NGƯT. Vũ Thế Khôi
Trong luận văn khoa học tổng kết 15 năm điền dã khảo cứu về Hướng Thiện hội đền Ngọc Sơn (hình thành trước 1836 và hoạt động trong suốt thế kỷ XIX) như một cơ sở văn hóa – xã hội sâu xa của phong trào Duy tân – Nghĩa thục, trên cơ sở ba sơ đồ về sự truyền thừa tư tưởng giáo dục dân tộc, nhân bản và hướng Thiện (xem Phụ lục), chúng tôi đã đề xuất khái niệm “hậu Đông Kinh Nghĩa Thục”. Ngôi nghĩa thục trung ương trên phố Hàng Đào chỉ hoạt động được 7 tháng thì bị đàn áp, nhưng ảnh hưởng của tư tưởng khai sáng thay vì bạo động non do các lãnh tụ Duy tân – Đông Kinh nghĩa thục khởi xướng, vẫn tiếp tục tác động sâu rộng và dài lâu khắp Nam Bắc. Khắp đô thị và nông thôn vẫn ngầm tuôn chảy những mạch tư tưởng dân tộc và dân chủ mà ĐKNT đã kịp khai thông. Các tư thục của ông đồ làng – những cơ sở văn hoá – xã hội rộng khắp của tầng lớp “Nho sĩ bình dân” (thuật ngữ do nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện đề xuất, đối lập với “Nho sĩ quan lại”) – vẫn âm thầm hoạt động trong các làng xã, phường thôn. Từ đền Ngọc Sơn đến tận chùa Nhã Nam ở Cần Thơ người ta vẫn giảng những bài Đạo Nam kinh thấm đậm hồn Duy tân: Hợp đoàn thể, Khuyến nông, Khuyến công, khyuến thương, Khuyến nữ học…[1]. Cư sĩ Thiều Chửu vẫn mở các lớp dạy chữ quốc ngữ, soạn và in sách quốc ngữ (mỏng, chỉ một tay sách 16 trang) truyền bá đạo lí dân tộc và khoa học thường thức, phát không cho dân nghèo[2]. Tác động do đường lối “giáo dục quốc dân” của ĐKNT sở dĩ sâu rộng là vì nó thực sự mang tính cánh mạng, chứ không phải là “cải lương”, như quy kết của một số nhà nghiên cứu mang cái dớp của phái Proletkult mà Lenin đã phê phán. Gọi là “cách mạng” vì ĐKNT chủ trương thay hẳn nền giáo dục Nho học cổ hủ cốt đào luyện “thần dân bù nhìn chỉ biết làm theo lệnh trên”, bằng một sách lược tân học văn minh (“Văn minh tân học sách”) “khai dân trí”, “chấn dân khí” nhằm đào tạo những công dân biết độc lập suy nghĩ và tự hành động[3]. Để đạt mục tiêu đó các nhà Nho dứt khoát vứt bỏ thiên kinh địa nghĩa nghìn năm, thay nó bằng “tân thư” với những khái niệm hoàn toàn mới như quốc thể, quốc dân, dân chủ, nghị viện, lập hiến, xã hội, đoàn thể, công nghĩa, công ích, khoa học thực nghiệp, v.v.
Nam Phong tạp chí không nằm ngoài sự ảnh hưởng của tư trào hậu ĐKNT, dẫu không thể không chịu sự tác động của quan Chánh mật thám Marty ở Phủ toàn quyền Đông Dương, người trực tiếp sáng lập và tài trợ cho tạp chí. Thì Quan Chánh đã chẳng cố công tác động đến cả Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp đấy thôi! Kết quả (và cả hậu quả) ra sao, ngày nay mọi người đều rõ.
