Văn học miền Nam 54-75 (583): Nguyễn Mộng Giác (kỳ 17)

Hoàng Ngọc Tuấn

Đường Một Chiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đoạt giải Nhất cuộc thi Tiểu thuyết của Trung tâm Văn Bút Việt Nam năm 1974

Nhân tạp chí Văn Học dự trù ra số đặc biệt viết về nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tôi không thể không nhớ tới những sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam thời kỳ trước năm 1975 ở Miền Nam Việt Nam mà ở đó nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng đã có lần ghi một dấu ấn rất đậm nét đối với các thành viên của ban Chấp hành Văn Bút cũng như nhiều anh chị em văn nghệ sĩ vẫn thường quan tâm hay lui tới trong các sinh hoạt của Hội.

Nhắc lại những sinh hoạt của Hội thì cũng như nhắc lại một thời chữ nghĩa, đã có nhiều thành viên của Hội, những bút danh quen thuộc, đi về cõi vĩnh hằng như Vũ Hoàng Chương, Nhất Linh, Vi Huyền Đắc, Đào Đăng Vỹ, Đỗ Đức Thu, Bàng Bá Lân, Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Bình Nguyên Lộc,Thanh Lãng, Hồ Hữu Tường, Trần Phong Giao, v.v. nhưng cũng không thiếu Hội viên cũ, nay vẫn còn ở quê nhà hay nổi trôi, luân lạc đâu đó tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Văn Bút Việt Nam thành lập khoảng 1957, khởi sự lấy tên là Hội Bút Việt, chắc là muốn dịch sát chữ P.E.N Club (P=Poet, Play Writer; E=Editor; N= Novelist) do nhiều cây bút lão thành sáng lập và được gia nhập Hội Văn Bút Quốc tế (PEN Club International). Phải kể tới những vị tiền phong sáng lập Hội như Nhất Linh, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Đỗ Đức Thu, Phạm Việt Tuyền, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Đào Đăng Vỹ, Nghiêm Xuân Việt, Lê Văn Hoàn, v.v.

Thoạt tiên vì ngân quỹ eo hẹp nên Hội chỉ đóng trụ sở tại căn nhà nhỏ ở số 37 đường Cô Bắc, ngay sau lưng chợ Cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Thái Học Sài Gòn, và sinh hoạt chỉ bao gồm việc xuất bản không định kỳ tập san Bút Việt, hoặc tuyển dịch các truyện ngắn hay ra Anh ngữ để vài lần gửi đi dự giải cuộỉc thi truyện ngắn do Văn Hoá Á Châu và Thái Bình Dương (Pacific Rim) tổ chức. Các tác phẩm của Linh Bảo và Bình Nguyên Lộc được dịch và gửi đi, đã lọt vào vòng chung kết và có tên trong danh sách các tác giả trúng giải.

Sau này, do sự tài trợ của tổ chức Asia Foundation (và vài năm sau, khi hết ngân khoản này thì chính phủ Việt Nam Cộng hòa tài trợ tiếp), Hội Bút Việt đổi tên thành Trung Tâm Văn Bút Việt Nam và cho đến lúc này Hội mới có một huy hiệu chính thức trên vẽ một cán bút đặt chéo với một thanh kiếm đã gãy rời, biểu tượng cho ý nghĩa ngòi bút luôn chiến thắng bạo lực. Trụ sở của Hội thì được rời về căn biệt thự ở số 107 đường Đoàn Thị Điểm Sài Gòn, một cơ ngơi khá khang trang, có sân để xe hơi, có tầng lầu rộng rãi đủ sức chứa hàng trăm người, và do vậy Hội có điều kiện để mở rộng sinh hoạt hơn. Những sinh hoạt này, đại thể gồm có:

– Xuất bản nguyệt san Tin Sách chuyên loan tin sinh hoạt sách báo và đăng những bài phê bình các sách mới ra trong tháng. Nguyệt san này, trước do anh Trần Phong Giao và sau này do Lê Thanh Thái phụ trách.

– Tổ chức hàng tháng những buổi nói chuyện về các đề tài văn học nghệ thuật do chính các hội viên thuyết trình.

