Ghi chép về Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên…

Vũ Thư Hiên

Nhân có bạn hỏi về mấy nhà văn nổi tiếng lớp trước mà tôi biết, tôi xin trích ra đây một đoạn ghi chép về họ, thay cho câu trả lời, nó sẽ quá dài. Tâm trạng bức bối của nhà văn Việt Nam bị hoặc tự nguyện đặt mình dưới sự lãnh đạo của những người mù tịt về văn chương, nhưng luôn vỗ ngực khoe trí tuệ sáng láng cũng không khác gì các bạn đồng nghiệp bên Tàu. Đoạn trích dịch một bài báo về sự nổi loạn của một số văn gia chủ chốt của đảng cộng sản Trung Quốc cho ta thấy cảnh tượng gọi là “đấu tranh giai cấp” ở bên ấy. Đoạn trích dịch này tôi không nhớ nguồn để ghi ra, xin cáo lỗi cùng người dịch.

Mấy thứ này không có gì hay, đưa lên đây để các bạn chưa gặp tham khảo, cũng có chút ích lợi.

“… Mùa hè năm 1967 tôi có một buổi dạo phố tình cờ với Nguyễn Đình Thi. Anh vừa ra khỏi trụ sở Nhà xuất bản Văn học nằm trên đường Hai Bà Trưng thì gặp tôi.

– Sao dạo này không thấy cậu viết gì? – Nguyễn Đình Thi hỏi tôi.

– Có gì đâu, cái đầu tôi nó không ổn. Tôi có những ý nghĩ vô kỷ luật. Sau Đường Số 4 bị lên án vì chủ nghĩa ấn tượng mà tôi không có, thậm chí không hiểu nó là gì, đến Đêm Mất Ngủ bị ông Tố Hữu gọi là “bất mãn với chế độ hiện hành”, rồi Đêm Cuối Cùng, Ngày Đầu Tiên bị ông Nguyễn Chí Thanh đánh là “Chủ nghĩa nhân đạo chung chung”, chống mọi thứ chiến tranh, tôi chán, không muốn viết nữa…

Nguyễn Đình Thi cười khe khẽ. Tôi quen với cách cười của anh. Cười để không nói, ai hiểu thế nào cũng được.

– Thảo nào cậu vắng bóng hẳn. Không viết thì có đọc được nhiều không?

– Thì tôi còn làm gì nữa ngoài đọc? Tôi đang mê châu Phi đây.

– Châu Phi à? Mà tại sao lại châu Phi?

– Văn xuôi ở đại lục này nhiều chất thơ, nhiều triết lý dân dã cội nguồn, chứ không phải triết lý tư biện, không tả chân lằng nhằng, không giải thích ba hoa, đọc thú lắm. Anh đọc mấy cuốn Con Báo, Ông Giê-su Khốn Khổ Ở Tỉnh Bomba chưa?

– Chưa. Mình dạo này ít đọc lắm. – Nguyễn Đình Thi thở dài – Toàn bận những chuyện không đâu. Đi lên thỉnh thị, đi xuống truyền đạt. Họp và họp. Thậm chí mình không biết có những cuốn ấy. Hay lắm à?

– Tuyệt vời! Tôi không kỳ thị chủng tộc. So sánh nền văn học của những người anh em da đen tôi thấy xấu hổ cho nền văn học của chúng ta. Toàn một thứ thuyết giảng dài dòng văn tự, minh họa thô thiển…

Nguyễn Đình Thi trầm ngâm một lát. Sau một quãng tản bộ dài, anh nói khẽ:

– Ở các nước khác cần phải có tài mới thành nhà văn…

Tôi hiểu đoạn cuối của câu nói: “… còn ở nước ta thì không “. Nguyễn Đình Thi có lối nói như thế – người nghe phải tự hiểu lấy điều anh không nói ra.

Chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm trong kháng chiến chống Pháp. Giữa câu chuyện Nguyễn Đình Thi hỏi tôi:

– Cậu thấy Vỡ Bờ của mình thế nào?

Tôi lúng túng. Câu hỏi thẳng đòi một câu trả lời thẳng. Tôi không muốn làm Nguyễn Đình Thi mất lòng.

– Tôi không thú Vỡ Bờ.

– Có thể nói rõ thêm được không?

– Nó cũng là sự thuyết giảng. Mà thừa. Nó rõ ràng không phải là nhu cầu nội tâm của anh. Đọc qua cũng thấy tác giả không viết cũng chẳng sao. Không cảm thấy sự thúc bách của tâm hồn người viết – không thấy anh trong đó. Thêm nữa, tôi không thích cách anh chấm phẩy, xuống dòng trong cuốn này. Không chỉnh. So với Xung Kích là sự thụt lùi. Tôi thích thơ của anh hơn. Nó là tiếng lòng anh, đích thực, nó nói thay cho tiếng lòng tôi, tiếng lòng của người đọc…

Chúng tôi im lặng đi bên nhau một lúc lâu. Lúc chia tay Nguyễn Đình Thi nói, giọng buồn hẳn:

– Lẽ ra mình chỉ nên làm nhạc. Âm nhạc – đó mới là chỗ của mình.

Cái sự không tìm ra chỗ của mình có trong tâm trạng nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam. Mọi người, sau khi đặt số phận mình vào bàn tay dìu dắt của Đảng đều phải gò mình vào cái tôi chung, cái tôi tập thể, là một cái tôi vô hình vô ảnh, phải chui vào trong nó, phải hoà tan trong nó, để tự biến mình thành nó. Trong cái tôi tập thể này ai cũng thấy vướng víu, không thoải mái. Nhưng đã chấp nhận nó rồi, người ta đành buông tay, mặc cho mọi sự xuôi dòng. Nhưng con người là con người, có những lúc nó không làm chủ được mình, trong trường hợp cái tôi đích thực bất thình lình vùng lên, thúc bách đòi lại vị trí tự nhiên của nó, đòi được là nó.

