Đôi điều về việc đọc thơ

Lê Hồ Quang

Đọc thơ, với tôi, ban đầu là một sở thích cá nhân. Sau nữa, vì yêu cầu công việc. Trong tư cách một người đọc hồn nhiên, tôi không tìm kiếm điều gì hơn ngoài việc nhờ thơ để giải tỏa những tâm trạng, cảm xúc của chính mình. Cái hay của thơ, như vậy, được định nghĩa bằng việc nó thiết lập nhanh hay chậm sự đồng cảm, mức độ sâu sắc của những ẩn dụ và khả năng đánh động cảm giác, cảm xúc nhờ vào những từ “hay”, “đắt”, nói theo cách của giáo khoa thư. Nhưng càng ngày, cùng với việc phải tìm hiểu sâu hơn về thơ, tôi càng phải đối mặt với nhiều hơn những câu hỏi về đối tượng mà ban đầu chỉ là để thưởng lãm hay đồng điệu. “Bài thơ này có hay không?” – câu hỏi quen thuộc ấy hóa ra lại là bắt đầu của rất nhiều câu hỏi phức tạp khác. Nhưng như thế nào là một “bài thơ hay”? Và hơn thế nữa, thế nào là thơ? Là “một-bài-thơ”? Đâu là cái giới hạn để phân định về cái-gọi-là-thơ và cái-không-phải-thơ? Cái gì thực sự đã tạo nên “tính thơ”?

Vấn đề càng nảy sinh khi ta tiếp xúc với các hiện tượng cụ thể, nhất là thơ hiện đại. Có lẽ chưa bao giờ quan niệm về thơ/ tính thơ lại xa nhau đến thế. Cùng với điều đó là quá nhiều những cách đọc khác nhau, mâu thuẫn gay gắt, khiến câu trả lời về nghĩa/ ý nghĩa của tác phẩm càng khó tìm được điểm chung. Trước thực tế ấy, tôi cho rằng, muốn đọc hiệu quả, người đọc cần phải có một tư duy đọc hiện đại. Đấy là một mô hình tiếp cận và lý giải văn bản vừa có điểm tựa lý thuyết, vừa gắn liền những trải nghiệm đọc thực tiễn, mang tính dân chủ và cởi mở, tạo nên định hướng cần thiết trong quá trình đọc, giúp anh ta có thể đọc đúng tác phẩm. (Về điều này, xin được nói thêm như một lưu ý nhỏ về mặt phương pháp luận, dù vấn đề hoàn toàn không mới. Ta đều biết rằng giữa tư duy của độc giả và tư duy của nghệ sỹ không phải lúc nào cũng gặp nhau, ngay cả trong trường hợp người viết đồng thời là người đọc. Trong khi một số nhà thơ thường có xu hướng đồng nhất mình với nhân vật trữ tình thì độc giả có thể chỉ quan tâm đến tác phẩm như một cấu trúc chỉnh thể tự thân. Do đó, sự “lệch pha” giữa sự viết (của nhà thơ) và sự đọc (của độc giả) đã là điều hiển nhiên. Sự “đọc sai” trong trường hợp này chỉ có nghĩa là đọc không đúng với “thông điệp” mà tác giả có ý thức gửi gắm (và có thể được tác giả xác nhận), nhưng hoàn toàn không sai nếu nhìn từ quan niệm đọc – diễn giải tác phẩm, một khi sự diễn giải đó là có cơ sở.)

Dĩ nhiên, một tư duy đọc hiện đại và cởi mở không dễ có ngay từ đầu và nhất thành bất biến. Nó có thể hình thành từ những tiền đề tri thức về thơ khi ta học/ đọc, song chắc chắn sẽ thay đổi và mở rộng khi tiếp xúc với các hiện tượng thơ cụ thể. Trên cơ sở đó, dần hình thành nên những nhận thức, quan niệm ngày một sâu sắc hơn, và cũng sẽ rộng rãi, cởi mở hơn, về thơ (đương nhiên, cùng với thơ là nhiều vấn đề khác nữa). Đó sẽ là những tiền đề hết sức quan trọng và cần thiết dẫn đến cách đọc chính xác, khoa học. Cũng như phần lớn bạn đọc, trước đây, tôi thích thơ lãng mạn, thuộc nằm lòng nhiều bài thơ được viết theo thi pháp lãng mạn. Đến bây giờ, nằm lại trong trí nhớ của tôi vẫn là những bài thơ truyền thống giàu nhạc tính, có khả năng gây cảm và truyền cảm trực tiếp hơn là những bài thơ “cắc cớ”, khó nhớ, khó thuộc của loại thơ được xếp vào ngăn “hiện đại” hoặc “hậu hiện đại”. Việc đọc những hiện tượng thơ mới, khó, vừa là thách thức, vừa là đòi hỏi buộc tôi phải mở rộng quan niệm thẩm mỹ và cùng với nó, là giới hạn mĩ cảm cá nhân. Điều này không phải không khó khăn. Trong quá trình đọc, tôi thường xuyên phải dừng lại nghi ngờ, phản bác, chất vấn chính mình: Đây/ như thế này mà là thơ ư? Liệu mình đọc đã đúng chưa? Đâu là ranh giới giữa một bên là đọc đúng và bên kia là sự suy diễn tùy tiện? Đâu là căn cứ, giới hạn của việc đọc – diễn giải?, v.v. Như thế, việc đọc thơ với tôi đồng nghĩa với việc phải đối diện với những câu hỏi mang tính phương pháp luận, thường xuyên, ráo riết, liên tục.

