Nguyễn Thanh Việt trả lời phỏng vấn

clip_image002

NGUYỄN THANH VIỆT  qua phỏng vấn với Kanyakrit Vongkiatkajorn trên nguyệt san Mother Jones Jan/Feb. 2017.

Trong trí nhớ của ông, tiểu thuyết gia Nguyễn Thanh Việt lúc nào cũng không quên được thân phận tị nạn. Năm 1975 lúc ông bốn tuổi, gia đình ông gia nhập đoàn người miền Nam trốn chạy cộng sản. Ký ức ban đầu ông còn nhớ được khởi sự tại trại định cư ở Pennsylvania nơi gia đình ông đặt chân đến rồi bị chia cách tạm thời. Trường thiên tự sự của họ Nguyễn trên đất Mỹ đã định hình hành trình nhà văn – kể từ thời thơ ấu cô đơn thắc mắc tìm hiểu về những nỗi kinh hoàng mà thân quyến ông phải trải qua. Tiểu thuyết đầu tay của ông – CẢM TÌNH VIÊN (THE SYMPATHIZER) , lời tự thú đậm chất khôi hài đen của tay điệp viên Bắc Việt trốn qua nước Mỹ – đã thắng giải Pulitzer 2016 cho thể loại văn hư cấu. Tác phẩm phi-hư cấu tiếp theo, Nothing Ever Dies: Vietnam and the memory of war( Không có gì thật sự chết đi: VN và ký ức chiến tranh)được vào chung kết giải National Book Award 2016. Cuốn sách vừa ra mắt tháng Hai -2017 là tập truyện ngắn THE REFUGEES (DÂN TỊ NẠN) ông viết rải rác trong vòng hai mươi năm phấn đấu để có được danh hiệu “nhà văn”.

MOTHER JONES: Ông còn nhớ gì về quảng đời ông sống ở VN ?

NTV: Chỉ còn vài chớp lóe. Tôi nghĩ rằng ký ức tự sự bắt đầu khi tôi lên chiếc tàu tị nạn.

MJ: Xin ông nói về cơn hoạn nạn của gia đình ông.

NTV: Tháng 3-1975, mẹ tôi, tôi và anh trai đang sống ở quê nhà trên vùng cao nguyên miền Trung. Bố tôi lúc ấy làm ăn dưới Saigon khi bộ đội Bắc Việt bắt đầu  cuộc xâm  lăng cuối cùng. Thị xã chúng tôi bị chiếm đóng đầu tiên , mẹ tôi quyết định trốn chạy với hai anh em tôi bỏ gia sản lại cho chị nuôi tôi trông nom hi vọng có ngày hồi cư. Chúng tôi lội bộ mấy trăm cây số, leo kịp tàu về Saigon và tìm thấy bố tôi. Một tháng sau, quân cộng sản cũng vào đây và chúng tôi sau cùng leo lên một chiếc tàu đưa ra đảo Guam,  tôi nhớ là như thế. Từ đó chúng tôi bay qua Fort Indiantown Gap, tiểu bang Pennsylvania.

MJ: Ký ức ông bắt đầu từ nơi ấy ?

NTV: Đó là các hoài niệm ban đầu mà tôi còn nhớ. Để rời trại tị nạn, tôi cần người bảo lảnh, nhưng đâu có ai muốn bảo lãnh một gia đình bốn mạng. Bố mẹ tôi đi theo một người sponsor, anh tôi khi ấy 10 tuổi theo một người khác . Tôi thì được gửi cho một gia đình khác. Tôi rất bực tức và rối trí lúc đó, cho nên ký ức đầu tiên của tôi gắn liền với giai đoạn ấy. 

MJ: Nhưng gia đình đã đoàn tụ lại sau đó ?

NTV: Có lẽ vài tháng sau; nhưng vài tháng đối với đứa trẻ bốn tuổi là một thời gian rất dài. Chúng tôi sống ở Harrisburg từ 1975 đến 1978. Khi có người bạn cho bố mẹ tôi biết là San Jose có nhiều cơ hội tốt hơn, họ thu xếp ra đi và mở tiệm tạp hóa Việt hình như là thứ hai bên đó.

MJ: Xin nói về chặng đời ấy của ông.

NTV: Bố mẹ tôi đã sống một cuộc đời di dân tiêu biểu – nói tị nạn thì đúng hơn . Một lối sống tiểu thương khổ nhọc; có lần bị cướp vào tiệm nổ súng. Tôi thấy họ sống khá cô độc. Họ làm việc suốt ngày trong khi anh tôi học đại học cho nên tôi thành đứa con một lúc 10-11 tuổi. Tôi tìm được nơi trú náu kỳ diệu trong thư viện. Sách mở một thế giới khác cho tôi trốn vào. Tôi đọc nhiều về cuộc chiến VN. Từ đó tôi bắt đầu bị cuốn hút vào những sự việc đã xảy đến cho gia đình mình.

MJ: Ông có bàn luận chuyện đó với cha mẹ ông ?

NTV: Họ chỉ nói đại khái rằng: “Không phải sống ở VN là may cho con rồi!” Tôi rất thắc mắc về những điều họ không muốn bàn tới. Ví dụ, cả nhà chỉ có một tấm ảnh duy nhất của người con gái nuôi – một khoảng trống to tát . Nhưng khó mà hỏi bố mẹ tôi cho ra lẽ. Tiếng Việt tôi nói không rành lắm. Có nhiều việc tôi không biết hỏi như thế nào.

MJ: Tôi thấy là ông chịu khó phân biệt “di dân” so với “tị nạn”.

