Miền Hoang Tưởng (kỳ 2) – Tiểu thuyết của Đào Nguyễn

III

 

Bông hoa ban trong trắng của tôi ơi!

Thế là ba tháng xa em. Ba tháng trời anh gặp biết bao điều may mắn. Thầy dạy nhạc đỡ đầu của anh là một nhạc sĩ có tên tuổi đã đi du học ở nước ngoài. Ông ta đối xử với anh như đứa em. Tuần trước, anh đưa cho ông ta một tập trăm bài ca khúc anh đã làm hồi ở Tây Bắc. Ông ngạc nhiên:

–         Vốn liếng khá đấy!

–         Em làm theo cảm hứng. Cảm xúc thế nào ghi lại thế ấy.

Ông ngẫm nghĩ rồi tâm sự:

–         Ở Tư, anh thấy mầm mống một tài năng. Quý lắm!

Trong Tư, có hai khuynh hướng: Một khuynh hướng mức độ và một khuynh hướng phá phách. Người khổng lồ, thì sự phá phách dẫn đến sự sáng tạo. Kẻ bình thường, thì sự phá phách là nguồn gốc đem đến đau khổ. Vì vậy, phải xác định cho rõ mình là kẻ bình thường. Hãy lấy cái “tinh thần mức độ” làm hướng đi. Nhưng mà… phải để tùy em tự chọn lấy đường mình… hoặc là em sẽ mòn mỏi đi trong cái vô danh im lặng, nhưng được bù đắp lại bằng một ảo tưởng kiêu hãnh. Hoặc là em sẽ gây dựng được cho mình một chỗ đứng trong giới âm nhạc… Tư ạ. Con đường “không mức độ” sẽ đầy chông gai, khổ ải. Tư có cả gan dám làm một con người “tử vì đạo” không?

Anh im lặng, vì thực ra anh cũng chưa hiểu mình. Nhạc sĩ động viên và hứa sẽ giúp đỡ anh tận tình.

Đêm nay anh mơ thấy bao điều sung sướng. Anh đang đọc lại và nghiền ngẫm chuyện Trương Chi. Đó là chuyện cổ tích hay nhất của quê hương chúng ta. Một chuyện cổ tích đầy yêu thưong và bi thảm, Anh sẽ viết chuyện đó thành một giao hưởng.

Anh vẫn tưởng tượng đến chuyện sau khi học xong anh sẽ lên Tây Bắc đón mẹ và em về quê. Thầy mẹ anh vẫn còn để cho anh một miếng đất ở quê và chúng mình sẽ đến đấy lao động và sống. Anh vừa làm nhạc, vừa cày ruộng. Sự tưởng tượng mơ mộng ấy đôi lúc làm vơi nhẹ nỗi buồn xa cách.

Trong lá thư vừa rồi, em bảo anh bỏ học mà trở lại Tây Bắc. Em cần phải hiểu cho anh, cần phải tha thứ cho anh, Anh không thể trở về Tây Bắc. Không phải vì anh sợ khổ, mà vì anh còn phải ở lại Hà Nội vài năm để học tập cho xong.

Cái con vượn mẹ vẫn hàng ngày hú gọi than khóc đứa con hở Ngà? Nghe em kể, đêm nào anh cũng mê thấy nó. Nó ngồi chồm hỗm trong giấc mơ anh, đôi mắt giàn giụa. Con vượn muốn kể nỗi buồn. Trong thư, em nói con vượn mẹ, ban đêm, dám chuyền từ đỉnh núi chóp nón xuống nóc nhà đội trưởng Mai mà hú hồn. Kẻ yếu đuối ấy chỉ có tiếng hú tiếng khóc làm vũ khí thôi sao? Có phải đêm ấy đội trưởng Mai lên cơn mê hoảng chỉ vì tiếng con vượn hú. Thì ra tiếng hú, tiếng khóc cũng là thứ vũ khí hiệu quả. Tiếng khóc hờn oán lắm khi cũng làm cho bạo tàn hoảng vía.

Mẹ vừa qua ốm nặng lắm sao? Em bảo mẹ không ăn được và lên cơn hen. Bênh hen rất khó chữa. Anh mua được mấy ống thuốc cấp cứu ngắt cơn hen. Em nhớ: bất đắc dĩ lắm hãy dùng. Ngà giấu anh chẳng nói trong thư, nhưng anh biết em phải thức đêm suốt một tuần lễ để chăm sóc mẹ. Người ta bảo rằng em chong đèn ngồi cho mẹ dựa lưng, ngồi thâu đêm suốt sáng, rồi ban ngày lại đem giỏ đi hái bông.

Bông hoa ban dịu dàng của anh ơi!

Hãy tha thứ cho anh! Đáng lẽ ra, trong những giờ phút buồn phiền này của em, anh phải có mặt bên em để cùng em gánh chịu.

Ngà ơi! Giờ này em làm gì? Em có nghe thấy tiếng gọi của anh không?

Anh của em.

Lá thư không gửi.

Người bạn của tôi ở Tây Bắc về nói rằng trong những ngày mẹ Ngà ốm, đội trưởng Mai thường đến nhà cô ta luôn. Vợ đội trưởng Mai bị chết bom. Mai cũng chưa có con. Mai là đội trưởng giỏi, đội của anh bao giờ cũng đạt năng suất lao động cao. Khi đi làm về, Mai rất chăm chỉ phá rẫy làm vườn riêng, anh có hàng trăm gốc chuối, hàng ngàn gốc sắn, vài chục con gà và một đôi lợn. Kể ra đó cũng là một vốn liếng.

Mai chăm đến nhà Ngà làm gì?

Tôi ghen! Tôi ghen! Tôi ghen!

Chúa Giê-su lại hiện về trong cơn mê sảng của tôi. Những lời tiên tri hay những lời đe dọa?

Anh là Trương Chi. Gia tài của anh là con đò nát cộng thêm tiếng hát. Người đàn bà cần một tổ ấm hơn là một lá đò lênh đênh, cần bát cơm hơn cần tiếng hát.

