TRAO ĐỔI VỀ HỌC VIỆN KHỔNG TỬ (8): Khổng Tử cũng không ngăn nổi Trung Quốc dùng vũ lực ở Biển Đông

HỒng THỦY

(GDVN) – Triết lý Khổng giáo về công lý, xã hội và lãnh đạo có ảnh hưởng rất ít về quân sự cũng như những người ra quyết định quân sự Trung Quốc.

clip_image001

Ảnh vẽ chân dung Khổng Tử. Hình minh họa.

Tờ Stars and Stripes tháng 12/2014 cho biết, các nhà sử học Mỹ tin rằng Trung Quốc đang lợi dụng lịch sử để biện hộ cho sự tích tụ quân sự và gây căng thẳng trên Biển Đông. Bắc Kinh đã tăng chi tiêu quốc phòng đáng kể trong thập kỷ qua với 131 tỉ USD trong năm 2014, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Với bước nhảy vọt 12% so với năm 2013, các nước láng giềng đang lo ngại bởi sự tích tụ quân sự của Bắc Kinh, đặc biệt khi Trung Quốc thúc đẩy yêu sách chủ quyền (vô lý và phi pháp) trên khắp Biển Đông, Hoa Đông.

Trung Quốc đã lập luận rằng họ chỉ đơn giản “lấy lại sự mạnh mẽ từng có nhưng bằng con đường hòa bình và phòng thủ trung lập”. Các quan chức Trung Quốc gần đây ra sức truyền bá “giáo lý hài hòa” của Khổng Tử, giải thích lịch sử theo quan điểm của Bắc Kinh hòng làm dịu lo ngại từ các nước láng giềng cũng như kiểm soát các quan điểm trái chiều trong nước. Các học giả Mỹ tin rằng mỗi khi ở đỉnh cao quyền lực, Trung Quốc lại thường sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để chiếm đất đai và tìm kiếm sự giàu có.

Mohan Malik, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Châu Á – Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu An ninh ở Honolulu cho rằng: “Trung Quốc sử dụng văn hóa dân gian, thần thoại, truyền thuyết cũng như lịch sử để củng cố yêu sách lãnh thổ và hàng hải lớn hơn, và tạo ra các hiện trạng mới trên các vùng đất, vùng biển. Sách giáo khoa Trung Quốc vẫn cứ giảng khái niệm ‘Trung Hoa’, xem nền văn minh Hoa Hạ của họ là lâu đời và tiên tiến nhất, mà còn là ‘cái rốn’ của vũ trụ và các quốc gia Đông Á khác liên tục phải cúi đầu và tỏ lòng kính trọng với nó”.

Tư tưởng coi người Hán là trung tâm thiên hạ đặc biệt quan trọng đối với Tập Cận Bình và Quân ủy trung ương do ông đứng đầu. Tập Cận Bình đã nhấn mạnh triết lý của Khổng Tử, một nhà giáo dục đã sống vào khoảng 500 năm trước Công nguyên. Và Khổng Tử đã từng bị chính quyền Trung Quốc thời Mao Trạch Đông ra sức phỉ báng trong giai đoạn 1950 cho đến khi ông Đông qua đời năm 1976.

Trong một diễn đàn về Khổng Tử tại Bắc Kinh vào tháng Chín năm ngoái, Tập Cận Bình cho biết truyền thống lịch sử của Trung Quốc “có thể cung cấp những bài học có lợi cho quản lý và các quy tắc khôn ngoan”, theo Tân Hoa Xã. Malik nói với Stars and Stripes, Trung Quốc đang sống trong quá khứ để vạch ra tương lai của mình. “Đó là việc Trung Quốc bành trướng trên biển bằng cách lợi dụng lịch sử, đặt ra những thách thức lớn nhất đối với an ninh và trật tự khu vực. Lịch sử đang có tranh chấp”.

clip_image002

Ông Tập Cận Bình trong buổi lễ gắn biển Viện Khổng Tử tại đại học Viễn Đông của Nga năm 2010.

