Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại (18)

NGU YÊN

NguYenDan3 

                                                                Ngu Yên, nhạc sĩ Từ Công Phụng, ca sĩ Khánh Hà, Diễm Liên 

 

 

Tiểu Sử Tự Thuật: Ngu Yên tên Nguyễn Hiền Tiên. Quê quán Bình Định, gốc miền Kim Châu. Kể rằng thân thế khởi đầu, 20 tháng 11, sinh vào năm 52.

Mặt mày trên mức xấu trai, học hành đại khái, ngày ngày rong chơi. Nuôi hoài bão nhưng biếng lười, nên thường lấp liếm vài lời cuồng ngông. Sinh ra tâm tính lông bông, lớn khôn chỉ giỏi bềnh bồng nổi trôi. Giữa cơn binh loạn đổi đời, xuôi dòng tản lạc thành người lưu vong. Tháng ngày sồi sụt long đong, vui buồn thơ động tiếng lòng nghêu ngao.

Nhiều nhà thơ hải ngoại không thể thoát ra khỏi sức hút của hai nền thơ lớn, thơ tiền chiến và thơ miền Nam trước 1975. Một số người khác, nhờ cơ duyên đặc biệt, hoặc do tài năng, hoặc cả hai, đã vượt lên và di chuyển về những hướng khác nhau. Đó có lẽ là trường hợp Ngu Yên.

Anh viết sớm, làm mới rất sớm, chấp nhận đi con đường chưa ai đi, không chắc chắn, có phần nguy hiểm của sáng tạo. Trong bối cảnh rời rạc của không khí sinh hoạt văn học mấy chục năm nay, hải ngoại cũng như trong nước, Ngu Yên vẫn giữ được gần như một nhịp độ sáng tác. Cùng với những sinh hoạt nghệ thuật khác, như âm nhạc, anh nêu một tấm gương cho nhiều nhà thơ cùng thế hệ hoặc sau anh.

Thơ anh có giọng nói mới, nhưng trong nhiều bài vẫn giữ cấu trúc cổ điển. Trong khi gây cảm giác mới lạ, đầy năng lượng, thậm chí phá phách, chúng vẫn nằm trong một mối quan hệ thống nhất giữa tình và ý, giữa tư tưởng và xúc cảm.

Anh có thể di chuyển vững vàng giữa tự sự và trữ tình, giữa một đất nước trong quá khứ và một đời sống thường nhật quanh mình. Ngôn ngữ của anh đôi khi thiếu sự kỹ càng, chắt lọc, vì vậy không cô đọng, nhưng ngược lại tự nhiên như một dòng chảy, khỏe khoắn, sảng khoái lạ lùng. Chúng đồng thời vừa là sự hưng phấn, tính hài hước, sự hân hưởng cuộc đời, vừa là sự thông minh sâu sắc, sự quan sát tỉ mỉ, nỗi buồn thảm được che giấu. Thơ Ngu Yên là lời ngợi ca đối với cuộc đời, tình yêu, bất chấp quá khứ, cố gắng vượt lên , và trong khi phá phách vẫn tìm cách để giữ gìn. Trong thơ anh chúng ta hy vọng tìm thấy dấu vết, ở những bài thành công, động lực của một nền thơ mới.

Văn Việt trân trọng giới thiệu.

 

76 Bạch Đằng Nha Trang

 

Ngày tôi về

Đường dẫn vào quá khứ không ai quen

Đứng trước căn nhà cũ

Kỷ niệm lần khân 33 năm

Cô hàng xóm hỏi:

– Bác tìm ai?

Buồn buồn trả lời gió

– Bác già rồi, đọc địa chỉ sai

 

Hôm sau quay trở lại

Đứng trước căn nhà xưa

Cô hàng xóm nói:

– Bác lộn địa chỉ rồi

Buồn buồn trả lời gió

– Bác muốn mua nhà này

 

Nhà 76 Bạch Đằng Nha Trang

Xoáy tròn cơn lốc kỷ niệm

Không giấc mơ nào giống chiêm bao

Dòng thời gian xuôi dòng nước mắt

 

Mẹ nuôi con vay gạo mỗi tháng

Ba hiền khô hoa mai thanh liêm

Ba vào lính mẹ vào chiến trận

Áo cơm lửa đạn chuyện mỗi ngày

 

