Đối thoại với nhà văn Nguyễn Viện

(Đặng Thơ Thơ thực hiện trên damau.org)

1. Chào nhà văn Nguyễn Viện. Tiểu thuyết Sinh Ra Từ Trứng đang được độc giả Da Màu tích cực theo dõi và nhiều người đã gửi những thắc mắc của họ về toà soạn. Mong anh cho biết ý tưởng xây dựng Sinh Ra Từ Trứng bắt đầu từ đâu và khi nào?

NGUYỄN VIỆN:

Từ lâu, tôi vẫn nuôi ý định viết một tiểu thuyết nhằm lý giải phần nào cái hôn ám trong định mệnh lịch sử dân tộc Việt.

Dân tộc nào cũng có những huyền thoại hoang đường và hoang đàng. Khi người Việt chọn cho mình huyền thoại khai sinh và lập quốc bằng cuộc tình duyên tiên – rồng và sinh ra trứng, có vẻ như người Việt không thiếu lãng mạn, tự hào và huyền ảo. Nhưng với tôi, việc người Việt không có khả năng thiết lập văn tự cho mình là một kém cỏi đáng hổ thẹn nhất, bên cạnh các sáng tạo nghệ thuật. Chữ Nôm ra đời rất muộn và cũng chỉ là một vay mượn thất bại. Có lẽ vì thế, người Việt đã luôn sống bằng văn hóa của người khác, cho đến tận bây giờ. Huyền thoại một mẹ trăm con của cuộc phối ngẫu tiên – rồng trở thành một mặc cảm tự tôn an ủi tinh thần một dân tộc nghèo túng về văn hóa và luôn bị ngoại bang thống trị.

Điều kỳ diệu là chúng ta vẫn tồn tại như một dân tộc độc lập. Và cũng thật kỳ diệu là chúng ta vẫn lãng mạn, và tự hào, và tiếp tục huyền ảo. Đặc biệt, khi chúng ta anh dũng kiên cường đóng thế vai cho những biến động lịch sử mang tầm vóc thế giới. Một lịch sử như thế không thể không ám ảnh tôi hay những ai quan tâm đến vận mệnh đất nước.

Tiểu thuyết SINH RA TỪ TRỨNG (2015) được bắt đầu bằng lời dẫn của huyền thoại một dân tộc được sinh ra từ trứng. Chất liệu nhân vật và hình ảnh, tôi mượn từ những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng, căn phòng áp mái của một họa sĩ khác ở Hà Nội. Và mênh mông thế sự hôm nay. Nhưng có lẽ phải thú thật điều này, sau khi tiểu thuyết ĐĨ THÚI của tôi xuất hiện, cùng với một số truyện ngắn khác cùng thời kỳ, tôi bị cơ quan an ninh điều tra triệu tập với cái án treo lấp lửng trước mặt của điều 87 và 88 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ Việt Nam – Độc lập Tự do Hạnh phúc, tôi vẫn không thể không viết. Tôi hy vọng rằng, SINH RA TỪ TRỨNG không phải là lý cớ cho việc tôi phải đi tù. Đó cũng là lý do, trong tiểu thuyết này tất cả mọi sự kiện của nó cũng đều gắn liền với những cột mốc biến động của lịch sử vào những thời điểm nhất định mà tôi không tiện dẫn giải, nếu tinh ý bạn đọc sẽ thấy những điều tương thích.

2. Có thể hiểu việc Cái Ngọ – người phụ nữ  sinh ra từ trứng – bị  gã buôn đồ cổ Trung Hoa và một người lính Lê Dương hãm hiếp là ẩn dụ của lịch sử Việt Nam bị Tàu và Tây đô hộ, và những đứa con lai là sản phẩm của việc pha tạp trong cách nhìn về lịch sử. Vậy khi cái Ngọ bị ông hoạ sĩ hiếp dâm thì lịch sử ấy nên được hiểu theo cách nào từ phía những người làm nghệ thuật?

