„Điều tệ nhất là giám hộ“

Wolf Biermann

Phạm Kỳ Đăng dịch

clip_image001

„Có bao nhiêu người tuyệt vời ở CHDC Đức“, Wolf Biermann gần đây mới biết điều này từ hồ sơ STASI (An ninh quốc gia – ND) của mình: Một nữ mật vụ cần phải nhử ông lên giường, đã chỉ còn là cái đinh gỉ đối với An ninh quốc gia. Cô ta đã phải lòng ông, như nhà thơ và ca sĩ kể lại trong cuộc phỏng vấn của SPIEGEL ONLINE.

SPIEGEL ONLINE : Ông không tin vào Chúa, nhưng Chúa kính yêu đóng một vai trò lớn trong những bài thơ mới của ông. Thậm chí ông còn viết một cuốn Nhập môn tôn giáo tuổi thiếu nhi cho con gái năm tuổi của ông: Đầu đuôi câu chuyện thế nào nhỉ ?

Biermann: Tôi được mẹ tôi – một người nữ Cộng sản giáo dục cho tính kiêu căng đối với những người tin vào Thượng đế. Bất luận ngạch nào, Tin lành, Công giáo, Do thái giáo. Nhưng mà qua việc tôi sa vào CHDC Đức, tôi đã có lợi thế sống trong một đất nước ở đó tín đồ Thiên chúa giáo bị theo dõi. Điều đó tự động dẫn đến hệ luận rằng những người thuần túy theo thống kê kiên định theo Thiên chúa giáo là những người đứng đắn và không là lũ lợn. Nhưng mà tỉ lệ này cuối cùng lại sai lệch đến một phần ba, bởi vì Nhà thờ Tin lành chứa đầy mật vụ của STASI, trước hết ở tầng chóp bu.

SPIEGEL ONLINE: Mặc dù vậy CHDC Đức đã sụp đổ.

Biermann: Vâng, vì những con người nhỏ bé đã không hùa theo nữa. Thường xuyên tôi tiếp xúc với những tín đồ Thiên Chúa bình thường đã gặp rắc rối trong nghề nghiệp của mình hoặc không được phép học hành nghiên cứu. Đối với cha mẹ họ, đó là một áp lực nặng nề. Con họ đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tú tài, và lại không được phép học đại học. Hoặc thậm chí còn không được phép làm tú tài toàn phần. Thế thì, con cái sẽ ra gì? Một người thợ sắt. Tốt, một người thợ sắt cũng là chút gì đó quan trọng. Trong Kinh thánh, Thánh Cả Giuse vốn là người thợ mộc. Nhưng đối với những người này, điều đó là một gánh nặng tồi tệ, và vì thế tôi học hỏi được rằng, sự kiêu căng đối với những người theo tín ngưỡng là một sự ngu xuẩn. Quan trọng ở việc họ ứng xử can đảm và đứng đắn trong xã hội hay là không. Và nếu như đức tin, tin vào cái gì cũng thế, khích lệ họ, cấp cho họ sức lực, thì hóa ra việc tranh cãi với họ về những điều tối hậu của đức tin chẳng độc địa hay sao. Chính vì thế, tất nhiên ta nháy mắt nói với nhau, trong một cuốn sách mới rồi cũng có một bài thơ „Người ta phải tin“, bởi vì nếu như thực lòng, tôi có thể thú nhận rằng, mình là một con người theo tín ngưỡng. Chỉ có điều đức tin của tôi nó tầm phào hơn, tôi tin vào Con người. Ông đừng xoáy hỏi tôi sâu hơn về điều đó, bởi vì chỉ hai câu sau đó ông đã phát hiện ra, đức tin này phi lý hơn là đức tin đặt vào Chúa.

SPIEGEL ONLINE: Mặc dù thế chúng tôi vẫn vặn hỏi, làm sao sau khi đọc chục ngàn trang báo cáo của mật vụ trong hồ sơ STASI, ông còn tin vào điều tốt lành trong con người?

