Đặng Văn Sinh(*)
I. Mở đầu
Giáo sư Nguyễn Đổng Chi là nhà một văn hóa lớn của Việt Nam. Ông thành công trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như văn học, sử học, khảo cổ học, dân tộc học với những tác phẩm nổi tiếng như Mọi Kontum (nghiên cứu dân tộc học, viết chung với Nguyễn Kinh Chi – 1937); Túp lều nát (phóng sự về tệ nạn cường hào ở nông thôn Nghệ-Tĩnh – 1937); Việt Nam cổ văn học sử (nghiên cứu văn học sử – 1942); Hát dặm Nghệ Tĩnh (nghiên cứu dân ca – 1944); Lược khảo về thần thoại Việt Nam (1956); Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (5 tập, 1957-1960, viết chung); Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập, 1958-1982); Địa chí văn hóa dân gian Nghệ-Tĩnh (1981- 1983, Chủ biên), Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân trong lịch sử xã hội việt Nam thời phong kiến (1965-1978, chưa xuất bản), Văn học dân gian sưu tầm ở Ích Hậu (4 tập, 1965-1968, viết chung với phu nhân Đoàn Thị Tịnh, chưa xuất bản)… Tuy nhiên, Nguyễn Đổng Chi còn là một nhà văn mà không phải ai cũng biết đến nếu chưa đọc cuốn sách Gặp lại một người bạn nhỏ nổi tiếng của ông.
Cho đến nay, Gặp lại một người bạn nhỏ đã được in đến 4 lần bởi 3 nhà xuất bản. Lần thứ nhất, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1957. Lần thứ hai, Nhà xuất bản Hà Nội, 1986. Lần thứ ba, Nhà xuất bản Văn học, 1999. Và, lần thứ tư, kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Các lần xuất bản sau lần in thứ nhất đều với văn bản đầy đủ còn lưu giữ trong thư viện gia đình tác giả.
II. Thể loại
Về mặt thể loại, có thể xếp Gặp lại một người bạn nhỏ thuộc dạng truyện ký mà nội dung của nó kể về những sự kiện có thực và con người có thực trong một giai đoạn lịch sử dưới góc nhìn của một chiến sĩ Tự vệ thành Hoàng Diệu, đã trực tiếp cầm súng đánh giặc vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc. Có lẽ cũng không cần phải bàn cãi nhiều về mặt lý thuyết, căn cứ vào hình thức tác phẩm, người đọc dễ dàng nhận thấy tính chất ký khá rõ qua các thao tác kỹ thuật vốn là đặc trưng rất khó phủ nhận của thể loại văn học có tính năng động này.
Trước Nguyễn Đổng Chi đã có Tam Lang Vũ Đình Chí, cùng thời với ông từng có Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, là những chuyên gia cự phách về phóng sự. Các nhà văn tài danh ấy đã mổ xẻ xã hội thực dân nửa phong kiến Hà thành bằng những thiên phóng sự dài kỳ nóng bỏng qua thứ ngôn ngữ hài hước, châm biếm của những Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, hay bằng lối văn nhuần nhị, giàu hình ảnh, về một phong cách văn hóa Thăng Long xưa, luôn phảng phất hoài niệm của Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai… Cho nên, với tư cách một nhà nghiên cứu khoa học, ông phải tìm ra lối đi cho riêng mình, tránh lặp lại người khác, nhất là ở lúc giao thời về quan điểm thẩm mỹ trong sáng tác văn học.
Vì thế, trong Gặp lại một người bạn nhỏ Nguyễn Đổng Chi không chỉ dừng lại ở thể loại ký mà ông còn đi xa hơn. Ông đã tiểu thuyết hóa các nhân vật và sự kiện lịch sử ở thời điểm diễn ra cuộc chiến, kết hợp một cách nhuần nhuyễn hai thể loại văn học, đưa đến cho người đọc một văn bản nghệ thuật độc đáo bởi tính “nhị nguyên” cả về hình thức diễn đạt lẫn nội dung tư tưởng về chủ nghĩa anh hùng, phẩm chất của người Hà Nội trong thời khắc lịch sử bi tráng của dân tộc.
Mặt khác, cho dù đã dùng thủ pháp tiểu thuyết hóa Gặp lại một người bạn nhỏ, nhưng về tổng thể, tác phẩm không ly khai phương pháp sáng tác của thể loại ký sự, nhất là ký sự lịch sử. Bởi vì, thứ nhất, Nguyễn Đổng Chi được đào tạo khá bài bản từ hệ thống giáo dục tiên tiến của phương Tây lúc bấy giờ, nên ông có cái nhìn biện chứng đối với các hiện tượng xã hội mà không bị chi phối bởi hệ tư tưởng Nho giáo, tuy đã vào lúc xế chiều nhưng vẫn còn khá mạnh đối với một xã hội nông nghiệp khép kín, bảo thủ. Thứ hai, tác giả chính là một chiến sĩ Tự vệ thành, Tiểu đội Bùi Quang Trinh thuộc Tiểu khu Bảy Mẫu, Nam Hà Nội. Ông tham gia chiến đấu hoàn toàn với tinh thần tự nguyện của một công dân khi Tổ quốc lâm nguy. Chính vì vậy, việc cầm bút đối với ông là một nhu cầu tự thân. Sự kết hợp giữa hai thể loại văn học đã tạo cho cuốn sách một diện mạo mới, một không gian nghệ thuật mới. Mặt khác nó cũng ghi dấu ấn sáng tạo cá nhân của người cầm bút có bản lĩnh, tái hiện sự việc và con người độc đáo, sống và thật, thấm được ngay vào trí nhớ của độc giả. Sau Nguyễn Đổng Chi vài thập kỷ, người đọc mới gặp lại hiện tượng này ở Ký sự một vùng đất lửa của Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân.
III. Bố cục
Là truyện ký nhưng cấu trúc của Gặp lại một người bạn nhỏ lại giống như một tiểu thuyết với ba phần. Phần mở đầu, tức Đoạn thứ Nhất, kể chuyện chiến sĩ quân giới Trần Khắc Thùy tình cờ gặp lại khẩu súng carbine của mình tại xưởng sửa chữa vũ khí trên chiến khu. Tuy rằng tác giả viết khá kỹ những hoạt động chuyên môn thường nhật của lính quân giới, mối quan hệ giữa họ với đồng bào dân tộc Thái, cũng như hoàn cảnh khó khăn của quân đội trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp (14 trang khổ lớn), nhưng thực tế đây chỉ là phần dẫn truyện. Phần thứ hai (Đoạn thứ Hai) mới là trọng tâm cuốn sách, viết như một hồi ức, mang đậm thi pháp tiểu thuyết nhưng lại được diễn đạt dưới dạng “người thật việc thật” thông qua thủ pháp điển hình hóa. Phần thứ ba (Đoạn thứ Ba) ngắn gọn với lối trình bày như một vĩ thanh, kết thúc cho một câu chuyện có hậu.
