Workshop “Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật” của Martin Heidegger tại Ga 0 (tháng 9 đến tháng 11 năm 2017)

Như Huy

1. Năm câu ba điều về quan niệm nghệ thuật của Heidegger

Có thể nói, nếu có một triết gia phương Tây hiện đại nào viết về nghệ thuật mà các nghệ sĩ ở châu Á, hay đặc biệt ở Việt Nam trong thời điểm hiện tiền-những năm tháng khởi đầu của thế kỉ 21, cần đọc và hiểu nhất, thì đó chính là Martin Heidegger. Dĩ nhiên ý tưởng này cần phải được làm rõ. Nhìn một cách nào đó, trong một thời đại hậu lý thuyết, hậu nhân bản, hậu hiện đại, tức thời đại, theo Jean-François Lyotard, “không còn các tác phẩm lớn, chỉ còn các văn bản thú vị”, hay theo Roland Barthes, thời đại mà tác giả đã chết”, hoặc theo Susan Sontag , “thời đại mà kí ức của con người chỉ là hình ảnh chứ không phải là thứ mà hình ảnh kể lại”, etc., …việc trở lại với một triết gia vẫn suy tư và băn khoăn về một thứ nghệ thuật lớn, hay nói khác đi, về tính nghiêm trọng và quan trọng của nghệ thuật trong cõi đời hữu hạn, có vẻ là một việc tầm phào.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, ta có thể đặt vấn đề (thật ra chính là theo cách Heidegger từng đặt vấn đề)-chính trong một thời đại thiếu vắng thần linh, thời đại thế giới bị biến thành hình ảnh/cảnh diễn, thời đại tất cả cõi sống bị chuyển thành nguồn lực có thể đo đạc tính đếm về mặt thực dụng-mà ta càng cần phải tìm lại con đường để trở về suối nguồn uyên nguyên của chúng ta-những con người hữu hạn. Suối nguồn uyên nguyên đó chính là khả năng ngạc nhiên, là sự ngưỡng mộ những gì lớn lao hơn tính thực dụng và năng lực tính toán, tức những điều sẽ dắt con người trở lại sự khiêm cung trước đời sống và tự nhiên, để thấy nhau và thấy lại mình trong nguyên vẹn vui buồn chứ không như các vật liệu phục vụ tiện nghi. Và theo Heidegger, con đường này, chính là nghệ thuật-dĩ nhiên, nghệ thuật lớn. NHìn từ góc độ này, cần phải hiểu tên tác phẩm “ Der Ursprung des Kunstwerkes” của Heidegger không chỉ là một cuộc tìm về nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật—mà, nó có hàm ý sâu xa hơn, về việc chính tác phẩm nghệ thuật là nguồn gốc của chúng ta.

Vậy nghệ thuật lớn, tính nghiêm trọng và quan trọng của nghệ thuật theo Heidegger là gì? Có thể viết hàng trăm ngàn trang (đã có hàng trăm ngàn trang từng viết và nghiên cứu) về chủ đề này của Heidegger, tuy nhiên, nói ngắn gọn—theo Heidegger, nghệ thuật lớn, hay tác phẩm lớn chính là một thứ nghệ thuật/tác phẩm (Techne/τέχνη) sở hữu thể điệu của một sự Khai mở Chân-Lý, theo nghĩa nó chính là địa bàn cho Chân-Lý xuất hiện và đồng thời mở ra khả thể cho chân lý có thể biến đi theo đúng như thể điệu của mọi Chân lý đích thực: Chân lý chính là không-chân lý. Cách nói phức tạp này của Heidegger về Chân lý cần được giải thích rõ hơn một chút.

