Nhà văn ấy và bạn đọc chúng tôi

Quý mến tặng Nhà văn Dạ Ngân

Mai Quỳnh

Nhà văn tài năng và đức độ ấy – Nguyễn Quang Thân – đã đột ngột từ giã cuộc đời này trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và bạn đọc của anh.

Bài Điếu văn do tự thân người bạn đời, bạn văn của anh – Nữ sĩ Dạ Ngân viết; cùng hàng chục bài báo trong và ngoài nước đã nói lên mối quan hệ thân thiết gắn bó anh với mọi người. Còn với bạn đọc chúng tôi thì sao?

1.Nhà văn – Bạn đọc

Một sáng Thứ Bảy cuối Xuân 2011 tại Thư viện Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi; đông đảo bạn đọc trong Câu Lạc Bộ đọc sách nóng lòng chờ giao lưu với Nhà văn của tiểu thuyết Hội Thề, một tác phẩm vừa được trao Giải A Hội Nhà văn, đồng thời cũng đang làm nóng lên dư luận khen chê trên mặt báo.

Tôi ra ban công lầu 1 ngó xuống cổng ra vào. Xe cộ nườm nượp qua lại. Những chiếc xe con đủ loại tạm dừng một chút rồi lại vụt đi về hướng sân bay. Tôi chờ một chiếc xe con như thế chở nhà văn tới. Phải là một người ăn mặc tươm tất mở cửa xe bước ra, tay xách chiếc cặp da đen nhánh hay chiếc samsonite thời thượng. Chờ mãi, chờ mãi không có chiếc xe con nào rẽ vào cổng… Một tiếng reo khẽ: anh Thân tới rồi. Tôi ngó xuống, chiếc Honda đời 82! Người ngồi trên xe tầm thước, áo pull xanh sẫm, quần jeans bạc màu dắt xe vào bãi. Bạn Phạm Thế Cường chủ trì cuộc họp, đón anh. Hai người bước nhanh lên cầu thang vào phòng. Bên vai anh trĩu nặng cái túi bạc màu đựng chiếc laptop to đùng. Bỏ chiếc mũ bảo hiểm ra, treo vào mắc, để nguyên cái túi nặng trên vai, anh vui vẻ bắt tay các vị đứng tuổi ngồi hàng trên và chắp tay chào khắp lượt, không quên nói thật to lời cảm ơn. Mái tóc đã bạc nhưng da dẻ thật hồng hào, đôi cánh tay rắn chắc lấy nhanh cái máy ra đặt trước mặt. Tất cả chăm chú quan sát nhà văn. Dáng vẻ bình dân, cử chỉ thân thiện, nét mặt cởi mở đã xua tan không khí khách sáo thường có; chúng tôi lại gần nắm tay anh thật chặt, chào đón anh như chào đón người thân t đi xa trở về. Thư viện chưa khi nào đông như thế. Học sinh, sinh viên, cán bộ, nhà giáo và một số bậc trí giả cao niên, trong đó có vị Linh mục Công giáo, chủ nhân một tủ sách xưa quý hiếm.

Người chủ trì nói lời mở đầu rồi giới thiệu tôi, với tư cách một bạn đọc cao tuổi phát biểu đôi lời. Tôi “trích ngang” đôi nét về anh:

Nguyễn Quang Thân, Nhà văn yêu quý của thiếu nhi với Chú bé có tài mở khóa mà hai đưa con tôi hồi nhỏ giấu bố mẹ chui lên gác xép đọc suốt đêm đến sáng.

Nguyễn Quang Thân, Cây truyện ngắn xuất sắc đương thời với những cái tên in đậm dấu ấn: Người không đi cùng chuyến tàu, Vũ điệu của cái bô…

Nguyễn Quang Thân, Nhà tiểu thuyết đã có tới 4 đầu sách được phát hành rộng rãi: Lựa chọn, Một thời hoa mẫu đơn, Ngoài khơi miền đất háa, Con ngựa Mãn Châu và hôm nay là Hội Thề.

Nguuyễn Quang Thân, Nhà biên kịch với Cây bạch đàn vô danh đã làm nhức nhối bao con tim khán giả. Cần thêm, kịch bản Hội thề cũng nhận được Giải thưởng kịch bản phum hay nhất nhân 1000 năm Thăng Long.