Với tôi, thơ (trong sự phân biệt với văn xuôi), phải đảm bảo những yếu tính thể loại của nó, đó là sự cô đọng; tính xúc cảm; tính khêu gợi, tính nhạc. Nhưng bên cạnh tính thể loại, thơ còn có tính loại hình lịch sử. Tính thơ ở mỗi loại hình lịch sử là hết sức khác biệt. Trên thực tế, cái gọi là yếu tính loại hình đó không phải luôn hiện diện trong các hiện tượng thơ cụ thể, hoặc nếu có, cũng ở những mức độ đậm nhạt hết sức khác nhau. Một khi có sự tham gia của người đọc, tiêu chuẩn về thơ và tính thơ, như đã nói trên, càng trở nên khác biệt và nhiều khi dường như không có một điểm chung nào.

Vậy là tôi sẽ phải tự mình xác định thêm một số “tiêu chuẩn phụ” để xác định về giá trị một bài thơ/ hiện tượng thơ. Một bài thơ có giá trị với tôi, ngoài việc có một hình thức chặt chẽ, tự đầy đủ với ý nghĩa mà nó mang chứa; nó còn phải có khả năng gây ra một nỗi ám ảnh, một sự xúc động nào đó, ở tôi, cho tôi. “Thơ hay” ít nhất phải gây chú ý cho tôi trên mấy điểm sau đây:

Trước hết là về hình thức. Hình thức của thơ bắt đầu từ ngôn ngữ. Tôi quan tâm đến cách tác giả sử dụng từ ngữ, hình ảnh, thói quen sử dụng từ loại và biện pháp tu từ. Cùng với điều đó là hệ thống cấu trúc của văn bản, bao gồm cấu trúc nội tại với từ ngữ, hình ảnh – câu – đoạn – bài – tứ thơ, đến cấu trúc lớn hơn gồm những yếu tố ngoài văn bản như tác giả, bối cảnh… Như vậy, khái niệm hình thức ở đây vừa cần được hiểu theo nghĩa hẹp, cụ thể, vừa cần được hiểu theo một nghĩa rộng rãi hơn.

Thứ hai, về nghĩa/ ý nghĩa của thơ. Như đã nói trên, nghĩa/ nội dung không phải là cái có tính “định mệnh” của bài thơ. Nó cũng không phải là cái tồn tại bên ngoài văn bản, được áp cơ học vào văn bản. Nó nằm trong văn bản, được hình thành bởi tổ chức cấu trúc văn bản, ở dạng tiềm năng và chỉ được “kích hoạt” bởi người đọc và việc đọc. Bởi vậy, trong quá trình chú ý tiếp cận và cố gắng diễn giải văn bản trên cơ sở những gợi ý, định hướng của các dấu hiệu hình thức, tôi đồng thời cũng cố gắng “đọc” ra các lược đồ nghĩa/ ý nghĩa của nó. Cùng với quá trình đọc (đọc nhiều lần, có sửa sai/ bổ sung/ phát triển…), lược đồ ấy sẽ trở nên đầy đặn hơn, có lý hơn.

Cùng với những chỉ dẫn mang tính lý thuyết về cách đọc, tôi đồng thời cũng tin vào trực giác, cảm giác và học cách thả lỏng chúng để đến gần hơn tiếng nói thật sự của thơ. Đôi khi, một bài thơ có thể đánh thức trong tôi một cảm xúc sâu kín, khó có thể gọi tên. Đó không phải là thứ cảm xúc trực tiếp, được giãi bày một cách rành mạch, tạo nên sự đồng cảm ngay lập tức như thường thấy ở những thi phẩm lãng mạn, nhưng vẫn là cảm xúc thơ và không phải không gây cảm động tương tự. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi mức độ cộng cảm khá sâu giữa văn bản và người đọc. Có một thứ “công tắc” đồng cảm nào đó chỉ bật lên giữa văn bản với độc giả này mà không phải với độc giả khác. Sự kết nối, liên thông ấy nằm trong “mã đọc” nhiều khi khá cá biệt và riêng tư.

