Tác giả: Lê Oa Đằng
Việt dịch: Phạm Văn Song
從地圖開疆到人工造島:百年南海紛爭史
黎蝸藤
CÔNG TY SÁCH NGŨ NAM
ĐÀI BẮC-2017
Bình luận “sự thay đổi thái độ” của Việt Nam về mặt pháp lí
Về ngoại giao, chính phủ Bắc Việt có tổng cộng 3 lần trực tiếp thừa nhận hoặc ngầm biểu thị Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc (nói chính xác hơn là 3 lần thừa nhận Hoàng Sa, 2 lần thừa nhận Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc, xem IV.5). Vậy thì sự thay đổi thái độ của Bắc Việt, nhất là nước Việt Nam mới sau năm 1974 có cấu thành một estoppel (nói ngược) theo nghĩa luật quốc tế không? Liệu thái độ của chính phủ Bắc Việt Nam có nghĩa là Việt Nam đã mất đi yêu sách lãnh thổ của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa không?
Trong số các tuyên bố trước đây của Bắc Việt, công hàm của Phạm Văn Đồng năm 1958 là tiêu biểu nhất. Trong phản bác của Trung Quốc đối với lập trường của Việt Nam tại Hoàng Sa (cũng như Trường Sa), công hàm Phạm Văn Đồng chiếm vị trí nổi bật. Trong bản công hàm này, Phạm Văn Đồng đưa ra tuyên bố “ghi nhận và tán thành” tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc. Điều này chắc chắn ẩn chứa “ghi nhận và tán thành” tuyên bố của Trung Quốc đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, đó cũng chính là nguyên nhân Trung Quốc chỉ trích Việt Nam “tráo trở lật lọng”.
Về điểm này, cách giải thích chính thức nhất của Việt Nam là “Tuyên bố của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa” ngày 7/8/1979. Điểm 2 viết: Việc Trung Quốc coi công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo đó, là một sự xuyên tạc thô bạo, bởi vì tinh thần và lời văn của công hàm ấy chỉ đóng khung trong việc công nhận lãnh hải 12 hải lí của Trung Quốc.[628]
Đối với giải thích của Việt Nam nên hiểu như sau: Thứ nhất, cần xét đến bối cảnh thời đại lúc đó. Trung Quốc nói Phạm Văn Đồng là Thủ tướng Việt Nam, điều này không đúng. Trên thực tế, Phạm Văn Đồng chỉ là Thủ tướng của Bắc Việt (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Sau Hiệp định Geneva năm 1954, Việt Nam chính thức bị chia thành hai quốc gia ở miền Nam và miền Bắc, miền Bắc là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, miền Nam là Quốc gia Việt Nam (sau đó được thay thế bằng nước Việt Nam Cộng hòa), gọi tắt là Nam Việt. Mặc dù sự phân chia này là tạm thời, nhưng điều này không phủ định tính hợp pháp của hai quốc gia này. Trung Quốc thường trực tiếp coi Bắc Việt là Việt Nam là không chính xác.
Khi đó Bắc Việt và Nam Việt đánh nhau, Liên Xô và Trung Quốc ra sức giúp đỡ Bắc Việt, ngoài cung cấp tiền bạc, lương thực, súng ống… còn cử chuyên gia và nhân viên quân sự đến Bắc Việt. Ngoài vai trò cố vấn, những nhân viên này còn có tác dụng làm lá chắn sống do sống ở những nơi quan trọng ở miền Bắc Việt Nam – Mĩ không muốn trực tiếp gây chiến với Liên Xô và Trung Quốc nên phải tránh tấn công những nơi này. Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam đều thuộc phe cộng sản, với mục tiêu lớn chung là chống Mĩ và đánh bại khối phương Tây, không tránh quyền biến trong hành động. Theo Việt Nam, ở đây là Việt Nam “chân thành tin cậy Trung Quốc, cho rằng sau chiến tranh tất cả vấn đề lãnh thổ sẽ được giải quyết tốt đẹp trên cơ sở vừa là đồng chí vừa là anh em”.[629] Bắc Việt thừa nhận chủ quyền và phạm vi lãnh hải của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa khiến hải quân Mĩ không thể tiến vào và lợi dụng những nơi này (nếu không sẽ thành thù địch với Trung Quốc) có lẽ cũng là xuất phát từ suy nghĩ tương tự. Thật ra, cân nhắc về mặt chiến thuật này có thể chỉ là thứ yếu, Bắc Việt có lẽ lo ngại rằng nếu chống lại Trung Quốc về những vấn đề này thì Trung Quốc sẽ giảm bớt, hoặc thậm chí ngừng giúp đỡ Bắc Việt. Vì vậy, theo những gì Việt Nam nói sau này, làm như vậy hoàn toàn là một kiểu tính toán quyền biến xuất phát từ lợi ích chung của phe cộng sản cũng như lợi ích tự thân của Bắc Việt, hoàn toàn không phản ánh ý muốn thực sự của Bắc Việt.
Thứ hai, công hàm Phạm Văn Đồng “cố ý” không (trực tiếp) đề cập đến vấn đề lãnh thổ, chỉ nhắc đến vấn đề lãnh hải 12 hải lí, có nghĩa là Phạm Văn Đồng thừa nhận quy định 12 hải lí của Trung Quốc chứ không thừa nhận tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy, điều này “không có hiệu lực theo mặc định”.
Tuy nhiên, ngay cả khi hai cách biện giải này của Việt Nam có lí thì cũng không đứng vững về mặt pháp lí. Cách biện giải thứ nhất đại khái là thật, Bắc Việt khi đó đã tràn đầy oán hận (mãn phục oán ngôn) với Trung Quốc. Ngay từ năm 1954 Chu Ân Lai và Liên Xô đã gây áp lực rất mạnh đối với Bắc Việt, khiến Bắc Việt từ bỏ vùng lãnh thổ đã giành được ở phía Nam vĩ tuyến 17° N. Bắc Việt cần Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ, buộc lòng phải chịu nuốt viên thuốc đắng này. Trong vấn đề Hoàng Sa, sự bày tỏ thái độ của Bắc Việt Nam cũng rất có thể là sự bày tỏ thái độ bắt buộc phải đưa ra vì muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc. Như vậy, rốt cuộc đó có phải xuất phát từ suy tính lúc đó hay là chỉ là một kiểu biện giải sau khi sự việc xảy ra? Tác giả không tìm ra tài liệu ghi chép gốc nên không thể kết luận.
Cách biện giải thứ hai càng thiếu sức thuyết phục. Mặc dù trong công hàm Phạm Văn Đồng thực sự không thừa nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, thế nhưng ông ta đã “ghi nhận và tán thành” bản tuyên bố này của Trung Quốc và không có bảo lưu, điều đó có nghĩa là cũng tán thành chủ trương Hoàng Sa thuộc Trung Quốc. Nếu như công hàm này không có đoạn “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”, mà chỉ có đoạn “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lí của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”, thì cách biện giải của Việt Nam hiện nay còn có chỗ để có thể tranh luận. Cách dùng từ ngữ của công hàm này hiện nay không có nghĩa khác về mặt pháp lí. Đương nhiên, xét đến bối cảnh khi đó, nếu như Phạm Văn Đồng không thêm vào đoạn trên thì Trung Quốc sẽ không thể chấp nhận.