– Chúa đã chẳng nói rằng: “Người ta sống không phải chỉ bằng bánh mì”?

– Đúng, cách đây khoảng hai ngàn năm ta đã nói như thế. Nhưng bây giờ những kẻ kế tiếp ta lại nói thêm rằng: “Bánh mì rắc thêm lớp muối khôn khéo – phỉnh nịnh: Đó là niềm tin”.

– Ông không phải là chúa Giê-su.

– Ta là nẻo đường, ta là hạnh phúc, ta là chân lý, Những ai nói đến điều ấy đều là ta cả.

– Tôi không tin

– Con đã tin… Và con sẽ tin. Còn hiện nay, con chưa tin vì lòng con bối rối. Khi nào đi cạn sự đời, con sẽ hiểu ta.

– Ông là đức Chúa trời của thế kỷ hai mươi.

-Ta là Chúa của mọi thời gian. Ta hiện ra cứu thế dưới nhiều dạng vẻ khác nhau, tùy theo từng thời gian lịch sử.

Đã mấy tháng nay tôi và anh Trần vấn sống trong cuộc chiến tranh im lặng. Tôi im lặng vì thân phận loài nai. Còn ông anh Trần, anh im lặng vì biết mình là người có quyền lực về tư tưởng. Trong thâm tâm, ông tin rằng đến một lúc nào đó, tôi sẽ hoàn toàn thất bại, khi ấy tôi sẽ đến quỳ mọp dưới chân ông, tự sám hối, để cầu xin giúp cho giải thoát. Nhưng ông đã lầm, sự im lặng của tôi kéo dài tức là ý thức của tôi đã trụ vững. Cuối cùng, hết kiên nhẫn, ông là người cáu kỉnh lên tiếng trước. Tiếng nói một khi đã thốt là hết đường hàn gắn, rạn nứt lại thêm rạn nứt, đổ vỡ càng thêm trầm trọng. Hôm ấy, chị tôi đi vắng, anh Trần pha cà phê mời tôi uống. Anh nói:

– Lâu lắm rồi, hôm nay mới đề cập đến vấn đề riêng của cậu. Như vậy tức là anh tôn trọng, muốn để cậu có đủ thời gian suy nghĩ kỹ. Xin nói thẳng. Cậu đã mắc một sai lầm nghiêm trọng: Như anh đã nói: đức cao quý nhất của con người là đức hy sinh.

– Em chẳng đã hy sinh nhiều quá hay sao? Sự ổn định về đời sống – chuyện riêng tư – tương lai tốt đẹp chờ đón… Tất cả em đều không màng tới.

– Đúng! Cậu đã hy sinh, nhưng là sự hy sinh vì riêng cậu.

– Em mong muốn làm được một điều gì đó với hết khả năng của mình. Nếu nhìn gần cứ tưởng như em vì mình. Nhưng nếu nhìn xa sẽ thấy sự hy sinh ấy có nhiều lợi ích chung.

– Ngụy biện!

– Em thành thực.

– Còn anh? Dối trá hay sao?

– Anh già rồi… Khi người ta già, người ta không thể thay đổi những quan điểm cũ, chúng đã bắt rễ từ thuở thiếu thời. Anh đang cố tô vẽ cho những quan niệm ấy để tự làm yên lòng và để dối trá người khác. Lắm khi anh biết mình sai, nhưng anh lại tự ru ngủ mình rằng cái sai là nhỏ bé, cái đúng là to lớn. Về già, người ta thèm sự êm ấm, người ta yêu cái vị trí đã giành được bằng bao năm gian khổ, người ta sợ di chuyển, biến động, sợ ngay cả sự động đậy của khối óc. Tuổi già phù hợp với giấc ngủ, với nhung lụa…

Anh Trần tròn mắt nhìn tôi, Tôi lảng tránh cặp mắt tức giận ấy. Trong khoảnh khắc, trông anh dữ tợn. Tôi nhìn anh, tôi không thấy sợ, mà ngạc nhiên thì đúng hơn, ngạc nhiên về sự quá bạo dạn của mình. Cũng trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt hiểu mình đã lớn, mình đã rời được vú mẹ, mình đã là con chim đang mọc lông mọc cánh. Con chim nhỏ cảm thấy hanh phúc đồng thời cũng bàng hoàng cảm thấy điều kỳ diệu khi đôi cánh vẫy lên; nó đã vút mình vào khoảng không bao la, mênh mông bí ẩn, khoảng trời đầy cạm bẫy rủi ro nhưng cũng đầy hoan lạc vì nó biết mình là một sinh vật có khả thể không bị ràng buộc.

Anh Trần thở dài, cái thở dài của một con người cảm thấy có một cài gì đó vừa tuột khỏi tay mình. Cặp mắt anh chợt dịu đi, cặp mắt dim lại, cố nén sự bộc lộ vội vã vào bên trong, cặp mắt từng trải mưu lược. Cặp mắt ấy như muốn nói: “Hỡi chú chim non ngờ nghệch! Sao ngươi không cố chịu hiểu: Thế giới này là của những người như ta… trước sau rồi ngươi sẽ tự giết chết trong một cạm bẫy nào đó… Nhưng bánh răng…đúng….những bánh răng sẽ nghiền nát ngươi ra…lúc đó hối cũng không kịp nữa…

Cuộc đối thoại ấy như một quả bom nổ tung, khoét cái hố ngăn cách giữa anh em tôi thành vực sâu. Lúc này đã hoàn toàn bình tĩnh, anh Trần nói rất nhỏ:

  – Thôi thì tùy cậu. Cậu tự nhận lấy trách nhiệm đối với đời mình. Còn trách nhiệm của anh đối với cậu, thế là hết.

Tôi buồn rầu, bộ óc sưng tấy vì kích động. Tôi lặng lẽ đến trước dương cầm và ngồi xuống. Tôi lướt ngón tay, một âm điệu giằng xé bỗng vang lên. Phải chăng khúc Trương Chi? Anh Trương Chi buồn phiền trên lá đò đêm.