Xuất phát trên cơ sở văn bản ngôn từ, vận dụng linh hoạt những nguyên tắc tiếp cận, lý giải theo hướng thi pháp học, theo tôi, chính là một cách đọc thơ khá hiệu quả. Nhưng như thế hẳn là vẫn quá chung chung. Tôi xin nói rõ hơn về một số biện pháp, cách thức cụ thể mà tôi thường tiến hành khi đọc một bài thơ/ hiện tượng thơ:

Đọc kỹ văn bản. Văn bản ngôn từ là trạm đọc đầu tiên và căn cứ quan trọng nhất của quá trình đọc thơ. Đọc và cố gắng ghi nhớ những ấn tượng, phản ứng cảm tính, trực tiếp, tức thì khi tiếp xúc với văn bản theo kiểu “lần đầu tiên”. Góp nhặt chúng lại, khái quát thành một ấn tượng chung, chẳng hạn thích/ không thích; hay/ dở; vui/ buồn/ buồn cười… Và hãy thử triển khai sự lý giải bằng cách đặt câu hỏi: Vì sao? Đừng coi thường những ấn tượng trực giác. Nếu bạn đã có kinh nghiệm, tri thức và kỹ năng đọc, ấn tượng trực giác của bạn thường khá chính xác, nó có thể giúp bạn “định vị” đối tượng rất nhanh mà ít/ chưa cần tới sự can thiệp sâu của các thao tác phân tích lý trí. 

Phân tích sâu cấu trúc văn bản. Khi đọc, tôi quan tâm đến tên bài thơ như một chỉ dẫn, một gợi ý. Thông thường, đó sẽ là một chỉ dẫn về chủ đề hoặc hình tượng trung tâm. Nó sẽ kết nối với toàn bộ cấu trúc văn bản ở phía sau, từ các yếu tố như lời đề từ, các câu chữ, hình ảnh, khổ, đoạn, ý / tứ thơ… Tôi đặc biệt chú ý tới sự xuất hiện lặp lại của một số từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng. Sự lặp lại của các yếu tố trong bài thơ hay hoàn toàn không ngẫu nhiên. Nó là một tín hiệu thẩm mỹ cần để mắt. Hãy đặt các câu hỏi về những vấn đề này.

Khai thác các yếu tố ngoài văn bản nhưng có mối liên quan với văn bản. Các yếu tố ngoài văn bản khá đa dạng. Đó có thể là những thông tin về tác giả (tiểu sử, sự nghiệp, quan niệm sáng tạo…) hoặc nền lịch sử – văn hóa, thơ ca, nghĩa là bối cảnh tác phẩm xuất hiện. Bối cảnh này cung cấp căn cứ để ta hiểu sâu thêm về tác phẩm, định vị chính xác hơn về giá trị cũng như đóng góp của nó.

Ghi chép lại. Ghi chép là một cách để chính xác hóa những ấn tượng, nhận thức nảy sinh trong quá trình đọc. Đồng thời, chính trong quá trình ghi chép, nhiều ý tưởng mới sẽ được gọi ra theo diễn đạt của cây bút, có khi rất bất ngờ, giúp việc khám phá những nội dung văn bản trở nên tập trung, hứng thú hơn. Viết và đọc, trong trường hợp này, là một sự tương tác, hỗ trợ cần thiết cho nhau.

Bây giờ, tôi sẽ lấy một vài ví dụ trong thơ Việt Nam hiện đại để làm sáng tỏ một số điều đã nói ở trên. (Xin nói rõ trong giới hạn bài viết, những minh chứng là chưa đầy đủ và có khi tôi buộc phải làm việc “đẽo chân cho vừa giày”). Một bài thơ có thể gây chú ý từ những yếu tố, phương diện nghệ thuật khác nhau. Một trong những yếu tố đó là biểu tượng. Điều này đặc biệt càng phải chú ý ở những bài thơ được viết theo lối tượng trưng.

Ta hãy bắt đầu bằng một bài thơ của Lê Đạt:

Bóng chữ

Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

                                       Mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu

                             Bóng chữ động chân cầu

Hãy đặt mình vào vị trí của người đọc hồn nhiên. Sự tiếp xúc với bài thơ lần đầu chắc chắn sẽ làm nẩy sinh hàng loạt câu hỏi, chẳng hạn: Bóng chữ là gì? Bóng chữ có liên quan gì đến chủ đề và hệ thống hình tượng trong bài thơ này? Tại sao “chia xa rồi anh mới thấy em”? Tại sao lại là “như một-thời-thơ-thiếu-nhỏ” mà không phải là “thời thơ ngây”, “thời thiếu nữ”, “thời thơ nhỏ”, những cách diễn đạt có nội dung tương tự nhưng quen thuộc và rõ nghĩa hơn? Rõ ràng cách tổ chức văn bản này có nhiều điểm đặc biệt. Nó làm nảy sinh nghịch lý và khêu gợi những cách hiểu cách nhau. Một mặt trong gần như toàn bộ văn bản, tác giả chỉ tập trung vào hình ảnh Em (với những miêu tả ám gợi khá tình tứ), và do đó tạo nên một sự chiếu nghĩa khá tập trung vào lớp nghĩa câu chuyện tình yêu – chia tay –  hồi nhớ –  nuối tiếc, một motip chủ đề quen thuộc. Nó gợi ra khá nhiều các liên văn bản nói về cùng chủ đề, chẳng hạn hình ảnh Dưới cầu nước chảy trong veo của Truyện Kiều của Nguyễn Du hoặc Cầu Mirabeau của Guillaume Apollinaire. Nhưng mặt khác, sự lặp lại cố ý của của cấu trúc hình ảnh “bóng chữ” (ở tên bài thơ và ở dòng kết thúc) đã bẻ lái cách hiểu bài thơ theo hướng mới. Câu chuyện về Chữ, về tình yêu sáng tạo.