NGUYỄN VIỆN:

Ngoài các yếu tố ngoại lai, thì lịch sử dân tộc nào cũng bị/được tác động trực tiếp bởi các yêu tố nội tại. Nếu nhân vật cái Ngọ có thể được coi là biểu tượng cho linh hồn dân tộc, thì nhân vật ông họa sĩ hẳn phải là đại biểu cho nhân dân. Tôi rất muốn nhân dân hùng hổ hãm hiếp linh hồn dân tộc mình, hiểu cả về mặt chính trị lẫn nghệ thuật, không phải để đánh đĩ, tự sướng như huyền thoại tiên rồng, mà chính là cuộc vận động tự thân cho sự sinh thành, tạo dựng nhằm làm thay đổi hiện trạng đang rất bi đát hiện nay. Nếu nhân dân không dám hiếp linh hồn dân tộc của nó thì lịch sử sẽ chỉ là một xác chết và nghệ thuật cũng chỉ là phường tuồng.

Lịch sử dân tộc Việt giống như một dụ ngôn về sự hãm hiếp trường kỳ của Tàu, Tây và Mỹ. Nhưng chính người Việt lại từ chối cái “vinh quang” này. Tôi tin rằng chỉ khi nào người Việt dám “bạo hành” với cái “ngàn vàng” cao quí của dân tộc mình, thì khi đó lịch sử Việt mới được viết bởi chính nhân dân của mình. Lý lịch của những đứa con lai sẽ được gột rửa. Chúng ta tái sinh trong ánh sáng hoan lạc của cái “loạn luân” tông truyền, nội huyết.

Ông họa sĩ của tôi đã hiếp dâm cái Ngọ như tôi mong muốn nhìn thấy tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ dù dấn thân hay trùm mền dám sống thật. Nhưng tiếc thay, tôi chỉ thấy sự bất lương trong kiểu sống hai mặt của hầu hết họ. Tôi thích phát biểu một cách “nhân dân” hơn: Bọn thủ dâm lịch sử hay ngậm miệng ăn tiền chỉ là bọn chó chết.

3. Phần đầu truyện đậm đặc không khí hội hoạ. Không gian truyện được bố cục từ tranh, khí hậu truyện được tạo ra từ những mảng màu, nhân vật truyện là những hình tượng thường trực đi lại giữa những khung vải và đời sống. Một nhân vật do chính  người hoạ sĩ tạo ra đã bước vào đời và hành động. Cô nói: “Đất nhà em đã bị cưỡng chế không còn nữa vì thế em tá túc trong bức tranh này.”

“Cô vẽ trên mặt đất một con sông. Rồi cô bước qua con sông. Cô vẽ một ngọn núi. Rồi cô bước qua ngọn núi. Cô quay lại xóa đi những gì đã vẽ. Tôi nhìn trò chơi của cô và liên tưởng đến công việc của ông họa sĩ.”

SInh Ra Từ Trứng đưa ra những đề nghị gì cho hội hoạ và nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, và cả trách nhiệm của người viết?

NGUYỄN VIỆN:

Hình ảnh những dân oan bị cưỡng chế đất đai thất thểu tìm công lý có lẽ đã quá quen thuộc với chúng ta. Và chúng ta, một cách nào đó, hẳn cũng cảm thấy mình đang bị cưỡng chế bứt ra khỏi “quê nhà” và trở thành lưu vong ngay trên chính quê hương mình, bởi một tâm thế bị chối từ quyền con người của mình, bị cấm cửa trong những quyết định về mệnh mình và đất nước mình. Vì thế, tôi nghĩ nghệ thuật phải là cách con người tìm về lại “quê nhà” của mình, xác lập con người tự do cũng như trách nhiệm với cộng đồng. Nếu như nghệ thuật không phải là ý thức của tự do, phá bỏ những rào cản cho tự do và dự phóng cho những chân trời mới, thì mong gì chính trị có thay đổi.

Hội họa hay văn học nghệ thuật nói chung, mưu cầu sự an toàn, nó sẽ an toàn. Và nó sẽ không là gì cả.

Tôi cổ vũ cho mọi thay đổi, làm mới, làm khác. Bởi đó là cách chúng ta hiện diện như một cá thể. Và đó cũng là cách chúng ta tạo cảm hứng cho những thay đổi khác của xã hội.

4. “Ông nhìn nhận tự do sáng tạo giống như cánh cửa mở được cả về hai phía trong, ngoài. Phía nào cũng có thể là tự do, phía nào cũng có thể là ngục tù. Và ông mắc kẹt ở ngưỡng.”

