Ngu Yên giới thiệu và dịch
==================
1.
Sơ Thảo
Maya Angelou
Thi sĩ Hoa kỳ
(04, tháng 4, 1928 – 28, tháng 5, 2014)
“Tình yêu ví như vi khuẩn. Có thể nhiễm bất cứ người nào, bất cứ lúc nào.”
Maya Angelou.
Maya Angelou tên thật là Marguerite Annie Johnson. Bà vừa là thi sĩ, văn sĩ, vũ nữ, diễn viên và ca sĩ. Đã phát hành bảy tập tự truyện, ba tập tiểu luận, vài tập thơ và liên hệ với nhiều tuồng kịch, phim ảnh và chương trình truyền hình.
Năm 1993, tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã mời bà đọc thơ trong buổi lễ tuyên thệ và nhậm chức của ông. Bà đã đọc bài: On The Pulse of Morning, được giới truyền thông và giới bảo vệ nhân quyền tán thưởng. Bà là thi sĩ thứ hai được mời đọc thơ trong buổi lễ quan trọng này. Trước bà, là thi sĩ Robert Frost đã đọc thơ trong lễ nhậm chức của tổng thống John F. Kennedy, năm 1961.
Bà qua đời vào buổi sáng ngày 28 tháng năm, 2014, trong lúc bà chưa kịp hoàn thành tác phẩm tự truyện về kinh nghiệm đối với các lãnh tụ trên thế giới.
Sau khi bà qua đời, tác phẩm I Know Why The Caged Bird Sings dẫn đầu số bán trong một tuần lễ trên Amazon.
Tháng 4 năm 2015, ty bưu điện Hoa Kỳ đã phát hành tem với chân dung Maya Angelou từ bức tranh sơn dầu do họa sĩ Ross Rossin thực hiện năm 2013.
“Chim Không Phải Hót Vì Có Đáp Án mà Hót Vì Có Lời Ca“. Bài Ca Mơ Ước.
Tháng Tư năm 2015, ty bưu điện Hoa Kỳ phát hành số tem đặc biệt, tưởng niệm thi sĩ Maya Angelou, đã qua đời đúng một năm. Trên mặt tem, câu trích ngôn của bà: Chim không phải hót vì có đáp án mà hót vì có lời ca. Dù câu nói rất gần gũi với phong thái và sự nghiệp của Angelou nhưng là một sự lầm lẫn. Câu nói này của Joan Walsh Anglund, tác giả A Cup of Sun, 1967. Tờ báo Washington Post đã xác nhận việc này ngay hôm sau.
Tuy nhiên sự lầm lẫn này trở thành thú vị.
Người phản kháng đâu phải vì họ có giải đáp không được thỏa mãn mà họ phản kháng vì có tâm ý cần phải nói ra.
Người phản kháng là kẻ yếu, bị động, không đủ sức để chiếm đoạt, chỉ có sự dằn vặt, thôi thúc của ước mơ.
Người phảng kháng bị đối xử bất công, bị chèn ép, bị chà đạp, bị tù đày. kể cả bị giam hãm tư tưởng.
Một con chim bị nhốt trong lồng.
Và nó hót.
Quan điểm đó là chủ yếu trong bài thơ I Know Why the Caged Bird sings của Maya Angelou.
Có con chim hiên ngang
đứng trong lồng hạn hẹp
hiếm khi nhìn xuyên qua
chấn song vây phẫn nộ
đôi cánh bị cắt lông
đôi chân bị dây cột
đành mở miệng kêu ca
“Tôi Hiểu Vì Sao Chim Trong Lồng Lại Hót.” Maya Angelou xây dựng bài thơ bằng sự mâu thuẫn giữa con chim trong lồng và con chim bay ngoài trời rộng để liên tưởng tự do và giam cầm, cưỡng chế, bắt bớ, cấm đoán, lưu đày.
Chim tự do cất cánh
trên lưng gió lửng lơ
bềnh bồng thả theo gió
cho đến lúc gió tàn
rồi chim chìm cánh lượn
trong tia nắng vàng cam
dám cùng trời thách thức.
Trong thơ hiện đại, dùng biểu tượng con chim cho sự tự do, đã sáo mòn. Hình ảnh này đã quá quen thuộc, bị xào nấu quá nhiều, hầu như cho người đọc cảm giác nhàm chán. Chỉ có câu: dám cùng trời thách thức, câu thơ khẩu khí khiến cho người đọc cảm nhận có điều gì hứa hẹn tiếp theo.
Những thi sĩ tài hoa thường cẩn trọng khi chọn hình ảnh, biểu tượng hoặc ẩn dụ để tạo tứ thơ. Họ tránh những ý tứ chỉ có xác mà không có hồn; chỉ có lập lại mà không sáng tạo.
Chim nhốt lồng đang hót
sợ sệt tiếng run run
về những điều chưa hiểu
nhưng vẫn hoài ước ao
và tiếng hót vọng đến
nghe trên ngọn đồi xa
từ con chim tù hãm
đang hót kêu tự do
Người đọc phải chăng cảm thấy thất vọng? Một bài thơ được các nhà phê bình Hoa Kỳ khen thưởng, lại tầm thường thế sao? Một thi sĩ tầm vóc như Angelou lại vấp phải lỗi lầm lộ liễu vậy sao?
Không phải. Chắc chắn là không.
Những người mới gặp nhau hoặc quen biết chưa thân thiết, sẽ thăm chào nhau bằng những câu nói thông thường dễ hiểu. trước khi đưa ra những câu hỏi hóc búa, nan giải.
Những người sành điệu khi mời khách ăn chơi, thường đưa ra những món ăn khai vị, nhẹ nhàng, trước khi mang lên món chính độc đáo.
Chim tự do nghĩ về cơn gió mới
gió nhiệt đới dịu dàng qua rạng cây rì rào
bầy trùng lớn trong cỏ chờ bình minh sáng
và chim gọi bầu trời một cõi riêng.
Chim lồng đứng trên mộ phần mơ ước
bóng chim thét lên ác mộng thất thanh
đôi cánh cắt lông, đôi chân dây cột
đành thôi chim ngóng cổ hót vang.
Từ hình ảnh xoàng xĩnh con chim tung trời so với con chim trong lồng, bà chuyển sang con chim tự do suy tư về cơn gió mới để tự nhiên gọi bầu trời là của riêng mình. Còn con chim trong lồng, thức hót vì buồn, ngủ la thất thanh vì ác mộng. Chính vì nó chỉ có thể đứng trong hạn hẹp của mộ phần chôn giấu ước mơ.
