Những ngộ nhận về học thuyết Marx

Nguyễn Hoài Vân

Người ta đã nhân danh Marx sát hại trên dưới 100 triệu người. Thừa đủ để học thuyết Marx bị đưa vào thùng rác của lịch sử. Nhưng, hãy nghĩ lại : người ta đã nhân danh Thiên Chúa để giết hại không dưới 80 triệu thổ dân Mỹ Châu, chưa kể bao người vô tội tại các lục địa khác. Có cần đưa Thiên Chúa và Ky Tô Giáo vào thùng rác của lịch sử hay không ?

Học thuyết Marx đã được tôn sùng thái quá bởi những guồng máy tuyên truyền tại các quốc gia toàn trị, và bởi đội ngũ trí thức ngự trị trên trường tư tưởng tại các nước tự do. Người ta còn nhớ câu nói của Sartre : « những kẻ chống Cộng là đồ chó !» Ngày nay, đội ngũ trí thức quay lưng lại Marx, mặc dù chưa nhất quyết phải chạy theo cái gì. Trong sự trống vắng đó, dân chủ nghị trường cùng với kinh tế tự do mặc nhiên trở thành « điểm đến của Lịch Sử ». Như thể tất cả sẽ dừng lại ở đó : ở một hình thái dân chủ, và ở thị trường tự do. Điều quan trọng phải tự hỏi là : những vấn đề trọng đại của nhân loại có hy vọng được giải quyết bởi các phương thuốc này hay không ? Vấn đề môi sinh ô nhiễm, vấn đề chênh lệch giàu nghèo, vấn đề tài nguyên khánh kiệt … Địa cầu chỉ còn khoảng hơn 40 năm dự trữ dầu hoả, 70 năm khí đốt, 55 năm Uranium. Thêm vào đó, số lượng xe hơi và mức tiêu thụ năng lượng sẽ nhân đôi trong hai thập niên tới (1). Giả sử người ta thành công trong việc nâng cao mức sống của đại đa số dân trên thế giới hiện đang nghèo đói, đến mức ngang hàng với người dân Hoa Kỳ, thì tài nguyên của trái đất sẽ khánh kiệt trong vòng 10 năm, chưa kể đến vấn đề ô nhiễm. Thử tưởng tượng mọi người Trung Hoa đều có xe hơi, khói xe của họ sẽ làm ngộp thở toàn địa cầu ! Dân chủ đại nghị, kinh tế duy lợi, có ngăn cản được người Trung Hoa mua xe hơi hay không ? Có bắt nổi người Hoa Kỳ, vô địch trong lãnh vực lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm, phải bớt tiêu thụ, bớt hao phí tài nguyên, bớt gây ô nhiễm, hay không ? Có bắt nổi người dân các nước giàu mạnh, phải giảm mức sống của mình để chia sẻ với nhân dân các nước nghèo đói hay không ?

Marx cũng đã từng đứng trước một « điểm đến của Lịch Sử » ở thời ông. Xã hội thời Marx mang dấu ấn của cuộc cách mạng Pháp 1789. Với cuộc cách mạng ấy, người tư sản đã đoạt quyền kiểm soát xã hội, đã xây dựng một xã hội tư sản, rồi ngừng lại ở đó. Xã hội tư sản không có mục tiêu nào khác hơn là sự trường tồn của nó. Triết học của giai đoạn đó, triết học Hegel, đồng hóa Thiên Chúa với toàn thể sự Hiện Hữu. Sự vật là Thiên Chúa trong không gian, và Lịch Sử là Thiên Chúa trong thời gian. Người ta có thể phối trí và xây dựng sự vật một cách thuần lý, để đạt đến một Lý Tưởng, đến Thiên Chúa, và con đường đưa đến trạng thái Lý Tưởng ấy, là Lịch Sử. Ở cuối cuộc hành trình của Ý Niệm, là điểm đến của Lịch Sử. Ở đó, Lịch Sử sẽ vĩnh viễn ngừng lại. Theo Hegel, xã hội tư sản vào thế kỷ 19 chính là cái kết cuộc này của Lịch Sử. Marx đã trưởng thành trong bối cảnh tư tưởng ấy. Ông đã từng quan sát « điểm đến của Lịch Sử » thời ông, như chúng ta đang nhìn « điểm đến của Lịch Sử » ở thời chúng ta. Tất cả tư tưởng của ông không ngoài mục đích làm xoay chuyển trở lại cái bánh xe Lịch Sử đã bị coi như dừng lại ấy. Vì thế, tìm hiểu Marx, một cách chân thành, ngoài mọi thiên kiến, có thể là một nhu cầu tự nhiên ở vào thời đại của chúng ta.

Mặt khác, cũng có thể nói tìm hiểu Marx, ở thời chúng ta, bắt đầu bằng việc nhìn ra những ngộ nhận về Marx. Các guồng máy tuyên truyền, Cộng Sản cũng như chống Cộng, đã đưa vào đầu óc chúng ta quá nhiều xác quyết về Marx. Những xác quyết sai lầm. Xin nêu lên ở đây vài ngộ nhận nền tảng, để cùng bạn đọc suy xét.