Như đã nói, phần đầu truyện mở ra không khí đậm đặc chất nghệ thuật và các diễn biến xảy ra mang tính vô cớ của giấc mơ. Những nhân vật phi thực từ tranh đi ra sống động và hoàn toàn có lý trong cách họ hiện hữu, một dạng hiện hữu nội tại. Tuy vậy, nửa phần sau của truyện mở ra hiện hữu bên ngoài, những tranh đấu, những bất công, những đàn áp, trong không khí trĩu nặng của lịch sử. Những nhân vật trở nên khô cứng hơn, khí hậu truyện mỏng dần nhường chỗ cho những chồng chất của sự kiện. Sự sắp đặt một chuỗi những biến cố để giải trình nguyên lý “sinh ra từ trứng”, một mặt cần thiết cho hướng đi của truyện, mặt khác tạo cảm giác sức tưởng tượng bị hụt hơi. Đây là một sự biến thiên về cảm hứng hay do gắng sức để trình bày hiện thực? “Ngưỡng” ở đây cũng mang tính cách “bản lề”, nhân vật nở ra từ quả trứng 4,000 năm. Có phải việc củng cố chủ đề “sinh ra từ trứng” tạo ra sự mắc kẹt về phương diện nghệ thuật?

NGUYỄN VIỆN:

“Tự do sáng tạo giống như cánh cửa mở được cả về hai phía trong, ngoài. Phía nào cũng có thể là tự do, phía nào cũng có thể là ngục tù.” Vâng, đó là hoàn cảnh của những tác giả trong nước hiện nay. Trong và ngoài một người sáng tạo, có thể là tự do, có thể là ngục tù, tùy thuộc vào chọn lựa của anh ta. Ngoài những vùng cấm của chế độ cai trị độc tài, người sáng tác còn đối diện với chính truyền thống văn hóa của mình, quán tính thẩm mỹ và khả năng tiếp cận cái mới. Một ngục tù do chế độ khoanh vùng và một ngục tù của nỗi sợ hãi tự thân. Nhân vật của tôi bị kẹt ở giữa. Họ quen thuộc với sự trung thành, vì thế sự khác biệt bị coi là phản bội. Một tâm lý của loài cừu, buồn thay, lại rất phổ biến. Cả trong sáng tạo nghệ thuật lẫn đời sống xã hội.

Nếu như phần đầu trong tác phẩm SINH RA TỪ TRỨNG đậm đặc không khí hội họa, thì phần sau, nó đã được mở ra một bối cảnh rộng hơn. Trước hết, nó cần đi hết cái hành trình sinh ra từ trứng như một số phận. Đồng thời, vì nó bước ra từ bức tranh, từ nghệ thuật… thì hướng đi của nó, tất nhiên sẽ phải là cuộc đời. Và cuộc đời thì dẫu chỉ là tưởng tượng hay hiện thực, cũng cần hơi thở. Thực sự, tôi muốn đẩy câu chuyện của mình từ hư cấu như huyền thoại tiên rồng và trứng của nó, đến một hiện thực sát sườn đương thời như một định mệnh của lịch sử. Đó là một lịch sử từ chiều sâu tâm linh đến những oan khiên hiển lộ. Đó là một bước chuyển tuy không đồng bộ trong bầu khí của truyện, nhưng lại tất yếu trong logic của sử lịch một dân tộc vốn sống bằng huyền thoại. Ma đưa lối quỉ đưa đường. Tôi hy vọng người đọc không cảm thấy bị đột ngột vì hiện tượng khí hậu bất thường. Tôi muốn lôi cổ ông nghệ sĩ của mình từ cái tổ kén xuống đường. Tôi muốn cái Ngọ sinh ra từ quả trứng được ấp từ hơn 4000 năm trước sống đời với tôi hôm nay. Tôi muốn phá vỡ cái ảo để nó thành hiện thực. Tôi thích sự ngỗ nghịch bất qui tắc, để hóa giải qui tắc. Tôi muốn thể hiện ngay từ cấu trúc tiểu thuyết của mình những thay đổi, những biến thiên ngoài tầm kiểm soát để cuộc đời hay sáng tạo của mình luôn là những ngẫu hứng. Có lẽ vì thế, ngoài tiểu thuyết THỜI CỦA NHỮNG TIÊN TRI GIẢ được tôi xây dựng cốt truyện từ đầu, tất cả còn lại tôi đều viết không dự định gì trước cho những câu chuyện của nó. Tôi thích để nó “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”… Đó là cách duy nhất để tôi tiếp cận với sự thật của nghệ thuật, duy trì khả năng sáng tạo không biên giới từ cấu trúc đến ngôn ngữ và thể loại. Một cách nào đó, tôi đã viết theo kiểu chữ sau nối chữ trước, cho đến khi nó tự đứt đoạn.