Con chim trong lồng bất mãn, phản kháng đã đành. Con chim được tự do vẫn bất mãn, phảng kháng để giành lấy khoảng trời tự do làm của riêng.
Tự do là nhu cầu cần thiết. Quyền được hưởng tự do là quyền quan trọng nhưng quyền tự do của một người bị giới hạn khi xâm phạm vào luật lệ xã hội hoặc tự do của người khác. Do đó, một cõi riêng, tự do trong một cõi riêng trở thành mơ ước và giá trị đặc thù.
Rồi bà kết cuộc bằng lập lại đoạn thơ con chim trong lồng:
Chim nhốt lồng đang hót
sợ sệt tiếng run run
về những điều chưa hiểu
nhưng vẫn hoài ước ao
và tiếng hót vọng đến
nghe trên ngọn đồi xa
bởi con chim tù hãm
đang hót kêu tự do
Nhắc nhở con chim màu da đen, màu da nô lệ từ truyền thống, màu da khuất phục, chẳng những lưu vong mà còn vong tộc.
Bất cứ ở đâu có quyền lực áp chế, ở đó nảy sinh phản kháng. Người phản kháng ý thức được ước mơ vươn lên, hóa đẹp, đang chôn vùi dưới huyệt sâu. Vì vậy, họ cần phải lên tiếng. Chọn lựa giữa cúi đầu và ngẩng mặt, giữa nhục nhã và tự hào, giữa chết một lần hay chết nhiều lần.
Phản kháng không chỉ hình nhi hạ như vậy, tầm nhìn phản kháng không chỉ lấy lại quyền tự do, vốn là của con người, mà còn là một cõi riêng, một bầu trời riêng, một thế giới riêng trong tâm trí, cho tâm linh, cho ý thức sống, không ai có quyền xâm phạm.
Phản kháng luôn luôn bắt đầu bằng cơn gió mới. Một cơn gió xoay chiều, thổi sạch bụi bặm, cặn bã bám bẩn lâu ngày. Cơn gió cần thổi càng lúc càng mạnh, thúc đẩy bước chân lên đường. Không nhằm sức bạo động, không nhằm đốt phá mà nhằm tìm tới một bình minh nắng sáng.
Từ góc nhìn của ẩn dụ, phản kháng là tương tranh và xác định ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối. Từ biên giới này chia ra hai cõi khác nhau, dù muốn, dù ép vẫn không thể chung đụng. Sẽ không bao giờ hết ánh sáng và bóng tối, sẽ không bao giờ hết phản kháng khi bạo quyền còn tồn tại. Khi nào thì hết bạo quyền?
Nhưng điểm nhấn của bài thơ này nằm ở nơi tựa đề: Tôi Hiểu Vì Sao Chim Trong Lồng Lại Hót.
Bàn về bài thơ, thi sĩ Rasul Gamzatov, trong tác phẩm My Daghestan, viết rằng, tựa đề của bài thơ như một lời chào giữa những người lạ mặt hoặc mới quen biết nhau. Lời chào dễ thương, mẫn cảm, bắt mắt, thú vị… sẽ làm người đọc có cảm tình hoặc tò mò đọc tiếp bài thơ. Đến nay, quan niệm này vẫn còn tác dụng nhưng tựa đề bài thơ lại có một ý nghĩa khác.
Tựa đề của bài thơ chính là một câu thơ quan trọng. Hoặc nó cưu mang tất cả tinh túy của bài thơ, hoặc nó giải thích ẩn dụ của bài thơ, hoặc nó là một bài thơ riêng rẽ, có hoặc không có liên quan đến bài thơ chính.
Tựa đề bài thơ không chỉ là lời chào giữa hai người, tác giả và độc giả, xa lạ hoặc mới quen; Tựa đề bài thơ còn là một gói hàng, UPS để lại trước cửa. Kích thước, trọng lượng và màu sắc gói hàng sẽ khiến độc giả hối hả mở ra xem hoặc thờ ơ mang cất vào nhà rồi quên mất. Nếu gói hàng quá tệ hại, độc giả cần gì mang vào, sẽ rả tan theo mưa nắng.
Chưa hết, tựa đề bài thơ như một câu dặn dò. Khi đọc hết bài thơ, bổng dưng sự việc sáng tỏ nhờ lời nhắn đó.
Cuối cùng, tựa đề bài thơ là bài thơ. Thơ Cụ Thể chỉ cần một chữ. Thơ Hài Cú chỉ vài hàng chữ ngắn. Tựa đề bài thơ không có giới hạn, tự bản thân đã có thể là bài thơ giá trị.
Tôi hiểu
vì sao chim trong lồng
lại hót.
Đủ cho một bài thơ ngắn ý nhị.
Đố quí vị, vì sao chim trong lồng lại hót? Tại sao người nuôi chim, không nghe chim hót ngoài trời, lại thích nghe chim hót trong lồng?
Phải chăng vì chim trong lồng hót hay hơn chim ngoài trời? – Chỉ đúng một phần. Không thuyết phục.
Phải chăng vì chim trong lồng có tâm sự nên phải hót? Hót vì cứu cánh. Không như chim ngoài trời “ngứa cổ hót chơi.” Chim trong lồng hót thật. Chuyện này ai cũng biết cần gì phải mất công, tốn sức làm thơ.
Vậy thì tại sao?
Vì người ta muốn sở hữu tiếng hót và quản trị con chim. Cho ăn mới được ăn; cho uống mới được uống; không được phép hót trái giờ, lúc chủ đang ngủ. Quan trọng nhất là chỉ được hót trong lồng. Maya Angelou hiểu điều này rất rõ. Bề mặt, cứ tưởng như bà nói về chim hót. Thật ra, bà ám chỉ kẻ nhốt chim để sở hữu tiếng hót.
Mới đọc tưởng như bà dùng hai sinh hoạt: chim ngoài trời và chim trong lồng để so sánh và ẩn dụ về tự do và cưỡng chế. Nhưng tựa đề cho thấy, chim bay ngoài trời chỉ là phong cảnh phía sau, được xây dựng để làm nổi bật con chim bị nhốt trong lồng, vẽ nơi trung tâm bức họa. Chim buồn, chim băn khoăn, chim thao thức rồi chim hót.
