Đọc CON MÈO TRỜI của dịch giả Hoàng Thạch Quân

Cao Thu Cúc

con meo troi 015Tôi vừa nhận được một quyển sách dịch từ Việt Nam gởi qua. Đó là cuốn Con Mèo Trời. Nguyên tác là: The Cat Who Went To Heaven của nhà văn Mỹ Elizabeth Coatsworth. Bà Elizabeth Coatsworth (1893-1986) có một thời gian du lịch khắp châu Á, năm 1930 bà viết cuốn sách này và năm 1931 nhận được giải thưởng Newbery Award.

Cuốn sách được Hoàng Thạch Quân chọn dịch ra tiếng Việt. Giới trẻ ở Việt Nam không lạ gì với tên dịch giả Hoàng Thạch Quân bởi vì 15 năm trước Hoàng Thạch Quân đã ra một cuốn sách dịch cùng với học trò của mình và rất thành công. Quyển sách nhỏ Những Câu Chuyện của Người Thầy đã được nhà Xuất Bản Trẻ xuất bản và tái bản tới lần thứ sáu, đó là chưa nói đến quyển sách cũng nằm trong danh sách được in lậu bởi nạn chợ đen.

Con Mèo, vận may hay rủi?

Con Mèo Trời được sáng tác dựa trên một câu chuyện ngụ ngôn của Nhật Bản, bà Coatsworth viết bằng tiếng Anh dưới dạng truyện dành cho trẻ em và được Hoàng Thạch Quân dịch lại với một lối văn nhẹ nhàng trong sáng đầy cảm xúc giống như trong nguyên tác.

Câu chuyện viết theo thể loại sách cho trẻ em, về đề tài loài vật nhưng lại mang một ý nghĩa sâu xa, nói đến lòng từ bi vô biên của đức Phật.

Câu chuyện xảy ra giữa chàng họa sĩ nghèo và con mèo do bà lão giúp việc đem về.

Con mèo, theo quan niệm chung, thường đem đến vận xui hơn là điều may mắn. Việt Nam có câu: Mèo đến nhà thì mạt, chó đến nhà thì sang. Nhưng trong nhiều truyện khác thì con mèo cũng đem đến sự may mắn giàu sang cho chủ của nó. Câu chuyện kể của bà lão giúp việc về những con mèo trong tranh vẽ của một cậu bé đã giúp cậu thoát chết đã thuyết phục được chàng họa sĩ chấp nhận con mèo. Câu chuyện trở nên xoay chiều thuận lợi hơn cho con mèo khi một vị sư trụ trì tìm đến nhà chàng họa sĩ nhờ chàng vẽ bức tranh Đức Phật tạ thế. Chàng họa sĩ bắt đầu tin là con mèo đã đem lại dịp may cho chàng vì đây là cơ hội ngàn vàng để chàng tiến đến bước đường danh vọng giàu sang.

Lòng từ bi của Đức Phật

Khởi điểm của lòng từ bi của đức Phật là từ lúc còn là hoàng tử xứ Ấn Độ hưởng cuộc sống giàu sang, chứng kiến cảnh đau khổ của chúng sinh, hoàng tử bỏ nhà đi tu dưới gốc cây bồ đề và cuối cùng đắc đạo thành Phật. Chàng họa sĩ phải nhập vai vào cuộc sống của đức Phật qua mỗi chặng đường để tìm cảm xúc sáng tác. Lòng từ bi của đức Phật càng tăng lên qua nhiều kiếp sống trong quá khứ dưới nhiều kiếp sinh linh khác nhau.

Cứ mỗi lần nhập vai như vậy, chàng họa sĩ như thấy lòng mình hân hoan và thấm nhuần thêm lòng từ bi của đức Phật. Mỗi ngày con mèo nhỏ ra vô xem chàng hoạ sĩ vẽ, và mỗi ngày chàng nhìn con mèo với đôi mắt nhiều tình cảm hơn.