– Cung ứng trụ sở cho các văn hữu để họ làm nơi tổ chức ra mắt tác phẩm mới. Hội cũng trang bị những bàn xếp nhỏ và 150 ghế xếp để các văn hữu có thể lui tới ngồi riêng từng nhóm, uống cà phê miễn phí và đàm đạo chuyện văn chương, chữ nghĩa.

– Tổ chức cứ hai năm một lần, một giải thưởng văn chương, đầu tiên là thể loại truyện ngắn, sau qua thể tiểu thuyết, kịch.

– Dịch các truyện ngắn hay ra Anh, Pháp ngữ để góp bài cho tập san của Hội Văn Bút Quốc tế hay dự các giải văn chương dành cho các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương

– Cử phái đoàn Việt Nam tham dự đều đặn các Đại Hội Văn Bút Quốc tế và phát biểu trong đại hội về các đề tài đã được chỉ định trước.

– Cử đại diện Văn Bút tham gia Hội Đồng Văn Hoá Giáo Dục, một định chế quốc gia của Việt Nam Cộng hòa thời kỳ trước 1975.

Nói chung, sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút rất ổn thỏa, đều đặn trong tất cả các nhiệm kỳ chủ tịch (cứ hai năm bầu lại một lần) mà lần lượt là các chủ tịch Nhất Linh, Đỗ Đức Thu, Vũ Hoàng Chương, Linh mục Thanh Lãng (nhiệm kỳ cuối cùng 1975). Số hội viên toàn quốc trên 200 người, nhưng nhiều vị ở xa chỉ gửi phiếu bầu qua bưu điện, chứ con số thực sự sinh hoạt gắn bó với Hội thì chỉ tập trung ở Sài Gòn mà số lượng chỉ khoảng trên 100 người.

Chính vào năm 1974, khi Văn Bút tổ chức cuộc thi Tiểu Thuyết thì Hội đã nhận được nhiều tác phẩm của các văn hữu tham gia, trong đó có cuốn Đường Một Chiều của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, khi đó đang là một nhà giáo ở Miền Trung và cũng là một tác giả đã thành danh nhưng vẫn tín nhiệm Hội để gửi tác phẩm đến dự thi. Hội Đồng Tuyển Trạch vào năm đó có Vi Huyền Đắc, Bình Nguyên Lộc, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Thị Vinh và Nhật Tiến. Tác phẩm Đường Một Chiều của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã đoạt giải Nhất với đa số tuyệt đối.

May mắn thay, trong những tài liệu hiện còn lưu giữ, tôi đã tìm thấy một bài viết của Hoàng Ngọc Tuấn, tác giả cuốn Hình Như Là Tình Yêu, đề cập đến nội dung tác phẩm này. Bài này được viết để chào mừng Hội Văn Bút  nhân ngày Hội trao giải thưởng cho Nhà văn Nguyễn Mộng Giác (15-11-1974), đã được tác giả cho đăng tải trên tạp chí Bách Khoa số ra ngày 20 tháng 12 năm 1974. Đây là thời điểm mà sắc luật về báo chí 004 do chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vừa ban hành mà nội dung muốn xiết chặt hơn nữa lãnh vực xuất bản báo chí trong khi  Sở Phối Hợp Nghệ Thuật tức cơ quan kiểm duyệt sách báo do Bộ Thông Tin đảm trách vẫn còn hoạt động. Một trong những biện pháp do Luật Báo Chí hồi đó đưa ra là báo chí muốn được tiếp tục xuất bản thì phải đóng 10 triệu đồng tiền ký quỹ, một món tiền khá lớn so với hoàn cảnh eo hẹp, nghèo nàn của hầu hết các văn nhân, ký giả. Hậu quả là nếu báo nào không đóng được tiền ký quỹ thì không được ấn hành theo lối định kỳ (nhật báo, tuần báo, nguyệt san…) mà chỉ được ra dưới hình thức Giai Phẩm và không được đánh số liên tục. Chính cái luật khắt khe này đã tạo nên một làn sóng chống đối chính quyền hồi đó rất mạnh mẽ với nhiều tổ chức, hội đoàn tham gia trong đó có cả Hội Văn Bút (mà bài viết của Hoàng Ngọc Tuấn có nhắc đến như “một biến cố rất lớn” ở phần cuối bài).