Chị tôi đẹp nhất Lê Quí Đôn

Da trắng màu nắng lên cát biển

Má lúm đồng tiền

Miệng cười lả lướt rạng thùy dương

 

Các anh tôi rời biển

Trên nòng súng quê hương lưỡi lê tổ quốc

Căm thù chung chung chẳng ghét ai

Đám đông đánh đâu ta đánh đó

Đám đông bỏ ta, ta chịu một mình

 

Tôi rời tu viện

Vì Thượng Đế không có hình hài

May ra biết tình yêu

Làm sao biết tình dục

 

Tôi rời tu viện lãng chán một thời

Yêu em bằng trái tim thi sĩ

Học hành dở hơn làm thơ

Ôm đàn lươn khươn hát vùi mộng mị

Tôi cao theo niềm vui, ốm theo nỗi buồn

Thất tình học triết

Thua đời tập thiền

Nắng đi tắm biển

Mưa làm thơ

 

Tôi yêu biển những ngày đông bão

Biển xám ngầu vô tận xám lên trời

Biển lạnh toát thét gầm táo tợn

Vẫy vùng bất lực như tôi

 

Tôi yêu Nguyễn Hoàng chiều mưa ngập

Tuổi 12 lội nước bắt chuồn chuồn

Tôi yêu Xóm Mới bãi đùn hoang vắng

Ép vào tuổi xanh hoa Bụt hoa Trang

 

Tôi yêu Bạch Đằng ổ gà văng nước

Yêu chợ ngã ba chuột cống như mèo

Yêu vách tường trường ngàn ngàn tiểu tiện

Yêu thuở ái tình giản dị chỉ yêu

 

Không giấc mơ nào giống chiêm bao

Đọc triết nhiều giống khùng

Tập thiền nhiều giống ngu

Làm thơ nhiều sống giỡn

Ca hát nhiều hồn chảy máu cam

Dòng thời gian xuôi dòng nước mắt

Muốn trẻ đi sao lại lớn lên

Đành xiêu vẹo theo lịch sử bão tố

Đời tha phương tự động hóa bình thường

 

Lịch sử

Từ nhiều người tưởng mình ghê gớm

Những người hoang tưởng bình yên

Những người có trái tim bất trắc

Những người thâm thủng khôn ngoan

76 Bạch Đằng và tôi mất vì lịch sử

 

Tôi trở về 76 Bạch Đằng

Dòng thời gian lạnh nước mắt căm căm

Trời đất có còn chăng nhân nghĩa

Mở cửa cho tôi thăm một lần

 

Tôi đứng trước nhà tôi

Cô hàng xóm nhiều chuyện:

– Chủ nhà không bán đâu

Buồn buồn hỏi gió:

-Ai bán căn nhà này?

 

 

Truyện Một Con Cá

 

Tôi là con cá sinh ra trong dòng sông Bến Hải

Buổi sáng bơi qua bờ bắc tìm ăn tránh bộ đội lưỡi câu

Buổi chiều về ngủ bờ nam trốn lính rình giăng lưới

Ngày ngày lính bờ bắc đói khổ chán chường chửi lính bờ nam

Lính bờ nam mệt mỏi nản lòng chửi lính bờ bắc

Nhiều đêm nhìn sao trời thao thức

Tôi tự hỏi lòng

              họ làm người có vui sướng hay không?

 

Dòng sông tôi lớn khôn

Người ở hai bờ đua nhau phóng uế

Có chú Ba Tàu bác Nga La Tư đến bỏ đồ dơ

Có dượng Mỹ anh hai Đại Hàn đến xả rác

Gia đình tôi và triệu ngàn con cá khác

Uống nước dơ thương khó sống qua ngày

Ăn đồ bẩn cam lòng như quen số mạng

 

Trên bàn đại tiệc hòa bình tự do hiệp ước dọn đầy món ăn

Người ngoại quốc người Việt Nam mút xương gặm đầu nhai mắt cá

Họ chúc mừng trên dòng sông  ly tán những linh hồn

 

Một hôm

Lính bờ bắc tràn qua sông nam tiến

Khuấy động phù sa đỏ máu cả dòng sông

Hai bên lính gục ngã

Xương trắng đầu lâu giống nhau anh em ruột

Hồn oan khiên không phân biệt bắc nam

 

Người cũng chết

Cá cũng chết

Chỉ có Trời còn sống

Trời sống để ghi công trạng kẻ sát nhân

 

Quí vị những người ở hai bờ Bến Hải

Có bao giờ nghĩ đến loài cá chúng tôi?

