Một số nhận xét trên mạng về “Đèn cù” của Trần Đĩnh

 

image

Trần Đĩnh, tác giả “Đèn cù”

 

“Đèn cù” cho ta thấy: như hình ảnh voi giấy, ngựa giấy chạy vòng quanh tít mù trong “Đèn cù” (đèn kéo quân), Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chạy quanh thế nào dưới sức ép của hai nước lớn trong phe xã hội chủ nghĩa – Liên Xô và Trung Quốc. Thú vị hơn nữa, ta thấy các giáo chủ của một chủ nghĩa thần bí – hứa hẹn đưa con người đến thiên đường trên mặt đất – chủ nghĩa Mac-Lenin đã độc quyền trong việc giải thích chủ nghĩa này như thế nào là trong sáng: để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mac-Lenin thì phải không sợ Mỹ, phải đánh Mỹ.

Qua “Đèn cù”, ta thấy câu nói của Tổng Bí thư Lê Duẩn “ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc” rõ nghĩa hơn, sinh động hơn. Cuộc chiến mà mà sách giáo khoa hay nói là chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước chẳng qua là một cuộc chiến được thúc đẩy bởi Mao Trạch Đông để phục vụ ý đồ của ông ta “Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ”. Ông ta muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng. Tôi thật sự giật mình khi biết rằng Mao đã xui Việt Nam đánh Mỹ để giải phóng miền Nam mà Trung Quốc thì không đánh nhau để giải phóng Đài Loan hay họ kiên nhẫn để thống nhất Hồng Kông, Macao trong hòa bình. Ít nhất điều này đã thể hiện tâm và tầm lãnh đạo.

Thật là đau xót khi đọc câu nhận định của tác giả (Trần Đĩnh): “Máu Việt Nam mới có sức dịch chuyển địa chính trị mạnh mẽ và quý giá làm sao”. Mao muốn biến Việt Nam thành bãi chọi trâu để phục vụ mưu đồ tranh quyền đoạt bá với Liên Xô cũng như mưu đồ kéo Trung Quốc đến gần Mỹ hơn.

Đọc “Đèn cù” tôi thấy phần nào ấm lòng vì số người biết xót xa cho phận người dân khốn khổ, hẩm hiu như tác giả còn rất nhiều. Chỉ có điều, những người tốt thường không quyết liệt, mạnh mẽ như những người hiếu chiến. Có lẽ do đặc tính này mà loài người còn nhiều đau khổ chăng?

Với lượng thông tin phong phú chứa đựng trong 599 trang sách hẳn sẽ thỏa mãn nhiều mối quan tâm khác nhau của độc giả. Là một người tham gia tranh đấu cho quyền con người, đọc “Đèn cù” tôi thấy quyền tự do ngôn luận quí đến dường nào. Nếu ngày đó có tự do ngôn luận, hay có internet chắc chắn người dân miền Bắc sẽ không yêu nước đến cuồng nhiệt: lớp sống đói khổ, lớp chịu bom đạn, lớp đưa hàng triệu con em mình vào Nam chịu cảnh bi thảm: sinh Bắc tử Nam.

Tôi cũng thật bất ngờ khi biết rằng ở miền Bắc cũng có phe phản chiến như ở Mỹ, chỉ có điều họ bị bịt miệng quá nhanh chứ không được tự do nói như bên Mỹ.

Qua đây chúng ta cũng sẽ học được bài học vô cùng quí giá là: muốn có một xã hội tốt đẹp thì trước tiên là kiên quyết tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận. Tuyệt đối, không cho nhà cầm quyền lũng đoạn tất cả các kênh thông tin. Vì như cha lập quốc nước Mỹ George Washington đã nói “một khi bị cướp đi quyền tự do ngôn luận, chúng ta trở nên câm lặng và ngu xuẩn, như những con cừu bị dẫn đến lò sát sinh”. Nhắc lại điều này, tôi nghĩ không mới nhưng thấy buồn là hiện còn nhiều người Việt Nam chưa ý thức được vấn đề này để góp một tay tranh đấu cho quyền thiêng liêng – TỰ DO NGÔN LUẬN.