Năm 1962, hoặc 1963, tôi không còn nhớ rõ, Nguyễn Đình Thi cho ra vở kịch Con Nai Đen có chất ngụ ngôn nói bóng gió chuyện những người thành đạt quay lưng lại với bè bạn thời gian khổ. Sự bóng gió trong vở kịch, theo anh em cầm bút đánh giá, nhẹ tới mức bằng không, thế nhưng những nhà lãnh đạo vẫn không hài lòng và vở kịch bị đánh . Cùng trong khoảng thời gian ấy, hoặc sau đó ít lâu, Kim Lân viết Con Chó Xấu Xí và Vũ Tú Nam cho ra đời Văn Ngan Tướng Công. Cả hai con vật này cũng bị đánh nốt. Người ta giải thích rằng Kim Lân ví Đảng như ông chủ, còn trí thức như con chó. Ông chủ hắt hủi con chó khi nó ghẻ lở gày còm, ông chỉ quan tâm tới nó khi thấy nó hứa hẹn những đĩa luộc, đĩa dồi và nồi nhựa mận bốc mùi ngào ngạt. Con chó khốn khổ thì cứ một mực trung thành với chủ cho đến chết. Miêu tả thân phận con chó còi cọc đói khổ trên nền xám của nông thôn Việt Nam Kim Lân có ngòi bút cực hay. Còn Văn Ngan Tướng Công thì bị buộc tội ám chỉ Đảng “bay không biết bay, bơi không biết bơi, chỉ nỏ mồm cạc cạc”.

– Chớ có viết về những con vật! – Kim Lân nói – Không hiểu sao cứ nói chuyện súc vật là y như rằng có người động lòng. Mà nhiều, mới chết chứ!

Không rõ các nhà văn tác giả bôi nhọ Đảng bao nhiêu, nhưng chính các nhà phê bình mới là người có công vạch ra những cái xấu của Đảng. Không có các nhà phê bình thì người đọc bình thường chưa chắc đã hiểu nhà văn định móc máy cái gì. Bên Trung Quốc vào thời gian này cũng có những nhà văn kỳ tài trong chuyện nói xỏ Đảng như Đặng Thác, Ngô Hàm, Liêu Mạt Sa của Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh. Những chuyện ngụ ngôn kiểu mới dưới đề mục Yên Sơn Dạ Thoại (“Chuyện canh khuya dưới chân núi Yên”) và Tam Gia Thôn (“Thôn ba nhà”) là những áng văn rất thú vị. Đọc họ hay thì thấy hay, nhưng không hiểu hết ý họ muốn nói, nếu như không có những nhà phê bình chỉ ra những ý ngầm cho mình thấy. Thí dụ như câu chuyện sau. Một anh chàng bị bệnh mất trí nhớ, vợ bắt đi đến nhà thày lang chữa bệnh. Giữa đường, mót đại tiện, anh ta mới cột ngựa lại, lủi vào sau bụi cây, đặt nón xuống, cắm mũi tên toan bắn chim cắm bên cạnh. Xong việc, anh ta đứng lên, thấy mũi tên cắm đấy, hoảng quá: có kẻ định ám hại mình, may nó bắn không trúng. Lại thấy giữa nón có bãi phân, ngó kỹ càng sợ hãi: thích khách vừa ở đây, phân nó thải ra còn nóng. Đến khi yên tâm vì thích khách không còn đấy, anh ta thấy con ngựa đứng đấy thì reo mừng: bắt được con ngựa. Trèo lên lưng nó rồi, anh ta cũng chẳng biết đi đâu bây giờ. Ngựa quen đường cũ, chở anh ta về nhà. Mụ vợ thấy chồng trở về không nón, không cung tên, bèn túm lấy anh ta mà chửi té tát. Còn anh chàng mất trí nhớ thì ngẩn người ra: ô hay, mụ là ai, với ta không quen không thuộc, cớ sao dám chửi bới ta như thế? Kết luận, tác giả nói người bị bệnh này, theo các sách thuốc cổ, chỉ có thể chữa khỏi nếu lấy máu chó mà giội lên đầu. Nhà phê bình liền chỉ ra rằng tác giả nói xấu Đảng, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, mũi tên mình cắm thì tưởng địch bắn, mình ỉa ra đấy thì bảo kẻ khác, con ngựa vốn của mình, thấy nó thì reo vang thắng lợi, còn kẻ nuôi nấng mình (ý nói nhân dân) thì không nhận ra; cái giống ấy là giống chó, nên phải lấy máu chó mà trị. Người Tàu thâm thật.

Trong nhà thơ lớn Chế Lan Viên sự lủng củng giữa cái tôi bản năng, cái tôi tự nhiên, với cái tôi được Đảng nhào nặn, được nhà thơ tự ép mình mà thành, kéo dài không chỉ vài năm mà cả cuộc đời. Tôi quý Chế Lan Viên thông minh và tôi thích thơ anh. Nhưng những bài thơ chính trị của Chế Lan Viên thì tôi chịu không nổi. Tôi đánh giá cao bao nhiêu những lời thơ tâm tình: “Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ. Nơi nào qua mà lòng chẳng yêu thương. Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”, thì tôi ngán bấy nhiêu những lời ngợi ca chiến tranh của anh: “Hỡi những con thỏ hòa bình đang tìm nơi gặm cỏ. Súng ta nổ cũng là vì ngươi đó!”