Bất chấp việc danh tính Chánh mật thám Marty lù lù trên trang bìa, Nam Phong tạp chí vẫn trở thành diễn đàn uy tín dẫn đạo được quốc dân trong “buổi giao thời”. Ấy là nhờ vị Chủ nhiệm kiêm chủ bút Phạm Quỳnh có tinh thần tự chủ văn hóa đã tuyên ngôn rõ ràng, có học vấn thông kim bác cổ, có nhân cách kẻ sĩ đàng hoàng, lại có tài tổ chức, nên đã tập hợp được một đội ngũ trên trăm rưởi tác gỉả tài ba thuộc đủ khuynh hướng xã hội-chính trị, nhưng đều là những cây bút nghiêm túc và xuất sắc, từ các bậc đàn anh từng tham gia Đông Kinh nghĩa thục như Phạm Duy Tốn, Dương Bá Trạc, đến lớp hậu sinh có tư tưởng cấp tiến như sáng lập viên Việt Nam Quốc dân đảng Phạm Tuấn Tài và đảng viên Cộng sản tương lai Lê Mạnh Trinh.
Trong bài phát biểu năm 1922, kí giả Phạm Quỳnh, cố ý mặc quốc phục áo the đen và đóng khăn xếp, đã khôn ngoan mượn lời lẽ của một học giả Pháp để nói thẳng với chư vị viện sĩ Hàn lâm Đại Pháp rằng: “Trong tình hình thế giới hiện nay, sự thống trị chính trị của một dân tộc này đối với một dân tộc khác, dù là văn hoá kém hơn, chỉ có tính tạm thời. Không một cộng đồng dân cư nào còn chịu được nữa cảnh bị bảo hộ. Một dân tộc chỉ cần có một chút ý thức về mình thôi, thế là nó liền mong muốn được tự chủ. Không cách gì hoà giải nổi một dân tộc biết rõ là mình bị áp bức với một chính quyền ngoại bang” (VTK nhấn)[4]. Trước đó 2 năm, trong bài viết “Độc thư cứu quốc (mừng các ông tân khoa trường đại học)”, hướng tới thế hệ trí thức trẻ nước Việt, ông đặt thẳng ra trước họ cái nhiệm vụ chính ông đang thực hiện bằng tờ báo của mình: “…Người ta học là vị chân lí, vị nhân loại, ta học nên vị nước trước nhất, sự học của ta phải là cái học cứu quốc vậy” (Nam Phong, số 36, tháng 6 – 1920).
Rõ ràng ông Chủ bút Nam Phong tạp chí không có ý định hạn chế trong phạm vị mấy điều cải lương nhỏ giọt của “mẫu quốc Đại Pháp” mà nuôi hoài bão “thể [tức thể theo, dựa theo – VTK] cái chủ nghĩa khai hoá” của chính quyền bảo hộ để làm đại sự – kế tục khéo léo hơn, ôn hòa hơn trong tình thế mới đường lối “khai dân trí”, “chấn dân khí” nhằm cứu nước của Duy tân-Đông Kinh nghĩa thục. Vậy sao có thể quy kết chụp mũ là ông “chỉ phục vụ chính sách nô dịch của thực dân’, “làm tay sai, bán nước”?!
Phạm Quỳnh đã thực hiện đường lối giáo dục cứu nước trên hơn hai vạn trang Nam Phong tạp chí như thế nào? Các bài vở bàn bạc về các vấn đề giáo dục, kể cả tranh luận giữa các ý kiến trái chiều, vô cùng phong phú. Trong phạm vi tham luận này xin phép chỉ đề cập một vấn đề, từng được Văn minh tân học sách của ĐKNT nêu lên hàng đầu trong đường lối giáo dục quốc dân của các nhà nho Duy tân:
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tính trước dân ta…
Vấn đề còn đặc biệt thời sự là vì người ta đang đua nhau dạy tiếng Anh cho cả trẻ mẫu giáo. Thậm chí có vị lãnh đạo nọ còn định biến tiếng Anh thành “ngôn ngữ thứ nhất” tại Việt Nam, khi bản thân chưa phân biệt nổi thế nào là “ngôn ngữ thứ nhất” (trong môi trường các nước đa ngữ, như Áo, Canada, v.v.) và thế nào là “ngoại ngữ thứ nhất”!