Nguyễn Văn Thạnh (http://anhbasam.wordpress.com/2014/09/07/2939-doc-den-cu-thay-quyen-con-nguoi-la-qui-gia/)

 

“Đèn cù” nói lên cái yếu hèn của trí thức

Bàng bạc trong toàn bộ tác phẩm “Đèn cù” cho ta thấy trí thức chỉ là con tốt trên một bàn cờ. Những trí thức – nói đúng nghĩa hơn là những con mọt sách, mà người Mỹ thường hay dùng từ NERD để diễn tả về họ. Trí thức, họ chỉ có thể là kẻ làm thuê, chịu sự chăn dắt để yên thân, họ chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ muốn làm chủ hay làm đầu tàu để kéo quân. Hơn nữa, họ thiếu sự đoàn kết, vì họ tự cho mình là trí tuệ cao. Nên họ yếu hèn, họ trở thành kẻ sai vặt, tự đi vặt lông mình, và vặt lông đồng đội sống chết với mình dưới sự sai khiến chỉ một con người có chữ, ít học, nhưng thừa kinh nghiệm lọc lõi của đời, và thừa vô liêm sỉ để làm bất cứ điều gì, nhằm đạt được tham vọng của chính bản thân phần con của mình đòi hỏi.

Ngay từ những lúc cùng cực nhất của cuộc cách mạng vô sản phải rút lui vào rừng chờ thời cơ, đám nerd kia, vẫn biết mình bị o ép để tự mình đấu tố mình, để đám chính trị gia nắm yếu huyệt sai khiến, nhưng đám nerd ấy vẫn cắn răng chịu đựng trong sợ hãi, túng quẩn, để có kẻ điên, người tự vẩn. Đám nerd học trường Tây, vẫn tự cho mình là thông minh hơn người, nhưng vẫn không thoát ra được cái hèn yếu của tư tưởng an phận – như Nguyễn Tuân… Không có ai như Phạm Duy của đám nerd thời Tây học, dám vứt bỏ để Nam tiến và làm lại, dám vứt bỏ ra đi sau 30/4/1975 để làm lại. Đó là sự khác biệt của cái dũng, cái hiểu biết của trí thức thực sự.

Quy luật 80/20 đã làm nên lịch sử đau buồn cho dân tộc Việt

Cụ Hồ nói riêng, và chính khách cộng sản nói chung đã thành công trong cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam và các quốc gia cộng sản, khi họ đã nắm đúng quy luật 80/20. 80% con người trên trái đất luôn ở tầng lớp hạ lưu. Con đường cách mạng với chia ruộng cho dân cày, dạy cho dân biết chữ, mang lại sự bình đẳng cho mọi tầng lớp xã hội đã là thỏi nam châm hút tất cả dân tộc Việt sau 1.100 năm nô lệ cả Tàu lẫn Tây chạy theo một cách vô thức, kể cả đám nerd học trường Tây, tự cho mình là trí thức. Nhưng, oái ăm thay cho dân tộc Việt là, thời các cụ làm cách mạng quy luật 80/20 của Việt Nam là 99/1!

Đến đây, chúng ta có thể kết luận, và khẳng định để có câu trả lời cho câu hỏi tại sao, lịch sử chọn cụ Hồ, mà không chọn cụ Phan Châu Trinh để làm cuộc cách mạng tốt đẹp cho quốc gia dân tộc. Và ngay cả hôm nay, cuộc cách mạng thông tin, nền kinh tế tri thức, và hầu hết người dân Việt có chữ, nhưng để người Việt hiểu ý nghĩa, và sự tốt đẹp của khai dân trí, chấn hưng dân khí, mới là vấn đề cho hậu dân sinh của Phan Chí Sỹ như thế nào? Và người Việt cũng không thể thoát được với chén cơm manh áo, nhục dục bản năng của chính họ.