Biểu tượng có thể được xây dựng bởi nhiều chi tiết, yếu tố, hình ảnh trong tác phẩm. Nó có thể được cấu trúc bằng thủ pháp lặp hoặc tương phản, đối lập, hoặc bằng sự tập trung của các liên tưởng, so sánh. Nó cũng có thể được báo trước trong tên của bài thơ, chẳng hạn Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Áo trắng (Huy Cận), Người về, Ngựa biển (Hoàng Hưng), Cõi lặng (Nguyễn Khoa Điềm), Ánh trăng (Nguyễn Duy), Người đàn bà ngồi đan (Ý Nhi), Sóng, Thuyền và Biển (Xuân Quỳnh), Tiếng địch, Củi lửa (Dương Kiều Minh), Hạc trắng (Nguyễn Lương Ngọc), Cây Ánh sáng (Nguyễn Quang Thiều)… Dĩ nhiên, biểu tượng trong những loại hình thơ khác nhau cũng có những đặc điểm khác nhau. Biểu tượng trong thơ tượng trưng thường trùng phức về nghĩa và khó tiếp cận, lý giải hơn.

Thơ gây chú ý bởi những cách tổ chức ngôn từ và hình ảnh, nhất là khi viết theo lối siêu thực và đây đương nhiên là một điểm sáng thẩm mỹ cần tiếp cận, khai thác. Thông thường, trong thơ siêu thực, giữa các câu chữ có sự đứt mạch rất rõ. Các hình ảnh thường hiện lên như trong những ảo giác, những cơn mơ phi thực, lạ lùng. Đôi khi kỳ dị, dữ dội, mê hoặc, khó có thể cắt nghĩa. Ví dụ:

– Gió rít tầng cao trăng ngả ngửa

Vỡ tan thành vũng đựng vàng khô

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy

Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra

(Say trăng – Hàn Mặc Tử)

– Tôi buồn khóc như buồn nôn

Ngoài phố

nắng thủy tinh

Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

Thanh Tâm Tuyền

Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường

(Phục sinh – Thanh Tâm Tuyền)

– Những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

Li la li ta li la

Đi lang thang về miền đơn độc

Dưới vầng trăng chuếnh choáng

Trên yên ngựa mỏi mòn

(Đàn ghi ta của Loc-ca – Thanh Thảo)

–  Bây giờ

Em trụi trần dưới vòm cây tối đen

Ngực đồi trăng ướt đẫm

Tay chập chờn lửa sáng

Nhưng đã muộn rồi ôi muộn lắm

Vực sâu đã mở ra

Chôn cả lời trăng trối của mùa thu

Một chiếc lá khổng lồ đỏ thắm

(Bây giờ – Lưu Quang Vũ)

–  Khắp nơi

những đôi mắt

dính trên cổ những người không có mặt

những tiếng kêu

phát ra từ miệng những người không có cổ

những bàn chân

càng bước càng lún sâu vào đất…

(Giấc mơ của Kafka – Trương Đăng Dung)

Dĩ nhiên rất cần chú ý đến chủ đề của tác phẩm. Đấy là một phương diện nghệ thuật quan trọng. Đôi khi chủ đề được thể hiện ngay trong tên bài thơ nhưng như thế chưa đủ. Cái tên chỉ là một gợi ý, một chỉ dẫn ban đầu và ta cần phải đọc sâu hơn trong toàn bộ cấu trúc thi phẩm. Đấy là chủ đề “toát ra” từ cách tổ chức của bài thơ chứ phải là những nội dung triết lý “trần trần trực sự”. Ở ngoài cấu trúc văn bản, mọi chủ đề là như nhau, không có sự hơn/ kém về giá trị. Do đó, cần chú ý tới cách xử lý chủ đề của tác giả thể hiện trong từng tác phẩm.

Ta hãy lấy bài thơ của Pháp Hoan viết về một chủ đề có tính phổ quát – sự sống và cái chết, để xem xét điều này rõ hơn.

