CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (13): “VỤ 79” (1) TỪ “ĐỀ DẪN” CỦA NGUYÊN NGỌC VÀ BÀI “VĂN HỌC PHẢI ĐẠO” CỦA HOÀNG NGỌC HIẾN ĐẾN NHỮNG TRANH GIÀNH CHỨC QUYỀN Ở HỘI NHÀ VĂN HỒI 1979-1983

Lại Nguyên Ân

Kể đến những tai nạn văn học ở Việt Nam thời bao cấp (1958-1986) thì bản “đề dẫn” (1979) của Nguyên Ngọc, hay bài viết nói đến “văn học phải đạo” (1979) của Hoàng Ngọc Hiến – hiển nhiên là những tai nạn đáng kể.

Tuy vậy, hai văn bản vừa kể không phải những vụ việc đơn lẻ, trái lại, liên quan đến hoặc nằm trong một loạt thay đổi đang diễn ra đương thời, từ những biến chuyển trong tâm thế sáng tác và tâm thế học thuật (mà cả hai bài của Nguyên Ngọc và Hoàng Ngọc Hiến là minh chứng) đến những thay đổi nhân sự trong bộ máy quản lý văn hóa văn nghệ.

Ở cấp cao thì một số nhân vật từ ngoại giao (như Xuân Thủy) từ chiến trường (như Trần Độ) trở về trung ương, tham gia lãnh đạo và chỉ đạo các ngành văn hóa, tư tưởng. Trong khi đó, Tố Hữu từ cơ quan TƯ Đảng chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (1980-86) phụ trách kinh tế (việc này khiến nhiều người cho là ông ta sẽ thôi kiểm soát giới văn nghệ, nhưng đó là một lầm tưởng rất tai hại!).

Ở văn nghệ thì Nguyên Ngọc từ VNQĐ được phái về làm bí thư đảng đoàn Hội nhà văn; Nguyễn Khải từ VNQĐ cũng được cử sang công tác ở Hội Nhà văn, cùng Nguyên Ngọc chuẩn bị đại hội nhà văn lần thứ ba; bản “đề dẫn” Nguyên Ngọc viết và đọc trong hội nghị nhà văn đảng viên (họp các ngày 11 – 13/6/1979) là khởi đầu việc chuẩn bị đại hội.

Nguyễn Đình Thi (tổng thư ký Hội NVVN từ 1958) thì dường như cảm thấy có dấu hiệu sắp bị thay thế, nảy sinh nhiều tâm tư, viết một loạt tác phẩm đầy tâm trạng (kịch thơ “Giấc mơ”, in 1983; kịch “Rừng trúc”, 1980, chưa in /trong đó có cảnh Lý Chiêu Hoàng ném vương miện một cách đầy giận giữ/; kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, dựng diễn, 1980).

Trong “đề dẫn”, bên cạnh việc đề cao thành tựu văn nghệ CM-KC, Nguyên Ngọc cũng có nói đến những hạn chế, thiếu sót, non yếu trong văn học hiện tại.

Đến nói chuyện với hội nghị nhà văn đảng viên (sáng 13/6/1979) với tư cách UV dự khuyết BCT, Bí thư TƯ Đảng, Phó Thủ tướng CP., Tố Hữu kể nhiều về gương chiến đấu và cách tổ chức sản xuất và đời sống ở một số xã biên giới Cao Bằng, rồi quay lại nhắc nhở: “không từ chỗ đứng của Đảng, không có cách nhìn của Đảng thì không thể nhận thức đúng đắn hiện thực và tác động trở lại hiện thực” (theo tường thuật của báo Văn Nghệ, 23/6/1979), đặc biệt ngầm cảnh cáo việc “không nhìn cây số trên đường đi” (theo lời thuật lại của một số nhà văn dự hội nghị, ý chỉ việc “đề dẫn” của Nguyên Ngọc nói tới những hạn chế, thiếu sót, non yếu của văn học CM-KC, thế tức là xem nhẹ thành tựu của văn học này!).

