Sự vĩnh cửu trong tranh "Papyrus"

Marc Larchet

Trần Vũ chuyển ngữ

Cách đây gần 20 năm, bộ tranh Papyrus (tiền thân của bộ tranh phù điêu đang thực hiện) đã được trưng bầy ra mắt công chúng tại Paris. Nhà báo Marc Larchet đã viết cho PN một bài giới thiệu khá ưu ái đăng trên tờ Peuples du monde và nhà văn Trần Vũ đã chuyển ngữ sang tiếng Việt. Bản tiếng Pháp đã bị thất lạc, may còn bản tiếng Việt của Trần Vũ… Nay xin mời các bạn đọc chơi trong mùa Tết lễ như một món quà cuối năm. Và chúc tất cả thân tâm an lạc…

Phan Nguyên

Nghệ thuật - Vĩnh cửu 1

Tôi biết Phan Nguyên đã từ lâu, từ nhiều năm nay. Lần gặp gỡ đầu tiên tại Paris, tôi đã bị cuốn hút bởi loạt tranh mang tên “Fractus”. Xung lực bẩm sinh toát ra từ hội họa Phan Nguyên lao đến tôi những rung động nội tâm mãnh liệt.

Tôi đã trở lại nhiều lần để thấm nhiễm những tóe vỡ từ tranh “Fractus”. Một tổng thể hài hòa mang dấu vết một nhân cách sáng tạo, nghiêm cẩn và một lối chơi họa.

Tôi đã tìm hiểu họa sĩ. Hiểu hành động sáng tạo đã gây men biết chừng nào trong hiện thân của ông.

Phan Nguyên thích khảo sát những cảm giác gây ra từ một chất liệu, một phóng bút có thể đem đến trong quá trình tạo tác. Tiến trình phối tạo tác phẩm mời gọi rung động thân xác. Chính nhu cầu giao tiếp cọ sát này của thể xác với vật chất đã làm nền cho loạt tranh mới mang tên “Papyrus”. Biên giới giữa họa và điêu khắc nhòa lẫn ở đây, dù thoạt nhìn, không bật ra tức khắc chiều đẽo gọt của vật liệu.

Với Papyrus, Phan Nguyên khiến chúng ta sửng sốt. Không có mối liên hệ tiên khởi nào với hội họa của ông trước đây.

Một trang tài năng mới của ông đang được viết.

Nghệ thuật. Vĩnh cửu 2

Tôi cố ý dùng chữ “Trang” và “Viết” vì những bức Papyrus, như tên gọi của chúng, gợi ước vọng vĩnh cửu của con người, muốn mã hóa thông điệp để thiết lập với đồng loại một quan hệ khả tri.

Chúng ta có thể tìm thấy trong loạt tranh ba mươi bức này, gốc rễ chung với một số biểu hiện hồng hoang: Họa trên vách đá tiền sử, chữ tượng hình Ai Cập, ký hiệu của thổ dân Úc, bùa chú thần linh… Nhưng tác phẩm Phan Nguyên thật ra không dính với các thời đại hay những biểu thị tư duy vừa kể. Họa của ông ngẫu sinh, ngẫu phát theo ước muốn đùa với hình tượng, tựa như tự nẩy sinh từ một vô thức, họa Phan Nguyên đến từ những sâu thẳm của tâm hồn, từ xung động dục tính của một kiếp nhân sinh, nhân tình.

Sự chờ đợi của khách thưởng ngoạn như thế, không để “hiểu” mà để “cảm”, để bị mê hoặc, cám dỗ, gọi mời vào trong từng mỗi bức tranh.

Vì ở đây mỗi bức tranh là một thực thể duy nhất.

Ở phút thưởng ngoạn đầu tiên, lướt nhìn toàn bộ, một mẫu số chung bật ra: Những nan quạt màu sắc và ánh sáng cuộn lại trong pha trộn bất tận của ba sắc tố chính, vàng, tím, và đất cháy (ochre). Chúng ta có cảm tưởng, nhìn từ xa, đang khảo sát một lao động thuộc da. Ấn tượng tự nhiên do chất liệu sử dụng mang đến.

Nghệ thuật - Vĩnh cửu 3

Nhưng hãy đến gần vì mỗi bức họa xứng đáng được nhìn gần. Độ nổi xuất hiện, nhiều tầng với cách vẽ tinh vi của sơn acrylic. Những hình tượng trong vũ trụ, hình thể động vật hay thánh thư tuồng như được khắc lên chất liệu, thực ra bằng giấy bột.

Lối chơi xé giấy cũng làm nền cho loạt tranh Papyrus, Một lối chơi bản năng, thân xác, gây bất ngờ cho cả họa sĩ lẫn người xem tranh. Rồi lối chơi dao, cách cắt dán, độ dầy mỏng của sơn khiến chúng ta lọt thỏm chính giữa thiên hà, trong hành lang xoắn ốc của những chuyển động, chạm trán một thế giới bí hiểm.

Ở đây, bức tranh, một mảnh giấy thuộc – ở kia, bức họa thành một bảng mã.

Chúng ta không ngừng tới lui ngắm mỗi bức tranh, để rồi trở lại trước từng bức, chiêm nghiệm tất cả những đặc tính của nó.

Cũng như vũ trụ, loạt tranh “Papyrus” là một tổng thể gồm những tế bào duy nhất.

Nguồn: https://www.facebook.com/phannguyen.psg/posts/1808682719373029

Comments are closed.