Nguyễn Quâng Thân, Một Nhà báo sắc sảo thường xuyên xuất hiện trong những mục bình luận phản biện của Tiền Phong, Thể Thao Văn Hóa, Nông Thôn Ngày Nay, Phụ Nữ Thành Phố HCM…

Tôi kể câu chuyện nhỏ vui vui. Năm 1962, chàng cán bộ Thủy lợi Nguyễn Quang Thân được mời dự Lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn tổ chức 2 năm ở Quảng Bá – Hà Nội. Sau khóa học, cầm giấy giới thiệu đến Ty Thủy lợi tỉnh X. nhận việc. Ông Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ đứng tuổi, giương mục kỉnh lên nhìn lướt qua dáng dấp chàng trai trẻ, bảo: “Về đây, cậu không phải làm gì cả. Lĩnh lương, muốn đi công trường nào tớ viết giấy giới thiệu cho đi rồi về khu tập thể ăn, ngủ và viết. Thế thôi”. Tôi nêu cả tên ông Trưởng phòng ấy, hình như ông Lê Công Nhân thì phải. Phòng họp ồ cả lên, thời ấy, sao lại có cơ quan ưu ái nhà văn trẻ như thế nhỉ. Anh Thân ngó tôi cười.

Trong không khí thân tình cởi mở như thế, cử tọa nêu câu hỏi về Hội Thề. Dồn dập những ý kiến dẫn chứng, báo này viết thế này, báo kia viết thế kia. Có bạn giở chồng báo trước mặt, có bạn lật những trang giấy ghi chép từ trước, các bậc trí giả thì điềm tĩnh giở mấy trang sách Sử. Nhìn khung cảnh ấy mà vui. Thời buổi này, còn có mấy người lưu ý đến văn hóa đọc như ở buổi giao lưu này? Anh Thân chăm chú lắng nghe, không sổ sách , không ghi chép gì hết, chỉ thỉnh thoảng ngó qua laptop, ngón tay gõ nhẹ lên bàn phím. Nhiều câu hỏi quá, dài quá, tôi phát hoảng, sợ anh quên, vội lấy giấy ra gạch đầu dòng những câu hỏi chính để nếu cần thì nhắc anh. Có mối lo khác lớn hơn. Trong những tờ báo xếp chồng trước mặt một số cử tọa kia, rất nhiều bài phê bình Hội Thề theo cái cách “đập cho một nhát chết tươi”, nhiều bài viết suy diễn ra ngoài phạm vi văn chương, gán cho tác giả điều này, tiếng kia. Tôi biết trong số ấy có người đã từng là bạn thân thiết với anh Thân, đã từng cùng anh trăn trở trên các trang bản thảo, đã từng “tâm đầu, ý hợp”. Mà nay… Tôi sợ anh sẽ không kìm được cơn giận, nổi nóng, nói này, nói nọ khi không có mặt các vị ấy ở đây thì buổi giao lưu sẽ thất bại, tiếng đồn đại sẽ không cánh mà bay nhanh, bay xa.

Tôi ngó sang anh, anh vẫn lướt ngón tay trên bàn phím, nét mặt bình thản. Rồi anh đứng lên xin phép cử tọa cho anh ngồi nói chuyện. Anh lần lượt trình bày (tôi dùng từ trình bày mà không phải từ đối đáp) từng vấn đề bạn đọc đặt ra. Điềm tĩnh, tỷ mỉ, cẩn trọng, anh gõ máy tính, dẫn từng trang, từng trang trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tình huống này, sach Sử viết thế này, nhà văn hư cấu thế này. Làm như thế, nhà văn tôn nhân vật kiệt xuất ấy lên hay hạ thấp nhân vật ấy xuống? Tình huống kia, nhà văn viết như thế là tôn trọng cái cốt lõi của lịch sử hay xuyên tạc lịch sử?. Còn đây, những trang sử thành văn ngắn gọn, khô khan – anh đọc một hồi, và đây những dòng văn tiểu thuyết mặn mà, sinh động – anh lại đọc, giọng đọc truyền cảm. Cứ như thế, anh không quên một câu hỏi nào, một chi tiết nào cử tọa nêu ra, anh thuyết phục người nghe bằng lập luận logic, bằng trí nhớ siêu đẳng và sự chân thành, thẳng thắn của anh. Tôi thở phào nhẹ nhõm, gấp những tờ giấy ghi chép lại.

Phong cách đàng hoàng, tự tin, rất “văn hóa”. Mỗi khi nhắc đến những ý kiến phê bình gay gắt của người này, người kia, anh chỉ nêu nội dung, không đả động đến tên người viết; không, hoàn toàn không. Và, tất nhiên, trước cử tọa đáng quý như thế, Nguyễn Quang Thân không thể nào buông lời phê phán cá nhân, cho dù người đó đã viết những lời thậm tệ về anh trên mặt báo.

Lúc giải lao, cùng đứng bên cửa sổ, tôi ngỏ lời cảm ơn anh. Anh không nói gì, rít một hơi thuốc thơm rồi hỏi vui: Ông lấy ở đâu ra câu chuyện ông Trưởng phòng Tổ chức thế? Tôi cười bảo: thì cái anh Internet nó mách tôi chứ còn ở đâu nữa, làm sao tôi dám bịa chuyện. Anh lại cười to.

Tôi hỏi anh cầm tinh con gì? Thì Hợi đó, Ất Hợi, “Ất biến vi vong” ông nhớ chưa? Đấy, mỗi lần tên tuổi mình có trong các giải thưởng là bị đánh tơi bời!