Biermann: Đời là thế, thế nên người ta không được phép hình dung về những bài học hồ sơ An ninh như thể Heinrich Heine dòm vào chiếc bô của nữ thần Harmonia – hoạt cảnh nổi tiếng vào hồi kết của Truyện cổ tích mùa đông. Nơi ông ấy chỉ mô tả mình ngửi thấy tất thảy những gì và giấu đi những gì ông nhìn ra tất cả khi ông muốn hướng mắt vào tương lai. Khi đọc hồ sơ an ninh của tôi, tôi đã không ngó vào cái bô hay là ngửi, mà tôi chỉ ngạc nhiên thấy ở CHDC Đức đã có bao nhiêu con người can đảm thông minh và tuyệt vời làm sao, nhiều hơn là tôi nghĩ. Bởi chăng trong một hệ thống toàn trị như thế, theo lô-gic, những người thông thái, can đảm đã phải che giấu những hành động của mình mà không phải khoe mẽ công khai như trong một nền dân chủ.

SPIEGEL ONLINE: Ông hàm ý điều gì vậy?

Biermann: Thí dụ An ninh STASI đã suỵt một nữ diễn viên trẻ xinh đẹp nhắm vào tôi. Cô ấy cần phải lên giường tôi và thám thính. Bốn lần tôi đã mời cô ấy đi. Nhưng mà lần thứ năm, vâng rồi là thế đấy. Và trước đó, sát lúc tôi đọc hồ sơ An ninh sau Bước ngoặt (1), người đàn bà ấy đã viết cho tôi: “Wolf yêu quí, rồi anh sẽ cũng tìm thấy tên em“. Và tôi đã tìm ra cái gì vậy: Với An ninh cô ấy hoàn toàn vô tác dụng. Bởi vì cô ấy đã nói với người sĩ quan chỉ đạo của mình rằng: tôi đã phải lòng cái ông Biermann này. Và như vậy vai trò của cô là cộng tác viên không chính thức đã đi tong. An ninh (STASI) có số mật vụ phụ trách theo đầu người nhiều gấp 20 lần so với Quốc xã. Liệu như vậy CHDC Đức tồi tệ gấp 20 lần so với chế độ Quốc xã? Tất nhiên không. Bộ máy mật vụ khổng lồ với rất nhiều những thằng đểu được trả lương cao không thể tin nổi, bất kể là sĩ quan chuyên trách, hay là cộng tác viên không chính thức là một bằng chứng hùng hồn chỉ ra việc đã từng có rất nhiều người khiến họ phải do thám và áp bức. Vâng và điều đó cũng thuận tình nói giùm cho con người vùng CHDC Đức. Nếu như người ta đọc thấy điều này trong hồ sơ An ninh, người ta sẽ không bị lay chuyển niềm tin vào con người. Như thế ta có một bài học mang tính xây dựng theo một cung cách đau đớn và quái gở.

SPIEGEL ONLINE: Ông có thấy rằng thực trạng tái thiết miền Đông chính ra cũng mang tính xây dựng? Hay là bị ta thán quá nhiều?

Biermann: Có và không. Nếu như người ta suy xét thấy sự khổ đau của riêng mình luôn là những đau thương lớn nhất. Nếu như tôi đứt cụt mất ngón tay khi hái táo (Biermann giơ bàn tay phải cụt mất đốt móng ngón út).

SPIEGEL ONLINE: Chuyện này xảy ra bao giờ vậy?

Biermann: Cách đây chừng một năm. Lần đầu tiên trong cú sốc con người ta trải nghiệm qua điều ấy tồi tệ hơn so với việc 8000 người Hồi giáo bị tàn sát hoặc tên lửa từ bên Lebanon bắn sang Israel nhắm vào người sống qua cuộc Tận thiêu (Holocaust). Trong phép tính kinh tế tâm hồn, những đau khổ riêng tư luôn là những đau thương lớn nhất.

SPIEGEL ONLINE: Chơi guitar không ngón út, ông thấy thế nào?

Biermann: Thì thế đấy, bây giờ khá rồi, không là gì cả. Chỉ để mà cười. Nhưng mà nếu phải ngón út bàn tay trái, hẳn tôi đã suy sụp rồi bởi như thế thì tôi không thể chơi guitar được nữa, không thể biểu diễn concert được, trong khi ngón út tay phải không bao giờ được cùng chơi và với năm tháng đơn giản là nó bị xúc phạm. Ông hãy thử hình dung trong tâm tưởng xem, đối với ngón út bàn tay phải, vâng, cũng phải đứng ra trong ánh sáng chiếu rọi trên sân khấu. Gã Biermann hát theo đàn, người nghe vỗ tay theo, trả tiền vào cửa, từ tiền hỏa hồng mua bánh mì cho trẻ con và, nào có ai không có phần ở đó. Ngón út bàn tay phải, tên này thực ra phải đi bác sĩ tâm thần, phải nằm xuống ghế bành. Nhưng không được, bởi vì nó gắn chặt vào tôi, và đến lúc nào đó nó mất hết cả kiên nhẫn và nói: „Tôi đi trước đây“.