Chân-lý là gì? Theo các quan niệm trước Heidegger, tức những gì Heidegger phê phán, chân lý chỉ là sự tương hợp giữa thế giới bên ngoài và đầu óc con người. Nhìn từ góc độ này, các phát ngôn về chân lý, thực chất chỉ mang tính chất của các xác-nhận đúng sai. Chân lý ở đây chỉ là sự đich xác, và thường được thể hiện qua lời nói, ví dụ, “chuẩn đấy, cậu nói chuẩn đấy”, hay “ anh/chị nói đúng đó”- vào lúc một thực tại nào đó bên ngoài được xác nhận là trùng hợp với hình dung trong đầu óc của người quan sát. Tuy nhiên, với Heidegger, chân-lý là điều gì phức tạp và lớn lao hơn hẳn sự xác nhận đúng sai dựa trên mô hình tương hợp nói trên. Heidegger trở ngược lại không gian suy tư của Hy lạp trước Plato và Aristotle để thấy rằng, Chân-lý, vào lúc đó đã được người Hy lạp suy tưởng theo một cách hoàn toàn khác. Với những người Hy lạp tiền siêu hình học, Chân Lý được họ gọi là Alethea (ἀλήθεια) Trong cụm Alethea này, ἀ—chính là hết/không còn, và λήθεια-chính là bị che giấu. Và như thế, Alethea chính là “hết còn bị che giấu”. Đúng như thế, Chân-lý, sự thật của người Hy-Lạp tiền Siêu hình học hoàn toàn không phải là những gì mà con người hiện đại chúng ta đang hiểu, -sự xác nhận của chủ thể về đối tượng. Trái lại, chân lý ở đây là một sự-biến (Er-eignis), tức điều không thể chuẩn bị trước,và là điều sẽ thay đổi toàn bộ cõi sống trước đây của kẻ rơi vào không gian của sự khai quang-chân lý, như sự biến này.

Chính cái chân-lý nói trên, tức cái chân lý của Tồn tại, mà theo Heidegger không do con người làm chủ, và cũng là cái chân-lý muôn hình vạn trạng trùng trùng bừng nở theo mỗi hoàn cảnh, mỗi con người, mỗi tâm trạng, —hay nói theo cách của nhà Phật, theo mỗi “duyên do” khác biệt, và bởi thế, luôn có tính không-chân lý ( hiểu như điều gì đó không cố định, luôn trong trung-chuyển, và mở ra cho mọi tương tác miên viễn), – là cái mà nghệ thuật đem lại. Chân-lý ở đây có sức mạnh của phusis (φύσις) [ hiểu theo nghĩa gốc kiểu Heraclitus- sức mạnh tự nhiên sinh sôi nảy nở miên viễn, chứ không theo cách hiểu kiểu Trung cổ-là Vật lý (physics)]. Chân lý/phusis/Nature tự vươn mọc tự mở ra từ miên viễn, song cũng tự giấu mình đi miên viễn [“Thiên nhiên luôn tự giấu mình”|”Nature is accustomed to hide itself”-Heraclitus]. Ở đây, theo Heidegger, thay vì là triết học (philosophy) hay sự hành triết (Philosophizing), chính nghệ thuật, và rồi, tác phẩm nghệ thuật mới là địa bàn cho cái chân-lý như nói trên xảy ra, trong chừng mực nghệ thuật chính là Techne, -tức điều theo như cách người Hy lạp cổ hiểu-là một thực hành đem ra điều gì trước đó chưa tồn tại (bringing-forth). Theo cách hiểu này, Heidegger bảo, hành vi làm nghệ thuật- ở đây chính là ποίησις (Poeisis), tức “sự làm cho thấy được điều gì đó đang tự xuất hiện ra bên ngoài từ trong một điều gì khác”