MARX VÀ THUYẾT ĐỊNH MỆNH (Déterminisme)

Quan điểm của Marx cho rằng ý thức của con người bị điều kiện hóa bởi môi trường sống, thường bị hiểu như « định mệnh chủ nghĩa ». Ngộ nhận này đưa đến những tuyên bố dao to búa lớn vạch ra cái gọi là « đường đi tất yếu của Lịch Sử », trong đó con người chỉ hiện diện như một bộ phận trong guồng máy. Theo lý thuyết này, ý thức của con người bị điều kiện hóa bởi cuộc sống, mà cuộc sống chuyển hóa trong thời gian, lại chính là Lịch Sử, nên, trong dòng Lịch Sử, con người bị nắm cổ lôi đi, mất hẳn tính cách tác nhân, chủ động. Thuyết định mệnh chính là quan niệm tương lai chẳng là gì khác hơn là hiện tại được nối dài, được « suy diễn » từ những quy luật, từ sự vận hành một cách máy móc, của những « dữ kiện », bao gồm không những các dữ kiện vật chất,  mà cả ý thức, suy tư và hành động của con người. Với quan điểm này, cách mạng không còn chỗ đứng. Cách mạng đòi hỏi đoạn tuyệt với một hiện trạng, không thể là sự nối dài của hiện trạng cho dù với bất cứ « quy luật tất yếu » nào.

Khi Marx trình luận án tiến sĩ, vào năm 1841, lúc ông vừa 23 tuổi, với đề tài « Khác biệt giữa triết học thiên nhiên của Démocrite và của Epicure », Marx đã đứng về phía Epicure, chống lại quan điểm « định mệnh » của Démocrite. Thêm vào đó, ông vạch ra tương quan biện chứng giữa tự do sáng tạo và sự quy định của những điều kiện thực tế.  Nhiều năm sau, người ta đọc ông trong Tư Bản Luận : « Lịch Sử loài người khác với Lịch Sử thiên nhiên ở chỗ con người làm nên Lịch Sử của mình, chứ không phải thiên nhiên ». Đó là khía cạnh « Tự Do » trong sáng tạo. Nhưng ông cũng nói trong “Le 18 Brumaire de Louis Bonaparte” :  « Con người làm nên lịch sử của mình, nhưng con người không thể làm lịch sử một cách độc đoán, theo những điều kiện mà mình chọn lựa, mà ngược  lại, phải chiều theo những điều kiện trực tiếp kế thừa từ quá khứ ». Đó là khía cạnh « bị quy định » bởi thực tại. Chỉ nói đến khía cạnh « quy định » trong học thuyết Marx là phản bội Marx. Tinh hoa của tư tưởng của Marx là tổng hợp và vạch ra tương quan giữa hai yếu tố « tự do » và « quy định », trong tiến trình « sáng tạo Lịch Sử » của con người. Marx cho rằng sự khác biệt giữa nhà kiến trúc sư kém cỏi nhất và con ong tài ba nhất, là người kiến trúc sư xây dựng công trình của mình trong trí óc, trước khi thực hiện nó trong thực tế. Kết quả việc làm của nhà kiến trúc đã hiện hữu trong trí tưởng tượng của ông trước khi ông bắt tay vào việc (2). Hành động của con người thể hiện mục tiêu mà người ấy đã định trước trong ý thức của mình. Lịch Sử con người phát sinh từ ý thức ấy, ý thức dự phóng, ý thức mục đích. Tia sáng cùa cái « trí tuệ biết dự phóng » nơi con người chiếu rọi vào thời gian trước mặt, để cho thấy, không phải là một tương lai khả hữu duy nhất, mà nhiều tương lai khả hữu. Con người có khả năng chọn lựa giữa những tương lai khả hữu ấy. Không thấy đâu là « con đường tất yếu của Lịch Sử » cả ! Xã Hội Chủ Nghĩa hoàn toàn không có tính tất yếu ! Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ là một tương lai khả hữu. Tư Bản Chủ Nghĩa, sau khi đã cho hết những ưu điểm của nó, có thể đưa đến Xã Hội Chủ Nghĩa hay một cái gì khác.

Lồng trong thuyết định mệnh, quan điểm « kinh tế quy định tất cả », cũng thường  được gán cho Marx. Engels nói : « Chính Marx và tôi, phần nào phải lãnh trách nhiệm trong việc một số người trẻ nhiều khi gán cho khía cạnh kinh tế một tầm quan trọng quá đáng. Trước sự phủ nhận vai trò của kinh tế nơi những đối thủ của chúng tôi, chúng tôi đã phải nhấn mạnh đến khía cạnh ấy, và không  phải lúc nào chúng tôi cũng tìm ra được thời giờ, nơi chốn, và dịp thuận tiện để nêu lên chỗ đứng của những yếu tố khác (ngoài kinh tế), cùng tham gia vào tác động hỗ tương » (3).