Họp tiếp cho đến trưa. Các bạn trẻ thỏa mãn, các bậc trí giả gật gù, mọi người tuần tự đến bắt chặt tay anh. Chúng tôi mời anh xuống căng-tin dùng cơm. Uống chút bia, ăn qua loa, anh tiếp tục nói những ý chưa nói hết, anh dẫn Alexandre Dumas, dẫn Aleksey Tolstoy, những đại văn hào Pháp và Nga viết tiểu thuyết lịch sử trứ danh. Trưa nắng gắt, Cường muốn mời anh nghỉ lại, anh khoát tay: “Mình còn chạy xe tốt mà, chở Dạ Ngân đi đây đi đó suốt có sao đâu”. Hỏi, thế Dạ Ngân đâu. Anh cười “Tọa đàm chứ đâu phải thảm đỏ Hollyood mà đi đôi để cặp tay và chụp ảnh!” Mọi người cười vang.

Từ buổi giao lưu đáng nhớ đó, tôi tự nhủ: cái tinh thần Tự Do, Dân Chủ, Bình Đẳng đã được rèn dũa trong suốt quá trình hình thành nhân cách Nguyễn Quâng Thân. Anh viết – quyền của anh. Người ta phê anh – quyền của người ta. Anh với họ: bình đẳng, không được nhân danh này nọ mà “cả vú lấp miệng em”. Anh với họ: dân chủ. Anh được nói, tôi có quyền đáp lại. Trong văn chương cũng như trong đời thường, không thể áp đặt! Riêng trong phê bình văn học nghệ thuật thì cần vừa lý, vừa tình; đặc biệt không được lợi dụng phê bình để nhân danh nó đem ngòi bút vấy bẩn ngôi đền văn chương thiêng liêng cao quý của công chúng!

Tháng sau, CLB tổ chức giao lưu với nhà văn Dạ Ngân xung quanh cuốn tiểu thuyết đang được bạn đọc mến mộ Gia đình bé mọn. Vẫn áo pull quần jeans bạc màu, chiếc honda cũ mèm, anh chở trên xe “người phụ nữ của anh”. Cả hai cùng nhanh nhẹn bước lên lầu, vào phòng họp. Dạ Ngân đi nhanh về phía các chị. Phụ nữ thật dễ thân nhau, chuyện trò như đã quen từ lâu. Anh Thân về chỗ trước, vừa ngồi xuống đã mở ngay laptop. Nhưng hôm nay không phải dùng đến cái kho tư liệu này. Mỗi người một khía cạnh khác nhau, bạn đọc phát biểu đón nhận những nhân vật mới, đời sống xã hội mới thể hiện trong cuốn truyện mà các tác phẩm trước đây còn thiếu vắng. Bạn đọc dõi theo thật kỹ số phận từng nhân vật, hỏi thăm chi tiết. Khuynh hướng nghiêng về phía coi Gia đình bé mọn là cuốn tự truyện của hai nhân vật chính: Mỹ Tiệp và Viết Đính. Chăm chú nghe ngóng, một mặt anh Thân vui vì nhận ra tác phẩm của Dạ Ngân đã thật sự đến được với công chúng, nhất là các chị vốn khó tính; mặt khác, thấy lo có sự hiểu chưa thấu đáo một tác phẩm văn học hư cấu; nó phải khác với tự truyện. Ý kiến mọi người đã vãn, anh nhã nhặn xin ngỏ đôi lời. Anh lưu ý bạn đọc cái “ý nghĩa xã hội”tiểu thuyết thể hiện, nó rộng hơn, sâu sắc hơn tự truyện đơn thuần. Lúc này, laptop lại có ích; anh tìm kiếm và đọc trích đoạn những bài phê bình trên báo trong và ngoài nước về cuốn GĐBM đó. Anh dừng lại lâu hơn ở bài của nhà văn Mỹ Wayne Karlin. Bài viết có tựa đề “Nhân vật đi cùng số phận đất nước”. Nguyễn Quang Thân trích: “Hành trình của cái “gia đình bé mọn” của Tiệp trùng với hành trình của đất nước nàng từ đoạn chót của chiến tranh Việt-Mỹ đến thế kỷ 21, từ ngày đầu cuộc giải phóng và tái thống nhất đất nước (ít nhất cũng cho bên chiến thắng) đến sự vỡ mộng và suy thoái do những chính sách hậu chiến có tác dụng khuyến khích tham nhũng, sự làm ăn kém hiệu quả, tiếp tục lòng hận thù giữa kẻ thua người thắng và cuối cùng là đến tận thời Đổi mới, thời kỳ được cho là đất nước đang hướng tới sửa chữa nhiều sai lầm trong quá khứ – khi thành công khi không nhưng luôn luôn phải đối mặt với những phức tạp mới” v.v… Nghe anh Thân đọc, tôi ngượng. Ừ nhỉ, mình là người trong nước mà sao không có được nhận thức sâu sắc như nhà văn Mỹ ấy nhỉ! Đọc văn không dễ chút nào! (Bài này do chính anh Nguyễn Quang Thân chuyển ngữ rất nhuần nhuyễn, đang lưu trong Hồ sơ báo chí NQT-DN).