Bài của Hoàng Ngọc Hiến (đăng báo “Văn Nghệ” s. 23, ngày 09/6/1979, ngay trước ngày họp hội nghị nhà văn đảng viên), được không ít người trong giới nhà văn xem như nằm trong ý đồ chung của một “cánh” nhà văn (Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, một số nhà văn từng ở chiến trường miền Nam, …) đang mưu toan chiếm quyền kiểm soát Hội nhà văn. Vì bài Hoàng Ngọc Hiến dẫn bài Nguyễn Minh Châu nên đến lượt bài Nguyễn Minh Châu bị soi, lại thấy thêm cái ý: văn học ta mới viết được các thiên sử thi về chiến tranh, chứ chưa có tiểu thuyết, − thế tức là có ý hạ thấp văn học ta! Rồi bài Nguyễn Minh Châu lại nằm trong cả loạt bài do tạp chí “Văn nghệ quân đội” đặt viết, người ta soi thêm, lại thấy bài Ngô Thảo có cái ý: về chiến tranh thì nhà văn ta mới viết về “những người may mắn”, coi như mới nói 1/2 sự thật, mà “1/2 bánh mỳ là bánh mỳ, 1/2 sự thật đã là sự giả dối” (dẫn ý Nikolai Gribachev, 1910-92, nhà văn Xô-viết).

Dấu hiệu một “vụ” mới được nhấn mạnh (dao động niềm tin, hạ thấp thành tựu văn nghệ anh hùng cách mạng của ta, chịu ảnh hưởng quan điểm chống chủ nghĩa xã hội của A. Camus, vi phạm một số vấn đề nguyên tắc trong đường lối văn nghệ của Đảng). Một loạt vận động, thảo luận diễn ra trong giới tuyên huấn, giới nghiên cứu khoa học xã hội, giới nhà văn, nhưng thường là theo cách làm nội bộ, ví dụ tổ chức hội thảo với số người hạn chế, được chỉ định, và không cho đăng tải bài vở hay tin tức lên các báo.

Tài liệu “đấu tranh phê phán” hiển ngôn đầu tiên có lẽ là bài của Tô Hoài: Về một đặc điểm của văn học… Bàn với anh Hoàng Ngọc Hiến về bài “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” (Văn Nghệ, H., s. 42, ngày 20/11/1979).

Đầu năm 1980, thông báo về phiên họp Hội nghị toàn thể BCH Hội nhà văn VN (10/01/1980) cho biết Ban chấp hành “đã đặc biệt nhấn mạnh bài nói chuyện quan trọng của đồng chí Tố Hữu về phương hướng và nhiệm vụ của người cầm bút trong giai đoạn mới, lấy đó làm cơ sở cho sự suy nghĩ và hành động cho các tổ chức văn học và cho mỗi người cầm bút” (tường thuật của PV. báo Văn Nghệ, H., s. 2, ngày 26/01/1980).

[MỘT ĐOẠN HỒI ỨC: Còn nhớ, vào khoảng trước ngày Quốc khánh 2/9/1980, tại 51 Trần Hưng Đạo có một cuộc họp do Trần Độ và Hà Xuân Trường đồng chủ trì; được triệu tập dự họp là khá nhiều người được coi là thuộc lớp trẻ trong giới văn nghệ quanh Hà Nội; tôi nhớ có Lê Lựu, Triệu Bôn, một số bạn BTV hoặc PV chuyên viết các trang văn hóa văn nghệ một số tờ báo; người viết những dòng này cũng trong số được mời dự. Hai vị chủ trì nêu vấn đề: trong đời sống văn nghệ dường như đang có sự dao động, nghi ngờ thành quả và phương hướng văn nghệ cách mạng… Rồi hai vị đề nghị các bạn được mời dự phát biểu xem có những gì đáng quan tâm… Anh em phát biểu lẻ tẻ, ngập ngừng, nhiều người tỏ ra cố ý nói … lạc đề (ví dụ nhà văn X. dành thời gian phát biểu để nhắc lại những kỷ niệm với anh Chín Vinh /Trần Độ/ hồi còn ở chiến trường !). Cảm tưởng từ cuộc họp là có một cơn cớ gì đó đáng ngại đang trùm lên giới văn nghệ! – hết đoạn hồi ức]

Trong năm 1980, Tạp chí Cộng sản có tới 3 bài đề cập vụ việc này. Đó là các bài của Hà Xuân Trường (Văn nghệ ta phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng // TcCS, s. 3/1980), của Trần Độ (Văn nghệ, vũ khí cách mạng // TcCS, s. 11/1980), bài của Phan Cự Đệ (Nhìn lại những tác phẩm viết về chiến tranh chống đế quốc trong 35 năm vừa qua // TcCS, s. 11/1980). Đáng kể nhất trong số này là bài của Trần Độ, lúc đó là UV TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ (bài này cũng đồng thời đăng báo Nhân dân), trong đó trích dẫn các ý và câu chữ từ bài báo của Hoàng Ngọc Hiến (nhưng không nêu tên người) và phê phán, coi đó là những “ý kiến lệch lạc đụng chạm đến những nguyên tắc cơ bản trong đường lối văn nghệ của Đảng”.

