Thảo luận về dịch qua bài Trần Thiện Đạo phê bình “Những ruồi” (kỳ 3)

ĐÔI LỜI TRÌNH BÀY VỚI BÀ THỤY KHUÊ

VỀ BÀI TRẦN THIỆN ĐẠO PHÊ BÌNH NHNG RUỒI CỦA PHÙNG THĂNG

Tô Thẩm Huy

Thưa bà Thụy Khuê,

Xin mạn phép được trình bày đôi điều về bài viết của bà trên Văn Việt ngày 8 tháng 8 vừa qua:

1- Chúng tôi không có ý cho là “với việc dịch [có thể] áp dụng câu ngạn ngữ “chín bỏ làm mười”, thông qua những lỗi “nhỏ”, mà trái lại, chỉ mong như chúng tôi đã viết: “…giá như mà 50 năm về trước, Trần học-giả gửi thư riêng cho nữ-sĩ Phùng Thăng thì chắc người đã rất hoan-hỉ sửa lại một số chỗ để lần tái-bản sau được hoàn-chỉnh hơn.” Nhưng chúng tôi thật không đồng ý với cách phê-bình-gia Trần Thiện Đạo dựa vào những lỗi như bảy tuổi thay vì sắp bảy tuổi, thiếu-phụ trẻ thay vì thiếu-phụ, hay những lỗi nặng hơn như đui mù thay vì làm chói mắt, v.v. để chỉ-trích bản dịch Những Ruồi của Phùng Thăng là phản, là diệt, là làm người đọc hiểu sai tư-tưởng của Sartre về thuyết Hiện-sinh. Cũng như không ai nên dựa vào những chữ loại như “tể tướng bộ tư pháp” của dịch-giả Trần Thiện Đạo để kết-luận là bản dịch Cậu Hoàng Con của ông là phản, là diệt. Và cũng không ai có thể đi guốc vào bụng ai mà kết luận là “xem sự tín nhiệm của độc-giả như một thứ giấy khống chỉ cho phép cô tùy tiện muốn dịch sao thì dịch.”

2- Xin cảm ơn bà đã chỉ ra cái lỗi của chúng tôi trong giới-từ “à”. Chúng tôi đã để làm rơi đâu mất dấu huyền trong bộ nhớ kém cỏi, hoen rỉ. Và xin gửi lời xin lỗi đến những độc-giả nào đã vì lỗi lầm sai một ly của chúng tôi mà phải lạc đi một dặm.