Để nêu một ví dụ cụ thể, xin lấy ngay tờ Bách Khoa, một tạp chí rất có uy tín và đã từng hiện diện lâu năm ở miền Nam, nhưng vì không đủ tiền đóng ký quỹ, nên tờ Bách Khoa phải ra dưới hình thức Giai Phẩm. Đó là lý do khi nêu xuất xứ của bài viết của Hoàng Ngọc Tuấn ở dưới đây, tôi đã ghi: Giai Phẩm Bách Khoa, S’ IV-XIX (chữ S’ thay cho nguyên chữ “Số ” bị cấm vì trên mặt báo, tòa sọan không được đánh số liên tục).

Sau cùng, khi  nhắc lại một thời chữ nghĩa có liên hệ tới nhà văn Nguyễn Mộng Giác vào cái thuở ông đã từng tham gia những sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Miền Nam trước 1975, thiết tưởng không gì bằng đăng tải lại nguyên văn bài viết của tác giả Hoàng Ngọc Tuấn dưới đây, vừa như một kỷ niệm của độc giả đối với  nhà văn Nguyễn Mộng Giác, vừa có dịp để  ta có thể nhìn lại hoàn cảnh, tâm tư và đôi điều suy nghĩ của một người cầm bút trong sinh hoạt văn học nghệ thuật vào thời điểm một năm trước khi miền Nam hoàn toàn sụp đổ.

Xin mời độc giả thưởng lãm.

Nhật Tiến

  



Chào mừng Hội Văn Bút Việt Nam nhân ngày trao Giải thưởng truyện dài 1974 cho tác phẩm ĐƯỜNG MỘT CHIỀU của nhà văn NGUYỄN MỘNG GIÁC

(Trích Giai Phẩm Bách Khoa, S’ IV-XIX ra ngày 20-12-1974)

HOÀNG NGỌC TUẤN

Thưa Quí Hội,

Được biết qua báo chí, Hội đồng tuyển trạch của Quí hội quyết định chọn trao cho tác phẩm Đường Một Chiều của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, giải nhất Bộ Môn truyện dài 1974 do Hội Văn Bút Việt Nam tổ chức.

Ở nơi xa, rất tiếc tôi không có mặt để chia vui cùng Quý Hội và tác giả đoạt giải trong buổi lễ trao giải tổ chức vào ngày 15 tháng 11 năm 1974. Là một người lâu nay cũng theo đuổi việc sáng tác văn nghệ và thường theo dõi những hoạt động liên tục và thực tiễn của Quý Hội, tôi xin mạn phép gửi những lời chào mừng nồng nhiệt nhất của tôi đến Quý Hội và nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trong ngày mà tôi dự đoán là có sự họp mặt rất đông đảo của quý vị văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung và hội viên của Quý hội nói riêng.

Một lời chào mừng có lẽ trở thành khách sáo và thừa thãi nếu không kèm theo những cảm nghĩ, ý kiến chân thành và xây dựng của mình gửi đến những người mình muốn chào mừng. Những lời sau đây của tôi gửi đến Quý Hội cũng vì lý do đó.

Trước hết tôi xin thành thực ca ngợi và chia mừng cùng Quý Hội về sự lựa chọn tác phẩm trúng giải. Ca ngợi, vì một tác phẩm xứng đáng như Đường Một Chiều, khi đoạt giải nhất, đã chứng tỏ một tinh thần thưởng ngoạn và thẩm định văn chương rất tinh tế của Quý Hội. Chia mừng, vì khi tác phẩm đoạt giải là một tác phẩm có giá trị thực sự, thì uy tín của cơ quan trao giải, của Quý Hội, đã tăng thêm rất nhiều.

Vì không có gì đáng buồn hơn khi người ta không tìm ra được một tác phẩm  nào xứng đáng để trao giải. Và càng tệ hơn nữa, càng đáng buồn và xấu hổ hơn nữa, nếu người ta vì một lý do  tình cảm riêng tư  nào đó, phải trao giải cho một cuốn sách  không xứng đáng. May mắn thay, năm nay, 1974, Quý Hội đã tránh được điều đáng buồn đó.

