Nguyễn Đức Tùng – Thư cám ơn

Kính Gởi Ban Tổ Chức và Ban Giám Khảo Giải Văn Việt 2017

Kính thưa quý vị:

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với giải thưởng Văn Việt lần thứ hai về nghiên cứu và phê bình, năm 2017, mà quý vị đã ưu ái dành cho tuyển tập Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại.

Các nhà thơ biết rằng họ không thể biết trước bài thơ của mình cho đến khi nó hoàn tất. Viết, cũng như đọc, là một quá trình. Điều ấy càng đúng với chuyên khảo Bốn mươi năm. Cách đây gần hai năm, khi bắt đầu những ý tưởng sơ khởi, chúng tôi chỉ có một mơ ước: mang tới cho người đọc tình yêu của mình đối với tiếng Việt ở ngoài đất nước. Nhờ sự gợi ý, giúp đỡ, cộng tác đặc biệt của các nhà thơ Ý Nhi và Hoàng Hưng và nhiều người khác, các ý tưởng này ngày một trở nên sáng rõ.

Trong thời đại của kỹ thuật truyền thông, người ta lại nói nhiều đến sự mất giao tiếp giữa người và người. Vậy mà, dự án Bốn mươi năm, mới đầu chỉ gồm một số tiểu luận, về sau trở thành tập hợp tác phẩm của nhiều nhà thơ; mới đầu chỉ là con số bốn mươi mơ ước, về sau đạt đến năm mươi ba nhà thơ, một điều khó tin.

Đó là nhờ sự ủng hộ quý báu của anh chị em diễn đàn Văn Việt và của nhiều nhà thơ hải ngoại khắp nơi, từ nhà thơ Cung Trầm Tưởng, Trần Mộng Tú, Cao Tần ở Mỹ đến nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, Phan Ni Tấn ở Canada, từ nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, Thi Vũ ở Tây Âu đến nhà thơ Thường Quán, Vi Lãng ở Úc, từ nhà thơ Lâm Quang Mỹ, Thế Dũng ở Đông Âu đến nhà thơ Lê Thị Huệ, Lê Đình Nhất Lang, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Phạm Cao Hoàng ở Mỹ, và nhiều người khác.

Jonathan Franzen, nhà văn mà tôi thích đọc, viết rằng bí ẩn của văn học là ở chỗ những chất liệu riêng tư được đặt lên mặt giấy có khả năng bộc lộ chúng ta nhiều hơn so với tiếp cận khác, như khi ngồi bên nhau, chẳng hạn. Ông cho rằng sở dĩ thế vì đọc và viết là những hoạt động cần sự toàn tâm toàn ý.

Bất kỳ một tuyển tập nào, dù cố gắng khách quan đến đâu, vẫn phản ảnh quan niệm nghệ thuật và xã hội của những người biên soạn. Việc có mặt, hay không có mặt, của một nhà thơ, việc giới thiệu các tác phẩm, phản ảnh quan niệm ấy. Chúng tôi cố gắng thực hiện một tuyển tập tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử, một cộng đồng lưu vong, nhưng chất lượng của các bài thơ vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc tuyển chọn.

Khi bắt đầu viết những dòng này trên máy điện toán, tôi nhớ lại, gần như bằng giác quan, mùi giấy thơm và mùi mực mới của một bài thơ trên một tạp chí mà tôi đọc ngày mới đến Canada. Bài thơ ấy, nhà thơ ấy, hôm nay lại có mặt ở đây, trong tuyển tập này. Đó có lẽ là một trong những hạnh phúc lớn nhất mà tất cả chúng ta, người viết và người đọc, ai cũng trải qua hoặc mơ ước. Một thứ hạnh phúc lặng lẽ, không ai biết, ngoài chính bạn. Có lẽ bằng cách ấy thơ ca đã dạy tôi bài học của lòng biết ơn, sự tự tin, sự khiêm tốn.

Tôi xin phép và kính nhờ ban tổ chức chuyển tặng số tiền tượng trưng của giải thưởng này đến nhóm sách giáo khoa Cánh Buồm, như một cử chỉ ngưỡng mộ và ủng hộ của tôi đối với công việc mà anh chị em thiện nguyện, dưới sự điều hợp của nhà giáo Phạm Toàn, đang làm cho nền giáo dục và tuổi trẻ Việt Nam.

Với các bạn trẻ, xin cho tôi thêm một ý: mỗi khi gặp tình cảnh khó khăn, tôi đều quay lại với hai thứ, sách vở và tuổi thơ. Cánh Buồm có cả hai thứ ấy.

Cám ơn quý vị và các bạn. Nguyễn Đức Tùng, Vancouver, 2. 25. 2017.

Comments are closed.