Ông Phạm Quỳnh kiên trì đấu tranh thực sự cho việc dùng tiếng Việt và chữ quốc ngữ La tinh hóa làm công cụ chuyển tải tri thức phổ thông thay cho tiếng Pháp. Chuyện bây giờ tưởng như đương nhiên, hóa ra không hề dễ dàng trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ và chính quyền thực dân chủ trương biến dân Việt thành những con vẹt nói tiếng Pháp ngô ngọng như thổ dân ở các thuộc địa châu Phi của họ. Lại nữa, như các tiểu mục trên Nam Phong phản ánh, một bộ phận người Việt thăng tiến nhanh chóng nhờ “vào làng Tây”, tức trở thành những ông Tây An Nam, vì vụ lợi đòi dạy cho con em họ tiếng Pháp ngay từ ấu học, để chúng thành Tây con, nhanh chóng kiếm được vị trí “sáng rượu sâm-banh, tối sữa bò”. Ông chủ bút Nam Phong gọi chủ trương đó là “tư tưởng kì khôi”, là đem “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Ông cảnh tỉnh: “Một giống người đến quốc âm cũng không giữ được là một giống cam tâm tự diệt vậy”. Kế thừa phương châm của ĐKNT, coi chữ quốc ngữ không phải là phương tiện làm nô bộc để vinh thân phì gia, mà là “hồn trong nước”, Chủ bút họ Phạm kiên trì gắn kết Quốc ngữ – Quốc văn – Quốc học – Quốc hồn. Ngay từ bài đầu tiên trên Nam Phong bàn về giáo dục, lại là giáo dục cho phụ nữ, ông đã khẳng định: “Phàm phổ thông giáo dục mà dạy bằng tiếng ngoại quốc nhiều, là thất sách cả. Đối với con trai còn hại, huống chi là con gái” (NP, số 4/1917). Theo ông, chỉ quốc ngữ gắn liền với quốc văn, quốc học và quốc hồn mới xây dựng được nhân cách Việt vững vàng để tiếp thu văn minh Pháp và nhân loại. Hướng tới các quan thực dân định đoạt vận mệnh nền giáo dục ở thuộc địa, ông nhẹ nhàng than trách Học chính tổng quy-1917 của Toàn quyền Albert Sarraut là nó “chỉ để cho tiếng Nam một vị trí hết sức nhỏ bé chẳng có chút ý nghĩa gì ở bậc tiểu học”. Ông khéo léo gợi ý họ: “Có hợp lý hơn chăng, tốt hơn chăng là đưa cho người Nam một nền giáo dục tiểu học tốt bằng tiếng mẹ đẻ của họ để tạo cho họ một nền quốc học thực sự (chúng tôi nhấn – VTK), sau đó từ nền giáo dục này lựa chọn nghiêm túc những thành phần ưu tú có thể tiếp tục học lên và dạy cho họ tiếng Pháp như thứ ngoại ngữ đầu tiên để chuẩn bị cho họ theo học các trường trung học, kỹ thuật và cao đẳng ở Đông Dương cũng như ở Pháp?”… Trích đến dẫn đến đây, tôi phải tạm ngắt ngang, để lưu ý quý vị quan điểm quốc học toàn diện sâu sắc làm nền tảng cho quốc hồn của vi Thượng thư bộ học tương lai (10 năm sau, 1932!) – mà nền giáo dục XHCN của chúng ta, từ cuộc Cải cách giáo dục năm 1950 – 51 theo tả khuynh kiểu Proletcult, đã từ bỏ, do đó đã tạo nên “khoảng trống đáng sợ” như cả Bộ trưởng Giáo dục Dân chủ Vũ Đình Hòe[5] lẫn Thứ trưởng Giáo dục Cộng sản Nguyễn Cảnh Toàn[6] đã chỉ ra. Trong bài diễn thuyết trích dẫn trên đây, kí giả Phạm Quỳnh gợi ý tiếp các quan Đại Pháp về phương hướng đặt cơ sở văn hóa của nền quốc học như sau: “…Và ở bậc trung học nên chăng là dành một vị trí cho chữ Hán, thứ chữ với chúng tôi cũng như tiếng Latin với tiếng Pháp, cả chữ Hán với chữ Latin đều là những môn nhân văn thực sự của hai dân tộc chúng ta?”.
