Cho nhau một chút mùa thu

Đào Như

image

                                   Cô gái gánh hàng hoa qua cổng chợ. Ảnh trên Internet, Thăng Long 1K                

Trời cuối tháng Chín, sau vài ngày nắng gay gắt khi mặt trời quay trở lại từ Bắc Cực và đi qua thành phố, cũng bắt đầu mùa táo chín, mùa Thu thật sự trở lại Chicago. Khí lạnh cùng gió heo may chợt tràn về. Loài di điểu từng hàng lớp lìa bỏ Chicago, lặng lẽ soi mình trong đáy hồ Michigan, cùng nhau bay về vùng đất ấm. Đàn ngỗng trời gọi nhau nghe tha thiết. Hồ Michigan bắt đầu tập thở sương khói mùa Thu mặc dầu màu mây chưa kịp ngả màu vàng đục. Hình như người Chicago không ai mấy bận tâm khi hàng phong trên đường phố lưa thưa nhuộm lá vàng. Các cô con gái Chicago vận thêm chiếc áo choàng nhẹ màu đỏ đủ làm hồng thêm đôi má. Màu mắt, màu tóc của họ vẫn còn giữ được màu vàng óng ả, dư âm của mùa Hè vừa đi qua. Sau bốn mươi năm dừng chân ở Chicago, tôi giật mình khi cảm thấy đã ký thác hồn mình trên từng sắc lá Thu phong mỗi khi mùa Thu trở về thành phố thân yêu này.    

Thầm kín cùng với mùa Thu, những mất mát đau thương, những hoài niệm, những tình yêu cũ, những bia mộ gối chăn của những ngày cũ thầm lặng trở về cùng với gió heo may. Nghe gió mùa Thu thì thầm qua khe cửa, đêm nào thao thức nghe giọt mưa Thu, ai đó có trở nghiêng gối mộng tiếc nuối những mối tình theo mùa Thu đi, như nước chảy qua cầu.

Mùa Thu là khoảnh khắc của giã từ: “Người lên ngựa, kẻ chia bào – Rừng phong Thu đã nhuốm màu quan san – Bụi hồng ngựa cuốn chinh an – người đã khuất mấy ngàn dâu xanh – Người về chiếc bóng năm canh – Kẻ đi muôn dậm một mình xa xôi – Vầng trăng ai xẻ là đôi – Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường…. Đó là phút giây nàng Kiều của cụ Tiên Điền Nguyễn Du tiễn biệt Thúc Sinh lên đường trở về Lâm Truy. Phải chăng đó cũng là luật vô thường, có hợp có tan, có mùa Xuân phải có mùa Thu. Mùa Thu cũng là khoả`nh khắc của mất mát, của nhớ nhung, của hoài niệm khôn nguôi. Lưu Trọng Lư nghe cả “Tiếng Thu” trong lòng người “cô phụ”: “Em không nghe mùa Thu – Dưới trăng mờ thổn thức – Em không nghe rạo rực – Hình ảnh người chinh phu – Trong lòng người cô phụ – Em không nghe mùa Thu – Lá Thu kêu xào xạc – Con nai vàng ngơ ngác – Đạp trên chiếc lá vàng khô… Phải chăng mùa Thu cũng là khoảnh khắc những người yêu thường tìm đến nhau, “rạo rực hình ảnh kẻ chinh phu – Trong lòng người cô phụ. Cung Trầm Tưởng vẽ bức tranh này với bút pháp đậm đặc hơn: “Mùa Thu Paris – Tràn dâng đôi mi – Người em gác trọ – Sang anh gót nhỏ thầm thì…

Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, hôm nay tuổi vừa ngoài tám mươi, tôi vẫn không quên được tiếng hát của ai đó năm nào đã từng hát cho tôi nghe bài hát của Trịnh Công Sơn: “Nhìn những mùa Thu đi – Em nghe sầu lên trong nắng – Và lá rụng ngoài song – Nghe tên mình vào quên lãng – Nghe tháng ngày chết trong Thu vàng…. Xin cám ơn Người đã tạc vào lòng tôi hình ảnh tuyệt vời khi “Nhìn những mùa Thu đi” trên vùng đất trích, sau gần 48 năm, tôi vẫn còn nhớ tiếng hát rào rạt truyền cảm của Người…

Biết làm sao nói cho hết được những cảm xúc về mùa Thu của thiên hạ hay của chính lòng mình… Trong nền văn học Pháp, các nhà nhà văn Anatole France, Alphonse Daudet đến các nhà thơ lãng mạn như Lamartine, Victor Hugo, Rimbaud, Guillaume Apollinaire, nhất là nhà thơ Paul Verlaine, ai cũng hơn một lần vấn vương với mùa Thu. Phải chăng mùa Thu là tiếng tơ lòng của mọi thi nhân, hiền sĩ. Đây là bài thơ Chanson d’Automne của Paul Verlaine (1844-1896) vang danh muôn thuở:

CHANSON D’AUTOMNE                                        TÌNH KHÚC MÙA THU

Les sanglots longs                                                   Tiếng Thu nức nở

Des violons                                                                Tiếng vĩ cầm

De l’Automne                                                            Của mùa Thu

Blessent mon Coeur                                                 Khiến tan nát hồn ta

D’une langueur                                                          Theo điệu buồn

        Monotone….                                                               Miên man…,

Tout suffocant                                                            Cảm xúc nghẹn ngào

Et  blême, quand                                                        Ta thán mình ta, Khi

Sonne l’heure                                                              Nghe thời gian qua

Je me souviens                                                            Tôi nhớ lại chuyện                                                                         

Des jours anciens                                                        Những mùa Thu cũ

       Et je pleure                                                                  Và tôi khóc một mình

Et je m’en vais                                                              Và tôi đi theo

Au vent mauvais                                                           Ngọn  gió vô tình

Qui m’emporte                                                              Mang tôi đi khắp

Deca,  delà                                                                      đó, đây                                                      

Pareil à la                                                                        Như chiếc lá úa

       feuille morte…                                                               vàng bay

Cả bài thơ là một điệu nhạc buồn đượm màu hồng của máu từ trái tim của độc giả, vừa đau khổ và cũng vừa cảm khoái vì được chia sẻ tận cùng với nhà thơ Paul Verlaine mối tình lãng mạn của Tình khúc mùa Thu… Bài thơ Chanson d’Automne – Paul Verlaine, cũng như một số bài thơ khác của các tác giả Pháp, đưa cả cảnh vật thiên nhiên vào lòng người, những bài thơ hướng nội, để rồi họ buồn phiền với nỗi lòng riêng mình…

Nhưng với các nhà thơ cổ điển Việt Nam như cụ Tam Nguyên Yên Đổ, với phong cách của nhà hiền triết, với chiếc thuyền con thả neo ngoài vòng thời gian, nhập hồn mình với sương khói mùa Thu: “Ao Thu lạnh lẽo,nước trong veo – Một chiếc thuyền con bé tẻo teo – Sóng biếc theo làn hơi gợn tí – Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo – Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt – Ngõ trúc quanh co khách vắng teo – Tựa gối ôm cần lâu chẳng được – Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Đọc xong bài Thu điếu của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, chúng ta thấy tâm hồn mình thăng hoa, nghĩ đến thân phận cô đơn của con người trước cảnh vô thủy vô chung của thời gian và không gian vô tận…

Tất cả hình ảnh trên chỉ là hình ảnh mùa Thu trong thi ca và âm nhạc, hội họa… Nhưng hình ảnh mùa Thu trong thực tế, trong đời thường trong mỗi chúng ta hôm nay có lẽ sâu sắc và đậm nét hơn. Sống ở xứ người đã hơn bốn mươi mùa Thu, chúng ta vẫn nhớ đến mùa Thu ở quê nhà, nhất là những ai đã được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, khi nhìn thấy chiếc lá Thu phong nhuộm vàng tại quê người làm sao quên được khoảnh khắc chiếc lá bàng nhuộm đỏ tại quê mình. Đó cũng là lúc khởi đầu nguồn gió lao xao sóng nước Hồ Tây, năm cửa ô tràn ngập gió, nước sông Hồng bắt đầu vẩn đục, dâng lên xanh đậm bờ. Những cô con gái hàng hoa “gánh mùa Thu qua cổng chợ, với những chùm hoa tím ngát mùa Thu” (1). Làm sao quên được đêm mùa Thu Hà Nội ngạt ngào mùi hoa sữa, phố Hà Nội với mái ngói rêu phong, các cô con gái bờ môi đậm đỏ bích đào với áo dài nhung màu huyết dụ của ai vẫn còn lẩn quẩn đâu đây trong ký ức mơ hồ khắc khoải…

Sáng hôm nay tại Chicago, bất chợt gặp chiếc lá thu phong bay lạc vào căn xếp nhỏ, tôi thấy hồn mình bâng khuâng trước cảnh biệt ly của vạn vật vào mùa Thu, nhìn ra hồ Michigan “Đàn sếu vừa ra đi – Gọi nhau nghe tha thiết – Lá vàng theo dòng nước – Giục giã niềm chia tay – Ngậm ngùi thương hoa cúc – Cùng  mùa Thu ở lại…” (2)

 Đào Như

Thetrongdao2000@yahoo.com

Sept-21rd -2016

Chú thích:

(1) Em ơi! Hà Nội phố, thơ của Phan Vũ, 1972.

(2) Thơ của tác giả Đào Như.

 

 

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.