Chưa nói đến nội dung cụ thể, ngay trong tựa đề cuốn sách, học giả-nhà văn Nguyễn Đổng Chi đã sử dụng thủ pháp “phục bút”. Đó là những “bí mật nghề nghiệp” được giấu kín đến tận cùng, chỉ đến khi đọc gần hết “Đoạn thứ Nhất”, chúng ta mới hiểu ra, “người bạn nhỏ” ở đây không phải là một đồng đội bằng xương bằng thịt, mà là một khẩu carbine, loại vũ khí hiện đại, có hiệu suất chiến đấu cao, nhưng vô cùng khan hiếm, và cũng vì thế, nó vô cùng quý giá, là niềm mơ ước cháy bỏng của mỗi chiến sĩ Vệ quốc thuở ấy.
Việc tác giả chia cuốn truyện ký làm ba phần không chỉ đơn giản là một thao tác mang tính kỹ thuật, mà thực ra, nó còn có ý nghĩa cách tân về hình thức. Nên nhớ rằng, cuốn sách được viết khá sớm, vào mùa đông năm 1949. Có thể xem đó là một trong số không nhiều những cuốn sách đầu tiên viết về cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, có vẻ như tác giả không tự bằng lòng với thể loại ký sự đơn thuần mà đã đi một bước khá mạo hiểm là “tiểu thuyết hóa” truyện ký, đem đến cho nó một tính năng mới trong việc phản ánh hiện thực lịch sử thông qua các nhân vật và sự kiện hoàn toàn có thực ngoài đời.
Đặc tính ký sự được thể hiện khá rõ trong việc tác giả sử dụng cấu trúc ba đoạn và xâu chuỗi để liên kết các sự kiện nhỏ trong một sự kiện lớn. Lẽ dĩ nhiên, với bố cục như vậy, thời gian của cuốn truyện ký là thời gian của quá khứ, nhưng hoàn toàn chính xác, có những trường hợp còn được cụ thể đến cả ngày giờ. Ngược lại, không gian ở đây lại có xu thế mở rộng, thông thường là dịch chuyển theo trình tự tuyến tính như là thuộc tính của sự vận động. Không cần phải phác thảo ra giấy, ngay khi đọc đến phần thứ hai, chúng ta cũng dễ dàng hình dung ra địa bàn và sơ đồ hoạt động của Tiểu đội Tự vệ theo một hành trình từ nội thành rút ra ngoài theo những tuyến phố nhích nhắc rồi sau đó lại trở vê khu phố cũ quấy rối địch bằng hệ thống giao thông hào độc nhất vô nhị, đó là những “đường đi xuyên tường”.
Không gian truyện ký là không gian được tích hợp từ chuỗi hồi ức của các nhân vật hiện diện trong một thời gian xác định nhưng không bó hẹp trong phạm vi một tiểu đội, mà luôn có xu hướng mở rộng đến phạm vi toàn lãnh thổ, thậm chí còn vươn ra cả nước ngoài như trường hợp của Hân thời kỳ đi lính cho Nhật. Tiểu đội Tự vệ chỉ nên xem như một đơn vị hạt nhân, còn sức liên tưởng là vô cùng, luôn tiệm tiến ra vùng ngoại biên theo quy luật lan tỏa của vòng sóng.
Trình tự tuyến tính của văn bản được khai triển theo kiểu song song. Tác giả vừa kể những hoạt động tổng quát của Tiểu đội Tự vệ, đến một lúc nào đó, nếu cần, lại sẵn sàng rẽ nhánh miêu tả về một thành viên nào đó, tùy mức độ đậm nhạt khác nhau, và cũng có khá nhiều trường hợp, ông đặc tả chân dung theo đúng thi pháp tiểu thuyết, khiến cho các nhân vật trở nên điển hình, sống động, tạo nên những đột biến về nhận thức với người đọc.
IV. Phương pháp sáng tác
Gặp lại một người bạn nhỏ được Nguyễn Đổng Chi viết xong vào cuối năm 1949. “Bài nói chuyện ở Diên An” cùng với tư tưởng Mao chưa vượt qua biên giới phía Bắc mãi đến cuối năm 1950 mới được khai thông. Nói chung, Áp lực từ phía “người bạn lớn” lúc ấy chưa mấy ảnh hưởng đến cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, tuy hệ thống mỹ học Marxisme dựa trên nền tảng đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đã được du nhập vào nước ta trước đó không lâu, nhưng cũng chưa có điều kiện thâm nhập vào giới văn nghệ sĩ. Vì thế, có thể nói, Nguyễn Đổng Chi rất ít chịu ảnh hưởng của các trào lưu tả khuynh.
Về mặt khuynh hướng sáng tác, theo chúng tôi, Nguyễn Đổng Chi chịu ảnh hưởng từ hai nguồn chính. Một là, các ký sự lịch sử viết bằng chữ Hán thời Trung đại và Cận đại như Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm Ngô gia văn phái, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác và Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ. Đây là những tác phẩm ký hiếm hoi có giá trị còn lại đến ngày nay, cho dù được viết bằng chữ Hán thì nó vẫn ghi một dấu ấn đậm nét vào lịch sử văn học Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển một loại hình văn học rất cần thiết cho đời sống xã hội. Hai là, thể loại ký của văn học hiện đại Pháp đầu thế kỷ XX đến Đông Dương bằng nhiều nguồn khác nhau, mà một trong những nguồn chính là thư viện của Trường Viễn Đông bác cổ. Những cây bút phóng sự nổi tiếng những năm ba mươi như ba nhà văn họ Vũ, cũng như với Nguyễn Đổng Chi, đều rất giỏi tiếng Pháp, am hiểu văn học Pháp. Hơn nữa, tác giả Gặp lại một người bạn nhỏ còn thông thạo cả chữ Hán vốn là truyền thống gia đình, vì thế, ông hiểu rất rõ thế mạnh của thể loại ký mà người phương Tây đã đi trước chúng ta hàng thế kỷ.
Nếu làm một bảng thống kê so sánh, người đọc sẽ rất ngạc nhiên về phong cách văn chương của Nguyễn Đổng Chi. Đó là thứ văn phong đầy nội lực, biến hóa khôn lường, “chạy” với vận tốc lớn từ thái cực này đến thái cực khác tương thích với mỗi loại hình sáng tác, chứng tỏ một đầu óc tư duy năng động, tầm cỡ của nhà bác học như Mọi Kontum, Việt Nam cổ văn học sử, Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam… Chính vì vậy, không loại trừ một khả năng, bản thân tác giả đã là một khuynh hướng.
Việc kết hợp giữa hai thể loại tự sự trên cùng một văn bản nghệ thuật ở vào những năm cuối của thập kỷ bốn mươi như vậy đã là một bước đi khá mới đối với văn xuôi Việt Nam, nhưng cái mới hơn cả vẫn là thái độ của người cầm bút trong cách nhận diện một thời điểm lịch sử nhạy cảm của dân tộc.