Tác phẩm nghệ thuật lớn, theo Heidegger, chính là địa bàn của chân lý. Chân-lý, theo Heidegger, chính là sự-biến của sự hết còn che giấu. Chữ Werk trong Kunstwerk (tiếng Đức: tác phẩm nghệ thuật) là có liên quan đến động từ Wirken ( tạo ra hiệu lực) và tới danh từ Wirklichkeit ( sự thật/sự thực hữu hoá [actuality/actualization]- hiểu theo nghĩa mạnh đến mức chính là hiệu lực-có thể tạo ra hiệu lực). Tác phẩm nghệ thuật (Kunstwerk) phải tạo hiệu lực (wirken) bằng cách mở ra Chân-lý (Wirklichkeit) cho người xem, tức kẻ, ở đây, bởi đã tham gia được vào sự biến (Er-eignis), theo nghĩa sở hữu chân-lý cho mình (sich eignen), đã trở nên những kẻ bảo tồn (Preservers). Tác phẩm nghệ thuật và người xem, vì lẽ ấy, đã thoát khỏi mối quan hệ do cả trải nghiệm bất vị lợi kiểu Kant hay cả sự trung giới qua triết học kiểu Hegel tạo ra, để trở nên không gian tương tác liên chủ thể do Chân-lý mở ra qua sự-biến. Và như thế, nghệ thuật, -tất nhiên là nghệ thuật lớn, ở đây, đã chính là nguồn mạch/nguồn gốc cho cả nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật, và kẻ bảo tồn.

Cho đến đây, có lẽ dù vắn tắt và rất sơ sài, chúng ta đã hiểu phần nào việc vì sao nghệ thuật với Heidegger lại có tính nghiêm trọng và quan trọng đến thế. Không phải là một địa bàn của giải trí, trải nghiệm, hay cảnh diễn, trái lại, với Heidegger, nghệ thuật chính là lối về nguồn cội của con người trước khi họ bị lý tính hoá, bị vật dụng hoá, bị các nhu cầu thực dụng chiếm hữu và biến thành các chủ-thể coi mọi thứ xung quanh là các đối tượng sử dụng hay kiếm lợi. Nói khác đi, với Heidegger, trong thời đại thiếu vắng thần linh (hiểu như sự thiếu vắng những gì cao cả tốt đẹp thiện hảo và chân thành) nghệ thuật chính là cách duy nhất giúp con người trở lại với nguồn gốc của mình-vào lúc họ còn biết ngạc nhiên, sửng sốt, qua đó, biết khiêm cung và sùng mộ những gì cao cả tốt đẹp chân thành.