3- Những nghĩa khác nhau của chữ những trong các thí-dụ mà bà đã nêu ra cũng đều xoay quanh cái ý là nhằm nhấn mạnh chữ đi sau, tạo cho nó thêm sắc-thái, là điều mà chúng tôi đã nói đến trong bài viết, rằng chữ “những” trong tiếng Việt không chỉ là mạo-từ chỉ số nhiều. Điều đáng nói hơn ở đây theo ý chúng tôi là Phùng Thăng đã không chỉ dịch mot-à-mot (lần này nhờ bà đã nhắc cho, không quên bỏ dấu huyền), đã không chỉ dịch chữ “les”” những”, dịch chữ“mouches”“ruồi”, rồi ghép lại thành cái tựa NHỮNG RUỒI, như bà đã có ý cho là như thế khi viết: “Muốn dịch chữ “les” sang tiếng Việt thì ta phải biết nghĩa chữ “les” trước. Chữ “les” trong tiếng Pháp chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là chữ đứng trước một danh từ số nhiều mà thôi. Vậy ta không thể lấy những nghĩa khác trong tiếng Việt để dịch nó, mượn cớ vì Nguyễn Du dùng”. Tại sao, xin vô phép được hỏi bà, lại phải xét nghĩa chữ “LES” trước, phải dịch chữ “LES” mà không dịch cả cụm từ “LES MOUCHES” như Phùng Thăng đã làm? Tại sao, theo lời bà, vì chữ “LES” là article défini (mạo từ xác định), thì nhất định phải bắt ép chữ NHỮNG cũng chỉ được giữ nhiệm vụ duy nhất là mạo-từ, mà không cho phép nó được hiểu như là một trong các chữ NHỮNG khác mà bà đã nêu ra, hay một trong các chữ NHỮNG khác mà Nguyễn Du đã dùng? Phùng Thăng đã dịch cái tựa là NHỮNG RUỒI vì bà đã dựa trên tinh-thần của toàn vở kịch. Vậy mà oái-ăm thay, Phùng Thăng lại bị kết-án là dịch chữ mà không dịch tinh-thần câu văn, chỉ vì người kết án (TTĐ) không nhìn thấy ngữ nghĩa khác của từ NHỮNG! Những ruồi hay những mèo không chỉ có nghĩa là những con mèo theo ý chúng tôi. Điều này chúng tôi đã nói rõ trong bài viết, xin miễn nhắc lại. Còn nói đến chuyện thuận-tai hay trái-tai thì chúng tôi nghe cụm từ “những ruồi là ruồi” thuận-tai lắm. Mà cho dù có trái-tai khi mới nghe thì chẳng lẽ chúng ta nên giới-hạn, trói buộc ngôn-ngữ mẹ-đẻ vào những chữ đã từng nghe mẹ nói. Nếu nó có lạ tai, nhưng chuyên-chở được nghĩa sâu hơn, đẹp hơn thì cũng nên góp nó vào việc làm giàu tiếng mẹ chứ. Và nhân nhắc đến lời mẹ nói thì xin thưa là nếu nói như bà: “Câu nào bà [mẹ ta] nghe thấy trái tai, là vì ta nói sai. Câu nào bà nghe thuận tai, là ta nói đúng” thì “thiếu-phụ trẻ” ắt phải đúng, vì thủa mẹ chúng tôi còn sinh-tiền người vẫn thường nói như thế. Người Việt Nam khắp nơi cũng vẫn thường nói như thế. Và dẫu là theo cái thiên kiến kiệm chữ rất lệch-lạc của cá-nhân chúng tôi thì không nên viết là “thiếu-phụ trẻ”, vì viết thế là thừa, dẫu thế nhưng mắng ai viết “thiếu-phụ trẻ” là sai, là phản, là diệt như học-giả Trần Thiện Đạo đã làm với nữ-sĩ Phùng Thăng thì chúng tôi cho là không đúng.

Đối với các vị tiền-bối như nhà-văn Mặc Đỗ, hay học-giả Nghiêm Xuân Hồng, thì chúng tôi ngưỡng-mộ không bút nào kể xiết, về tài và cả về đức. Còn việc các vị tiền-bối ấy năm 1967 đã không lên tiếng phản-bác thì việc ấy không nhất-thiết là họ đã cho những lời chỉ-trích của Trần học-giả là “đúng cả”. Tuổi đời cũng như tuổi văn-chương của chúng tôi thật là ít ỏi so với nhị vị tiền-bối, và với Trần học-giả, nhưng chúng tôi tự nghĩ mình có quyền thẳng-thắn biện-bạch những điều mà mình trông thấy làm đau đớn lòng. (Tựa bài viết của chúng tôi vốn là NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY, Văn Việt đã đặt cho nó cái tựa khác.)