Mùa thu năm 1965, tôi gặp Chế Lan Viên ở Đồng Hới. Hồi ấy, khi mặt trời lặn rồi, cả khu 4 chìm trong bóng tối mịt mùng, duy nhất có thị xã này còn điện. Vượt qua những khúc sông trước kia có cầu Bùng, cầu Phủ, Chánh Hòa, Lý Hòa… tôi đạp mải miết về phía vòm sáng trên nền trời đêm. Vừa thở ra khoan khoái khi đi vào vùng sáng của nó thì lại giật nẩy mình vì một tiếng thét lớn:

“Đứng lại!”. Tưởng gặp trạm gác dân quân, tôi xuống xe. Đã thò tay vào túi để lấy thẻ nhà báo thì một người đội mũ lá sùm sụp từ một ụ chiến đấu to đùng bước ra:

– Vũ Thư Hiên hử?

Đó là Chế Lan Viên. Anh cười hà hà, mặt rạng rỡ:

– Nửa tháng nay mình phục ở đây mà chẳng gặp ma nào trong cánh ta cả. Nhìn thấy Vũ Thư Hiên mình mừng quá. Mới quát lên một tiếng cho vui.

Anh lôi tuột tôi về nhà khách tỉnh ủy. Nhà khách xây lưng ra sông Nhật Lệ xa xa, phong cảnh hữu tình, nhưng vắng tanh vắng ngắt. Ngoài Chế Lan Viên và tôi chẳng còn ma nào khác. Mờ đất nhà bếp đã nấu xong cơm trưa, úp lồng bàn để đấy cho chúng tôi, rồi ba lô lên vai, mọi người kéo nhau đi sơ tán. Cơm chiều chúng tôi tự nấu. Chế Lan Viên làm thơ hay, nhưng nấu ăn rất dở. Tôi nấu, anh rửa bát. Buổi sáng, chúng tôi hì hục xách nước tưới cho những chậu cảnh xơ xác thay cho bài tập thể dục rồi mò tới quán bánh bèo duy nhất còn lại trong thành phố. Chủ quán, một bà già hom hem, khô xác và đen nhẻm, vừa dọn bàn vừa than phiền bánh bèo bây giờ thiếu tôm bông và không có nước mắm Ô Long. Có hôm thiếu bột hay thiếu cái gì khác bà chủ dọn món cháo sườn băm thay cho bánh bèo rồi tự động bớt tiền cho chúng tôi.

Buổi tối, chúng tôi nằm mỗi người một giường gần nhau, vừa vỗ muỗi vừa chuyện vãn. Một hôm tôi hỏi Chế Lan Viên:

– Này, anh Chế, theo anh, thơ và từ của Mao Trạch Đông có hay lắm không mà thiên hạ tán tụng om xòm đến thế?

Chế Lan Viên cười hức hức:

– Thơ phú gì cái thằng cha ấy?! Vũ Thư Hiên thấy hay à?

Anh bao giờ cũng gọi tôi đủ tên họ.

– Thơ phú tôi mù tịt, mới phải hỏi anh.

Chế Lan Viên hạ một câu xanh rờn:

– Làm đến hoàng đế nước Tàu rồi thì cục cứt của hắn thiên hạ cũng khen thơm.

Tôi ngẩn người. Chẳng lẽ đó là tác giả của câu thơ ca ngợi hai lãnh tụ vĩ đại: “Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao!”?

__________________

Tháng 9 năm 1961, Đặng Thác, chủ biên tập san lý luận “Tiền tuyến” của cơ quan thành uỷ Bắc Kinh, mời Ngô Hàm và Liêu Mạt Sa hợp tác, mở ra trong tập san “Tiền tuyến” một chuyên đề, chọn một chữ từ họ tên hoặc bút danh của 3 người, lấy tên là “Ngô Nam Tinh”, tên chuyên đề gọi là “Bút ký Tam gia thôn” (Thôn ba nhà).

Năm 1962, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, triệu tập Hội nghị Bắc Đới Hà và Đại hội toàn quốc khoá 8 lần thứ 10, đánh giá trào lưu tư tưởng “cánh tả” nổi lên trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng văn hoá không thoả đáng đã ra cuộc đấu tranh thái quá.

Trong bầu không khí chính trỉ như vậy, “bút ký Tam gia thôn” tạm dừng xuất bản.

Ngày 10 tháng 11 năm 1965, “Văn hối báo” đã đăng bài “Bình về vở kịch lịch sử cải biên Hải Thuỵ bãi quan”, ký tên Diêu Văn Nguyên, trong những hàng chữ lộ rõ sát khí đằng đằng.

Ngày 30 tháng 11, “Nhân dân Nhật báo” đăng lại bài viết của Diêu Văn Nguyên, chuẩn, bị tiến hành thảo luận về “Hải Thuỵ bãi quan”, đồng thời thêm một bước đánh giá những vấn đề về nhân vật lịch sử và, vở kịch lịch sử phản ánh nhân vật lịch sử như thế nào, để triển khai thảo luận. Khi thảo luận sẽ đề cập dến 2 mặt học thuật và chính trị, trọng điểm đặt vào mặt học thuật.

Ngày 12 tháng 12, Đặng Thác lấy bút danh Huớng Dương Sinh đăng trên “Nhân dân Nhật báo” bài “Đạo đức kế thừa luận” lấy từ bài “Hải Thuỵ bãi quan”, chỉ ra rằng: “Đồng chí Ngô Hàm có ý kiến gì, tôi cũng hy vọng đồng chí ấy tiếp tục viết bài, gặp gỡ mọi người bằng tư tưởng của mình, theo nguyên tắc lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, theo phương châm “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đồng chí Mao Trạch Đông đề ra, tiến hành phân tích nghiên cứu một cách thực sự cầu thị.