Người ơi! Bến chẳng thầy đò

Con đò nhỏ hay con đò nát.

Tiếng hát lung linh dài như ánh mắt

Xao xuyến ngân hà một bóng trăng trôi

Tiếng hát đam mê trời cao bỗng tít

Giai nhân hề…giọt lệ tuôn rơi

Ma quỷ nào làm nhòe con mắt?

Ma quỷ nào biến hình gương mặt?…

Đò đêm, một lá đò đêm…

Duyên ơi! Sao chẳng tìm duyên?

Tay tôi lướt trên phím đàn, tiếng đàn an ủi; chỉ còn cây đàn lúc này là bạn của tôi. Tiếng đàn như nức nở, nó tự nghi ngờ. Tiếng con nai yếu đuối xót xa- tiếng con hổ gầm lên man rợ- tiếng súng nổ của đội trưởng Mai- con vượn nhỏ sóng soài- con vượn mẹ hú từ đỉnh núi- tiếng anh Trần tự tin, già nua- tiếng của em tôi, tiếng của Ngà trong trẻo; Em ghé sát vào tai tôi, thầm thì trên nền âm thanh kỳ dị ấy.

“Anh yêu ơi! Đêm qua, em mơ thấy anh nằm dài, xanh lướt. Anh trang nghiêm mà xa vời. Anh buồn vã nhưng càng âu yếm. Anh ốm phải không? Cái đất Hà Nội kỳ quặc ấy, có gì mà cuốn hút anh? Mẹ cũng thương anh chẳng kém. Em đọc thư anh cho mẹ nghe, mẹ khóc và bảo rằng: Anh là người tốt nhất, nhưng hồn vía anh đang bị những cơn mê ám ảnh.

Về đi! Về đi anh ơi!

Mẹ đang nhặt bông làm cho chúng ta một chiếc chăn ấm nhất. Bạn bè đang kiếm gỗ làm cho chúng mình một căn nhà đẹp nhất. Anh đi, rừng cũng buồn, suối cũng buồn, tiếng con nai giác buồn thêm, tiếng con vượn như tiếng khóc thâu đêm, đàn bò của em dạo này cũng như ngơ ngác.

Về đi! Về đi anh ơi!

Em đã được nghe bản nhạc của anh. Cảm ơn anh gửi nhạc tặng em. Em biết là anh nhớ em, thương em. Anh nói anh vui nhưng em biết là đang khổ. Tại sao anh lại trốn vui đi tìm khổ?

Về đi! Về đi anh ơi!…

 

IV

          Anh thương yêu!

Đêm nay con bò sừng hươu của em lại trở dạ đẻ. Em thức suốt đêm nghe tiếng rừng. Con chó đốm thỉnh thoảng lại sủa khàn bâng quơ. Gió núi rì rầm trong những lùm hoa ban sau nhà. Con chim “bắt cô trói cột” chợt kêu hốt hoảng – Tiếng con nai gọi nhau tha thiết. Một tảng đá cô độc, không hiểu vì sao, bỗng lăn từ đỉnh núi chóp nón trước nhà, theo sườn núi, tiếng động lộc cộc rợn và huyền bí. Rừng bỗng dưng câm bặt thì thào. Trong cái câm lặng ghê rợn ấy, đột nhiên tiếng con vượn mẹ lại hú lên hoang dại. Tóc em dựng ngược sau gáy. Cả con bò sừng hươu cũng thở phì phò gấp hơn Nó cúi đầu sát thêm xuống con bê và liếm…

Rồi sau đó, rừng hoa ban lại xì xào. Ôi chao! Sao mà em nhớ cái đêm em gặp anh lần đầu tiên đến thế. Đêm hôm đó, anh còn nhớ không? Chính con bò sừng hươu của em trở dạ đẻ lần đầu. Em phải cầm đèn chạy một mình trong rừng thẳm để đến gọi anh.

Anh thương yêu!

Anh ngốc nghếch mà kêu ngạo, anh vụng dại mà đằm thắm. Suốt dọc đường rừng, đêm đó, anh chỉ mắng em. Em chạy nhanh, thở dốc, mà anh vẫn chê là chậm. Tóc em vướng bụi cỏ sổ tung, anh cũng chê là lắm điệu. Con sóc rừng lẩn vào bụi tranh sột soạt làm em hốt hoảng, anh chê là dát…

Mãi đến khi, em đằm chân vào mầm cỏ tranh nhọn hoắt, đâm lút đến xương, thì lúc đó anh mới chợt thương em. Em run lên khi anh nắm lấy bàn chân em để săn sóc. Tim em rộn ràng khi anh bắt em phải đi đôi ủng của anh.

Kỷ niệm đầu tiên ấy sao đêm nay lại hiện lên trong óc em rõ ràng thế. Nghĩ đến nó, em như muốn khóc.

Sao anh bỏ rừng của chúng mình mà đi? Sao anh bỏ em lại mà ra đi một mình? Con vượn, chiều qua, đứng ngây trên cây ban đầu nhà mà kêu rất lâu. Em đứng dưới gốc, nó cũng không chạy; mãi khi anh đội trưởng cầm súng đến, nó mới bỏ chạy. Anh Mai bảo sẽ có lúc bắn con vượn chết.

Em sợ quá, Trước khi có anh, sao rừng của chúng mình dịu dàng đến thế. Bây giờ em đâm ra sợ rừng. Anh ơi! Viết thư cho em đi, viết nhiều vào. Em thấy bàng hoàng lo lắng. Có việc gì sẽ xảy đến với em, đến với chúng ta hở anh.

Anh ơi! Về đi! Về với em đi.

Ngà của anh.

          Em thương.

Hãy bình tĩnh. Nỗi đau xa cách rồi sẽ qua. Càng cách xa tình càng đậm đà. Em hãy cố gắng chịu đựng. Anh tin rằng sự đời bao giờ cũng kết thúc đẹp đẽ, miễn là ta có một trái tim nồng cháy và tốt đẹp.