Dẫu sao, dù lúc đó Bắc Việt không tự nguyện nhưng tuyên bố đã đưa ra rồi thì không thể thu lại. Khi đưa ra Tòa án quốc tế, bản công hàm chính thức có hiệu lực pháp lí rất lớn. Huống chi, miền Bắc còn bày tỏ thái độ về vấn đề này trong hai lần khác: lần bày tỏ thái độ của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm ngày 15/6/1956 và lần tuyên bố của Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Ngoại giao Lê Trang ngày 9/5/1965. Trong những phát biểu này, Bắc Việt Nam đã xác định rõ một lần nữa việc coi Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc. Đối với lần thứ nhất, phía Việt Nam có vẻ không thừa nhận có phát ngôn này (không thấy nhắc đến trong những tư liệu đã chỉnh lí của phía Việt Nam). Nhưng tác giả vẫn thiên về hướng điều đó là có thật. Đối với lần thứ hai, “Tuyên bố” có giải thích: “3. Năm 1965, Mĩ mở rộng chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân chống miền Bắc Việt Nam, tuyên bố khu vực chiến đấu của lực lượng vũ trang Mĩ bao gồm Việt Nam và vùng kế cận cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 hải lí. Lúc này, công cuộc chống Mĩ cứu nước đòi hỏi nhân dân Việt Nam phải chiến đấu bằng mọi hình thức nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình, lại thêm lúc ấy Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ hữu nghị với nhau. Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 9 tháng 5 năm 1965 chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh lịch sử đó mà thôi.”[630]
Mặc dù những bày tỏ thái độ của Việt Nam giống như giải thích có thể là mang tính sách lược (khiến Mĩ kiêng dè với phản ứng của Trung Quốc), nhưng nhìn từ góc độ luật quốc tế những bày tỏ thái độ này lại một lần nữa khẳng định thái độ của Bắc Việt trong vấn đề này.
Ngoài ra, rất nhiều báo chí, bản đồ, sách giáo khoa… của Bắc Việt Nam xuất bản khi đó đều xem Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc.
Những bằng chứng này kết hợp với những bày tỏ thái độ chính thức ở trên đã cho thấy đầy đủ khi đó Bắc Việt thật sự thừa nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.
Trong luật pháp quốc tế, có loại lí thuyết về “không được nói ngược” (equitable estoppel). Trong luật pháp nhiều nước, yêu cầu của lí thuyết này chính là yêu cầu phía đương sự có lời nói đi đôi với việc làm, cần phải giữ chữ tín, không thể nói một đằng làm một nẻo. Trong luật quốc tế, các hệ thống quốc tế cũng yêu cầu một quốc gia duy trì tính nhất trí trên cùng một lập trường sự thực hoặc pháp lí. Ngăn không cho nói ngược thường được giải thích bằng ngạn ngữ chữ La tinh “allegans contraria non audiendus est”, nghĩa là một người không thể được lợi từ sự tiền hậu bất nhất của mình. Vì vậy, trong luật quốc tế, nguyên tắc này nhằm ngăn chặn một nước được hưởng lợi từ kiểu thái độ bất nhất này trong khi làm lợi ích của nước khác bị tổn hại. Nguyên tắc này có ý nghĩa quyết định đối với sự ổn định, tính có thể dự đoán và tính bất biến của quan hệ quốc tế. Mặc dù trong quan hệ quốc tế, không thiếu những tranh cãi về mức độ và phạm vi của “estoppel” nên được tuân thủ,[631] nhưng khi liên quan đến vấn đề pháp lí như tranh chấp lãnh thổ…, “estoppel” là một nguyên tắc tương đối quan trọng, là một tiêu chuẩn quan trọng đánh giá một quốc gia có chữ tín hay không, có chính nghĩa hay không. Nguyên tắc này rất quan trọng dù tại tòa án quốc tế hay trong dư luận.
Vì vậy, về mặt luật pháp quốc tế, công hàm Phạm Văn Đồng (và các bày tỏ thái độ tương tự khác) xem ra rất bất lợi cho Việt Nam. Nhưng khi phân tích tỉ mỉ lại không phải vậy. Vì mấu chốt của vấn đề là từ đầu đến cuối chỉ có Bắc Việt (tức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc chứ không phải Nam Việt vốn kiểm soát Hoàng Sa và Trường Sa trên lí luận và thực tế. Nam Việt chưa bao giờ thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc. Thái độ của Bắc Việt khác với Nam Việt, cũng không thể đại diện cho nước Việt Nam sau khi thống nhất.
Trong luật pháp quốc tế, quan hệ kế thừa quốc gia là một vấn đề cực kì quan trọng. Quan hệ kế thừa quốc gia sau Thế chiến thứ hai của Việt Nam biến đổi cực kì phức tạp: theo “Hiệp định Geneva” năm 1954, Việt Nam “tạm thời” chia làm hai miền theo vĩ tuyến 17° N: Bắc Việt và Nam Việt. Mặc dù hai quốc gia này cuối cùng sẽ thống nhất, nhưng trước khi thống nhất mỗi bên đều là quốc gia có chủ quyền. Để phân biệt quốc gia và chính phủ, “Nam Việt” dưới đây dùng để chỉ quốc gia nằm ở miền Nam Việt Nam.
Chính phủ của Nam Việt ban đầu là chính phủ “Quốc gia Việt Nam” (State of Vietnam) do Hoàng đế Bảo Đại đứng đầu, sau năm 1956 trở thành chính phủ Việt Nam Cộng hòa (Republic of Vietnam). Năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng hòa bị Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lật đổ, chính phủ này thành lập chính phủ nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Một năm sau, Bắc Việt và Nam Việt hợp nhất với nhau thành nước Việt Nam mới.
Dù trải qua mấy chính quyền, thời gian từ 1954 đến 1976, Nam Việt đều là một quốc gia có chủ quyền. Điều này là do:
Quan hệ của Bắc Việt và Nam Việt dựa trên các hiệp định quốc tế, giống như Bắc và Nam Triều Tiên. Rất nhiều nước lựa chọn thiết lập quan hệ ngoại giao với một trong hai quốc gia này, ví dụ Mĩ và 86 nước khác lựa chọn thiết lập quan hệ với Nam Việt, trong khi Trung Quốc (Bắc Kinh) và các nước khác thì lựa chọn thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Việt. Nhưng cũng có nước đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao với cả Bắc Việt lẫn Nam Việt, ví dụ như Campuchia. Có thể thấy, về quan hệ quốc tế hai quốc gia đều là quốc gia hợp pháp không loại trừ lẫn nhau. Tuy Nam Việt bị Liên Xô phủ quyết nên không thể chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc, nhưng vẫn tham gia một số uỷ ban đặc biệt của Liên Hợp Quốc. Vì vậy, quan hệ giữa Nam và Bắc Việt Nam gần giống quan hệ giữa Nam và Bắc Triều Tiên, hoàn toàn không giống quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Chính phủ Bắc Việt thừa nhận miền Nam Việt Nam là một quốc gia độc lập. Mặc dù trong “Hiệp định Geneva” không hề trực tiếp gọi hai quốc gia này bằng từ “quốc gia” mà chỉ dùng từ “khu vực’ (zone), nhưng một hiệp định quốc tế chính thức khác lại thể hiện rõ ràng điều này- “Hiệp định hòa bình Paris” (Paris Peace Accords) kí kết năm 1973 đã thể hiện rõ ràng hai miền đều là quốc gia. Hiệp định này là văn kiện chính thức mà bốn bên Bắc Việt, Nam Việt (Việt Nam Cộng hòa), Mĩ và Chính phủ Cách mạng lâm thời (miền Nam Việt Nam) (Provisional Revolutionary Government) kí kết.