Ngô Hàm nghe được nhiều điều tiếng về mình, ông nghĩ nếu mình làm bản tự kiểm điểm thì có thể sẽ được hiểu và bỏ qua, trận luận chiến do vậy sẽ qua đi. Ngày 27 tháng 12 Ngô Hàm đã đăng bài “Bản tự kiểm điểm về Hải Thuỵ bãi quan”.

Vậy mà, việc tự kiểm điểm của Ngô Hàm không có lợi ích gì cho công việc. Ở Thượng Hải Diêu Văn Nguyên đã vứt bỏ bài bình “Tam gia thôn”, lấy đầu đề là Bản chất phản động của Đại hắc điếm “Tam gia thôn”, (Bút ký Tam gia thôn) phản Đảng, chủ nghĩa xã hội. Sau khi Mao Trạch Đông thẩm duyệt, ông múa bút, xoá bỏ mấy chữ “Đại hắc điếm phản Đảng phản chủ nghĩa xã hội”.

“Nhân dân Nhật báo” nhận được lệnh khi đăng bài không được phép sai một chữ, nếu không Tổng biên tập là người bị tra hỏi.

Diêu Văn Nguyên hoàn thành bài viết này dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang Thanh và Trương Xuân Kiều, bài này đã bịa đặt rất nhiều tội hình cho “Tam gia thôn”, thiết kế lên một trang “Thời gian biểu” về sự mở đầu, tiến công và rút lui của “Tam gia thôn”, tung tin “Tam gia thôn” liên hợp với nhau tiến công vào Đảng vào chủ nghĩa xã hội, bắn ra nhiều “mũi tên độc”, định ra “sách lược công kích phòng vệ”.

Mưa rừng sắp đến, gió tràn khắp lầu, vận hạn của “Tam gia thôn” đã bắt đầu.

Từ ngày 28 đến 30 tháng 3 năm 1966, Mao Trạch Đông đã ba lần nói chuyện rất nghiêm túc với Khang Sinh (uỷ viên Bộ Chính trị) và Giang Thanh (vợ Mao Trạch Đông) rằng: Thị uỷ Bắc Kinh kim châm không thủng, nước xối không vào, phải giải tán. Trong Tuyên bộ (Bộ Tuyên truyền Trung ương) là “Diêm Vương Điện”; phải “đánh đổ “Diêm Vương” giải phóng “Tiểu quỷ”; cho rằng Ngô Hàm và Tiến Bá Tán là học phiệt, những người nói trên còn bao che cho đại Đảng phiệt của họ (chỉ Bành Chân), hơn nữa đích danh phê bình “Bút ký Tam gia thôn” và “Yến sơn dạ thoại” là phản đối chủ nghĩa xã hội. Ông ta hiệu triệu địa phương tạo phản, tiến công vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, thuyết phục các địa phương nên tạo ra một số “Tôn Ngộ Không”, đại náo thiên cung.

Không khí chính trị trong cả nước bỗng chốc mù mịt khói lửa. Tháng 4, Thị uỷ Bắc Kinh đã truyền đạt tinh thần của Trung ương: phải công khai phê bình “Yến sơn dạ thoại” và “Bút ký Tam gia thôn”. Khi thảo luận, ý kiến phát biểu của các đồng chí Thị uỷ Bắc Kinh biểu hiện tính tích cực chưa cao, rất trầm lặng, không nói rõ vì sao phải làm to chuyện ra như vậy.

Bành Chân (vn BCT), theo nguyên tắc tổ chức của Đảng, vẫn tổ chức thực hiện như chỉ thị của Trung ương. Ngày 16 tháng 4 “Bắc Kinh nhật báo” và “báo Bắc Kinh buổi chiều” đăng những tư liệu liên quan đến “Yến Sơn dạ thoại” và “Bút ký Tam gia thôn” với đầu đề chữ to đậm, độ dài ít thấy và nổi bật suốt ba trang báo, hơn nữa còn thêm vào lời người biên tập tờ “Tiền tuyến” và “Bắc Kinh nhật báo”.

Bành Chân là người cẩn thận, sau khi chờ tài liệu in ra, ông đích thân gọi điện cho Đặng Thác khuyên không nên nóng vội, mà nghiêm khắc đòi hỏi mình, dám đối mặt với cuộc công kích xảy ra bất ngờ này và hơn nữa phải chú ý đến sức khỏe. Bí thư Thị uỷ Bắc Kinh Lưu Nhân cử người đi thăm Đặng Thác, an ủi ông, muốn ông lặng lẽ giải quyết việc này.

Trong lúc đang lâm vào nghịch cảnh, mặc dù Đặng Thác rất cảm động trước sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí nhưng khi đêm khuya yên tĩnh, im lặng ngồi đối mặt với ngọn đèn đơn độc, trong lòng sao có thể giải được tâm tư đang tràn đầy thương cảm và chua xót, có đau khổ tủi hận mà không nói ra càng khiến ông bị dày vò.

Một hôm Dương Thuật đến cốt là để thăm Đặng Thác, hai chiến hữu đã từng sát cánh chiến đấu bên nhau trong sương gió tuyết mưa đều có cùng một tâm tình trĩu nặng. Dương Thuật chôn chặt trong lòng thiên ngôn vạn ngữ, Đặng Thác cũng như mắc xương trong họng. Khi Đặng Thác không còn chịu đựng được đã nói rằng “Sau khi tôi làm một năm, sẽ cho rõ vấn đề”. Dương Thuật vô cùng thương cảm lắc đầu: “Tôi thấy lần này có thế sẽ dài đấy, khả năng phải hai năm”. Nhưng sự thực lạnh lùng vô tình đã chứng minh cách nghĩ của họ là rất đơn giản. Hoàn cảnh của Đặng Thác đã là vô cùng nguy hiểm, ông vẫn chưa lường được phong ba bão táp mãnh liệt đang ập đến.