SPIEGEL ONLINE: Nó có lại lên tiếng gì không chứ?

Biermann: Nó lên tiếng từng ngày, bởi vì đau nếu tôi nắm tay lại. Nó không mau lành như bác sĩ phẫu thuật nói với tôi. Nói thêm về bác sĩ phẫu thuật: Ở Wandsbek, nơi sự cố xảy ra, thì cái mẩu lìa ngón tôi, giờ đây chẳng còn, đã treo lơ lửng ở một đám bầy nhầy da, nhưng mà nó không bị cắt rời, mà chỉ là cắt dập, vì lý do này ông ấy cũng không thể nào khâu nối vào được. Trong khi làm phẫu thuật, ông ấy liên tục nói với tôi, và vì tôi không nên nhìn vào đó, họ đã căng một tấm vải xanh ở giữa. Bởi thực sự tôi muốn biết ông ấy làm cái gì. Ông ấy nói:“ Này ông Biermann ơi, bây giờ tôi lấy cái kìm gắp xương đây!“.

SPIEGEL ONLIE: Nghe chuyên nghiệp đấy chứ.

Biermann: Kế đó ông nói: “Thế nhé ông Biermann, cuối cùng thì bây giờ tôi cắt đi, sau đó thì rời ra hẳn“. Và bởi ông ấy không nghĩ ra cái gì riêng biệt hơn là hỏi:“ Thế thì bây giờ bỏ cái ngón tay này đi đâu?“. Liền cô y tá nhỏ nhắn xinh đẹp Stefanie – ông thấy đấy, đối với sự kiện tôi vẫn còn cân não đặng để ý thấy cô ấy xinh đẹp nhỏ nhắn, tóc màu đen và có tên là Stefanie, hẳn rằng tôi hãy còn khá khỏe. Sau đó Stefanie đã nói một câu búa bổ trong thổ âm Hamburg giọng êm mát, dễ chịu: „Bỏ nó vào một thùng rác đặc biệt“. Đương nhiên là thế đó, người dân phía Đông ở CHDC Đức đau đớn nhiều hơn vì cái ngón tay đứt mất, hơn là hàng triệu người bị chặt đầu ở những nơi khác còn lại của thế giới.

SPIEGEL ONLINE: Hay là ở Ba Lan cách đây vài cây số đi tiếp, nơi mọi người rõ ràng sống khổ hơn, nhưng mặc dù vậy ở đó có ít lời than vãn hơn.

Biermann: Nếu như người ta hiểu ra rằng, người ta không chỉ thuộc về một bầy mà bên cạnh đó còn thuộc về nhân loại, thì người ta nhìn nhận nhiều thứ sẽ khác. Tôi không biết hàng bao nhiêu nghìn tỉ được bơm vào vùng phía Đông này.

SPIEGEL ONLINE: Cho đến nay chừng 1500 tỉ Euro.

Biermann: Kế hoạch Marshall (2) sau Đại chiến thế giới thứ II giá chỉ đáng một phần nhỏ tí tẹo so với tổng số này và tuy thế đã là một cú hích cho sự đột biến kinh tế ở Đức, Anh, Ý và Pháp. Tất nhiên trong chừng mực đó những quốc gia thuộc khối hiệp ước phía Đông tan rã gồm Ba Lan, Romania, Bulgaria và Tiệp ghen tị với người Đông Đức vì có người anh giàu có thể cung ứng cho họ. Nhưng đồng thời người Ba Lan sướng hơn người Đông Đức bởi vì họ không bị dúi từ tình trạng chịu giám hộ này sang tình trạng chịu giám hộ kia. Thiệt hại lớn nhất do chính thể toàn trị phía Đông đã gây ra cho con người không phải là nghèo đói, bởi vì cái này, vâng, chỉ là tương đối. Trên chính thế giới này, các dân tộc khác hẳn thích được nghèo như Ba Lan. Nếu được vậy phải chăng họ là những người giàu có. Thiệt hại tàn tệ nhất, chính là con người bị giám hộ và không được đứng ra đảm trách cho chính mình. Các dân tộc có thể khắc phục sự thiệt hại này ở mức khá hơn, nếu như họ chẳng có ai cung ứng cho hai ngàn tỉ Mark hay Euro hay Dollar. Điều này củng cố nỗi khổ đau chính.