Trong đó Điều 14 viết:
Điều 14: Miền Nam Việt Nam sẽ thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập. Miền Nam Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ với tất cả các nước không biệt chế độ chính trị và xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và nhận viện trợ kinh tế, kĩ thuật của bất cứ nước nào không kèm theo điều kiện chính trị. Vấn đề nhận viện trợ quân sự sau này cho miền Nam Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của chính phủ được thành lập sau tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam nói trong điều 9 (b).
(South Viet-Nam will pursue a foreign policy of peace and independence. It will be prepared to establish relations with all countries irrespective of their political and social systems on the basis of mutual respect for independence and sovereignty and accept economic and technical aid from any country with no political conditions attached. The acceptance of military aid by South Viet – Nam in the future shall come under the authority of the government set up after the general elections in South Viet- Nam provided for in Article 9 (b).)
Ở đây chỉ ra rõ miền Nam Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ với các nước khác trên cơ sở “tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau”. Điều này cho thấy miền Nam Việt Nam là một quốc gia “độc lập” và có “chủ quyền”, đồng thời cũng có nghĩa là sự việc “Nam Việt là một quốc gia độc lập có chủ quyền” cũng được Bắc Việt thừa nhận.
Trong thời kì chiến tranh Việt Nam, chính quyền hợp pháp ở Nam Việt đương nhiên là Chính phủ Nước Việt Nam Cộng hòa, và đánh nhau với chính phủ hợp pháp này là quân du kích của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Đảng Cộng sản miền Nam Việt Nam lãnh đạo. Vào năm 1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Do đó, quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời cũng gần giống như quan hệ giữa chính phủ Quốc Dân đảng và chính phủ Đảng Cộng sản thời nội chiến Quốc- Cộng ở Trung Quốc.
Trong cái nhìn của Trung Quốc, Chính phủ Cách mạng Lâm thời là chính quyền hợp pháp của miền Nam Việt Nam. Chính phủ Cách mạng Lâm thời chính thức thành lập ngày 6/6/1969, chính phủ Trung Quốc lập tức gửi điện mừng, chính thức công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời và thiết lập quan hệ ngoại giao. Bức điện trên Tân Hoa xã ngày 15/6 viết:
Thủ tướng Quốc Vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai gửi điện cho Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát, nhiệt liệt chúc mừng tuyên bố thành lập của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố chính thức công nhận đoàn đại biểu thường trú tại Trung Quốc của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là đoàn đại sứ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trung Quốc.[632]
Trung Quốc công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời là chính phủ “thực sự hợp pháp” của miền Nam Việt Nam, đồng thời công nhận đoàn đại biểu của chính phủ này tại Trung Quốc là đoàn đại sứ tại Trung Quốc, điều này có nghĩa là Trung Quốc đã công nhận miền Nam Việt Nam là một quốc gia độc lập. Trên thực tế, số nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ cách mạng lâm thời lên đến gần 30 nước. Có thể thấy, miền Nam Việt Nam là một quốc gia độc lập được cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Bắc Việt và Trung Quốc, công nhận.
Ngày 2/7/1974, đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị Biển Liên Hợp Quốc lần thứ 3 đã phản đối đại biểu chính quyền Sài Gòn của miền Nam Việt Nam tham dự hội nghị lần này, trong phát biểu có nêu: “Hiện nay ở miền Nam Việt Nam tồn tại hai chính quyền, đó là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nhà cầm quyền Sài Gòn. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là đại diện chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam. Trong tình hình này, đại biểu nhà cầm quyền Sài Gòn đơn phương tham dự hội nghị lần này là không thỏa đáng, không hợp lí.”[633] Trong tuyên bố này Trung Quốc cho rằng miền Nam Việt Nam, do Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đại diện, là một quốc gia độc lập, nếu không thì không thể tham dự Hội nghị Biển Liên Hợp Quốc vốn chỉ các quốc gia có chủ quyền mới có thể tham dự (Trung Hoa Dân Quốc của Quốc dân Đảng không có chủ quyền thì không thể tham dự hội nghị này).
Theo “Hiệp định Geneva”, vĩ tuyến 17° N là ranh giới giữa Nam Việt và Bắc Việt. Vĩ độ cực Bắc của quần đảo Hoàng Sa vừa vặn nằm trong khoảng giữa vĩ tuyến 15° đến 17° N, toàn bộ đều nằm ở phía Nam Vĩ tuyến 17° N. Cơ quan hành chính của Pháp vốn đóng ở nhóm đảo Lưỡi Liềm (quần đảo Vĩnh Lạc – Crescent group) từ năm 1950 đã được chính quyền Bảo Đại tiếp quản, năm 1956 quân trú đóng Pháp cũng được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thay thế. Vì vậy, cả về mặt pháp luật lẫn trên thực tế, quần đảo Hoàng Sa đều là lãnh thổ của Nam Việt chứ không phải là lãnh thổ của Bắc Việt.
Vì vậy, việc Bắc Việt công nhận Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc không hề ảnh hưởng đến thực tế kiểm soát và yêu sách lãnh thổ của Nam Việt. Bắc Việt cũng không có cách gì đem lãnh thổ không thuộc về mình cắt cho Trung Quốc. Còn Nam Việt, cả chính quyền Bảo Đại, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lẫn Chính phủ Cách mạng Lâm thời được Trung Quốc công nhận đều không thừa nhận Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc. Năm 1974, Trung Quốc chiếm được phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa từ trong tay quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau khi sự việc xảy ra, chính phủ Việt Nam Cộng hòa kịch liệt lên án Trung Quốc và đưa kháng nghị cho Liên Hợp Quốc. Còn Chính phủ Cách mạng Lâm thời được Trung Quốc công nhận cũng không đứng về phía Trung Quốc, mà chỉ thừa nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp, đồng thời cho rằng cần phải giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán:
Vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với mỗi một dân tộc đều là một sự nghiệp thiêng liêng. Đối với vấn đề phức tạp như tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại cần phải xử lí thận trọng, vấn đề Hoàng Sa cần phải giải quyết thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở bình đẳng.[634]
Vì vậy, trên thực tế Nam Việt có chủ quyền ở Hoàng Sa (từ góc độ của Việt Nam) và có quyền kiểm soát (phía Tây Hoàng Sa), không thừa nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, và cũng không từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa sau khi mất quyền kiểm soát.
Cần phải chỉ ra là, sau Hải chiến Hoàng Sa cũng là lúc Bắc Việt thay đổi thái độ. Khi chỉ xét thái độ riêng của Bắc Việt thì rõ ràng ho đã vi phạm nguyên tắc “estoppel” (không được nói ngược). Nhưng tiếp sau là bước then chốt: sự thống nhất của Việt Nam hoàn toàn không phải Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam mà là sự thống nhất hòa bình của miền Nam và miền Bắc Việt Nam trên cơ sở bình đẳng. Theo Điều 15 của “Hiệp định hòa bình Paris”:
Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ do miền Bắc và miền Nam Việt Nam thoả thuận.
(The reunification of Viet-Nam shall be carried out step by step through peaceful means on the basis of discussions and agreements between North and South Viet Nam, without coercion or annexation by either party, and without foreign interference. The time for reunification will be agreed upon by North and South Viet Nam.)[635]
Sau thất bại quân sự của chính quyền Việt Nam Cộng hòa tháng 4/1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời giành được chính quyền toàn quốc ở miền Nam Việt Nam, và thành lập nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (giống như Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh bại Quốc Dân đảng giành lấy chính quyền và thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Về mặt pháp lí, nó vẫn là Nam Việt và kế thừa tất cả quyền lợi của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, bao gồm cả yêu sách chủ quyền ở Hoàng Sa.