Sẽ không thừa khi ở đây, tôi tỏ lời ngưỡng mộ lớp người cùng trạc tuổi anh. Chiến tranh liên miên làm cho sự học ở trường dang dở, các anh đã tự học, miệt mài tự trau dồi kiến thức, trong đó ngoại ngữ là hàng đầu. Nguyễn Quang Thân không chỉ thông thạo tiếng Pháp, mà còn biết cả tiếng Nga và tiếng Anh nữa. Ở độ tuổi ngoài tám mươi, anh còn dự tính tự học tiếng Hungary, nơi hai con trai anh, Phương Đông, Thanh Hiên cùng vợ con định cư ở đấy đã lâu.

Hai buổi giao lưu Nhà văn – Bạn đọc thành công, nói cho đúng nhờ tri thưc uyên thâm của nhà văn, đã đành, nhưng điều cốt tử phải là sự trân trọng bạn đọc đủ mọi tầng lớp, là cốt cách văn hóa ứng xử – điều Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân nhắc nhở nhau hằng ngày. Không ai có thể bình tĩnh mãi trước những câu chữ chình ình trên mặt báo chí thóa mạ mình. Anh Thân cũng vậy thôi. Sau này, tôi được biết, chính Dạ Ngân luôn giúp anh hạ hỏa. Đối lại, đôi khi anh lại muốn vợ cùng anh tặc lưỡi, xuề xòa, kệ, chấp làm gì chúng nó!

Cũng từ đó, mới 6 năm thôi, vợ chồng tôi trở thành fan của đôi vợ chồng nhà văn ấy. Thư viện tư nhân đồ sộ của Phạm Thế Cường ở Gò Vấp cho tôi mượn đọc hầu hết tác phẩm của anh chị.

Từ quan hệ Nhà văn – Bạn đọc, tác phẩm của anh chị đã nâng quan hệ giữa chúng tôi thành Nhà văn – Bạn tâm giao.

2. Nhà văn – Bạn tâm giao

Hai điểm đầu tiên tôi quý trọng Nhà văn Nguyễn Quang Thân là “liên tài” và “Tôn sư trọng đạo”

Liên tài – phẩm chất không thể thiếu của một trí thức, một Nhà văn chân chính. Anh Nguyễn Quang Thân, theo những gì tôi biết, có phẩm chất ấy. Mối tương tác trong văn chương giữa anh và Nhà văn Bùi ngọc Tấn quá cố thể hiện sâu sắc và cảm động trong hai bài đôi tri kỷ ấy viết về nhau (Khi Nhà văn nhớ lại – NQT và Giọt nước làm tràn ly – BNT). Anh Thân đánh giá đúng những người tài, đặt niềm tin trọn vẹn vào lớp trẻ hơn. Ở anh không có tính đố kỵ!

Nhưng, con người ấy cũng có nguyên tắc đúng cho riêng mình. Với một số rất ít mà nói theo “Người hiền Nam Bộ” Trang Thế Hy: “thôi, đi chỗ khác chơi”, anh tránh, tránh gặp, không đàm luận. Bởi cách họ viết trên trang giấy về anh như “để không còn nhìn thấy mặt nhau nữa” thì gặp nhau làm gì? Một CLB nhờ anh dẫn chương trình trong buổi hội thảo kỷ niệm 95 năm sinh Nhà văn Nguyên Hồng, anh giao hẹn với người chủ trì: nếu mời ông X., ông Y. tới dự thì anh sẽ bỏ về.

(Xin phép mở dấu ngoặc: Nhà văn Nguyên Ngọc đã trân trọng đặt tên cho Nhà văn Trang Thế Hy là “Người hiền Nam Bộ”. Sau 75, Nhà văn Trang Thế Hy đã rời Sài Gòn “đi chỗ khác chơi”).