“Báo Quân giải phóng” số ra ngày 8 tháng 5 đã đăng trên vị trí nổi bật bài viết của Giang Thanh: “Nổ súng vào đường lối đen tối phản Đảng, phản chủ nghĩa xã hội”. Cùng ngày, trên “Quang minh nhật báo”, Quan Phong lấy tên giả là Hà Minh Xích đã đăng bài “Lau cho sáng mắt, phân biệt thật giả”.

Ngày 10 tháng 5, Diêu Văn Nguyên hơ nóng trên “Báo Giải phóng” và “Báo Văn hối” ở Thượng Hải bằng bài “Bình về Tam gia thôn”; Thích Bản Vũ thì đưa lên tạp chí “Hồng kỳ” bài “Bình luận về lập trường giai cấp tư sản của tập san “Tiền tuyến” và “Bắc Kinh nhật báo”.

Những bài viết này đầy rẫy những lời chửi rủa và đe doạ, nói Đặng Thác là “Ôm một mối thù khắc cốt ghi xương với Đảng và chủ nghĩa xã hội”, “Gõ chiêng mở đường cho sự ngóc đầu. dậy của tư bản chủ nghĩa”; “Yến Sơn dạ thoại” là, những lời nói đen tối phản Đảng, pbản chủ nghĩa xã hội chính hiệu”; Thị uỷ Bắc Kinh bị chửi mắng đến khiếp đảm: “Từ trước đến nay các anh đã đăng bài viết của bọn Đặng Thác, phóng ra bao nhiêu là thuốc độc, làm cho đến nỗi khói lửa mịt mù, trở thành công cụ phản Đảng, phản chủ nghĩa xã hội. Sau khi bộ mặt phản Đảng của Ngô Hàm bị bóc trần, các anh vẫn diễn một vở kịch đáng ghét “Chu Du đánh Hoàng Cái”, nói thành vấn đề học thuật “Kế thừa đạo đức luận”, tức là giải thoát cho Ngô Hàm, rồi lại bỏ qua cho Đặng Thác… Các anh nắm rất chắc về cuộc đấu tranh giai cấp, chẳng qua là thực hiện cuộc đấu tranh với giai cấp vô sản mà thôi”.

“Cuộc đại cách mạng văn hoá” chưa bao giờ có trong lịch sử, khiến suy nghĩ của Đặng Thác tan như bong bóng xà phòng.

Ngày 4 tháng 5, Cục Chính trị Trung ương tổ chức một Hội nghị rất lớn ở Bắc Kinh, Mao trạch Đông vì đang ở nơi khác nên không đến Hội nghị, Lưu Thiếu Kỳ chủ trì hội nghị. Khang Sinh nắm quyền lực lớn, việc thỉnh thị hội báo với Mao Trạch Đông là do ông ta phụ trách. Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Quan Phong, Thích Bản Vũ, mũ áo đường hoàng tham gia Hội nghị. Ngày 16 tháng 5, “Thông báo 16-5” được thông qua ở hội nghị, thông báo chỉ ra rằng: “Những nhân vật đại biểu cho giai cấp tư sản chui vào trong Đảng, trong chính phủ, trong quân đội và các giới văn hoá là một tốp những phần tử phản cách mạng, một khi thời cơ chín muồi chúng sẽ cướp chính quyền, biến nền chuyên chính của giai cấp vô sản thành nền chuyên chính của giai cấp tư sản.

Ngày 18 tháng 5, Lâm Bưu (phó chủ tịch đảng) đã tạo ra một bầu không khí căng thẳng: “Nhìn nhận từ một khối lượng lớn những sự thực, phải đề phòng lật đổ nội bộ, phòng ngừa xảy ra chính biến phản cách mạng”, “Phải không được quên cuộc đấu tranh giai cấp, không được quên nền chuyên chính của giai cấp vô sản và luôn luôn giương cao ngọn cờ vĩ đại của tư tưởng Mao Trạch Đông.

Từ đó Đặng Thác, Ngô Hàm, Liêu Mạt Sa bị xem như là một bọn phản cách mạng mặt mũi dữ tợn, miệng đầy lời nói đen tối, chuyên mạo âm mưu, “Yến Sơn dạ thoại” và “Bút ký Tam gia thôn” bị vu cho là một bộ phận cấu thành âm mưu chính biến; từ đó, Ngô Hàm và “Tam gia thôn” đang bị bao vây đã mở rộng đến Trung ương, rồi đến tận các địa phương trong cả nuớc, đâu đâu cũng rầm rầm rộ rộ nắm chặt “Tam gia thôn” và “Tứ gia điếm” ra sức kéo “bọn đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản” ra khỏi các cơ quan; từ đó, cuộc đấu tranh với những phần tử phản cách mạng ngày càng dâng cao, thủ đoạn đấu tranh giống như đối với kẻ địch thật, tàn khốc vô tình, bỉ ổi dã man.