Tháng 8/1975, sau khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa không còn tồn tại, nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng nộp đơn xin trở thành nước thành viên của Liên Hợp Quốc, đã được 123 nước thành viên ủng hộ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhưng bị Mĩ phản đối nên không thành. Trung Quốc bỏ phiếu tán thành dự thảo nghị quyết này, và cho rằng hành vi của Mĩ “rõ ràng vi phạm hoàn toàn các quy tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nghị quyết có liên quan của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.”[636] Điều này cho thấy Trung Quốc tiếp tục công nhận chính phủ nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam là chính phủ hợp pháp của miền Nam Việt Nam.
Nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Bắc Việt (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) trải qua hiệp thương và trù bị, cuối cùng đạt được thỏa thuận thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nước Việt Nam mới) thống nhất vào ngày 3/7/1976.
Nước Việt Nam mới này hoàn toàn không phải là Bắc Việt thôn tính Nam Việt, mà là sự thống nhất giữa Bắc Việt và Nam Việt. Do trước khi thống nhất, Bắc Việt và Nam Việt đều là quốc gia độc lập được quốc tế công nhận, nước Việt Nam mới sau khi thống nhất đương nhiên kế thừa tất cả quyền lợi của Bắc Việt và Nam Việt. Tất nhiên Nam Việt liên tục có đòi hỏi chủ quyền với Hoàng Sa (từ góc độ của Việt Nam), nên nước Việt Nam mới kế thừa tất cả quyền lợi của Nam Việt, đương nhiên cũng có quyền tiếp tục đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Về mặt lí luận, thái độ của nước Việt Nam mới đối với Hoàng Sa có thể dựa theo Nam Việt, mà cũng có thể dựa theo Bắc Việt. Nhưng trong tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Nam Việt và Trung Quốc mới là hai bên đương sự. Theo luật quốc tế, Bắc Việt chỉ là bên thứ ba không có liên quan về pháp lí, nó hoàn toàn không có quyền lợi và nghĩa vụ quyết định sự quy thuộc của chủ quyền, thái độ của nó cùng lắm chỉ là cách nhìn của bên thứ ba. Vì vậy, yêu sách của Nam Việt quan trọng hơn đối với nước Việt Nam mới, còn thái độ từng có của Bắc Việt hoàn toàn không có tính quyết định. Vì vậy, nước Việt Nam mới đã kế thừa thái độ của Nam Việt cũng là lẽ đương nhiên.
Vì vậy, chủ trương của Trung Quốc trong vấn đề estoppel (không được nói ngược) có một số sai sót:
Thứ nhất, Trung Quốc sai lầm khi đánh đồng Bắc Việt là Việt Nam mà không chú ý rằng nước Việt Nam mới là quốc gia mới được hình thành từ sự hợp nhất của Bắc Việt và Nam Việt;
Thứ hai, Trung Quốc hiện nay im lặng không đề cập đến việc đã từng công nhận Nam Việt là một quốc gia, càng không đề cập đến việc chính phủ nào của Nam Việt cũng đều chủ trương Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam;
Thứ ba, trước khi Việt Nam thống nhất, Nam Việt mới là bên đương sự ở quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa với Nam Việt chứ không phải với Bắc Việt. Bắc Việt với tư cách là bên thứ ba ngoài cuộc tranh chấp, thái độ của bên này về pháp lí đối với cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nam Việt hoàn toàn không có ảnh hưởng thực chất nào;
Thứ tư, nước Việt Nam mới đã kế thừa tất cả quyền lợi của Nam Việt và Bắc Việt, cũng đã kế thừa một cách tự nhiên yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa của Nam Việt từ trước đến nay, thái độ mà Bắc Việt từng có, hoàn toàn không ảnh hưởng về mặt pháp lí đến lập trường của nước Việt Nam mới.
Tổng hợp những điều trình bày ở trên thì các văn kiện kiểu như công hàm Phạm Văn Đồng với tư cách là một văn kiện chính thức đối với bản thân Phạm Văn Đồng hoặc chính phủ Bắc Việt là có sức ràng buộc. Việc thay đổi thái độ của Phạm Văn Đồng và chính phủ Bắc Việt đối với Hoàng Sa sau năm 1974 là một dạng “estoppel”. Tuy nhiên, do nước Việt Nam mới là một quốc gia mới được hình thành do sự hợp nhất của Nam Việt và Bắc Việt, và Nam Việt (chứ không phải Bắc Việt) luôn luôn kiên trì có chủ quyền đối với Hoàng Sa mới là bên đương sự về chủ quyền Hoàng Sa, nước Việt Nam mới sau khi kế thừa quyền lợi của Nam Việt, việc nước này có thái độ không giống với chính quyền Bắc Việt trước năm 1974 về vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn không cấu thành “estoppel” theo luật pháp quốc tế. Vì vậy, Trung Quốc dùng nguyên tắc “không được nói ngược” để chỉ trích Phạm Văn Đồng hoặc chính phủ Bắc Việt “nói lời không giữ lời” là có lí có chứng, nhưng khi Trung Quốc dùng nó để chỉ trích và tố cáo nước Việt Nam mới thì không nảy sinh tác dụng pháp lí nào theo luật pháp quốc tế.
IV.11. Malaysia, Brunei và Indonesia
Từ cuối những năm 1960, một số đối thủ cạnh tranh mới nổi lên trong tranh chấp biển Đông: Malaysia, Brunei và Indonesia.
Malaysia
Sau Thế chiến thứ hai, Anh tổ chức lại Malaya thuộc Anh thành Liên bang Malaya. Năm 1957, Malaya độc lập, Tunku Abdul Rahman trở thành Thủ tướng đầu tiên của Malaya. Tương lai của Borneo thuộc Anh khi đó vẫn còn đang tranh luận. Năm 1961, sau khi trải qua thời gian dài thảo luận, đấu tranh gay gắt cũng như dân chúng bày tỏ ý kiến, Anh và Malaya đồng ý để Sabah và Sarawak lấy tư cách quốc gia cùng với Liên bang Malaya hợp thành quốc gia mới; hơn nữa để cân bằng quyền lợi của người Hoa ở Singapore, Singapore độc lập cũng lấy tư cách quốc gia gia nhập Liên bang Malaysia mới. Dân Brunei thì không đồng ý hợp nhất với Malaya (cho dù Quốc vương thiên về như vậy). Do đó,vào ngày 16/9/1963, Liên bang Malaysia bao gồm Malaya, Singapore, Sabah và Sarawak chính thức được thành lập. Việc thành lập Malaysia gặp phải sự phản đối của Indonesia và Philippines. Indonesia khi đó dưới thời Sukarno cổ xúy toàn thể người Malaya tổ chức thành “Đại Melayu” (Đại Malaysia Do). Mãi tới cuộc bạo động ở Indonesia ngày 30/9/1965, Suharto lên nắm quyền mới từ bỏ tham vọng này. Còn Philippines thì đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với phần phía Bắc Sabah vì phần lãnh thổ này trước đây vốn là thuộc nước Sulu cho Anh thuê, nên phải trả lại cho Philippines. Mãi cho đến sau khi Marcos lên nắm quyền năm 1966, yêu sách này mới được từ bỏ (nhưng cho đến hiện nay vấn đề Sabah vẫn còn gây tranh cãi). Trước cuộc tuyển cử Liên bang lần thứ nhất năm 1964, lãnh đạo Đảng Nhân dân hành động Lí Quang Diệu ở Singapore đã biểu hiện sức thu hút mạnh mẽ đối với cử tri. Hơn nữa, với việc gia nhập của Singapore, nước có số người Hoa áp đảo, đã khiến tỷ lệ chung của người Hoa trong Liên bang Malaysia lên tới 40%, đe dọa nghiêm trọng đến địa vị chính trị của người Malaya bản địa. Tunku Abdul Rahman quyết định buộc Singapore ra khỏi Liên bang Malaysia. Không có cách nào, Singapore tuyên bố độc lập ngày 9/8/1965 . Như vậy, Malaysia hiện nay chỉ mới chính thức được thành hình sau năm 1965.