Vấn đề « thượng tầng cấu trúc » cũng là một ngộ nhận thông thường đối với học thuyết Marx. Trong « Idéologie Allemande », Marx cho rằng : « … vì thế, luân lý, tôn giáo, siêu hình học (…) và những hình thái ý thức liên hệ, mất đi bề ngoài độc lập, tự hữu ». Người ta hiểu rằng chúng hoàn toàn bị quy định, như « đời sống quy định ý thức, không phải ý thức quy định đời sống » (4). Tuy nhiên Marx cũng nói :  « Điều khó hiểu, không phải là nhận  biết rằng nghệ thuật (Cổ) Hy Lạp (…) gắn liền với những hình thái phát triển của xã hội thời ấy. Khó khăn nằm ở chỗ nghệ thuật Hy Lạp vẫn đem lại cho chúng ta, ngày nay,  những cảm hứng mỹ thuật và vẫn còn (…) giá trị tiêu chuẩn, mô thức, không gì sánh được » (Contribution à la critique de l’économie politique). Nghệ thuật cũng thuộc « thượng tầng cấu trúc », và ở đây đã được Marx khảng định tính độc lập, trái với những gì người ta thường hiểu. Engels cũng đã điều chỉnh câu nói của Marx, rằng : « (thượng tầng cấu trúc) mất bề ngoài độc lập » (4), khi ông khẳng định tính « độc lập tương đối » của thượng tầng cấu trúc (3).

MARX VÀ CHỦ NGHĨA GIÁO ĐIỀU (DOGMATISME)

Không gì xa lìa học thuyết Marx hơn là chủ nghĩa giáo điều. Từ thiếu thời, Marx đã phá bỏ hai hình thái giáo điều chủ nghĩa, đó là : giáo điều chủ nghĩa duy tâm của Hegel, và giáo điều chủ nghĩa duy vật của Feuerbach. Feuerbach đảo ngược triết lý giáo điều duy tâm của Hegel, cho rằng trong triết học Hegel, con người đã  phóng cái Lý Tưởng trong tâm thức mình ra bên ngoài mình, để làm nên Thiên Chúa, rồi tôn thờ, chạy theo cái lý tưởng gọi là Thiên Chúa ấy. Đó là một hiện tượng « vong thân ». Ông cho rằng thay vì đi tìm Thiên Chúa, phải tìm lại con người, để chữa lành căn bệnh vong thân kia. Ông đảo ngược triết lý của Hegel, nhưng vẫn giữ cái khung giáo điều của triết lý ấy, thay thế  Thần Hoc bằng một « thần học » khác, một « thần học » duy vật. « Con người » mà Feuerbach muốn tìm lại, là một con người trừu tượng, không thật, lơ lửng trên cái không trung của một hệ thống triết học. Marx đem con người ấy vào xã hội, và gắn nó vào hiện thực bằng hành động. Vì con người hành động, nên con người tham dự vào cuộc sống, và với xã hội tính, con người có khả năng hành động tập thể. Con người hiện hữu bằng hành động, tác động trên hiện thực, nhưng cũng bị quy định bởi hiện thực. Gắn liền với hiện thực, bởi tương quan biện chứng, là chối bỏ « giáo điều chủ nghĩa ».

Thật vậy, khi đề ra một lý thuyết, Marx luôn xác định phạm vi áp dụng của lý thuyết ấy, tức cái « hiện thực » trong đó lý thuyết này đúng, và những biến đổi cho ra cái « hiện thực » khác sẽ phủ định nó. Thí dụ khi nói về « quy luật giá trị » (loi de la valeur), cho rằng lao động là yếu tố duy nhất tạo ra giá trị của hàng hóa, Marx giả định một môi trường  trong đó cung và cầu đều vô hạn, và yếu tố máy móc chỉ truyền lại chứ không can thiệp vào việc tạo ra giá trị.  Trong bối cảnh máy móc chạy bằng hơi nước ở thời ông, Marx đã ý thức rằng quy luật giá trị sẽ trở thành sai, khi khoa học tiến bộ hơn và can thiệp trực tiếp vào khả năng sản xuất. Ông viết : « Cùng lúc với sự phát triển của đại kỹ nghệ, việc làm ra của cải càng ngày càng bớt lệ thuộc vào số lượng thời gian làm việc, và càng ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào hiệu năng của yếu tố cơ khí (…). Sản xuất sẽ lệ thuộc vào trình độ tiến triển của khoa học và kỹ thuật (…). Khi mà lao động, dưới dạng trực tiếp, không còn là nguồc gốc chính của phú hữu, thì thời gian làm việc cũng không còn là thước đo của sự phú hữu ấy … » (Fondements de la critique de l’économie politique, t. II). Ở một đoạn sau, Marx thêm vào yếu tố « tổ chức sản xuất » khi viết : « mặc dù không thể thiếu được, (lao động trực tiếp) bị thâu hẹp vào một vai trò khiêm nhượng đối với tác động của  khoa học (…) và năng lực sản xuất đến từ mô hình tổ chức xã hội của toàn thể lực lượng sản xuất ». Quy luật giá trị trở thành sai, dự đoán « lợi nhuận (của tư bản) luôn có khuynh hướng giảm sút » cũng sai. Tư Bản sẽ không nhất thiết kẹt vào mâu thuẫn « càng tăng sản xuất càng kém lợi nhuận, và càng kém lợi nhuận càng tăng sản xuất ». Thêm vào đó, Tư Bản còn có thể tạo ra những thị trường mới tùy khả năng sản xuất của mình, hay có thể nhận được từ chính quyền những giúp đỡ, trực tiếp hay gián tiếp, v.v… Những tuyên bố cường điệu kiểu như « Tư Bản Chủ Nghĩa đang dãy chết » trở thành vô nghĩa.

