Chế độ dân chủ trong thế kỉ XXI

Joseph E. Stiglitz

Phạm Nguyên Trường dịch từ http://www.project-syndicate.org

 

Cách tiếp nhận tác phẩm vửa được xuất bản của Thomas Piketty, nhan đề: Vốn trong thế kỉ XXI (Capital in the Twenty-First Century) ở Mĩ và các nước kinh tế phát triển khác cho thấy mối quan tâm ngày càng gia tăng về sự bất bình đẳng trong thu nhập đang tăng lên. Cuốn sách của ông cung cấp thêm những bằng chứng vốn đã quá nhiều: phần lớn thu nhập và tài sản nằm trong tay những tầng lớp trên cùng của xã hội.

Hơn nữa, tác phẩm của Piketty còn đưa ra một quan niệm khác về khoảng thời gian kéo dài chừng 30 năm sau cuộc Đại suy thoái và Thế chiến II, ông coi giai đoạn này là một sự bất thường về mặt lịch sử, có thể là do sự gắn kết xã hội không bình thường mà những sự kiện từng làm rung chuyển thế giới nói trên có thể tạo ra. Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đó, sự thịnh vượng được chia sẻ một cách rộng rãi, tất cả các nhóm xã hội đều thăng tiến, nhưng những người nghèo nhất lại nhận được nhiều lợi nhuận hơn.

Piketty cũng làm sáng tỏ về những cuộc “cải cách” do Ronald Reagan và Margaret Thatcher rao bán trong những năm 1980 như là những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng mà tất cả mọi người đều được lợi. Sau những cuộc cải cách này tăng trưởng đã diễn ra chậm hơn và sự bất ổn trên toàn cầu lại gia tăng, và tăng trưởng chủ yếu chỉ có lợi cho những người giàu có nhất.

Nhưng công trình của Piketty còn nêu ra những vấn đề cơ bản, liên quan đến cả lý thuyết kinh tế lẫn tương lai của chủ nghĩa tư bản. Ông đưa ra bằng chứng về sự tăng khá lớn tỷ lệ tài sản/đầu ra. Trong lý thuyết chuẩn, sự gia tăng như vậy sẽ được người ta gắn với sự giảm lợi tức của đồng vốn và gia tăng tiền lương. Nhưng hiện nay, lợi tức của vốn dường như không giảm dù lương đã giảm. (Ví dụ, ở Mỹ, trong bốn thập kỷ qua lương trung bình đã giảm khoảng 7%.)

Lời giải thích rõ ràng nhất là sự gia tăng số của cải được đo lường không tương ứng với sự gia tăng vốn sản xuất – và các dữ liệu hiện có dường như phù hợp với cách giải thích này. Phần lớn sự gia tăng của cải có xuất xứ từ sự gia tăng giá trị của bất động sản. Trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nước đã có hiện tượng bong bóng bất động sản; ngay cả hiện nay, có thể cũng chưa có được một sự “điều chỉnh” hoàn toàn. Sự gia tăng về giá trị có thể cũng thể hiện qua cuộc cạnh tranh giữa những người giàu có nhằm giành những món hàng nằm ở địa điểm nào đó – ví dụ như, một ngôi nhà trên bãi biển hoặc một căn hộ tại Đại lộ Năm (Fifth Avenue) ở thành phố New York.

Đôi khi sự gia tăng tài sản tài chính được đo lường cũng chỉ là sự dịch chuyển từ tài sản “chưa được đo lường” thành tài sản được đo lường mà thôi. Những đây là sự dịch chuyển mà trên thực tế có thể phản ánh sự suy giảm thành tích kinh tế nói chung. Nếu sức mạnh độc quyền tăng, hoặc các công ty (thí dụ như ngân hàng) phát triển được những phương pháp tốt hơn nhằm bóc lột người tiêu dùng bình thường thì nó sẽ thể hiện bằng lợi nhuận cao hơn và khi được vốn hóa, nó sẽ trở thành sự gia tăng tài sản tài chính.

Nhưng, khi điều đó xảy ra, phúc lợi xã hội và hiệu quả kinh tế sẽ suy giảm, ngay cả khi tài sản được đo lường một cách chính thức tăng lên. Đơn giản là chúng ta bỏ qua sự sụt giảm giá trị của vốn con người – không tính đến tài sản của người lao động.