Khác với Việt Nam và Philippines, chính sách mà Malaysia thực hiện là “lẳng lặng làm giàu”, khai thác dầu khí ven bờ biển Đông trước chứ không vội yêu sách chủ quyền. Thật ra, Malaysia đã bắt đầu khai thác dầu khí gần bờ ngay cả trước khi liên bang được thành lập. Borneo thuộc Anh từ cuối thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20 đã bắt khai thác dầu khí ở ven bờ biển của Bắc Borneo. Sarawak và Sabah đã lần lượt bắt đầu khoan thăm dò dầu khí ở thềm lục địa gần bờ vào năm 1957 và 1958.[637] Kể từ năm 1966, nhờ đổi mới công nghệ, tiến độ thăm dò dầu khí ngoài khơi đã được đẩy nhanh hơn rất nhiều.
Năm 1966, Malaysia căn cứ vào “Công ước về thềm lục địa” của Liên Hợp Quốc năm 1958 đã đề ra “Luật về dầu mỏ” (Petroleum Mining Act, 1966) và “Luật về thềm lục địa” (Continental Shelf Act, 28 July, 1966). Năm 1968, Malaysia đã vẽ ra khu vực khai thác mỏ ở vùng biển phía Đông nước này, trong đó có hơn 80 000 km2 nằm trong đường 9 đoạn của Trung Quốc, bao phủ bãi North Luconia (Bắc Khang), bãi South Luconia (Nam Khang) mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền cũng như bãi ngầm James (Tăng Mẫu) mà Trung Quốc tuyên bố là cực Nam lãnh thổ của họ. Những bãi ngầm có liên quan đến Trung Quốc này đều nằm ở đoạn Sarawak, Malaysia cấp quyền khai thác cho công ti Sarawak Shell (Sarawak Shell BHD), một công ti con của công ti Shell của Mĩ. SSB phân chia khu vực khai thác này thành 4 khu vực địa lí (Baram Delta, Balingian, Central Luconia và S.W. Luconia). Bắt đầu từ năm 1970, Malaysia và các công ti hợp tác lần lượt khoan thăm dò dầu khí trong khu vực khai thác mỏ (mà theo Trung Quốc) thuộc phạm vi quần đảo Trường Sa (bãi Nam Khang, bãi Bắc Khang và bãi Tăng Mẫu). Trong khu vực tam giác châu Baram và khu Balingian đều phát hiện trữ lượng dầu phong phú. Năm 1975, tại vùng biển phía Bắc bãi James (Tăng Mẫu) phát hiện mỏ khí đốt thuộc loại lớn trên thế giới (mỏ khí Mindoro) với trữ lượng 500 tỷ mét khối, sản lượng hàng năm 10 tỷ mét khối. Năm 1982, Malaysia chuyển nhượng quyền khai thác khu vực lô S.W. Luconia (gần bãi Bắc Khang) cho công ti khai thác liên hợp với công ti Pháp Elf Aquitaine đứng đầu thông qua hợp đồng phân chia lợi nhuận sản xuất (Production Sharing Contract).[638] Dầu khí ven bờ ngày càng trở thành ngành sản xuất quan trọng của Sarawak.
Việc phát hiện dầu mỏ ở đoạn Sabah không thành công như ở Sarawak. Sabah đã duyệt cấp các lô này cho 3 tập đoàn Esso, Sabah Shell/Pecten (SSPC) và PETRONAS Carigali / BP / Oceanic, năm 1971, SSPC và Esso lần lượt phát hiện nguồn tài nguyên dầu quan trọng ở khu Erb West và Tembungo. Tuy nhiên, việc khoan thăm dò ở nơi khác thu hoạch không được nhiều.[639]
Năm 1974, Malaysia thành lập Công ti dầu khí quốc gia (PETRONAS), thay mặt nhà nước quản lí toàn bộ tài nguyên dầu mỏ của Malaysia, kí kết lại hợp đồng từ đầu với công ti nước ngoài dùng hình thức hợp đồng phân chia lợi nhuận sản xuất để khích lệ hơn nữa nhiệt tình khai thác của công ti nước ngoài.[640]
Sau khi Suharto lên cầm quyền ở Indonesia, Malaysia và Indonesia xây dựng được quan hệ tốt đẹp, bắt đầu đàm phán về đường phân giới trên bộ và trên biển. Về vấn đề đường phân giới trên biển, đàm phán diễn ra rất thuận lợi, hai bên đều đồng ý lấy trung tuyến làm đường phân giới. Ngày 27/10/1969, hai nước đã kí kết hiệp định về thềm lục địa. Tại đoạn Đông Malaysia thuộc vùng biển biển Đông, hai bên đồng ý lấy đường gấp khúc gồm 4 đoạn nối 5 điểm làm đường phân giới lãnh hai hai nước (Article I, 1-C)[641] (Hình 32). Ngày 17/3/1970, hai nước kí hiệp định về lãnh hải giữa Eo biển Malacca (có hiệu lực ngày 10/3/1971).[642] Còn ở biển Đông, do khoảng cách giữa hai nước lớn hơn 24 hải lí nên không cần phải tiến hành đàm phán về lãnh hải.
Do khi đó vẫn chưa có quy định về vùng đặc quyền kinh tế nên không có hiệp định liên quan giữa Malaysia và Indonesia. Nhưng hai bên có lẽ ngầm thừa nhận thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế cùng sử dụng một đường phân giới chung. Trong hiệp định về thềm lục địa, thềm lục địa mà Indonesia và Malaysia tuyên bố đều có chồng lấn với đường 9 đoạn của Trung Quốc. Trong đó phần chồng lấn của Indonesia với đường 9 đoạn của Trung Quốc khoảng 50 000 km2, còn Malaysia do gần với phía Trung Quốc hơn nên diện tích vùng chồng lấn với đường 9 đoạn lớn hơn.