Bạn thử đặt mình vào hoàn cảnh thập diện mai phục như cá nằm trên thớt của tôi xem. Bất cứ kiểu thoát hiểm nào cũng phải “chơi” chứ, phải không? Ngọ nguậy chỉ là cách để biết mình còn sống.

5. Truyện đôi khi phản chiếu hình ảnh và tư tưởng trong kinh thánh: “một vùng đất hứa cho sự an toàn, sữa và mật ong” hay “Con chồn có hang nhưng con người không chỗ nương náu. Cô nghĩ, ánh sáng mặt trời chiếu rọi cho cả người ngay và kẻ gian.”

Tôn giáo có vai trò gì trong việc hình thành nhân vật nữ chính và trong tiến trình dân tộc hiện nay?

NGUYỄN VIỆN:

Thực ra, nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết SINH RA TỪ TRỨNG không phải là một người. Nó là hồi quang của những số phận, những con người Việt Nam khác nhau thì hiện tại. Họ đến từ nhiều phía, từ trong tranh bước ra hay từ một quán nhậu bình dân đi vào. Họ không còn niềm tin vào chính quyền và thậm chí các giá trị xã hội. May thay, họ vẫn còn niềm tin vào chính mình. Niềm tin ấy nó giữ cho dân tộc này chưa tan rã. Hiện nay, tự do tôn giáo ở trong nước vẫn là một vấn nạn nhân quyền. Tôi không phải là người cực đoan cho rằng con người cần phải có tôn giáo như một yếu tính cho sự hiện hữu và cứu cánh của ý nghĩa con người. Nhưng tôi tin tuyệt đối rằng, người Việt Nam cần có tôn giáo, đặc biệt trong trường hợp ý thức hệ Cộng sản đã phá sản. Dân tộc Việt Nam hiện nay không có một nền tảng triết lý đúng đắn nào cho sự tồn tại và phát triển. Cái tưởng là căn bản của chế độ là duy vật cũng phá sản. Cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thế chỗ cho tư tưởng Mác – Lê thì quá vá víu. Việc đưa hình tượng ông Hồ vào chùa miếu, theo tôi, nó diễu cợt chủ trương vô thần của ổng. Nếu như trong kinh tế chính trị, nhà nước đu dây giữa các lý thuyết và sức mạnh đối nghịch, thì trong đời sống tinh thần, chế độ cũng dựa hơi cả thần thánh và ma quỉ. Nó mang đến những cơn lên đồng của bọn mê tín, ngụy tín và cuồng tín. Và đẩy xã hội vào sự trần truồng của bản năng, hoang dã.

Tôn giáo không chỉ là cửa thoát cho sự đau khổ của con người và nâng con người lên với hàng thần thánh, mà nó còn cần thiết một cách cụ thể như giềng mối cho một xã hội an bình. Trong lịch sử của mình, tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một sức mạnh đủ bảo bọc con người trong mọi khắc nghiệt, giúp con người biết tha thứ, yêu thương nhau, mà nó còn là nền tảng cho sự trường tồn của dân tộc. Nếu không có tôn giáo, thì những gì Cộng sản để lại cho xã hội chỉ là sự tan nát.

6. Nếu tôn giáo như một hệ tư tưởng cho dân tộc, thì theo anh hình thức nào thích hợp nhất với tâm thức người Việt và đáp ứng đúng nhất cho tình thế hiện nay? Một ý thức xã hội mới trong tinh thần nhân bản, độc lập khỏi tôn giáo, phải cần những điều kiện nào?

NGUYỄN VIỆN:

Cách đây khoảng 10 năm trước, khi Thượng tọa Thích Nhất Hạnh được nhà nước cho về VN và hoạt động tôn giáo của mình, tôi không nghĩ đó đơn thuần chỉ là thực hiện Nghị quyết 36 về hòa hợp hòa giải dân tộc, mà những tưởng Đảng đã chấp nhận mượn hệ tư tưởng Phật giáo Làng Mai làm nền tảng cho xã hội VN bù đắp vào khoảng trống của hệ tư tưởng Marxisme đã sụp đổ trên toàn cầu. Tuy nhiên, mọi chuyện đã xảy ra một cách đáng tiếc, không những Thày Nhất Hạnh phải ra đi mà các đệ tử của Thày cũng phải lưu vong.