Nếu Tôi kéo xe của Tam Lang, Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, hay Lục xì của Vũ Trọng Phụng, hay ngay cả Túp lều nát của chính Nguyễn Đổng Chi, là những thiên phóng sự điều tra, mổ xẻ mặt trái của xã hội Việt Nam những năm ba mươi của thế kỷ XX, thì Gặp lại một người bạn nhỏ lại coi trọng vấn đề dân tộc. Vận mệnh đất nước vào thời điểm cuối năm 1946 là ngàn cân treo sợi tóc. Số phận dân tộc và phẩm giá con người lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào những công dân như Thùy, Lộc, Hân, Giáp, Mùi, Môn… Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc chính là nguồn năng lượng tiếp sức cho những chiến sĩ Tự vệ Hả thành, mà không cần đến bất cứ một thứ chủ thuyết ảo tưởng nào.
Không còn nghi ngờ gì nữa, có thể nói, Gặp lại một người bạn nhỏ được sáng tác theo phương pháp Hiện thực cổ điển của văn học phương Tây, trong đó, có một phần kế thừa thành tựu thể loại ký sự chữ Hán Việt Nam thời Trung đại và Cận đại. Những sự kiện lịch sử và nhân chứng được phản ánh trong cuốn truyện là “nó vốn có” chứ không phải là “nó phải có” như phần lớn các truyện ký được viết theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa sau này. Đọc xong cuốn sách, chúng ta có đủ cơ sở khẳng định về độ tin cậy, tính khoa học của những cứ liệu để nhận thức về một giai đoạn lịch sử. Không tô hồng, không bôi đen, tác giả chỉ viết những điều mắt thấy tai nghe cùng những suy luận đầy chiêm nghiệm. Từ mỗi trang văn, độc giả bắt mạch được sự vận động cả bề nổi lẫn phần chìm của xã hội, có khi còn dự đoán được cả tương lai qua phong hóa của công chúng Hà thành mà không có một thứ văn chương chính luận nào diễn tả được nếu người cầm bút thiếu đi một tấm lòng.
Tuy nhiên, viết về Tự vệ thành cũng có nghĩa là viết về một cuộc chiến, cho dù cuộc chiến ấy là không cân sức nếu ta so sánh sự tương quan. Ở đây, chúng tôi phỏng đoán, Nguyễn Đổng Chi ít nhiều cũng đã chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm truyện ký nổi tiếng của nhà văn Pháp Henri Barbusse: tác phẩm Lửa (Le Feu) viết về cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất, có phụ đề Nhật ký của một tiểu đội. Là Nhật ký của một tiểu đội nhưng Lửa có tầm bao quát toàn bộ cuộc chiến. Ngòi bút của H. Barbusse vừa lạnh vừa sắc, miêu tả những trận đấu súng và cuộc sống chui rúc dưới chiến hào của những người lính Pháp và Đức vô cùng khủng khiếp, đến mức, một nhà văn đương thời đã từng nhận xét: “Đọc Lửa xong, tôi có cảm giác như mình vừa ở dưới chiến hào chui lên”. Lửa gây ấn tượng rất mạnh đối với người đọc. Hẳn là lúc ấy vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt, nhưng Nguyễn Đổng Chi giỏi tiếng Pháp. Chắc chắn ông đã đọc nguyên tác.
Đề tài thật ra chỉ là một vấn đề, thậm chí chỉ là vấn đề thứ yếu. Cái đáng bàn ở đây không phải là “viết về cái gì” mà là “viết như thế nào”. Để làm rõ việc này, chúng ta cần trở lại với thủ pháp “tiểu thuyết hóa” truyện ký của Nguyễn Đổng Chi mà chúng tôi đã nhắc đến ở phần “Bố cục”. Rõ ràng, đây là một “phương pháp kép”, không thuộc về lý thuyết thuần túy của bất cứ hệ hình thẩm mỹ nào. Nó là sự sáng tạo mang tính thực hành cụ thể như là một giải pháp tình thế cho tham vọng mở rộng biên độ tác phẩm của người viết. Tính tiểu thuyết của cuốn truyện ký được thể hiện khá rõ ngay ở cấu trúc. Hẳn là có dụng ý nên tác giả đã sắp xếp sự kiện của thể loại ký trùng khớp với thể loại tiểu thuyết như không gian, thời gian, nhân vật và các mối quan hệ trong sự tương ứng giữa nội dung và hình thức. Nhưng trong quá trình phát triển cốt truyện, ông lại thường xuyên sử dụng lối kể chuyện rẽ nhánh, tách một bộ phận ra khỏi chủ đề trung tâm, sau đó bằng phương pháp “hồi cố”, kết hợp với miêu tả đặc điểm nhân vật trong một không gian và thời gian xác định, để rồi, cuối cùng có được “nhân vật điển hình” trong “hoàn cảnh điển hình” như là thủ pháp vẫn thường thấy ở tiểu thuyết. Điển hình hóa nhân vật trong thể loại ký không dễ, chỉ cần lệch ngòi bút một chút là trở thành tô hồng, phóng đại, làm biến dạng hiện thực, gây phản cảm. Cái khó nhất là, sự điển hình ấy, liệu có thuyết phục được người đọc về tính chân thực lịch sử, hay rốt cuộc chỉ là thứ sản phẩm được viết ra nhằm mục đích tuyên truyền. Không khó nhận ra, hàng loạt “nhân vật điển hình” được nhào nặn từ thứ lý thuyết văn học ngoại lai, với những thuật ngữ bóng loáng “con người mới…”, “làm chủ tập thể” một thời không xa, thậm chí còn được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy như một tín điều trong nhà trường, vậy mà, chưa sống trọn nửa vòng đời đã vội vàng chết yểu.
Xét đến cùng mọi phương pháp sáng tác cũng chỉ là phương tiện. Có phương pháp sáng tác tốt mà bút lực kém thì kết cục văn bản vẫn là một loại thứ phẩm. Nguyễn Đổng Chi không băn khoăn tìm tòi phương pháp. Ông bằng lòng với chủ nghĩa hiện thực cổ điển nhưng lại hết sức chú trọng đến cách viết. Thủ pháp tiểu thuyết hóa truyện ký của ông, trong trường hợp này tỏ ra đắc địa.
Có thể nói, Gặp lại một người bạn nhỏ là cuốn truyện ký phản ánh trung thực nhất trong những cuốn sách viết về cuộc chiến đấu bi hùng của các đội viên Tự vệ thành Hà Nội vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc.
V. Hệ thống nhân vật điển hình
Các chiến sĩ Tự vệ thành Hoàng Diệu xuất hiện trong Gặp lại một người bạn nhỏ trước sau kể đến ba mươi hai người. Một số đội viên được miêu tả khá kỹ, phần còn lại chỉ điểm qua theo đặc trưng thi pháp của thể loại ký. Thế nhưng, hầu hết những nhân vật được đặc tả lại vượt ra ngoài khuôn khổ truyện ký. Nó được xây dựng như những nhân vật điển hình theo thi pháp tiểu thuyết.