Hôm Lễ tang anh ở Thanh Đa, tôi không ngạc nhiên chút nào khi thấy hai vòng hoa viếng đều có tên: “Gia đình Thầy Trần Quốc Nghệ”, một của con, một của cháu Thầy. Anh đã ký tặng vợ chồng tôi cuốn “Thầy Nghệ – Di cảo và Hồi ức”, một cuốn sách quý – NXB Hà Nội – 2005. Cuốn sách ấy do anh cùng một số học trò của Thầy dành ra 2 năm trời cất công tổ chức biên soạn, liên hệ đặt bài, biên tập và lo các thủ tục xuất bản. Bài ký ngắn “Người thầy của mười mấy ông tiến sĩ” anh viết ở “Kim Giang một ngày nhớ thầy” đã nói giúp tôi về cái đức “tôn sư trọng đạo” của anh. Thầy Nghệ là ai? Anh học thầy 1948- 49 (ở Tứ Mỹ) 1951 (Trường Thiếu sinh quân) và 1952-53 (Trường Phan Đình Phùng), một người Thầy, anh ghi trang trọng ở bìa sách: “Dạy và dạy. Đời thầy không biết gì hơn. Học trò của thầy ở khắp nơi trong nước, rất nhiều người nổi tiếng. Lạc quan là đức tính cơ bản của thầy. Kiến thức sâu và mênh mông luôn được đào sâu, đổi mới là “phẩm chất thầy của thầy”. Thầy Nghệ ra đi cuối năm 1996. 21 năm sau, con và cháu Thầy hay tin người học trò trung hậu của Thầy mất đã cất công gửi vòng hoa tới viếng. Nghĩa tình Thầy Trò trước sau là vậy!

Do bận bịu công kia việc nọ, ra Bắc vào Nam, nước trong nước ngoài, bẵng đi 4 năm không liên lạc. Sợi dây quan hệ Nhà văn – Bạn tâm giao chùng xuống; liệu có đứt hay không? Tôi nâng đầu sợi dây bên tôi lên. “Anh Thân hả? Khỏe không?” Trả lời tức thì: – “Ông bà đi đâu mà im ắng quá lâu vậy? Có ăn được rươi không? Ông bà đến tôi nhé, ngoài Bắc mới gửi vào cân rươi tươi nguyên”. Dạ Ngân đến bên, tiếp lời, giọng Nam đặc sệt: “Rươi tươi đó, nghe”. Sợi dây không đứt! Chúng tôi không dám so với cái tình đôi bạn “tương tư” trong thơ cụ Tú Vị Xuyên “Ta nhớ người xa cách núi sông. Người xa, xa lắm nhớ ta không?… Tương tư lọ phải là trai gái. Một ngọn đèn khuya, trống điểm thùng!”. Nhưng thực tình, chúng tôi vẫn không quên nhau. Tôi vẫn đọc anh chị (không đều) và dõi theo đôi bạn quý ấy trên “trường văn, trận bút”. Anh chị vẫn hỏi thăm chúng tôi qua vài người quen. Bốn năm, sợi dây tình bạn buông chùng nhưng không đứt. Vì gắn chất keo “thấu hiểu”.

Chúng tôi đến. Căn hộ 225 lô II Cư xá Thanh Đa vẫn vậy, vẫn không khí thân tình, cởi mở. Cháu Thu Uyên từ Quận 5 được điều lên giúp ba mẹ. Chuyện trò không dứt. Trên tay anh, chiếc smartphone LG gọn nhẹ, cái thời laptop cồng kềnh đã lùi xa. Mấy ngón tay cầm chiếc bút inox chấm chấm vào mặt máy. Rồi, không ngơi nghỉ, anh đọc những trang sử có liên quan tới tình hình xã hội hiện tại. Câu nói cửa miệng lúc này “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là của Thân Nhân Trung (1419-1499) từ thế kỷ thứ 15, cách đây gần 6 thập kỷ. Ông nói trong trường hợp nào, toàn câu văn ra sao; ông còn viết những gì, tấu trình những gì… Và những điều ông nói đối chiếu với một số hiện tình xã hội thời nay, có khác gì? Những dự báo, những tiên đoán của bậc Tiến sĩ thời Hậu Lê qua cách diễn giải của Nguyễn Quang Thân có sức hút mạnh mẽ. Vợ tôi lắng nghe anh nói đến mức không thể đứng lên vào bếp phụ giúp mẹ con Dạ Ngân một tay như thường khi vẫn thế. Trước một diễn giả nhiệt tình và hiểu biết rộng, bỏ đi nửa chừng sao đành! Sở thích “đam mê nghiên cứu sử” và “khả năng nắm bắt công nghệ IT” thành thạo của anh thể hiện rõ ràng ngay trước mắt chúng tôi.

Dạ Ngân và Thu Uyên vẫn lúi húi trong bếp. Anh nói chuyện tới lúc con gái ra nhắc: “Ba, xong rồi”. Cháu nhìn chúng tôi cười tủm, “không nhắc thì ba con nói tới tối luôn đó”. Nhìn khuôn mặt phúc hậu, miệng cười tươi của cháu, vợ tôi bảo: Thu Uyên có nhiều nét giống anh quá. Anh đứng dậy nhìn theo cháu vào bếp, bông phèng: “Con đẻ gửi mà cũng giống, nhỉ”! (Chúng tôi biết chứ, anh chị thỏa thuận không có con chung khi đến với nhau. Đã từ lâu, các cháu xem anh như ba ruột của mình!).