Tự do chỉ là phong cảnh sau lưng, làm cho nổi bật mơ ước trong lồng: Một cơn gió mới.
2.
“On The Pulse Of Morning”
Cảm Xúc Nhân Quyền Bừng Lên Một Sớm Mai
(Bài thơ do chính thi sĩ Maya Angelou đã đọc trong ngày lễ nhậm chức Tổng Thống của ông William Jefferson Clinton. Nghe tại: https://www.youtube.com/watch?v=59xGmHzxtZ4.)
Bài thơ nói về sự đấu tranh nhân quyền của màu da đen. Không phải ngẫu nhiên mà bà Angelou được mời vinh dự đọc thơ trong buổi lễ nhậm chức tổng thống của ông Bill Clinton; cũng không ngẫu nhiên mà bà chọn bài thơ này để đọc cho toàn thế giới và người dân Hoa Kỳ nghe về một điều quan trọng của tạo hóa: Đó là quyền được làm người. Chính đường lối chính trị ủng hộ nhân quyền là con đường trường kỳ tranh đấu chống độc tài, các chế độ cực đoan; chính tâm trí của thi sĩ lạc lõng trong màu da, khắc khoải với định mệnh của da màu, đã đưa đến sự chọn lựa thái độ đấu tranh.
Đấu tranh nhân quyền là đấu tranh cho nhân loại.
Đấu tranh màu da là đấu tranh cho dân tộc.
Đấu tranh thể chế là đấu tranh cho đất nước.
Đấu tranh tư tưởng chính trị là đấu tranh cho đảng phái.
Đấu tranh nhân quyền bao trùm các đấu tranh khác nhưng mỗi đấu tranh khác chưa hẳn đã đại diện cho nhân quyền. Sự chọn lựa lãnh vực đấu tranh là việc hệ trọng cho tranh đấu. Nếu không chính chắn, sẽ rơi vào trường hợp bỏ sự lớn theo sự nhỏ.
Trên Nhịp Điệu Buổi Sáng, có lẽ nên nói rằng, Trong Cảm Xúc Sớm Mai Rộn Rã, bà Angelou đã bắt đầu bằng tứ thơ bao trùm toàn bài là sự hiện diện, sinh tồn, phát triển tự nhiên của viên đá, dòng sông và cây cối. Bà mượn ba hiện thực này để trở thành biểu tượng để đấu tranh. Đá nói lên sự trường tồn. Sông nói lên sự diễn biến nhưng bản chất không đổi thay. Cây nói lên sự tuần hoàn của sự sống, của những thế hệ sau, của sự xanh tươi, của sức chịu đựng bốn mùa mưa nắng.
” Viên đá, dòng sông, cây cối
Chủ các sinh vật quá vãng từ xưa
Bà mượn lời của đá, của sông, của cây để nhắc nhở màu da đen vượt qua những giai đoạn đen tối của nô lệ. Không chỉ là thời gian lịch sử mà quan trọng hơn chính là mặc cảm nô lệ vẫn ám ảnh dù trải qua nhiều thế hệ. Sự ám ảnh từ tự ti dần dần biến nhành thành tự kỷ, nhành khác thành tự tôn, nhành khác thành tự thất vọng về màu da dân tộc.
“…Đá thét to với chúng ta, rõ ràng, thuyết phục,
Hãy đến đây, đứng lên lưng tôi
đối diện với định mệnh xa vời…”
” Tuôn qua vách ngăn khắp thế giới
Dòng sông hát bài ca tuyệt vời
Hãy đến bên cạnh tôi nghỉ ngơi.
…hôm nay, kêu gọi các bạn đến ven sông,
Nếu bạn không còn chủ tâm chiến tranh nữa
Hãy đến đây mặc áo hòa bình, cùng tôi hát ca.”
” Hãy đến đây, bên tôi mọc rễ
tôi là cây cối nuôi bởi dòng sông,
sẽ không bị bứng gốc.”
Da màu bên cạnh da trắng là nỗi sợ hãi trước quyền lực. Sợ hãi này đã thâm nhập sâu xa vào tiềm thức, cho dù khó thấy trong sinh hoạt hàng ngày; cho dù trí tuệ chứng minh sự bình đẳng. Chống lại sự sợ hãi này, bà kêu gọi lòng can trường của trí tuệ và tâm tư, không phải là vũ khí giết người. Can đảm đối diện với định mệnh, như đá mãi tồn tại, đá nói:
“Đừng lẩn trốn dưới tôi trong bóng tối
Sẽ không có nơi nào cho các bạn ẩn thân.”
” các bạn sinh ra chỉ thấp hơn thiên thần một chút
sao lại cúi đầu quá lâu
trong bóng tối bầm dập,
Tự lừa dối quá lâu
Muối mặt vào ngu dại.”
Kiên trì như dòng sông chảy, xuống thác lên ghềnh, vẫn hát ca. Sông nói:
“Trước khi hoài nghi kề cò súng máu tanh lên trán
trước khi bạn chưa biết, đến giờ vẫn chưa biết gì.
Dòng sông tôi đã hát và tiếp tục vẫn hát.”
Bà Angelou dùng màu da đen như một thực tại của dân tộc nhưng bà không dừng ở đó. Bà kêu gọi thế giới, những dân tộc khác nhau, từ những dân tộc đã phai mờ như dân da đỏ, đến những khối đông dân chúng toàn cầu như khối Công giáo khối Hồi giáo, tất cả mọi người, hãy lắng nghe tiếng nói của đá, sông và cây:
“Đây là nguyện vọng cần đáp ứng
cho sông biết hát cho đá khôn ngoan
Vì vậy hãy nói, người Á Châu, người Tây Ban Nha, người Do Thái,
Người Phi Châu, người Da Đỏ, người Sioux,
Người Thiên Chúa Giáo, người Hồi Giáo, người Pháp, người Hy Lạp,
Người Ai-Len, giáo sĩ Do Thái, linh mục, tù trưởng,
Người đồng tính luyến ái, người bình thường, người thuyết pháp,
Người quyền hành, người vô gia cư, thầy giáo.
Họ nghe. Tất cả họ đều nghe…”
Đấu tranh cho nhân quyền, cho quyền sống, nhiều khi nghe mơ hồ và to tát. Nhân quyền cụ thể hơn trong quyền hành xử của một người, trong xã hội, trong thể chế chính trị và trong một quốc gia.
