Thời gian: 17h00 chủ nhật, ngày 13.12.2015
Địa điểm: Phòng Triển lãm – Heritage Space, toà nhà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Hà Nội
Vé vào cửa: miễn phí
Chương trình “Tháng thực hành nghệ thuật” dựa trên dự án The Brown Movement của nghệ sĩ Trần Trọng Vũ tại Heritage Space là một chương trình giao lưu nghệ thuật đương đại lớn giữa nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Để tổng kết chuỗi chương trình này, Heritage Space trân trọng mời các bạn đến tham dự buổi Bế mạc và Triển lãm.
“Chuyển động Brown” là một chuyển động không có trật tự, được tạo ra bởi những cú va đập. Dựa trên ý tưởng đó, một chương trình nghệ sĩ cư trú bao gồm rất nhiều nghệ sĩ độc lập đến từ các quốc gia, các tôn giáo, các quan niệm nghệ thuật, thẩm mỹ, các lứa tuổi… được trung tâm văn hoá Heritage Space tổ chức. Các nghệ sĩ gặp nhau, và tất nhiên, tạo nên những va đập, tạo nên những ý tưởng sáng tạo mới, theo Trần Trọng Vũ, cũng là một dạng chuyển động Brown.
Chỉ trong vòng một tháng, hối hả làm quen với một không gian mới, một đời sống mới, và đương nhiên, trộn lẫn để thích ứng và bắt tay ngay vào công việc, Trần Trọng Vũ trong vai trò cố vấn nghệ thuật cùng 3 nghệ sĩ quốc tế và 12 nghệ sĩ Việt Nam, trong đó hầu hết dưới 30 tuổi, đã hoàn thành các tác phẩm của mình, để cùng ra mắt triển lãm Chuyển động Brown tại không gian Heritage Space.
Điều đầu tiên mà các nghệ sĩ trẻ Việt Nam có thể cảm nhận được là tác phong và kinh nghiệm làm việc cực kỳ chuyên nghiệp của các nghệ sĩ quốc tế: Ludwika Ogorzelec, Yun Woo Choi, và Thierry Fontaine. Họ đều là những nghệ sĩ thị giác luôn sáng tạo ra những tác phẩm khổng lồ, trong những không gian lớn và hiện đại. Bởi vậy để hoàn thành tác phẩm họ phải chịu nhiều áp lực: áp lực về thời gian, sự đòi hỏi chất lượng tác phẩm, và khó khăn do môi trường không quen thuộc. Tuy vậy, họ đã đi qua chặng đường thật ngoạn mục.
Điều thứ hai, đó là khi nghệ sĩ trẻ được đặt vào một môi trường chuyên nghiệp, họ bắt buộc phải khởi động mọi nơ-ron sáng tạo của mình, để phát huy hết tiềm năng, cũng như được tiếp thêm năng lượng sáng tạo như những người khác. Những chuyển động này vừa độc lập, vừa chịu sự tương tác, tạo nên sự hấp dẫn của cả chương trình.
Điều thứ ba có thể ghi nhận, đó là sự đóng góp của những nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Tuổi đời, tuổi nghề đều còn rất non trẻ, nhưng nhiều người đã thể hiện được bản lĩnh sáng tạo và tư duy nghệ thuật mới mẻ. Họ đã thoát ra ngoài tư duy truyền thống, nghệ thuật trong tháp ngà, để đến với cộng đồng và chịu sự va đập của đời sống.
Có thể lược qua một chút về tác phẩm của họ:
CÁC NGHỆ SĨ QUỐC TẾ
Yun Woo Choi – một nghệ sĩ Hàn Quốc đến từ Mỹ đã khởi nguồn sáng tác của mình bằng những trăn trở: Điều gì là thật? Tôi đang ở đâu? Những gì tôi cảm nhận là thật? Những thứ vô hình – như cảm xúc của tôi, những hiện tượng siêu nhiên, giấc mơ, chúa trời,… là thật? Liệu những điều đó có không gian cho riêng mình?