Điều càng khiến người ta kinh hoàng là đài phát thanh, báo chí luôn luôn là thần thánh trong trái tim và con mắt dân chúng, được xem là cơ quan ngôn luận của Đảng và nhân dân, hoàn toàn xứng đáng được tin tưởng và tôn kính, lúc này đang trở thành công cụ xúi bẩy gây chuyện, tạo ra những án oan sai trái, những lời nói sai sự thật và tâm tư thù hận lan tràn, dẫn đến việc bọn “Hồng vệ binh non choẹt” vắt mũi chưa sạch tấn công và bắt giữ điên cuồng kẻ thù giai cấp là những cán bộ cao cấp, những chiến sỹ, lão thành cách mạng. Khang Sinh, Trần Bá Đạt, Giang Thanh và Trương Xuân Kiều đang ngồi trên vị trí Bộ tư lệnh “Cải cách văn hoá Trung ương” đều tỏ ra hăm hở thì Tạp chí “Cờ hồng” đăng bài “Bình luận về lập trường của giai cấp tư sản”. “Tiền tuyến” của Thích Bản Vũ đã đẩy Đặng Thác vào hố băng: “Đặng Thác là người như thế nào? Hiện tại đã xác minh anh ta là kẻ phạm tội. Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật đã trà trộn vào Đảng. Anh ta nguỵ trang rất giỏi, lừa dối sự tín nhiệm của Đảng và nhân dân đã đảm nhận chức vụ quan trọng”. “Nhân dân Nhật báo” đăng: Anh ta thường lợi dụng chức quyền của mình, làm sai lệch chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, thúc đẩy và tuyên truyền tư tưởng xét lại của giai cấp tư sản. Mùa hạ năm 1957 anh ta là nhân vật xù lông vẫy cánh của phái hữu, của giai cấp tư sản”. Đặng Thác lúc ấy hai mắt tối sầm lại đầu óc quay cuồng, ông làm sao chịu nổi những lời bài xích thoá mạ, lăng nhục độc ác như vậy? Phải qua thời gian dài Đặng Thác sống những ngày ruột gan như lửa đốt, hoảng hốt không yên trầm mặc buồn rầu đến cực độ… Mao Trạch Đông vui vẻ đồng ý quan tâm đến phong trào văn chương: “Văn chương của Hà Minh tôi đã xem qua, tôi rất thích”. Điều đó đã khiến cho “Các pháo thủ” cùng ra oai hơn. Từ đấy, báo chí ngày càng tập trung phê phán “Thôn ba nhà” ngày càng ác liệt trong toàn quốc các giới, các trận tuyến dấy lên sự lên án công khai tập thể hội “Băng đen” Đặng Thác chỗ này nổi lên chỗ kia chìm xuống, khẩu hiệu “Đập tan Thôn ba nhà” vang lên tận mây xanh. “Nói chuyện đêm trên núi Yến” (Yến Sơn dạ thoại) bị phê phán khiến trong lòng Đặng Thác như có bóng đen đáng sợ không thể nào xua đuổi được Gia đình vui vẻ hoà thuận ngày xưa nay chỉ là sương phủ trên tuyết, như băng đóng chặt cứng và giống như những vết nứt khó lường trên vùng sâu núi tuyết, như đầm lầy đầy nguy hiểm mà cỏ mọc kín xung quanh, tất cả đều khô héo và ngạt thở, không có một chút sức sống, tất cả tình trạng này đều do sự công kích ác độc của bè lũ Diêu Văn Nguyên. “Nói chuyện đêm trên núi Yến” được coi là “Có mục đích chính trị”, “Những lời đen tối phản cách mạng” của “Ngôn ngữ mang hai nghĩa”. Đây là “Văn tự từ” một thủ đoạn xấu xa bỉ ổi một sự phê phán độc ác long trời lở đất áp đảo, khiến Đặng Thác thở không ra hơi, còn thanh minh được cái gì? Chẳng lẽ ông đứng trong hội trường to lớn đông đúc ấy khẳng khái thật thà nói lên mình bị oan uổng chăng? ông có ngàn vạn lời nhưng cũng chỉ còn biết chôn chặt trong lòng mà thôi, bởi vì không có chỗ để cho ông nói, không có người nghe ông nói. Đặng Thác cảm thấy sự tàn khốc của phong ba bão táp phút chốc đang tiến công vào ông. Dù ông phải chịu đựng sự nhục nhã quá lớn, mặo dù trước đây ông không dám tin rằng những việc này lại quá sức tưởng tượng của ông, dù tim ông rỉ máu nhưng Đặng Thác vẫn tin tưởng rằng sẽ có một ngày Đảng chứng minh con người thật của ông, quần chúng sẽ hiểu ông, nhưng biết khi nào? “kẻ sĩ thà chịu chết, không chịu nhục” đó là khí tiết cao thượng của các bậc cổ nhân, “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành” đó là cổ nhân xưa đã biết dùng sinh mệnh của mình để chứng minh khí tiết, sự trong sáng của mình. Đặng Thác lúc này đã ở vào điểm nút của sự nghiêm trọng, ông cho rằng chỉ còn thông qua cái chết mới bảo vệ nhân cách cao sang của mình, để chứng minh sự trong sáng và vô tội của mình. Đêm khuya ngày 17 tháng 5 Đặng Thác giống như ngày xưa, ngồi xuống bàn viết thư để lại, sau đó ôm hận kết thúc đời mình?

Tháng 3 năm 1966 Ngô Hàm do Bành Chân, Vạn Lý sắp xếp xuống tham gia công tác “Tứ thanh” ở vùng nông thôn. Ý của lãnh đạo Thành uỷ muốn cho Ngô Hàm thay đổi không khí và bảo vệ ông nên cử đặc phái viên Quách Tinh Hoa cùng Ngô Hàm về nông thôn. Khi họ đến thôn Đại Đông Lưu huyện Xương Bình, ngoại ô thành phố Bắc Kinh, tiếng lên án công khai “Thôn ba nhà” đang rầm rộ, bừng bừng khí thế, trong phạm vi toàn quốc. Khẩu hiệu trên tường đập vào mắt, đài phát thanh thì ầm ầm như mìn nổ, đinh tai nhức óc, đều là bác bỏ phê phán nội dung “Thôn ba nhà”.