Mất nước quí vị vẫn sống

Không có nước chúng tôi bất động

Chỉ có Trời mới hiểu

Cá và người ai cần nước hơn ai?

 

Tôi là con cá rời dòng sông Bến Hải

Vượt biển đông đến mắc cạn nơi đây

Trái tim tôi ướp đầy gia vị tiền tài của cải

Trí óc tôi mưu toan ám ảnh chuyện mánh mung

Tấm lòng chật ước mơ vinh hoa phú quí

 

Chợt đêm qua nhìn sao trời thao thức

Tôi tự nhủ lòng ước gì con cá được làm người

 

Quí vị đọc bài thơ này

Có bao giờ tự hỏi:

Ước gì con người được làm cá?

 

(Houston, 20-06-1997)

 

 

Exit. Wrong Way

 

ca23ce85-ec5b-44f5-9fe9-80c9d21f2dc1

 

 

đọc 2: 

lối này bí   lối kia bí   lối nọ bí   lối trước bí   lối sau bí  

bí lối      thời gian một chiều    – “lạy chúa”      không phải  ngõ ra

lối này bí   lối kia bí   lối nọ bí   lối trước bí   lối sau bí  

bí lối      sống chết một chiều   – “mô phật”       không phải  ngõ ra

lối này bí   lối kia bí   lối nọ bí   lối trước bí   lối sau bí  

                 ngu  yên hỡi

                 đường ra duy nhất

                 hãy đi

                 dù thiên hạ nghĩ rằng lạc lối

 

đọc 3:

nhà vây   xe vây   điện vây   bảo hiểm vây    hụi vây   chi phí vây

vây kín        đường trái  một chiều      Chúa vây

cha vây   mẹ vây   vợ vây    con vây   bạn vây   quen vây   lạ  vây

vây kín       đường phải  một chiều     Phật vây

vây               vây              vây              vây               vây           vây

                    ngu  yên

                    thoát thân lối này

                    lối này tệ hơn bị vây

 

(Houston  31-3-97)

 

 

Bàn Tay Biết Cầm

 

Không dễ bắt muỗi như bắt kiến, không phải vì muỗi bay, vì nó biết phản ứng với bàn tay.

Đời dễ bắt người này, khó bắt người kia, không phải vì người này bò người kia bay, vì có người dùng bàn tay phản ứng.

Không phải Thúy Kiều nhờ Giác Duyên cứu độ, sống lại từ Tiền Đường, vì bàn tay Nguyễn Du cầm bút.

Muốn đánh đàn hay, phải cắt móng tay. Muốn kéo lực mạnh, phải tập tạ. Muốn hai tay dẻo dai, học múa. Muốn hai tay bảo vệ, học võ. Muốn an nhàn, phải tập khoanh tay.

Vì sao mỗi người chỉ có hai tay?

Vì sao mỗi bàn tay không lớn như tàng dù, dễ che mưa nắng?

Khi bàn tay đủ sức kháng cự, số mệnh sẽ thụt lùi hoặc chờ đợi.

Tiếc thay, ngay từ đầu, tay tôi nhỏ bé và yếu mềm.

Chỉ còn biết cầm bút: Phản kháng.

 

 

Phạm Duy Của Ngày 27 tháng 1 năm 2013

 

Trưa nay

một con chim lớn lặng lẽ bay về phương xa

để lại tiếng kêu cảm động mặt trời

rơi vàng nắng âm u Sài Gòn chiều Chủ Nhật.

 

Từ bắc về nam ra ngàn trùng biển khơi

cây đàn ghi-ta  dáng cong hai chữ S

ráp ngược đầu thành thùng đàn.

Một chữ trong lòng

một chữ nước non

vang tiếng hát bảy mươi năm tình quê khách lạ

bao nhiêu người có tai?

 

Quê hương không dành riêng cho bất cứ ai

mấy kẻ ngửi được hương

dù không có quê?

bao nhiêu người có mũi?

 

Lòng người hẹp như lỗ kim

chim lớn làm sao bay qua?

bao nhiêu kẻ có tim?

 

Miệng người thở đầy khí độc lưỡi như rắn dữ

làm sao nghe tử tế chân tình?

bao nhiêu kẻ có lòng?

