DẠY-HỌC NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG (22): Truyện Kiều trong chương trình trung học Việt Nam, nhìn từ dạy học đào tạo năng lực cho học sinh

Trần Đình Sử

Từ khi có chương trình dạy văn học Việt Nam trong nhà trường phổ thông từ đầu thế kỉ XX đến nay, Truyện Kiều luôn luôn là một trọng điểm của chương trình. Từ Thi văn trích diễm (1925) đến Việt Nam thi văn hợp tuyển (1941) của Dương Quảng Hàm, chương trình văn học của Hoàng Xuân Hãn dùng trong thời kì kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), chương trình văn học ở miền Bắc, chương trình văn học ở trung học miền Nam (VNCH)Truyện Kiều dều là trọng điểm giảng dạy cho học sinh.

Tùy theo quan niệm dạy học mà Truyện Kiều được trích nhiều hay ít, chọn những đoạn nào. Dương Quảng Hàm chọn 9 đoạn, bắt đầu từ Đạm Tiên ứng mộng cho Kiều (câu 171 – 222), Tú Bà dỗ Kiều (1001 – 1032), Kiều gặp Thúc Sinh (1329 – 1366), Từ Hải sai quân đón Kiều (2249 – 2288), Kiều khuyên Từ Hải hàng (2451 – 25 02), Kiều gảy đàn (gồm đàn cho Kim Trọng, đàn cho Hồ Tôn Hiến, đàn khi tái hợp); Kiều nhớ nhà (gồm ở lầu Ngưng Bích, khi ở thanh lâu, khi lấy Thúc Sinh, khi lấy Từ Hải)[1], các đoạn trích minh họa cho tư tưởng định mệnh và tấm long cô trung, hoài Lê của tác giả Nguyễn Du, đồng thời cũng tiêu biểu cho nghệ thuật tả tình tả cảnh, tả tiếng đàn trong truyện. Từ trong kháng chiến chúng ta quan tâm quyền sống con người và nội dung tố cáo hiện thực, chủ nghĩa nhân đạo, các đoạn trích cơ bản gần giống với bây giờ. Đó là Chị em Thúy Kiều, Kiều gặp Kim Trọng, Mã Giám Sinh mua Kiều, Trao duyên, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều, Hoạn Thư đánh ghen Thúy Kiều, Kiều gặp Từ Hải, Kiều báo ân báo oán.

Ở miền Nam, theo sách của giáo sư Hà Như Chi, Truyện Kiều học các đoạn sau: Kiều trước mộ Đạm Tiên, (51 – 132), Kiều và Kim Trọng thề ước với nhau (420 – 454), Kiều bán mình (621 – 652), Tâm trạng Kiều khi ở thanh lâu (1227 – 1271), Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm nhà (1437 – 1526), Kiều gặp lại Thúc Sinh trước mặt Hoạn Thư (1801 – 1872), Kiều gặp Từ Hải (2165 – 2204), Kiều khuyên Từ Hải ra hàng (2461 – 2502)[2]. Hà Như Chi nhấn mạnh đến định mệnh và tài mệnh tương đố. Sách của Phạm Văn Diêu chọn các đoạn Kim Trọng Thuý Kiều gặp nhau, Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe, Thúc Sinh từ biệt Kiều, Kiều nhớ nhà sau khi Từ Hải ra đi[3]. Tác giả Phạm Văn Diêu chú trọng giá trị miêu tả tâm lí trong Truyện Kiều. Nhiều tác giả khác cũng có cách chọn và trình bày của họ.

Chương trình ngữ văn cải cách lần thứ tư sau khi đất nước thống nhất từ năm 2000, phần THCS lớp 9 học năm bài, gồm: Chị em Thúy Kiều, Cảnh ngày xuân, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã giám sinh mua Kiều, Thúy Kiều báo ân báo oán[4]. Phần ngữ văn lớp 10 học ba bài: Trao duyên, Nỗi thương mình, Chí khí anh hùng, đọc thêm Thề nguyền. Phần trích THCS nhấn mạnh đến nội dung xã hội, tài nghệ tả cảnh. Phần THPT nhấn mạnh nghệ thuật miêu tả tâm lí và tư tưởng thương thân xót mình rất nổi bật của Truyện Kiều[5]. Nội dung học ở THPT rõ ràng cao hơn, sâu hơn.