Ngô Hàm còn có tên gọi Lý Kinh Quang do vậy mà quần chúng ở đây không biét được rằng ông già đó chính là người mà họ đang nghiến răng nghiến lợi đòi từ bỏ. Trong thôn mỗi lần mở cuộc phê phán “Thôn ba nhà”, đều mời ông, một trí thức có học thức uyên bác, phong cách mô phạm, gương mẫu đến dự, thế mà trên đài suốt ngày ra sức hô hét đánh đổ “Ngô Hàm”, mọi người trong thôn với ánh mắt thiện cảm và nhiệt tình lại giơ hai tay ra đón tiếp ông. Một điều nực cười là vào một năm trong công xã phê đấu một tên lưu manh ăn cắp, lúc đưa ra phê phán có người thao thao bất tuyệt nói thẳng tên lưu manh ăn cắp này đã ảnh hưởng và ăn phải bả của Ngô Hàm rồi? Lúc đó Ngô Hàm như bị hàng ngàn vạn mũi dao đâm thẳng vào tim, sắc mặt hơi khác thường. Ông không thể chịu được việc làm hàm hồ sai lầm, chỉ nai ra ngựa đó được.

Khi Quách Tinh Hoa hỏi ông “Tại sao lúc đó lại viết “Hải Thuỵ bãi quan” họ sẽ treo cổ anh và Bành Đức Hoài lên”. Ngô Hàm chẳng biết sao nói: “Giờ tôi nghĩ không ra, Bành Đức Hoài cũng là người rất tốt do vậy lúc đó nói mấy câu tốt cho Bành Đức Hoài, cũng không nên coi là địch”. Giờ thì Ngô Hàm đã dần dần hiểu ra: nhất định có kẻ muốn ném họ xuống giếng, nhất định có kẻ muốn coi họ là kẻ địch để đưa đến chỗ chết đây. Sau khi đưa ra thông tri (16-5), Ngô Hàm bỗng nhiên biến mất.

Quách Tinh Hoa quá sợ hãi, vội vàng chạy về Uỷ ban tỉnh Bắc Kinh tìm hỏi xem Ngô Hàm thất lạc ở đâu Nhưng lúc đó toàn thành phố Bắc Kinh nhan nhản báo chữ to, tiếng phê đấu hết lượt này đến lượt khác ngày càng rầm rộ hơn. Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kinh Bành Chân đang cúi đầu trước đại hội phê đấu của quần chúng, làm sao còn quan tâm đến Ngô Hàm bị lạc. Lúc đó Ngô Hàm đã bị đẩy vào làn sóng phê đấu “Nước sôi lửa bỏng” rồi. Ông bị đẩy lên một chiếc xe Jeep, khiến ông không cười không khóc nổi. Lần thứ nhất phê đấu ông, chính là những người ông đã dạy dỗ họ ở Học viện sư phạm Bắc Kinh. Tháng 7, 8 cái nóng khô ở Bắc Kinh vô cùng khó chịu, nhựa trải đường bị nóng chảy ra thế mà, Hồng vệ binh đã “thông minh tuyệt đỉnh” họ rải 7, 8 hòn đá nhỏ trên mặt đường rồi đưa ông già Ngô Hàm thấp, còng đến quỳ trên những hòn đá phơi nắng nóng bỏng, lại còn dùng roi da nghiêm khắc ra lệnh, bức ông nói ra “hành vi tội ác” Trên đầu nắng chiếu nóng bỏng, phía dưới nhựa đường bị nắng làm chảy ra sôi lên, khiến những hòn đá như đang bị rán trong chảo mỡ, thế mà hễ ông động đậy là sẽ có quả đấm, chân đạp, roi da thô nặng từ trên vụt xuống. Ngô Hàm bị làm nhục lại đầu vỡ máu chảy, đầu gối bật máu, mồ hôi và máu trộn vào với nhau, lát sau ông ngất đi ngã ngay trên nền nhựa đường. Trước cảnh ông già bị hành hạ bi thảm, vậy mà bên cạnh lại có những tiếng cười thích thú và sảng khoái cùng với những lời chửi mắng. Tuy đã nghĩ hết mọi cực hình tra khảo, dày vò Ngô Hàm nhưng Hồng vệ binh chỉ được sự im lặng: chúng không thể đưa lên cho Giang Thanh những tài liệu yêu cầu cấp thiết. Họ nghĩ trăm phương nghìn kế hòng lấy khẩu cung Ngô Hàm, làm thành những viên đạn có hiệu lực để tấn công “Tập đoàn”, nhưng không làm gì được do vậy mà lại phải đưa Ngô Hàm về “lớp học tập” của trường Đảng Thành uỷ. Gia đình Ngô Hàm chẳng dính dáng gì cũng bị đưa đến ở nơi công cộng. Tổ chuyên án đã mất bao công sức vẫn không “giúp đỡ” nổi Ngô Hàm giao cho chúng “đạn pháo” mà chúng yêu cầu. Tổ chuyên án tức giận mệt mỏi, trong một đêm tháng 3 năm 1968 Ngô Hàm bị đánh đập thẳng tay mắt bị bịt vải đen và lại bị lôi ra phê đấu, rồi ông bị đưa đến giam ở Tần Thành.

Khi Ngô Hàm gào to: “Vì sao tôi bị đưa đến đây”, thì bị một quả đấm cực mạnh từ phía sau khiến ông lao vào phòng giam: “Ở đây không cho phép hỏi điều gì”. Tháng 4 năm 1968 Ngô Hàm với vợ là Viên Chấn bị giam ở trong gian nhà xí bỏ hoang.

Con gái 14 tuổi Ngô Tiểu Ngạn và con trai 4 tuổi Ngô Chương ở tại nhà phải dựa vào nhau mà sống trong cảnh côi cút bơ vơ. Viên Chấn là người mắc bệnh nan y đã hơn 30 năm, bị giam giữ không lâu nên hai chân bị liệt. Con gái đã mua quyển sách châm cứu về cho Viên Chấn xem và để bà tự châm lên chân mình, Ngô Tiểu Ngạn phải mỗi ngày đi về 30 dặm đường để chăm sóc mẹ. Thủ tướng Chu sau khi được biết hoàn cảnh khốc liệt của Ngô Hàm và Viên Chấn kiên quyết đòi Giang Thanh phải tha vợ chồng Ngô Hàm để trị bệnh. Nhưng chi có Viên Chấn được đi trị bệnh, Ngô Hàm vẫn ở trong tù.

