Sức sống của Lý Toét, Xã Xệ

Lý Trực Dũng

Sự hấp dẫn, sức sống mãnh liệt của Lý Toét – Xã Xệ nằm ở chính tư tưởng tiến bộ và “tay nghề” rất cao của những người làm báo Phong Hóa, Ngày Nay. Về văn chương, họ có các anh tài Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu và các cộng tác viên: Huy Cận, Đoàn Phú Tứ, Trọng Lang… Về mỹ thuật, họ có “sự phục vụ” của hai trong số ba họa sĩ tài ba nhất của hội họa Việt Nam thời đó là: Nguyễn Gia Trí (Rigt), Tô Ngọc Vân (Tô Tử) – theo đánh giá của Victor Tardieu, Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đông Dương – và của Cát Tường (Lemur), Trần Bình Lộc, Đông Sơn. Vào năm 1932, khi báo Phong Hóa ra đời, tuổi đời của họ phần lớn 24-25.

Nhân vật Lý Toét Biếm họa xuất sắc – vốn do HS Đông Sơn (Nguyễn Tường Tam) vẽ trên báo THỜI ĐÀM – sau đó được các họa sĩ khác khai thác triệt để và chế thêm nhân vật Xã Xệ. Hai nhân vật này chính là cặp bài trùng biếm họa tiêu biểu nhất trong lịch sử biếm họa Việt Nam cho đến nay. Do được quá ngưỡng mộ, Lý Toét và Xã Xệ trên Phong Hóa và Ngày Nay sau đó còn được nhiều báo khác cũng vẽ với vô số tình tiết khác nhau nhưng luôn giữ đúng hình hài đặc trưng ban đầu. Cái giỏi là với Lý Toét – Xã Xệ, các họa sĩ đã sáng tạo nên hai nhân vật biếm họa hết sức đặc trưng, rất tương phản, một gầy, một béo: keo kiệt, ngây thơ đến ngớ ngẩn, dốt nát quê mùa, khôn lỏi, quân tử… rất đời thường. Tranh không những ngộ nghĩnh về hình, mà phần lời cũng rất “đắt” và luôn gây nên cái cười bất ngờ cho nên ai cũng thích, xem một lần là nhớ ngay… Đó chính là sức sống mãnh liệt của Lý Toét – Xã Xệ.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, trào phúng dân gian truyền thống từ thơ ca, hò vè, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Bai Giai, Tú Xuất… được chuyển tiếp bằng biếm họa và rồi chính hai nhân vật biếm họa Lý Toét – Xã Xệ từ mặt báo lại đi vào trào phúng dân gian:

     

  • Truyện cười “Vua… Lý Toét”: Trong một kỳ thi, ông giám khỏa hỏi thí sinh: Sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà, trò cho biết ai đã lên kế vị Lý Thái Tổ. Anh học trò bí, lí nhí thưa: Lý… Lý… Lý… nhưng Lý gì thì anh ta chưa nhớ. Ông giám khảo tử tế nhắc khéo: Lý này bắt đầu từ chữ T. Anh học trò sướng quá reo lên: Thưa Lý Toét ạ!

  • Câu đối: Bị chê là dốt, Lý Toét tức mình đi học và cũng có chút tiếng tăm. Một lần, Lý Toét và Xã Xệ đánh nhau. Xã Xệ kiện lên quan, quan phán:

       

    – Nghe đồn Lý Toét ngươi giỏi đối, ta ra một vế, nếu đối được thì tha cho.

    Lý Toét:

    Bẩm quan, lời đồn mười việc chín thường đơn sai. Nhưng quan lớn đã dạy thì con cũng xin vâng ý. Mong quan lớn thương tình.

    Quan:

    Giỏi, vậy nghe câu đối của ta: “Đã đánh đập đồng đội đau đớn, đệ đơn đến đây, đền đi, điều đình đâu được”.

    Câu đối thực hiểm, quan lớn chắc mẩm Lý Toét thế nào cũng đầu hàng.

    Nào ngờ Lý Toét ứng khẩu: “Xảy xô xát, Xã Xệ xước xoàng, xin Xếp xem xuống, xét xử, xí xóa xong xuôi”.

    Quan nghe nức nở khen hay nên xét cho hai bên hòa giải. Xã Xệ cũng phục tài Lý Toét, không khiếu nại gì nữa.

       

  • Nhạc hài Lý Toét: Lý Toét được đưa lên nhạc hài với lời ca như sau: Ông Lý Toét mà cắp cái ô, Đi ra phố gặp lúc mưa to, Có bác Xã Xệ mà muốn đi nhờ…

  • Lý Toét xuất ngoại: Biếm họa Lý Toét và Xã Xệ còn được đăng trên các trang bìa báo Pháp Indochine, George Pisier…

  • Lên sân khấu kịch: Trong kháng chiến chống Pháp, vở kịch Lý Toét và Xã Xệ rất được yêu thích. Đến những năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới này, nhân vật hề chèo Lý Toét do nghệ sĩ hài Xuân Hinh sắm vai vẫn luôn được mọi người hoan nghênh, được lên truyền hình trong “Chương trình dành cho người hâm mộ”.

- Xích sắt mà họ cũng ăn đượcimage 003image 005IMG_1696IMG_1698IMG_1747IMG_1753

Comments are closed.