Đậm đà bản sắc dân tộc

Lý Trực Dũng LTD

Hơn chục năm nay hàng trăm đài báo, cơ quan đoàn thể… đâu đâu cũng đua nhau nói về Đậm đà bản sắc dân tộc. Thế nào là bản sắc? Bàn về bản sắc trong thế giới phẳng hiện nay đã mệt rồi nói chi đến Đậm đà bản sắc dân tộc! Trong một lần tranh luận ở tại một cuộc hội thảo nọ, tôi chất vấn thế nào là đậm đà và thế nào là không đậm đà, thì một vị nói nhỏ với tôi, câu này nằm trong Nghị quyết của Đảng hẳn hoi về văn hóa!!! Tôi không biết thực hư thế nào, nhưng nếu đúng thế thì đó là một sản phẩm mị dân chỉ xứng dành cho giáo viên làng của một tay thợ chuyên viết Nghị quyết. Tôi thực sự không hiểu là các bạn hay nói đến bản sắc đã hiểu hết ý nghĩa của khái niệm bản sắc chưa hay chỉ có một cái nhìn hời hợt bên ngoài của một cá nhân, của một cộng đồng, của một dân tộc là đã vội quy chụp về bản sắc. Các bạn có bao giờ tự hỏi vì sao giới trí thức ở các nước Đức, Pháp ,Anh… rất hiếm khi nói về bẳn sắc ?

Gần đây trong chương trình 60 phút mở (VTV1) với chủ đề “Người ta làm từ thiện là vì ai?” TS Đặng Hoàng Giang (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng) đã chia sẻ một quan điểm về hệ lụy lâu dài của việc nếu mang quần áo dưới xuôi lên miền núi tặng cho người nghèo. Theo anh Giang, hành động này về lâu về dài sẽ có tác động đánh mất bản sắc dân tộc vùng cao. Thay vì mặc những trang phục thổ cẩm của dân tộc mình thì họ sẽ diện trang phục miền xuôi!? Còn TS Nguyễn Phương Mai cho rằng: “Các chương trình trợ giúp lớn cũng là nguyên nhân để châu Phi ngày càng kiệt quệ, trong đó bao gồm cả mất bản sắc văn hoá dân tộc. Một ví dụ điển hình là các bộ sách và gói sản phẩm giáo dục từ nước ngoài đều mang đậm nét văn hoá phương Tây, sau khi được tiếp nhận thì khiến dân bản xứ xa rời văn hoá cổ truyền, nhất là khi văn hoá đó là văn hoá truyền miệng không có chữ viết, học thuật gọi là neo-colonialism education…”

Vậy theo hai bạn những giáo sĩ châu Âu đầu tiên đến Việt Nam truyền đạo, Alexandre de Rhodes với đóng góp vô cùng quan trọng của ông với chữ quốc ngữ, thực dân Pháp bên cạnh yếu tố xâm lược đã đem văn minh phương Tây đến Việt Nam với kiến trúc quy hoach hiện đại,với ô tô tàu hỏa … rồi cả với áo vét quần Âu … và rồi chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng Mao Trạch Đông đã làm cho vô số người khắp thế giới trở nên dở dở ương ương tràn vào Việt Nam… có làm cho Việt Nam mất bản sắc hay không?

LTD

Comments are closed.