Tội nghiệp cô em gái bé bỏng! Em lo cho anh quá nên đâm ra hốt hoảng. Chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Anh vẫn khỏe. Này, anh kể cho em nghe công việc mỗi ngày của anh nhé:

Năm giờ, anh thức dậy rồi ăn sáng, sau đó đến trường âm nhạc. Những giờ học say mê. Thầy của anh tốt vô chừng! Người thầy đỡ đầu chỉ bảo anh hết sức tận tình. Ông như con tằm nhả tơ, buông ra những sợi tơ mịn màng nhất, tâm huyết nhất của mình để đào tạo đứa học trò yêu. Ông hy vọng anh sẽ là người tiếp bước chân ông, kế nghiệp ông.

Em đã nghe bản nhạc tiếng rừng của anh, anh làm ra nó trong một đêm, đêm hôm đó sao anh nhớ em, và anh chỉ nghĩ đến em, nghĩ đến đội chăn nuôi của chúng mình. Cái đêm anh em mình băng rừng về đỡ đẻ cho con bò sừng hươu hiện về trong trí óc anh rõ mồn một…

Mười hai giờ đêm hôm ấy, em hốt hoảng gọi anh, Nghe tiếng Ngà, anh đã nhận ra ngay, nhưng anh cứ giả vờ trêu ghẹo:

– Cái gì mà ồn ĩ lên thế?

– Em đến nhờ anh…

– Đỡ đẻ phải không?

– Dạ…Vâng…

– Bà nào giở dạ?

– Vâng…vâng… không… không…

– Vâng… Đỡ đẻ… những không phải người…mà là bò…

Anh suýt bật cười vì cái giọng vừa ấp úng ngượng nghịu, lại vừa hốt hoảng của em. Anh nén cười và ra bộ lờ lững:

– Tưởng cho người… Bò thì quan trọng gì…

– Rất quan trọng anh ơi.

 Em năn nỉ, rồi hùng hồn giải thích: Nào là con bò ấy ngoan, nào là con bò ấy nhiều sữa… Có một điều em không nói ra nhưng anh rất biết: Em quý mến con bò ấy. Đã một lần, anh bắt gặp em nói chuyện với những con bò, y như nói chuyện với người.

Anh quý em bắt đầu từ hôm ấy, Nghĩ rằng: một người biết thương giống vật, chắc chắn người đó là người hiền hậu. Anh cũng yêu những con vật, thuở anh còn bé, nhà có con mèo chết, anh khóc cả một buổi. Hồi ông bố anh còn sống, một lần người ta giết con chó nhà nuôi ăn thịt, anh sợ hãi trốn biệt đến nhà ông ngoại, không dám nhìn mọi người ăn thịt con chó ấy. Thú thật, từ hôm đó anh không thích bố nữa, tại sao mình có thể đang tâm ăn thịt một con vật mà mình thương yêu, thậm chí con vật đó lại trung thành tận tụy với mình.

Thế rồi, anh mê em, Song mê mà không dám nói. Cái đêm rừng ngày ấy đã nói hộ anh. Bây giờ anh như vẫn còn nghe thấy cả tiếng thở dồn dập của em trên đường đến trại bò. Đêm hôm ấy thật đẹp! Vòm trời núi lấp lánh vài hạt sao nhạt. Con chim đêm thảng thốt vụt cánh. Con nai âu yếm giục chúng ta đi. Con cú mèo trên đường bay ngang rừng bao giờ cũng dịu dàng. Những con thú ác ở đâu chả có, song chúng có nhiều đâu.

Chị Trần gửi lời hỏi thăm em đấy. Thằng con lớn của anh chị đi học nước ngoài gửi quà về, chị bảo anh gửi biếu mẹ hộp thuốc bổ. Anh Trần cũng rất quý em. Anh chị cứ giục anh lên xin phép mẹ cho chúng mình cưới nhau. Ở nhà, anh là út. Bố mẹ đã chết, nên chị Trần chỉ muốn anh lập gia đình cho ổn định. Nhưng anh còn phải học; hai năm nữa chúng mình cưới cũng không muộn. Mong em hiểu anh. Anh không muốn chúng mình thành vợ chồng trong khi anh chẳng kiếm được tiền nuôi gia đình. Anh không muốn Ngà khổ.

Hãy bình tâm Ngà nhé!

Hạnh phúc ở trong tay chúng ta.

Anh của em.

Lá thư không gửi.

Sao tôi cứ phải nói dối mãi thế này hở trời?

Một ngày làm việc của tôi đâu có phải êm đềm như thế. Ông anh rể tôi ngày càng im lặng. Ông rất lịch sự với tôi, lịch sự đến nỗi chị gái tôi phải phát cáu:

  – Anh em nhà ông lẽ phép đối với nhau như những nhà ngoại giao.

Anh Trần cười:

–         Tôi không muốn làm gì để bận lòng cậu Tư. Phải giúp cho cậu ấy yên ổn nghiên cứu.

Sau bữa cơm chiều, chung quanh ngọn đèn xum họp, anh Trần đổi thái độ, anh không nói với tôi, nhưng lại gián tiếp khuyên nhủ bằng những câu nói với vợ con, những câu nói thường làm tôi chẳng thích, chí ít thì cũng thờ ơ.

Tôi thường ngồi hút thuốc lá, nhắm mắt để đoán những hàm nghĩa qua giọng nói. Anh khuyên nhủ cháu Lê, cậu con trai thứ hai, đang chuẩn bị sang Đức:

– Con sang bên ấy, phải tỏ ra xứng đáng một con người Việt Nam. Bố mong con học kỹ thuật giỏi chứ không mong con làm giầu.

