Về tiểu thuyết “Mối Chúa”

Lại Nguyên Ân


Đề tên thể loại là “tiểu thuyết” thì Mối Chúa hiển nhiên là truyện hư cấu. Đọc vào truyện thì thấy, đây còn có những nét của sáng tác viễn tưởng, không tưởng nữa! Ở cái địa phương xảy ra việc thu hồi đất làm sân gôn, chỉ có ông Huyện trưởng thôi, đâu có những Chủ tịch, Bí thư, Trưởng Công an như trong thực tế các địa phương ở nước ta hiện nay?

Đây không phải ký sự hay phóng sự, không phải văn tả thực để đám dư luận viên cao cấp rầy la về sự ám chỉ này nọ.

Theo tôi, tiểu thuyết Mối Chúa không đáng ngại đến mức phải đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung như công văn của Cục Xuất bản (ngày 13/9/2917) cho thấy.

Tôi cho rằng nếu cứ để phát hành bình thường, sách Mối Chúa tuy có được chú ý bởi một số thành phần độc giả nhất định, nhưng sẽ không trở thành hiện tượng để được săn lùng mua hay tìm đọc.

Hãy tin rằng lớp công chúng 17-25 tuổi hiện vẫn chủ yếu đang dồn tiền nuôi các dịch giả và tác giả sách ngôn tình, chưa chắc đã lưu ý đến những sách kể những chuyện như trong Mối Chúa.

Những đại gia đang lo tìm kiếm thêm nhiều đất làm vốn kinh doanh tất sẽ không thích những sách như Mối Chúa, nhưng loại người này ít đọc sách, vả lại họ vốn không tin gì lắm vào sức tác động bằng ngòi bút của những người viết truyện hư cấu. Nếu có chút lo ngại, họ sẽ tính tới những nhà báo, những tòa soạn chú tâm làm và đăng những phóng sự ký sự về những sự kiện có thể gây chấn động.

Những nông dân đang lo mất đất ở đất sản xuất vì các thứ dự án, trong tiềm năng có thể quan tâm những sách như Mối Chúa, nhưng họ sẽ thấy cái họ cần hơn là những ký sự, phóng sự điều tra, vạch mặt chỉ tên những người và thế lực đang đe dọa cuộc sống trực tiếp của họ.

Tóm lại, hãy yên tâm đối xử với sách Mối Chúa như tiểu thuyết hư cấu.

Có vẻ như Mối Chúa không phải nhan đề đích thực của câu chuyện chính, mà chỉ là nhái lại cái tên một tiểu thuyết khác, đã được tác giả nào đó viết ra rồi; thiên tiểu thuyết ấy kể về cuộc đời, về việc kinh doanh của người bố của nhân vật xưng “Tôi”, nhưng “Tôi” cho là trong cuốn ấy có nhiều chỗ viết không đúng về bố anh ta; vậy là anh ta viết chừng 20 đoạn “Tường thuật”, kể những việc mình đang làm ở công ty mà mình kế tục bố làm giám đốc điều hành. Xen giữa các đoạn tường thuật ấy là một số đoạn trích lại từ cuốn tiểu thuyết Mối Chúa kể trên.

Xét về thể thức kể chuyện thì Mối Chúa là như vậy.

Còn về đường dây câu chuyện thì tựu trung toàn truyện xoay quanh hai sự kiện chính: việc thu đất làm sân gôn hiện tại, và vụ thu đất làm nhà máy thép mà ông bố đã thực hiện trong nhiều năm trước. Người bố là giám đốc điều hành công ty đang vất vả bắt tay vào dự án thu hồi đất làm sân gôn thì ông bệnh nặng rồi chết. Con trai ông vừa du học về được giao thay bố tiếp tục công việc. Để đối phó với dân làng Đồng xã Hoàng, nơi mà đất đai sẽ bị thu hồi, nhân vật “Tôi” xúc tiếp với những người như Huyện trưởng, kẻ sẵn sàng dùng mọi biện pháp, kể cả cưỡng chế bằng vũ lực, để giải phóng mặt bằng, với những tính toán riêng; trong khi đó dân làng mà tiêu biểu là Xã trưởng, cương quyết giữ đất sản xuất, sẵn sàng liều thân mình để giữ mảnh đất từ cha ông tiền tổ.