Sang một vấn đề khác. Người ta thường nói đến năm giai đoạn Lịch Sử được Marx nêu ra  : cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản, và cộng sản văn minh. Trong thư trả lời Michailovski năm 1877, Marx chống lại những người đã « biến hóa sơ đồ mà tôi (Marx) đã vẽ lên để mô tả sự hình thành của Tư Bản Chủ Nghĩa tại Tây Âu, và biến sơ đồ ấy thành một lý thuyết lịch sử và triết học có tính phổ quát , áp dụng một cách tất yếu cho toàn thể mọi dân tộc, bất chấp những điều kiện lịch sử của các dân tộc ấy … ». Trong Lời Cuối của Tư Bản Luận ấn bản thứ hai, năm 1873, Marx trích dẫn một tạp chí Nga (Le Messager Européen), như sau : « … người ta nói rằng các quy luật của đời sống kinh tế luôn nhất quán, luôn bất biến : chúng áp dụng cho hiện tại cũng như cho quá khứ. Đây chính là điểm mà Marx chống lại : theo ông, các quy luật trừu tượng không có thật … Ngược lại, mỗi giai đoạn lịch sử có những quy luật riêng của giai đoạn ấy ».    

LÝ THUYẾT NHÀ NƯỚC CỦA MARX

Trong « Critique de la Philosophie de l’Etat de Hegel » (1843) Marx đã vạch ra thực chất của cái Nhà Nước Đức Phổ mà Hegel coi như cao điểm của Lý Trí. Hegel cho rằng Nhà Nước là nguồn gốc của xã hội công dân  (hay dân sự), do ở tính tiêu chuẩn, nền tảng, tượng trưng cho Lý Trí, của nó. Marx, ngược lại, khẳng định xã hội công dân cho ra Nhà Nước. Xã hội công dân (hay dận sự), là sự tập hợp của những quyền lợi kinh tế và xã hội. Nó cho ra Nhà Nước. Vậy Nhà Nước đến từ những quyền lợi kinh tế xã hội. Nhà Nước không đại diện cho một Lý Tưởng trừu tượng, mà đại diện cho quyền lợi kinh tế xã hội của thành phần ưu thắng. Theo phương pháp luận của Feuerbach, thì việc người dân cho ra xã hội công dân, cho ra Nhà Nước, đặt nó lên đầu mình, rồi phục vụ nó, bị nó cai trị, chỉ huy, là một hiện tượng vong thân (một lý luận tương tự như với khái niệm Thiên Chúa). Giải pháp được Marx đề ra là một nền dân chủ thực thụ (tức “tìm lại người dân”, như “tìm lại con người” nói ở trên), phá bỏ tư tưởng mù quáng cho rằng Nhà Nước là hiện thân của một Lý Tưởng, là “đỉnh cao của Trí Tuệ” …

Một Nhà Nước toàn trị, tập trung, càng ngày càng can thiệp vào mọi lãnh vực của đời sống, là một quan điểm hoàn toàn trái ngược với học thuyết Marx. Mặc dù vậy, người ta vẫn thường hay đồng hóa mô hình Nhà Nước cồng kềnh, chỉ huy kinh tế, với Cộng Sản, với học thuyết Marx. Trong “Chỉ trích các chương trình Gotha và Erfurt” , Marx và Engels (đồng tác giả), viết rằng : “Với sự hình thành của xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa, Nhà Nước sẽ tự nó tan rã và biến mất”.

Thay thế bằng cái gì ? Ở thời ông, Marx chỉ có một thí dụ bộc phát trước mắt, đó là Công Xã Paris. Marx và Engels rút tỉa ra từ thí dụ ấy, những ưu điểm mà người ta có thể tóm lược như sau : một chế độ tự quản, một hình thái Dân Chủ trực tiếp, và một sự tản quyền rộng rãi có thể đưa đến chế độ liên bang nếu Công Xã Paris thành công trong việc lan ra trên toàn nước Pháp.