Thierry Fontaine là một nhiếp ảnh gia với khả năng sắp đặt, tạo hình cho các tác phẩm của mình. Lần này, với quan điểm sáng tác quen thuộc Sự cô đơn là điều cố hữu của nghệ sĩ, nghệ sĩ là cô đơn, anh đem đến chuỗi tác phẩm: L’île habitée, Cri blanc, Abolition, Le temps comme il vient.
Ludwika Ogorzelec đem đến cho chúng ta Thủy tinh hóa không gian, với sự biến đổi một không gian xác định cả về mặt hình thức cũng như cách sử dụng. Nó là sự rung động của không gian tạo thành các phần nhỏ “kết tinh lại” mà mục đích chính là để đạt được một trạng thái thẩm mỹ và tâm lý mới, tác động đến ý thức và tiềm thức của những người quan sát.
CÁC NGHỆ SĨ VIỆT NAM
Trương Quế Chi, bên cạnh những tác phẩm điện ảnh, đem tới sự kiện lần này bức phù điêu Cơ thể trắng làm bằng thạch cao được trang trí trong xu hướng kiến trúc “nhại cổ”.
Quách Bắc với tác phẩm mang tên Cơn mưa với ý nghĩa nhắc nhớ chúng ta về những điều giản dị, dễ quên và những vùng khuất tối trong cuộc sống.
Đỗ Thanh Lãng là một họa sĩ trẻ với tham vọng định dạng, ghi lại những thông số của cảm xúc bằng hội họa. Tác phẩm anh mang đến triển lãm lần này cũng không ngoại lệ.
Hà Ninh mang đến bộ ba tác phẩm Xin chào, Đông – Tây – Nam – Bắc, Tiến vào tương lai với nguồn cảm hứng đến từ không gian tương phản ngay tại nơi diễn ra sự kiện.
Trần Kim Hạnh, dựa trên dự án về chuyển động Brown, mang đến những sự gặp gỡ trong tác phẩm, cô muốn người ta dừng lại và thử tự vấn những phán xét của chính mình, trước khi gạt bỏ đi những điều đã có thể là đẹp đẽ và vô cùng quý giá.
Các nghệ sĩ khách mời Việt Nam khác cũng đem đến triển lãm những tác phẩm không kém phần ấn tượng, mang đậm dấu ấn của nghệ thuật đương đại.
Cao Sỹ Thăng mang đến hai tác phẩm Bố cục và sự chuyển động và Người đàn ông và những chiếc mặt nạ, đề cập sự đối phó, tác động, việc qua lại trong cuộc sống của con người ngày nay.
Nguyễn Công Cừ tham gia triển lãm với Hàng hóa, Chuyển động và đứng yên – hai tác phẩm sắp đặt độc đáo, thể hiện những chuyển động tinh tế của không gian.
Thùy Diên, với mục đích diễn đạt một ý niệm riêng nào đó, cô tạo ra các tác phẩm được làm thủ công (búp bê và bối cảnh), sau đó chụp lại bằng máy ảnh film.
Hoàng Khánh Du, một nghệ sĩ khắc cốt ghi tâm bóng hình của rừng núi quê hương, của dân tộc Tày, của buôn làng, anh đem đến những bức vẽ chân thật, sống động nhất về chính mảnh đất đã sinh ra và nuôi lớn mình.
Lê Đức Tuấn Định với suy nghĩ rằng con người, nếu không phải kẻ đang đóng một vai nào đó, thì cũng là những khán giả bất đắc dĩ qua tác phẩm Đàm phán hay nhảy múa.
Nguyễn Minh Phương – Có lẽ, nên nhìn con người ở những góc nhỏ, không toàn vẹn. Hay bản chất con người vốn đã là sự bất toàn? Những điều ấy được thể hiện qua tác phẩm sơn dầu Hiện thực vỡ
Phú Viên đem đến tác phẩm là ẩn dụ cho hình ảnh con người trước cuộc sống tấp nập, bon chen, họ luôn muốn khép mình cô độc để tránh những cám dỗ của cuộc đời.
Rất mong được đón tiếp các anh chị và các bạn tại Heritage Space!
Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
Mr. Tạ Tấn – Quản lý Truyền thông
Mobile: 0979.026.472
Email: tan.heritagespace@gmail.com
Facebook: fb.com/HeritageSpace