 

Từ 1942 đến 1945

từ 1949 đến 1953

từ 1975 đến 2005

từ 2006 đến 2013

có năm nào thiếu Phạm Duy?

 

Từ một nốt đến ngàn nốt

từ tiếng bình dân đến câu thơ

từ thanh bình đến chiến tranh đến di tản

từ tôn giáo đến ngục ca, tục ca, du ca đến ngàn lời ca

có khi nào thiếu Phạm Duy?

 

Từ em bé đến người già

từ chiến sĩ đến linh mục đến tỳ kheo

từ thiếu nữ  khóc đến thanh niên  cười đến tình nhân ôm hồn kỹ niệm

có người nào thiếu Phạm Duy?

 

Từ nỗi buồn nhỏ đến thất vọng lớn

từ yêu người yêu nước yêu ca dao

từ bàn tiệc, phòng trà, sân khấu cho đến một mình đâu đó

có bài hát nào thiếu Phạm Duy?

 

Trước 2 giờ 45 trưa

Sài Gòn, Luân Đôn, Melbourne, Hà Nội, Paris, Houston, Nha Trang, Toronto, Dallas,

Huế, Quận Cam, New Orlean, Quảng Nam, Sidney, Montreal, Qui Nhơn, Lục Tỉnh….

đang nói tiếng Việt

chưa thiếu Phạm Duy.

 

Sau 2 giờ 45

một con chim lớn lặng lẽ bay về phương xa

để lại tiếng kêu cảm động mặt trời

rơi vàng nắng âm u Sài Gòn chiều Chủ Nhật.

từ nay

thiếu Phạm Duy.

 

 

Truyện Màu Gì?

 

Câu chuyện này màu vàng

màu vàng hấp hối

màu vàng trên cánh hoa tu-líp héo

màu vàng trên lá khô sắp rã rời.

 

Nhưng khi bắt đầu

câu chuyện màu hồng phấn.

 

Câu chuyện dài có nhiều nhân vật

họ gặp gỡ

sinh hoạt chung

rồi xa nhau

kẻ sống người chết

kẻ nhớ người quên.

Năm tháng tiếp tục qua

dù những chuyện đã chấm dứt.

Đoạn kết nào cũng vàng

màu vàng hấp hối.

 

Thời gian là bút lông

sơn lên không gian nhiều lớp màu

những nhân vật trong thời gian không gian

đổi màu dưới ánh đèn sân khấu.

 

Chuyện nào cũng thương tâm

nhân vật nào cũng chết

Câu chuyện này cũng vậy.

 

Câu chuyện này kết cuộc màu trắng

trắng ngà ngà như vải liệm tang

trắng như rửa sạch những vết dơ dĩ vãng

trắng như trang giấy sau cùng trong cuốn sách

trắng trơn

không còn gì để viết.

 

Ai đã đổ rượu đỏ lên sách này

cho chuyện thành màu máu?

 

 

Ngày 12 tháng 4 năm 2013

 

Con khỉ đột

cạo hết lông

như đàn ông trần truồng.

Con khỉ

mặc lễ phục

đeo kính

ra đường

điệu bộ đại gia.

 

Con khỉ cái

cạo hết lông

như đàn bà nguyên thủy.

Mặc áo đầm

thoa son phết phấn

chải tóc quăn

ra đường

trèo giày cao

đẹp như chân dài.

 

Hai con gặp nhau

chuyện trò

hứa hẹn

dẫn vào khách sạn

tắt đèn

lông mọc lên khắp người

hiện hình hai con khỉ.

 

Hai con khỉ ra về

ngoài ánh sáng

rụng hết lông

một con giống đàn ông

một con giống đàn bà.

 

 

Viết Bằng Lược

 

Không thể hỏi nhà sư

mượn  lược

Không thể hỏi thời gian mượn đôi ngày

Nhưng phải trả dù không mượn

nên tôi hỏi em

mượn tình yêu

 

Tình bây giờ là chiều xuống trên sông êm ả trước khi đổ thác

có ven bờ đom đóm soi hoa

có mây kỷ niệm bay ngang in lại lòng sông thương tiếc

có nâng niu con cá ngáp hơi

Em biết không

Anh thật sự mệt mỏi muốn êm đềm đắp cỏ mặc nắng mưa

bao chuyện cũ giao côn trùng rền rĩ

dù biết lòng chưa bạt nỗi niềm

Nếu có thể mượn lâm chung vài phút

mới an lòng chải tóc cho em

 

Chỉ nên hỏi nhà sư mượn tràng hạt

mượn Phật được không nếu có Phật thừa?