Hình 32: Đường phân giới trên biển giữa Malaysia và Indonesia
Như vậy, qua việc trao quyền thăm dò dầu khí và phân định vùng biển, Malaysia đã “xâm phạm” “vùng biển” của Trung Quốc cả trên thực tế lẫn trên pháp lí. Nhưng Trung Quốc không hề đưa ra phản đối và cũng dường như không có phản ứng gì. Việt Nam và Philippines cũng không có phản ứng cụ thể nào, vì yêu sách về biển Đông của họ không vươn xa về phía Nam (tới 4° N) như của Trung Quốc. Yêu sách của Việt Nam chỉ đến khoảng 7° N, còn đường yêu sách của Philippines nằm xa hơn về phía Bắc một ít. Việc khai thác ở ven biển của Malaysia không hề chồng lấn với đường yêu sách của Việt Nam và Philippines. Phản ứng nhẹ nhàng của Trung Quốc có thể có mấy nguyên nhân sau: thứ nhất, Malaysia không công khai yêu sách (chẳng hạn như ra tuyên bố) chủ quyền đối với Trường Sa; thứ hai, vùng biển của Malaysia có nhiều bãi ngầm, vừa không thể đóng quân vừa khó khai thác; thứ ba, theo luật quốc tế, Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền đối với các bãi ngầm, hơn nữa những bãi ngầm đó rất gần Malaysia, trong khi bằng chứng và truyền thống lịch sử về việc khai thác dầu khí gần bờ của Malaysia đều rất đầy đủ, tùy tiện đưa ra phản đối sẽ để lại ấn tượng bá đạo với cộng đồng quốc tế; thứ tư, mục tiêu chính của Trung Quốc khi đó là Việt Nam, nếu Việt Nam không phản đối, Trung Quốc cũng không cần đưa ra phản đối riêng biệt; cuối cùng, vào những năm 1970 Malaysia đã bắt đầu nhích lại gần Trung Hoa cộng sản. Khác với đường lối chống cộng của Tunku Abdul Rahman, Thủ tướng Abdul Razak Hussein theo đuổi chính sách trung lập, không liên kết. Tháng 5/1974 ông ta thăm Trung Quốc, trở thành quốc gia vốn chống cộng ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đầu tiên (Indonesia thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sớm nhất nhưng đã cắt đứt quan hệ trong những năm 1960). Đối với Malaysia Trung Quốc đại khái cũng có thỏa thuận ngầm giống như với Philippines.
Malaysia lần đầu tiên đưa ra đòi hỏi lãnh thổ đối với một số đảo ở quần đảo Trường Sa vào năm 1971. Vào thời điểm đó, “Cộng hòa MSM” (xem 4.1), nước kế thừa nhà nước tư nhân “Vương quốc Nhân đạo” nói trên, đã gửi thư cho các nước Đông Nam Á, tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Chính phủ Malaysia nhận được thư, dấy lên nghi vấn về tình trạng của Trường Sa. Vì vậy, trong công hàm gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/2, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam bày tỏ: Malaysia cho rằng các đảo ở khu vực 9° N và 112° E ở quần đảo Trường Sa thuộc Malaysia, và cũng dò hỏi thái độ của Việt Nam đối với bức thư của nước Cộng hòa MSM.[643] Ngày 20/4, Nam Việt Nam lập tức gửi công hàm, tuyên bố Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Malaysia không bày tỏ thái độ thêm về vấn đề này nữa.[644] Nhưng nước này đã bắt đầu chú ý đến vấn đề chủ quyền các đảo ở biển Đông.
Sau đó, “Tinh châu nhật báo” (Sin Chew Daily) của Malaysia ngày 11/4/1980 đưa tin: Malaysia trước đó đã sớm chú ý đến một bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1975 có vẽ một vùng biển lớn ở gần bờ biển của Đông Malaysia nằm trong biên giới Trung Quốc (chính là nói đến đường 9 đoạn, tác giả), đã đưa ra kháng nghị với Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc im lặng. Đây cũng có thể là nguyên nhân mà Malaysia cảm thấy cần phải hành động thêm.[645]
Ngày 21/12/1979, giới chức Malaysia đã bất ngờ xuất bản một tấm bản đồ thềm lục địa Malaysia, tên gọi chính thức là: Peta Baru Menunjukkan Sempadan Perairan dan Pelantar Benua Malaysia (New Map Showing the Territorial Waters and Continental Shelf Boundaries of Malaysia,[646] sau đây gọi tắt là “Bản đồ năm 1979”, Hình 33, Hình 34). Ranh giới biển của bản đồ này hầu như có tranh chấp với tất cả các nước láng giềng, lập tức khiến các nước xung quanh chú ý và phản đối.
Ban đầu vào năm 1969 và 1970 giữa Malaysia và Indonesia đã cơ bản đạt được hiệp định về vấn đề lãnh hải và thềm lục địa. Nhưng hiệp định chưa giải quyết hai đảo nhỏ ở biển Sulawesi thuộc phía Tây Borneo – đảo Ligitan và đảo Sipadan. Hai đảo khi đó do Malaysia kiểm soát nhưng Indonesia cho rằng mình mới là nước có chủ quyền. Khi hiệp thương hai nước quyết định tạm thời gác lại tranh chấp. Nhưng trong bản đồ năm 1979 nêu trên, hai đảo này được đưa vào lãnh thổ của Malaysia. Indonesia liền đưa ra phản đối. Mãi đến năm 1997, hai bên đồng ý đưa tranh chấp hai đảo này ra Tòa Trọng tài Quốc tế. Cuối cùng năm 2002, Tòa án phán quyết chủ quyền thuộc về Malaysia với tỷ số phiếu 16:1.[647]
Hình 33: Bản đồ năm 1979, phần Tây Malaysia
Hình 34: Bản đồ năm 1979, phần Đông Malaysia
Trong bản đồ này, Malaysia cũng đưa vào lãnh thổ của mình đảo Batu Puteh, vốn không bị tranh chấp và từ lâu nằm dưới sự kiểm soát của Singapore. Singapore lập tức đưa ra phản đối ngoại giao. Năm 1994, hai bên Singapore và Malaysia đồng ý đưa vụ việc đảo này ra Tòa án Trọng tài Quốc tế. Năm 2008, Tòa án phán quyết chủ quyền đảo này thuộc về Singapore với tỷ số phiếu 12:4.[648] Ngoài ra, cách vẽ lãnh hải ở Eo Malacca trên bản đồ này cũng gây tranh chấp với Indonesia và Singapore, không phân tích chi tiết ở đây.
Bản đồ này cũng gây ra những tranh cãi khác ở biển Đông dọc theo phần phía Đông Malaysia. Trên bản đồ đã xuất hiện một đường giới hạn thềm lục địa của Malaysia (1979 Malaysia Continental Limit Line). Đoạn phía Tây của nó bắt đầu từ đường ranh thềm lục địa giữa Malaysia và Indonesia năm 1969, kéo dài thành một đường song song cách Borneo khoảng 200 hải lí đến chỗ đường ranh giới Anh-Mĩ năm 1930 (biên giới phân định Borneo thuộc Anh và Philippines thuộc Mĩ). Các đảo, đá bên trong đường này, bao gồm bãi Glasgow [Shoal] (Nam Lạc), bãi ngầm Phù Mĩ (Hiệu Úy, North East Shoal), đá Công Đo (đá Tư Lệnh, Commodore Reef), đá Gloucester Breakers (đá Pha Lãng), đá Kì Vân (đá Nam Hải, Mariveles Reef), đảo An Bang (bãi An Ba, Amboyna Cay) ở khu vực phía Nam đường này (bao gồm 12 đảo nhỏ và đảo chìm) đều được đưa vào lãnh thổ Malaysia.[649] Mặc dù Malaysia liên tục khai thác dầu khí trên một số bãi ngầm nhưng không chính thức đưa ra đòi hỏi chủ quyền. Nghe nói năm 1975 Malaysia từng nêu ra với Trung Quốc rằng đường 9 đoạn trên bản đồ Trung Quốc vẽ quá gần bờ biển Malaysia.[650] Nếu đúng thì đó là phản đối sớm nhất liên quan đến đường 9 đoạn. Không biết được khi đó Trung Quốc phản ứng ra sao. Nhưng ngoài yêu sách mơ hồ này ra, Malaysia không hề trực tiếp đưa ra đòi hỏi đối với quần đảo Trường Sa. Ví dụ khi Nam Việt Nam chiếm đảo An Bang năm 1975 cũng như khi nước Việt Nam mới chiếm đảo này lần nữa vào năm 1977 (sau đó lại rút đi), Malaysia không hề kháng nghị. Còn khi Philippines đưa quần đảo Kalayaan vào lãnh thổ của mình năm 1978, Malaysia cũng không đưa ra phản đối. Vì vậy, khá bất ngờ khi Malaysia bỗng nhiên đưa nhiều đảo, đá vào lãnh thổ của mình trên bản đồ năm 1979.