SPIEGEL ONLINE: Trong nền chính trị Đức, với những sự thật nêu trên họ không có cơ may gì…

Biermann: Không, may là thế. Vâng, chính vì lẽ đó tôi cũng có thể nói lên, phải nói lên điều ấy bởi vì tôi không ở trong tình thế kinh khủng là muốn được người ta bầu ra. Điều này phải có một ích lợi chứ. Sự thật ở chỗ này: Nếu tôi là nhà chính khách và muốn được vào quốc hội, tôi không nói điều như thế, bởi nếu vậy, phải chăng tôi là người chất phác. Nhưng vì tôi không phải vào chốn đó, phải chăng tôi là thằng đểu, nếu như tôi không nói như tôi làm. Mà thế chứ, như mỗi con người, ở một cách thức nào đó tôi muốn mình hữu ích cho người khác, đó là một trong những thú đam mê lớn nhất của chúng tôi.

SPIEGEL ONLINE: Là người vùng Hamburg ông đã đi sang Đông Berlin, sau đó với tư cách là công dân CHDC Đức ông di cư sang phía Tây. Thời gian gần đây ông thường xuyên ở Israel, nơi ngày một nhiều hơn ông coi là tổ quốc và miêu tả nơi đó „thân thương xa lạ“. Tại sao vậy?

Biermann: Bởi vì ở đó có là nơi sinh sống của rất nhiều người mà tôi chia sẻ đời mình với họ, so với người Đức là những người dính dáng nhiều hơn tới câu chuyện gia đình nhỏ riêng tư mà tôi đầu thai vào đó. Phần đông người Đức từng là người quốc xã, và do sự tình cờ của đầu thai nên tôi xuất thân từ hai thiểu số: Cộng sản và Do thái. Điều đó không những không là công trạng mà cũng chẳng là một tội tình, vâng cũng tương tự không thể là công trạng hay tội tình, nếu như con người ta được một trung úy SS thụ thai và lớn lên trong gia đình đó. Bởi lẽ không một ai lựa chọn được điều đó. Nhưng điều này có kèm theo hệ lụy. Ở Israel có nhiều người Do thái sinh sống, xưa họ từng chạy trốn khỏi nước Đức, không phải vì họ, một cách vô điều kiện muốn sang đất nước của người Ả Rập và lạc đà, mà bởi vì họ muốn ở lại cõi đời. Họ đã kinh hoàng khi họ nhìn thấy những cây cọ và cảm cái nắng oi bức, và họ bị những người Do thái sống lâu đời ở đó đón tiếp rất không thương xót. Người ta nói với họ:“ Ông từ nước Đức hay từ Đại Do thái tới đây“. Một câu ngắn này tuy thế soi sáng được vấn đề. Nhưng mà sau đó như thời thế di cư vào theo năm tháng, thế đó người ta ở lại đất nước của người Ả Rập và lạc đà, lấy vợ, sinh con, chúng lớn lên bằng tiếng Hebrew, không còn nói từ tiếng Đức nào nữa và như thế có cơ man người tại Israel sống một cuộc đời đáng ra cha tôi đã sống, nếu như ông ấy kịp thời di cư sang nước ngoài thay vì việc ở lại đây trên bến cảng Hamburg phản kháng lại ông Hitler.

SPIEGEL ONLINE: Ở đó ông hát tiếng Đức, người ta có hiểu lời hát không?

Biermann: Ôi chao, có chứ. Tôi hát, chơi đàn, – ít mất đi một ngón tay- piano và guitar và mọi người chăm chú nghe. Thế ông hiểu gì? Người ta hiểu gì chứ nếu Bob Dylan (Biermann hát): „”Hey! Mr. Tambourine Man, play a song for me/ In the jingle jangle morning I’ll come followin’ you.”

SPIEGEL ONLINE: Từ đất Israel ông đã trách cứ tờ SPIEGEL và Stern, bằng những phóng sự đã tăng cường những khuynh hướng bài Do thái. Ở đây ông không cường điệu lên chứ?