Đó chính là hai điều kiện cần và đủ để dân tộc Việt chọn cụ Hồ đứng vào lịch sử ngàn năm. Một chọn lựa buồn cho lịch sử dân tộc. Suy cho cùng, đã là quy luật thì bất kỳ dân tộc nào cũng phải đi theo, tiên tiến cũng như lạc hậu. Vấn đề còn lại là, đầu tàu kéo quân của chiếc “Đèn cù” hay là Đèn Kéo Quân kéo dân tộc đi theo hướng nào?

“Đèn cù” đã giải thích tất cả số phận dân tộc Việt, và bi kịch lịch sử đã chọn cho dân tộc này, đi theo hướng của mặt trời lặn, rồi vòng lại kiếp nô lệ của hình nộm trên chiếc “Đèn cù”, vào màn đêm tăm tối cho đến hôm nay.

BS Hồ Hải (http://bshohai.blogspot.com/2014/09/toi-oc-en-cu.html)

 

Bỗng dưng tôi nhận được “Đèn cù” qua email, bản Final.pdf, tuy có vài chỗ còn highlight màu vàng. Vừa vào truyện đã gặp ngay một số phương ngữ, với cả tiếng lóng của thời đó và đôi chỗ hình như viết mà không muốn diễn đạt theo lối văn bình thường, nên bị lúng túng không ít. Cứ như đang thả hồn theo dòng suối êm ả giữa thiên nhiên hoang dã Việt Bắc bỗng gặp một nơi nước bị tung lên bất ngờ. Chắc chắn là nhờ lòng suối nơi đó có một viên đá cuội cản dòng nhưng lại trở nên sinh động. Đẹp. Và cứ theo cái đẹp đó mà lần mò. Lần mò, vừa để coi mình có hiểu đúng ngữ/nghĩa đặc thù hay không, vừa muốn theo dõi nội dung chuyện về những nhân vật cao cấp nhất đảng cộng sản Việt Nam trong thời còn phôi thai.

… Bây giờ, tác giả “Đèn cù”, người được coi như sống và làm việc gần gũi nhất với hầu hết những lãnh đạo đảng cao cấp nhất thời kỳ đó, kể lại. Kể hấp dẫn giống như người đang tán gẫu giữa bạn bè. Không dàn bài. Không dẫn chứng nguồn. Không hàn lâm. Bộc bạch gần như nhớ đâu kể đấy! Chính tính dân dã nầy đã lôi cuốn được người đọc và lan truyền nhanh.

Giới bình dân ngày trước thì cả tin để hôm nay có dịp suy gẫm. Và, dĩ nhiên, chính giới thỏa mãn nhất, vì đang có được một bữa thịt chó nguyên chất ‘nai đồng quê’ với đầy đủ gia vị!

Nghệ sĩ đang trình diễn trên sân khấu có bao giờ không đẹp? Nhưng hậu trường là sự thật. Sự thật không hẳn xấu nhưng mới đúng với con người thật. Một con người lột bỏ được lớp son phấn mới trở về thực chất.

Một cụ đồ xứ Quảng ngày trước đã vịnh về đào kép Hát Bội tại miền Trung thế nầy:

“Mượn màu son phấn ông tê nọ

Cởi lớp cân đai chú điếm đàng

Tuy chẳng ra chi nhưng cũng sướng

Đã từng trợn mắt lại phùng mang”.

Cho nên, những nhân vật trong “Đèn cù” đều là những con người trần trụi. Nguyên chất. Còn mức độ chính xác đến đâu thì dành cho giới nghiên cứu kiểm chứng. Vì tốt/xấu là chuyện thường tình, nhưng lột bỏ được son phấn huyền thoại để trả những nhân vật đó trở lại đời thường, làm con người sinh học tự nhiên, thì tự nó đã quý. Rất quý!