Hơn nữa, nếu các ngân hàng thành công trong việc sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình nhằm xã hội hoá tổn thất (chia tổn thất cho toàn xã hội – ND) và ngày càng giữ được nhiều hơn những khoản lợi ích bất chính của họ thì tài sản được đo lường trong lĩnh vực tài chính sẽ tăng. Chúng ta không đo lường được sự suy giảm tương ứng tài sản của những người nộp thuế. Tương tự như vậy, nếu các công ty thuyết phục được chính phủ nhằm buộc người tiêu dùng trả quá nhiều tiền cho sản phẩm của họ (nhiều công ty dược lớn đã thành công khi làm như thế), hoặc được tiếp cận với các nguồn lực công cộng với giá thấp hơn giá thị trường (các công ty khai thác khoáng sản đã thành công khi làm như thế) thì tài sản tài chính trong báo cáo sẽ tăng nhưng tài sản của những người công dân bình thường lại không tăng.

Điều chúng ta đang thấy – đồng lương gia tăng chậm tại chỗ và bất bình đẳng gia tăng, ngay cả khi tài sản tăng lên – không phản ánh các hoạt động của một nền kinh tế thị trường bình thường mà là “Chủ nghĩa tư bản thế phẩm” – tôi xin gọi như thế. Vấn đề có thể không phải là các thị trường phải hoạt động như thế nào mà vấn đề là hệ thống chính trị của chúng ta, hệ thống này đã thất bại trong việc đảm bảo rằng thị trường phải có tính cạnh tranh, và đã tạo ra những quy tắc góp phần duy trì những thị trường bị bóp méo, trong đó các tập đoàn và những người giàu có thể (và đáng tiếc là) bóc lột tất cả những người khác.

Tất nhiên, thị trường không tồn tại trong chân không. Cần phải có những quy tắc cho cuộc chơi, và quy tắc được thiết lập thông qua các quá trình chính trị. Sự bất bình đẳng quá mức về kinh tế ở các nước như Mỹ – ở những nước đi theo mô hình kinh tế của Mĩ bất bình đẳng còn cao hơn nữa – đã dẫn đến sự bất bình đẳng về mặt chính trị. Trong hệ thống như thế, cơ hội thăng tiến về kinh tế cũng không còn bình đẳng nữa và nó làm giảm đi sự độ năng động của xã hội.

Như vậy, dự báo của Piketty về mức độ bất bình đẳng còn cao hơn không phản ánh những quy luật không tránh được của kinh tế học. Những thay đổi đơn giản – trong đó có tỉ lệ vốn/lợi nhuận cao hơn, đánh thuế các khoản thừa kế, chi tiêu nhiều hơn giúp nhiều người tiếp cận được hệ thống giáo dục, thi hành nghiêm ngặt luật chống độc quyền, cải cách quản trị doanh nghiệp nhằm hạn chế tiền lương trả cho các quan chức điều hành và cải cách các quy định trong lĩnh vực tài chính nhằm kiềm chế khả năng bóc lột xã hội của các ngân hàng – sẽ làm giảm bất bình đẳng và gia tăng đáng kể bình đẳng về cơ hội.

Nếu chúng ta có những luật chơi đúng đắn thì thậm chí chúng ta có thể khôi phục lại sự tăng trưởng kinh tế nhanh và mọi người cùng được hưởng lợi, một nền kinh tế đặc trưng cho xã hội của những tầng lớp trung lưu thế kỷ XX. Câu hỏi chính mà chúng ta đang trực diện không phải là về vốn trong thế kỷ XXI. Mà là về chế độ dân chủ trong thế kỷ XXI.

Joseph E. Stiglitz, huân chương Nobel về kinh tế học và là Giáo sư ở đại học Columbia (Columbia University), cựu Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill và cựu Phó chủ tịch và Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới. Cùng với Bruce Greenwald, ông vừa cho xuất bản tác phẩm: Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress (tạm dịch: Kiến tạo xã hội học tập: Các tiếp cận mới đối với vấn đề tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội).

Comments are closed.