Phật có tóc sao sư không có?

athitaa tức thị ruupa tức thị không

 

Đời một người như trăm triệu đời người

đã như vậy

sẽ như vậy

Viết ngàn chương không tỏ được lòng

Viết để viết không còn gì mong

Viết như chải nhà sư không cần lược.

 

GHI:

Atthitaa: Có. Ruupa: Sắc. Theo nghĩa kinh Phật là khác nhau.

Sắc tức thị không; “Có” tức thị không; Khác nhau.

 

 

Buồn Buồn, Ra Mắt Sách

 

Đám đông

khoảng 200 người

trong căn phòng

ra mắt sách.

 

Người đàn bà ngồi cạnh tác giả

gương mặt buồn buồn.

 

Đám đông

chờ

ra mắt sách.

Sách hững hờ nhắm mắt.

 

Văn ở ngoài sân.

Thơ ở ngoài đường.

Người đàn bà ngồi cạnh tác giả

nụ cười buồn buồn.

 

Sân khấu tự động vỗ tay

ông này lên nói

bà  kia lên nói

ông nọ lên nói

tác giả lên nói.

 

Văn ở ngoài sân.

Thơ ở ngoài đường.

Người đàn bà nhìn lên

ánh mắt buồn buồn.

 

Sân khấu tự động vỗ  tay

cô này lên hát

cô kia lên ngâm thơ

cô nọ lên hát

cô còn lại nhìn tác giả đắm say.

 

Văn ở ngoài sân.

Thơ ở ngoài đường.

Người đàn bà ngồi cạnh tác giả

cúi mặt

buồn buồn.

 

Hơn hai giờ sau

đám đông ra về

chỉ còn người đàn bà

dọn dẹp

từ từ

gương mặt buồn buồn.

 

 

Đêm 29 tháng 10 năm 2012

 

Bão Sandy đến đông bắc Hoa Kỳ

mắt bão nhìn hồn tôi

đêm không một gì rơi vẫn nghe cây bật gốc bứng đường New York

gió gầm xả mưa trên màn ảnh tuông thành sông

dòng nước ngầm cuộn ngập đường hầm xe tàu điện

người đàn bà sinh con sau lưng xe truck giữa lính hỏa giăng lều cản mưa

người đàn ông da đen không di tản đu lên nóc nhà

lửa cháy khu đông

nước chìm khu nam tập trung nhiều ngược xuôi cứu mạng

trên lầu cao xây cất cần trục gãy đong đưa

con chó lạc chủ ngoài lan can sủa vô vọng

tiếng thiên nhiên giận dữ đuổi theo giết người

không còn ai để ý

kẻ nào đã dẫn bão đến đây?

 

Sóng từ biển đập lên

mặt đường thành lòng sông

cột điện thành đèn biển không chim nào dám đậu tốc gió 80 dặm một giờ

xe thành thuyền không chèo trôi không bến

cây gãy với cành lên mặt nước vẫy kêu cứu không ngừng

giữa đục ngầu cuốn xoáy

con búp bê bơi

 

Người ta vội vã rời khỏi nhà

trốn bão

bỏ quên con bé trên sofa

cô đơn sợ hại biết mấy

ai biết  hồn nó thất vọng đau thương cỡ nào

nước tràn

con bé thoát ra ngỏ cửa sổ

bơi từ ngoại ô vào thành phố

lềnh bềnh hoang tàn

chìm trôi phồn hoa tráng lệ

những khúc nước xiết

con bé hấp hối níu dòng định mệnh dành riêng cho người

– biết không bé

người cũng trôi như cháu thôi

 

Bão Sandy quá nhỏ, quá ngắn, quá hiền so với bão thiêng liêng

bão từ đời sau qua đời này

thánh thần đã trốn bão

bỏ quên con người

hãy tự thoát thân

xin cảm ơn anh quay phim đài CNN

cho chú nhìn thấy cháu lần cuối

 

 

Pariseine

 

1.

Tim bay qua Đại Tây Dương

            lượn trên thành phố lịch sử

            đậu xuống vai Louis 14 trên lưng ngựa

            đêm không biết tim tên gì

            gọi Pariseine.