Trong đường ranh giới này, Malaysia hoàn toàn không hề tính tới quyền lợi của Brunei. Brunei nằm giữa Sarawak và Sabah. Khi hai bang này gia nhập Liên Bang Malaysia năm 1958 đã đạt được hai hiệp định (xem phần sau) với Brunei (khi đó vẫn là nước bảo hộ của Anh) không gia nhập Liên bang, quy định đường phân giới hai phía Đông Tây của Brunei lần lượt là ranh giới với Sabah và Sarawak. Tuy nhiên, bản đồ năm 1979 của Malaysia hoàn toàn không chú ý đến sự tồn tại của Brunei mà vẽ đá Louisa (Nam Thông, Louisa Reef)… nằm giữa đường phân giới (kéo dài) hai phần Đông và Tây (tức thuộc về Brunei) vào lãnh thổ Malaysia.
Chẳng có gì lạ khi bản đồ này vừa xuất bản đã lập tức gây ra tranh chấp ngoại giao. Phản ứng dữ dội nhất là Nam Việt và Philippines, họ lập tức đưa ra phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Inglis gửi công hàm ngoại giao, cho rằng Malaysia đã xâm phạm chủ quyền của Philippines ở “quần đảo Kalayaan” và Sabah; còn Nam Việt Nam thì bày tỏ rằng việc Malaysia đưa đảo An Bang (bãi An Ba) và đá Hoa Lau (đá Đạn Hoàn, Swallow Reef) vào lãnh thổ là xâm phạm chủ quyền của Nam Việt Nam.[651] Đài Loan cũng đưa ra kháng nghị.[652]
Nhưng thái độ của Trung Quốc rất mềm mỏng, chỉ phản đối riêng với phía Malaysia. Ngày 15/4/1984, phân xã Hồng Kông của Tân Hoa xã khi đăng bài tổng thuật việc các nước phản đối Malaysia phát hành bản đồ này chỉ nhắc đến Indonesia, Singapore, Philippines, Philippines, Việt Nam và Thái Lan, không nhắc đến việc Trung Quốc phản đối. Khi nhắc đến Trung Quốc, bài báo chỉ nói đến việc Malaysia phản đối bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 1975, đồng thời dẫn lời báo “Tinh châu nhật báo” của Malaysia rằng bản đồ năm 1979 này nên được xem là có ngụ ý rằng Trung Quốc không có quyền yêu sách vùng biển này.[653] Đối với phản đối của Trung Quốc mãi đến tháng 6/1980 mới được Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia nêu ra trong buổi chất vấn ở Quốc hội, nhưng ông ta không tiết lộ nội dung của kháng nghị.[654]
Thái độ của Trung Quốc đối với Malaysia thậm chí còn mềm mỏng hơn so với thái độ đối với Philippines. Đối với Philippines, Trung Quốc luôn nhắc lại công khai chủ quyền đối với Trường Sa chứ không phải chỉ phản đối trong tư riêng. Nguyên nhân của sự mềm mỏng này có thể là: Việt Nam là nước phản đối Malaysia dữ dội nhất vào lúc đó (đặc biệt là tranh chấp ở đảo An Bang) trong khi Trung Quốc và Việt Nam đang đánh nhau, việc phản đối nhẹ nhàng có lợi cho việc lôi kéo Malaysia chống lại Việt Nam về mặt dư luận quốc tế.
Malaysia không chỉ mở rộng biên cương trên bản đồ. Ngày 28/4/1980, Malaysia chính thức tuyên bố có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí.[655] Năm 1978, Malaysia đã lặng lẽ dựng cột mốc trên các đảo, đá như đảo An Bang (bãi An Ba), đá Hoa Lau (đá Đạn Hoàn) cũng như đá Công Đo (đá Tư Lệnh), điều này có nghĩa là về hành động Malaysia đã chính thức tuyên bố chủ quyền đối với các đảo của Trường Sa. Nhưng những hành động này đều bị các nước láng giềng chống lại: cột mốc trên đảo An Bang bị quân Việt Nam đổ bộ lên lại phá bỏ năm 1979; cột mốc trên đá Công Đo cũng bị Philippines phá bỏ năm 1980. Hai nước Việt Nam và Philippines lần lượt đóng quân ở hai nơi đó cho đến hiện nay.
Thấy rằng việc dựng cột mốc không đủ để xác lập việc kiểm soát với các đảo, đá, Malaysia tính đến việc trực tiếp chiếm đảo, mục tiêu chính là đá Hoa Lau. Từ năm 1981 đến 1982, Malaysia bắt đầu chuẩn bị việc chiếm đóng đá Hoa Lau, để đổ bộ lên đá Hoa Lau quân đội Malaysia đã tiến hành chuẩn bị ròng rã nửa năm.[656]
Năm 1982, Việt Nam lại phản đối Malaysia vì vụ đá Hoa Lau một lần nữa, và vào tháng 11 trong tuyên bố lãnh hải mới, đã liệt kê rõ đá Hoa Lau là lãnh thổ của Việt Nam. Sau đó Malaysia đưa ra phản đối với Việt Nam vào tháng 1/1983. Ngày 25/3, Việt Nam bác bỏ phản đối của Malaysia. Vì vụ này mà quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.
Cuối tháng 6, Malaysia tham dự cuộc tập trận hàng năm của Hiệp ước phòng thủ 5 nước (Five Power Defence Arrangement, đồng minh quân sự Anh, Úc, New Zealand, Malaysia, Singapore). Dưới vỏ bọc của cuộc tập trận, ngày 22/8 quân Malaysia đổ bộ lên đá Hoa Lau, đây là đảo, đá đầu tiên mà Malaysia chiếm đóng bằng quân sự ở biển Đông. Ngày 4/9 khi tin này được công bố, Việt Nam lập tức (ngày 7/9) đưa ra phản đối, Ngoại trưởng Malaysia thì tuyên bố đá Hoa Lau “luôn là, hiện nay cũng là một phần của lãnh thổ Malaysia”, đồng thời phản bác rằng việc Việt Nam chiếm đóng đảo An Bang đã xâm phạm chủ quyền của Malaysia, vì đảo An Bang cũng “đã và hiện là một phần của lãnh thổ Malaysia”.[657] Sau đó, Malaysia cố liên tục thuyết phục Việt Nam rút khỏi đảo An Bang nhưng không có kết quả. Tháng 8/1983, Malaysia đã chiếm đóng đá Suối Cát (đá Lạp Dương / Quang Tinh, Dallas Reef, tiếng Malaysia là Terumbu Laya).[658]
Philippines không có yêu sách lãnh thổ đối với đảo An Bang, do đó không đưa ra phản đối. Còn sự mềm mỏng của Trung Quốc lúc này là rất đáng chú ý. Nếu như bên liên quan là Philippines, và giả sử Việt Nam đưa ra phản đối với Philippines, Trung Quốc ít ra cũng sẽ khẳng định lại chủ quyền của mình trên danh nghĩa với Philippines, để cho thấy ý định đối đầu với Việt Nam, nhưng sau khi Malaysia chiếm đóng đá Hoa Lau, ngày 14/9 Trung Quốc chỉ tuyên bố “gần đây đá Đạn Hoàn nằm ở quần đảo Trường Sa của nước chúng tôi bị quân đội nước ngoài chiếm đóng phi pháp, có nước liên tục đưa ra đòi hỏi lãnh thổ đối với một số đảo, đá ở quần đảo Trường Sa của nước chúng tôi”, và đồng thời nhắc lại chủ quyền đối với Trường Sa.[659] Cách làm kiểu không chỉ rõ tên này là rất ít. Việc Trung Quốc có thái độ khác nhau đối với Philippines và Malaysia, ngoài các yếu tố phân tích ở trên, còn có thể là để đáp lại thái độ mềm mỏng tương đối và liên tục nhất quán trước đó của Malaysia.
