Trần Đình Sơn Cước
Đầu năm 2020 khi đại dịch Coronavirus-19 mới bùng phát, tôi nhận được hai tập thơ mang một cái tên gần trùng hợp một cách bất ngờ thú vị: ĐÁ của nhà thơ nhà văn Trần Hoài Thư. THƠ & ĐÁ của nhà thơ vừa qua đời Nguyễn Đức Sơn. Tập thơ của Nguyễn Đức Sơn có rất nhiều bài thơ về đá, về đá và thơ, kể cả ý định của ông muốn khắc thơ lên đá. Về "Thơ & Đá" của ông, tôi không dám bàn ở đây, tôi chỉ xin trích lại lời của thầy Tuệ Sỹ trong Thay Lời Tựa:"…Tôi không thể nói gì về thơ Sơn, cũng không thể nói gì về bi kịch tồn sinh ấy. Bởi, đời sống thực của Sơn là những chuỗi nghịch lý của thương và ghét, yêu và hận. Đọc thơ Sơn, như người điên mất trí nhớ ném từng viên sỏi vào hồ nước để nhìn những đợt sóng lăn tăn. Tôi thật vô cảm với những chữ thơ khô khan như sỏi đá vô tri, tự bộc lộ thơ thành đá, đá thành thơ, hay thơ là đá, đá là thơ…".
Đá vô tri. Thế nhưng, trong thi tập "THƠ & ĐÁ" Nguyễn Đức Sơn có bài thơ nhan đề "Cám ơn đá":
"Đá vây ta
nhưng ta yêu đá
Bởi vì nhờ đá
Mà dù lở lói xương da
Hồn ta sớm thoát ra
Cái gì quái lạ".
Trong văn chương, đá dù vô tri, nhưng đá lại là biểu tượng gợi nhiều cảm hứng cho các thi sĩ nhạc sĩ. Xa như các đại thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan,… trong câu thơ của họ cũng đôi lần nhắc đến đá, có lúc mượn đá để giải bày tâm sự của mình.
Gần chúng ta hơn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong "Diễm xưa" đã tra vấn người mình yêu bằng câu hỏi rất triết lý "làm sao em biết bia đá không đau.", "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Sỏi đá vô tri. Sỏi đá vô ngôn. Phải chăng tâm trạng người cần có nhau, trai gái cần tình yêu, là tâm thức của Trịnh Công Sơn và ông gán ghép cho đá sỏi. Sỏi đá không biết và không hề tự hỏi có hay không cần có nhau. Đá sỏi không nói lên khát vọng tình yêu. Người nhạc sĩ tài hoa đó đã nói thay cho đá.
"Phiến đá sầu" là một bài hát hay của nhạc sĩ Diệu Hương với những khắc khoải về đá và tình yêu được lặp lại nhiều lần:
“Em hỏi tôi phiến đá có tình yêu không
Em hỏi tôi phiến đá có linh hồn không
Linh hồn tôi nay là đá sỏi
Nhưng đá nằm khổ đau với tình yêu em”
Đá sỏi vô tri. Triệu ngàn năm trước và cả nghìn năm sau, sỏi đá mãi là vô tri. Thi sĩ nhạc sĩ đã nhân cách hóa đá sỏi. Lạ thay, đọc họ, nghe họ, hình như ta vẫn cảm nhận như đá sỏi có đau có giận có thương có ghét và có cả tình yêu say đắm như ta…
Chỉ riêng Trần Hoài Thư trong bài thơ "ĐÁ" của ông thì lại khác. Ông viết:
"Nếu có phép mầu gì anh ước được bay về
Lên lại ngọn đồi Kỳ Sơn tìm hòn đá tảng
Anh sẽ đứng thật nghiêm và chào tay kính cẩn
Cảm ơn vô cùng một hòn đá ân nhân…"
Đá sỏi vô tri. Thế nên nghe ông nói thế, có thể vợ ông, vặn hỏi ông:
"- đá đâu phải là người sao lại bảo ân nhân?"
Ông trả lời:
"Vậy thì anh hỏi em:
– có người nào giúp anh thoát nạn?
Em có bao giờ thấy một người nào chắn đạn?
