Hoàng Hưng
Hình chủ đạo, nếu không nói là bao quát, trong loạt mười mấy tấm sơn mài tinh khôi của Trần Trung Chính là vẻ đẹp của cơ thể người đàn bà Việt. Ngay từ ấn tượng đầu tiên ta đã nhận ra sự khác biệt với những thiếu nữ vườn xuân thị thành đầy nhịp điệu hư thực của Nguyễn Gia Trí, những gương mặt thiếu nữ miền Nam đầy đặn trong sáng của Nguyễn Sáng, những nàng “Hồ Xuân Hương” gợi cảm mà tinh nghịch của Bùi Xuân Phái, những cô thôn nữ nhìn tranh ta nghe được tiếng cười ròn rã của Lưu Công Nhân…
Có sự gần gũi nào đó với những thân thể đàn bà trôi lơ lửng một cách siêu thực của Nguyễn Quân… Cũng môtip những thân thể đàn bà nhiều khi không đầu, không cuối. Nhưng khác hẳn về chất. Những thân thể đàn bà của Chính không trôi, mà luôn ngự trị chắc nịch phần trung tâm bức tranh trong màu vàng kim lộng lẫy và ám ảnh. Vừa gợi cảm trực tiếp vừa chất chứa một cái gì bí ẩn như một biểu tượng im lặng. Một tính nữ no chín. Một tính nữ vĩnh hằng kết tụ những kêu gọi của nàng Bethsabee Phục Hưng, quyền lực của người đàn bà ngủ trong thơ Baudelaire, “dày dày” của “toà thiên nhiên sẵn đúc” nàng Kiều Nguyễn Du.
Đối lập, bổ sung, hoàn chỉnh, hay giao duyên với Nàng, là Cá (Những con cá truyền giống từ “lý ngư vọng nguyệt”).
Mô hình cấu trúc của các bức tranh chính là sự đối lập ấy. Mảng bằng phẳng đơn khối vàng kim thân thể – kết cấu vẩy cá xù xì đen xanh, đen đỏ. Sự tĩnh tại đầy tự tin – cái động của tư thế lách, quẫy, truồi…
Và bối cảnh sóng. Sóng cách điệu đình chùa áo mão. Sóng bảy sắc cầu vồng. Âm vang của nghi thức mà con người luôn cầu viện để thoả mãn nhu cầu hướng thượng của tâm linh.
Ở chiều hướng này, Trần Trung Chính có những bức sơn mài như dựng lên một huyền thoại. Một vũ điệu huy hoàng của mỹ nữ với chim phượng. Một cõi địa đàng đã mất.
Trần Trung Chính là một họa sĩ “trẻ” theo nghĩa đã quay lại bắt tay thực sự làm hội hoạ. Tuy được đào tạo bài bản từ đã lâu ở các trường Mỹ thuật trong, ngoài nước, anh chỉ quyết định “dấn thân” vào sáng tác ở tuổi đã chếch, sau khi viết sách về văn hoá, làm báo, viết truyện, viết nghiên cứu đô thị, sau khi đã nghiền ngẫm thử nghiệm nhiều xu hướng tạo hình, chất liệu để tìm thấy ngôn ngữ tạo hình cho mình… Với sơn mài, anh lại càng “trẻ”. Nhưng sự già dặn, chín muồi về tư duy nghệ thuật – văn hoá khiến anh có thể đóng góp cho sơn mài một tiếng nói mới. Không ở kỹ thuật mà ở chiều sâu của hình tượng đã gần thành biểu tượng, ở cấu trúc hiện đại – cổ điển, vượt qua nhược điểm lớn nhất của sơn mài truyền thống là tính trang trí bề mặt.