Chúng tôi cũng xin phép không đồng ý với bà là những lời phê-bình của Trần học-giả là “đúng cả”. Đúng một số và sai một số. Đúng chỗ nào và sai chỗ nào chúng tôi đã nói trong bài viết, tuy là không kể ra hết. Bài phê bình của Trần học-giả quả là có những chỗ đúng. Và một vài chỗ đúng ấy lại là đúng theo cách tựa như người xưa cũng đã đúng khi bảo con nhạn không phải là con để lên tiếng chê-bai nữ-sĩ Đoàn Thị Điểm khi dịch câu Lạc nhật bình sa nhạn nhất quần của Đặng Trần Côn thành Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm. Quả đúng là không phải nhạn. Nhưng thơ Việt cũng không phải thơ Tàu, và người đọc thơ để lấy rung cảm cũng không phải là người đọc thơ để kiểm-chứng tự-điển Đào Duy-Anh. Cò không phải nhạn là điều dễ chứng-minh. Nhưng viết được câu thơ như Đoàn thị Điểm thì không phải là dễ. Dịch nhạn thì sai nhiều lắm, sai từ giống-vật đến sai cả hình-tượng. Nhạn thì bay vút trên trời, mà thì lặn lội bờ sông. Nhưng chúng tôi và người Việt nói chung vẫn yêu thích bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đoàn nữ-sĩ, vẫn yêu thích lắm cặp lục bát “Nhà thôn mấy xóm chông chênh, Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm​. Những bản dịch nào khác, dù là chính-xác, sát nghĩa, “trung-thành một cách tuyệt-đối với nguyên-tác”, trong đó nhạn là nhạn, mà cò là cò, nhưng khô khốc, cứng ngắc thì chẳng mấy ai còn nhớ đến chúng. Ngôn-ngữ văn-học, dù là thơ hay văn xuôi, truyện hay kịch, ngoài chuyện nói có nghĩa và nói đúng nghĩa ra, theo thiển ý còn phải cầu thêm bao điều khác mà chúng tôi đã nói đến trong bài viết. Và tuy rằng Bùi Giáng có nhiều lúc đùa rỡn một cách trầm-trọng, nhưng cũng có nhiều lúc nghiêm-túc một cách phiêu-bồng, và tuy rằng Bùi Giáng khác xa một dịch-giả lý-tưởng theo quan-niệm của học-giả Trần Thiện Đạo, nhưng cũng có những lúc, tuy không phải luôn luôn, Bùi Giáng là một dịch-giả đúng nghĩa. Một dịch-giả tuyệt vời theo ý-kiến của chúng tôi, mà bản dịch Hoàng Tử Bé của ông là một minh chứng, vượt xa các bản dịch khác.

​Chúng tôi tự nghĩ có bổn-phận phải kính-trọng quan-niệm của Trần học giả, và của những người khác, cũng y như người xử kiếm nên kính-trọng quan-niệm của cả phái Khí-tông lẫn Kiếm-tông. Hai phái ấy đều hoàn-toàn đúng trong chủ-trương võ-công của họ, dù rằng Kiếm-tông và Khí-tông tuy cùng là Hoa-Sơn kiếm-phái nhưng khác xa nhau một trời một vực, và quả thật không thể bảo là ai đúng, ai sai. Thế nhưng chẳng nên lấy đó làm điều để đả-kích, sát-phạt nhau. Và cũng nhân đây xin thưa với bà là chúng tôi chỉ vì kính-trọng công-lao trước-tác của tác-giả Trần Thiện Đạo trong việc biên-khảo, giới-thiệu tư-tưởng, học-thuật Tây phương nên đã gọi ông là học-giả.

Và với những ai giữ quan-niệm rằng “Kẻ nào năm xưa dịch nhạn là cò, giá mà gặp được tôi chỉ bảo…” thì chúng tôi xin thưa là: Thiện tai! Lành thay! Bốn mùa vẫn vận-chuyển, ai nấy đều thân tâm an-lạc, cá cứ nằm dưới nước, và khỉ lại ngủ trên cây. Loài nào sở-thích ấy. Đời sống vốn bất toàn, nhưng rất đẹp nếu rót vào nó một chút vị-tha, vì điều gì ở bên này dãy núi Pyrénées là chân lý, ở bên kia lại là sai lầm.”

Xin chấm hết. Và xin kính chúc bà mọi sự an-bình giữa không-khí đầy đe-dọa khủng-bố trên đất Pháp. Và cũng xin cậy bà lúc nào thuận-tiện cho chúng tôi kính lời chúc học-giả Trần Thiện Đạo nhiều sức khỏe, vạn sự tốt lành. Xin cảm ơn.

Nay kính,

Tô Thẩm Huy

Houston, Tiết Lập-Thu, Bính Thân, 2016

Comments are closed.