Vẽ xong chân dung Đức Phật nằm trong tư thế bình an ở giây phút cuối cùng, chàng họa sĩ bắt đầu vẽ những thần người và sinh vật… đến tiễn biệt và được đức Phật ban phép lành, chàng họa sĩ ngạc nhiên khi trong bức tranh tái hiện sinh động đó không thấy có con mèo. Theo truyền thuyết con mèo vì kiêu ngạo không chấp nhận lời dạy của ngài nên không được Phật ban phép lành.

Nhưng con mèo của chàng? Trông nó đáng yêu và ngoan ngoãn như một tín đồ ngoan đạo, làm sao chàng gạt bỏ nó ra ngoài được?

Đây là giây phút gay cấn nhất của chàng họa sĩ: vẽ con mèo hay không vẽ con mèo vào bức tranh?

Nếu vẽ con mèo vào bức tranh, cả tiền đồ của chàng sẽ sụp đổ, mà không vẽ con mèo thì lòng chàng đau xót khi thấy con mèo thất vọng. Một sinh vật bé nhỏ hiền lành như vậy nở nào Đức Phật lại đóng kín cửa Niết Bàn trước mắt nó? Câu chuyện đưa ra một thách thức lớn để thử thách lòng tin. Không muốn đánh cược với số phận nhưng với lòng từ bi vô biên như đức Phật, cuối cùng chàng họa sĩ vẽ con mèo vào bức tranh.

Chúng ta hãy xem có gì xảy ra? Một kết quả bất ngờ? Một phép lạ sắp xảy đến?

Đúng như vậy. Câu chuyện được giải quyết theo nhãn quan của đạo Phật. Quyết định vẽ con mèo vào bức tranh là chàng họa sĩ đã nói lên trọn vẹn lòng thương xót chúng sinh vô biên của giáo lý nhà Phật. Với tâm Phật, chàng họa sĩ vẽ con mèo để chứng tỏ: Tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật. Và con mèo đã được Đức Phật ban phép lành. Một kết thúc có hậu làm thỏa mãn tình cảm của người đọc nhất là các em bé.

Một câu chuyện viết cho các em nhỏ nhưng chứa đựng một bài học lớn, liệu các em bé có nhận ra được không? Nhưng với lối văn đầy cảm xúc trong nguyên tác cũng như trong bản dịch, các em bé với tâm hồn nhạỵ cảm trong sáng, chắc chắn sẽ tiếp nhận được tình yêu thương dành cho muôn loài toát ra từ tác phẩm.

Thị trường sách dịch ở việt Nam từ lâu thật vô cùng bát nháo, nhưng gần đây đã có Giải Thưởng Sách Hay do Viện Nghiên Cứu Phát Triển Giáo Dục thành lập giúp giới trẻ dễ dàng tìm thấy những sách nên đọc. Hoàng Thạch Quân đã từng nhận được Giải Thưởng Sách Hay, chắc hẵn với quyển Con Mèo Trời và những quyển khác lớn hơn mà anh đã dịch (Sống Sao Trong Thời Đại Số – The New Digital Age) và đang dịch sẽ tiếp tục nằm trong danh sách Giải Thưởng Sách Hay của Việt Nam. Là một giảng viên dạy Anh Văn ở trường Đại Học Tổng Hợp Sài Gòn, cộng thêm sau bảy năm du học ở Mỹ lấy bằng Tiến Sĩ về nghiên cứu văn hoá Mỹ trở về, Ts. Hoàng Thạch Quân giờ đây tiếp tục dạy học và dịch sách, mong đem nhiều kiến thức mới về cho giới trẻ Việt Nam.

Con Mèo Trời là một chọn lựa rất đúng vì có nội dung tôn giáo hướng người đọc đến một triết lý sống cao cả vị tha, không vì tiền tài danh lợi; mặc khác, nó rất thích hợp với thời đại hiện nay khi mà vấn đề bảo vệ môi trường bảo vệ sinh vật được xem là quan trọng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Comments are closed.