Thằng cháu tôi không phải loại hám của, tôi biết chắc vậy, vì nhiều lần cậu cháu đã tâm sự với nhau. Có lẽ nó thích du lịch, mong được hưởng một làn không khí mới, hơn là cái không khí mà nó hít thở mãi từ tấm bé. Cũng có lúc thằng bé lại thấy rằng nó không nên đi mới đúng…

Ông anh rể hình như đã biết mập mờ về những ý định của con trai. Có lẽ ông cho tôi là thủ phạm, là người đã khơi gợi “những ý nghĩ ấy cho thằng bé”. Nghe ông bố giảng giải, thằng Lê liến láu trả lời rất khôn ngoan, cốt cho ông yên tâm. Trong thâm tâm nó, tôi biết thằng bé chẳng tin nghe lời bố. Ông Trần bực bội, liếc nhìn tôi. Cái nhìn hằn học như muốn nói:

“ Cậu chính là thủ phạm của những ý nghĩ bông lông, Cậu xem từ trước tới nay, trong căn nhà này, mọi thứ đều ổn định trật tự, Từ chỗ nằm, chỗ ngồi, chỗ đặt phích, chỗ đặt quyển sách… cho đến chỗ ngồi của những tư tưởng… Tất cả nhất nhất đều nề nếp… thẳng tắp như một đoàn quân, ngăn nắp như một trại lính vào giờ kiểm tra nội vụ. Nhưng từ ngày câu đến đây…. Thế là đảo lộn, không gian, thời gian của nhà tôi như bị xộc xệch, như bị nhiễm độc vì những ý tưởng bông lông.

Tôi trả lời thầm:

  “ Ô kìa! Như anh biết đấy, em chưa hề khuyên cháu một lời nào ngược với ý anh. Em không hề muốn cháu sống như em.

  “ Cậu không nói nhưng còn mắt buồn phiền của cậu nói nhất là tiếng đàn. Tiếng đàn của cậu là cái gì? Là những âm thanh về những con nai chỉ thích tung tăng thỏa thuê trên đồng cỏ, không thích chịu sự cai quản ràng buộc… Là âm thanh của những bước chân ngập ngừng, nghi ngại. Những bước chân ấy sợ cái gì khi con đường thênh thang đã mở ra trước mắt?… Là âm thanh ưu tư phiền muộn của sự đợi chờ. Lúc thì nó bực bội, lúc thì nó hy vọng, lúc thì nó chán nản, lúc thì nó phấp phỏng… Hừ! Anh phấp phỏng cái gì nào? Sao lại phấp phỏng? Đã sáng rồi chứ còn tối nữa đâu?…Nói chung, tôi ghê sợ tiếng đàn của cậu… Có sự hiện diện của nó, căn nhà của tôi bỗng như muốn xô lệch đi… Những người ở gia đình này bỗng như không muốn tuân lệnh tôi…

  “ Anh kết tội tiếng đàn của em nghiêm khắc thế sao?

  “ Tiếng đàn tội lỗi!

 “ Anh muốn em… thế nào bây giờ?

  “ Muốn tiếng đàn của cậu thay đổi lại. Làm sao cho căn nhà của tôi lại êm ả, lại trật tự như xưa.

  Tôi không muốn tiếp tục đối thoại với anh rể tôi nữa. Tôi ra khỏi nhà, đi chơi. Đêm ấy, tôi không ngủ ở nhà. Tôi đi tìm gặp người bạn tên Hưng, thầy giáo dạy văn. Hưng rủ tôi đi đến nhà Minh, Anh bảo:

–         Dạo này, trông cậu thiểu não quá. Ốm hay sao?

–         Không ốm.

–         Dù sao thì cũng là ốm, Tâm hồn day dứt, thế là ốm, Cậu nhớ Tây Bắc ư? Minh sẽ giải bệnh cho cậu bằng cách cho xem mầu sắc núi rừng, Cậu nhớ đàn bò của người yêu ư? Nhớ lũ nai bên suối ư? Ở nhà Minh có đủ loại tranh về cầm thú.

Tôi cười bông lơn:

–         Đêm nào tôi cũng gặp Chúa Giê –su. Không biết nhà Minh có tranh về Chúa không?

–         Cậu vô thần, không theo đạo Thiên Chúa cơ mà.

–         Thế mà tôi lại nặng duyên với Chúa. Đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy Chúa. Người đàm đạo với tôi đủ chuyện.

–         Chuyện gì?

–         Những chuyện nghiêm trang của đời người. Đêm qua, Chúa bảo tôi: “Anh sẽ bị đuổi ra khỏi xứ Thiên đàng” Tôi bướng bỉnh trả lời: “Không ai có quyền đuổi tôi khỏi hạnh phúc. Tôi cứ đến dù Chúa ngăn cấm. Vả lại, tôi có tội gì nào? Tôi hoàn toàn trong trắng.” – “Anh bị đuổi vì những nét nhạc bông lông. Nét nhạc của anh đang bị quỷ ám” – “Nét nhạc của tôi là niềm thương xót cho những nối hẩm hiu. Nó là ước vọng khao khát hạnh phúc. Đó là tiếng giác của con nai yếu đuối, tiếng hú của con vượn mất con. Đó là tiếng thầm thì của người đàn bà tôi yêu – tiếng khe khẽ rên của con bò nái bừng lên sung sướng khi con bê nhỏ chào đời. Đó là tiếng của những đêm dài phấp phỏng. Sao có thể gọi là bông lông, quỷ ám?” Chúa lắc đầu rồi bay vụt lên trời. Bầy thiên thần theo hầu bên tấu lên một điệu nhạc vang vang do hàng ngàn vách đá đẩy dội lại: “Ta là đường sáng, là hạnh phúc, là chân lý”. Tiếng nói âm vang ấy như đè bẹp không gian xuống, muôn vật hình như thảy đều co rúm lại.

Hưng trầm ngâm:

–         Giấc mơ của cậu kinh khủng quá. Ốm mất rồi bạn ạ.

Tôi cáu kỉnh:

–         Mình không ốm

–         Thôi được! Thì cứ cho là cậu không ốm. Nhưng cứ lên đến nhà Minh, đến đó tớ tin lòng cậu sẽ dịu lại.