Mâm cơm có chả rươi chế biến theo phong cách Bắc ngon tuyệt. Có một món quen mà lạ: một cái khuôn gỗ ngũ giác màu gụ nén chặt xôi. Xôi không xới ra đĩa mà nén chặt trong khuôn, món “ruột” của anh Thân, Dạ Ngân còn thêm “khuôn mua ở chợ Đồng Xuân!” Chỉ khuôn xôi nén, anh hỏi, ông thích món này không? Thích lắm. Vợ tôi nói thêm, anh ấy còn rất thích cơm nắm muối vừng nữa. – Ông giống tôi, anh nói tiếp, mỗi khi xuống Vũng Tàu một mình, tôi nắm cơm đủ hai ngày, nướng mấy khúc khô cá dứa; thế là xong, khỏi bận bịu cơm nước. Cái nếp của dân xứ Nghệ nghèo, cái nếp của những người Kháng chiến 9 năm, phải không anh? Anh lục trong tủ tường bếp lấy tặng vợ tôi miếng mo cau đã tước hết phần vỏ cứng, khâu chỉ hai đầu cho khỏi bị tước. Dạ Ngân bật cười “Mo mà ảnh làm công phu như viền chăn!”. Anh tiếp lời: nắm cơm bằng mo cau mới để dành được lâu.

Cơm nước xong, trước lúc chúng tôi ra về, anh mới tiết lộ: Dạ Ngân sắp ra cuốn tiểu thuyết mới, “Người Yêu Dấu”, nhà xuất bản Phụ Nữ. Sách in rồi, đang từ Hà Nội chuyển vào. Vui quá, chúng tôi chờ tin vui này mấy năm rồi! Tôi chúc mừng. Bất ngờ, anh bảo: Ông viết bài giới thiệu đi, mà chỉ viết riêng cho tiểu thuyết Người Yêu Dấu thôi, các truyện ngắn khác, đừng viết, dài quá. Bài ấy có thể sẽ đọc trong buổi ra mắt sách ở Đường sách Sài Gòn. Tôi lại bất ngờ nữa. Mấy năm nay, tôi có viết lách gì đâu mà anh đặt niềm tin như thế. Nhưng với anh chị, tôi không thể chối từ. Tôi nói, anh gửi trước cho tôi file có sẵn, tôi đọc, viết và gửi anh chị xem, góp ý, bổ sung. Dạ Ngân nói luôn: khỏi, anh cứ viết và bữa ấy lên đọc, không sao đâu. Lại thế nữa! Hôm sau anh gửi cho tôi bản PDF “Người Yêu Dấu”. Tôi in ra, đọc, đọc đi đọc lại. Tôi ngỡ ngàng! Một bước tiến mới trong tư duy nghệ thuật. Một cách tân trong bút pháp. Tôi phải viết. Dường như nó cũng hợp với “gu” của tôi. Gửi, anh Thân hồi âm ngắn gọn: Hay. Dạ Ngân cũng ưng ý. Tôi tự tin. Tôi đọc Lời giới thiệu hôm ra mắt ở Đường sách Sài Gòn. Chắc ngồi nghe, anh cũng hài lòng về sự trao gửi niềm tin của anh nơi tôi.

Cứ đụng đến văn học nghệ thuật là khó dứt Nguyễn Quang Thân ra khỏi Thời kỳ vàng son 30 – 45 và một vài năm đầu Kháng Chiến 9 năm. Tôi nhắc tới tài danh Văn Cao và Trương Chi, một trong những đỉnh cao của ông. Anh tán đồng nhưng nói, ca khúc ấy “bác học” quá, khó hát. Anh thích “Khối tình Trương Chi” của Phạm Duy hơn, dễ thuộc, dễ hát. Ông nghe chưa? Tôi lắc đầu, chưa nghe bài này bao giờ. Từ salon anh đứng lên, nhấc cây ghi ta, lên dây, chỉnh tiếng… Những hợp âm đầu tiên rộn ràng:

Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ.

Hoa lá quên giờ tàn.

Mây trắng bay tìm đàn.

Hồn người thổn thức trong phòng loan.

Đêm năm xưa nghe cung đàn gây mơ.

Âu yếm nâng tà quạt.

Hồn gió đưa về thuyền.

Tưởng người trên sóng du thần tiên.

Cứ như thế, giọng trầm ấm, anh cho chúng tôi nghe ca khúc du dương này đến hết. Tôi “tâm phục khẩu phục”. Tài tử! Tài hoa! Con người này tài hoa! Chẳng thế, một lần gọi điện thoại ra Huế nói đôi ba câu chuyện với anh Nguyễn Khác Phê, nhà văn, chú họ anh Thân. Nhắc đến ông cháu, anh Phê bảo, giọng Hà Tĩnh không lẫn vào đâu được: “Thân hả? Ồ! Hắn tài hoa hơn tôi nhiều!” Đúng. Tài hoa trong văn chương. Tài hoa trong đời thường! Lại thêm kỹ năng sống: đi chợ, chọn mua thịt bò đúng cách, thổi xôi, nắm cơm, nướng cá, muối nhút…anh làm được hết.

