Nhóm xã hội nào sẽ bảo vệ tiếng Việt đến cùng?

(Rút từ facebook của Lại Nguyên Ân)

 

Bàn chuyện này có thể người ta sẽ dẫn ngay câu của Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn…”.
Nhưng tôi muốn bàn chuyện này với những nhân tố khác.

Nói đến việc một cộng đồng (một tộc người hay nhiều tộc người sống chung trong một không gian địa lý-chính trị) giữ gìn được lâu dài tiếng nói/ngôn ngữ (chung, duy nhất) của mình qua nhiều thế kỷ, thế hệ, cần phải thấy vai trò của một yếu tố thụ động là nếu tại đó có SỰ KHÔNG THỂ THAY ĐỔI NGÔN NGỮ, đây có lẽ là cái sẽ đóng vai trò quan trọng.

Làm sao cộng đồng ấy không thể thay đổi ngôn ngữ:

a/ Cộng đồng ấy tương đối đông đảo đến nỗi mọi âm mưu/ý đồ (tốt, xấu) thay đổi ngôn ngữ (chủ động, cưỡng bức…) đều vô hiệu.

Singapore dân ít, gần như một thành quốc chứ chưa phải quốc gia, nên có thể buộc cư dân lấy Anh ngữ làm ngôn ngữ phổ thông chính thức. Nhưng chỉ cần xứ ấy có nhiều lên chừng 20 triệu, (có đô thị có thôn quê, có vùng sâu vùng xa) hoặc ít hơn một chút, như Cambodge chẳng hạn, cũng thấy khó mà thay ngôn ngữ bằng cưỡng bức học một thứ tiếng mới nào đó.

b/ Trong cộng đồng ấy có (hay bao giờ cũng có?) một số lượng khá đông đảo (trên dưới 50%?) những người trung bình kém cả về kinh tế lẫn năng lực trí tuệ (khả năng học ngoại ngữ kém; yếu về khả năng kinh tế để có thể bố trí thời gian nghỉ ngơi, học hành, bổ túc trí tuệ, v.v.)

Tóm lại, nói một cách không lịch sự gì mấy, thậm chí hơi trắng trợn, thì khi trong cộng đồng có một lượng kha khá người nghèo và ngu dốt, thì khả năng thay đổi ngôn ngữ dù một cách chủ động hay một cách bị động đều khó xảy ra, khó thực hiện; cũng tức là có khả năng bảo tồn được ngôn ngữ mẹ đẻ!

Đây có vẻ như một quy luật không hay ho gì, không đáng khoe khoang, nhưng lại gây tác động thực sự đến đời sống ngôn ngữ con người?

Tôi nghĩ điều này nhân dăm, mười năm trước, trò chuyện với anh H., có lần anh bảo: Giả như Quang Trung không chết sớm và đòi được (hay chiếm thêm được) châu Ung châu Khâm, hay là khuất phục vua Thanh nữa, rồi chẳng hạn, lên làm vua toàn đất Tàu trung cổ, thì không chừng dân Việt sẽ mất nước, sẽ thành dân trung nguyên, vì sẽ nghe được nói được tiếng Quan thoại, bỏ rơi tiếng Việt!

Tất nhiên lịch sử không có “giá như”.

Nhưng nhân quan sát về điều có vẻ là quy luật kể trên, ta lại thấy khả năng giữ gìn tiếng Việt mạnh mẽ nhất không khéo lại là từ phía những đồng bào dốt và nghèo!

Đừng nói “Truyện Kiều còn tiếng ta còn…”, nói thế hơi văn chương, hơi ảo tưởng!

Hãy thấy khi vẫn còn con số khá đông những đồng bào vừa nghèo nên khồng thể học hành tử tế đến nơi đến chốn, vừa tối dạ đến nỗi trước sau chỉ nói được nghe hiểu được một ít tiếng mẹ đẻ vốn được tiếp nhận từ khi sinh ra ngay tại gia đình, cha mẹ, người thân, v.v., thì khi ấy tiếng Việt vẫn còn!

Hãy tưởng tượng đến một ngày nào đó, hầu hết người Việt có học hết PTTH đều nghe nói được tiếng Anh, sách báo trong nhà ngoài ngõ tràn ngập chữ Anh, khi ấy có thể ai còn nói tiếng Việt sẽ bị coi là phường kém cỏi, trì độn, nên tiếng Việt sẽ ít phổ biến dần dần ở các không gian sang trọng.
Nhưng khi ấy tiếng Việt vẫn không mất đi, bởi vẫn còn những người vừa nghèo vừa dốt vẫn nói với nhau bằng tiếng Việt, vẫn viết chữ Việt, đơn giản vì ngoài nó người ta không biết và không thể dùng bất cứ thứ tiếng nào khác.
Chỉ khi ấy người ta mới thấm thía rằng bộ phận nghèo và dốt mới là bộ phận đồng bào giữ gìn được tiếng mẹ đẻ!

Có một mối nguy là khi nghĩ ra điều nói trên, ta bỗng thấy bớt đặt sự tin cậy vào giới bác học đi chút ít ! Ta bỗng thấy cái ngôn ngữ ở chợ quê, ở hè phố, ở nhà quê, có sức sống lâu bền của nó!

5/9/2016
LẠI NGUYÊN ÂN

Comments are closed.