Dấn chân Tô Hoài (phần 2)

Yên Ba

Không nghi ngờ gì nữa, Dế mèn phiêu lưu ký, một cuốn truyện viết cho thiếu nhi, là một trong những tác phẩm lớn trong đời viết văn của Tô Hoài. Bắt đầu từ cuốn sách mỏng Con dế mèn do nhà Tân Dân ấn hành, ông phát triển thành Dế mèn phiêu lưu ký (hồi đó tôi phải viết dần dần, in làm nhiều lần như thế để có nhiều nhuận bút! – ông cười tinh quái nói với tôi).

Theo như ông kể với tôi thì Dế mèn đã được dịch ra trên dưới 80 thứ tiếng. Không rõ độ chính xác của con số này đến đâu (có lẽ phải nhờ mấy ông sưu tầm sách kiểm chứng) nhưng rõ ràng cuốn truyện thiếu nhi này đã chạm đến tim của độc giả nhỏ tuổi khắp nơi trên thế giới. Nên chăng nếu có một phố Tô Hoài ở Hà Nội thì cũng cần có bức tượng dế mèn ở con phố đó…

Sau Dế mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài đã viết nhiều tác phẩm khác. Từ cái thuở Vợ chồng A Phủ (mà tiền nhuận bút khi chuyển thành kịch bản phim đủ để mua được hẳn một cái nhà), ông đã viết đủ thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến tiểu luận, phê bình, tạp văn.. Nhưng có lẽ “cái duyên Tô Hoài” nhất trong văn nghiệp của ông là những mảng hồi ức về cảnh, về người.

Ông từng viết Cỏ dại, Tự truyện để kể chuyện mình. Đến Cát bụi chân ai, người đọc thấy rõ một Tô Hoài lịch lãm, sắc sảo, lúc lơ mơ, lẩn mẩn, lúc lại chân thật đến tàn nhẫn. Đây là cuốn sách viết qua kỷ niệm. Có cảm tưởng những bạn văn, bạn đời, những việc văn, việc người như những lớp sóng lô xô tràn ra từ trong ký ức, không viết ra không được. Bao biến thiên thăng trầm của đời sống văn học Việt Nam, bao số phận, gương mặt những người – văn của một thời được nhà văn diễn đạt thật tài hoa.

Ông cười mủm mỉm: “Có những việc mà tôi không viết ra thì sẽ không ai viết cả!”. Còn tôi thì nghĩ rằng nếu ông không viết thì sẽ có người khác viết ra, chỉ có điều là theo cái cách của họ. Mà những việc ấy, người ấy, ít ai có điều kiện và độ tin cậy để viết ra, hơn ông. Rồi sau đó là Chiều chiều, một cuốn tiểu thuyết-tự truyện nhuốm màu buồn bã…

***

Ở tuổi 80, ông làm dậy sóng văn đàn bằng một cuốn tiểu thuyết có cái tựa khá hiền lành Ba người khác. Cuốn tiểu thuyết đã đụng chạm trực diện đến một trong những chủ đề vẫn còn nhạy cảm, đó là cải cách ruộng đất, và có lẽ cũng chính vì vậy mà kể từ khi nhà văn Tô Hoài viết dòng cuối cùng vào năm 1992, phải qua tới 14 năm, cuốn tiểu thuyết mới đến với bạn đọc qua thương hiệu của nhà xuất bản Đà Nẵng.

Nội dung của Ba người khác xoay quanh số phận của ba con người: nhân vật kể lại câu chuyện xưng tôi-Bối, đội phó đội cải cách phụ trách toà án; Đình, một cán bộ trong đội và Cự, đội trưởng đội cải cách. Những con người ấy đã bị cuốn vào trong cái vòng xoáy dữ dằn của thời cuộc để rồi chính họ cũng góp phần làm cho cái thời cuộc ấy trở nên dị dạng, phi lý… Đình đang từ chỗ là cán bộ cải cách bỗng dưng bị đấu, may thoát chết, thân tàn ma dại, sau lang bạt đi kinh tế mới; đội trưởng Cự sau chạy sang hàng ngũ địch rồi bị xử tử vì tội phản bội; còn Bối, nhân vật xưng tôi, cuộc đời cũng sa cơ lỡ vận, vợ con bỏ đi, có lúc muốn tự tử nhưng rồi vẫn sống lay lắt…

Một câu chuyện buồn, rất buồn.

