Phía sau cuộc “cách mạng Dù” ở Hồng Kông

Nguyễn Văn Thương

 

Phía sau cuộc “cách mạng Dù” ở Hồng Kông
Featured Image: Pasu Au Yeung

 

Trước đây, mỗi khi nhắc đến Hồng Kông thì tôi (có thể cả rất nhiều người) chỉ biết về nơi đây là mảnh đất hăng sặc mùi tiền và trào lưu khoe của. Nhưng hơn tuần qua, cơn thịnh nộ chính trị của học sinh, sinh viên, và người dân nơi đây đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới và khiến tôi có cái nhìn khác hơn về quốc gia nhỏ bé này. Rõ ràng bài học Thiên An Môn 25 năm trước còn lồ lộ trước mắt. Biểu tình chống lại chính quyền Bắc Kinh là hành động hết sức nguy hiểm. Vậy cái gì đã đứng sau hậu thuẫn cho phong trào ấy, và vì sao sinh viên nơi đây lại ngoan cường và quyết liệt đến vậy?

Phải chăng họ không thể tiếp tục sống dưới mức con người (sub human) hay làm “con người hạng hai” trong thế giới văn minh ở đầu thế kỷ 21 này nữa. Hay họ không muốn nhà cầm quyền Bắc Kinh đối xử với mình như con nít, cứ vỗ đầu, hứa cho kẹo rồi đá đít. Cũng có thể họ ý thức rằng, khi Bắc Kinh đã trấn lột được một quyền thì các quyền con người khác sẽ tiếp tục bị lột sạch, chẳng mấy chốc họ sẽ trần trụi như dân lục địa.

Nếu cho đó là “động cơ” của cuộc biểu tình thì tại sao Trung Quốc đại lục, Việt Nam hay Bắc Hàn lại không dám đấu tranh như họ. Trong khi quyền con người ở những xứ sở này còn thấp tệ hơn nhiều lần ở Hồng Kông.

Có nhiều ý kiến cho rằng, sau 50 mươi năm sống trong thể chế pháp trị của Anh Quốc. Người Hồng Kông đã quen với một xã hội được đề cao nhân quyền, tự do và dân chủ. Bởi vậy sự o ép và lạm quyền của Bắc Kinh chẳng khác nào dùng rơm khô bọc quả cầu lửa. Vậy tại sao lực lượng nòng cốt trong cuộc biểu tình không phải là những người trưởng thành có tiếng nói “nặng ký” trong xã hội mà lại là sinh viên, học sinh?

Tất nhiên, những giả thuyết trên đều có phần đúng. Nhưng tôi nghĩ còn một lý do khác mà đa số chúng ta đều đã bỏ quên đó là hệ thống và chất lượng nền GIÁO DỤC của quốc gia này. Nó cũng là lời giải thích cho tính dũng cảm và sự kiên quyết của học sinh và sinh viên Hồng Kông.

Nếu như ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn môn Triết Học (thấp hơn là giáo dục công dân) được chính quyền và các nhà giáo áp đặt đặt lên bàn thờ bằng một mớ khuôn mẫu giáo điều với một tư duy và ý thức nô lệ thì ở Hồng Kông hoàn toàn ngược lại. Học sinh được học thứ triết học mở, liên hệ trực tiếp vào những vấn đề của cuộc sống nhân sinh, giúp phát triển khả năng tư duy độc lập, óc phán đoán, để hiểu về cuộc sống; về thân phận con người; về hạnh phúc, tự do, chân lý; về sự khác biệt; về nghệ thuật…

Không những thế, khi nhìn lên bảng xếp hạng trong những công trình nghiên cứu của các tổ chức giáo dục thì ta thấy Hồng Kông luôn được xếp ở những vị trí tốp đầu của thế giới.

– Theo đánh giá của công trình nghiên cứu băng hình TIMSS năm 1999 thì chất lượng giáo dục Hồng Kông đứng thứ 2 trong mười quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới, trên cả Mỹ.

– Ở bảng xếp hạng của PISA (Program for International Student Assessment) năm 2012 thì vị trí của Hồng Kông cũng không hề thay đổi, họ chỉ đứng sau Phần Lan.

– Trong bảng xếp hạng công bố ngày 13/05/2012 của QS (tổ chức thực hiện xếp hạng Đại Học thế giới). Hồng Kông một lần nữa được khẳng định là một trung tâm giáo dục hàng đầu châu Á, khi nắm giữ 3 suất trong tốp 4 của châu lục.

Là người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, tôi không muốn dừng lại ở bảng xếp hạng. Ngoài các công trình nghiên cứu, tôi tìm đọc thế các tài liệu của viện IRED (Viện nghiên cứu và phát triển giáo dục) đi sâu vào hệ thống chương trình giảng dạy ở Hồng Kông từ mầm non đến ĐH tôi càng hiểu thêm về lý do vì sao học sinh và công dân nước này lại dũng cảm và kiên quyết đấu tranh cho tự do và nhân quyền đến vậy. Dù họ ý thức được hành động ấy có thể dẫn đến bạo lực và cái chết.