Đấu tranh quyền tự do chỉ là một phần của nhân quyền. Quyền được làm người bao trùm quyền được tự do. Đôi khi cần phải ý thức thứ tự cũng như cội nguồn của các loại quyền khác nhau trong quyền làm người, để đấu tranh có mục tiêu chọn lựa và chọn lựa có nghĩa là phải bỏ đi những gì yêu thích để chọn những gì có giá trị hơn.
Và bất cứ đấu tranh nào cũng cần sự can trường,
“Ngẩng mặt lên, các bạn cần xông tới
Đón bình minh trong buổi sáng tươi này.
Lịch sử, bất chấp bóp méo đau khổ
Không cần đổi thay cách sống, phải đối diện can trường,
hoặc không cần sống nữa.”
Bất cứ đấu tranh nào cũng cần lòng hăng say và mơ ước,
“Quắc mắt nhìn lên
Vì bạn trời rạng sáng.
Một lần nữa hãy tái sinh
cho mơ ước.”
Bất cứ đấu tranh nào cũng cần sự ý thức. Ý thức chính là rường cột của đấu tranh khi trí tuệ và tâm tư mâu thuẫn trước kế hoạch và hành động.
“Các bà, trẻ em, các ông,
Hãy cầm nó vào lòng tay.
Nặn nó thành hình thù riêng tư cần thiết.
Tạc nó thành hình tượng bản thân trong quần chúng.
Hãy năng nổ con tim.
Mỗi giờ mới nắm lấy nhiều cơ hội
Cho những khởi đầu mới.
Bạn không thể bị ràng buộc muôn đời
bởi sợ hãi, mang ách nặng mãi mãi
để đần độn.
Chân trời rộng mở phía trước,
Dâng hiến không gian chờ bước bạn đổi thay.
Đây, với nhịp điệu của một ngày tốt đẹp
Bà Angelou kết bài thơ bằng cụm chữ “hồn nhiên” và “hy vọng”. Đấu tranh thì hy vọng mà sống thì hồn nhiên.
“Đây với nhịp điệu của ngày mới
Các bạn được ân sủng để ngẩng mặt đi tìm
Trong mắt chị,
Trên khuôn mặt anh, quê hương của bạn
Và nói hồn nhiên
Rất hồn nhiên
Đầy hy vọng
‘ Chào buổi sáng ‘. “
Hãy đọc những bài thơ khác của bà để thấy thơ đấu tranh không cưu mang lời lẽ tuyên truyền. Thơ đấu tranh cần rung động thật sự từ sáng tác để truyền cảm xúc đến tâm tư cảm nhận của thưởng ngoạn; thơ đấu tranh cần một trái tim thơ thương mến và chia xẻ khổ nạn của nạn nhân, đối tượng của đấu tranh. Thơ đấu tranh cần trình độ nghệ thuật thơ để sáng tác không phải là khẩu hiệu ồn ào của một đám chữ nghĩa biểu tình trên trang giấy.
3.
Hai Mươi Bài Thơ Tuyển Của Maya Angelou
Những bài thơ tuyển có thể tìm thấy bản chính qua google hoặc tìm trong The Complete Collected Poems of Maya Angelou. Random House, 2012.
Khi Tôi Tự Nghĩ Về Mình
Khi nghĩ về bản thân,
Tôi cười gần chết về mình,
Đời tôi như chuyện tiếu lâm thú vị,
Như điệu nhảy trở thành đi
Như khúc hát trở thành nói,
Tôi cười sặc sụa gần đứt hơi
Khi tự nghĩ về mình.
Sáu mươi năm trong kiếp người
Đứa bé tôi hầu gọi tôi, cô giúp việc
Tôi trả lời, “Vâng, thưa bà” vì lợi ích làm công.
Quá tự hào để cúi xuống
Quá nghèo để thoát thân,
Tôi cười cho đến khi đau bụng,
Khi tự nghĩ về mình.
Dân tôi khiến tôi bị phân hóa
Tôi cười quá trời gần tắt hơi,
Chuyện họ kể , nghe như nói dối,
Họ trồng trái cây,
Nhưng chỉ ăn vỏ,
Tôi cười cho đến khi bật khóc,
Khi nghĩ đến dân tôi.
(When I Think About Myself)
Tôi Vẫn Trổi Dậy
Bạn có thể viết lịch sử bậy về tôi
bằng khắc nghiệt, lật lọng gian dối,
Bạn có thể khinh tôi như đất bùn
nhưng dù là bụi cát, tôi vẫn trổi dậy.
Tôi vô lễ bạn phiền lòng chăng?
Sao bạn cản ngăn với vẻ hắc ám?
Vì tôi hoạt động như có mỏ dầu
đang bơm tiền vào đầy phòng khách.
Cũng như mặt trời, như mặt trăng
kéo thủy triều đương nhiên dâng cuốn,
cũng như hy vọng vươn lên cao,
tôi vẫn trổi dậy.
Có phải bạn muốn thấy tôi suy sụp?
Phải cúi đầu, ánh mắt ươn hèn?
Vai oằn xuống xuôi rơi giọt lệ.
Hồn khóc than cho chí yếu mềm.
Tôi ngạo mạn có xúc phạm bạn?
Đừng cưu mang cho nặng gánh lòng
Vì tôi cười như mỏ vàng khai thác
đang đào lên từ sau sân nhà.
Bạn có thể bắn tôi bằng chữ nghĩa,
hoặc chém tôi bằng ánh mắt nhìn.
hoặc giết tôi bởi lòng ghen ghét,
nhưng như gió tôi vẫn trổi dậy.
Tôi khiêu gợi bạn khó chịu chăng?
Có phải điều này khá kinh ngạc
Tôi nhảy múa như được kim cương
giữa đôi chân nơi đùi gặp gỡ?
Từ những căn lều trong lịch sử nhục nhằn
Tôi trổi dậy
Trên quá khứ bắt nguồn từ khổ đau
Tôi trổi dậy
Tôi là biển đen, dâng cao, mở rộng
phun lên căng phồng theo triều cường.
Bỏ lại những đêm kinh hoàng khủng khiếp
Tôi trổi dậy
giữa rạng đông trong sáng lạ thường
Tôi trổi dậy
mang bản lãnh tổ tiên di truyền.
Tôi là giấc mơ, là hy vọng của dân nô lệ
Tôi trổi dậy
Tôi trổi dậy
Tôi trổi dậy.