Từ vị trí nổi bật đó, thiết nghĩ Truyện Kiều đóng vai trò rất quan trọng trong dạy học đào tạo năng lực đối với học sinh. Để hiểu vấn đề trước hết xin làm rõ thế nào là năng lực văn học và năng lực người nói chung. Có thể hiểu năng lực là cái tiềm lực để con người hoàn thành một công việc nào đó. Nền tảng của năng lực văn học là năng lực ngôn ngữ. Đó là năng lực nghe hiểu những gì người khác nói và nói được cho người khác hiểu. Văn học thể hiện trước hết ở văn bản, do vậy năng lực văn học biểu hiện ở khả năng đọc hiểu những gì người khác viết và khả năng viết cho người khác hiểu. Năng lực văn học còn bao hàm khả năng sử dụng những quy tắc về hình tượng và thể loại và các kí hiệu văn hóa trong giao tiếp. Đằng sau năng lực văn học là năng lực người, năng lực hiểu người và đồng cảm với con người, năng lực cảm nhận thẩm mĩ. Hiểu như vậy ta thấy việc dạy học các trích đoạn Truyện Kiều thường chưa quán triệt được đầy đủ mục tiêu đào tạo năng lực.

Thực vậy, văn bản Truyện Kiều thuộc loại văn học cổ, có nhiều từ cổ, điển cố, từ Hán Việt tạo nên những trở ngại cho việc đọc hiểu. Nhưng mặt khác Truyện Kiều là đỉnh cao nghệ thuât tự sự, trữ tình Việt Nam, là kiệt tác về ngôn ngữ nghệ thuật của dân tộc. Truyện Kiều là tác phẩm hiểu đời, chứ không phải tác phẩm răn đời như Cao Bá Quát đã nhận xét, do vậy nó có tác dụng lớn trong việc đào tạo năng lực người cho học sinh. Giáo viên cũng như SGK thường phải mất nhiều thời gian để khai thông các trở ngại đó, dẫn đến không còn thì giờ phát hiện các giá trị nghệ thuật và tư tưởng của tác phẩm. Điều này còn do sư phân phối thời gian thường quá eo hẹp, một tiết đối với đoạn ngắn và hai tiết cho đoạn dài, thiếu thời gian cho  học sinh hoạt động tìm hiểu.

Một hiện tượng khá phổ biến là khi dạy các đoạn trích Kiều giáo viên thường ít quan tâm về phần tiếng Việt, mà tập trung vào giải thích các từ , ngữ có nguồn gốc Hán. Ví dụ đoạn trích Chị em Thúy Kiều, giải thích từ tố nga, mà ít quan tâm từ ả, giải thích mai cốt cách, tuyết tinh thần mà không chú ý mười phân vẹn mười; giảng trang trọng mà không giảng khác vời; giảng mây thua, tuyết nhường mà không giảng nước tóc, màu da; cũng thế các từ pha nghề, đủ mùi, làu, nghề riêng, ăn đứt, khúc nhà, rất mực, xuân xanh, tường đông, ong bướm, mặc ai. Các từ ấy chẳng những có màu sắc thuần Việt, mà con là yếu tố cơ bản tạo nên giọng điệu của trần thuật. Các yếu tố Hán hầu như khả năng tạo ra giọng điệu rất hạn chế trên các trang Kiều. Nhiều học sinh không hiểu thế nào là khác vời, nước tóc, khúc nhà là thế nào. GV cần lưu ý HS giải thích, sau đó, nếu xâu chuỗi các từ nghiêng nước, nghiêng thành, sắc đành đòi một, làu bậc ngũ âm, nghề riêng ăn đứt…thì có thể thấy nhà thơ không chỉ miêu tả sắc đẹp tài năng nhân vật, mà thực ra là tung hô, phô trương sắc tài của Kiều, một điều mà ở cuối tác phẩm, chính nhà thơ đã viết: Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần. Thì ra nhà thơ tả tài trong trạng thái cậy tài của nhân vật, dù có ý thức hay không. Có tàicậy tài, ngoại lộ là điều rất không nên, dễ chuốc lấy tai họa. Cái sắc tài của Kiều ở đoạn này có cái thế lấn lướt người, áp chế người, dễ chuốc lấy sự ghen ghét. Vì vậy mà dạy đoạn trích này như là miêu tả, ca ngợi tài sắc hai chị em một cách khách quan, không có dụng ý gì, thực ra là không đúng với dụng ý tác giả.