Từ tháng 11 đến tháng 12/1986, Malaysia chiếm đóng thêm đá Kì Vân (Mariveles Reef), đá Kiêu Ngựa (Tinh Tử, Ardasier Reef, tiếng Malaysia là Terumbu Ubi-Ubi).[660] Như vậy, cho đến năm 1990, Malaysia đã cho quân chiếm đóng tổng cộng 4 đảo, đá. Việc xử lí của Malaysia đối với đá Hoa Lau tương đối độc đáo so với các nước có liên quan ở biển Đông. Nước này bồi đấp đảo với quy mô lớn sớm nhất ở đá Hoa Lau, biến nó từ một đảo đá thành một đảo nhân tạo, có công trình như sân bay và các cơ sở khác. Nhưng mục đích của họ không phải là để quân sự hóa mà là xây dựng nó thành một trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng quốc tế. Năm 1990, đảo này mở cửa cho bên ngoài, đến nay vẫn là một điểm du lịch hấp dẫn. Hiện nay, sự kiểm soát của Malaysia trên đá Hoa Lau rất vững chắc.
Bằng chứng cho yêu sách chủ quyền của Malaysia đối với một phần quần đảo Trường Sa rất mơ hồ. Nhìn tổng thể, có vẻ xuất phát từ sự gần gũi về địa lí hoặc do nằm trên thềm lục địa của Malaysia. Ví dụ vào ngày 13/5/1983, khi thảo luận về chủ quyền của Malaysia đối với bãi An Bang, Thứ trưởng phụ trách pháp luật của Malaysia nói rằng đó là một vấn đề địa lí đơn giản (a simple geographic matter).[661] Nhưng có lúc lại có vẻ cho rằng chủ quyền của họ có liên quan với quyền lợi lịch sử nào đó. Ví dụ phát ngôn của Thứ trưởng Ngoại giao vừa nêu trên nhấn mạnh rằng đá Hoa Lau và bãi An Bang xưa nay luôn là một phần của Malaysia. Một ví dụ khác là tháng 5/1983, Thư kí Quốc hội của Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia (Parliamentary Secretaries to the Minister of Foreign Affairs, tương đương Trợ lí Bộ trưởng) Kadir Sheik Fadzir tuyên bố “ đá Hoa Lau đã và hiện nay là một phần của lãnh thổ Malaysia, điều này không liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế mà Malaysia yêu sách”.[662] Điều này càng cho thấy rõ ràng hơn về nguyên nhân lịch sử. Nhưng Malaysia có vẻ xưa nay chưa hề giải thích quyền lịch sử nào mà họ có đối với phần đảo, đá này của Trường Sa. Thật ra một ví dụ dễ dàng là vào năm 1877 và 1888 Borneo thuộc Anh đã hai lần cấp quyền khai thác đảo Trường Sa (Nam Uy) và đảo An Bang (bãi An Ba) (xem II.6). Nếu như Anh chuyển nhượng quyền lịch sử này cho Malaysia thì Malaysia có thể có quyền lịch sử này. Nhưng trong những dịp công khai trước nay Malaysia không hề viện dẫn ví dụ này.
[628] Vietnam Dossier II, p.41-43.
[629] Sách trắng 1988, “Tuyển tập Việt Nam”, tr.114.
[630] Vietnam Dossier II, p.41-43.
[631] http://epublication.bond.edu.au/cgi/viewcontent.cgi?article=1362&context=blr
[632] “Điện của Tân Hoa xã Bắc Kinh ngày 15: Thủ tướng Chu Ân Lai gửi điện cho Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát”, Nhật báo Hàng Châu, ngày 15/6/1969, bản in số 1.
[633] “Nhân dân nhật báo”, ngày 3/7/1974, xem “Đại sự kí”, tr.45.
[634] Vietnam Dossier II, p.37.
[635] Vietnam War: The Essential Reference Guide, edited by James H.Willbanks, ABCCLIO, 2013, p.273.
[636] Kết nạp nước thành viên với và các vấn đề liên quan (Admission of new Members and related matters), Liên Hợp Quốc (United Nations), ngày 26/11/1976. UN General Assembly Thirty-first session, Annexes, agenda item 26, document A/31/330.
[637] Nordin Ramli, The History of offshore hydrocarbon exploration in Malaysia, Energy, Volume 10, Issues 3-4, March-April 1985, Pages 457-473. Proceedings of the Second EAPI/CCOP Worshop.doi:10.1016/0360-5442 (85)90060-X.
[638] Như trên.
[639] Như trên.
[640] Như trên.
[641] International Boundary Study, Series A, Limits in the Seas No.1-January 21, 1970, http://library.law.fsu.edu/Digital-Collections/LimitsinSeas/pdf/ls001.pdf
[642] INTERNATIONAL BOUNDARY STUDY, Series A, LIMITS IN THE SEAS, No.50, INDONESIA-MALAYSIA TERRITORIAL SEA BOUNDARY, https://www.state.gov/wp-content/uploads/2019/11/LIS-50.pdf
[643] EOVS, p.149.
[644] Vũ Phi Hoàng “Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam”, “Tuyển tập Việt Nam”, tr.209.
[645] “Đại sự kí”, tr.84-85.
[646] Asri Salleh, Che Hamdan Che Mohd Razalil and Kamaruzaman Jusoff, Malaysia’s policy towards its 1963-2008 territorial disputes, Journal of Law and Conflict Resolution, Vol.1 (5), tr..107-116, October, 2009.
[647] Như trên.
[648] Như trên.
[649] Khởi nguồn và phát triển, tr.144.
[650] CPTTD, p.154, which Cites a BBC, SWB source, FE/6394/A3/9 (14/04/1980).
[651] 253 “Khởi nguồn và phát triển tranh chấp Trường Sa”, tr.144-145.
[652] “Thời báo Trung Quốc”, ngày 26/4/1980. “Đại sự kí”, tr.86.
[653] “Đại sự kí”, tr.85-86.
[654] CPTTD, p.156.
[655] “Đại sự kí”, tr.86.
[656] CPTTD, p.156.
[657] CPTTD, p.155.
[658] Đại sự kí, tr.103.
[659] CPTTD, p.155. Nhân dân nhật báo, ngày 15/9/1983. Xem Đại sự kí, tr. 102.
[660] Khởi nguồn và phát triển, tr.146. Đại sự kí, tr.113.
[661] CPTTD, p.154.
[662] Khởi nguồn và phát triển tranh chấp Nam Sa, tr.145.