(Still I Rise)
Gửi Chiến Sĩ Tự Do
Anh uống liều thuốc đắng.
Tôi nhấm nháp dòng lệ cố nén từ mắt anh,
Một chén cặn, vị Kỳ Nham ngâm trấu.
Ngực anh nóng lên,
Cơn giận dữ đen và lạnh lẽo,
Suốt buổi chiều còn lại, anh nằm mơ,
Tôi nghe tiếng rên, anh chết cả mấy ngàn lần.
Khi gậy đánh tới tấp vào thân xác
nơi hiểm hóc và mỏng manh, anh thấm đòn đau.
Tôi nghe rõ từ hơi anh thở.
(To a Freedom Fighter)
Mặc Cảm Tội Lỗi
Mặc cảm tôi về “xiềng xích nô lệ ” đã lâu lắm
tiếng loảng xoảng sắt rơi đã nhiều năm.
Chuyện anh bị bán, chuyện chị mất tích,
hóa oán hờn cay đắng, tráng kín trong tai.
Mặc cảm tôi viết ra thành nhạc đầy nước mắt.
Tội ác tôi vì ” anh hùng, chết và biến mất.”
như Vessy, Turner, Gabriel chết.
Malcom, Marcus, Martin King chết.
Họ tranh đấu quá độ, họ yêu thương quá nhiều.
Tội tôi là sống sót để kể lại.
Tội tình tôi ” treo cổ trên cây,”
Không hét la, khiến tôi hãnh diện.
Đối diện chết như nam tử hán.
Không phải vì gây ấn tượng đám đông.
Tội tình tôi ở nơi không thét lớn.
(My Guilt)
Trên Nhịp Điệu Buổi Sáng
Viên đá, Dòng sông, Cây cối
Chủ các sinh vật quá vãng từ xưa
Ghi lại dấu loài voi tiền sử.
Dấu khủng long truyền tích vết khô
của một thời lưu trú
trên hành tinh này,
Bất cứ báo động nào loan tin chúng sớm diệt chủng
đã mất vào tối tăm theo thế kỷ, bụi mờ.
Nhưng ngày nay, đá thét to với chúng ta, rõ ràng, thuyết phục,
Hãy đến đây, đứng lên lưng tôi
đối diện với định mệnh xa vời,
Đừng lẩn trốn dưới tôi trong bóng tối,
Sẽ không có nơi nào cho các bạn ẩn thân.
Các bạn, sinh ra chỉ thấp hơn thiên thần một chút,
sao lại cúi đầu quá lâu
trong bóng tối bầm dập,
Tự lừa dối quá nhiều
Muối mặt vào ngu dốt.
Miệng từng chữ lầm bầm
Vũ trang để tàn sát.
Giờ đây, đá thét lớn, các bạn có thể đứng lên tôi,
nhưng đừng che giấu mặt.
Tuôn qua vách ngăn khắp thế giới,
Dòng sông hát bài ca tuyệt vời,
Hãy đến đây bên cạnh tôi nghỉ ngơi.
Mỗi bạn là mỗi quốc gia bị giới hạn
Tinh anh và lạ thường đáng tự hào
Tuy thường xuyên bị đẩy vào vây khốn.
Vì lợi nhuận bạn vũ trang đấu tranh
Bỏ xiềng cổ thừa trên tôi như bờ rác,
dòng đổ nát tràn trên ngực tôi.
Tuy vậy, hôm nay, kêu gọi các bạn đến ven sông,
Nếu bạn không còn chủ tâm chiến tranh nữa.
Hãy đến đây, mặc áo hòa bình , cùng tôi hát ca
Tạo Hóa ban cho tôi
khi tôi và cây và đá là một.
Trước khi hoài nghi kề cò súng máu tanh lên trán
trước khi bạn chưa biết, đến giờ vẫn chưa biết gì.
Dòng sông tôi đã hát và tiếp tục vẫn hát.
Đây là một nguyện vọng thật sự cần đáp ứng
cho sông biết hát và cho đá khôn ngoan.
Vì vậy hãy nói, người Á Châu, người Tây Ban Nha, người Do Thái,
Người Phi Châu, người Da Đỏ, người Sioux,
Người Thiên Chúa Giáo, người Hồi Giáo, người Pháp, người Hy Lạp,
Người Ai-Len, giáo sĩ Do Thái, linh mục, tù trưởng,
Người đồng tính luyến ái, người bình thường, người thuyết pháp,
Người quyền hành, người vô gia cư, thầy giáo.
Họ nghe. Tất cả họ đều nghe
Lời nói của cây.
Hôm nay, lần đầu tiên và cuối cùng cho mỗi cây
nói với nhân loại. Hãy đến với tôi, nơi đây, ven bờ sông.
Hãy trồng chính bạn bên cạnh tôi, nơi đây, ven bờ sông.
Mỗi bạn, hậu duệ của lữ khách qua đường truyền lại, đã trả hết nợ đời.
Các bạn, đã đặt tên cho tôi,
Các bạn Pawnee, Apache và Seneca,
Các bạn quốc gia Cherokee, đã cùng tôi tin tưởng,
rồi bị cưỡng ép phải đi trên chân chảy máu tươi,
bỏ tôi lại làm công cho những kẻ thám hiểm khác —
tuyệt vọng kiếm lời, đói khát tìm vàng.
Các bạn, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Thụy Điển, người Đức, người Ê Cốt,
Các bạn người Ashanti, người Yoruba, người Kru,
Mua, bán, bị cướp giật, đến bằng cơn ác mộng
Để cầu xin cho một giấc mơ.
Hãy đến đây, bên tôi mọc rễ
tôi là cây nuôi bởi dòng sông,
sẽ không bị bứng gốc.
Tôi, viên đá, tôi dòng sông, tôi cây cối,
Tôi thuộc về các bạn — Đường bạn đi đã được trả xong.
Ngẩng mặt lên, các bạn cần xông tới
Đón bình minh trong buổi sáng tươi này.
Lịch sử, bất chấp bóp méo đau khổ
Không cần đổi thay cách sống, phải đối diện can trường,
hoặc không cần sống nữa.
Quắc mắt nhìn lên
Vì bạn trời rạng sáng.
Một lần nữa hãy tái sinh
cho mơ ước.
Các bà, trẻ em, các ông,
Hãy cầm nó vào lòng tay.
Nặn nó thành hình thù riêng tư cần thiết.