 

Tim có thể đi có thể bay có thể bơi

            nhưng tạm thời

            nó cưỡi ngựa trắng Napoléon

            ngày không biết tim tên gì

            gọi Pariseine.

 

Băng qua đền đài Versailles, điện Louvre, nhà thờ Notre Dame, vườn Tuilerie

            mấy trăm năm chết đứng trong tranh và tượng,

            bao nhiêu người quá vãng chỉ còn vài hình hài vẽ khắc       

            mới ngậm ngùi thời gian vô lý và vô lương

            kẻ bất tử chẳng nói được gì cho người chết

            nó đậu xuống cổng Triomphe

            nắng không biết tim tên gì

            gọi Pariseine.

 

Băng qua tháp Eiffel, vườn Luxembourg, bảo tàng    Armée, lâu đài Bourbon         

            những kỳ công bằng mồ hôi long lanh rực rỡ

            sáng tạo lưu truyền phải chăng gồm máu nghệ sĩ trộn nước mắt dân nghèo?

            thưởng ngoạn về sau phải chăng từ ngưỡng mộ đến tự nhiên quên lãng?

            người nghèo làm nghệ thuật người giàu lưu   truyền cho người nghèo hưởng thụ

            những hạt mưa đến vội vàng đi vội vã không biết tim tên gì

            gọi Pariseine.

 

2.

Chiếc lá lượm ven sông

            nhàu nát dưới chân du khách

            lá ngâm nước bầm dập

            chiều 21 tháng 3 năm 2014 chưa hết mùa xuân

            có định mệnh nào cho bàn tay cứu lá?

            hay chỉ tình cờ?

            có ân sủng nào cho bàn tay cứu linh hồn?

            hay chỉ ngẫu hứng?

Ngàn tượng thần thánh dựng khắp phố phường mở mắt đời đời nhìn thấy tang thương

             sao muộn màng phép lạ?

            dù sao mùa nào lá vẫn rụng

            đời chỉ có người quét không ai đếm

 

lá rụng vào dòng sông

            lá chìm xuống thành bùn

            lá hóa ra  nước nuôi đất từ làng mạc mọc lên thành phố xây cao đô thị.

 

Viên đá lượm ven sông

            hình thù dị dạng mòn nhẵn dưới chân du khách

            đá vỡ từ thế kỷ 13

            khi thành trì thất thủ

            vương triều tan hoang

            nhiều thứ trọng đại biến mất

 

viên đá vẫn còn

            đá rơi vào dòng sông

            đá chìm xuống đất bùn

            đá hóa thành sỏi

            giữ linh hồn cho lá

 

Để có dòng sông Seine

            chim muôn ca hót từ trăm thế kỷ suối nguồn mây mưa dâng hiến vài ngàn năm

để có dòng sông Seine chia đôi thành phố

            biết bao thăng trầm thành bại theo sóng lô nhô, không bao giờ ngơi nghỉ.

 

Đối ai biết Paris có bao nhiêu tượng?

Đố ai biết sông Seine có bao kẻ chết chìm?

 

Để có một Paris

            biết bao lần Thượng Đế phải suy nghĩ

để có một sông Seine

            biết bao lần Thượng Đế phải sửa đổi số phần

Để có một Paris lầu cao hàng hàng lớp lớp dãy ngang dãy dọc đồng hình đồng dạng

            duy nhất         

            lòng sông Seine ghi lại biết bao thảm cảnh

Để có một Paris lộng lẫy tượng thần

            lòng sông Seine ghi lại biết bao nghệ sĩ thảm thương cùng tro xương Jeane d’Arc

Để có một Paris, phố xá hoa đèn rực rỡ, lòng sông   Seine ghi lại biết bao đen tối  

Để có một Paris nổi tiếng trăm năm

            lòng sông Seine ghi lại biết bao bước chân qua lại ba mươi bảy chiếc cầu và oan hồn         thảm sát thả trôi

Để có một Paris xụp đổ

            lòng sông Seine ghi lại biết bao sự tích và đợi chờ:

            đố ai biết Paris bao giờ bị tàn phá?

            đố ai biết sông Seine bao giờ cạn?