NTV: Di dân, cho dù họ là mối nghi vấn đối với một số người, là một phần không thể thiếu trong giả thuyết về Giấc mộng Hoa Kỳ (the American Dream). Một số đông dân Mỹ am hiểu tình cảnh di dân. Người tị nạn là những kẻ bị chiến tranh, thiên tai hoặc đại họa chính trị bứng khỏi quê nhà nên họ có tính đe dọa nhiều hơn vì họ nhắc cho ta nhớ rằng mọi tiện nghi ta vẫn cho là hiển nhiên có thể tan hoang trong chớp mắt.

MJ: Ông trở về VN lần đầu là khi nào?

NTV: 2003 thì phải. Tôi quay về năm hay sáu lần. Những chuyến đi bổ ích nhưng cũng khó khăn vì tôi vừa là người Việt vừa không là người Việt. Ngoài Bắc, thiên hạ rất thích chí: “Đón mừng người trở về quê nhà!” Trong những hoàn cảnh khác, anh phải trả theo giá Việt kiều. Người thân gặp anh thì mừng rỡ nhưng cũng căng vì anh đã bỏ đất nước ra đi và nay chắc anh là một Mỹ kiều giàu có. Thường thì họ hàng anh không khá giả cho lắm. Các điều tị hiềm và mong đợi về mặt tình cảm rắc rối vô cùng.

MJ: Có phải thời niên thiếu ông bị chấn thương tâm lý khi xem phim Apocalypse Now?

NTV: Apocalypse now đã để dấu ấn sâu trong tôi. Trải qua năm tháng, giữa tôi với phim này hình thành mối quan hệ hàm hồ . Tôi tôn trọng nó như một tác phẩm nghệ thuật mà Cảm Tình Viênphần nào là sự đáp ứng. Nhưng phim này là hiện thân của cách nhìn tiêu biểu Hollywood đối với các sắc dân không là da trắng,  không phải người Mỹ. Họ bị giản đơn hóa thành các vai dư thừaextras hoặc, khá hơn, như vai phụ diễn sidekicks trong các tự sự mà da trắng, nhất là vai nam chiếm thế trung tâm. Đặc biệt với dân Việt trong phim, điều này có nghĩa là họ xuất hiện để bị giết hại hay được cứu mạng – hoặc giúp vui thân xác. Như thế là rất có vấn đề nếu bạn là người Việt.

MJ: Ông có nói khi trước tác Cảm Tình Viên là ông nhất quyết không chìu theo công chúng Mỹ da trắng.

NTV: Nếu bạn được xem như một nhà văn thiểu số, điều cám dỗ bạn là viết cho đa số đọc. Đó là con đường dễ nhất để được xuất bản, và điều này sẽ làm méo lệch các câu chuyện. Tôi từ chối không làm việc ấy.

MJ: Có ai muốn dựng thành phim?

NTV: Theo tôi , kết cục tốt nhất là được nhóm Coppolas mua lại rồi đạo diễn loạn xị tiểu thuyết tôi nhưng cũng trả cho tôi thật nhiều tiền. Chuyện này mà xảy ra thì hay quá! Thực tế là chúng tôi đang điều đình một khả năng hợp tác với truyền hình. Làm phim thì khó xử lắm vì ta phải cắt bỏ phân nửa cuốn truyện.  

MJ: Tập truyện mới của ông khởi sự với “Black-Eyed Women/ Bọn đàn bà mắt đen” trong đó người phụ nữ viết mướn được hồn ma của người anh thăm viếng. Tại sao ông bắt đầu với truyện này?

NTV: Đó là một trong mấy truyện hay nhất. Nó cũng dẫn nhập cho đôi ba đề tài lớn: Một là cái ý về ma quỉ ám. Truyện này thực chất là một truyện ma quái, nhưng những ai từng trải qua các lịch sử chấn thương đều bị ám và lũ hồn ma tượng trưng điều này. Viết truyện này là một quá trình kinh khiếp. Phải mất 17 năm với khoảng 50 bản nháp!

MJ: Tại sao rối rắm đến thế?

NTV: Tôi là loại nhà văn lúc nào cũng muốn nói nhiều hơn, và tôi đã cố thử vùi ép mình vào khuôn khổ các truyện ngắn. Black-Eyed Women tiêu biểu cho sự vật lộn của tôi.

MJ: Từ khi nào ông biết là mình muốn sống bằng ngòi bút?

NTV: Bao giờ tôi cũng thấy như thế. Ở đại học, tôi đã nuôi hình ảnh vĩ đại buồn cưởi về mình trong quá trình thành văn sĩ, nhưng tôi không nghĩ mình có đủ kỷ luật hay kiên nhẫn – hoặc khả năng và tính khiêm tốn. Phải mất 20 năm để đạt được những điều này. Trước khi viết Cảm Tình Viên , tôi không bao giờ gọi mình là nhà văn bởi như vậy thì huênh hoang quá – nhà văn là một cách xưng tụng do người khác nói ra, như một danh hiệu.  Khi kết thúc Cảm Tình Viên tôi cảm thấy là mình đã trả xong món nợ.

MJ: Trong lời tri ân cho tập The Refugees, ông cho biết là con ông nay gần bằng tuổi cha khi ông trở thành người tị nạn.

NTV: Ba năm đầu đời quan sát đứa con – nó dễ thương và ngây thơ và các thứ – tôi tự hỏi thuở ấu thơ tôi có như thế chăng. Nó giúp tôi cảm thông chính mình nhiều hơn. Tôi hy vọng con tôi sẽ không phải nếm trải các thứ kinh nghiệm sẽ biến nó thành văn sĩ.

Bản dịch Việt văn do CHÂN PHƯƠNG 

clip_image004

Nguồn: http://triamclub.blogspot.nl/2017/03/nguyen-thanh-viet-qua-phong-van.html

Comments are closed.