Tạc nó thành hình tượng bản thân trong quần chúng.
Hãy năng nổ con tim.
Mỗi giờ mới nắm lấy nhiều cơ hội
Cho những khởi đầu mới.
Bạn không thể bị ràng buộc muôn đời
bởi sợ hãi, mang ách nặng mãi mãi
để đần độn.
Chân trời rộng mở phía trước,
Dâng hiến không gian chờ bước bạn đổi thay.
Đây, trên nhịp điệu của một ngày tốt đẹp
Các bạn cầu mong được lòng can trường
Để ngẩng lên tìm kiếm với tôi.
Viên đá, dòng sông, cây cối, quê hương.
Không kém hơn so với vua Midas và hành khất (*)
Không kém hơn so với các bạn bây giờ và voi tiền sử ngày xưa
.
Đây trên nhịp điệu của ngày mới
Các bạn được ân sủng để ngẩng mặt đi tìm
Trong mắt chị,
Trên khuôn mặt anh, quê hương của bạn
Và nói hồn nhiên
Rất hồn nhiên
Đầy hy vọng
“Chào buổi sáng.”
(On The Pulse of Morning)
Ghi:
(*) Midas: Một vì vua trong thần thoại Hy Lạp, có khả năng biến mọi thứ thành vàng khi ông chạm tay vào.
Tôi Hiểu Vì Sao Chim Trong Lồng Lại Hót
Chim tự do cất cánh
trên lưng gió lửng lơ
bềnh bồng thả theo gió
cho đến lúc gió tàn
rồi chim chìm cánh lượn
trong tia nắng vàng cam
dám cùng trời thách thức.
Có con chim hiên ngang
đứng trong lồng hạn hẹp
hiếm khi nhìn xuyên qua
chấn song vây phẫn nộ
đôi cánh bị cắt lông
đôi chân bị dây cột
đành mở miệng kêu ca.
Chim nhốt lồng đang hót
sợ sệt tiếng run run
về những điều chưa hiểu
nhưng vẫn hoài ước ao
và tiếng hót vọng đến
nghe trên ngọn đồi xa
từ con chim tù hãm
đang hót kêu tự do
Chim tự do nghĩ về cơn gió mới
gió nhiệt đới dịu dàng qua rạng cây rì rào
bầy trùng lớn trong cỏ chờ bình minh sáng
và chim gọi bầu trời một cõi riêng.
Chim lồng đứng trên mộ phần mơ ước
bóng chim thét lên ác mộng thất thanh
đôi cánh cắt lông, đôi chân dây cột
đành thôi chim ngóng cổ hót vang.
Chim nhốt lồng đang hót
sợ sệt tiếng run run
về những điều chưa hiểu
nhưng vẫn hoài ước ao
và tiếng hót vọng đến
nghe trên ngọn đồi xa
bởi con chim tù hãm
đang hót kêu tự do
(I Know Why The Caged Bird Sings)
Bài Thơ Triệu Người Đi
Đêm kéo dài càng lâu,
Thương tích càng thêm sâu,
Hố hầm càng thêm tối,
Tường vách càng liêu xiêu.
Dưới bầu trời xanh đục trên bãi biển xa xôi,
Nắm tóc kéo lê tôi khỏi tầm tay bạn vói.
Tay bạn bị trói, miệng bạn bịt câm,
không thể kêu tên tôi thậm chí một lần.
Bạn bất lực, còn tôi cũng vậy,
Nhưng tiếc thay, suốt cả dòng lịch sử
Bạn trở thành nhục nhã điển hình.
Tôi nói, đêm kéo dài càng lâu,
Thương tích càng thêm sâu.
Hố hầm càng thêm tối.
Tường vách càng liêu xiêu.
Nhưng ngày nay, tiếng nói từ ngàn xưa linh hiển
gọi chúng ta bằng lời lẽ cao siêu,
Qua bao năm dài, qua bao thế kỷ,
Vượt biển cả, băng đại dương,
Nói rằng, hãy đến gần nhau,
Cứu nguy dân tộc.
Bạn được mua từ một nơi xa
Những bô lão nhắc nhở rằng xích xiềng nô lệ
đã trả tự do cho chúng ta nhiều lần.
Đêm kéo dài càng lâu,
Hố hầm càng thêm sâu,
Đêm càng thêm tăm tối,
Tường vách càng liêu xiêu.
Địa ngục chúng ta trải qua mà vẫn sinh tồn,
đã mài nhọn cảm quan, làm bền bỉ ý chí.
Đêm đã kéo quá dài.
Sáng nay nhìn thấu nỗi đớn đau của bạn
thấm tận tuyệt linh hồn
Tôi biết, với nhau chúng ta tạo nên tập thể.
Tôi xét bạn qua dáng dấp và cách giả hình
thấy được bạn yêu gia đình trong đôi mắt nâu lớn.
Tôi nói, hãy vỗ tay và đến cùng nhau họp mặt nơi này,
Tôi nói, hãy vỗ tay và đối xử với nhau bằng tình thương,
Tôi nói, hãy vỗ tay và để chúng ta bắt đầu từ những lối đi hửng hờ chậm chạp,
Hãy vỗ tay, đến với nhau để mở rộng con tim,
Hãy đến với nhau để sửa đổi tâm tính,
Hãy đến với nhau để tẩy rửa linh hồn,
Hãy vỗ tay, rời bỏ đời làm dáng
và ngưng giả mạo lịch sử của chúng ta.
Hãy vỗ tay, gọi tâm linh về lại từ hầm mỏ,
Hãy vỗ tay, mời niềm vui vào lời chuyện trò,
nhã nhặn trong phòng ngủ,
hòa nhã nơi nhà bếp,
tử tế trong vườn ươm cây.
Tổ tiên nhắc nhở chúng ta, bất chấp lịch sử đau khổ
Hãy hướng về những người đang tiếp tục đứng lên.
Và như thế chúng ta trổi dậy.
(Million Man March Poem)
Hồ Sơ Phúc Lợi Của Bà Mẹ
Cánh tay bà phơi bày mỡ đọng nơi khủy cùi chỏ,
Bàn tay mập ngắn ngủn đặt trên hông xếp nhiều lớp nhăn
Nơi xương cốt nhàn rỗi bao nhiêu năm chồng chất thịt mỡ và đậu ngự.
Cằm bà run lên bởi lời tố cáo
nói tới nói lui những tội rập khuôn.