Để có một Paris hôm nay, lòng sông Seine ghi lại biết bao hơi thở

            khốn cùng là hơi thở hấp hối hài lòng của Paul Celan dưới đáy sông:

            “Ông ấy sống cô đơn trong nhà chỉ chơi với rắn rồi viết…” (1)

 

Đêm Paris

            uống rượu dọc bờ  sông

            trở về say mòng lúc 2 giờ sáng

            lạc quận 5 quận 4 quận 3

            đi mãi trong bóng đen và đèn đường

            không tìm ra khách sạn

            ngang qua điện Louvre

            thấy bóng người đội mũ rộng vành

            dạng đồ quân nhân thời cũ

            chìm trong âm u

            tới gần hỏi thăm đường:

– Thưa ông, tôi đi lạc.

– Westin khách sạn gần thôi.

– Làm sao ông biết tôi?

– Theo dõi chuyện trên đời, tôi là chiếc bóng.

– Nhìn ông rất giống một người, Napoléon?

– Chính tôi. Napoléon Bonaparte.

– Chào ông. Lạ lùng quá! Vì sao ông lạc đến đây?

– Mỗi đêm tôi vẫn đứng nơi này xem thử. Thiên hạ mấy ai nhận quen lịch sử. Họ ca tụng tôi          vinh dự trong  Louvre, nhưng thờ ơ ngoài thiên thu đời sống.

– Ông có công với Pháp nhưng có tội sâu rộng. Người chết vì ông vì giấc mộng đế vương.    Lịch sử chẳng qua là xấp giấy tầm thường,     buồn vui mỗi ngày chẳng phải phi thường            hay sao?

– Cậu nghĩ tôi đáng tội thế nào?

– Nếu tính bằng xác chết, làm sao ông có công lao thật? Nếu tính bằng xác chết, ông là một trong mười sát nhân bậc nhất trên đời.

(Tiếng hát văng vẳng từ sông Seine. Bài Fugue de Mort của Paul Celan. )

Sữa đen lúc rạng đông chúng ta uống buổi hoàng hôn

uống buổi trưa buổi sáng và buổi tối

chúng ta uống và tiếp tục uống

chúng ta đào mộ trên không trung cho người chẳng nằm tù túng.

Ông ấy sống trong nhà chỉ chơi với rắn và viết   (1)

 

– Cậu giống như Paul Celan, rất tự hào việc làm thi    sĩ?

– Tôi làm thơ nhưng không như thi sĩ tin thơ. Tôi làm thơ để thí nghiệm bất ngờ: Những suy          nghĩ những kinh nghiệm về thơ thật sự. Tôi   muốn viết những tình tự trí tuệ. Những bí          mật giữa dòng lệ nụ cười. Những cảm xúc giữa đất và trời, giữa hư và thật, giữa men           say rượu mạnh và trà Sen no Rikyu (2).

– A, thí nghiệm. Đúng như vậy. Ai đi tìm thiên thu mà không thí nghiệm? Không thực hành,          không biết đúng sai. Mỗi trận chiến là mỗi bài khảo hạch tài binh pháp. Thử thách khả             năng cao thấp làm người. Xác nhận tự do ý   chí hay ý mệnh do trời.  Anh hùng can đảm   hay tình cờ phản ứng. Mỗi chiến tranh là mỗi sử chứng tài năng. Lãnh tụ bất tử hay       hoang   mang chết yểu. Tôi thí nghiệm nhiều kiểu chiến tranh, để trí tuệ minh oan cho vô   lý mong manh một đời.

– Nói sao ông vẫn có tội giết người. Kết quả đúng hay sai có quá nhiều người chết và nhiều             người tiếp tục khổ đau. Còn tôi, đúng hay sai, chỉ bài thơ vô cầu. Hay hoặc dở không     mấy ai hơi đâu lưu ý.

– Chứng minh hiện hữu cậu làm thơ đi tìm thẩm mỹ. Chứng minh hiện hữu tôi đánh trận đi tìm      chân lý tài năng. Cậu là nghệ sĩ, tôi là quân nhân. Trong ngắn ngủi dấn thân vào đêm tối.          Không phải thành bại là niềm tự hối chung thân. Chính là không-dám-làm sẽ muôn thuở     ăn năn.

– Nói sao đi nữa, ông vẫn là kẻ sát nhân. Dù thành hay bại vẫn ăn năn tự hối. Giết một sự sống     là phạm tội thẫm mỹ.  Mỗi con người là thẫm mỹ vẹn toàn một cách riêng.