Ngay đầu năm 1981 liên tiếp xuất hiện các bài dài, như là “tổng công kích”. Đó là hai bài của Chế Lan Viên: bài đầu nhan đề Thư đầu năm viết lúc cuối năm (Văn Nghệ Tp.HCM., s. 155, ngày 9/01/1981), đăng báo Văn Nghệ ở Hà Nội với nhan đề Thư cuối năm đọc lúc đầu năm (Văn Nghệ, H., s. 2, ngày 10/01/1981); bài thứ hai nhan đề Thư đầu năm, tái bút (Văn Nghệ Tp.HCM., s. 157, ngày 23/01/1981; đăng lại Văn Nghệ, H., s. 8, ngày 21/02/1981).

Cũng dịp đầu năm 1981 trên tạp chí Văn nghệ Quân đội thấy xuất hiện bài của Chính Hữu (Nhân đọc một bài lý luận về sáng tác văn học, VNQĐ, s. 1/1981; ông Chính Hữu lúc đó là Đại tá, Cục phó Cục Tuyên huấn, TCCT, sau sự kiện này mới chuyển ngành sang Hội nhà văn).

Ở các bài của Chế Lan Viên và Chính Hữu, người ta có thể nhận ra dấu hiệu: cả Hoàng Ngọc Hiến lẫn Nguyên Ngọc, trong những cuộc thảo luận kín kể trên, suốt gần 2 năm, đã không chịu thừa nhận sai lầm về các luận điểm và nhận định đã nêu ra. Từ những dư luận và thảo luận (về “đề dẫn” của Nguyên Ngọc và bài báo của Hoàng Ngọc Hiến) giới chính thống cho rằng trong lý luận phê bình văn nghệ lúc này đã có những lệch lạc về quan điểm; do vậy, đây là những điều cần thảo luận phê phán, nhân các đợt học về nghị quyết Đại hội V ĐCSVN (tháng 3/1982) cho văn nghệ sĩ.

“Vụ 79” kết thúc thế nào? Dường như là kết thúc một cách lặng lẽ, nhưng rõ rệt: phái trẻ, từ chiến trường ra (đại biểu là Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải…) thôi được trọng dụng; trong khi đó, phái cũ, vẫn nằm sẵn ở trung ương, đại biểu là Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài… lại được cấp trên tin dùng.

Ông Thi không còn giọng điệu bất mãn như bài ông phát biểu tại hội thảo “35 năm văn học yêu nước và xã hội chủ nghĩa” (1980) nữa. Ông được giao chủ trì việc tổ chức hội nghị Ban chấp hành Hội nhà văn Á-Phi và Gặp gỡ quốc tế các nhà văn Á-Phi tại Việt Nam (20 – 28/10/1982). Tiếp đó ông lại được giao trưởng ban trù bị đại hội nhà văn lần thứ ba. Kỳ đại hội này (họp các ngày 26-28/9/1983) được chỉ huy sít sao nhất (như sau này Hà Xuân Trường nhận xét một cách rất đắc ý), bầu Ban chấp hành gồm 44 người, hoàn toàn trùng khớp danh sách do “trên” dự kiến và gợi ý. Ở Đại hội này, Nguyễn Đình Thi được bầu lại là Tổng thư ký Hội nhà văn thêm một nhiệm kỳ nữa (Người ta cho rằng đây là cái ơn mà Tố Hữu đã ban phát cho ông Thi, cũng là để ông Lành chứng tỏ uy quyền mình vẫn còn đối với giới văn nghệ, cho đến tận khi ông mất chức Phó thủ tướng, sau vụ đổi tiền, tháng 9/1985). Tại buổi lễ kết thúc đại hội, ông Thi đã làm cho khá đông công chúng của truyền hình đen trắng cảm thấy… lờm lợm trước những lời “có cánh” của ông, bảo rằng các nhà văn Việt Nam cảm thấy rất tự hào vì được là những “hạt bụi lấp lánh” dưới ánh sáng của Đảng!