Mùa xuân sau một cái chết

Một bông hoa đang nở ra trên cánh đồng

một bông khác nở ra từ kẽ đá

một bông khác trên ngọn đồi xa lạ

Trên nghĩa trang lạnh giá

bông hoa đầu tiên cũng đang hé nở

một bông khác

và một bông khác nữa

Và kìa sau tấm lưng tôi hàng loạt bông hoa thi nhau nở rộ

chúng làm tấm áo choàng của tôi nhanh chóng phồng lên

như cánh buồm trước gió

Rồi từ cuống họng tôi những bông hoa chui ra

những bông hoa khác từ đôi mắt tôi

từ đầu những ngón tay

từ đôi tai

từ lồng ngực…

chúng đang chiếm đoạt lấy thân thể tôi

chúng đang làm tâm tư tôi trở nên bấn loạn

Bất chợt tôi nhớ ra là mình đã qua đời vài năm trước đó

và tấm thân bây giờ là mảnh đất màu mỡ cho đám hoa lá mùa xuân

Bài thơ được triển khai từ điểm nhìn của kẻ đã chết, đã nằm dưới đất, nơi thân xác và đất đen hòa làm một, và đang nhìn ngắm/ mô tả về đời sống. Có thể khai thác vô số ý nghĩa triết lý từ tứ thơ độc đáo này. Nhưng theo tôi, cái đáng quan tâm ở đây không phải là những triết lý quen thuộc về sự sống – cái chết (là điều có thể “đọc” ra ngay từ cái tên bài thơ) mà là sự xâm nhập, chuyển hóa giữa các yếu tố đối lập ấy, và hơn thế, là cách mô tả của nhà thơ về quá trình ấy. Chọn điểm nhìn quan sát từ bên trong, “tường thuật” lại các sự kiện, cảm giác cá nhân một cách rành rẽ, chi tiết, nhà thơ cho thấy quá trình chuyển hóa, biến đổi của sự sống và cái chết là một tất yếu, nó đến tự bên trong, tự nhiên và lặng lẽ đến đỗi khó có thể nhận ra. Qua điểm nhìn và cách kể ấy, cảm giác những bông hoa chui ra từ cuống họng, mắt, ngón tay, tai, lồng ngực... của kẻ đã chết, đã nằm dưới mộ, đồng thời cũng là nhân vật trữ tình đang xưng “tôi”, đang kể cho chúng ta nghe về những diễn biến cảm giác của anh ta, vốn là điều hết sức phi lý (xét theo logic thông thường), đã trở thành điều hoàn toàn hợp lý, không thể khác. Cái tôi nhận ra cảm giác sống ngay trong khi đang/ đã chết (và rất có thể ngược lại). Đó là một cảm giác/ nhận thức siêu nghiệm nhưng không thể sống động và thuyết phục hơn.

Từ motip chủ đề cái chết trong bài thơ của Pháp Hoan, tôi nhớ một kỷ niệm nhỏ với bài thơ Nhẹ của Nguyễn Bình Phương. Thường khi dạy những lớp sinh viên mới, tôi thường che tên của bài thơ này đi và yêu cầu họ, sau khi đọc xong toàn bộ bài thơ, đoán thử xem tên của nó có thể là gì. Phần lớn các sinh viên của tôi đều nghĩ tới một cái tên: Chết (hoặc Cái chết). Điều này có lý do, đấy là do áp lực của cấu trúc lặp lại (từ “chết”) với sự xuất hiện của hệ thống các yếu tố ám chỉ cái chết: ngôi sao đen, khu rừng ma, những con hươu ma, vĩnh biệt, ra đi… Tuy vậy, sau đó tôi đã lưu ý họ về cái tiêu đề của bài thơ như một sự chỉ dẫn, nhắc nhở ngầm của tác giả. Điều này giúp họ kết nối với nội dung ý nghĩa đã được phát hiện trên bề mặt văn bản: bài thơ là một triết lý về cái chết theo kiểu Nguyễn Bình Phương. Phải, chết rất Nhẹ.

Chết làm sao ngôi sao đen

Nằm trên giường bình nhiên bí ẩn

Chết không thở cùng hoa

Thở cùng người đàn bà xa lạ

Ở trong khu rừng ma

Có những con hươu ma

Chết nở một nụ cười sáng nhẹ

Chẳng vĩnh biệt em chẳng tiễn biệt ai

Từ tốn mơ màng

Bông cải cúc ra đi

Kết cấu là cách tổ chức toàn bộ các yếu tố riêng lẻ của bài thơ (ngôn ngữ, hình ảnh, chi tiết, giọng điệu, chủ đề, cảm hứng….) thành một chỉnh thể chặt chẽ. Đây cũng là một phương diện hình thức quan trọng của thơ. Trên thực tế, kết cấu thơ hết sức đa dạng. Có kiểu kết cấu theo hình thức luận đề trực tiếp (chẳng hạn Vội vàng của Xuân Diệu thời Thơ mới hoặc một số bài của Nguyễn Lương Ngọc, Trương Đăng Dung, Mai Quỳnh Nam gần đây). Có kiểu kết cấu theo hình thức kể chuyện (chẳng hạn trong Hai sắc hoa Tigôn của TTKH, Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Mưa xuân của Nguyễn Bính thời Thơ mới; và gần đây, trong thơ Inrasara, Phan Nhiên Hạo và Nguyễn Đức Tùng…). Phổ biến hơn cả là kiểu kết cấu theo mạch cảm xúc, trong đó, cái tôi chủ thể đứng ra trực tiếp giãi bày xúc cảm. Lại có kiểu kết cấu theo trục biểu tượng phổ biến trong thơ Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Dương Kiều Minh… Bài thơ sau đây của Mai Văn Phấn là một ví dụ.