(Tiếng hát lại vọng lên từ sông Seine)

Sữa đen lúc rạng đông chúng ta uống buổi hoàng hôn

uống buổi trưa buổi sáng và buổi tối

chúng ta uống và tiếp tục uống

chúng ta đào huyệt mộ trên không trung cho người chẳng nằm tù túng.

Ông ấy sống trong nhà chỉ chơi với rắn và viết (1) 

– Này cậu thi sĩ, chẳng phải có duyên mới gặp nhau. Hãy tự đốt đời mình như ngọn đuốc soi đen tối mai sau. Bây giờ tôi phải về cõi sầu bí tích. Trời sắp sáng. Cậu đi đến cuối con        đường u tịch, rẽ hướng này sẽ thấy khách sạn u minh.

– Còn ông đi về đâu?

– Nơi tôi ở cậu không tới được. Nơi đó là cõi sầu nhân danh bất khả thi.

– Rồi tôi cũng sẽ chết.

– Không giống đâu. Tôi chết với lịch sử. Còn cậu, chỉ chết với thời gian. Thôi giã từ…

(Tiếng hát từ sông Seine nhỏ dần rồi tan vào vắng lặng)

Ông ấy viết rồi bước ra bên ngoài

sao trên trời lấp lánh

ông huýt sáo say mê   (1)

 

3.

Sông Seine mặt nước xanh rêu

            xanh đặc không thấy đáy

            ngậm biết bao bí mật, biết bao huyền thoại

            biết bao điều không ai biết về sau

            trôi trên dòng sông đêm

            qua những khúc in ánh đèn long lanh như ánh mắt xúc động sắp khóc

            qua những khúc tối đen

            cảm giác tiếng kêu thầm oán trong im lặng khao khát

            phải chăng tiếng ngư nhân từ đáy sông Seine bị Paris giăng lưới không về được biển?

            phải chăng tiếng Pariseine trầm uất giữa đời sống bất thường đồng hóa bình thường?

 

Il était une fois la Seine
il était une fois những nguồn nước trong mát đầu tiên hội ngộ rủ nhau về biển
il était une fois l’amour những tâm hồn lạ lẫm đầu tiên biết yêu đương
il était une fois le malheur từ đó những đau khổ hòa tan trong nước
et une autre fois l’oubli sông rời tháng ngày chôn giấu hư tình

Il était une fois la Seine bây giờ sông Seine mai mốt sông Seine
il était une fois la vie  biết gì chăng đời sống? nhớ gì chăng đời sống?  (3)

 

Pariseine!

            ngươi là linh hồn thành phố và dòng sông

Pariseine!

            ngươi là xung đột giữa Paris đứng và nước   Seine chảy

Pariseine!

            ngươi là cặn bã thời gian lắng đọng lâu đời   hóa ngọc trai 

Pariseine!

            ngươi là nguyên vẹn một chữ không thể tách             rời

Pariseine!

            ngươi sẽ được ghi nhớ từ đây

 

================================

(1) Trích trong bài thơ Fugue de Mort của Paul Celan (1920-1970). Ông là một trong những thi sĩ được tuyển chọn vào hàng thi sĩ thế giới. (The Vintage Book of Contemporary World Poetry by J.D. Mc Clatchy. Và The Poetry of Our World by Jeffery Paine  và một số tác giả khác.) Người Romania nhưng sang học ở pháp năm 1938. Trở về quê hương sau thế chiến thứ hai. Trở lại pháp năm 1948 và sống ở đây cho đến ngày ông trầm mình tự vận trong dòng sông Seine. Bài thơ Fugue de Mort được xem là một trong vài bài thơ nặng ký viết về sự thảm sát của Holocaust.

 (2) Sen no Rikyu: 1522-1591. Ông dẩn đầu một trường phái trà đạo ở Nhật bản. Cắt bỏ những phức tạp rườm rà, chuyên chú về đơn giản. Dùng những sáng tạo tầm thường biểu dương công phu và phẩm hạnh. Gọi là “Con Đường Trà Đạo”.

(3) Trích La Seine a rencontré Paris, bài thơ của Jacques Prévert được phổ nhạc. Hàng chữ nghiêng không phải là hàng dịch, chỉ là lời tiếp theo của bài thơ Pariseine.

======================================================

 

Comments are closed.