2. Tình huống Việt Nam

Trong 5 năm vừa qua, tạm tính mốc từ năm 2013, với Singapore Biennale 2013, mà ở đó, lần đầu tiên, nghệ thuật đương đại Việt Nam được xuất hiện rầm rộ với trên dưới 10 nghệ sĩ, hai giám tuyển ở tầm mức thế giới, cho đến nay, nhìn một góc độ nào đó, nó đã có một bước tiến dài. Nhìn về mặt bên ngoài, các nghệ sĩ và giám tuyển Việt Nam đã bay rất xa, nhiều người đạt tầm quốc tế ( theo nghĩa xuất hiện ở các sân chơi toàn cầu quan trọng), còn nhìn về mặt bên trong, rất nhiều không gian nghệ thuật mớimở ra, cả thương mại lẫn phi thương mại, có không gian cả ngàn mét vuông như VCCA, hay Đại lải Resort. Nhiều triển lãm nhóm và cá nhân xuất hiện, và đặc biệt, các cơ sở hạ tầng cho giao dịch nghệ thuật đã được thiết lập và bươc đầu hoạt động mạnh mẽ, như nhà đấu giá Lý Thị, hay đặc biệt là nhà đấu giá Chọn, với giao dịch nghệ thuật gần nhất lên tới cả trăm ngàn đollars Mỹ. Nếu so với những năm tháng trước 2010, thì người ta thậm chí có thể dùng chữ “kinh ngạc” cho những năm tháng này, khi chứng kiến sự bùng nổ nhiều mặt và nhiều khía cạnh của nghệ thuật Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay ở đây liệu có phải lúc để đặt ra câu hỏi: “phải chăng vào chính lúc tưởng như nghệ thuật Việt Nam đang nở rộ nhất, theo nghĩa nó bắt đầu hoà nhập vào guồng máy công nghiệp hoá nghệ thuật quốc tế cũng như bắt đầu trở nên các vật thể đắt giá được bán mua, nó đã bị lãng quên?”. Nói cụ thể hơn, “phải chăng vào chính lúc nghệ thuật, và rồi theo đó là tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ và người xem, bắt đầu trở nên “chuyên nghiệp hoá”-là lúc nó đánh mất đi sức mạnh poeisis của nó, tức sức mạnh Techne; sở hữu thể điệu của một sự Khai mở Chân-Lý, của sự làm con người thức tỉnh, của sự-biến, đưa con người vào cú nhảy Aletheia vượt qua hố thẳm để về lại nguồn mạch nguyên sơ của họ? Theo tôi, đúng là như thế. Hơn lúc nào hết, câu hỏi về tính nghiêm trọng của nghệ thuật, về vai trò quan trọng của nó, đặc biệt tại Việt Nam, dứt khoát cần được đặt ra vào chính lúc này, tức vào lúc mà dường như nó bắt đầu khởi hành ra khỏi vùng “NGOẠI BIÊN” lâu nay của nó. Câu hỏi về tính nghiêm trọng của nghệ thuật ở đây, hiểu một cách đời thường, sẽ được tạo nên bằng các câu hỏi như, “nghệ thuật là gì?”, “làm nghệ thuật để làm gì?”, “nghệ thuật đóng vai trò gì trong xã hội?”, “vì sao phải làm nghệ thuật?” , “công chúng nghệ thuật là ai?”, “nghệ thuật là một nghề kiếm sống, một con đường tiến thân” hay là “một điều gì thuộc đạo đức, theo nghĩa có thể phản biện và đề hoá các chủ đề nghiêm trọng trong xã hội, và qua đó (vẫn) có thể thức tỉnh con người?”. Như các bạn thấy đó- toàn các câu hỏi “ngây thơ” (naive) mà thôi. Song đúng như W. Szymborska, thi sĩ được giải Nobel 1996 từng nói trong bài thơ “Thế kỉ chuyển giao” (The turn of Century) của mình, : “ Những câu hỏi khẩn cấp bao giờ cũng là các câu hỏi ngây thơ”. Đúng là ở giữa thời buổi tranh tối tranh sáng này, điều chúng ta, các trí thức, nghệ sĩ cần làm, chính là tạm nghỉ, dừng lại, (pause), để suy tư,- và suy tư ở đây là theo nghĩa, đặt ra các câu hỏi đơn sơ và cơ bản nhất,-những câu hỏi nền tảng (fundamental questions), tức những gì- mượn chính cách nói của Heidegger, “…không đơn sơ xuất hiện như sỏi và nước. Không được trình ra như giày, quần áo hay sách vở, mà phải tồn tại theo cách chúng được thật sự hỏi, và chỉ duy nhất trong cách này chúng mới tồn tại mà thôi..”. Vậy, cách các câu hỏi được thật sự hỏi là thế nào? Nói nôm na- khi các câu hỏi thật sự được hỏi tức là lúc nó được tạo cơ hội để được suy tư, để trở nên nghiêm trọng. Suy tư (denken), ở đây, đã chính là quy tưởng (andenken), tức một sự mở lối về nguồn mạch uyên nguyên. Ở đây, khi câuhỏi được hỏi một cách thật sự–chính là lúc khởi đầu cho chuyến quy cố hương

3. Workshop về tác phẩm “Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật” của Martin Heidegger

Nhìn từ góc độ trên, workshop về tác phẩm “Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật” của Martin Heidegger, do Ga 0 đứng ra tổ chức và do viện Goethe Hà Nội tài trợ, từ tháng Chín đến tháng Mười một 2017 tại Ga 0, (www.zerostationvn.org) chính là một cơ hội quan trọng cho sự đặt ra các câu hỏi nền tảng nói trên. Trong vòng trên dưới hai tháng, khoản trên dưới hai tá các trí thức trẻ từ nhiều ngành/lĩnh vực, chủ yếu là nghệ thuật và văn chương, thông qua việc đều đặn ngồi lại bên nhau vào các dịp cuối tuần, dưới sự giảng dạy/điều phối của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, dịch giả tiếng Việt của bộ ba Phê Phán của Kant, của “Hiện tượng học Tinh Thần” của Hegel, của chính “Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật” của Heidegger và “Tồn-tại và thời gian” của Heidegger, thông qua viêc cùng nhau đọc kĩ từng dòng tác phẩm quan trọng này của Martin Heidegger, đã cùng nhau và tự mình tạo cơ hội cho các câu hỏi nền tảng như nói trên nảy ra, và theo đó, cho sự suy tư/quy tưởng như nói trên xảy ra.