Việc giải thích các từ ngữ thơ trong đoạn trich cũng nhiều khi chưa chính xác. Đó là vì việc chú thích trong các bản Kiều có uy tín có chỗ cũng chưa chính xác. Ví dụ khuôn trăng trong nhiều sách giảng là mặt tròn như mặt trăng tròn (diện như mãn nguyệt), là không đúng, bởi khuôn trăng chỉ là mĩ từ chỉ khuôn mặt, cũng như các mĩ từ khác như nét hoa, tường gấm, thềm hoa, lệ hoa, giọt ngọc, giọt Tương…, không nên hiểu giọt Tương là giọt nước sông Tương, hay tường gấm là tường bằng gấm, vậy cũng không nên hiểu mặt tròn như mặt trăng, mà chỉ hiểu là khuôn mặt đầy đặn mà thôi. Mặt tròn thì chẳng đẹp tí nào. Bà Triệu Ngọc Lan, GS Đại học Bắc Kinh, khi dịch câu này ra tiếng Trung Quốc rất ngạc nhiên về khiếu thẩm mĩ của tác giả, phải chú thích xuống dưới trang rằng “nguyên văn như thế vậy”. Thực ra đó là do bà ấy đọc sai, bị phụ thuộc vào các bản chú thích, mà không phải mọi chú thích đều thật sự đáng tin. Trường hợp này đã làm cho người ta hiểu lầm oan cho Nguyễn Du. Chữ “tường đông” trong Truyện Kiều theo tôi, nên hiểu theo vũ trụ quan người xưa, xem phương đông là phương dương tính, động, là phương của nam tính. Ong bướm phía đông ám chỉ phía con trai ve vãn. Cũng như hiên tây, tây thiên là chỉ phí âm tính, tĩnh, nữ giới.

Các đoạn trích trong SGK THPT chúng tôi đã có ý thức trích ngắn, ngắn hơn bất cứ đoạn trích nào cùng loại trong các SGK trước, nhằm giảm bớt  áp lực đối với HS và tạo điều kiện để GV dạy học đọc hiểu. Tiếng Việt trong các đoạn Trao duyênNỗi thương mình thật là tuyệt vời về mặt miêu tả tâm lí và cách sáng tạo tiếng Việt. Các từ cậy, chịu, chắp mối tơ thừa mặc em, các từ lặp “khi”, các tiểu đối, lời độc thoại nội tâm, điểm nhìn nhân vật là những hạt ngọc trong cách sử dụng từ tiếng Việt và nghệ thuật tự sự của Nguyễn Du. Đặc biệt đoạn trích Nỗi thương mình, chỉ 20 dòng mà có đến 17 dòng có tiểu đối, ba dòng có điệp từ, bảy cấu trúc đan xen là một đoan ngôn từ thơ cô đặc. Các cấu trúc đan xen như bướm lả ong lơi, lá gió cành chim, phong gấm rủ là, dày gió dạn sương, bướm chán ong chường, mưa sở mây tần, gió tựa hoa kề, là lối dùng từ thơ rất sáng tạo, không có trong từ điển, mà cho đến nay vẫn chỉ có Nguyễn Du sở trường, tạo sức biểu cảm rất cao. Nói ong bướm lả lơi chỉ trạng thái xảy ra một lần, nhưng nói bướm lả ong lơi thì trạng thái kéo dài triền miên, không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua trong đó. Các tiểu đối cũng có tác dụng chỉ trạng thái triền miên, các điệp từ “khi”, “đòi phen”, “khi sao”, “giờ sao” cũng đều có tác dụng như thế. Các câu đối lập có tác dụng thể hiện thái độ Kiều không đồng lõa với cuộc sống ô trọc.