Tôi đã tham dự buổi tọa đàm về cuốn Ba người khác của Tô Hoài ở Hội trường Viện Văn học, Hà Nội. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đã lên tiếng về cuốn sách gây chấn động văn đàn hồi năm 2006 này.

Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân nhận định: “Việc xuất bản tiểu thuyết Ba người khác có thể nói là ghê gớm. Theo tôi có thể gọi đây là tiểu thuyết lịch sử. So với nhiều tác phẩm khác từng viết về cải cách ruộng đất thì Ba người khác là một trong những cuốn tiểu thuyết ấn tượng nhất về sự kiện đó. Đó là khi mà cái phần ác trong những con người lớp dưới đã bị khuấy lên và nó khuynh đảo, làm cho mọi việc trở nên dị hợm. Cuốn tiểu thuyết đã làm cho người đọc sống lại cái thời ghê gớm ấy và có thể còn khiến cho người ta tranh cãi về lịch sử…”

Nhà văn Văn Chinh: “Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng viết cuốn sách này là một sự táo bạo hay dũng cảm. Đơn giản đây là sự nhìn nhận lại mình của một người cộng sản chân chính. Trước đây, khi viết về người nông dân, người ta hay ở tư thế từ trên nhìn xuống, còn trong cuốn tiểu thuyết này, đó là cái nhìn của một người trong cuộc, cùng tham gia với người nông dân vào các sự kiện. Cuốn sách này có bút pháp khuynh đảo những bút pháp cũ. Khác với nhiều nhà văn có 2 gam cảm xúc sáng tạo thì chuyển đến người đọc được 2 miligam, còn Tô Hoài có 2 gam thì ông đã chuyển tải đủ 2 gam sáng tạo đó đến được với người đọc!”

Nhà văn Châu Diên (nay đã mất): “Trong tất cả các tác phẩm trước đây của Tô Hoài, kể cả Dế mèn phiêu lưu ký hay Vợ chồng A Phủ, hầu như ông không để ý đến tâm lý nhân vật. Nhưng trong Ba người khác thì tôi thấy lần đầu tiên đã xuất hiện tâm lý nhân vật(!) Những nhân vật trong tác phẩm này của ông đều có hai vẻ mặt trong cuộc đời. Cuốn sách này là để nói về sự tha hoá của con người, là chuyện của thời chưa qua, của hiện tại chứ không phải đơn thuần chỉ nói về lịch sử.”

Nhà văn Nguyên Ngọc: “Tôi đọc cuốn tiểu thuyết này ở dạng bản thảo, khi nó còn có tên là Chuyện ba người. Tô Hoài đã viết rất hay về người nông dân, về những con người thật ra là ấm ớ, vớ vẩn, vậy nhưng họ đã có khả năng phá vỡ hầu như tất cả những kết cấu của xã hội, kể cả văn hóa nghìn năm. Đọc cuốn sách, có thể thấy ngưòi ta có thể tạo ra thảm họa như một trò cười. Nếu nói đến đề tài thì cuốn sách có một tầm khái quát rất lớn, vượt ra ngoài cái khung về cải cách ruộng đất. Nó đề cập đến một thời kỳ bi thảm trong lịch sử. Về bút pháp, Tô Hoài đã sử dụng lối nói mỉa mai, tưng tửng, dửng dưng. Đây là một bút pháp của văn học hiện đại, thoát ra khỏi bút pháp sử thi thường thấy…”

