Thơ Trần Quốc Toàn

IMG_20200416_211524

 

Bông hoa gạo mất ngủ

Bóng tối, nghe như lũ chim trời đã mộng thấy những hạt lúa vùi đầu trong bão dông,
ô cửa thời tiết thâm quầng, phủ đầy gió, sương,
bên kia núi, là mặt trời ở một thế giới khác,

[thế giới của trí tưởng, tôi thở dài, chú tôi bảo, niềm im lặng tận cùng sẽ đưa ta thoát khỏi mọi khổ đau& phiền não]
nơi chú tôi đang chăm sóc lũ chim trời, cùng buổi chiều tháng ba, dòng nước có vẻ suy tư hơn,
thời gian co lại trong hốc cây, chú bảo tôi rong rêu cũng biết buồn đó cháu,
vũ trụ này như cái sân vuông, thời con nít tụ tập đá bóng,
thời chưa biết gì là đau thương hay huyễn mộng,

chú vuốt mái tóc bạc rồi lại nhớ ngôi làng phía đông,

nơi hạt lúa trời [chú kể là giống lúa trời nuôi, vì nó không cần chăm bón bởi tay người] lúa trời tháng ba trên non cao có con mèo ngủ rất lâu trong rừng, tôi mê về những khúc ca mà chú đã cho lũ chim trời gù rụ cả mùa hạ,
tháng ba năm nay có vẻ như người lính ngủ rất lâu trong rừng, tiếng chó ma tru tréo đâu đó phía đông làng
chuyện nghìn năm người di cư hay ẩn khuất những chuyện nghìn năm dấu vết những đền đài,

bầy cò bặt dạng, và tháp đền u linh, những nghìn năm lại hoang tàn,

có vẻ như nơi ta trú ngụ lại mang một khuôn mặt khác của rêu phong, của cát bụi.

và tôi đang học cách để chăm sóc lũ chim trời,

từ cách thức tồn tại mà chú tôi đã truyền lại,

khi đêm tháng ba,

bông hoa gạo mất ngủ dưới ngọn núi của những con chim đang ngủ mơ…

 

 

Vẳng tiếng cầu kinh

 

con đường xuống núi, dắt người ra khỏi tiếng kêu buồn bã, người nghĩ buồn bã là cách thức để làm hồn cây cỏ, mây trời, trở về chốn thâm sơn cùng cốc, nơi con chim tete gọi gió núi nóng rát, người cầm trong tay một cây kiến cò, mắt mở to nhìn hoa nở tinh khôi,
chắc có lẽ mùa đã rục,
em bé đến hỏi chú sâu về những bông hoa
hoa của bầu trời,
vì sao con ong tìm đến,
mẹ là mẹ đất, nước, khí, trên cánh đồng hạt lúa là giọt máu,
ai! hòn đất tự lật lồng ngực dòng sông
sông cỏ nhìn trời ca thán,
bầy chim sẻ bị bẫy trên cánh đồng,
người nhớ miền quá khứ như chiếc chảo dầu đang đun sôi
tiếng con xuyên sơn vùi mặt tổ kiến
non nước ngồi cào cấu gió mưa tang,
người đi qua cây Phong Du, mặt trời trèo lên trên tổ quạ,
nghe đâu đây, tiếng trẻ con dưới xóm đang khóc, những cọng lá cháy, những cái giếng khô,
tơ bông gòn đắp mặt miễu đình,
vẳng tiếng cầu kinh,
phút giây đó, đầy cảm hứng, đầy bi hoang mà cũng đầy những rung động như là tiếng chim hót, hay là cây cỏ đang hát, tiếng hát từ nỗi thống khổ bao giờ cũng đầy huyết lệ…

 

Những rạn vỡ ban mai (1)

 

dòng thời gian dài như tiếng gió thổi trong tâm hồn, kiên nhẫn và đầy ảo tượng,
mùi thơm của khát vọng, trên đường hoa,
gập ghềnh, uẩn khúc, để nhìn thấu tận cõi miền khi ánh trăng là đôi mắt của chim,
là cuộc tìm kiếm, đào bới, có khi vui buồn cũng là cuộc trăn trở ý thức, trăn trở và hoài nghi,
sinh tồn trong hiện tại, thế là một lần bước vào cánh cửa tưởng tượng, những kí hiệu tiếp nối, bỗng nhiên nhận ra dấu chân của nghìn năm âm thầm ghi lại, đấy có phải là lúc khu vườn lưu trữ ánh sáng, khuôn mặt ngày con ong trên đường bay, gieo hạt âm dương, đất đai khi giọt mưa thấm vào sự cằn cỗi, trong thân thể tứ đại này, bật lên mầm sống, rồi chuyển tiếp cơ sự trong tuần hoàn não trạng, miên man không dứt,
và từ đó, mây đã làm cho dòng nước thêm sắc màu
người đã hát, tiếng hát của chú dế, của suy tư, của ngày và đêm, những rạn vỡ ban mai, dấu ngày như vệt khói loan tin, rằng thế giới đang làm cuộc tẩy trang khuôn mặt sự sống,
kiên nhẫn, như chiếc lá đã kiên nhẫn đợi mùa gió mang đi màu xanh, tái tạo lại buổi hoàng hôn ảo tượng,
lọn tóc khói, nhúm lông & mây
thắp lên khuya trăng,
có tán lá mùa hè, con kì nhông cuộn buồng trứng, tôi mơ thấy mặt đất rạn nứt, và tiếng gió, ngoài kia những khuôn mặt người, rớt đầy trên tro tàn…