VAI TRÒ CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG

“Đảng lãnh đạo” là một khẳng định phản lại học thuyết Marx. Đối với Marx, Đảng là môi trường của ý thức chứ không phải là nơi tập trung quyền lãnh đạo. Nếu không thì Đảng cũng sẽ rơi vào một trường hợp vong thân. Người lao động phóng ước vọng của mình ra ngoài mình, thành ra Đảng lao động , rồi cắm cúi phục vụ nó, chính là vong thân, là để cho một thành phần của tâm trí mình, mà mình đã đánh mất, quay lại chỉ huy, đàn áp mình, như đã nói ở trên với Thiên Chúa và Nhà Nước. Marx viết : “Chúng ta không thể (…) đi cùng đường với những kẻ tuyên bố rõ ràng rằng người lao động không đủ kiến thức để có thể tự giải phóng mình và cần được giải phóng từ bên trên” (thư gửi Brake, 17 tháng 9 năm 1879).

Marx cũng chống lại sự độc tôn của Xã Hội Chủ Nghĩa trong giai cấp cần lao. Ông viết : “Vai trò của (đệ nhất) Quốc Tế (Cộng Sản) là tổ chức, phổ biến, điều hành, những cao  trào tự phát của giai cấp thợ thuyền, chứ không phải là chỉ huy hay áp đặt bất cứ hệ thống tư tưởng nào”.

MARX VÀ THUYẾT “KHÔNG TƯỞNG” (UTOPIE)

Người ta thường nói học thuyết Marx là Xã Hội Chủ Nghĩa “khoa học”, đối nghịch lại với những Fourier, Saint Simon v.v… là Xã Hội Chủ Nghĩa “hoang tưởng”. Như đối với nhiều triết gia đi trước ông : Hegel, Feuerbach, Fitche, Moses v.v… và cả Epicure, Marx không dấu diếm ảnh hưởng của các nhà xã hội tiền phong trên tư tưởng của ông, mặc dù trên một số khía cạnh, ông chỉ trích họ. Engels nói : “Chúng ta, những người Xã Hội Đức, hãnh diện vì nguồn gốc của chúng ta không những đến từ Saint Simon, Fourier và Owen, mà từ cả Kant, Fichte, và Hegel”.

Thật ra “hoang tưởng” không hoàn toàn đối nghịch lại với học thuyết Marx. Như đã nói ở trên, Lịch Sử không dẫn đến một tương lai tất yếu. Tức là có nhiều tương lai khả hữu. Con người với ý thức mục tiêu trong hành động của mình, có thể hình dung một trong những tương lai khả hữu ấy như mục tiêu của hành động của mình. Tương lai được hình dung và được chọn làm mục đích ấy, có thể sẽ không xảy ra. Sự hình dung nọ trở thành hoang tưởng. Mặc dù vậy, nó không nhất thiết đối  nghịch lại với học thuyết Marx. Sự hoang tưởng chỉ đối nghịch lại với học thuyết Marx khi nào nó hoàn toàn bị bứng rễ khỏi thực tại, khi nó phủ nhận tương quan biện chứng giữa tự do sáng tạo và ảnh hưởng của thực tại, khi nó trở thành hoàn toàn trừu tượng, sản phẩm của Lý Tưởng, của Ý Niệm thuần túy. 

MARX VÀ CÁC TRIẾT HỌC DUY TÂM, DUY VẬT

Bị gọi là “duy tâm duy ý chí” là một sỉ nhục đối với người Cộng Sản. Thật ra, duy tâm và duy vật liên hệ với nhau bằng một  tương quan biện chứng. Như đã nói ở trên, giữa những tương lai khả hữu, con người hướng đến một tương lai được coi như “tốt”, như “lý tưởng”. Đó là một quan điểm duy tâm. Marx không chống lại thái độ ấy, mà đem nó vào thực tại, qua trung gian của hành động. Hành động là ảnh hưởng trên những yếu tố cụ thể của thực tại. Qua hành động con người bắt buộc phải chịu « quy luật » của thực tại. Sáng tạo của « con người hành động » không thể không bị ảnh hưởng bởi những điều kiện cụ thể. Điểm then chốt của học thuyết Marx là Hành Động. Một thái độ Lý Tưởng duy tâm có thể là một khởi điểm cho Hành Động, và như thế, nó trở về với thực tại, để thể hiện tương quan nền tảng của học thuyết Marx giữa một bên là sáng tạo tự do, bên kia là thực tế quy định. Cần nhớ là Marx không chỉ đơn thuần định nghĩa Xã Hội Chủ Nghĩa qua những phương tiện của nó, kiểu như những hình thái sản xuất này nọ (tức những điều chỉ có giá trị ở một thời và một chỗ), mà ông cũng định nghĩa Xã Hội Chủ Nghĩa qua cứu cánh của nó, qua mục đích đem lại cho con người sự nảy nở toàn diện, để « một em bé mang tài năng của Mozart hoặc của Raphael, có thể thực sự trở thành Raphael hoặc Mozart » (4). Đó là một lý tưởng, là duy tâm, và lý tưởng ấy là khởi điểm của triết học Hành Động của Marx …

