Dmitri Mamleev
(Phó Tổng biên tập báo “Tin tức”)
Ivan Milhailovich Gronsky (1894 – 1985) là nhà hoạt động xã hội, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng của Liên Xô. Số phận đã run rủi buộc ông phải tham gia hai cuộc chiến tranh và hai cuộc Cách mạng: Thế chiến I và Chiến tranh vệ quốc, Cách mạng tháng Hai và Cách mạng tháng Mười. Ông là đại biểu dự Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ VIII – ông đến thẳng Petrograd từ phương diện quân Dvinski với tư cách là chính ủy Sư đoàn bộ binh 70. Năm 1925, sau khi tốt nghiệp Học viện Công đoàn, Gronsky được điều về công tác tại báo “Tin tức” (“Известия”). I.I. Skvoshov-Stepanov là Tổng biên tập, ông là Phó, sau khi Skvoshov-Stepanov qua đời, hai lần, ông đứng đầu, lãnh đạo tờ báo. Ngoài ra, ông còn làm Tổng biên tập các tạp chí “Nheva đỏ” (“Красная Нива”) và “Thế giới mới” (“Новый мир”). Những năm tháng làm việc tại tờ “Tin tức” là chương sách quan trọng nhất trong cuộc đời của Ivan Mikhailovich. Ông không chỉ là chứng nhân mà còn là người tham gia trực tiếp vào các sự kiện trọng đại, như công cuộc tập thể hóa nông thôn, cao trào công nghiệp hóa đất nước, xây dựng ngành hàng không, những cuộc đấu đá khốc liệt trong nội bộ Đảng. Dưới sự lãnh đạo của ông, số lượng phát hành của tờ “Tin tức” tăng gấp 4 lần, đạt hơn nửa triệu bản in.
Ivan Milhailovich Gronsky là người thân tín của Stalin, thường xuyên cùng lãnh tụ gặp gỡ giới trí thức ở điện Kremlin, cũng như tại nhà của Maxim Gorky trên đại lộ Spiridonyevka. Ít người biết rằng, chiều chiều, các vị lãnh đạo của Đảng thường tụ tập trong căn hộ của Gronsky. Thời ấy, lãnh đạo Đảng còn đùa bỡn với giới trí thức. Gronsky còn nhớ, có lần ông từng chứng kiến một cảnh thế này. Khi tâm trạng thoải mái, Stalin thường nâng cốc. Bukharin tiến tới trước mặt Stalin và nói: “Koba (bí danh của Stalin.- ND), anh uống thế đủ rồi đấy!”. Ngay lúc ấy, Gronsky thấy lãnh tụ trừng mắt: “Này, Nhikolai, nhớ lấy, chẳng có chuyện gì tôi không được làm”.
I.M. Gronsky là người không biết sợ ai. Khi Nguyên soái Tukhachevsky bị bắt (năm 1937, năm 1957 mới được minh oan.- ND), Gronsky gọi phôn cho Stalin, Stalin ngắt lời ngay: “Đừng xía vào việc của người khác”. Chuyện lại lặp lại y như thế khi Nguyên soái Bliukher bị bắt (năm 1938, ông bị bức cung và chết trong tù.-ND): Gronsky gọi cho Stalin, Stalin gác máy không thèm trả lời.
I.M. Gronsky là Chủ tịch Ủy ban trù bị Đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ Nhất. Maxim Gorky khai mạc Đại hội, còn Gronsky đọc báo cáo đề dẫn. Gronsky cùng Stalin lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” (trên “Báo Văn”, ngày 23 tháng 5 năm 1932.- ND). Quan hệ giữa Gronsky và Gorky rất phức tạp. Khi Stalin quyết định dùng tên Gorky đặt cho thành phố “Novgorod hạ”, phố Tverski ở Moskva và Nhà hát nghệ thuật Moskva, Gronsky có ý can ngăn lãnh tụ. Ông nói với Stalin, rằng Nhà hát nghệ thuật Moskva “tốt nhất là lấy tên Chekhov”. Stalin ngắt lời Gronsky một cách gay gắt: “Đừng nhảm nhí”, rồi nói thầm: “Y (M. Gorky – ND) là người háo danh. Phải lấy dây thừng trói chặt y vào với Đảng”….
Người dịch: LN .
Nguồn: http://izvestia.ru/news/315401
Nguồn bản dịch: https://www.facebook.com/khachoa.la/posts/695119957256134