Mặc dù tôi theo đạo Công giáo, nhưng tôi cũng phải chân thành nói rằng: Nếu đất nước này cần một tôn giáo như một hệ tư tưởng cho dân tộc thì không cần phải tìm đâu xa, nó vốn tồn tại một cách sinh động trong đời sống nhân dân, đó chính là cái mà chúng ta quen gọi là “đạo ông bà”. Sự hiếu kính với cha mẹ và biết ơn tổ tiên, cũng như tinh thần coi mọi người xung quanh là anh em, “đồng bào”… Đó là một tinh thần xã-hội-gia-đình đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa đấu tranh giai cấp sắt máu, một mất một còn, “ai thắng ai” của Cộng sản. Chính nhờ nó mà xã hội VN còn tồn tại. Ngày nay, chủ nghĩa Cộng sản không còn trên thực tế. Xã hội biến thái thành một tương quan sinh tồn trên nền tảng chiếm đoạt và phục tùng. Nó chà đạp phẩm giá con người và làm bần cùng văn hóa nhân sinh. Vì thế, một triết lý khoan dung và yêu thương theo tinh thần “đồng bào” của huyền thoại “một mẹ trăm con” hay “xã hội gia đình” kiểu “đạo ông bà” nếu được triển khai, nâng tầm lý luận thành một chủ thuyết, tôi tin nó có thể cứu vãn được tình trạng suy đồi hiện nay của dân tộc. Đồng thời, cứu độ cho nỗi cô đơn của con người thời đại trước thời gian.

Đạo ông bà của người Việt chưa bao giờ là một tôn giáo. Và có lẽ sẽ không bao giờ trở thành một tôn giáo. Nhưng hoàn toàn có thể là một minh triết cho đời sống.

Tuy nhiên, tất cả những hệ lụy, bi thương mà dân tộc Việt đã gánh chịu, tôi nghĩ cũng từ cái mà tôi ca tụng: Đạo ông bà. Chính cái tôn ti trật tự truyền thống của nó đã triệt tiêu khả năng khai phóng, sáng tạo và niềm kiêu hãnh của con người cá nhân. Người Việt quen với sự chấp nhận áp đặt như một đức tính.

Đến đây, tôi nhìn thấy cái chìa khóa của vấn đề chị muốn hỏi. Tinh thần khai phóng và khai phóng tinh thần. Đấy là giải pháp trước mắt có thể tháo gỡ cái vòng kim cô mà chế độ chính trị đã xiết vào đầu dân. Và lâu dài, nó giúp ngăn ngừa chúng ta đeo một cái vòng kim cô khác.

7. “Nếu mày biết tao là dao thì đừng đụng đến tao. Vì là dao, tao sẽ đâm theo lao vào bất kể thằng nào. Nếu mày cũng biết đau thì đừng láo. Khi chúng mày thấy lao đao thì hãy nhớ đến dao. Đấy là công lý của bọn tao.

Không phải là tao ác, mà chúng mày không đáng sống. Vì sự sống, chúng mày phải chết. Ai bảo mày cản đường tao. Ai bảo mày cướp của tao, tự do và quyền làm người. Ai bảo mày đười ươi. Ai bảo mày trêu ngươi.”

Ngôn ngữ trong bài Rap của cô gái mang tính côn đồ hơn là lời kêu gọi bất bạo động của người trí thức nghiên cứu luật. Phải chăng đó là điều tất yếu “mang tính bản thể” trong tiến trình xã hội hiện nay? Cách tranh đấu hiệu quả nhất đến từ con dao nhọn hay từ đâu?

NGUYỄN VIỆN:

Tôi thích bài Rap đó. Nó thể hiện tính đương đại của trào lưu văn hóa cũng như tính hiện thực của hiện trạng xã hội, tính côn đồ trong hệ thống cai trị và tình trạng phẫn uất của nhân dân. Nó là một phản ứng có tính tự động. Tất nhiên đấy là một hiểm họa có thật cho tất cả chúng ta.