Đám con bà, xa lạ những đồ chơi thơ ấu
chúng chơi giỏi nhất sau cánh cửa tối tăm,
chơi đuổi bắt trên mái nhà,
và biết tài sản người khác hấp dẫn.
Quá mập để chơi bời,
Quá mập để làm việc,
Bà tìm kiếm ước mơ
theo dấu hiệu may mắn
rồi đi tay không
vào phòng quan lại làm việc
xin phần của bà.
“Họ không cho tôi phúc lợi.
Tôi giật lấy”
(Momma Welfare Roll)
Một Mình
Đêm qua
Nằm dài, suy gẫm
Làm sao tìm nơi nương tựa cho linh hồn
Nơi nước không thèm khát
nơi bánh không cứng như đá
Tôi nghĩ đến một điều
tự tin không lầm lẫn
Rằng không có một ai
Sẽ không có ai
Có thể thoát khỏi đây một mình.
Một mình, hoàn toàn một mình
Không có ai, sẽ không có ai
Thoát khỏi đây một mình.
Có vài triệu phú
dư tiền không dùng
Vợ họ quay cuồng như bà thần báo tử (1)
Con họ hát buồn sầu
Họ dùng bác sĩ cao cấp
để chữa bệnh tim hóa đá.
Sẽ không có ai
Không, không có ai
Có thể thoát khỏi đây một mình.
Một mình, hoàn toàn một mình
Không có ai, sẽ không có ai
Thoát khỏi đây một mình.
Giờ đây, nếu bạn lắng nghe chăm chú
Tôi sẽ nói hết hiểu biết của mình
Mây bão đang tụ họp
Gió sẽ trổi lên
Chủng tộc con người đang đau khổ
Tôi có thể nghe họ than van,
Vì không có ai,
Sẽ không có ai
Thoát khỏi đây một mình.
Một mình, hoàn toàn một mình
Không có ai, sẽ không có ai
Thoát khỏi đây một mình.
(Alone)
GHI:
(1) Bashee: Trong thần thoại Ai-len, là người đàn bà như thần chết chạy báo tin khi có người sắp qua đời.
Bình Đẳng
Bạn tuyên bố, thấy tôi mù mờ
qua mặt kính không sáng,
dù tôi đứng trước bạn mạnh dạn,
sắp xếp hàng và đánh dấu thời gian.
Bạn thú nhận nghe tôi yếu ớt
như lời thì thầm xa khỏi tầm tai,
khi tiếng trống tôi tuôn ra thông điệp
với nhịp điệu không bao giờ đổi thay.
Bình đẳng, rồi tôi sẽ tự do.
Bình đẳng, rồi tôi sẽ tự do.
Bạn thông báo cách tôi làm bừa bãi,
nhanh nhẩu lôi người này kéo người kia,
nhưng nếu tôi chỉ là chiếc bóng của bạn
có bao giờ bạn hiểu được điều này?
Chúng ta sống suốt lịch sử thương đau,
chúng ta biết quá khứ xấu hổ,
nhưng hãy tiếp tục tiến lên,
và tiếp tục đi cho đến cùng.
Bình đẳng, rồi tôi sẽ tự do.
Bình đẳng, rồi tôi sẽ tự do.
Hãy tháo mắt che để nhìn thấy,
Hãy tháo tai chận để được nghe,
Hãy thú nhận bạn nghe tôi đang khóc,
và thấy nước mắt tôi đang rơi.
Hãy lắng nghe nhịp dồn thúc giục
nghe máu rộn ràng trong huyết mạch tôi
Vâng, trống tôi vẫn đánh vang đêm tối,
với nhịp điệu không bao giờ đổi thay.
Bình đẳng, rồi tôi sẽ tự do.
Bình đẳng, rồi tôi sẽ tự do.
(Equality)
Công Việc Phụ Nữ
Tôi có trẻ con phải chăm nom
Áo quần cần vá
Sàn nhà cần lau
Thức ăn cần đi chợ
Rồi gà phải chiên
Trẻ thơ phải thay tã
Công ty phải lo làm
Vườn nhà phải nhổ cỏ
Tôi có áo phải ủi
Các trẻ mặc áo quần
Thùng hộp phải cắt
Tôi phải dọn sạch căn lều
Sau đó thăm dò bệnh
và nhặt hái bông gòn.
Hãy chiếu sáng tôi, hỡi nắng mặt trời
Hãy đổ nước ướt tôi, hỡi mưa
Hãy rơi nhè nhẹ, hỡi những giọt sương
Làm mát trán tôi một lần nữa.
Bão tố, hãy thổi tung tôi từ đây
bằng làn gió ác liệt
Cho tôi bồng bềnh qua cõi trời
Cho đến khi được nghỉ ngơi lần nữa.
Tuyết ơi, hãy rơi dịu dàng
phủ kín tôi màu trắng
Những nụ hôn lạnh lẽo giá băng
cho tôi đêm nay yên nghỉ.
Mặt trời, mưa, bầu trời
Núi, biển, lá và đá
Ngôi sao sáng, trăng soi
Tất cả các ngươi là của riêng ta.
(Woman Work)
Hồi Tưởng
Bàn tay anh nhẹ nhàng,
trêu chọc đàn ong
làm tổ trong tóc em,
nụ cười anh hôn trên bờ má.
Nhân dịp này, anh ngã lên em,
nóng rực, sẵn sàng phun ra ,
thần bí cưỡng đoạt em mờ lý trí.
Khi anh ra đi
mang theo thân xác và kỳ diệu,
khi chỉ còn mùi hương
yêu đương bất tận trên đôi vú,
rồi, chỉ sau đó, em mới thiết tha
tận hưởng sự hiện diện của anh.
(Remembrance)
Bài Học
Tôi tiếp tục chết nữa
Huyết mạch tắc nghẽn, hở ra như
nắm tay nhỏ của trẻ em
đang ngủ.
Ký ức từ nấm mồ xa xưa,
Thịt da rữa nát và sâu trùng gặm nhấm
Không thuyết phục nổi tôi chống lại
sự thử thách. Nhiều năm
Và thất bại chán nản sống hằn lên
những vết nhăn trên mặt.
Làm mờ mắt, lúc này
tôi tiếp tục chết,
bởi vì tôi yêu đời sống.