Khác với Sống mãi với Thủ đô và Vỡ bờ, nhân vật trong Gặp lại một người bạn nhỏ không có thành phần trí thức, chính khách hay các nhà doanh nghiệp, mà hầu hết là tầng lớp bình dân. Đó là những người làm công như anh xe, chị sen, thư ký, người bán hàng rong, đầu bếp và không loại trừ cả thành phần lưu manh. Tất nhiên cũng có cả những nhân vật nhà văn, sinh viên, học sinh con nhà giàu, nhưng tác giả không cố ý khai thác phương diện trí thức – tầng lớp trên hay “tiểu tư sản” (petit bourgeois) như một thời từng luôn bị nhắc nhở – trong hành vi, lối sống, kiểu cách ăn nói của họ, nên ở họ không có sự khu biệt gì mấy với những hạng người khác. Các nhân vật bình dân này lần lượt xuất hiện trong cuốn sách bởi một hệ thẩm mỹ có nguồn gốc từ chủ nghĩa hiện thực phương Tây kết hợp với truyền thống văn hóa Việt, không chịu sự chi phối của hệ mỹ học Marxisme như Xung kích, Sống mãi với Thủ đô hay Vỡ bờ. Nguyên nhân trước hết, tác giả là một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn, có kiến thức sâu rộng cùng với phương pháp luận khoa học theo phong cách Trường Viễn Đông bác cổ. Sau nữa, ông là người có bản lĩnh văn hóa và tư tưởng cấp tiến nhưng lại không chạy theo trào lưu một cách nông nổi, nên ngay khi cầm bút viết truyện này vào năm 1949, đã biết tỉnh táo – hoặc giả do ngòi bút hồn nhiên dắt dẫn – mà không lên gân, sa vào chủ nghĩa ảo tưởng, duy ý chí tả khuynh như phần lớn các nhà văn cùng thời.
Có thể nói, nhân vật trong truyện ký của Nguyễn Đổng Chi là lớp nhân vật được phản ánh đúng với diện mạo và bản chất lịch sử như nó vốn có. Đây là lớp nhân vật chân chất, mộc mạc và hồn nhiên, ngôn từ có lúc bỗ bã, nhưng quyết không phải là kiểu “chân đất mắt toét”, ăn uống nhồm nhoàm, nói năng thô tục. Nguồn gốc của họ đều là dân lao động, mới được “thị dân hóa” không lâu, nhưng không vô học, biết đọc báo, nghe đài, có mẫn cảm chính trị, lại biết nhận xét về thời cuộc, hiểu rõ sự cẩn thiết phải cầm súng đánh giặc vào lúc Tổ quốc lâm nguy.
Một điểm rất đáng quan tâm là, cho dù cuốn sách được viết vào những năm cuối thập kỷ bốn mươi của thế kỷ XX, nhưng ngôn ngữ văn chương đã tiến một bước khá xa so với ngay cả một số tác phẩm viết ở thập kỷ sáu mươi. Ngôn ngữ tác giả, tức người kể, cũng như ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm hiển nhiên có sự khu biệt, nhưng nói chung đều sử dụng mô hình câu, hệ thống từ vựng cũng như các biện pháp tu từ thật sự hiện đại.
Những nhân vật như Lộc, Giáp, Hân, Phiêu đầu bếp, hay Linh Rỗ, Hồ Râu, văn sĩ Lê, kể cả lão Hoa vốn có thứ nghề nghiệp không mấy đẹp đẽ, đều là những điển hình trong đám bình dân, tự nguyên dấn thân cho cuộc chiến sinh tử mà không tính toán đến cái được cái mất.
Nhìn chung, chân dung các nhân vật thường xuất hiện xen kẽ giữa các sự kiện sau mỗi trận đánh ở mức độ đậm nhạt khác nhau. Mỗi đội viên Tự vệ là một chân dung, và từ mỗi chân dung đó, tác giả lại tạo ra sự liên kết đa chiều với các sự kiện hay nhân vật ở một vùng không gian khác theo thủ pháp hồi cố. Tuy nhiên, hầu hết các nhân vật đều không được kể liên tục ở mỗi phần, mà thường là cứ phát triển dần dần theo kiểu “cắt lớp” như mỗi trường đoạn trong phim truyện. Đó là chưa tính đến có trường hợp nhân vật hy sinh trong một trận đánh nào đó rồi tác giả mới kể về nhân thân.
Nhân đây, ta có thể làm một so sánh, cho dù mọi so sánh đều khập khiễng. Gặp lại một người bạn nhỏ viết xong cuối năm 1949, xuất bản lần đầu năm 1957, Sống mãi với Thủ đô, xuất bản năm 1961, còn Vỡ bờ Tập 1, xuất bản năm 1962, nhưng xét về hệ thống nhân vật, bao hàm cả hành vi và ngôn ngữ đều có sự khác biệt đáng kể. Các nhân vật Trần Văn, Hồng Lưu, Nhật Tân… trong Sống mãi với Thủ đô, hay Khắc, Tư, Hội… trong Vỡ bờ vừa chịu ảnh hưởng của văn học Nga thế kỷ XIX, qua phong cách anh hùng mã thượng của những Piere Bezukhov, Andrei Bolkonsky, vừa thấp thoáng đâu đó ngôn ngữ “chàng, nàng” với vô số câu văn mở rộng thành phần đầy những tính từ gợi cảm thuở Tự lực văn đoàn. Trong khi ấy, thì Thùy, Lộc, Giáp, Hân, Phấn, Phiêu, Hoa… là những thanh niên giữa thập kỷ bốn mươi lại ít có những khác biệt cơ bản với thanh niên của thập kỷ tám mươi, chín mươi của thế kỷ XX. Họ được người viết tái hiện như những điển hình văn học dưới dạng truyện ký bằng thứ ngôn ngữ trong dòng chảy bề bộn ở tầng dưới của cuộc sống dân tộc, dứt khoát, ngắn gọn, giàu hình ảnh và có sức truyền cảm.
Các nhân vật trong Gặp lại một người bạn nhỏ hầu hết là những người làm công nhưng có cách ứng xử văn hóa dựa trên những chuẩn mực xã hội. Thái độ của họ đối với các ông chủ, bà chủ rất có chừng mực, thường là dùng lời lẽ tôn trọng, như trường hợp của Trần Khắc Thùy với ông Ba Lợi hay Phiêu đầu bếp với ông chủ nhà hàng, cùng lắm cũng gọi họ bằng “lão chủ” như cách gọi vắng mặt chủ giữa người làm công. với nhau, chứ không phải nhằm hạ giá một “giai cấp ăn trên ngồi trốc”. Qua câu chuyện của các chiến sĩ Tự vệ, người đọc còn hiểu được, không hiếm trường hợp, các chủ nhà hàng, doanh nghiệp còn sẵn sàng cưu mang những người cơ nhỡ mà không đòi hỏi chuyện trả công, lợi nhuận, trái ngược hẳn với những vụ đấu tố sắt máu của loại bần cố nông bị kích động thời kỳ Cải cách ruộng đất, vô ơn bạc nghĩa, làm cho kỷ cương xã hội rối loạn, đạo đức suy đồi mà hệ luỵ của nó còn mãi cho đến ngày nay.