Ghi ở Vạn Lý Trường Thành

Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng

nhòe mắt cát

thở đầy ngực cát

Vạn Lý Trường Thành còn xây dở?

Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ

Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ

đánh hộc máu mồm

Khâm thử!

Ngước lên gặp một khuôn mặt bì bì

tay lạnh, mắt chì, giọng mỡ

Mái Phong hỏa đài màu huyết dụ

hình thanh long đao dính máu đang kề cổ

Còng lưng đẩy nắng đi

Chồn chân đẩy gió đi

Miễn sao được gần bông hoa

đang mởn mơ trong gió lớn

Tâu hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí…

Bỉ chức/ thảo dân/ em

sẽ làm trọn bổn phận

Đây là đỉnh trời

hay đáy vực sâu

chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát

Mồ hôi du khách trên đá xám

nở thành hoa phù dung.

Cắt dọc bài thơ theo tuyến sự kiện, ta thấy có một hành trình hiện tại của du khách, nổi trên bề mặt văn bản: mây xếp trên vai/ nhòe mắt cát/ thở/ ngước lên/ mái Phong hỏa đài/ còng lưng/ chồn chân/ mồ hôi du khách trên đá xám. Song song với hành trình của du khách là một hành trình trong quá khứ của những dân công khốn khổ vác đá xây Vạn Lý Trường Thành. Lằn nghĩa thứ hai đã xuất hiện ngay cạnh lằn nghĩa thứ nhất, trong chính những hình ảnh được dùng diễn tả lằn nghĩa thứ nhất: từng tảng đá nặng/ nhòe mắt cát/ thở đầy ngực cát/ Vạn Lý Trường Thành còn xây dở/ Tiếng hoạn quan truyền chỉ/ đánh hộc máu mồm/ Khâm thử. Tuy nhiên, ta còn có thể thấy thêm lằn nghĩa thứ ba. Ấy là khi xuất hiện trên hành trình ấy một tuyến tình tiết, hình ảnh mới, về một con người khá đặc biệt: “vừa vác đá vừa làm thơ”, “còng lưng đẩy nắng”, “còng lưng đẩy gió” “miễn sao gần được bông hoa/ đang mởn mơ trong gió lớn”. Ấy là chân dung của kẻ yêu cái đẹp, vì cái đẹp mà có thể bất chấp mọi trở ngại. Nhờ vào cách sắp xếp xen kẽ/ song hành hợp lý của các tình tiết, hình ảnh, hành trình của thơ dường như càng ngày càng đi vào chiều sâu và mở ra nhiều liên tưởng, hy vọng. Song cũng đúng lúc ấy, cắt ngang mọi ảo tưởng, là sự đồng thanh, trùng điệp, nhẫn nhục của những giọng nói:

Tâu hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí…

Bỉ chức/ thảo dân/ em

sẽ làm trọn bổn phận

Trong khoảnh khắc, dường như cửa ngõ tất cả các chiều kích không – thời gian đã chập lại và mở thông sang nhau. Và cùng lúc ta thức tỉnh về sự lặp lại bi đát, thê thảm của thân phận kẻ sĩ/ trí thức trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa với sức mạnh tàn bạo hiện hình ở chính biểu tượng Vạn Lý Trường Thành.

Đan xen khéo léo giữa nhiều tuyến hình ảnh, sự kiện quá khứ và hiện tại; “đục bỏ” triệt để các phương tiện kết nối logic tuyến tính; sử dụng yếu tố giễu nhại đúng lúc, đúng chỗ…, đó là những kỹ thuật kết cấu đã được tác giả sử dụng hiệu quả trong bài thơ này.

Yếu tố hình thức của thơ không chỉ dừng lại ở những phương diện kể trên. Đôi khi, sự đặc biệt của hình thức thơ được thể hiện thông qua những kỹ thuật trình bày đập mạnh vào thị giác (Jờ Joạcx của Trần Dần, Đàn của Dương Tường, Chữ cái của Từ Huy, Lô Lô của Ly Hoàng Ly… là minh chứng sinh động cho những tìm tòi theo hướng thơ ngôn ngữ – biểu hình này). Hoặc để gợi ra âm thanh tương ứng trong thính giác (ví dụ Noel của Dương Tường…); để gợi ra những cảm giác mơ hồ trong vô thức (như Thơ vụt hiện của Hoàng Hưng…). Tương tự, những khác biệt, thay đổi trong hệ thống hình ảnh, chẳng hạn nhóm hình ảnh đồ vật hoặc “sinh vật cấp thấp” như chó, rắn, ốc sên, gián… trong thơ Nguyễn Quang Thiều, ruồi, rác thải, đồ tái chế… trong thơ Vũ Thành Sơn, Phan Nhiên Hạo, hoặc hệ thống hình ảnh chỉ các bộ phận cơ thể như trong thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thùy Linh… cũng là một số dấu hiệu hình thức nên lưu ý.