Năng lực văn cũng như năng lực ngôn ngữ, thể hiện trong năng lực hiểu và năng lực viết, năng lực nói, vì thế khi dạy nhất thiết phải huy động hoạt động tham gia của HS. Không ngại đặt những câu hỏi nhỏ về các từ ngữ, dù bề ngoài có vẻ dễ hiểu trong từng câu, sau đó mới nêu câu hỏi về liên kết các câu, đoạn. Cần lưu ý đến những từ ngôn ngữ thơ, chỉ sử dụng trong ngôn ngữ thơ, ví như tố nga, mai cốt cách, tuyết tinh thần, khuôn trăng, nét ngài…Các từ ấy không dùng trong khẩu ngữ. Cần chú ý các thủ pháp biểu hiện của văn học. Chính các thủ pháp ấy thể hiện ý nghĩa tư tưởng. Khi các phương thức biểu đạt ấy nhập tâm vào ý thức, vào trí nhớ mà HS có thể áp dụng để hiểu các đoan văn khác thì có thể nói HS đã hình thành được năng lực. Do vậy, nếu ở THCS mà HS đã biết được các thủ pháp biểu đạt từ bài học đoạn trích đầu tiên, thì sang đoạn trích thứ hai HS đã có thể vận dụng để học một cách nhẹ nhàng. Sang đoạn thứ ba thì nên để cho HS tự diễn giải, rồi GV giúp sức, đến đoạn thứ tư thì HS có thể tự làm trong một bài tập. Qua các đoạn trích ở THCS có thể nói HS đã có một cái vốn về Truyện Kiều, sang THPT GV sẽ vận dụng và phát huy cái vốn ấy để đi sâu thêm về nội dung và nghệ thuật. Mà Truyện Kiều học sau Chinh phụ ngâm, sau Cung oán ngâm, rõ ràng phải sử dụng các năng lực đã tích lũy trong các bài trước để hiểu Truyện Kiều.

Hình thành năng lực văn học là một quá trình. GV cần đọc kĩ cả chương trình, phân bố những kĩ năng mà HS cần học trong từng bài đọc văn, mỗi bài tập trung vào một hai kĩ năng thôi, như vậy tích lũy cả quá trình, lo gì HS không hình thành được năng lực đọc hiểu. Cho dù có rơi rụng thì với quá trình lặp đi lặp lại, với yêu cầu học thuộc lòng, chắc chắn việc đào tạo năng lực văn học sẽ có kết quả.