Hegel là hiện thân của triết học Duy Tâm. Thế mà Marx nói về Hegel như sau : « Liện hệ giữa tôi và Hegel rất đơn giản. Tôi là một đệ tử của Hegel, và những điều bá láp của những tên hậu sinh nghĩ rằng đã đến lúc có thể đem chôn nhà tư tưởng vĩ đại này, đối với tôi, hoàn toàn khôi hài » (2). Engels nói, trong lời mở đầu ấn bản 1874 của sách « la Guerre des Paysans », rằng : « nếu trước đó không có trết học (duy tâm) Đức Quốc, nhất là triết học Hegel, thì Xã Hội Chủ Nghĩa khoa học đã không thể nào hiện hữu được ».

Mặt khác, Marx không phải là một nhà Duy Vật giáo điều, mặc dù ông đã tiếp nhận di sản của các nhà Duy Vật trước ông, đặc biệt là Feuerbach. Trong thư gửi Feuerbach ngày 11 tháng 8 năm 1844, Marx viết :  « ông đã đem lại cho Xã Hội Chủ Nghĩa (…) nền tảng triết học ». Engels thì nói : « Tất cả chúng tôi, một thời, đều đã từng theo Feuerbach » (3).

Duy vật giáo điều cho rằng cái thực tại mà ta cảm nhận thấy có một sự hiện hữu tự thân. Thực tại trở thành « sự thật tuyệt đối », thành tiêu chuẩn, thay thế cái Lý tưởng, hay Ý Niệm của trường phái Duy Tâm. Thực ra, thực tại mà ta nhận biết chỉ là một sự thật tương đối, được tâm trí chúng ta tạo thành qua sự hiểu biết, qua kinh nghiệm, qua tâm lý, qua những phương tiện quan sát và thực nghiệm mà khoa học kỹ thuật ở thời đại chúng ta cho phép. Con người tìm biết thực tại bằng giả thuyết và thực nghiệm. Bước đường tìm biết thực tại như thế, là vô cùng tận. Ở mỗi chặng đường, con người vẽ lên một bức tranh tạm thời hình dung thực tại, và đề ra những giả thuyết, những dự phóng về thực tại, cần được kiểm chứng qua hành động, qua thực nghiệm. Duy vật giáo điều quan niệm sự vận động của sự vật hiện hữu một cách tự thân, « tuyệt đối », quy định Lịch Sử và cho ra một tương lai tất yếu. Lịch Sử đã được viết sẵn. Học thuyết Marx, ngược  lại, quan niệm nhiều giả thuyết về thực tại, và nhiều tương lai khả hữu. Sang trường phái Duy Tâm thì chính sự vận động của Ý Niệm trên con đường vạch ra bởi biện chứng pháp, mang vai trò quy định Lịch Sử. Tuy nhiên, con người không tiếp cận với sự vật tự nhiên cũng như với những phạm trù ý niệm một cách trực tiếp, mà phải qua trung gian của đời sống, đời sống cá nhân, gia đình, và xã hội. Vì thế, với Marx, sự vận động của vật chất cũng như sự vận động của ý niệm đều phải hội nhập vào đời sống, qua triết lý Hành Động, để trở thành sự vận động của Lịch Sử.

Vài tháng trước khi ông qua đời, tôi có viết cho Trần Đức Thảo một bức thư trong đó có đoạn như sau :

« Bác đã trích dẫn Lénine để cho rằng : « không có trình độ thấp nhất của vậy chất », tức vật chất không có cái gì được nhìn nhận là đầu tiên để mà quy định mọi bước tiến hóa khác. Bác cũng cho rằng thế giới là « vật chất vô hạn đương vận động ». Tựu trung, ta có thể hiểu, như Lénine, rằng : « Thiên Nhiên trong tất cả các bộ phận của nó không có gì đầu tiên và cũng không có gì kết thúc ». Cái « vật chất » không có hạn chế và cũng không biết từ đâu ra như thế có còn là vật chất hay không ? Chấp nhận sự hiện hữu của vật chất như vậy có còn thực sự là « duy vật biện chứng » nữa hay không ? Vì đến một lúc nào đó, ở chỗ vô hạn , hay ở chỗ khởi thủy không hiện hữu, sẽ không còn cái điểm tựa vật chất để mà biện chứng nữa, và sẽ chỉ còn là vận động khái niệm thuần túy, tức là duy tâm ».

Trả lời vấn nạn này rất đơn giản. Lénine, cũng như Marx, không lý luận như những nhà duy vật giáo điều, tức không bàn đến giới hạn hay khởi điểm của vật chất tự thân, mà của vật chất được nhận biết được bởi con người. Sự tìm hiểu vật chất, Thiên Nhiên, cũng như Thế Giới, Vũ Trụ, là vô cùng tận, khám phá ra cái này nó lại lòi ra cái khác, mỗi giả thuyết khi áp dụng vào thực nghiệm lại đặt ra một số vấn đề, một số trục trặc, thúc đẩy người ta tìm ra những giả thuyết, những phát minh mới … « Vật chất được nhận biết bởi con người » được coi là vô hạn, vì con đường tìm biết môi trường vật chất là một con đường vô hạn.