Một nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc cho thấy rằng, chính sách đối ngoại của người Hán luôn tương quan với sức mạnh của một cường quốc khu vực. Wang Yuan-kang, một giáo sư tại đại học Western Michigan bình luận. “Khi Trung Quốc mạnh họ thường tích cực hơn, khi Trung Quốc bị suy yếu, họ thường trở nên phòng thủ nhiều hơn”. Trong cuốn sách “Văn hóa Nho giáo Trung Quốc và quyền lực chính trị”, Wang Yuan-kang thấy rằng triết lý Khổng giáo về công lý, xã hội và lãnh đạo có ảnh hưởng rất ít về quân sự cũng như những người ra quyết định quân sự Trung Quốc trong các triều đại từ nhà Tống đến nhà Minh.

“Tôi thấy không có bằng chứng nào cho thấy nền văn hóa Khổng Tử có thể kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc. Khi Trung Quốc đã quyết định sử dụng lực lượng quân sự, đó là dựa trên đánh giá thực tế về cán cân sức mạnh giữa Trung Quốc và các đối thủ của họ. Khi người Hán mạnh mẽ, họ ưa thích sử dụng vũ lực để chống lại đối thủ quân sự. Khi họ yếu hơn, người Hán sẽ chuyển sang một tư thế phòng thủ”, Wang Yuan-kang bình luận.

Một ví dụ là Vạn lý Trường thành đã từng được xây dựng hơn 2000 năm, nhưng triều đại nhà Minh sau 50 năm đầu tiên khá hùng mạnh đã phải tiếp tục xây dựng nó sau khi đã tham gia ít nhất 8 chiến dịch quân sự chống lại quân Mông Cổ thời gian đó. Khoảng năm 1470 khi nhà Minh bắt đầu yếu đi, là họ bắt đầu xây thêm Vạn lý Trường thành. Triều Minh cũng từng cất quân xâm lược và đô hộ Việt Nam nhưng đã bị đánh bật sau 20 năm chiếm đóng.

Ví dụ khác thường được Trung Quốc lấy ra để tuyên truyền rằng họ là sứ giả hòa bình chứ không xâm lược như các cường quốc phương Tây là hạm đội Trịnh Hòa. Các chuyến đi của Trịnh Hòa thực sự ngoạn mục, bao gồm hơn 200 tàu, tất cả đều lớn hơn so với tàu của Christopher Columbus.

50 tàu lớn kèm theo nhiều thuyền nhỏ hơn đã mang theo 27 ngàn binh sĩ tới khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông và Trung Phi. Tuy nhiên Wang Yuan-kang lưu ý rằng, với quy mô hạm đội và bình lực lớn như vậy nếu chỉ là “khám phá hòa bình” thì tại sao Trịnh Hòa mang lắm quân sang nước khác như thế?

Học giả này cho biết, Trịnh Hòa đã sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để bắt một vị vua của vương quốc thuộc Sri Lanka ngày nay đưa về Trung Quốc vì ông đã từ chối “khấu đầu trước thiên triều”. Cũng có bằng chứng cho thấy bóng dáng quân đội của Trịnh Hòa đứng sau một cuộc nội chiến bấy giờ tại Indonesia, hạm đội Trịnh Hòa cũng mở rộng các hệ thống cống nộp cho nhà Minh từ các quốc gia nhỏ khác trong khu vực.

Victoria Tin-bor Hui, một giáo sư khoa học chính trị đại học Notre Dame nói rằng các hoàng đế càng bành trướng bao nhiêu trong lịch sử các triều đại thì ngày nay càng được người Hán tôn sùng bấy nhiêu và họ xem đó là “dấu hiệu của sự vĩ đại”.

Phim Trung Quốc ngày nay tràn ngập các hình ảnh về những hoàng đế bành trướng, và nó phủ nhận quan điểm của Tập Cận Bình rằng Trung Quốc có một lịch sử mạnh mẽ nhưng thanh bình. Wang Yuan-kang thì khẳng định, các nước láng giềng châu Á rõ ràng không nhìn thấy như vậy, họ thực sự khá lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là sức mạnh quân sự và thường xuyên đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh sử dụng chúng trong tương lai?

Nguồn: http://www.giaoducvietnam.vn/Quoc-te/Hoc-gia-My-Khong-Tu-cung-khong-ngan-noi-Trung-Quoc-dung-vu-luc-o-Bien-Dong-post155412.gd

Comments are closed.