Con dao tự nó không phải tội ác. Nhưng kẻ dùng dao sẽ chết vì dao (Chúa nói). Hơn nữa, dao không hiệu quả bằng súng trong việc thanh toán lẫn nhau, nếu cần.

Đấu tranh cho dân chủ và tương lai của đất nước hiện nay có phải là một cuộc thanh toán lẫn nhau giữa nhân dân và chính quyền hay không?

Tôi tin những người tỉnh táo nhất đều hiểu rằng, “kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai” (Phạm Duy). Vì thế, một cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, vì tương lai và hạnh phúc của chúng ta chỉ nên là một đòi hỏi trong hòa bình để những người cai trị hiểu rằng: Các anh đang sai. Các anh cần phục thiện. Nếu các anh không giác ngộ nhân bản mà vẫn ngoan cố duy trì đặc quyền, đặc lợi của mình bất kể mọi sự, thì đấy chính là hành động của bọn ôm bom tự sát. Dân tộc này sẽ cùng tiêu vong với các anh.

8. Nhiều phát biểu trong Sinh Ra Từ Trứng làm nhiều người đọc bị phản cảm về phương diện nữ quyền:

“Tuy nhiên, trong tận cùng tôi, nỗi khao khát muốn hiếp cô vẫn nóng nẩy. Cô đẹp và đầy sức mạnh hủy diệt.”

“Đêm ấy, cô ngủ với ông. Và cô muốn ông đụ cô vỡ nát.”

Có thể nghĩ đây là cách khuyến khích bạo hành tình dục, qua cách sử dụng từ ngữ và sự áp đặt cái nhìn “đực” tính trong các quan hệ nam nữ? Điều này sẽ làm hiện trạng nữ quyền ở Việt Nam vốn đã tệ hại, càng tồi tệ hơn?

NGUYỄN VIỆN:

Người đàn ông muôn đời, từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, có lẽ không bao giờ phai nhạt nỗi ham muốn hãm hiếp phụ nữ như một bản năng giống đực, hoặc sử dụng phụ nữ như một phương tiện tình dục của mình. Nhưng đồng thời, đàn ông cũng muôn đời khao khát được làm nô lệ, phục dịch cho người phụ nữ như một khả thể cho sự ngưỡng vọng cao cả và thuần khiết. Tương tự như thế, tôi nghĩ cũng không thiếu phụ nữ muốn được hãm hiếp, muốn được chiếm đoạt và muốn được dâng hiến, tan ra.

Dù sao, tôi không phủ nhận “đực tính” (hay nho nhã hơn là nam tính) của mình, mạnh. Chẳng có điều gì khiến tôi phải e ngại phô trương cái sức mạnh giống nòi ấy. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là tôi phủ nhận hay coi thường vấn đề nữ quyền. Trong cuộc sống thực, tôi yêu mến, quí trọng những phụ nữ có cá tính và biết thể hiện mình như một chủ thể độc lập. Tôi đề cao nữ quyền như cách đương nhiên của một phẩm giá.

Trong tác phẩm của mình, tôi không tuyên dương sự bạo hành trong tình yêu hay tình dục. Tôi chỉ mô tả những hiện tượng có thật, rất thật như một phần thuộc về bản chất trong đời sống tình cảm con người.

Về hiện tượng bạo hành trong đời sống gia đình ở Việt Nam quả thật rất trầm trọng, di căn của nền văn hóa phong kiến Nho giáo. Cùng với nó, chúng ta cũng cảm nhận được tính trấn áp thường trực trong cuộc sống hôm nay bởi bộ máy cai trị. Nhưng đấy là một bộ mặt khác của xã hội. Trong tác phẩm của tôi, tình dục hay tình yêu, luôn được tôi xiển dương như một ý nghĩa tốt đẹp và thiết yếu, tôi luôn mô tả nó ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thăng hoa và hủy diệt. Như nó vốn là thế.

