Người Hà Nội xấu xí

Lê Quảng Hà

Một anh bạn là trai phố Cổ ngồi than phiền về sự tạp nham văn hoá của người Hà Nội bây giờ, ông ấy bảo thực ra theo thống kê người Hà Nội gốc giờ chỉ còn 2%, ý như anh ấy muốn đổ lỗi sự tạp nham là do người nhập cư tạo nên.

Mình lại hỏi: theo quan niệm của ông thế nào gọi là người Hà Nội gốc?

Ông ấy bảo: ừ, thì tạm tính dân trước 1954.

Mình thở dài: vậy bún chửi, cháo chửi cũng là dân trước 1954 đấy thôi! Họ vừa múc đồ ăn vừa chan đủ thứ ngôn từ bẩn thỉu vào mặt khách, vậy mà chẳng ít người Hà Nội gốc như quan điểm của ông vẫn xì xụp ăn uống, đó là cái gì?

Anh bạn thở dài: đó chỉ là hãn hữu vài dân kẻ chợ làm xấu xí người Hà Nội.

Mình lại bảo: ừ thì tạm thử nói cái thứ thượng tầng nhé, rồi mình kể về chuyện va chạm lâu rồi của minh với một ông sưu tập tranh có gốc gác từ một gia đình số một về cổ vật của Hà Nội từ trước 1954, ông này giọng chợ búa và xôi thịt đến kẻ bỗ bã như mình cũng không chịu nổi.

Anh bạn kia cũng biết ông sưu tập đó, nên ra sức bênh: Hà nói thế nào chứ? Ông ấy là một người sang trọng, từ thời khó khăn ông ấy đã toàn uống rượu vang thôi.

Chuyện của anh bạn kia làm mình lại nhớ đến một ông cũng Hà Nội gốc mà còn xuất xứ Việt Kiều hẳn hoi. Vậy mà ông ấy khuyên mình đừng hút thuốc lá, mà nên hút cigar hay tẩu mới sang và đẳng cấp.

318782758_693628332107509_4745610477177282346_n

Ô hay, nét thanh lịch, sang trọng của người Tràng An được hoán đổi ra những điếu cigar và chai rượu vang từ khi nào vậy? Nó làm tôi nghĩ đến thứ bệnh dịch của những tay nhà giàu mới nổi muốn thể hiện đẳng cấp cả trong thế thao phải chọn chơi golf mới sang, mới quý tộc.

Mới đây thôi một ông hội đồng nhân dân mặt bóng mỡ dùng chính cây gậy golf đẳng cấp “quý tộc” ấy vụt chí mạng một cô gái chân yếu tay mềm đến gãy cả gậy. Thế mới thấy sự sang trọng không ở việc ta ăn gì, mặc gì, chơi gì, ở nhà to hay nhà bé, xe xịn hay không xịn…, mà nó ở cách ta ứng xử thế nào từ trong nhà đến ngoài xã hội. Nó phụ thuộc vào một nền giáo dục có tính kế thừa và chọn lọc khắt khe.

Tôi thấy sự sang trọng khi Tổng thống Mỹ xếp hàng ở Starbucks. Tôi thấy sự sang trọng khi Thủ tướng Anh lóc cóc đạp xe đi làm chứ không tiền hô hậu ủng như ở ta. Tôi thấy sự sang trọng khi Thái tử Anh tham gia chiến trường như một công dân bình thường…, và tôi cũng thấy sự sang trọng trong trí tuệ của triết gia Trần Đức Thảo mặc dù đời sống vật chất của ông không hơn một con chó. Tôi cũng thấy sự sang trọng trong từng câu thơ của một thi sĩ lầm lũi cô độc như Trần Dần, và tôi cũng thấy sự sang trọng trong nhân cách của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức…

Vậy nên sự sang trọng theo cách nào là do bạn chọn, còn tôi chỉ đang cố bỏ đi những tật xấu của mình.

Hà lội, Hà lội.

Nguồn: FB Lê Quảng Hà

Comments are closed.