Bảo tàng và sự thật

FB Nguyễn kc Hậu

Do thói quen nghề nghiệp (trước đây) nên đi đâu tôi cũng chú ý đến bảo tàng. Nhiều lần tham quan các bảo tàng lịch sử, văn hóa, mỹ thuật… về thời quá khứ xa xưa nhưng “nghệ thuật trưng bày” các chủ đề thì khác nhau, tạo nên sự hấp dẫn riêng của mỗi bảo tàng. Tất nhiên lịch sử văn hóa mỗi nước đều có đặc trưng riêng, nhưng ngay cả những sự kiện, hiện tượng mang tính toàn cầu thì vẫn được trưng bày khác nhau tạo nên những góc nhìn đa chiều, phong phú, qua đó lịch sử được phản ánh toàn diện hơn.

Sự khác biệt rõ nhất về “góc nhìn” chính là các bảo tàng về thời hiện đại. Ví dụ: loại hình bảo tàng quân đội (hay bảo tàng về chiến tranh, bảo tàng lịch sử hoặc nghệ thuật quân sự, bảo tàng sự kiện chiến tranh…), tại một số bảo tàng thường trưng bày toàn vũ khí nhất là vũ khí hiện đại: xe tăng máy bay súng ống tối tân đủ loại đủ kiểu; các sự kiện chiến thắng quân sự và những lời ngợi ca quân mình, công khai những tổn thất của quân địch…

Nhưng nhiều bảo tàng khác lại trưng bày về tác động của chiến tranh đến đời sống xã hội và những con người cụ thể, dường như không lên án tố cáo điều gì, sự thắng thua lại càng không quan trọng mà hậu quả của chiến tranh mới là quan trọng: đó là sự thiệt hại về con người, về vật chất, những chấn thương tâm lý xã hội lâu dài, những biến động xã hội… Điều đó tác động rất mạnh đến người xem vì đó chính là câu chuyện của bản thân, của gia đình mình. Khi chiến tranh trở thành nỗi ghê sợ của mỗi người thì việc gìn giữ sự ổn định, bảo vệ hòa bình cho chính mình, gia đình mình và rộng hơn là tổ quốc mình đồng nghĩa với chống chiến tranh.

Có một bảo tàng (1) về “Thời vừa qua”. Suốt 6 tầng lầu với những căn phòng hẹp, u ám, âm thanh, hình ảnh, tài liệu hiện vật trưng bày bằng thủ pháp mang tính nghệ thuật cao với sự hỗ trợ của phương tiện, kỹ thuật đa truyền thông hiện đại, “ngôn ngữ” trưng bày hiện vật chuẩn xác… khiến người xem không thể nghi ngờ về những gì đang được công khai sau nhiều năm trong vòng bí mật. Thủ pháp trưng bày cùng những bằng chứng làm người xem ám ảnh rất lâu, nhất là với thế hệ không trải qua thời kỳ lịch sử đó.

Có thể tự hỏi, vì sao những sự kiện như thế lại có thể xảy ra, có thể giật mình vì hóa ra lâu nay ta chỉ biết một phần rất nhỏ của sự thật, thậm chí có thể bị sốc vì hóa ra ta cũng từng sống trong một thời “khủng bố”… Nhưng sau khi xem còn lại điều gì? Với riêng tôi gờn gợn một băn khoăn, kiểu trưng bày “sự thật” như thế này chỉ mang lại và khoét sâu hơn sự hận thù một thời đã qua, hận thù những con người cụ thể của một chính thể đã mất.

Bảo tàng trưng bày sự thật lịch sử sao cho con người hiểu hoàn cảnh và nguyên nhân những sai lầm của quá khứ để tránh không lặp lại những sai lầm ấy. Nếu trưng bày “sự thật” mà không vạch ra nguyên nhân của sự thật ấy thì mới là “một nửa sự thật”. Điều đó mang lại sự hận thù quá khứ nhưng cũng chứa đựng nguy cơ đưa đến sự thù hận trong tương lai.

(1) bt “Nhà khủng bố” ở đại lộ Ondratsy, Budapest (Hungary).

clip_image001

https://www.facebook.com/haukhaoco/posts/1861507093864803

Comments are closed.