Nhưng, đối phó với nông dân chỉ là một mặt của người điều hành công ty; còn một mặt khác nữa là cái dự án sân gôn họ đang tìm cách giải phóng mặt bằng ấy, hóa ra vẫn chỉ là ý đồ của chủ đầu tư và của tay Huyện trưởng, chứ chưa hề có giấy phép chính thức. Nhân vật “Tôi” loay hoay tìm cách tiếp cận một nhân vật rất thế lực, được gọi là Mr. Đại, vì qua nhận xét từ nhiều người khác nhau, anh tin rằng đó là người có siêu quyền lực, có thể đảm bảo dự án sân gôn còn trên giấy kia được phê duyệt cấp phép chính thức. Nhân vật “Tôi” tìm gặp một kẻ môi giới, hắn cùng anh ta tìm cách đột nhập những địa chỉ vào những thời khắc mà may ra có thể tiếp cận Mr. Đại. Cuối cùng, kẻ môi giới kia tiếp cận được một nhân vật mà y tin chắc là Mr. Đại, nhưng chính lúc ấy nhân vật kia nhận được cuộc gọi từ ai đó mà qua cử chỉ của hắn thì rõ ra người gọi tới ấy còn nhiều thế lực gấp ngàn lần hắn ta. Vỡ mộng vì không tìm được Mr. Đại, kẻ môi giới lâm trọng bệnh rồi chết, (thực ra sau sẽ rõ là y bị sát hại).

Vấp váp trong xung đột với dân làng Đồng, nhân vật “Tôi” tìm tới nơi mà bố anh đã thực hiện thành công dự án nhà máy thép. Anh được thấy một vùng đất bị ô nhiễm nặng nề do nhà máy thép gây ra. Anh cũng được biết những xử lý bất nhân, tàn bạo, của công ty bố anh đối với dân làng, đặc biệt là thủ đoạn trấn áp người được dân coi là thủ lĩnh. Điều đình, tống tiền không xong, họ bắt cóc ông, tra tấn ông đến bán thân bất toại, khiến vợ ông lo lắng rồi lâm bệnh chết để lại đứa con gái nhỏ. Anh dần dần biết, bố anh mang một nỗi ân hận lớn từ vụ việc ấy, đến mức muốn đưa tiền để ông bố tật nguyền nuôi cô gái nhỏ; và mẹ anh thì hiểu ra nỗi ân hận của chồng, cũng kín đáo chăm sóc cô gái kia. Nhưng cô gái lớn lên, đi học đại học luật và dấn thân vận động dân quê bảo vệ môi trường, chống các dự án công nghiệp, vừa chiếm đất trồng trọt của dân, vừa gây ô nhiễm môi trường sống. Anh đã tình cờ gặp cô về vận động chống lại chính dự án sân gôn mà công ty anh đang triển khai. Anh cảm thấy mến, thấy yêu người con gái kia.

Dần dà, trong nội bộ công ty, nhân vật “Tôi” nhận ra bàn tay chỉ huy của những “papa”, tức những bố già, vốn là những cổ đông lớn, lại có nhiều quan hệ với các nhân vật thế lực trên chính trường, chính họ điều khiển anh. Trong số này nổi lên một kẻ được gọi là Mối Chúa, nhân vật của cuốn tiểu thuyết Mối Chúa bản chính mà anh ta từng đọc. Anh dần dần tin rằng Mối Chúa chính là kẻ đã ký tên Mr. Đại trong một bức thư gửi cho anh vào ngày anh ngồi vào vị trí thay bố mình. Rồi chính bố già này công nhiên lộ mặt với anh tại văn phòng công ty, cho anh ta biết giải pháp cho dự án sân gôn của y là sẽ thủ tiêu cô sinh viên luật. Anh ta quyết bảo vệ cô, và âm thầm lập hồ sơ tội lỗi của Mối Chúa. Nhờ người lái xe vốn là trợ thủ đắc lực của bố, vụ bắt cóc thủ tiêu đã bị chặn lại, cô gái được giải thoát. Rồi chính mâu thuẫn riêng của tên vệ sĩ của Mối Chúa với ông chủ đã khiến y bị hắn giết chết. Nhân vật “Tôi” hiểu kết cục đó không phải do người mà là do trời!

Trở lên là tóm tắt diễn tiến câu chuyện Mối Chúa, có thể còn sót hoặc có chỗ lầm, bởi người viết những dòng này mới chỉ đọc lướt một lần.

