Khoa học… hậu hiện đại

Tác phẩm Hoàn cảnh hậu hiện đại của François Lyotard năm 1979 được xem là văn bản nền tảng và chính thức thiết lập tư tưởng hậu hiện đại. Nhưng, nội dung của nó rõ ràng cho thấy đây là công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến giáo dục, nhất là giáo dục đại học.

Ông cho biết, đây là báo cáo thẩm định theo “đơn đặt hàng” của Hội đồng đại học ở bang Québec (Canada) về việc hoạch định chính sách lâu dài cho đại học và khoa học ở các nước phát triển trong điều kiện chịu tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin và kinh tế tri thức hiện nay. “Báo cáo thẩm định” mang tính chất của một cương lĩnh, khi đối diện với vấn đề sau đây. Hạt nhân của giáo dục là hoạt động khoa học và tri thức nói chung. Khoa học và tri thức cần phải được “hợp thức hóa” mới có chỗ đứng chính danh. Nay, khoa học bị đặt vào “hoàn cảnh hậu hiện đại” đầy thách thức, đang tiến thoái lưỡng nan trong việc xác định lại chỗ đứng của mình.

clip_image002

Jean-François Lyotard (1924 –1998), lý thuyết gia, triết gia, nhà xã hội học Pháp

Khoa học đứng ở đâu?

Trong hoàn cảnh “tiền hiện đại”, tri thức và sự truyền đạt tri thức chủ yếu có tính tự sự, nghĩa là kể một câu chuyện bằng miệng và cứ thế lan truyền. Ngược lại, từ cuộc cách mạng công nghiệp sơ kỳ, tri thức hiện đại đòi hỏi phải khách quan hóa tri thức bằng các ngành khoa học. Thay chỗ cho Thượng đế như là thẩm quyền biện minh và chỗ quy chiếu tối hậu cho mọi chuyện kể thì bây giờ là chủ thể. Để đi đến những phát ngôn khoa học vượt ra khỏi những trường hợp cá biệt của chuyện kể, việc nghiên cứu khoa học phải “cấu tạo” đối tượng của mình như thế nào để cho phép có được những phát ngôn phổ quát. Muốn thế, phải làm cho những hiện tượng có thể so sánh với nhau được. Hành vi mang lại trật tự, lấy chủ thể làm trung tâm như thế phải đi từ hai phía. Về phía chủ thể, thì phải vượt qua tính đa tạp của con người để chỉ tập trung vào một đặc tính đảm bảo mang lại chân lý cho mọi người, đó là tư duy. Về phía đối tượng, phải lược quy chúng thành những thuộc tính giống nhau, có thể so sánh với nhau được. Vậy, việc loại trừ tính dị đồng hay sự khác biệt là điều kiện cơ bản trong tiến trình “cấu tạo” khoa học thời hiện đại và hình thành lý tính khoa học phổ quát hóa.

_______

Trong nền kinh tế thương mãi hóa triệt để, “chân lý khoa học” phụ thuộc hơn bao giờ hết vào đồng tiền. Không tài trợ, hết nghiên cứu! Trò chơi khoa học trở thành trò chơi của kẻ nắm hầu bao.

________

       

Với khái niệm “hậu hiện đại”, Lyotard muốn phá vỡ dòng phát triển ấy, không phải để chống lại nó, mà để suy nghĩ lại trước những thay đổi vũ bão trong thời đại ngày nay. Theo ông, ngược lại với “thiện chí” ban đầu, chính hai hình thức của việc lấy chủ thể làm trung tâm (phổ quát hóa chủ thể lẫn đối tượng) dẫn đến việc loại trừ tính đa dạng và khác biệt, là mầm mống của sự phát triển lệch lạc, gây ra “hoàn cảnh hậu hiện đại” nan giải ngày nay. Hậu hiện đại trong tư duy khoa học phản đối thứ lý tính độc quyền dựa trên việc loại trừ sự khác biệt và xem thứ lý tính ấy chỉ là một hình thái nhất định mang tính lịch sử mà thôi.