Học giả họ Phạm mới 30 tuổi đã tỏ ra là một nhà giáo dục học uyên thâm và tiên tiến khi thuyết minh cho chư vị viện sĩ Hàn lâm Pháp về cứu cánh, tức mục đích cuối cùng – hay như thuật ngữ thời thường hiện nay, “mô hình đầu ra” – của một nền giáo dục chân chính: “Nếu mục đích tối cao của giáo dục là góp phần phát triển đầy đủ con người, nếu nhân cách con người luôn luôn trước hết là kết quả của môi trường và chủng tộc, rồi là của nền tảng nhân sinh và vũ trụ là cái ở mọi thời và mọi nước đều tạo nên con người, cũng đúng là cái đã đặt nền móng cho văn hóa Pháp, thì chúng tôi đòi hỏi nền giáo dục Pháp hãy đào luyện không phải là những người Nam què quặt, mà là những người Nam thực sự, những người Nam toàn diện, vừa biết hấp thụ khoa học và văn minh Tây phương, vừa vẫn gắn bó với ngôn ngữ và truyền thống lâu đời của chủng tộc mình”.[7]
Rõ ràng không ngẫu nhiên ông “Vua tân thời” Bảo Đại chọn Phạm Quỳnh làm Thượng thư bộ Học.
Và cũng hoàn toàn có lí, khi vị Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ Lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: “Thiết tưởng ta cũng nên ghi công cho ông Thượng thư này và ông Vua tân thời này về chủ trương đặt cấp cơ sở của hệ thống giáo dục chính quy thành hẳn một cấp chuyên dạy bằng tiếng Việt, có thi hết cấp với văn bằng đàng hoàng mang tên Bằng sơ học yếu lược”[8].
[1] Tham khảo: Vũ Thế Khôi – Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn, một cơ sở văn hoá – xã hội sâu xa của phong trào Duy tân – Đông Kinh nghĩa thục. – bản tiếng Pháp in trong sách Vietnam – le moment moderniste, Publications de l’Université de Provece 2009, tr. 79 – 93; toàn văn bản tiếng Việt có thể tìm đọc trên các mạng Talawas; dongtak.net (mục Đông tác giao lưu); lichsuvn.com; vanhien.vn; tóm lược: Từ hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn đến trường Đông Kinh nghĩa thục. – Tạp chí Xưa và Nay, số 283, tháng 5 – 2007.
[2] Tham khảo: VũThế Khôi – Cư sĩ Thiều Chửu với nền giáo dục bình dân. – Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 4 – 2002.
[3] Tham khảo: Vũ Thế Khôi – Tính cách mạng trong đường lối “giáo dục quốc dân” của Đông Kinh nghĩa thục. -Bài đã công bố ở hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, hai thời khắc đầu thế kỷ” tổ chức ở Đại học Hoa Sen TP Hồ Chí Minh ngày 18 – 12 – 2008; đăng trong Kỷ yếu cùng tên, NXB Văn hóa Sài Gòn & Đại họa Hoa Sen – 2009, tr. 67 – 88; có thể tìm đọc toàn văn trên các trang mạng: hocthenao.vn; dongtac hncity. Org; event.hoasen.edu.vn
[4] Phạm Quỳnh: Tiểu luận. Viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932. Phạm Toàn giới thiệu và biên tập. – NXB Tri Thức, Hà Nội 2007, tr.410.
[5] Vũ Đình Hòe: Vài ký ức về tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục cuối 1945 – đầu 1946. – Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, N21/2003 và N1+2/2004; Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số Xuân 2004.
[6] Nguyễn Cảnh Toàn: Chữ Nho với nền văn hóa Việt Nam. – Tạp chí Hán Nôm, N4(59)/2003.
[7] Tlđd ở chú thích 4., tr.408.
[8] Vũ Đình Hoè: Nguồn gốc của Hội Truyền bá Quốc ngữ. – Tạp chí Xưa & Nay, số 51, tháng 5 – 1998.