Trước cái ngày định mệnh 04/03/2017 hai hôm; biết Dạ Ngân về Cần Thơ lo giỗ trọng, tôi gọi điên thoại hỏi thăm anh, anh rủ tôi đến nhà hát karaoke. Tôi chưa có dịp cùng anh thử tài trên cái micro không dây con rể Khánh mới tặng hôm Tết. Cái micro không dây ấy và cây đàn ghi ta thùng là hai kỷ vật trong Phòng Lưu Niệm (tạm thời) Dạ Ngân gấp rút chỉnh trang trước giỗ 100 ngày con người tài hoa ấy.

Hết “Khối tình Trương Chi”, anh nói, Phạm Duy còn bài nữa tôi rất thích, “Áo anh sứt chỉ đường tà” phổ thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Bài này tôi thuộc dăm ba câu và cũng thích như anh. Anh chuyển ngay đề tài, Hữu Loan còn bài thơ trường thiên “Đèo Cả” nữa, ông có thuộc không? “Đèo Cả” tôi cũng đã đọc nhưng không thể thuộc được vì Hữu Loan viết theo thể thơ tự do, dài ngắn khác nhau, lại trúc trắc, khó nhớ. Bắt trúng mạch, anh hào hứng nói: vậy để tôi đọc ông nghe vài đoạn. Buông cây đàn, để cẩn thận vào góc tường, nhấp ly trà tươi Dạ Ngân pha sẵn trong ấm ủ, anh đọc một thôi liền:

Núi cao vút

Mây trời Ai Lao

sầu đại dương

Dặm về heo hút

Đá bia mù sương.

Bên quán Hồng Quân người ngựa mỏi

Nhìn dốc ngồi than

Thương ai lên đường

Chầy ngày

lạc giữa lối

Sau lưng

suối vàng

xanh tuôn…

Anh say sưa đọc suốt 43 câu, sau này tôi đếm, đúng 43 câu, không ngập ngừng, không sót câu nào. Thì ra, “Đèo Cả” có trong “Con ngựa Mãn Châu”. Bà chủ trẻ “Trại Ông Đốc” Dư An đọc cho bác sĩ Can, người yêu dấu của mình nghe trong căn phòng riêng khi hai người nói về chuyện cậu con trai yêu quý của bà, cậu Quang, xung phong Nam Tiến, sắp lên đường hành quân vào nơi có cái tên Đèo Cả ấy. Đoạn thơ trong tiểu thuyết, anh Thân ghi chú chép theo trí nhớ. Trí nhớ Nguyễn Quang Thân lạ lùng như thế đó!

Lần khác, chỉ có anh và tôi, đột nhiên anh hỏi: Ông có nhớ bài “Đi giữa đường thơm của Huy Cận? Tôi thuộc vài câu đầu:

Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm…

Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm,

Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng.

Tôi nhớ, bài này Huy Cận đề Tặng Thạch Lam. Anh bảo, Đúng, tình tri kỷ. Hồi tám hai tôi cưa Dạ Ngân, trong tình trai gái chúng tôi có tình tri kỷ. Ông để tôi đọc toàn bài ông nghe. Rồi, anh đọc, gần như ngâm, trơn tru:

Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng.

Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu:

Lên bề cao hay đi xuống bề sâu?

Không biết nữa – Có chút gì làm ngợp.

Trong không khí… hương với màu hòa hợp…

Cứ như thế, 27 câu thơ mới. Anh đọc đi đọc lại lại những đoạn anh tâm đắc:

Chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng,

Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng,

Trí vô tư cho da thở hương tình,

Người sẻ nắm tay, tôi sẻ nghiêng mình

Như sắp nói, nhưng mà không; – khóm trúc

Vừa động lá, ta nhận vào một lúc

Cả không gian hồn hậu rất thơm tho;

Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ…

Không thể nào quên buổi trưa hôm ấy, hai lão đàn ông ngồi với nhau, những thanh âm vang, ấm, truyền cảm lạ kỳ! Cái bàn tay vuông mà Dạ Ngân hay khoe với chúng tôi kia, khoa lên khi đọc thơ, thật hòa hợp kỳ lạ với sức nặng của một tâm hồn, một trái tim vững chải và đa cảm, với cái giọng Hà Tĩnh pha Hà Nội rất Nguyễn Quang Thân. Ngoài kia, nắng nhẹ, gió lung lay tán lá trên hàng cây giữa các blok nhà cư xá Thanh Đa như góp phần đưa tâm hồn chúng tôi trở về khung cảnh thanh bình, êm đềm nơi thôn dã ngày xửa, ngày xưa, ngoài ấy…nơi có những đôi lứa đứng bên vườn tình tự.