Căn buồng của Minh là một căn buồng hẹp chừng mười thước vuông. Trên vách treo kín tranh. Tôi đã thuộc tên từng bức. Bức “Đồng cỏ” với mầu da cam mênh mông, màu da cam của những làn khói tên lửa, màu da cam tàn nhẫn và đầy khát vọng. Bức “Em bé nghèo” với màu chì nhạt xám buồn nhưng trong trẻo. Em bé gái tóc xòa đang đối thoại ngầm với con chim nhỏ nằm trên bàn tay gầy:

–         Chim ơi! Chim có tổ không?

–         Chú tưởng loài chim bao giờ cũng có tổ ư? – Con chim nhỏ líu lo trả lời. – Chỉ khi nào ấp trứng, nuôi con mới có tổ, còn thì suốt đời chim vẫn lang thang. Lúc thì ẩn ở những lùm tre cong mềm mại, lúc thì trú ngụ ở những rừng lau xám buồn, lúc thì phiêu bạt đến những rặng núi cao ngất chọc mây. Lúc thì lang thang đến rừng đào Sapa, từng Mơ bến Đục. Cả đời, loài chim chúng em đi tìm niềm vui. Chúng em đã gặp nhiều niềm vui, nhưng chẳng cái nào bền.

Tôi thích nhất bức tranh này của Minh. Hôm Minh mới vẽ xong, tôi ngủ bên bức tranh, nhìn nó và bắt gặp cuộc đối thoại trong tranh ấy.

Tranh của Minh chẳng giống tranh của bất cứ họa sĩ tài năng nào. Minh chẳng học vẽ ở một trường lớp nào. Minh mới vẽ vài năm nay, tự học mà vẽ. Đêm ngày Minh như điên trong cơn vẽ. Một năm trời, Minh đã cho ra đời vài trăm bức tranh. Nhiều họa sĩ đến thăm, người khen, người chê. Họ bảo: Đây là một họa sĩ có năng khiếu nhưng thiếu học. Một lời khinh miệt nhưng cũng là lời thán phục. Người ta chê những người ta vẫn đến. Chẳng ai hỏi mua một bức tranh nào. Điều đó không làm Minh buồn hay chán nản. Anh bảo: “Tôi có làm họa sĩ đâu. Tôi thích mầu sắc, tôi quệt sơn quệt mầu lên vải, lên giấy để tìm những phản ứng của chúng hoặc sự hài hòa giữa chúng. Nói chung, tôi là một đứa trẻ con nhiều tuổi muốn chơi vui với màu sắc. Thế thôi”. Minh đã làm nhiều nghề để kiếm sống:Thợ quét vôi, phu khuân vác, phụ nề, đi theo xe bò kéo, làm cả người chào hàng, đi đưa thuốc lá và kẹo bánh cho hàng chè chén… Kiếm được tiền, anh ăn uống rất sơ sài còn thì dồn hết cho việc vẽ.

Khi chúng tôi đến Minh đang cởi trần lúi húi vẽ. Bộ râu quai nón của anh bóng mồ hôi. Minh bắt tay, rồi hồ hởi nói:

– Mấy tuần nay không thấy Tư đến. Minh đang vẽ một sê-ri tranh mới: sê-ri bách thú. Cái này vui.

Minh trang trọng trải một tấm giấy trắng lên nền rồi lần lượt đặt những bức tranh lên. Tôi ngắm nghía con hổ – một con mèo thì đúng hơn. Dáng nó ngồi hiền từ, mắt lim dim, lông nó màu vàng da cam. Nhưng nhìn cho kỹ thì thấy không phải là mèo. Bức tranh toát ra sặc sụa mùi dã thú. Tại sao hổ lại không vàng đen, lại mang mầu da cam? Tôi nghĩ. Minh đoán được ý tôi, anh cười. Còn tôi, tôi cũng đọc được ý nghĩ của Minh trong đôi mắt nheo cười: “Đen ư? Hắc ám quá.Vàng ư? Hiền lành quá. Con hổ cũng hiện đại hóa. Mầu da cam mới đúng. Trong mầu da cam có cả cái sắc độ hiền hòa của những quả chín ngọt, đồng thời cũng chứa cả cái sắc độ tàn bạo của những đám cháy tên lửa”.

Sau con hổ là con nai. Con nai bị thương, đang liếm vết thương. Mắt nai là loại mắt bò; người Ấn Độ vẫn ví mắt con gái đẹp như mắt bò. Chân con nai dài quá khổ, mảnh dẻ. Có lẽ ý nghĩ về thứ vũ khí khi chạy trốn của tôi ở đây trùng hợp với ý nghĩ của Minh.

Trông con nai trong tranh lại chợt nhớ đến Ngà, đến đội trưởng Mai. Mai ư?… có lần ở nông trường, tôi đã gặp Mai trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Có thể nói, đó là một cuộc đối thoại giữa Người và Vật.

Bận ấy, Mai giết thịt chó. Anh ta chuẩn bị làm tiết canh, Đôi mắt sáng quắc. Mai cầm lưỡi dao cạo sắc ngọt. Con chó vàng bị treo ngược trên cành cây; mõm buộc, chân trước trói quặt sau lưng. Mắt con chó trắng toát, đôi mắt mê mẩn đi vì sợ hãi. Mai lấy lưỡi dao ngọt sớt bóc đi một miếng da cổ, tay trái anh cầm miếng giẻ thấm máu đỏ lòm. Những bắp thịt, giây thần kinh, giây chằng, mạch máu, thực quản, phế quản của con vật bị lộ ra công khai dưới anh sáng, chúng cũng biết run rẩy, chúng chuyển động rần rật như có vẻ cuống quit lẩn trốn. Mai lấy một chiếc nan hoa xe đạp, gợi gợi cái đống bầy nhầy ấy để tìm mạch máu. Vừa làm, thỉnh thoảng lại thấm máu, Mai vừa giảng giải cách lấy tiết:

–         Phải tìm cho đúng cái động mạch cổ thì máu mới tươi. Cách đánh tiết canh này là tiên tiến nhất. Nó tránh được tình trạng khi cắt, cuống họng hoặc khí quản cũng bị đứt theo, và như vậy, tránh được nước tiết sẽ bị tạp chất của dạ dày hoặc phổi theo ra làm ô nhiễm.

