên biểu dòng họ Nguyễn Du”, có trích bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn: “Hồi ức chuyến đi sưu tầm tài liệu Nguyễn Du ở Trung Quốc”, ông kể lại: một nhà nghiên cứu Trung Quốc nổi tiếng khẳng định: “Theo tôi, một người sinh sống lâu năm ở Hàng Châu thì bài Độc Tiểu Thanh ký không thể bó buộc chúng ta phải hiểu là tác giả đã đến Tây hồ, đối cảnh sinh tình mà làm ra. Đây chỉ là từ xa ngưỡng vọng về Tây hồ. Còn bài Nhạc miếu thì ở Hà Nam cũng có một Nhạc miếu và tượng Tần Cối giống như ở Hàng Châu” (Nguyễn Du toàn tập – tập 2, Mai Quốc Liên & Vũ Tuân Sán dịch nghĩa – chú thích. NXB Văn học 2015, Hà Nội, tr.748).

[5] Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc đều nói rằng: Nguyễn Du ở một nơi nào đó đã “trướng vọng” tới Tây hồ để khóc nàng Tiểu Thanh có mộ bên núi Cô Sơn. Còn theo chúng tôi, Nguyễn Du trong dịp tới Giang Nam lần “Bắc hành” lần đầu, cũng đã có dịp tới viếng mộ Tiểu Thanh.

[6] Chỉ ở Hàng Châu – Giang Nam mới có núi Thê Hà, thời cổ đại gọi là Nhiếp Sơn, là "di tích nổi tiếng của 6 triều đại", một trong "48 cảnh đẹp của Kim Lăng" trong thời nhà Minh; hoàng đế Càn Long có 6 lần đến Giang Nam và 5 lần dừng chân nghỉ ở núi Thê Hà (Theo: https://travelmag.vn/ngan-ngo-truoc-ve-dep-cua-nui-the-ha-giua-rung-la-phong-do-ruc-d10758.html). Xin xem thêm ý kiến của một nhà nghiên cứu chê trách ông Phạm Trọng Chánh là nhà nghiên cứu “tay ngang”, rồi sau đó dẫn ra bài của TS. Nohira Munehiro để làm luận chứng: http://www.vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/636-mot-gia-thiet-khac-ve-hanh-trinh-di-su-cua-nguyen-du-nam-1813-1814.

Comments are closed.