Việc Workshop này, như phân tích ở trên, diễn ra vào đúng thời điểm này tại Việt Nam là vô cùng quan trọng. Nhìn một góc độ nào đó, nó sắm vai trò như một sự cảnh tỉnh/thức tỉnh, một sự nhắc nhớ về ý nghĩa đích thực của nghệ thuật, thông qua suy tư của một kẻ suy tư (Heidegger không muốn gọi mình là triết gia) vĩ đại nhất vào lúc triết học/siêu hình học đã kết thúc. Đây là một thứ suy tư vượt lên khỏi các lối tư duy lý tính và luỵ khoa học kĩ thuật, tức những gì là lõi cốt cho sự sinh ra, lớn mạnh và vai trò thống trị của tính hiện đại phương Tây. Có nghĩa là, một thứ suy tư mà trong đó con người không bị đánh mất, trong đó Tồn tại không bị lãng quên, và trong đó sự Ngạc nhiên thuần phác được mở lối trở về. Về mặt tri thức mà bàn, việc trở lại với Heidegger của các nghệ sĩ/trí thức trẻ Việt Nam vào thời điểm này cũng có thể mang tính về nguồn theo một cách hiểu khác. Bản thân Heidegger, qua nhiệm vụ phá huỷ Siêu hình học phương Tây, tức phá huỷ cách hiểu về Logos như công cụ giúp chủ thể chinh phục/nắm bắt đối tượng, nhìn một cách nào đó, cũng chính là một nhân vật đặt nền tảng cho các triết gia và lý thuyết gia sau này làm việc trên các định hướng hậu hiện đại, giải trung tâm, tức các định hướng dẫn tới các tiếp cận hậu thực dân hay vi lịch sử đang là những gì chiếm ưu thế trong các giọng điệu của các nghệ sĩ trí thức phi phương Tây. Vì lẽ đó, việc tìm về lại Heidegger cũng có thể hiểu là sự tìm lại lối về nguồn mạch nguyên lai cho các nghệ sĩ, trí thức trẻ Việt Nam, tức những người, giống với các bè bạn châu Á,hay thế giới, cũng đang tìm cách đặt ra các tiếp cận hậu thực dân hay vi lịch sử trong các tiếp cận của họ, qua đó, tìm cách đưa ra giọng điệu riêng của mình trong diễn đàn đa dạng các giọng điệu tạo nên cõi nghệ thuật toàn cầu. Dĩ nhiên, không cần phải nhắc lại, ở đây, trong văn cảnh bàn về Heidegger, khái niệm “cõi nghệ thuật toàn cầu” cần được hiểu theo nghĩa địa bàn của nghệ thuật lớn, tức của điều gì mang tính nghiêm trọng và quan trọng cho cõi sống, chứ không phải theo nghĩa một không gian giải trí thư giãn và phục vụ du lịch đơn thuần

Workshop này cũng là cơ hội cho dịch giả Bùi Văn Nam Sơn hoàn tất phần chú giải dẫn nhập cho bản dịch “Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật” mà ông đã dịch xong. Bản dịch dự kiến sẽ xuất bản trong đầu năm 2018. Workshop này cũng có thể được coi là thử nghiệm cho một workshop dài hơi hơn về cuốn “Tồn tại và thời gian” (SEIN UND ZEIT) cũng của Heidegger, dự kiến cũng sẽ do Ga 0 tổ chức. vào năm 2018

Thông tin chi tiết về workshop xem tại đây

http://zerostationvn.org/…/workshop-ve-tac-pham-nguon-goc-…/

#workshopheidegger
#gaoheidegger
#nguongoctacphamnghethuatga0

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyennhuhuy/posts/10155864490302264

Comments are closed.