Với tư cách đội viên Tự vệ thành, nghĩa là những thanh niên Hà Nội đã tự đặt mình vào quân ngũ, nhưng mọi công việc từ đánh giặc cho đến sinh hoạt thường nhật đều tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và bình đẳng trong các mối quan hệ mà không bị cấp trên phê bình, kiểm điểm hoặc truy bức tạo nên sự căng thẳng về tinh thần. Người đọc dễ dàng nhận thấy, không ít trường hợp Lộc, Giáp hay Hân, đôi khi cả lão Hoa, nói rất nhiều về thời cuộc, đất nước, dân tộc và chiến tranh bằng những cuộc tranh luận căng thẳng, mà khó có thể tìm thấy sự thẳng thắn, trung thực đến tận cùng như vậy trong Sống mãi với Thủ đô hay Vỡ bờ. Khi bàn về một ông thầy người Pháp đứng trên bục giảng truyền dạy cho học sinh Việt Nam tư tưởng tự do bình đẳng trong lúc nhà cầm quyền Pháp lại đem quân viễn chinh xâm lược Việt Nam, Lộc hỏi vặn Phấn: “Ăn cướp tự do của học trò là một chuyện, mà ăn cướp tự do của đồng bào học trò lại là một chuyện khác. Nhiều khi nó ăn cướp tự do của học trò thì học trò chống cự rất hăng, nhưng đến khi ăn cướp tự do của đồng bào thì học trò lại làm ngơ không hỏi đến”[1], thì Phấn trả lời dứt khoát: “… Không! Chẳng có gì trở ngại cả. Cái lý tưởng tự do mà các ông thầy người Pháp truyền lại cho chúng tôi sao lại không liên quan đến việc cầm súng của chúng tôi hôm nay. Liên quan mạnh nữa là khác. Lý tưởng ấy cao xa đấy, mà dân trí nước mình ngày nay, hẵng chỉ mong bước tới đó đã. Mà đó là lý tưởng chung của nhân loại, chứ phải của thằng đế quốc đâu. Thực dân là thực dân mà trí thức là trí thức. Còn nếu có một kẻ lạc loài, ban đêm ăn trộm của người ta, ban ngày lại dạy cho người ta nhân nghĩa thì khi mọi người đã biết nhất định tên mô phạm đạo đức giả sẽ bị tống lên quan trừng trị…”[2].
Khi tranh luận về mối quan hệ giữa thể xác và tinh thần, vẫn anh chàng Phấn, một sinh viên trường thuốc, giọng biện bác như một nhà triết học duy lý: “Anh nên phân biệt giữa thể xác và tinh thần có chỗ khác nhau. Thể xác mà ta bắt nó chịu lạnh nóng hay đau đớn mãi rồi cũng có lúc quen thật đấy. Nhưng tinh thần thì đừng hòng. Trái lại ấy chứ! Càng bị đạp xuống nó càng nẩy lên, càng bị trói buộc nó càng giằng ra, càng bị gò ép nó càng bành trướng, Tinh thần con người cũng như nồi nước kia càng khuấy càng nổi bọt, càng nấu càng sôi sục. Đừng nói gì, chỉ hơi động vào một tí là nó đã gợn sóng lên rồi”[3].
Giáp là một nhân vật khá đặc biệt. Anh ta làm nhiều nghề, am tường thiên văn địa lý, có khả năng thu phục quần chúng bởi những nhận xét luôn đi trước thời đại: “Thằng Thùy hôm nay nói được một câu chí lý… Đúng quá! Thằng Pháp sang đây nó chỉ dụng tâm làm tê liệt giác quan của chúng ta thôi. Những kẻ cầm quyền nói chung, bất kể thời nào, có kẻ nào mà lại muốn giác quan dân chúng và đám người dưới quyền mình vẫn còn nguyên vẹn. Chúng nó phải tìm mọi cách làm mụ mị, chai lỳ đi chứ!… Thằng Thùy nói hợp với tao lắm. Con người ta khi giác quan hoàn toàn tinh xảo thì vẫn còn là người một trăm phần trăm, khi giác quan đã hỏng thì cái chất người trong mình cũng giảm bớt… Thực ra từ trước tới nay nhân loại đã mấy ai có được giác quan hoàn toàn, đã mấy kẻ là người cho ra người? Trừ ra khi còn trẻ nhỏ thì có thể, nhưng khốn thay người ta đã dại dột làm hư hỏng thui chột nó”[4]. Giáp cũng cảnh báo đồng đội về những dục vọng tầm thường làm tha hóa con người: “Tại sao có người lại bỏ cả đời vào quyển lịch bói toán âm dương, vào cờ bạc, vào mảnh bằng sắc, vào cái áo quan, cái mộ… vào những cái chả ích gì cho hắn cả? Rượu, thuốc, gái thế mà đối với hắn lại còn có ích hơn”. Những câu hỏi của Giáp cứ như xoáy vào lòng người bởi cái nghịch lý phũ phàng của một trật tự xã hội bị lỗi từ hệ thống: “Tại sao cùng hai người mặt non choẹt như nhau mà kẻ này ta bẩm cụ thưa ông, còn kẻ kia ta gọi bằng thằng này thằng nọ? Tại sao có những người không muốn cho ăn mày một chinh trong khi đó lại cúng cả bạc trăm vào làm đình làm chùa? Tại sao có những thằng ban đêm hiếp dâm đàn bà, ban ngày ăn cắp, nói phét thì ta tôn nó bằng cụ lớn, còn cha mẹ ta chỉ vì cái tội không làm ra được bao nhiêu tiền thì ta coi như giẻ rách?”[5].
Tính luận đề thường thấy của tiểu thuyết không bộc lộ trong cuốn truyện ký, tuy vậy, vẫn được thể hiện ở một đôi nhân vật, rất rõ là nhân vật Giáp. Ở vào giữa thập kỷ bốn mươi mà có được những nhận xét không thể bắt bẻ về nền dân chủ đích thực cho một đất nước đang bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chưa biết kết cục ra sao, thì quả là nhân vật này đã có tầm nhìn xa: “… Chỉ có chế độ tốt là đủ. Tớ nói tốt là tốt thật sự ấy. Dân phải thật sự có quyền tự do chứ không phải chỉ có cái vỏ. Lúc ấy ta không còn phải xoay xở, đối phó, giả tạo, lo lót cho ra vẻ mình cũng thức thời, biết cư xử hợp ý người khác, mà được sống thật với mình. Lúc đó tự khắc giác quan của ta sẽ hồi lại… Tất nhiên là như tớ đã nói, chuyện ấy thì còn phải tập dượt chán chê. Muốn có dân chủ thật sự cũng phải ‘tập sự’ kia đấy. Mà tập sự đối với những kẻ không được học hành hẳn hoi thì dám chắc là vất vả, tất bật, làm đi làm lại nhiều khi cứ như đóng trò…”[6].