Khi tiếp cận một bài thơ, ta có thể tùy vào đặc điểm đối tượng cũng như mục đích, nguyên tắc và sự nhạy cảm riêng của người đọc để chọn điểm/ góc tiếp cận. Không nhất thiết phải trình bày tất cả (điều này vừa không cần thiết vừa không thể) về các phương diện hình thức và ý nghĩa của bài thơ. Trên thực tế, cho dù bài thơ có được đánh giá là “tuyệt tác” đi nữa, giá trị của nó không bao giờ chia đều cho tất cả các yếu tố.

Dẫu vậy, bên cạnh việc tập trung vào một số điểm sáng nổi bật trong tác phẩm, ta vẫn phải luôn chú ý tới nó như một chỉnh thể. Trước hết, đó là chỉnh thể – bài, nhưng có khi rộng hơn, là chỉnh thể –  tập; hoặc hơn thế nữa, trong chỉnh thể phong cách tác giả hoặc loại hình thơ mà nó thuộc về. Chẳng hạn, khi đọc bài thơ Ghi ở Vạn Lý Trường Thành của Mai Văn Phấn, tôi sẽ phải xem xét nó kỹ hơn trong tương quan với những tìm tòi theo hướng hậu hiện đại trong tập Hôm sau. Cũng tương tự, để hiểu sâu hơn về Bóng chữ, tôi sẽ phải đặt bài thơ này vào “trường thơ” Lê Đạt, người tự nhận mình là “phu chữ” với quan niệm “chữ bầu lên nhà thơ” [2, tr.116]. Điều đó giúp tôi hiểu Bóng chữ thực chất là một tuyên ngôn về thơ, về sự sáng tạo.  

Việc đọc thơ, trên thực tế, cũng như việc tiếp nhận nghệ thuật nói chung, chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhất là khi ta đứng trước những văn bản mới, bị xem là khó hiểu, tối tăm, hũ nút hoặc bậy bạ, tục tĩu, vô nghĩa…, thường bị úp chung vào sọt “thơ hiện đại” trước đây, và gần đây là “thơ hậu hiện đại”. Sự thực thì thơ hậu hiện đại, cũng như thơ hiện đại và các loại hình thơ trước đó, đều có những nguyên tắc, phương thức sáng tạo riêng, những ưu điểm và nhược điểm riêng. Dẫu sử dụng những kỹ thuật viết giống nhau, có tác giả viết được những tác phẩm giá trị, có tác giả chỉ dừng lại ở những thử nghiệm thất bại. Để đọc Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức của Inrasara, tôi đã tìm đọc thêm về chủ nghĩa hậu hiện đại để hiểu về tinh thần dân chủ, sự phá vỡ các “đại tự sự” và tầm quan trọng của tiếng cười giễu nhại trong loại hình thơ này. Điều này giúp tôi nhận ra điểm thú vị trong Yêu nhau ba thì của Inrasara với “cú” nhại kép về tình yêu, thơ ca, các thủ pháp “làm thơ”… thông qua các “thì” sáng tạo: Thì lãng mạn hậu thời, Thì hậu hiện đại, Thì cổ điển mới. Trong nhãn quan hậu hiện đại, cái tôi tác giả ý thức hơn bao giờ hết về sự sao chép, lặp lại, điều không chỉ có trong tình yêu, đời sống hiện thực, mà cả trong sáng tạo, lĩnh vực luôn đứng trước đòi hỏi phải làm mới. Ý thức ấy buộc anh ta sẽ phải viết theo cách khác, thực tế, tỉnh táo và hài hước:

Như là bản sao

chán quá đi mất, em nói

hay mình lao bừa vào nhau đi anh

Hay ta chia tay đi em

lại là thứ chia li không miếng nào đặc sắc

na ná trong phim, xa hơn: truyện cổ tích

& thì

đành yêu tạm thôi, mình nhỉ!

Tiếng cười giễu nhại, mang tinh thần mở được xem là một dấu chỉ quan trọng để nhận diện tính hậu hiện đại trong bài thơ. Nó đồng thời đòi hỏi một nhãn quan mĩ học cởi mở, dân chủ. Có được những tri thức mang tính phương pháp luận này, tôi đã có thể đọc và phát hiện thêm những điểm thú vị trong thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, một tác giả trẻ, viết nhiều trên mạng, và thường về những chủ đề bị xem là vớ vẩn, tầm phào. Tiếng cười ngộ nghĩnh, nhẹ nhõm, hồn nhiên như trẻ thơ chính là điểm cộng cho thơ tác giả này. Dĩ nhiên, không dừng lại ở tính chất “kỹ thuật”, điều quan trọng là tác giả này đã thể hiện được trong thơ mình cái cảm thức hậu hiện đại thông qua tiếng cười đó. Ta chỉ có thể lý giải, đánh giá chính xác về đặc điểm, đóng góp, giá trị của hiện tượng thơ (rộng ra là nghệ thuật) khi xem xét nó trong trường bối cảnh/ quan niệm của nó.