Nếu đề cập sự liên hệ giữa câu chuyện hư cấu này với thực trạng xã hội Việt Nam hiện tại thì đương nhiên, ở đây ta nghe thấy rõ tiếng nói của nhà văn trước thực trạng một quá trình công nghiệp hóa hung bạo đang tàn phá xã hội, trước hết là nông thôn Việt Nam, đẩy người nông dân vào cảnh bần cùng hóa, đồng thời tàn phá đầu độc môi trường sống tự nhiên. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty Nhã Nam hoàn toàn có lý để giới thiệu cuốn truyện hư cấu này bằng những lời lẽ in ngay ở bìa sau cuốn Mối Chúa:

“Thông qua cuộc tìm kiếm ly kỳ nhân vật quyền lực đứng đằng sau tất cả các dự án động trời, các hợp đồng béo bở, tiểu thuyết MỐI CHÚA tái hiện những vấn đề nóng bỏng của xã hội đương thời: công nghiệp hóa và sự tan vỡ của nông thôn, hình ảnh những bố già quyền lực, thế lực bóng tối, lòng tham và sự bất chấp pháp luật, đạo lý, thân phận của những người nông dân thấp cổ bé họng… Những trang văn trần trụi của tác giả không khỏi mang lại cảm giác ớn lạnh và chua chát, và đặt câu hỏi: Chúng ta có thể làm được gì ?”

Đứng về mặt nghệ thuật tiểu thuyết, giới phê bình hẳn sẽ nhận ra nhiều thành công và cả những mặt gây thất vọng của tác giả Mối Chúa. Tôi chỉ nhận xét ở ngòi bút Tạ Duy Anh lối viết truyện gần với tự sự truyền thống vẫn trội hơn những ứng dụng hiện đại (và hậu hiện đại). Thủ pháp hai văn bản song hành ở đây ít gây ra những chênh lệch đến mức chọc tức suy đoán của người đọc; có vẻ như Mối Chúa bản phụ vẫn lấn át gần hết Mối Chúa bản chính.

Thế nhưng, theo tôi, đáng tiếc nhất lại ở sự xử lý câu chuyện. Chỉ xin nêu hai điểm.

Thứ nhất, tác giả đã quá sớm để lộ danh tính thật của nhân vật Mr. Đại, rồi đồng nhất y với ngài có tên Mối Chúa. Đó là một sự cố nghệ thuật khiến tầm mức câu chuyện bị thu hẹp hẳn lại, chỉ còn như những quan hệ tranh đoạt vị trí trong nội bộ một tập đoàn kinh tế. Thử ngẫm lại hàng loạt thông tin và dư luận về những vụ việc thu hồi mặt bằng làm các dự án lớn nhỏ xảy ra trong vòng vài chục năm trở lại, ta sẽ thấy chủ mưu chính cống là lực lượng nào, nằm ở đâu. Đương nhiên nhà văn Tạ Duy Anh biết rõ điều đó, và anh không dám đẩy câu chuyện đến giới hạn nguy hiểm.

Thứ hai, tôi vẫn tiếc vì ở các bức tranh nông thôn ở đây vẫn còn thiếu một yếu tố gì đó có thể khiến người đọc thấy, không cần dẫm lại cái tấn kịch công nghiệp hóa đầy chết chóc và độc hại mà những dân tộc đi trước từng trải qua, nông thôn đất Việt vẫn có thể vươn tới hiện đại ấm no giàu có, nhờ được mách nước từ sự phát triển của công nghệ thời hiện đại. Chưa thấy trong các loại chi tiết tình tiết truyện Mối Chúa xuất hiện dù chỉ một lần một ý đồ hay dự án kiểu rau sạch, thực phẩm hữu cơ, v.v., dù chỉ thoáng qua, như những giải pháp có thể thay cho cái nhà máy thép, cái sân gôn với những chất thải đầy độc tố hủy hoại.

Những dòng viết vừa xong có thể khiến người ta ngỡ tôi khuyên tác giả Mối Chúa trở lại lối viết “hiện thực xây dựng”, hay tệ hơn, “hiện thực xã hội chủ nghĩa”! Không đâu! Những lối ấy quá đát rồi, vô dụng rồi! Đừng lặp lại nữa!

Tôi xuất thân nông thôn, nhiều người trong chúng ta cũng xuất thân nông thôn. Chúng ta hiểu, cho đến hiện nay, công nghiệp hóa không còn là chìa khóa vạn năng cho sự phát triển nữa rồi. Nhân loại đã có thêm các nguồn lực tri thức và tư duy mới hơn để khỏi lặp lại những vết xe đổ tệ hại.

24/9/2017

Comments are closed.