  Mai lấy cái đầu cong của chiếc nan hoa móc tìm cái động mạch trong đám thịt bầy nhầy. Cái bắp thịt cổ bị kích thích co lại, quằn quại. Bọt mép con chó sùi ra một vốc. Một tiếng kêu rên thảm thiết đau đớn, mặc dù bị trói bưng bít, vẫn thoát ra làm rợn người. Trẻ con xúm quanh, im lặng xem, những bộ óc non sưng tấy vì kích động. Những con mắt trẻ thơ tròn xoe sợ hãi, xen lẫn thích thú.

  Cuối cùng cái động mạch chủ đã được tìm thấy. Cái động mạch đầu nguồn sự sống ấy cố trốn lủi, nhưng rút cuộc vẫn bị tóm bắt. Mai kéo nó ra một cách tàn nhẫn, chuẩn bị hòa muối, lau sạch tay, rồi trang trọng dùng lưỡi dao ngọt cắt đôi mạch máu. Máu ồ ạt phụt xuống chậu. Con chó giẫy giụa kêu ư ử. Đôi mắt lúc đầu sợ hãi nhìn Mai, đã dần chuyển thành đôi con mắt vằn tia máu đỏ nhìn trừng trừng căm hờn. Luồng máu chảy ra yếu dần. Những nhịp co giật giẫy giụa cũng thưa dần. Những bắp thịt trên toàn thân con vật cố quằn quại, hết sức căng ra lần cuối, để sau đó nhũn dần rồi cuối cùng thõng thượt. Đôi mắt căm hờn cũng cố dướn mở ra lần cuối để rồi cụp lại đóng kín một linh hồn…

Tôi sởn tóc gáy suốt cuộc hành trình, ngạc nhiên vì thái độ có phần kiêu hãnh và thích chí của Mai. Còn mọi người chung quanh thì lặng đi vì khâm phục tài nghệ của đội trưởng. Một đứa bé nói với tôi, giọng thầm thì:

–         Chú Mai đã kể cho chúng cháu nghe một cuộc xử hơn hai chục thằng lĩnh ngụy, chỉ dùng gậy mà đập – chú ấy gan dạ vô cùng.

Mai quay lại nhìn thấy tôi. Anh vui vẻ:

–          Chào ông y sĩ. Thế nào? Ông thấy tôi tiến hành mổ xẻ có kém gì bác sĩ làm việc trong phòng phẫu thuật không?

Tôi lúng túng không biết nói sao về sự so sánh ấy.

Minh từ nãy vẫn nói về cái vườn bách thú trên giấy của mình, bây giờ mới chợt nhận ra cuộc phiêu lưu của trí óc tôi. Anh cười:

– Từ nãy đến giờ hình như cậu đã mơ màng… cậu lạc đi những đâu?

Tôi thành thật:

–         Lũ cọp lũ nai của cậu làm mình chợt bay lên Tây Bắc. Mình vừa chứng kiến một cuộc hành trình.

–         Một cuộc hành trình – Hưng lau chiếc kính trắng rồi lẩm bẩm. – Đầu óc cậu toàn là mộng mị. Cậu mắc bệnh hoang tưởng.

Tôi không hề để ý đến lời phán xét có tính y học của thầy giáo Hưng, và tiếp tục nói:

– Nếu các cậu không làm ngắt quãng thì chắc Chúa Giê-su lại hiện về với mình.

– Thật sao?- Minh có vẻ ngạc nhiên.

– Chúa trời hiện về luôn luôn với vầng hào quang trên đầu. Hình như Người thích tranh cãi, nếu cứ rỗi rãi là lại hiện về đàm thoại với mình. Tôi kể cho Minh nghe về cuộc gặp gỡ gần nhất với Người, về câu chuyện Chúa định đuổi tôi ra khỏi xứ Thiên đàng. Tôi chợt nhớ lại những chi tiết suýt bị bỏ sót.

– Bầy thiên thần bàng bạc nhòe nhòe, chẳng rõ là người, chẳng rõ là vật… những có điều chắc chắn nhất: họ có những đôi mắt sắc và ti hí… Có cảm giác đó là những con chuột, gian lắm! Họ bay lên không gian và hò hét. Bầu trời, mặt đất, tất cả như co rúm lại.

– Co rúm lại! Minh mơ màng, – Chúa với ánh hào quang.. Bầu thiên thần mặt chuột… Không gian như co rúm lại.

Sau đó, anh hoãi thuốc lá liên miên, và ngồi im lặng.

Hưng rủ tôi về:

– Cậu phải đến nhà mình vài bữa. Cậu cần phải được chăm sóc.

Tính Hưng vẫn thế. Anh là người chiều bạn, quý bạn, Bạn là nguồn vui của đời anh. Một ngày thiếu bạn là anh không chịu nổi. Vợ anh, chị Hiền một người đàn bà to béo hiền lành, thường tự hào về cái đức quý bạn của chồng, nhưng đồng thời cũng khó chịu vì cái đức quý bạn quá đáng ấy. Cơm tối xong, chị Hiền thích chồng phải ngồi nhà với lũ con, và bắt anh phải bịa ra những câu chuyện cổ tích để kể cho chúng nghe. Mỗi tuần ít nhất chị cũng bắt anh phải có mặt ở nhà với vợ con hai buổi tối. Vào những “buổi tối gia đình” như thế, thường thường, lúc đầu Hưng bồn chồn đi đi lại lại trong nhà như kẻ mất hồn. Vợ anh kêu lên:

– Này cái máu lang thang lại nổi dậy phải không? Tối nay dứt khoát tôi không cho ông đi đâu.