Nhưng Đi giữa đường thơm với Nguyễn Quang Thân không chỉ là một tuyệt phẩm anh thuộc lòng như “Đèo Cả”, “Tây Tiến”… Sức mạnh bài thơ còn hơn thế! Biết nói gì đây? Nếu chỉ để “cưa” Dạ Ngân thì Đi giữa đường thơm mới chỉ để gây ấn tượng. Con người tài hoa ấy đã không thể khiến một người như Dạ Ngân chờ mình suốt 11 năm trời chỉ bằng tài thuộc thơ, đọc thơ người và có cả những bài thơ viết cho Nàng. Đúng ra, Chàng và Nàng là định mệnh của tri kỷ để tiếp theo 24 năm nữa, đôi uyên ương ấy đi bên nhau, dù trên những con đường chật chội, lầy lội, giữa bãi tha ma ngoại thành Hà Nội hay trên những con đường nắng gay gắt mùa khô Nam Bộ, những con đường ngập nước Thanh Đa cũ… lúc nào họ cũng cảm thấy mình đi giữa đường thơm… Và chúng ta hãy chờ xem Thơ tình Nguyễn Quang Thân mà Dạ Ngân hứa sẽ công bố vào lúc nào đó trọn vẹn.

Lần gặp nhau gần nhất, lần cuối cùng ở Thanh Đa, anh hỏi, ông đang viết gì. Tôi nhìn sang vợ tôi, ngượng, Tôi còn nợ “nàng” nhiều thứ lắm, hứa mà chưa viết xong. Ông “chồng hài hước” của Dạ Ngân hóm hỉnh nhìn hai chúng tôi, rồi bật lên câu, “Anh còn nợ em..”, hả? – Ông thích nghe ca sĩ nào ca bài này?. Tôi đáp: Quang Dũng. Anh bảo: Tôi thích cái anh chàng buộc túm tóc sau gáy người dân tộc hơn. – À, Kasim Hoàng Vũ. Đúng, giọng khỏe, hát hết mình. Ra thế. “Ngài” văn sĩ cũng thường ghé chương trình Sol Vàng trên VTV9. Dạ Ngân nghe vậy bảo vợ tôi: ảnh ca bài này luôn luôn đó, hè! Cao hứng, tôi nhâm nhẩm: “Anh còn nợ em. Công viên ghế đá. Công viên ghế đá. Lá đổ chiều êm. Và còn nợ em. Dòng xưa bến cũ. Dòng xưa bến cũ. Con sông êm đềm… Câu cuối tôi nhường anh: Anh còn nợ em. Con tim bối rối, con tim bối rối. Anh còn nợ em”…

Anh Thân ơi! Phải chăng anh cũng hay suy tư những món nợ trên đời chưa trả hết như tôi? Sao anh vội bỏ đi thế? Chỉ nói riêng văn chương, anh còn nợ bạn đọc văn anh nhiều lắm. Tôi biết, những câu chuyện còn dang dở, những nhân vật chưa đi đến hồi kết, những phác thảo tác phẩm mới đủ loại đang nung nấu trong bộ óc nhiều nếp nhăn kia.

Tôi, chúng tôi, cũng còn nợ anh. Sau buổi giao lưu về “Hội Thề”, tôi dự định đề nghị Thư viên có thêm buổi giao lưu về “Con Ngựa Mãn Châu”, một tác phẩm quan trọng của đời anh. Có thể xem “Con Ngựa Mãn Châu” gần như một tiểu thuyết lịch sử. Tôi bỏ dở dự định đó, tôi còn nợ anh. Nhưng không chỉ riêng tôi. Nhà nghiên cứu phê bình văn học trẻ tinh tế và tâm huyết Hoài Nam trong bài “Nguyễn Quang Thân – nốt trầm của tiểu thuyết thời đổi mớii” , sau khi phân tích, đánh giá đúng và sâu sắc hai cuốn “Một thời hoa mẫu đơn” và “Ngoài khơi miền đất hứa” đã bức bối thốt lên: “Một sự dấn thân quyết liệt như vậy đương nhiên sẽ sản sinh ra – đúng hơn, sẽ mang lại – những bức tranh hiện thực trần trụi và có thể rất tàn nhẫn, về đời sống xã hội. Không phải ai cũng thích thú và có thể vui vẻ chịu đựng được với cái chuyện này. Phải chăng đó là lý do cuốn sách bị “lờ đi”? Nếu không thì, xin hỏi các nhà phê bình văn học của thời ấy, họ ở đâu mà không nghe ra nốt trầm trong bản hòa ca của tiểu thuyết đổi mới? (tôi xin phép gạch chân – M.Q.). Các anh chị ấy ở đâu, vì sao không nghe ra… mong sẽ có câu trả lời. Công bằng mà nói, xem ra, còn nhiều món nợ văn chương mà người đời chưa trả anh!

Nhưng thôi, nhắc chuyện nợ nần làm chi. Để hương linh anh được thảnh thơi nơi Tây phương cực lạc!

Sài Gòn, một ngày chớm Thu

(16/07/2017)

Comments are closed.