(The Lesson)
Băng Qua Thời Gian
Màu da anh rực sáng bình minh
Còn da tôi thơm mùi hương xạ
Ai đó bôi lên từ khởi đầu
cho cuối cùng định số
Ngược lại, là kết cuộc
từ khởi đầu xác minh.
(Passing Time)
Người Phụ Nữ Phi Thường
Những phụ nữ xinh đẹp tự hỏi, bí mật của tôi giấu nơi nào.
Tôi không dễ thương, không có thân hình phù hợp thời trang như người mẫu.
Nhưng khi tôi bắt đầu kể cho họ nghe,
họ nghĩ tôi nói dối.
Tôi nói,
Bí mật nằm trong tầm tay,
quanh kích thước bờ mông
bước chân dài kiên quyết
trên vành môi cong.
Tôi là phụ nữ
phi thường.
Người phụ nữ phi thường
chính là tôi.
Đi vào căn phòng
rất mực bình thản,
đối với đàn ông,
kẻ đứng
người quì,
vây quanh tôi,
như bu tổ ong mật.
Tôi nói,
Bí mật là lửa trong mắt tôi
trong màu răng ẩn hiện,
từ yểu điệu lưng eo,
trên bước chân hớn hở.
Tôi là phụ nữ
phi thường.
Người đàn bà phi thường
chính là tôi.
Đàn ông họ tự hỏi
đã thấy gì trong tôi.
Họ ra sức cố gắng
nhưng không thể chạm vào
trong tôi niềm bí ẩn.
Khi tôi cố trình bày
họ nói vẫn chưa thấy.
Tôi nói,
Bí mật từ lưng ong
từ nụ cười rực nắng
từ bờ ngực phập phồng
từ dáng điệu uyển chuyển.
Tôi là phụ nữ phi thường
Người đàn bà phi thường
chính là tôi.
Bây giờ chắc bạn hiểu
vì sao tôi không cúi đầu.
Không kêu than không nhảy đựng
hoặc phải nói lớn tiếng.
Khi thấy tôi đi qua,
sẽ làm bạn hãnh diện.
Tôi nói,
Bí mật từ tiếng giày gõ xuống
trên mái tóc bồng bềnh
trong lòng tay cần thiết
chăm sóc tôi.
Vì tôi là phụ nữ
phi thường.
Người đàn bà phi thường
chính là tôi.
(Phenomenal Woman)
Mục Sư, Xin Đừng Gửi Tôi
Khi tôi chết
xin mực sư đừng gửi tôi
đến khu da đen đông đảo
trên thiên đàng
nơi chuột ăn thịt mèo
giống mèo dữ như báo
và Chủ Nhật ăn trưa
lòng bò với bột mì khuấy đặc.
Tôi biết loại chuột này
thấy chúng như sát thủ
còn bột mì tôi chứa
đống đống như ngọn đồi
có thể cao như núi,
vì vậy điều tôi cần
mỗi Chủ Nhật từ ông
là một tín ngưỡng khác.
Mục sư, xin đừng
hứa với tôi
vàng lót đầy đường phố
sữa tươi uống vô tư.
Tôi đã ngưng uống sữa
từ độ lên bốn tuổi
một khi đã chết rồi
tôi không cần vàng nữa.
Tôi đã gọi một nơi
đúng mực là thiên đàng
nơi gia đình trung nghĩa
kẻ lạ mặt dễ thương,
nơi nhạc Jazz ngự trị
mùa nào cũng mùa thu.
Xin hãy hứa như vậy
hoặc đừng hứa gì hết.
(Preacher, Don’t Send Me)
Người Ơi, Vì Sao Họ Hạnh Phúc?
Lột da tận chân răng, khốn khiếp!
nhúc nhích đôi tai
cười theo năm tháng
đua thời gian
hằn trên khuôn mặt.
Nhếch má lên, cậu trẻ da đen,
nhăn mũi.
cười nhe răng khi những ngón chân
đào sâu
vào huyệt mộ.
Đảo tròn đôi mắt lớn, cô bé da đen,
nhớ bọc cao su lên đầu gối, (*)
cười khi hàng cây
cong xuống
theo dòng họ cô.
(Why Are They Happy People?)
(*) Ý nói các cô da đen thường giúp việc dọn nhà. Bọc đầu gối để quỳ xuống lau sàn.
Họ Trở Về Nhà
Họ trở về nhà, kể cho vợ nghe
rằng chưa bao giờ trong đời sống,
họ gặp một phụ nữ như tôi,
Nhưng… họ đều trở về nhà.
Họ nói nhà tôi sạch sẽ vô cùng,
mỗi lời tôi nói đều mang ý nghĩa,
và tôi có sắc khí huyền bí,
Nhưng….Họ đều trở về nhà.
Tất cả đàn ông đều khen ngợi tôi
thích tôi cười, bờ mông, sự dí dỏm
họ ở lại một, hai, ba ngày.
Nhưng mà…
(They Went Home)
Nước Mắt
Nước mắt
như vải vụn pha lê
như giấy rách trơn nhớt
từ linh hồn mỏi mòn.
Rên rỉ
như bài hát thiên nga thâm trầm
như lời giã biệt buồn bã
từ giấc mơ qua đời
(Tears)
Một Ngày Trong Sáng, Tuần Sau
Vào một ngày trong sáng, tuần sau
Trước khi bom thả xuống
Trước khi thế giới tận cùng
Trước khi tôi chết
Tất cả nước mắt tôi trở thành bột
Đen trong hoàng hôn như bụi tro
Đen như bụng Phật Di Lặc
Vừa đen vừa nóng vừa khô
Sau đó, lòng xót thương rơi rụng
Rơi xuống theo thánh thần
Rơi trên đám con trẻ
Rơi từ trời cao
(On a Bright Day, Next Week)
Tuổi Mười Ba (Da Đen)
Mẹ em quá tháo bỏ nhà đi,
Cha em nhập ngũ vào trận chiến,
Chị em đứng đường.
Em tuổi mười ba, Nhập Cuộc.
Anh họ em nhậu nhẹt,
Chú bác em hút xách,
Bạn thân em du đảng,
Bắn vì thích thú.
Em tuổi mười ba, Nhập Cuộc.
Còn em, khiến tôi buồn lo
nhập cuộc lẻ loi
Tôi muốn gán em điều bẩn thỉu
Nhưng không còn gì để nói
Ngoài trừ
Em tuổi mười ba. Nhập Cuộc.
(The Thirteen ‘Black’)
======================