Hợp thức hóa kiểu “hiện đại”

clip_image004

Tư duy khoa học hiện đại vượt qua tư duy tự sự tiền hiện đại, nhưng, thật nghịch lý, nó vẫn phải dựa vào những “đại tự sự” làm chức năng hợp thức hóa cho tri thức khoa học. Trước hết, “đại tự sự” về sự phát triển của tinh thần mang lại cho lịch sử tinh thần một mục tiêu khách quan. Trong khuôn khổ đó, các ngành khoa học được biện minh về lý do tồn tại của chúng: có một chỗ đứng nhất định nào đó trong toàn bộ. Nhưng, khi nhận ra rằng vận động của lịch sử tinh thần cũng chỉ là một “câu chuyện” trong nhiều câu chuyện khác, thì trật tự cấp bậc của nhận thức cũng tiêu biến theo. Trật tự thứ bậc nhường chỗ cho một mạng lưới “phẳng” mà biên giới của nó không ngừng dịch chuyển. Những “phân khoa” cũ phân hóa thành những “viện”, những “quỹ” đủ loại: các đại học mất đi chức năng hợp thức hóa của chúng trước sự bùng nổ của “tính liên ngành” trong khoa học. Thứ hai, là “đại tự sự” về việc khoa học có thể tát cạn mọi ý nghĩa của sự vật. Việc tìm hiểu, diễn giải phải đi đến chỗ hoàn tất, với một cách hiểu duy nhất đúng. Niềm tin này cũng sụp đổ, khi nhận ra rằng việc tìm hiểu và diễn giải không bao giờ có thể kết thúc được, trừ khi dùng đến sức mạnh bạo lực. Thứ ba, là “đại tự sự” về khả năng giải phóng con người nói chung, về mọi mặt. Kinh nghiệm thực tế cũng không còn ủng hộ niềm tin ấy nữa! Tóm lại, sự khủng hoảng niềm tin vào “ba đại tự sự” biện minh cho tri thức và khoa học hiện đại báo hiệu sự cần thiết của một cách tiếp cận khác!

Tri thức – khoa học – quyền lực

Sau sự “cáo chung” của các đại tự sự, phải chăng tri thức và khoa học chỉ còn chức năng duy nhất là phục vụ đắc lực cho việc tăng cường quyền lực mà thôi? Đáng tiếc rằng có nhiều dấu hiệu đáng buồn như thế! Nếu các “đại tự sự” kiểu hiện đại còn gắn bó với việc đi tìm chân lý và với một dự phóng “nhân đạo” nào đó, thì nay thực tế thật phũ phàng: “người ta không còn bỏ tiền ra mua các nhà bác học, những kỹ thuật viên và máy móc thiết bị tốn kém để đi tìm chân lý đâu, mà để mở rộng quyền lực”! Thật thế, trong nền kinh tế thương mãi hóa triệt để, “chân lý khoa học” phụ thuộc hơn bao giờ hết vào đồng tiền. Không tài trợ, hết nghiên cứu! Trò chơi khoa học trở thành trò chơi của kẻ nắm hầu bao. Kẻ giàu nhất có cơ may lớn nhất để… có lý! Chân lý mà gây bất lợi sẽ bị ém nhẹm, gạt bỏ không thương tiếc. Giàu có, hiệu quả và chân lý đang được đánh đồng thành một!

clip_image006

Hợp thức hóa kiểu hậu hiện đại

Nhưng, hình thức hợp thức hóa bằng quyền lực, lợi ích và hiệu quả thực tế ấy cũng rơi vào khủng hoảng! Vì, trong thực tế, tri thức có quy luật riêng của nó, nhất là trong “hoàn cảnh hậu hiện đại”, nó càng đi theo con đường khác. “Tính hiệu quả” phục vụ cho quyền lực không phải là mục đích tự thân của khoa học; đó chỉ là hệ quả chứ không thể là nguyên nhân! Đặc điểm của tri thức ngày nay là không ổn định, là bất liên tục, nghịch lý, tai biến, không lường trước được. “Đầu vào” không nhất thiết điều chỉnh được “đầu ra”! Vì thế, theo Lyotard, mô hình hợp thức hóa phù hợp cho nó ngày nay không phải là mô hình của sự tuân phục và “thực hiện tối ưu” mà phải là mô hình tôn trọng triệt để sự dị biệt và sự sáng tạo. Bởi lẽ đơn giản: chỉ có sự sáng tạo mới mang lại tri thức mới. Nhưng, dị biệt và sáng tạo lại đòi hỏi điều kiện tiên quyết là dân chủ và công bằng hơn là sự đồng thuận và đặc quyền!

Bùi Văn Nam Sơn

Nguồn:http://nguoidothi.vn/vn/news/giao-duc-du-hoc/tro-chuyen-triet-hoc/2485/khoa-hoc-hau-hien-dai.ndt

Comments are closed.