King Kong (http://www.danchimviet.info/archives/90292/den-cu-cu-dung-vao-vung-kin-nhay-cam-nhat-cua-che-do-cong-san-viet-nam/2014/09)

 

Về ý nghĩa chính trị của cuốn “Đèn cù” của tác giả Trần Đĩnh, nhiều người đã đề cập: Ít nhất đó là một cái nhìn vào lịch sử, vào những góc khuất mà các sử gia quốc doanh ở Việt Nam chưa bao giờ công bố (có ai trong số họ đã lặng lẽ nghiên cứu không thì tôi không biết). “Đèn cù” khai thác nhiều những chi tiết mà tác giả là người duy nhất trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm, như phong cách làm việc, thậm chí đời tư và cả đời sống tình cảm/tình dục của các nhà chính trị cộng sản thế hệ đầu. Từ đó, ”Đèn cù” là một sự giải thiêng cả Đảng Cộng sản Việt Nam, lẫn những người cộng sản thế hệ đầu, và đặc biệt, giải thiêng hình tượng Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa chính trị như là ưu điểm, cuốn sách cũng bộc lộ một số nhược điểm mà độc giả, nhất là các bạn trẻ hoặc những người có ít thời gian, nên cân nhắc trước, trong và sau khi đọc:

1. Cuốn sách có vấn đề nghiêm trọng về cách hành văn tiếng Việt. Nếu bạn là người rất yêu tiếng Việt, hoặc nếu bạn chưa/ không vững về ngữ pháp và chính tả tiếng Việt lắm, bạn nên thận trọng khi quyết định có đọc “Đèn cù” hay không. Trong văn phong của “Đèn cù”, rất khó phân biệt đâu là trích dẫn trực tiếp, đâu là trích dẫn gián tiếp, đâu là văn nói, đâu là văn viết, thậm chí, đâu là ý kiến và quan điểm của các cá nhân, kể cả tác giả (opinion), đâu là dữ kiện thực tế (fact). Nhiều từ địa phương, từ cổ, từ cũ, tiếng lóng (cổ) không được giải thích; nên khó hiểu ngay cả với người đọc ở miền Bắc (coi như “đồng hương” với tác giả), chứ chưa nói với độc giả miền Trung, miền Nam và người Việt ở nước ngoài.

2. Cuốn sách tuy rất nhiều thông tin nhưng ít tính khoa học. Nhiều câu chuyện được kể thiếu câu trả lời cho các câu hỏi căn bản: Ai, cái gì, bao giờ, ở đâu, tại sao, như thế nào. Chẳng hạn, thiếu ngày tháng chính xác cho các sự kiện, thiếu những tựa đề bài báo, tác phẩm, tư liệu nói chung, những thông tin khả tín về các cá nhân liên quan. Tất cả những cái thiếu đó làm giảm đáng kể độ tin cậy của thông tin và đồng thời, cũng gây khó khăn cho độc giả nào có mong muốn kiểm chứng.

3. Cuốn sách không có một cấu trúc rõ ràng (các bạn có thể thấy ngay là nó không có… mục lục), nên có thể nói là nó được trình bày một cách thiếu tính hệ thống, khiến người đọc khó theo dõi.

Dù sao, như tác giả đã có đề cập, “Đèn cù” là “truyện tôi”. Có thể hiểu “truyện tôi” là một thể loại sách mới, không phải sách lịch sử, cũng không hẳn là hồi ký. Nhưng cũng chính vì vậy mà độc giả có lẽ chỉ nên đọc “Đèn cù” như đọc một tập hợp giai thoại để tham khảo, và lấy cái tinh thần “giải thiêng lịch sử” của cuốn sách làm trọng.

Nói cách khác, vì “Đèn cù” không phải là một cuốn sách lịch sử – và chính tác giả Trần Đĩnh cũng bảo thế – nên một mặt, sẽ là vô lý nếu người đọc chúng ta đòi hỏi cao ở tính xác thực của nó. Mặt khác, chúng ta cũng chẳng nên coi nó như một tác phẩm tầm cỡ, có khả năng khai dân trí, sẽ mở mắt cho hàng triệu độc giả Việt Nam, v.v.

Phạm Đoan Trang (http://www.phamdoantrang.com/2014/09/em-trung-thu-oc-en-cu.html)

Comments are closed.