MARX VÀ TÔN GIÁO

Người ta thường thu tóm quan điểm của Marx về tôn giáo trong câu : « tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng ». Marx viết câu ấy vào năm 1843, lúc ông 25 tuổi, trong tác phẩm « Critique de la Philosophie du Droit de Hegel ». Trong cùng một đoạn văn, ông cũng nói : « Tôn giáo một mặt  phản ảnh sự cùng khổ của con người, mặt khác là sự đối kháng chống lại sự cùng khổ ấy ». Tức là tôn giáo cũng có thể là mầm mống của cách mạng…

Như đã bàn đến nhiều lần ở trên, mọi quan điểm của Marx đều phải được đăt trong bối cảnh Lịch Sử trong đó quan điểm ấy có thể áp dụng được. Marx chống lại tôn giáo ở thời ông, vì tôn giáo, vào lúc đó, đóng vai trò thành trì của các lực lượng bảo thủ, chống lại mọi sự thay đổi trong một xã hội đầy dẫy áp bức, bất công. Trên mặt triết lý, tôn giáo, theo mô hình mà Marx chứng kiến, là một hiện tượng vong thân. Con người phóng ra ngoài mình những ước vọng, sợ sệt, lý tưởng, rồi hệ thống hóa thành Thiên Chúa, để chạy theo thờ phượng (vong thân là đánh mất những gì của mình và bị những thứ ấy thống trị ngược lại). Không những thế, với Hegel, người ta còn quan niệm Lịch Sử như một con đường dẫn đến Thiên Chúa, thông qua nhà nước Đức Phổ và xã hội tư sản. Tôn giáo trở thành « nút chặn » đối với sự vận hành của Lịch Sử. Nếu chúng ta là  những người Ky Tô Hữu sống ở thời Marx, rất có thể chúng ta cũng chia sẻ một số nhận định của Marx về tôn giáo ?

Ở một giai đoạn Lịch Sử khác, Marx và Engels không ngần ngại đề cao vai trò của tôn giáo trong công cuộc đấu tranh chống bất công xã hội. Trong « Contribution à l’Histoire du Christianisme Primitif », Engels gọi các cộng đồng Ky Tô Giáo nguyên thủy là là những tổ chức Xã Hội Chủ Nghĩa đầu tiên. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò khai phóng của của Ky Tô Giáo trong xã hội Cổ La Mã đang trên đà rữa nát, mặc dù ước vọng về một sự đổi mới, trên nguyên tắc, sẽ chỉ thành sự thật sau sự sụp đổ của cái thế giới cùng khổ này, ở một « đời sau » tốt đẹp và hạnh phúc. Đến thế kỷ 16, nhà thần học Thomas Munzer quan niệm lời Chúa, Ý Chúa, không phải tìm ở bên ngoài, mà ở trong chính nội tâm con người. Vấn đề « vong thân” trong điều kiện đó không đặt ra nũa, và Engels gọi Munzer là « đấng Tiên Tri của Cách Mạng ». Vì Ánh Sáng của Thiên Chúa soi chiếu nội tâm của mỗi người, giàu cũng như nghèo, quý phái cũng như cùng đinh, nên Thần Học của Munzer đưa đến bình đẳng, chống áp bức, bất công. Khi tham gia một cuộc nổi dậy của nông dân, ông viết trên lá cờ hiệu hàng chữ sau : « Lạy Chúa, xin hãy ủng hộ Công Lý của Ngài ». Engels cho rằng « Nước Chúa, đối với Munzer, là một xã hội không có giai cấp, không có tư hữu, và không có Nhà Nước ». Thử hỏi có bao nhiêu người Công Giáo thành thực nghĩ rằng Nước Chúa là một xã hội giai cấp, tư hữu, cai trị bởi một guồng máy Nhà Nước ?

Marx và Engels cũng thừa nhận ảnh hưởng của Joachim de Flore, một tu sĩ sống ở thế kỷ 12, trên Xã Hội Chủ Nghĩa. Lý thuyết của ông này dựa trên sách « Apocalypse», tức quyển sách cuối cùng của Thánh Kinh Tân Ước. Joachim de Flore cho rằng giai đoạn một ngàn năm được nói đến trong Apocalypse, trong đó Đức Ky Tô sẽ trở lại ngự trị trên thế giới, chính là một sứ điệp hy vọng, một Tin Mừng theo nghĩa gốc của chữ Evangile (evagellion tiếng Hy Lạp là tin mừng). Đó cũng là một thôi thúc đấu tranh, liền trong hiện tại, cho sự hình thành của Nước Chúa, với Tình Yêu ngự trị trên mọi tương quan xã hội. Tư tưởng này đem tương lai vào hiện tại, và, như học thuyết Marx, nó có khả năng làm quay lại bánh xe Lịch Sử bị bế tắc. Thần học của người tu sĩ Joachim de Flore đã ảnh hưởng trên những nhà cách mạng sau đó, từ Jan Hus, qua Thomas Munzer, đến Marx và Engels.