Và đây là quan điểm của Hân, khi anh ta đi lính cho Nhật, dấu giày từng để lại khắp vùng Đông Nam Á: “Về hình thức, tao là Nhật, nhưng trong thâm tâm tao chẳng là Nhật, là Pháp, là Tàu hay là Việt Nam chi chi cả. Tao là tao. Tao là một con người vô danh. Bọn đứng trước mặt tao cũng là những con người vô danh. Chúng nó là địch thủ của bọn tao. Mai kia chúng là bạn của bọn tao cũng chưa biết chừng. Nghĩ như thế thì tao rất hể hả”[7]. Thế nhưng khi lâm trận, chính anh ta lại nghĩ ra lắm mưu kế và chiến đấu vô cùng quả cảm. Trong khi ấy, Giáp, với bản tính hay triết lý của mình, khi nghe Hồ Râu, Linh Rỗ nói đến, tương lai sẽ xóa bỏ các quốc gia, xây dựng một thế giới Đại đồng, anh đã có những kiến giải hết sức sâu sắc về Tổ quốc: “Hiện tại mà nói không Tổ quốc, không dân tộc là nói mò, là nói phét, vì nếu anh bỏ quốc tịch này thì anh phải vớ lấy quốc tịch kia, chứ không thể không có quốc tịch. Mà nếu anh không nhận mình là dân tộc Việt Nam đi nữa, thì anh cũng không thể nhận bừa là dân tộc Pháp, Anh, Nga. Vì cái da vàng mũi tẹt sờ sờ của anh tự nó tố cáo anh. Còn trong tương lai chưa biết thế nào, một thế giới đại đồng ta chưa hình dung nổi, nhưng chắc là không thể san bằng quốc gia, san bằng dân tộc vắt thành một cục được. Mày cứ sống đến đó rồi mày sẽ thấy tao nói không sai. Họa có xâm lược, thôn tính rồi dùng cực hình bắt người ta theo, như kiểu Tần Thủy Hoàng ngày xưa ấy. Chúng mày đã đứa nào đọc ‘Đông Chu liệt quốc’ chưa? Nào Tề, nào Sở, nào Việt có đến hàng trăm nước chứ ít đâu, cuối cùng đều bị nuốt chửng, mất tang mất tích vào cái bụng Hán tộc cả”[8].
Trong số nhân vật điển hình, Linh Rỗ được tác giả nhắc đến nhiều lần. Ông miêu tả khá kỹ nhân thân cũng như tình bạn kiểu “cắt máu ăn thề” của anh ta với Lượng. Điều đáng chú ý ở đây không phải chuyện anh ta lọt vào tay giặc rồi trốn về được, mà cái chính là diễn biến tâm trạng của Linh về nỗi sợ khi phải trở lại nội thành làm tình báo. Những tiểu thuyết hay ký sự được xuất bản vào những năm sáu mươi trở đi, rất hiếm có những người lính nói với đồng đội những câu gan ruột làm người đọc sững sờ bởi sự chân thực của cuốn truyện ký: “Tao sợ lắm chúng mày ơi! Không lẽ lại từ chối rằng không đi. Mà đi thì… Trời ơi! Trước đây tao đã lọt vào tay giặc rồi trốn ra được chẳng qua là chó ngáp phải ruồi. Cũng giống như cái thằng rơi từ trên lầu cao xuống may phúc khỏi chết, nay bắt phải từ trên tầng lầu đó nhảy xuống một lần thứ hai thì nhảy sao được cơ chứ”[9].
Nhân vật Lão Hoa cũng để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc qua ngòi bút có đôi chút hài hước của tác giả, nhất là sau khi lão lấy được khẩu súng “vanh đơ lông gip” của một ông phán già rồi xin gia nhập đội Tự vệ. Hòa mình vào hàng ngũ chiến sĩ bảo vệ thành Hoàng Diệu, gã lưu manh chuyên trèo tường khoét ngạch dần dần được cảm hóa. Bản tính lương thiện trở lại nhưng vì mặc cảm với quá khứ, tuy chẳng liên quan gì đến vụ mất tiền, lão bỏ đồng đội, để lại bức thư chia tay đầy tình cảm lưu luyến. Hoa cũng là một điển hình rất tiểu thuyết tuy chỉ là nhân vật phụ.
Trừ lão Hoa và Phiêu đầu bếp, hầu hết các đội viên Tự vệ đều ở tuổi thanh niên. Ở môi trường hoạt động giữa lòng địch, cái chết sẵn sàng đến bất cứ lúc nào như Khương, Tứ, Lê, Hồ Râu…, hoặc bị thương như Đường, Thùy…, nhưng tất cả đều lạc quan, sau mỗi trận đánh vẫn hồn nhiên cười đùa, trêu chọc nhau. Từ chuyện đọc thư tình của một cô nàng tản cư bỏ lại, chuyện chòng ghẹo gái nhà quê, nắn bóp nhũ hoa, đến chuyện các ả đào phố Khâm Thiên, đều được “những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng” đưa ra bàn thảo giữa thanh thiên bạch nhật trong không khí vui nhộn làm người đọc không thể không suy nghĩ về tinh thần dân chủ cũng là động lực quan trọng làm cho các chiến sĩ gắn kết với nhau trong sự nghiệp chiến đấu chống kẻ thù chung.