9. Tôi không nghĩ rằng “…không thiếu phụ nữ muốn được hãm hiếp, muốn được chiếm đoạt và muốn được dâng hiến, tan ra” như anh nói. Cách nghĩ này rất phổ biến vì nó phát xuất từ sự phóng tưởng mang tính tự tôn của nam giới, và được sử dụng như một công cụ tiện lợi cho việc áp chế tình dục trong quan hệ nam nữ. Vì bị hãm hiếp và muốn dâng hiến là hai điều hoàn toàn khác. Cách nghĩ này hình thành từ cơ chế phụ quyền, được củng cố để đặt phụ nữ vào thế bị động và không thể mở miệng tự bênh vực mình. Tình dục trở thành cách biểu thị quyền lực giữa hai giới tính, vận hành y như cách bộ máy cai trị trấn áp con người, như anh vừa nói. Một cách thức trấn áp khác là lãng mạn hoá và thi vị hóa sự áp chế, như cảnh ông hoạ sĩ hiếp dâm cái Ngọ, một bé gái 14 tuổi:
Ông họa sĩ với khả năng bẩm sinh đã nhìn thấy cái đẹp choáng ngợp nhưng thô sơ của cô bé chăn trâu. Bộ quần áo ướt đẫm đã bộc lộ tất cả sự giản dị và phi thường của một thân thể mới lớn. Ông xúc động sâu xa và không thể rời mắt khỏi cô bé. Cô bé cũng nhìn ông như thể nó nhận ra ông là người đàn ông đích thực của nó. Ông hỏi nó: “Em có lạnh không?” Cô bé lắc đầu. Nhưng ông không thể nào từ khước ham muốn được ôm nó vào lòng, sưởi ấm một linh hồn mong manh. Và ông đã làm như thế. Cô bé yên lặng không nói năng. Nhưng giống như con gà con tìm được đôi cánh của mẹ, nó vui sướng ẩn nấp trong cánh tay người đàn ông xa lạ. Rồi trong cơn mưa của trời đất có một cơn mưa khác ấm áp hơn và nồng nhiệt hơn đã rơi xuống trên cánh đồng ngô, rơi xuống trong tử cung của cô bé.”

Những chuyện hiếp dâm như thế vẫn xảy ra, ở mọi nơi, nhưng cách viết đầy thi vị như thế này rất nguy hiểm vì nó vô tình đã khuyến khích hoặc gây cảm tưởng việc này chấp nhận được. Và vấn đề đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm người viết nên được nghĩ ra sao trong phạm vi nữ quyền, vốn chính là nhân quyền?

NGUYỄN VIỆN:

Trước hết xin thành thật khai báo. Nguyễn Viện là nhà văn, không phải cán bộ tuyên giáo, lại càng không phải là một nhà đạo đức học.

Tôi đã viết về tình dục, tình yêu, phụ nữ hay các vấn đề xã hội khác là bởi tôi nghĩ thế, cảm nghiệm thế. Và tôi viết như nó là thế.

Có lẽ sự giả dối hay đạo đức giả thì ở đâu cũng có. Nhưng ở Việt Nam, tình trạng giả dối trở thành một não trạng. Việc tôi “thi vị hóa” một hành động hiếp dâm chắc chắn không phải là cách tôi khuyến khích tội ác hay phản nhân quyền, hoặc chống lại cái não trạng giả dối hay đạo đức giả rất phổ biến hiện nay. Nhưng tôi kinh tởm cái giáo điều “ta căn bản là tốt, địch nhất định phải xấu” như trong tuyên truyền chính trị, hoặc bất cứ tội ác nào cũng thô bạo dơ dáy như cái nhìn vô cảm của luật pháp.

Chiến tranh có thể là anh hùng ca, cũng có thể là quỉ dữ.

Tôi nhìn thấy cái éo le trong hành động của nhân vật ông họa sĩ khi hiếp dâm cô gái 14 tuổi. Vâng, đó là một hành vi tội lỗi theo luân lý thông thường. Và việc làm của ông ta đáng bị truy tố theo pháp luật hiện hành. Nhưng chắc chắn rằng, chúng ta chẳng thể nào cấm được ông rung động trước cái đẹp và muốn chiếm hữu, hưởng thụ nó. Việc của tôi là kể lại cái khoảnh khắc dường như tuyệt vọng của con người trước sự thật. Còn kết án hay khuyến khích nó không phải là việc của tôi. Tôi không giành quyền chọn lựa của độc giả.