Như vậy, với tư cách độc giả, bên cạnh những “công cụ” khác, tôi cần trang bị những tri thức về loại hình thơ như một điểm tựa, một căn cứ khoa học để đọc tác phẩm. Dĩ nhiên, đấy là nói theo cách đơn giản nhất. Vì thơ hậu hiện đại là một hiện tượng vô cùng phức tạp và quan niệm về nó ở cả những người lập thuyết và sáng tác cũng hoàn toàn không thống nhất. Hơn nữa, từ quan niệm của người sáng tác đến tác phẩm của họ nhiều khi là một khoảng cách rất xa. Nếu chỉ dựa trên cái khung lý thuyết để áp vào tác phẩm, nhăm nhăm tìm kiếm các dấu hiệu phù hợp trong văn bản để minh họa cho lý thuyết, chắc chắn sẽ dẫn đến áp đặt, gán ghép thô bạo. Cách đọc này chỉ hiệu quả khi lý thuyết được vận dụng một cách hợp lý, thể hiện qua những nguyên tắc và thao tác tiếp cận, lý giải nhuần nhị, phù hợp đối tượng văn bản. Nghĩa là lý thuyết phải trở thành tri thức công cụ. Thực tế là, dù cũng được trang bị lý thuyết đọc như nhau, song có người có thể chỉ cần đọc qua văn bản đã có thể “bắt” được ngay tần số phát của tác phẩm, có người thì vẫn chỉ loay hoay giữa mê hồn trận câu chữ. Cùng với cách đọc theo lý thuyết, cần thiết phải có sự kết hợp, hỗ trợ của cách đọc – khảo sát văn bản, trong đó gồm những thao tác mô tả, khảo sát ngôn từ cụ thể. Tất nhiên, lý thuyết loại hình chỉ là một trong vô số lý thuyết mà ta có thể vận dụng làm điểm tựa phương pháp luận khi đọc thơ. Tóm lại, còn rất nhiều vấn đề lý luận khác có thể đặt ra qua việc đọc thơ. Do giới hạn bài viết, tôi xin dừng ở đây.

***

Trên đây là một vài đúc kết về cách đọc thơ của tôi. Chúng có phần nghiêng về kinh nghiệm cá nhân và do vậy, đôi khi sa vào lược quy phương pháp đơn giản. Nhưng điều này là cần thiết đối với tôi, nó giúp tôi ý thức rõ hơn về việc đọc của chính mình. Đây cũng chỉ là một trong vô số những cách đọc (hết sức khác nhau) và sự đa dạng này là điều quá hiển nhiên trong tiếp nhận nghệ thuật. Theo một quan niệm mỹ học hiện đại đã trở nên quen thuộc, sự phong phú, đa dạng của cách đọc góp phần tạo nên sự phong phú về nghĩa/ ý nghĩa của văn bản, đưa văn bản trở thành tác phẩm. Chấp nhận, khuyến khích sự khác biệt, đa dạng của cách đọc của độc giả, nhìn trong mối quan hệ với sự viết/ cách viết của nhà văn, chắc chắn cũng tạo nên sự tương tác, thúc đẩy tích cực, buộc người viết phải ý thức hơn trên hành trình tìm kiếm những giá trị sáng tạo mới. Và tôi nghĩ, đó chính là điểm cốt lõi tạo nên ý nghĩa, giá trị của kiểu tư duy đọc hiện đại.

Đọc thơ là một vấn đề khó nhưng thú vị. Đọc cách đọc thơ cũng thú vị không kém: nó cho ta thấy nhiều kiểu tư duy khác lạ, độc đáo. Tôi học được rất nhiều từ những cách đọc khác đó. Tóm lại, đọc là một quá trình tìm tòi, học hỏi, đối thoại và tìm cách đối thoại với văn bản, với người viết, với những quan niệm khác mình. Đọc cũng dạy tôi đến gần hơn với sự dân chủ và biết tôn trọng những giá trị Khác.

Vinh, 2/1/2019

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Nguyễn Việt Chiến (2007), Thơ Việt Nam, tìm tòi và cách tân 1975 -2005, Nxb Hội Nhà văn, Công  ty Văn hóa trí tuệ Việt.

2.     Lê Đạt (2008), Đối thoại với đời và thơ, Nxb Trẻ.

3.     Lê Đạt (2009), Đường chữ, Nxb Hội Nhà văn, Công ty sách Bách Việt.

4.     Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Nxb Thế giới.

5.     Pháp Hoan (2016), Lịch mùa, AJAR.

6.     Inrasara (2006), Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức, Nxb Hội Nhà văn, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

7.     Mai Văn Phấn (2009), Hôm sau, Nxb Hội Nhà văn.

8.     Nguyễn Bình Phương (2015), Xa xăm gõ cửa, tuyển thơ, Nxb Văn học.

9.    Thanh Thảo (1985), Khối vuông ru-bích, Nxb Tác phẩm mới.

10.   Thanh Tâm Tuyền (1956), Tôi không còn cô độc, Nxb Người Việt.

11.   Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm, Lại Nguyên Ân tập hợp và biên tập (1999), Nxb Hội Nhà văn.

12.   Lưu Quang Vũ (2010), Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tuyển thơ, Nxb Hội Nhà văn.

Comments are closed.