Từng là thuộc địa của Anh, hệ thống giáo dục Hồng Kông gần giống như Anh quốc. Riêng ở bậc Đại Học có nhiều điểm tương đồng với Mỹ. Đặc điểm phân cấp trong hệ thống giáo dục của Hồng Kông gồm có: 3 năm mẫu giáo không bắt buộc, tiếp theo là 6 năm phổ thông cơ sở và 3 năm phổ thông trung học bắt buộc và 2 năm phổ thông cao cấp không bắt buộc để được cấp bằng bằng trung học Hồng Kông và một khoá 2 năm học chương trình cao đẳng đại học để nhận bằng giáo dục cao cấp Hồng Kông (Hong Kong Advanced Level Examination).

Ở bậc mầm non và tiểu học, trẻ em nơi đây đã được vun bồi ý thức tự do từ tấm bé, miễn không nguy hiểm cho bản thân và cản trở người khác được tự do. Chúng sớm hiểu rằng nó chỉ có thể đạt được điều nó mong muốn nếu cũng để cho người khác đạt được sự mong muốn của họ. Ở đây không có sự biệt đãi nào dành cho trẻ em nhà giàu hay quyền thế. Tất cả đều có được sự tôn trọng và công bằng như nhau.

Ở chương trình phổ thông, học sinh được đào tạo phát triển toàn diện về sức khoẻ, trí tuệ, có khả năng tự học suốt đời, khả năng phản biện, sáng tạo, tôn trọng sự đa dạng, sự khác biệt. Mang các giá trị của một xã hội công bằng và tự do. Tiêu chí ấy nó thấm vào tư duy, hành động, hàng ngày của hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tạo ra một sự nhất trí chung thống nhất từ trong tư tưởng, hành động đến kết quả. Phần lớn các trường phổ thông hỗn hợp ở Hồng Kông thuộc trong ba dạng: trường công (ít), trường được bao cấp và trường tư. Các trường được bao cấp cho đến nay là loại phổ biến nhất, bao gồm trợ giúp của chính quyền và trường trợ cấp được quản lý bởi các tổ chức từ thiện thường có liên quan tới các tổ chức tôn giáo.

Ở bậc Đại học, Hồng Kông có 9 trường công và một số trường tư do Phòng Giáo dục và Nhân lực của Đặc khu Hành chính Hồng Kông quản lý. Với một lực lượng giảng viên hàng đầu thế giới, đào tạo đa ngành nghề, Hồng Kông luôn là điểm đến hấp dẫn cho nhiều du học sinh quốc tế. Thực hiện tiêu chí lấy sinh viên làm giá trị trung tâm, Đại học Hồng Kông chú trọng tạo ra một môi trường nghiên cứu ngoài giáo dục có lợi cho việc theo đuổi tri thức, tư tưởng và tự do ngôn luận, tuyên truyền vận động trong chính sách và thực tế, thúc đẩy sự hợp tác và tính đa dạng. Sinh viên được đào tạo thành những chuyên gia đầu ngành gánh vác vai trò Lãnh đạo, dẫn dắt xã hội về mặt trí tuệ và tư tưởng; đại diện cho chân lý, công lý và lương tri của loài người.

Như chúng ta đã biết, cái gốc của văn minh, hiện đại là giáo dục, mà giáo dục là nơi “sản xuất” ra Khoa Học, Công Nghệ, Kinh Tế, Văn Hoá, Tư Tưởng, Dân Trí… Bởi vậy, nếu đem nhốt một xã hội U Minh đã bị đồng hoá vào “khung sắt” của chế độ thô bạo, lũng đoạn và bức quyền thì may ra họ còn ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng nếu dùng “cái chuồng” ấy đi nhốt một xã hội văn minh, hiện đại thì sớm muộn gì cũng bị phá huỷ và vỡ vụn.

Có câu: “Con người là sản phẩm của giáo dục.” Qua những phân tích trên chúng ta đã thấy, “sản phẩm” của nền giáo dục Hồng Kông có “chất lượng” vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới. Đã là “sản phẩm” tốt thì không chỉ nó “bền” mà còn có nhiều tính năng, ứng dụng, và làm được nhiều việc. Và tất nhiên nó cũng sẽ không chịu khuất phục trước thách thức của bất cứ một thế lực nào. Ngược lại nó có thể dám “thử thách” những thứ cũ kỹ, định kiến, giáo điều của thế giới này. Đó là lý do vì sao chính quyền Bắc Kinh đã phải run sợ họ.

 

Nguồn: http://www.triethocduongpho.com/2014/10/07/phia-sau-cuoc-cach-mang-du-o-hong-kong/

Comments are closed.