Biên niên: Chiều hôm trước cách mạng



Dũng Vũ dịch

1860: Một hiện tượng mới ở Nga: Giới trẻ có cảm tình với nông dân đã luôn mạnh dạn đòi hỏi công bằng xã hội. Họ là những người có học thuộc nhiều giai cấp khác nhau.

1861: Sa hoàng Alexander bãi bỏ chế độ đầy tớ của nông dân Nga. Tuy nhiên, sự thực hiện một bước tiến kinh tế quá muộn chỉ khiến cho những vấn đề xã hội thêm trầm trọng.

1863/1864: Sa hoàng Alexander II (biệt danh là Sa hoàng “giải phóng”) ra lệnh dẹp tan cuộc nổi dậy của Ba Lan chống người Nga.

1872: Bản dịch tiếng Nga đầu tiên của bộ “Tư bản” (das Kapital) thứ nhất được xuất bản. Khâu kiểm duyệt đánh giá không nguy hiểm, vì “rất khoa học”, và cho thông qua.

1874: Hàng ngàn thanh niên từ thành phố Nga (mệnh danh là “Narodniki” (“bạn nhân dân”)) đã kéo về nông thôn làm công tác giáo dục và khai sáng nông dân. Nhưng nông dân không hiểu ý tưởng xã hội chủ nghĩa của những người “bạn nhân dân” này là gì cả.

1876: Nhóm Narodniki cực đoan thành lập tổ chức “Semlja i Wolja” (Ruộng đất và Tự do).

1878: Stepan Chalturin, sáng lập viên “Liên đoàn Công nhân Bắc Nga”, xin vào hoàng cung Sa hoàng làm nghề thợ mộc, đến năm 1880, đã đặt chất nổ ở đó. Cả hoàng gia may mắn thoát chết. Sau này, chân dung Stepan Chalturin được treo bên cạnh Marx trong phòng làm việc Cẩm Linh của Lenin.

1881: Sa hoàng Alexander II thiệt mạng vì bị đặt bom.

1887: Vụ mưu sát Sa hoàng Alexander III thất bại. Năm phiến quân bị xử tử, trong đó có người anh của Lenin: Alexander.

1894: Trên giường hấp hối, Alexander III đón nhận lời thề của con trai mình – Nikolai II, người kế vị, và cũng là Sa hoàng cuối cùng của nước Nga – sẽ không rời xa chế độ độc tài, dù khoảng cách chỉ bằng đường kính một sợi tóc.

1895: Lenin mở cuộc bút chiến mác-xít với nhóm Narodnik “lãng mạn”.

1897: Kết quả thống kê dân số: Dân Nga chỉ còn chiếm 44% dân số trong đất nước Sa hoàng.

1904/1905: Trong khi quân Nga bị bại trận trước quân Nhật, vô số cuộc nổi dậy của nông dân đã xảy ra tại thôn quê.

01.1905: Chiến binh ở Petrograd đã xả súng vào hàng trăm người thân Sa hoàng đang biểu tình bất bạo động trong “Ngày chủ nhật đẫm máu”. Maxim Gorki viết thư cho người vợ cũ: “Cuộc cách mạng đã bắt đầu”.

1905: Tại Petrograd, một nhóm mệnh danh là bộ phận dân chủ công nhân đã bất ngờ thành lập Xô-viết (tiếng Việt nghĩa là hội đồng) đầu tiên. Chẳng bao lâu, nhà diễn thuyết đại tài Leo Trotzki đã trở thành chủ tịch.

1911: Thủ tướng Pyotr Stolypin, người từ năm 1906 đã cố gắng ổn định đất nước bằng sự kết hợp giữa cứng rắn và cải cách ruộng đất, bị ám sát chết.

02-03.1917: Nạn đói vì chiến tranh kéo dài nhiều năm đã tạo ra những cuộc biểu tình đông đảo, dẫn đến sự thoái vị của Sa hoàng Nikolai II. Bên cạnh các hội đồng công nhân, nhiều hội đồng quân nhân cũng được thành lập bao gồm những thành phần binh sĩ chán ghét chiến tranh và phản loạn.

04.1917: Ðúng ngày lưu vong từ Thụy Sĩ trở về, Lenin đã giới thiệu các “Luận đề tháng tư” của mình trước cuộc tụ họp tại Petrograd: Trong sự đổ vỡ của tất cả các lý thuyết xã hội trước nay, ông đưa cuộc cách mạng vô sản của nước nông nghiệp tụt hậu Nga vào chương trình nghị sự. Giới phê bình của phe xã hội chủ nghĩa đã chứng kiến những “cơn mê sảng” ấy của Lenin.

Mùa hè 1917: Vì muốn tiếp tục chiến tranh, chính phủ lâm thời và thủ tướng Kerenski đã mất người ủng hộ mình nhanh chóng như phe Bolschewik kết nạp được thành viên mới.

25.10/07.11.1917: Trong cương vị chỉ huy “Ủy ban cách mạng quân sự” Bolschewik, Leo Trotzki đã tổ chức cuộc nổi dậy có vũ trang tại Petrograd; một điều Lenin đã đạt được để chống lại các nhóm phản đối trong đảng phái của mình. Cả Trotzki và Lenin đều nghĩ rằng, những cuộc cách mạng tiếp theo ở châu Âu sẽ cần sự giúp đỡ từ sự thử nghiệm này.

Nguồn: Vorabend der Revolution. Spiegel Special Geschichte, 4.2007

Comments are closed.