Nói cho công bằng, văn xuôi Việt Nam từ sau những năm sáu mươi, cũng có không ít tác phẩm nói đến tình yêu, nhưng đó là thứ tình yêu đã bị chuyển hóa nội hàm, do bị hệ ý thức chi phối, nên phần lớn đều công thức, nhợt nhạt, bởi đó không phải là tình yêu đích thực. Có những thời kỳ, tình yêu, hôn nhân trong quân ngũ còn bị hạn chế bằng những điều luật. Trong đời sống dân sự, trai gái có tình ý với nhau phải lén lút, vụng trộm, cấp ủy hay chi đoàn mà biết, sẽ là kỷ luật nếu được xác minh là “quan hệ bất chính”. Miêu tả chuyện yêu đương trong văn chương tuy không có văn bản chính thức cấm đoán, nhưng được xem là đề tài “nhạy cảm”, chẳng những tác phẩm bị xếp vào loại “lai cảo”, mà tác giả còn bị “chiếu tưởng” bởi tư tưởng “rơi rớt tiểu tư sản”. Trong khi ấy, vào thời điểm gay cấn nhất của cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội, chỉ trong một tổ Tự vệ phố Bùi Quang Trinh, chiến sĩ Trần Khắc Thùy lại chứng kiến đến hai cặp yêu nhau mà chẳng ảnh hưởng gì đến tinh thần chiến đấu. Mối tình của Mùi và Môn được Nguyễn Đổng Chi nâng niu, chăm sóc ngay từ khi nó vừa nảy nở. Quan hệ nam nữ được đồng đội chấp nhận, cấp trên ủng hộ, vì tất cả mọi người đều biết, đó là một phần của cuộc sống. Tình yêu có sức mạnh tự thân, không thể cấm đoán. Viết về tình yêu, Nguyễn Đổng Chi sử dụng lối văn bình dị, dân dã, không lên gân cũng không ủy mị sướt mướt, thuyết phục người đọc bằng sự chân thành. Sau khi khẳng định tư cách của Hân, Giáp, Lai, Phiêu: “Họ không phải là những kẻ đạo đức giả, những tên ích kỷ. Đó là điều tôi thích ở họ”[10], Tiểu đội trưởng Lộc nói với Thùy những nhận xét của mình về quan hệ luyến ái: “Tôi nghĩ trai gái tìm nhau là việc thường. Điều cần thiết bây giờ là phải giữ kỷ luật của một đội quân, nếu không thì khó mà chỉ huy”[11]. Với tư cách đội viên, Thùy cũng cùng quan điểm như người chỉ huy của mình: “Nếu tôi là anh thì tôi sẽ không hơi đâu can thiệp vào việc này, vì tôi không nhận cái việc giám sát tình cảm riêng tư của từng người, mà cũng không thể nào giám sát nổi. Miễn là họ yêu nước, thù giặc, phục tùng người chỉ huy, họ sống tốt và đừng ảnh hưởng đến đồng đội”[12]. Và đây, những lời tâm sự của cặp Mùi – Môn dưới vòm cây phía sau Nhà thương mà Tính và Thùy tình cờ nghe được: “Bây giờ Môn tính thế nào?”[13]; “Em chả nghĩ thế nào cả… Em quyết không rời quân ngũ đâu. Có chết cũng không xa Hà Nội. Các anh chịu được em cũng chịu được…”[14]. Ở văn cảnh này, Nguyễn Đổng Chi để cho nhân vật của mình nói bằng thứ ngôn ngữ chất phác, tưởng chừng không văn vẻ, nhưng kỳ thực lại là những lời buột thốt đầu miệng, rất giàu biểu cảm: “Hay là… Môn cứ tìm về quê mà sống tạm ít lâu. Sau này giành độc lập rồi ta hẵng tính. Mà nếu… ở làng Môn chẳng còn ai… thì cứ về quê… về làng tôi cũng được. Về đấy rồi tìm cách hoạt động đoàn thể lại… Các cụ nhà tôi làm nghề cắt thuốc ở phố huyện Kim Anh. Lành như bụt. Cả đời chẳng dám đụng đến một con kiến”[15]; “Tôi đã nói là tôi không rời quân ngũ mà! Anh Mùi hay nhỉ? Không muốn thế hay sao?… Hay là muốn người ta đi sớm đi cho khuất mắt?”[16]. Tình cảm ấy không thế giả tạo. Ngòi bút của tác giả đã đi đến tận cùng của sự chân thực. Và chỉ có sự chân thực cùng với bản lĩnh thắng được sự kiểm duyệt ở ngay trong đầu mình mới tránh được sự giả tạo vốn là căn bệnh trầm kha của không ít người cầm bút.
Tóm lại, hệ thống nhân vật trong tryện ký Gặp lại một người bạn nhỏ phần lớn là những người làm công, có nguồn gốc xuất thân khác nhau, đa dạng về cá tính nhưng tất cả đều có một mẫu số chung, đó là lòng yêu nước, ý chí kiên cường, quyết giữ gìn từng tấc đất Hà Nội cho dù phải đổi bằng tính mạng với kẻ thù. Tuy là tập truyện ký nhưng các nhân vật lại được tái hiện bằng phương pháp điển hình hóa của tiểu thuyết hiện đại. Đó chính là thành công của Nguyễn Đổng Chi, không phải chỉ với những người đồng thời, mà ngay cả với những người viết sau ông hàng thập kỷ về những chiến sĩ Tự vệ thành Hà Nội.
VI. Phong cách văn chương
Như trên đã nói, Gặp lại một người bạn nhỏ thuộc thể loại truyện ký, nhưng Nguyễn Đổng Chi đã tiểu thuyết hóa theo cách riêng của mình, hình thành một văn bản “nhị nguyên” mà nội dung của nó đã chứng tỏ đây là sự đổi mới so với những tác phẩm xuất bản cùng thời. Một trong những thủ pháp tạo nên sự thành công của cuốn sách chính là phong cách văn chương.
Đọc truyện ký Nguyễn Đổng Chi, người ta ngạc nhiên bởi lối hành văn linh hoạt, vừa dân dã vừa bác học không giống bất cứ ai, kể cả những công trình nghiên cứu của ông trước đó. Xét về mặt văn bản, cuốn sách đặt ra cho các nhà phê bình những câu hỏi buộc phải nghiêm túc đọc và suy ngẫm. Nó vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học. Nó đi trước thời đại bởi người viết đã tái hiện một cách trung thực hiện thực lịch sử bằng một thứ tiếng Việt hiện đại, mang đậm dấu ấn sáng tạo. Một trong những phong cách đó là thủ pháp đan cài các sự kiện vốn là đặc trưng của thể ký với việc miêu tả phong cảnh Hà Nội mùa đông năm Bính Tuất, kết hợp những đoạn phân tích diễn biến tâm lý hay bình luận trữ tình ngoại đề của thể loại tiểu thuyết. Cảnh vật của Nguyễn Đổng Chi luôn gắn với tình người. Ông biết chọn những hình ảnh ấn tượng làm phong phú cho những trang văn: “Và súng. Rất nhiều súng. Cũng đủ các kiểu loại, từ mọi phương trời họp lại đây. Nào Nhật, Nga, Tàu, Pháp, Mỹ… súng cũ súng mới, anh nào cũng có dáng dấp riêng. Người bạn nhỏ của tôi vẫn là anh chàng phong lưu hào hoa trước mắt mọi người. Vẻ “điển trai” làm cho nó nổi bật lên giữa đám súng ống. Những tiếng lách cách của nó khi lên quy lát nghe mới sướng tai. Nó làm cho mấy bác Mút cơ tông có thể ghen lồng lên được”[17]. Vào lúc Tiểu đội phải rút khỏi nội thành, tạm trú ở khu Bạch Mai, tác giả nhìn cánh đồng ngoại thành chợt nhớ nhà đến cháy lòng: “Khi nhìn thấy cánh đồng, thấy những người đàn bà gánh gánh đi dọc đường cái, tôi thấy trong lòng ấm dịu lại. Những con chim hót sao vui tai đến thế. Cây cối vẫn nhún nhảy những cành lá tươi non. Mấy con vịt trắng toát chao lên vục xuống giữa một mặt nước hồ trong. Cả một cánh đồng xà lách, bắp cải và lúa xanh rờn trải dài trước mặt đến ngút mắt. Nếu không có đường ray bị dỡ tung và mấy toa xe nằm trật bánh ở dọc đường thì tôi cứ tưởng đất nước vẫn vui tươi và yên ổn thanh bình. Tôi bỗng thấy nhớ làng quê với mấy gian nhà tranh của mẹ tôi và một mảnh vườn trồng rau nho nhỏ, một cây nhãn rợp bóng trước sân, nhớ đến thắt ruột thắt gan…”[18].
