Phim « Taxi Téhéran » của Jafar Panahi

N.N tổng hợp từ các báo Pháp

PAHNI

Một cảnh trong phim (tác giả là người lái taxi)

Vì ủng hộ phong trào cách mạng xanh năm 2009, nhà điện ảnh Iran Jafar Panahi bị chính quyền nước này kết án 6 năm tù và 20 năm cấm quay phim, viết kịch bản điện ảnh, xuất ngoại và phát biểu, với tội danh « tuyên truyền chống chế độ »… Nhưng Panahi không đầu hàng. Ông vẫn làm phim. Một bộ phim độc đáo của ông vẫn ra đời : « Taxi Téhéran ». Tháng Hai năm nay phim được gửi đến Liên hoan phim Berlin. Tất nhiên ông không thể có mặt. Người ta đặt lên sân khấu một chiếc ghế trống, trên đó có một tấm biển ghi tên ông. Và Liên hoan phim Berlin đã trao giải thưởng cao nhất, giải Gấu vàng cho « Taxi Téhéran ». Vì hành động chính trị dũng cảm và vì một bộ phim lớn. Cô cháu gái của Panahi đã thay ông lên sân khấu nhận giải.

Lần này « Taxi Téhéran » lại có mặt ở Liên hoan phim Cannes lớn nhất châu Âu đang diễn ra trong những ngày này. Và bộ phim lập tức gây xôn xao. Đúng như lời biểu dương ở Berlin, bộ phim không chỉ là một hành động chính trị quả cảm. Còn là một tác phẩm điển ảnh lớn, đặc sắc, và đặc biệt. Một cách làm phim khác thường. Vai chính, người tài xế taxi chính là Jafar Pahani. Trùng trình giữa tài liệu thực và hư cấu, giữa phóng sự và điện ảnh nghệ thuật. Trên Paris Match, nhà phê bình Yannick Vely đặt câu hỏi, cũng là một cách trả lời:  “ Cái thực là gì ? Hư cấu và điện ảnh bắt đầu từ đâu ? Đâu là vai trò của nhà điện ảnh trong một thế giới đang bị bội thực hình ảnh, từ hình ảnh ghi bởi một caméra bảo vệ, một máy Go Pro đặt trên bản điều khiển xe, cho đến một chiếc máy ảnh ? ».

Còn Pascal Mérigeau thì viết trên Le Nouvel Observateur :

«  Ít có bộ phim nào lại khiến ta muốn biết nó đã được thực hiện cách nào như phim « Taxi Téhéran ». Chính xác hơn, ta muốn biết những người lần lượt ngồi trên chuyến taxi do nhà điện ảnh Iran Jafar Panahi lái trên các đường phố Téhéran là ai ? Người tài xế, ta biết đó là Panahi vì hành khách nhận ra anh và chỉ rõ anh, nhưng còn những người khác thì sao? Họ có phải là diễn viên, chuyên nghiệp không, đang nói theo một văn bản viết sẵn và những câu trả lời được tác giả soạn trước ? Họ có phải là bạn của tác giả do chỗ thân tình mà tham gia phim, lời họ nói có phải là cứ tự nhiên mà đến ?

Le-monde-du-cinema-derriere-Jafar-Panahi_article_landscape_pm_v8

Chiếc ghế trống ở Berlin mang tên Jafar Panahi

Có một câu trả lời cho mỗi người trong số họ, nhưng từ cảnh này qua cảnh khác cương vị của họ thay đổi. Giọng điệu trong một số cảnh cũng thay đổi hoàn toàn. Như ở một trong những cảnh thành công nhất, cảnh một người đàn ông bị thương ở đầu vì tai nạn giao thông, ngồi ở ghế sau với vợ anh ta, trông rõ là lớn tuổi hơn anh đôi chút: từ bi đát, thậm chí nguy hiểm, bổng nhiên chuyển thành nực cười khi người bị thương tỏ ý muốn những nguyện vọng cuối cùng của anh ta được quay phim và ghi âm.

Cái lối trùng trình đó còn có thể thấy khi một sinh viên điện ảnh xin Panahi cho lời khuyên hay khi cô cháu gái anh, cũng là người thích làm điện ảnh, trách anh đủ chuyện, trước khi chỉ thẳng vào tất cả những thứ luật của nước cô cấm đưa lên trong một bộ phim. Vấn đề bỗng thật to lớn và điều đó cho ta thấy tầm quan trọng của phim ảnh trong đời sống của người Téhéran.

Những bộ phim mà phần lớn họ không được phép xem, những bộ phim mà Panahi cũng không được phép làm. Tuy nhiên ông vẫn làm, cho tất cả và chống lại tất cả, với một năng lượng và một sự ngoan cố khiến ta cảm phục, song nếu chỉ có chừng đó thì vẫn chưa hề đủ để đảm bảo lôi kéo được người xem.

Duy có điều, Panahi là một nhà điện ảnh lớn, và « Taxi Téhéran » rất hấp dẫn, với một vẻ bông đùa càng không thể cưỡng lại nỗi vì nó đậm màu sắc phi lý. Vâng, vậy đó, tình cảnh của Panahi thật phi lý, nhưng ông đã lấy chính cái phi lý đó làm chất liệu cho bộ phim của ông. Đấy là điều không ngừng lôi cuốn ta trong « Taxi Téhéran », nó khiến cho tác phẩm lạ lùng này trở thành « không gì thay thế được ».

Comments are closed.