Về một nội dung không phát biểu khi giới thiệu sách nhà ngoại giao Hà Văn Lâu

Kiều Mai Sơn

1/ Khi gia đình cụ Lâu đề nghị tôi sẽ giới thiệu về cuốn sách trong cuộc Triển lãm (9/12/2022), tôi viết xong, gửi nội dung để gia đình và ban tổ chức được biết. Sau đó, ban tổ chức có đề nghị tôi không nhắc đến sự việc của ông Hà Văn Lan vì ngại tính nhạy cảm của sự việc.

319646777_718654136027671_1530056770011270684_n

 

Công chúng khi đến xem Triển lãm sẽ thấy có ảnh ông bà Hà Văn Lan (1901-1950) – Công Tôn Nữ Đại Hỷ (1906-1994) là chú ruột đã nuôi Hà Văn Lâu ăn học từ năm 12 tuổi. Thông tin chỉ có vậy. Song nếu ai biết câu chuyện phía sau mới xót xa…

Tôi không phát biểu trong Triển lãm theo đề nghị của Ban tổ chức. Giờ đây, khi Triển lãm đã kết thúc thành công tốt đẹp, tôi muốn chia sẻ để công chúng biết về nỗi niềm này của Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu.

2/ Kính thưa gia đình Nhà ngoại giao – Đại tá Hà Văn Lâu

Kính thưa các vị đại biểu, các vị quan khách, thưa các bạn

Thọ gần 100 năm, sống trải qua 2 thế kỷ, cuộc đời Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu tiêu biểu cho thế hệ trí thức Việt Nam theo cách mạng. Theo tôi, nói về Đại tá Hà Văn Lâu đầy đủ nhất và chân thành nhất là Đại sứ Vũ Hắc Bồng. Xin được trích như sau:

"Những người ở trong nước, ông Hà Văn Lâu có 2 đức tính tôi khâm phục.

Quá khứ gia đình nặng nề, chú bị giết, ông hiểu thời thế…, không hận thù, mà rất trung thành với lý tưởng yêu nước.

319109265_2144799049039744_5454439271848877215_n

 

Ông là người ở chức Đại tá lâu nhất tới 40 năm của quân đội ta, chẳng thấy khi nào lên chức hay xuống chức. Sau này, ông chuyển về Ngoại giao làm Thứ trưởng. Con người gương mẫu cả về công việc và tư cách”.

Là Bí thư Chi bộ nơi Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu sinh hoạt sau khi nghỉ hưu, Đại sứ Vũ Hắc Bồng trong lễ mừng sinh nhật 94 tuổi Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu đã chia sẻ trước đông đảo quan khách, bạn bè thân hữu tại Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh:

“Trong cuộc đời bác Hà Văn Lâu có một vết thương lòng là cái chết oan của người chú ruột Hà Văn Lan”.

Hôm nay, trong cuộc triển lãm này, chúng ta sẽ được thấy hình ảnh của vợ chồng Phó Thủ hiến Trung Kỳ Hà Văn Lan – Công Tôn Nữ Đại Hỷ – người chú ruột và thím dâu đã nuôi Hà Văn Lâu ăn học từ năm 12 tuổi cho đến khi trưởng thành.

Sự việc đáng tiếc về cái chết của ông Hà Văn Lan, như Tiến sĩ Sử học Ngô Vương Anh đã viết trên Tạp chí Xưa & Nay (Hội KHLS Việt Nam) số 237, tháng 6/2005: MỘT TRƯỜNG HỢP RỦI RO TRONG KHÁNG CHIẾN…

Chuyện cũ sẽ qua đi nếu như không có chuyện trong phần Phụ lục công trình Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) của Bộ Quốc phòng có câu: “Diệt tên Hà Văn Lan – Phó Thủ hiến Trung Kỳ)” (phần Phụ lục này, trong bản thảo gửi Đại tá Hà Văn Lâu không gửi kèm nên ông không hề biết, chỉ đến khi sách in ra); cùng với đó là bài viết đăng trên một tờ báo kể về “chiến công” này.

Điều đó khiến Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu đau đớn. Ông phải có thư gửi tới các cơ quan chức năng.

Với phẩm chất “gương mẫu cả về công việc và tư cách” như Đại sứ Vũ Hắc Bồng nhận xét, Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu không đưa sự việc ra công luận để ồn ào.

Ông chờ đợi các cơ quan chức năng sẽ làm rõ nỗi oan khuất này cho chú ruột của mình dẫu biết rằng: “Hết cả cuộc đời tôi, cho đến khi tôi nhắm mắt xuôi tay, chắc chắn sự việc sẽ không được giải quyết thấu đáo”.

Nguồn: FB Kiều Mai Sơn

Comments are closed.