Ở một đoạn khác, Nguyễn Đổng Chi hồi tưởng về cảnh sắc quê nhà cùng kỷ niệm về mối tình thoáng qua thời trai trẻ: “Một con chim chích chòe, lưng xanh bụng trắng đang từ trên cành ổi lả ngọn ấy xòe đuôi rất điệu cất giọng hót lanh lảnh… Tôi còn nhớ như in một lần cách đây chưa lâu lắm, tôi cùng đứng với cô Thanh hàng xóm bên gốc ổi nhà tôi nằm xoãi cạnh cái giếng xây như thế này đây. Cái cô Thanh nhỏ nhắn má lúm dồng tiền, rất có duyên nhưng mỗi lần hé miệng cười lại lộ ra hai chiếc răng cửa hàm dưới mọc thưa ra một chút – và chỉ vì chút lý do vu vơ đó mà nhiều lần định nói với cô ta một điều gì rất nghiêm trang, tôi lại bỗng bật cười khi nhìn vào miệng cô…”[19].
Trong chiến tranh, nhiệm vụ và lương tâm người lính có khi xung đột nhau. Ở vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, anh đã chọn phương án tối ưu để sau này lương tâm thanh thản. Chi tiết Trần Khắc Thuỳ liều chết cứu người phụ nữ tản cư trước làn đạn địch, cho dù chị ta không qua khỏi và bản thân mình cũng bị thương, là hành động can trường, được Nguyễn Đổng Chi kể lại bằng giọng văn đầy xúc cảm: “Bỗng chốc chị đàn bà thả tay trong khi tôi bị đau nhói cả người. Khối nặng trên lưng tôi chuồi xuống, Chị bị đạn vào hông. Viên đạn ấy chui sang người tôi. Có lẽ nó chạy theo hông xuống đến bắp đùi. Tôi rờ vào ngực nàng. Tim còn đập nhưng tiếng chuệnh choạng. Người phụ nữ xấu số ấy bỗng bật nói lên một câu rành rọt nghe rõ từng tiếng: ‘Con em theo dì Năm tản cư lên Thá…Báo tin cho bố nó…’. Rồi nàng ngừng lại và bắt đầu thở dốc. Tôi hốt hoàng lay nàng và hỏi dồn dập: ‘Bố nó là ai? Ở đâu?’. Nhưng nàng không kịp nói một lời nào nữa, miệng vừa há đã ngậm chặt lại, lộ vẻ đau đớn tột bực. Tôi cảm thấy choáng váng ngạt thở. Đất trời chao đảo. Tôi cầm lấy mấy ngón tay lành lạnh của nàng. Đôi mắt nàng còn cố ngước nhìn tôi, lặng lẽ như lúc gặp đầu tiên, rồi mới nhắm lại từ từ. Khuôn mặt nhợt ra, trắng đến kinh hoàng dưới ánh lửa đạn. Tôi bối rối cúi gục đầu và cũng không biết mình nên làm gì”[20].
Cùng với những trang văn trữ tình, khắc chạm những nét biểu trưng, gây niềm cảm hứng cho người đọc về vẻ đẹp và phong thái rất riêng ít nơi nào có của Hà Nội, dáng dấp êm đềm cổ kính của đất nước, làng quê, truyền thống quật cường của dân tộc Việt, Nguyễn Đổng Chi còn có những dự cảm hết sức chính xác về nỗi băn khoăn của người dân về một thể chế trong tương lai qua nhận xét đậm màu sắc chính luận của Giáp: “A, thời đại cộng sản ấy à? Cộng sản hay chưa cộng sản là do ở nơi ta cả, ngay trong con người của mỗi chúng ta. Nhân loại từ bao nhiêu đời nay vẫn theo đuổi mấy trăm đồng bạc lương mỗi tháng. Nhưng sự sống thì lại luôn chạy vượt lên trước mình. Phải đuổi theo nó rất lâu, và cốt nhất là phải dai sức… Chỉ khi nào con người ta: tôi, anh, bác đều làm chủ được sự sống của chúng ta thì mới có thể gây được xã hội như ý muốn. Mà điều đó thì xem ra với cho tới, khượt đấy. Có phải cứ mong là được đâu. A ha! Đừng có trông chờ cộng sản ở đâu trên trời rơi xuống nhé!”[21].
VII. Lời kết
Gặp lại một người bạn nhỏ, từ đầu đến cuối đều nói về súng, nhất là khẩu súng carbine đã gắn bó với Trần Khắc Thùy trong suốt những ngày cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội trước quân xâm lược Pháp. Tuy nhiên, câu chuyện mà Nguyễn Đổng Chi kể, lại vượt ra ngoài phạm vi khẩu súng. Đó là những trang viết từ chiến lũy nóng bỏng lửa đạn thấm đượm tình người, biểu hiện sâu sắc tinh thần nhân văn vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt. Với sự khiêm tốn, cẩn trọng của một nhà khoa học, tác giả kể lại: “Lúc ban đầu, viêc cầm bút thực ra không đơn thuần do nhu cầu sáng tác văn chương đòi hỏi. Một thôi thúc nội tâm, có tính chất riêng tư hơn, nhưng có lẽ cũng bức thiết hơn nhiều: phải ghi lai một vài kỷ niệm về những ngày sống đẹp đẽ, một đi không trở lại của mình” (Lời cuối sách). Tuy nhiên, giá trị của cuốn sách lại vượt ra ngoài ý nghĩ chủ quan của người viết. Nó chẳng những là một tác phẩm văn học đích thực mà còn là cuốn biên niên sử ghi chép một cách trung thực về một thế hệ thanh niên Hà Nội can trường quả cảm, quyết dùng máu của mình bảo vệ Thủ đô ngàn năm văn hiến trong những ngày mùa đông năm Bính Tuất.
Chí Linh, 27/10/2014
Đ.V.S.
(*) Nhà văn – Hội Nhà văn Việt Nam.
[1] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, in trong Tuyển Tiểu thuyết Thăng Long-Hà Nội, Tập 5, NXB Hà Nội, H, 2010; tr. 1131.
[2] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1131.
[3] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1131.
[4] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1133.
[5] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1134.
[6] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1135.
[7] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1149.
[8] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1150-1151.
[9] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1136.
[10] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr.1083.
[11] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1083.
[12] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1083-1084.
[13] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1153.
[14] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1153.
[15] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1154.
[16] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1154.
[17] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1048.
[18] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1118.
[19] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr.1119.
[20] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1163.
[21] Nguyễn Đổng Chi, Gặp lại một người bạn nhỏ, Sđd; tr. 1087.
Nguồn: Nguyễn Đổng Chi: học giả – nhà văn, Kỷ yếu hội thảo khoa học, nxb Trẻ, 2015.