Quan niệm tích hợp cho thấy đọc văn, hiểu văn và viết văn không tách rời. Khi hiểu văn là khi có khả năng gọi tên cái nội dung mình hiểu ra, gọi tên nghĩa cuả từ ngữ, gọi tên tính chất của tình huống, của thái độ nhân vật, như thế tức đã là tìm cách biểu đạt. Từ biểu đạt cách hiểu chi tiết đến tìm cách biểu đạt ý nghĩa của đoạn, HS đạt được kết quả hai trong một: vừa hiểu được, vừa nói được, viết được. Đó là biện chứng của quá trình vận dụng Tuyện Kiều trong việc đào tạo năng lực văn học và ngôn ngữ cho HS. Để phát huy năng lực viết trên cơ sở đọc hiểu. cần kết hợp với dạy làm văn. Trong các sách dạy làm văn thời trước, các giáo viên trung học thường ra các đề bài làm văn về Truyện Kiều cho học sinh tập viết. Ví dụ trong sách Việt Luận của Nghiêm Toản (1950) thấy có các đề văn như sau: 1. Anh chị hãy bình luận về tâm lí và hành động của nhân vật Hoạn Thư trong Đoạn trường tân thanh. 2. Anh hãy xét nhân vật Từ Hải trong lịch sử, trong tiểu thuyết và trong Đoạn trường tân thanh. 3. Anh hãy phân tích đoạn Kiều đi thanh minh viếng mộ Đạm Tiên, và khi trở về mộng thấy người bạn cùng hội đoạn trường. Anh hãy chứng minh đoạn trên quan hệ đến toàn thể cuốn Đoạn trường tân thanh, chứ không phải là một bộ phận ở ngoài chủ đề như nhiều ngườ lầm tưởng. Chúng tôi thấy các đề văn bình luận về nhân vật, sự kiện trong Truyện Kiều rất cần thiết, song các đề văn như trên là quá rộng và quá lớn, học sinh trung học ít có điều kiện làm được, vì thử hỏi, học sinh làm sao biết được Từ Hải trong lịch sử, trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện để mà so sánh? Đó phải là đề tài của snh viên đại học. Theo chương trình hiện hành của chúng ta, tôi nghĩ ta có thể nêu các đề văn nhỏ, vừa sức như sau: 1. Phân tích đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán để thấy thái độ của Nguyễn Du đối với cái thiện và cái ác. 2. Phân tích đoạn trích Trao duyên để cho thấy khả năng thấu hiểu sâu sắc của Nguyễn Du đối với con người. 3. Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình để thấy tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du. Đề văn có thể đa dạng hơn chút nữa. Sự song hành của đọc văn và làm văn sẽ nhân lên kết quả đọc hiểu đối với học sinh. Đáng tiếc là đã lâu trong chương trình học ngữ văn của ta thiếu đi sự phối hợp làm văn với đọc văn trong phần văn học cổ điển, mà chỉ tập trung văn học hiện đại. Chính cách bố trí chương trình như vậy đã giảm sút sức hấp dẫn của văn học cổ điển đối với học sinh. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, văn học cổ điển luôn có trọng lượng về tư tưởng và nghệ thuật. Văn học hiện đại tất nhiên là quan trọng, nhưng về sự thử thách, đào thải qua thời gian, thì văn học hiện đại chưa kinh qua khảo nghiệm khắc nghiệt như văn học cổ điển. Vì thế việc đề cao văn học cổ điển, đặc biệt là kiệt tác như Truyện Kiều, có ý nghã rất to lớn. Đây đề cập tới vấn đề chương trình sắp tới của trường trung học.

Tóm lại, trong điều kiện hiện nay, muốn làm được các điều trên, thiết nghĩ, GV cần nghiên cứu kĩ các đoạn trích truyện Kiều cũng như toàn tác phẩm, đạt đến sự hiểu sâu sắc, nhuân nhuyễn; đổi mới phương pháp dạy học, lấy HS làm trung tâm, tạo mọi cơ hội cho HS nói, bày tỏ suy nghĩ, nêu thắc mắc, nói chung là làm cho HS hoạt động thì mới có thể hình thành năng lực văn học được. Nếu cứ giảng bình như lâu nay, chỉ thầy giảng thao thao, thì Tuyện Kiều hay mấy, HS cũng không hình thành năng lực được.

Không phải tác phẩm văn học nào cũng là một chất liệu có giá trị như Truyện Kiều. Các đoạn trích bao hàm nhiều hiện tương ngôn ngữ và thủ pháp văn học độc đáo, tập trung. Nếu không nắm lấy mà dạy học, thiết nghĩa chúng ta sẽ phụ mất tấm lòng và tài nghệ của Nguyễn Du.

Hà Nội, 29 – 9 – 2015.

[1] Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1950.

[2] Hà Như Chi, Việt Nam thi văn giảng luận, Tân Việt xuất bản, Huế, 1951.

[3] Phạm Văn Diêu, Việt Nam văn học giảng bình, Tân Việt, Sài gòn, 1961.

[4] Nguyễn Khắc Phi chủ biên, Ngữ văn lớp 9 tập 1, nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.

[5] Trần Đình Sử chủ biên, Ngữ văn 10 tập 1, nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.

Về quảng cáo

Comments are closed.