10. Ở trên anh nói: “Tôi tin rằng chỉ khi nào người Việt dám “bạo hành” với cái “ngàn vàng” cao quí của dân tộc mình, thì khi đó lịch sử Việt mới được viết bởi chính nhân dân của mình. Lý lịch của những đứa con lai sẽ được gột rửa. Chúng ta tái sinh trong ánh sáng hoan lạc của cái “loạn luân” tông truyền, nội huyết.”

Trong vở kịch cuối truyện, cảnh người con trai với người mẹ lấp lửng gần biên giới của “loạn luân.” Anh có thể nói thêm về dụng ý khi viết phần này?

NGUYỄN VIỆN:

Tôi đang sống trong một đất nước thiếu thốn nhiều thứ, từ tự do cá nhân đến nền tảng triết lý cho một xã hội. Điều ấy không có nghĩa là tôi khao khát được làm mọi thứ, có mọi thứ, bất chấp luân thường đạo lý.

Trong phần cuối truyện này, tôi để người con lai gặp lại người mẹ sau bao năm xa cách bởi chiến tranh, bởi ý thức hệ, bởi bối cảnh xã hội, bởi mất mát và thiếu thốn cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Người mẹ, vốn được sinh ra từ trứng, tôi xem như một biểu tượng tâm linh dân tộc. Người con lai, tất nhiên là nhân vật đại biểu cho nền văn hóa đương đại. Và, dụng ý của tôi thật ra cũng đơn giản. Đâu là cách chúng ta tìm lại chính mình sau những luân lạc của thời đại? Phải chăng một cuộc lội ngược dòng, về nguồn là niềm hy vọng cho sự tái sinh trong ánh sáng? Hay nói một cách khác, tự hủy diệt để sống dậy từ tro tàn, có thể?

11. Vì vở kịch cuối truyện, theo tôi là phần bất ngờ và độc đáo để kết thúc, đã mang phần riêng tư trong quan hệ giới tính phóng chiếu thành dụ ngôn chung của dân tộc, nên người phụ nữ luôn ở vị thế hiểm nghèo cũng như cái gọi là tâm linh vậy. “Khi ông bố bạo hành tình dục người mẹ, một ẩn dụ của “truyền thống” bạo hành “tâm linh dân tộc”, người con – “đại biểu nền văn hoá đương đại” – đã chọn thái độ bàng quan, mặc dù trước đó đã nghe mẹ kêu cứu về nỗi đau 4,000 năm. Khi bỏ đi, về mặt riêng tư, người con chấp nhận sự áp chế của chế độ phụ quyền trong đời sống cá nhân – biểu hiện qua bạo hành tình dục trong gia đình. Về mặt xã hội, hành động “cố gắng không gây ra tiếng động và bước ra ngoài” nói lên hiện tượng phổ biến về những người dân bất kể giai cấp và lý lịch chính trị đang bỏ nước mà đi. Người con có khả năng làm gì hay hơn thế trong hoàn cảnh đó?

NGUYỄN VIỆN:

Vâng, “cố gắng không gây ra tiếng động và bước ra ngoài” đang là một hiện tượng phổ biến cho những người có khả năng bỏ nước ra đi. Nhưng còn nhiều hơn thế là vẫn cố gắng không gây ra tiếng động và nằm im chịu đựng cho những người buộc phải ở lại.

Tôi đồ rằng trong số những người đang nằm im chịu đựng, họ thật sự không biết điều gì đang xảy ra, hoặc biết nhưng giả như không biết. Chỉ có một số rất ít bày tỏ thái độ của mình, bị “ông bố” cho là phản nghịch, đánh đòn.

Bất chợt, lòng tôi chùng xuống. Tôi buồn. Đất nước này, dân tộc này đang bị bỏ mặc cho bọn lưu manh xâu xé và chà đạp. Tôi cũng có cảm giác “Chúa đã khước từ” khi cái nền tảng tâm linh của người Việt đã bị đánh tráo bởi sự mê tín. Một cảm giác khác của sự mạt vận. Không những môi trường thiên nhiên bị hủy diệt mà bản thân con người ở đây cũng đang bị đầu độc, từ thân xác tới tinh thần. Tôi cảm thông với những người bỏ nước ra đi, và chia sẻ nỗi đau uất nghẹn với người ở lại chờ ngày suy tàn.

Còn người con lai, nhân vật của tôi có thể có một cách hành xử khác không? Tôi không biết.

Nguồn:

http://damau.org/archives/44997

http://damau.org/archives/45003

Comments are closed.