Trước tính áp bức bất công của Nhà Nước Đức Phổ, gắn liền với Ky Tô Giáo ở thời ông, Marx nói trong «la Question Juive » : « Nhà Nước tự nhận là Ky Tô Giáo thật ra chỉ là sự phủ nhận Ky Tô Giáo của Nhà Nước ấy, và hoàn toàn không phải là sự thể hiện của Ky Tô Giáo trong chính trị ». Ông chủ trương đạt đến một xã hội trong đó « nền móng  không phải là Ky Tô Giáo, mà là nền tảng nhân bản của Ky Tô Giáo » (5).

Ngày nay, tôn giáo, đặc biệt là Ky Tô Giáo, trong đại đa số trường hợp, không còn là công cụ của áp bức nữa, mà ngược lại, thường đứng về phía kẻ bị áp bức. Những chính quyền đàn áp tôn giáo đều là những chính quyền bảo thủ và ở nhiều nơi trên thế giới, tôn giáo chính là niềm hy vọng chủ yếu, nếu không phải là duy nhất, trong việc chuyển đổi những thể chế tệ hại, tham nhũng, bất công, bóc lột …

Đức Gioan Phao Lồ đệ nhị nói, năm 1995 : « Tư Bản phải phục vụ cho lao động, không phải lao động phục vụ cho Tư Bản », tóm lược những ý tưởng đã được Ngài đề ra trong Sứ Điệp Centesimus Annus (1991), đưa đến nhận xét khôi hài của Benoit Duquesne : « Đức Gioan Phao Lồ đệ nhị là người Marxiste cuối cùng !» (6).

CHỜ ĐỢI GÌ NƠI HỌC THUYẾT MARX ?

Vào tháng 10 năm 2002, trang nhà của tự điển bách khoa danh tiếng Encyclopedia  Britanica đăng một tài liệu của Peter Hudis về Marx (Marx trong toàn cầu hóa – Marx in the mirror of globalisation), gọi Marx là « vị tiên tri của Toàn Cầu Hóa ». Hudis trích dẫn John Micklethwait và Adrian Wooldridge, hai nhà biên tập của tạp chí « The Economist », phát biểu trong tác phẩm « A future perfect : the challenge and hidden promise of globalisation », cho rằng quan điểm của Marx về « liên hệ toàn cầu giữa các quốc gia » đã mô tả những vấn đề đặt ra bởi toàn cầu hóa, từ cách đây 150 năm ! John Cassidy  trong một bài báo năm 1977 “The Return of Karl Marx” (New Yorker) gọi Marx là « Nhà tư tưởng vĩ đại của tương lai » (the next big thinker), và trích dẫn một nhà tài phiệt cao cấp của Wall Street, như sau : « Càng kinh doanh lâu năm ở Wall Street, tôi càng vững tin rằng Marx có lý ». Francis Wheen, trong “Karl Marx, a life”, phát biểu rằng : « Càng nghiên cứu Marx, tôi càng nhận ra tính chất hợp thời một cách không thể tưởng tượng được của ông. Những chuyên gia hay nhà chính trị thời nay thường tự hào là những nhà tư tưởng tiền phong khi không bỏ lỡ cơ hội nào để bàn đến vấn đề thời trang « toàn cầu hóa », mà không biết rằng Marx đã phân tích đề tài này từ năm 1848 ».

Thật ra, có lẽ không nên nhìn những phân tích của Marx từ năm 1848, mà nên nhìn phương pháp phân tích của ông. Áp dụng học thuyết Marx, ờ thế kỷ 21, không thể là sao chép những gì Marx đã đề ra vào cuối thế kỷ 19. Áp dụng học thuyết Marx, ở thế kỷ 21, là nối tiếp công trình nghiên cứu của Marx, là ứng dụng linh động phương pháp phân tích thực tại của ông, và từ đó đề ra những dự kiến vượt lên thực tại, để, qua Hành Động, làm chuyển vận trở lại bánh xe biện chứng bị ngưng trệ, ngõ hầu tham gia một cách ý thức và sáng tạo vào Lịch Sử. 

Bạn có thể tự hỏi : « Tại sao tôi lại bỏ công phu tìm tòi biện hộ  cho Marx ? » Tôi cũng tự hỏi như vậy. Và, một buổi sáng nọ, tôi đã tìm ra câu trả lời, đó là  : ở một trình độ rất khiêm nhượng, tôi có một cái gì chung với ông. Thật vậy, cũng như Marx, tôi không phải là người Marxiste ! (7)

7/4/2004

N.H.V.

Nguồn: http://nguyen.hoai.van.pagesperso-orange.fr/Marx-nhung-ngo-nhan.htm

Comments are closed.