Hửng sáng ngày 18 tháng 3 năm 1969 Viên Chấn đã ra đi mãi mãi. Ngô Hàm lúc đó bị giày vò đến da bọc xương, hơi thở hổn hển. Bọn tra khảo Hồng vệ binh biết không thể định tội phản nghịch cho Ngô Hàm, táng tận lương tâm buộc Ngô Hàm phải nhận tộỉ là đặc vụ. Ngày 7 tháng 3 năm 1969 Khang Sinh thấy trong tài liệu ở Đại sứ quán Liên Xô có liên quan đến Ngô Hàm hàng chữ “Ngô Hàm là Ngô Tiểu Phủ, sinh 1934 ở liên xã Thượng Hải, là Đảng viên sau đó không biết đi đâu do vậy nghi Ngô Hàm là tội phạm”. Tài liệu chú thích là của một người nào đó ở Hồ Bắc. Nhưng tài liệu điều tra cho thấy Ngô Tiểu Phủ là người vẫn đang sống, trước đây không phải là phạm tội cũng không là đặc vụ, Khang Sinh từ Đại sứ quán Liên Xô chuyển về Trung Quốc mẩu tin: Trong chiến tranh giải phóng nhân viên đã từng công tác giúp đỡ chúng tôi trong đó thấy họ tên Ngô Hàm, cho rằng Ngô Hàm là “Đặc vụ chủ nghĩa xét lại Nga” Ngô Hàm bị dày vò không nghỉ, ông chẳng những nôn ra máu mà cứ mở miệng máu ộc ra, ngày qua ngày những vết máu trên tường đã đen lại. Bọn tra khảo thấy tình hình không ổn sợ Ngô Hàm chết nên vội vàng đưa ông đi viện cấp cứu. Ngày 10 tháng 10 năm 1969 Ngô Hàm đã bị bọn không còn tính người dày vò đã vĩnh biệt nhân thế.

“Một nhà” còn lại của “Thôn ba nhà” là Liêu Mạt Sa nhớ lại chuyện hồi đó: Đại để là tháng 9 năm 196l nhân viên công tác ban biên tập “Tiền tuyến” đến báo cho tôi, trưa ngày thứ 2 “Tiền tuyến” mời tôi đến nhà hàng Tứ Xuyên ăn cơm.

Lúc đó tôi không hòi anh ấy vì sao mời tôi đi ăn cơm. Nhưng tôi biết bởi tôi là một trong các uỷ viên ban biên tập, hơn nữa trước đây đã viết cho “Tiền tuyến” mấy bài rồi, ban biên tập “Tiền tuyến” muốn mời người viết là tôi đi ăn cơm, chẳng phải là chuyện hiếm có. Mấy năm trước tôi cũng đã bị lôi đi ăn cơm với tạp chí và hội trà ban biên tập “Nhân dân Nhật báo”. Những năm 30 ở Thượng Hải, những năm 40 ở Quế Lâm, Trùng Khánh, Hương Cảng, phàm là những nhà xuất bản báo chí mà tôi đã tham gia viết bài đều như vậy cả. Thấy người ngồi không nhiều, có Đặng Thác, Ngô Hàm, ngoài hai người còn có Tiêu Viễn Liệt, Lý Quân của ban biên tập “Tiền tuyến”, khi bữa ăn chưa bắt đầu, mọi người ngồi trên salon uống trà hút thuốc, Đặng Thác rất tự nhiên nói luôn: “Tiền tuyến” cũng nghĩ phỏng theo giống “Mã Thiết Đinh” “Tư Mã Ngưu” của báo “Nhân dân Nhật báo” và các báo chí khác, muốn mấy người mỗi người viết một chuyên mục. Hôm nay mời Ngô Liêu và hai đồng chí tới bàn bạc một chút. Nghe nói “Mã Thiết Đinh” là tên ba người, họ cùng dùng bút danh, chúng ta cũng làm như vậy, ba người tìm một bút danh chung, đây có ba người nên gọi “Thôn ba nhà” có được không? Theo như mọi người vừa nói ba người cùng chung bút danh giờ ta tìm xem. Đặng Thác đưa ra ý mỗi người đưa ra một chữ. Ngô Hàm đưa họ của ông: “Ngô”, Đặng Thác đưa nguyên bút danh của anh ta chữ Nam trong Mã Nam thôn, còn tôi nguyên tên Liêu Mạt Sa lấy chữ Sa, hợp ba chữ là “Ngô Nam Sa”. Lúc đó tôi cảm thấy Đặng lấy chữ Nam trong bút danh, tôi cũng có thể lấy một chữ trong bút danh cho nên tôi vội thêm lời: Tôi vốn không dùng tên riêng viết bài nên tôi không dùng từ Sa, dùng bút danh gần đây nhất của tôi là “Phổn tinh” tôi lấy chữ “Tinh”. Đặng, Ngô, hai đồng chí đều tỏ ra đồng ý, sau đó quyết định tên gọi “Ngô Nam Tinh” chuyên mục và tên gọi được Đặng Thác đưa ra chúng tôi bắt đầu “lễ ký… thôn ba nhà”.

Liêu Mạt Sa xem như may mắn, anh còn sống để được nhìn thấy phế loạn phản chính “Thôn ba nhà” chìm trong oan nghiệt nay được sửa sai…

Nguồn: FB Vũ Thư Hiên (tựa đề của Văn Việt)

Comments are closed.