Nhảy múa để chết – Tiểu thuyết của Nguyễn Viện

bìa Nhảy Múa Để ChếtSách dày 210 trang, do Tiếng Quê Hương xuất bản cuối 2013 tại Virginia, Hoa Kỳ.

Theo tác giả đây là một tiểu thuyết hậu hiện đại và ông “đã viết nó như một diễn ngôn hậu hiện đại đích thực”.

Tựa

Trong nhiều năm nay, tôi vẫn viết như một người tự do, cho tự do. Tôi muốn được tự do cả trong quan điểm lẫn bút pháp và cấu trúc. Với tôi, mỗi tác phẩm cần một cách thể hiện khác nhau, thích hợp nhất với những gì tác giả muốn trình bày. Do đó mọi trường phái văn học đều là một chướng ngại và trở thành lỗi thời trước bản thảo của nhà văn.  Cũng vì thế, tôi được coi là kẻ đã “cười và đái vào những tấm bảng chỉ đường”.(*)

Tuy nhiên, với Nhảy múa để chết tôi lại hoàn toàn rơi vào trạng thái “hậu hiện đại” và tôi đã viết nó như một diễn ngôn hậu hiện đại đích thực.

Có một câu hỏi cần được trả lời: Liệu Việt Nam có phải là một xã hội hậu hiện đại không?

Không cần quan sát kỹ người ta cũng sẽ thấy ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh cái độc tài toàn trị của chính quyền là cái vô trật tự bừa phứa của nhân dân. Bên cạnh cái chính thống chuyên chế là cư dân vỉa hè vô thừa nhận. Bên cạnh cái quyền lực chuyên chính trung tâm là sự từ chối và lưu vong. Bên cạnh cái vô thần là mê tín. Bên cạnh cái hiện đại là lạc hậu. Bên cạnh cái hãnh tiến vô lối là mặc cảm tự ti. Bên cạnh cái “kinh tế thị trường” là “định hướng xã hội chủ nghĩa”… Sự đảo lộn các giá trị và giai tầng xã hội, tình trạng di dân và vấn đề đất đai, sự bứt lìa cội nguồn của các tôn giáo và các dân tộc thiểu số, sự phân hóa khu biệt và nghịch lý xã hội từ kinh tế đến ý thức…

Tôi cho rằng đấy là một hiện tượng xã hội hậu hiện đại kỳ quái nhất.

Đối với một nhà văn như ở Việt Nam, dù muốn hay không, một bút pháp hậu hiện đại cũng trở thành một thái độ phản kháng bởi vì tự bản chất, nó chống lại quyền lực áp đặt của một chủ nghĩa độc tôn và không ngần ngại chấp nhận vị thế “lề trái” cả trong văn học lẫn chính trị.

Trong tác phẩm Nhảy múa để chết này, tôi đã nhảy múa với ngôn ngữ, nhảy múa trong cấu trúc và nhảy múa bằng một  thái độ chính trị. Không thỏa hiệp và lập lại.

Nhưng tại sao lại để chết?

Phải chăng, tôi không còn hy vọng gì với cái ác trong cuộc sống? Hay tôi muốn nói: dù sao thì cũng phải chết, nhưng trước khi chết, hãy nhảy múa?

Tôi không bao giờ là người thuyết giáo, nhưng dẫu thế nào tôi vẫn là một nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử. Vì thế tôi đã viết như một nạn nhân cả trong tâm linh lẫn đời sống xã hội. Nơi, dù tôi khinh bỉ sự ngụy tín nhưng vẫn phải sống như một bản thế vì của chính mình. Và vì ý thức được cái hoàn cảnh thế vì đó, tôi cần sự thật và nói lên sự thật, không phải bất chấp hiểm nguy, mà sẵn sàng chết vì sự thật để chính tôi được cứu rỗi.

Và câu chuyện của tôi không chỉ là những diễn biến, những sự kiện có thật hay hư cấu, mà còn là chính cấu trúc, bút pháp và ngôn ngữ của nó theo cách con người bị xé bỏ. Và những mảnh vụn bê bết máu của nó là văn chương trong ước muốn hàn gắn phức hợp đa chiều cho một dự phóng khác, vượt qua mọi giới hạn, đồng thời giải phóng năng lượng cho tư tưởng và sự sáng tạo.

Nguyễn Viện

________________________

(*)Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Viện: cười và đái lên những bảng chỉ đường.

Comments are closed.