Em có bao giờ nhìn những khói đá bốc lên
Và những tia lửa hồng tức tối xẹt cuồng điên
khi trăm ngàn đầu đạn đâm vào thân thể đá?"
Bài thơ rất thật. Ông không nhân cách hóa đá. Đá vẫn là tảng đá vô tri. Trong cuộc chiến tranh đau thương và khốc liệt vừa qua của quê hương chúng ta, Trần Hoài Thư là sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng Hòa phục vụ trong đơn vị tham kích trinh sát. Ông đã thường trực đối diện với hiểm nguy, cái chết luôn rình rập khắp nơi. Một hôm, ông và đồng đội đã bị phục kích, đạn đối phương truy đuổi ông "cuồng điên". Nhưng, may mắn thay, đã có đá đưa thân ra chắn đạn, chịu thay thân thể ông và đồng đội những "tia lửa hồng tức tối cuồng điên". Khói bốc, lửa tóe xẹt. Ông thoát chết. Cảm ơn Trời Phật? Cảm ơn phước đức ông bà? Cảm ơn số mệnh? Đúng. Chắc ông cảm ơn tất cả. Nhưng cụ thể hơn hết, ông cảm ơn "HÒN ĐÁ ÂN NHÂN" có ghi rõ địa chỉ nơi đá tọa lạc, đồi KỲ SƠN, quận TUY PHƯỚC, tỉnh BÌNH ĐỊNH. Ông không văn-chương-hóa đá, không nhân-cách-hóa đá. Ông biết ơn hòn đá tảng vô tri. Ông có thể tự nhiên cúi lạy tạ ơn hòn đá, hòn đá cứu mạng ông và đồng đội. Hòn đá này không cần biết đá có linh hồn hay không, có tình yêu hay không. Hòn đá này không khắc khoải trầm tư ngày sau có cần có nhau. Hòn đá này vẫn trơ cùng năm tháng gió mưa bão tố, trước và sau những "tia lửa hồng tức tối cuồng điên", đá vẫn nguyên là đá vô tri. Trần Hoài Thư không lãng-mạn-hóa hòn đá. Cuối đời lưu vong nơi quê hương mới, ông chỉ mong được về "đứng thật nghiêm và chào tay kính cẩn" hòn đá cứu mạng cho ông. Phần ông muốn tỏ lòng biết ơn. Nhưng hòn đá kia, vẫn muôn đời trơ gan cùng năm tháng trên đồi Kỳ Sơn, tỉnh Bình Định quê nhà…
Trần Hoài Thư đã lấy bài thơ "ĐÁ" để làm nhan đề cho toàn tập thơ của ông. Toàn tập thơ cũng chỉ có một bài thơ duy nhất viết về đá. Tôi đọc, và tôi thích thú với ý nghĩ từ trước đến nay trong văn chương của nước ta chưa có ai viết về đá thật và chân thật như ông. Trong văn chương, đá là biểu tượng được nhân cách hóa như đã nói ở trên. Ngoài ra, tôi được đọc một bài viết về "Đá trong thơ" điểm qua thơ của các nhà thơ miền Bắc trước 1975: Chế Lan Viên, Thu Nguyệt, Thu Bồn, Trần Đăng Khoa… đã viết về đá, về tượng đá, huyền thoại đá, nhưng tất cả đều nhân cách hóa tâm hồn cho đá:
Trong giấc ngủ vô cùng của Đá
Cùng vô hạn đêm khuya và vô hạn sao trời…
Ta bản lĩnh thì đá kia bản lĩnh, mà ta
cô đơn thì đá hóa cô đơn.
(Chế Lan Viên)
Như vậy, bài thơ "ĐÁ" của Trần Hoài Thư là một trường hợp đặc biệt, mặc dù hai câu cuối của bài thơ, ông lại muốn được làm như đá, dầu đá vẫn là đá: "Và bây giờ anh cũng mong được làm phiến đá. Để chai lì với những bọt sủi niềm đau". Đó là ông muốn nói đến thân phận, tâm trạng ông hiện tại, chứ "hòn đá ân nhân" xưa của ông vẫn nằm yên, vô ngôn, vô tri, trên đồi Kỳ Sơn, không hề và không cần phải "chai lì", bọt sủi niềm đau"…
(Chicago 7/20)