Tài liệu hiển ngôn của “vụ 79” không thật nhiều nhưng cũng không quá hiếm.

Hai tài liệu được xem như “chứng từ gốc” (làm nảy sinh vụ việc) thì chỉ có bài của Hoàng Ngọc Hiến đã đăng báo là dễ tìm. Còn lại, bản đề dẫn của Nguyên Ngọc thì không thấy đăng tải trên các cơ quan của Hội NVVN, và các bài phê phán chỉ nhắc tới nó một cách lấp lửng, không nêu tên tác giả, hoặc chỉ gọi là “anh X.” (xem bài Chế Lan Viên).

Cách đây dăm sáu năm, vào năm 2008, tôi được nhà nghiên cứu Từ Sơn (Nguyễn Đức Dũng) cho xem một bản “đề dẫn” ông còn giữ được. (Ông Từ Sơn khi đó là trưởng ban biên tập lý luận phê bình báo Văn Nghệ). Tài liệu gốc đó là bản in stencil (đánh máy trên giấy nến rồi lăn ru-lô in thành nhiều bản) của Văn phòng Hội Nhà Văn Việt Nam dùng cho hội nghị kể trên. Bản đánh máy vi tính ở đây là theo bản gốc do ông Từ Sơn cung cấp. Sau đó người sưu tầm (Lại Nguyên Ân) gửi qua email văn bản này cho nhà văn Nguyên Ngọc (người đã viết ra bản đề dẫn này và đọc tại hội nghị nhà văn đảng viên năm 1979) đề nghị ông Ngọc xem lại, lưu ý những chỗ bản đánh máy cũ có sai sót; ông Ngọc đã xem lại, sửa các lỗi đánh máy và chuyển lại cho người sưu tầm.

Loạt bài “tai nạn văn học” về “vụ 79”, chúng tôi hệ thống hóa tài liệu như sau:

CÁC BÀI (bị coi là) LÀM NẢY SINH VỤ VIỆC (và bị đánh) gồm:

1/ Bài báo của Hoàng Ngọc Hiến (Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua (Văn nghệ, H., s. 23, ngày 09/6/1979)

2/ Bản “đề dẫn” của Nguyên Ngọc (“Đề cương đề dẫn thảo luận ở hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học”, đọc tại hội nghị trên, 11/6/1979)

3/ Bài báo của Nguyễn Minh Châu: Viết về chiến tranh (Văn nghệ quân đội, s. 11/1978)

4/ Bài báo của Ngô Thảo: Góp bàn về sáng tác đề tài chiến tranh và quân đội (Văn nghệ quân đội, s. 9/1978)

CÁC BÀI PHÊ PHÁN:

1/ Tô Hoài: Về một đặc điểm của văn học… Bàn với anh Hoàng Ngọc Hiến về bài “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” (Văn Nghệ, H., s. 42, ngày 20/11/1979).

2/ Hà Xuân Trường: Văn nghệ ta phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng (Tạp chí Cộng sản, s. 3/1980)

3/ Trần Độ:Văn nghệ, vũ khí cách mạng (Tạp chí Cộng sản, s. 11/1980)

4/ Phan Cự Đệ: Nhìn lại những tác phẩm viết về chiến tranh chống đế quốc trong 35 năm vừa qua (Tạp chí Cộng sản, s. 11/1980)

5/ Chế Lan Viên: Thư đầu năm viết lúc cuối năm (Văn Nghệ Tp.HCM., s. 155, ngày 9/01/1981), đăng: Văn Nghệ ở Hà Nội với nhan đề Thư cuối năm đọc lúc đầu năm (Văn Nghệ, H., s. 2, ngày 10/01/1981)

6/ Chế Lan Viên: Thư đầu năm, tái bút (Văn Nghệ Tp.HCM., s. 157, ngày 23/01/1981; đăng lại Văn Nghệ, H., s. 8, ngày 21/02/1981).

7/ Chính Hữu: Nhân đọc một bài lý luận về sáng tác văn học (Văn nghệ quân đội, s. 1/1981)

8/5/2015

L.N.A.

Comments are closed.