Biermann: Ông hít thở không khí chung ở Đức như tất cả chúng tôi. Đó không phải là sự bất lực cá nhân, ấy chưa nói đến ý đồ ác, sự đểu cáng. Ông Goethe đã nhìn thấu vấn đề. Ông ấy nói, không người nào thoát hẳn khỏi những điều xuẩn ngốc của thời đại. Đó là một lời thông thái và mặc dù vậy đúng đắn, tôi muốn nói, lời nói đó không có sự thông thái quán thế là thứ xét về căn bản không nói lên điều gì cả. Nó dạy cho chúng ta biết rằng tất cả chúng ta, ở những mức độ khác nhau thoát ra những điều ngu xuẩn của thời đại, và nếu như bây giờ tôi đối đầu chống lại, thì tôi biết rất rõ tôi không thể nào đi con đường trung đạo vàng son được. Tôi phải cường điệu sang hướng khác, và vì lý do vệ sinh tôi phải biết, rằng sự đời là thế, nếu không thì chẳng hóa ra tôi đóng vai Thượng đế vốn tôi không thể là. Tất cả chúng ta đều nằm lệch chỗ, chừng nào chúng ta còn sống. Người chết biết tất cả thấu đáo hơn, vâng nhưng người ta không bao giờ vào hội đàm được với họ.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên bản tiếng Đức

Nguồn: SPIEGEL ONLINE

Chú thích của người dịch:

Wolf Biermann: Ca sĩ, sáng tác bài hát, nhà thơ, sinh năm 1936 tại Hamburg, con trai một người cộng sản Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz *1950 đại diện CHLB Đức ông tham gia Liên hoan thanh thiếu niên thế giới lần đầu tiên tại CHDC Đức *1953 di cư sang Cộng hòa dân chủ Đức (CHDCĐ), học Triết học, Kinh tế – Chính trị học và Toán tại trường Tổng hợp Humboldt (1955-1963) *1957-1959 Trợ lý đạo diễn ở đoàn kịch Berliner Ensemble *1960 Bắt đầu viết thơ và sáng tác bài hát* Xây dựng nhà hát kịch Công nhân và Sinh viên *1962 In tập thơ „Những bài thơ tình“ *1963 Bắt đầu tình bạn với nhà khoa học bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của CHDC Đức Robert Havermann. *1965 bị chính quyền CHDC Đức cấm biểu diễn và cấm xuất bản với tội danh „Phản bội giai cấp“ và „Tục tĩu“, sau những buổi trình diễn và chuyến du ca dọc CHLB Đức, và đặc biệt sau khi ông in tập thơ Drahtharfe (Thụ cầm dây thép) và ra đĩa hát *Tháng 12 năm 1965 Trung ương Đảng SED (Công nhân Xã hội thống nhất Đức) ra nghị quyết cấm ông biểu diễn và xuất bản. *Những tập thơ ông xuất bản thuộc về những tác phẩm của văn học hậu chiến được độc giả mua nhiều nhất *Sự tước đoạt quốc tịch Wolf Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức đối lập, phê phán chế độ chống lại chủ nghĩa toàn trị của CHDCĐ. *1984 Giảng viên thỉnh giảng tại Ohio State University/USA. 1993-1995 Giáo sư thỉnh giảng tại trường Tổng hợp Heinrich-Heine-Universität *Nhận nhiều giải thưởng Văn chương *2006 Nhận Huân chương chữ thập Liên bang – Bundesverdienstkreuz và 2007 được bầu làm công dân danh dự của Berlin.

Cuộc phỏng vấn thực hiện bởi Andreas Borcholte (39 tuổi) và Claus Christian Malzahn (51 tuổi), phóng viên chuyên trách các mảng Chính trị và Văn hóa của tờ Spiegel và FAZ.

(1) Bước ngoặt (Wende): Chỉ quá trình thay đổi trong giai đoạn 1989/1990 chấm dứt sự thống trị độc tài của đảng cộng sản SED của CHDC Đức và hình thành nền dân chủ nghị viện, tạo cơ sở cho sự thống nhất hai miền nước Đức.

(2) Kế hoạch Marshall (Marshall Plan) là một kế hoạch trọng yếu của Hoa Kỳ dưới hình thức viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật có tổng giá 17 tỷ đô la Mỹ, nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu, đẩy lui chủ nghĩa cộng sản sau Thế chiến thứ hai.

(3) Trong nguyên tác không dịch: Này anh chàng Tambourine ơi, hãy tấu lên cho tôi khúc nhạc/ Trong thanh âm leng reng của buổi sáng/ Tôi sẽ theo anh.

Comments are closed.