Hưng nể vợ, bắt buộc phải ngồi nhà với lũ con. Và chỉ khi anh bắt đầu bịa chuyện cổ tích, bắt đầu vào hứng và bốc lên… Cũng lúc ấy, lũ trẻ bắt đầu bị mê hoặc trong những chuyện phiêu lưu vô tận của anh thì tâm hồn anh mới dịu đi, yên ổn. Hưng là người thích lang thang, hay nói cho đúng hơn, anh là người mắc bệnh di động – Chỉ một buổi tối, anh có thể đến chơi bốn năm người bạn. Mỗi người bạn là một thế giới xa lạ với anh, để thỏa mãn cho anh, giải phóng, cho anh cái tâm lý đang bị u – trệ, như anh thường nói. Những chuyện cổ tích, Hưng kể cho các con nghe, cũng là cuộc đời lang thang của tâm hồn anh.

Đêm hôm ấy, Hưng và tôi rón rén trở về căn nhà lá ở cái xóm lầy Hà Nội, Hưng khẽ luồn tay tự mở cửa. Căn nhà Hưng tự làm lấy, căn nhà đã nhiều lần sửa chữa, căn nhà đã thay đổi cửa ra vào nhiều lần, theo nhiều hướng, ở nhiều chỗ khác nhau. Cứ mỗi lần chuyển cửa, Hưng lại tìm được một cách sắp đặt để riêng anh có thể tự mở. Phải làm như vậy vì anh hay đi chơi khuya, mà mỗi lần đi chơi đêm về, khi đứng trước cửa nhà mình thường cảm thấy như mình có tội với vợ con – Hưng giải thích vấn đề cửa cho tôi như vậy.

Vào nhà, chúng tôi không thắp đèn lên. Vợ Hưng, các con Hưng đều đã ngủ say. Hình như cũng chẳng ai biết rằng chúng tôi đã lẻn vào nhà. Tôi bám vào lưng áo Hưng, rón rén tiến dến chiếc giường cá nhân. Hai thằng chui vào cái màn mắc sẵn và rì rầm trò chuyện.

Nằm bên Hưng, sao tôi thấy anh thân thiết với tôi đến thế. Hưng nhiều hơn tôi đến hơn chục tuổi, tôi coi anh vừa là người bạn, vừa là người anh.

Tự dưng, tôi thấy nhu cầu phải mở hết lòng mình rã giải bày với anh. Tôi như một con chiên đang thú tội, đáng kể những nỗi ưu phiền để lòng mình được vơi nhẹ. Những câu chuyện về Ngà, những mâu thuẫn với anh Trần, những băn khoăn về đội trưởng Mai. Những kỷ niệm về những con nai, con vượn, những giấc mơ kỳ dị và những dự định, những khát vọng.

Khi tôi kể về những phác thảo Trương Chi, thì Hưng bỗng ngồi bật dậy, xúc động. Anh quờ tay trong bóng tối, tìm cái điếu cày ở đầu giường, rồi đánh diêm, rít một hơi thuốc lào dài. Hồi lâu, anh mới thì thầm trang nghiêm:

– Đúng ! Rất đúng! Trương Chi là một câu chuyện cổ đẹp nhất của Việt Nam. Hãy bắt tay ngay vào cái bản giao hưởng ấy đi. Trương Chi nói được nhiều điều lắm – hiện đại lắm – trữ tình lắm – hiện thực lắm… Nghĩ rằng trong đó có thể có hơi chèo, hơi quan họ… có bóng những bụi tre, những con bò, những dòng sông, những nỗi vui, những xót xa, cái quyền lực và những con người bị vùi dập…

Con gà trống non của thầy giáo Hưng tập gáy ọ ẹ. Trời sắp sáng. Lúc bấy giờ chúng tôi mới bắt đầu ngủ.

 

Anh thân yêu!

Một tháng vừa qua, em chẳng biên thư được cho anh vì mẹ đã qua khỏi. Đã mấy lần trưởng mẹ chết. Lạy trời! Mẹ đã qua khỏi. Đến bây giờ em vẫn bàng hoàng tưởng như mình còn đang trong cơn mê khủng khiếp. Mẹ bây giờ già rồi nên bệnh chuyển lắm chứng. Một tuần lễ liền mẹ chỉ nằm, thở bằng mồm và không ngủ được. Vì không ngủ nên mẹ sọp hẳn đi và mệt lắm. Mẹ cứ cầu mong xin được chết. Giá có anh ở nhà thì em đỡ lo, đằng này chỉ có mình em chẳng biết xoay sở ra sao. Em chỉ biết khóc.

Nếu không có anh Mai thì mẹ đã chết. Anh Mai phải leo núi mấy ngày trời, tìm một ông lang người Mèo về chữa cho mẹ. Cuối cùng mẹ đã đỡ.

Đôi vượn vẫn hú đêm ngày trên ngọn núi chóp nón, Nghe tiếng vượn kêu, mẹ sợ hãi sinh ra hốt hoảng, hay giật mình. Anh Mai bảo em là điều gở. Anh vác súng đi tìm con vượn mẹ. Có lúc súng nổ, con vượn vừa chạy vừa chạy kêu vang động cả khu rừng. Mới đây, anh Mai bắn chết được con vượn chồng, Con vượn vợ mất con nay mất chồng, nên nó gào thâu đêm trong rừng nghe ai oán lắm. Cả đội chăn nuôi mấy đêm liền không ngủ được vì tiếng vượn. Con vượn cái kêu khóc thật thê thảm, mẹ bảo cứ như tiếng ma hú hồn. Bệnh mẹ vì thế mà tái phát.

Anh ơi! Lúc này thật hoang mang. Mảnh đất này sao dữ thế! Con vượn đực chết, cứ tưởng con vượn cái sẽ sợ trốn đi và hết chuyện. Ai ngờ con vượn cái vẫn không sợ và càng hú gọi khủng khiếp thêm.

Anh Mai nhất quyết sẽ bắn chết con vượn cái cho bằng được. Anh ấy căm tức con vượn cái đến mức điên cuồng. Sao mà em bồi hồi đến thế! Rồi ra còn những chuyện gì sẽ xảy đến? Mẹ liệu có qua khỏi nổi không anh?

Về đi! Anh ơi! Về với em đi!

 

Comments are closed.