Nhà phê bình Nguyễn Hữu Sơn: “Việc xuất bản cuốn tiểu thuyết này là một minh chứng rõ nét cho chiều hướng đổi mới xuất bản ở nước ta. Tuy nhiên, tôi có một số nhận xét sau. Trong tương quan với những tác phẩm khác của Tô Hoài, cuốn tiểu thuyết Ba người khác mang đậm tư duy của truyện ký, làm giảm đi khả năng xây dựng nhân vật điển hình. Nếu so với các tác phẩm gần đây của ông như Cát bụi chân ai, Chiều chiều thì đây là một bước lùi về tiểu thuyết. Cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm này mang tính biếm họa, lối viết nghiêng về tự nhiên chủ nghĩa. Trong cuốn sách này, ông triệt để khai thác mặt trái, mặt tối của các nhân vật; các nhân vật đều tăm tối, ngu muội như nhau. Người đọc không tìm thấy đâu hoàn cảnh đã xô đẩy các nhân vật vào tội lỗi mà chỉ thấy bản thân họ sống trong tội lỗi. Trong Ba người khác, ánh sáng dường như vắng bóng…”

Trong suốt thời gian diễn ra cuộc tọa đàm, tôi thấy Tô Hoài ngồi im lặng, chăm chú lắng nghe các ý kiến. Chỉ đến khi người điều khiển cuộc tọa đàm mời ông phát biểu, ông mới chậm rãi nói, giọng khoẻ, ấm và vang xa:

“Tôi viết Ba người khác cũng như viết những cuốn sách khác của tôi. Cứ hết cuốn này thì tôi viết sang cuốn khác thôi. Bao giờ tôi cũng viết dựa trên một phần thực tế nhất định cộng với một chút mơ màng nào đó. Tôi đã từng làm Đội phó cải cách, Chánh toà án thời kỳ cải cách ruộng đất, đi cải cách ở ba nơi và đội của tôi từng được tiếng là đánh địch giỏi. Đoạn cuối cuốn sách bị yếu, tôi cũng công nhận thế, nhưng đấy là vì tôi quá thích cái cái sự thật đó, bởi vì trong thực tế, nó đã diễn ra đúng như tôi tả trong sách. Còn về vấn đề mô tả tình dục trong sách thì trước nay, quan niệm của tôi vẫn thế. Cuối cùng, tôi xin nhắc lại Ba người khác là một chút mơ màng nào đó của tôi…”

***

Một lần, mở đầu câu chuyện với tôi, ông nói: “Tôi là người ham làm việc”. Có lẽ không một ai nghi ngờ điều đó. Có người còn tỉ mẩn tính ra số đầu sách đã được in ra của ông lên đến trên dưới 160 cuốn (một con số thật đáng kinh ngạc), nhiều gấp đôi tuổi ông.

Thế nhưng đó cũng là điều dễ hiểu đối với một người chăm chút đến văn học như ông, lao động nghiêm túc, cần mẫn như ông và cũng đi nhiều như ông. Chân ông đã in dấu trên khắp mọi vùng của đất nước, tới nhiều góc của địa cầu. Khi đã trở về với cát bụi, ông cũng còn để riêng lại trên một trăm sáu chục dấu chân trong nền văn học Việt Nam, những dấu chân Tô Hoài.

Cụ Dế mèn.

Sách do hội Truyền bá quốc ngữ phổ biến.

Tô Hoài viết về đồng nghiệp.

Viết lại truyện cổ, một cách sáng tác ưa thích của Tô Hoài.

"Thợ dìu" ở đây là người chuyên dìu các bà các cô trên sàn nhảy, không phải ông thợ bổ rìu" – ông giải thích với tôi.

Cuốn sách gây xáo động văn đàn một thời.

Cuốn hồi ký buồn man mác.

Chuyện loài vật xuất bản tại Sài Gòn.

Dế mèn phiêu lưu ký xuất hiện ở dạng gần hoàn chỉnh.

Sách xb ở nhà Văn nghệ.

Nguồn: https://www.facebook.com/groups/conghoasach/permalink/3479810338767495

Comments are closed.