 

Những rạn vỡ ban mai (2)

 

ai cúi nhặt hoàng hôn chút nước mắt mặt trời,
câu thơ chôn vùi trong ý thức, đêm chợt loé lên,
con ngựa lá cõng những âm run,
có lẽ, chợt nhớ kiếp trước,
trên những mái ngói đã thấm máu của hồn biển
gốc cây mùa chim trú tiếng hót,
tôi thấy âm bản buổi trưa khói thốc,
đá nhớ bầy người tối cổ đang vẽ lên tâm thức lông lá cách họ làm ra lửa
cách con người đương đại đang cắt cổ những dòng sông
thiêu rụi rừng, thọc huyết những đền đài, hủy diệt tiếng nói sơ khai,
đêm, giọt máu loài dạ du trên lối về bản địa
tiếng cơm sôi, tiếng trẻ con nghìn năm hiện về,
bầu vú thiên nhiên đầy những dấu răng độc,
những vòm khăn gió chướng
cỏ lau hồn vỡ trời hiu hắt
những khuôn mặt rụng tả tơi trên đất,
trong giấc mơ khăn trắng, quạ đen & lửa cõi âm hồn…

 

 

Mật ngôn cát trắng

vào một ngày người về nơi dốc gió, nghe thấy tiếng lòng lắng nhịp phù sa, xin chia nhau khoảnh khắc này đây,
đá, từ lúc dấu hương bỏ quên loài cây ngủ lâu trong thanh âm, rỉ rả ngọn núi
đặt lại căn cước cho miền đất an trú
bay về trời câu hát chim trích,
ấu thơ ơi! tầm gửi lọn củi giấc mơ chim ca lăng tần già, cửa chuông gác sách trăng mối gặm,
đã ngàn đêm như những giọt tinh vân còn đọng khuya
loài hoa bão,
ai đi như triều cường dâng cõi mộng biên thùy,
cuối đầu sửa sang dấu chân người
huyệt lạnh mật ngôn cát trắng lưu hồn xưa đất cũ
này cây Sơn Nữ, lòng mùa rắc sương âu lâu, chim nhảy trên
thành phố rêu, có nỗi buồn khắc khoải, Thị Nại am gốc liễu hạt giống
gieo giọt máu hời rát mang cá
rồi nhớ chim khách ngõ vào chiều tối
kinh đêm,
người rung chuông gió Nhật Nguyệt
rêu rao bóng tối, thắp lại sự tàn úa phai phôi, phía dưới những tấm phên nứa, là nghe tiếng vỗ tay của đền đài,
lẽ nào, đền đài lúc này là làng mạc với bản thảo, nửa đêm không trọn một ý tưởng
khi khuya sớm gõ dấu luân trầm tiềm thức lên đá,

 

Hoài cổ

Lắng nghe, những niềm riêng, cuộc đối thoại của lửa, hay là định nghĩa nối liền sự ẩn dụ của đất, nơi phù dung ngát hương, là lúc tâm người đến ngưỡng phải xô đẩy hình bóng ngàn xưa,

người bảo rằng,
hãy như bầy ong đi tìm mật,
trong muôn vạn sự khởi đầu
tâm tư đá núi
những nét hoa văn trên cơ thể xứ sở
hãy thổi lửa vào,

máu sẽ cháy liên hồi, giục trống hoan ca,
và cài khuya vào gối hát mộng…

gió phù nam thổi thốc vào tôi, dòng sông vang lên tiếng kêu của phù sa, của đền tháp…

 

Tiếng nói nào theo ta suốt cả hành trình,
từ vô thức, đến khi nghe ra sông nước có lời của cỏ cây;
hoà mình với mây bay, là nhìn ra dấu chân của chú ngựa, đang phi nước đại trong trí tưởng của tuổi nhỏ,
từ lúc thế giới hình thành, và ta đã nghe được những niềm riêng của sự sống,
quán tưởng, trăng trôi qua năm tháng,
và cơn gió mùa ùa về buổi chiều hương thơm của hoa,
như lãng du vào miền quá khứ vô định…

 

Trăng làm con ốc sên ngậm sương khuya,
rồi dò tìm đường đi, khi nào không khí làng quê chưa mất dấu, con ốc sên sẽ mãi ôm trong lòng mình một niềm hoài cổ đẹp…

Comments are closed.