Tôi đã hân hạnh được đọc bản thảo truyện dài Đường Một Chiều của Nguyễn Mộng Giác. Theo tôi, đó là một tác phẩm được sáng tác rất công phu. Say sưa mà vẫn thận trọng, đầy cảm hứng mà vẫn tiết chế, cô đọng bằng một kỹ thuật cao và khéo léo, nội dung chứa nhiều ý tưởng phong phú mà hình thức vẫn gọn gàng, lôi cuốn. Những đặc điểm đó khiến Đường Một Chiều đích thực là một tác phẩm văn chương đúng nghĩa.

Tác phẩm ấy đặt độc giả trước một bi kịch. Bi kịch của con người bị đứng trước, bị đẩy đưa trên con đường chỉ có một chiều, không thể, và có lẽ không thể bởi vì yếu đuối không tìm ra một chiềi đi khác, một lối thoát nào khác, cũng không thể dừng lại hay quay đầu trở ngược chiều chạy trốn. Và cuối cùng, con đường một chiều ấy đã dẫn nhân vật chính của câu chuyện đến tội ác. Sau đó, người tội nhân trẻ tuổi (đáng thương hay đáng ghét?) không đợi sự trừng phạt của luật pháp, y tự sát (hối hận? sợ hãi? hay thất vọng?)

Truyện của Nguyễn Mộng Giác thường đặt ra cho người đọc những câu hỏi, tác giả không trả lời, chính mỗi người chúng ta, nếu chúng ta là những độc giả không ngại phải băn khoăn suy nghĩ khi đọc sách thì chính mỗi người trong chúng ta sẽ tự tìm lấy câu trả lời riêng cho mình.

Trang cuối cùng của truyện Đường Một Chiều khép lại cuốn sách, đồng thời mở ra những thao thức mới. Định mệnh hay trách nhiệm của hành động tự ý? Tính dục hay tình yêu? Có tội hay vô tội? Thù hận hay tha thứ? Công lý sáng suốt hay chỉ là sự trừng phạt máy móc độc đoán? Những câu hỏi đó có lẽ một ngày kia sẽ đối diện thách thức trước mặt chúng ta, nếu chúng ta chẳng may đã bị đi trên con đường một chiều, như nhân vật trong truyện. Hay có thể giữa thời đại tù túng, gắt gao, bạo tàn này chúng ta đã phải đi trên con đường một chiều đó rồi.

Điểm đáng đề cao hơn nữa của truyện Đường Một Chiều, tác phẩm thứ 5 của Nguyễn Mộng Giác, là thêm một lần nữa chứng tỏ cái ý hướng trách nhiệm của tác giả đối với xã hội. Truyện của Nguyễn Mộng Giác bao giờ cũng từ chối làm chiều lòng những kẻ trưởng giả giầu sang, ăn chơi phè phỡn, hưởng thụ chán chê rồi học đòi triết lý thời trang rằng cuộc đời là hư vô, phi lý, buồn nôn.

Hư vô chỉ là một trang thái có thực đối với những người bất hạnh, mất hết tất cả vì cuộc chiến tranh đẫm máu tương tàn đang tiếp tục từng ngày, gieo rắc sự hủy diệt giữa lòng đất nước.

Phi lý chỉ là một nhận thức đích thực đối với những người khốn khổ gặp hết sự bất trắc này đến họan nạn khác, bị giáng xuống trên đầu hết tai ương này đến tang tóc  khác vì chiến tranh.

Buồn nôn chỉ là một cảm giác thực sự đối với những người bị chứng kiến, hoặc không sợ hãi trốn tránh quay mặt đi, mà can đảm chứng kiến tận mắt như một chứng nhân, những cái chết đau thương tức tưởi, những đổ vỡ kinh hoàng, những tội ác nhầy nhụa của chiến tranh và vì chiến tranh. Những tiếng hư vô, phi lý, buồn nôn, chỉ có nghĩa thực sự khi phát xuất từ trái tim của những con người bị đày đọa như thế. Bằng không, nó chỉ là những sáo ngữ của tiểu thuyết phóng tác, nhai lại những sản phẩm nhập cảng mờ ám và trái phép để lòe bịp trẻ con.

Và đáng quý thay, các tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác từ trước tới nay đã phủ nhận và không tham gia vào trò chơi chữ nghĩa triết lý phòng trà đó. Truyên dài của Nguyễn Mộng Giác có một nội dung gắn liền với đời sống và tình cảnh quẫn bách của những con người bị đeo một số phận nghiệt ngã, đang vùng vẫy kêu cứu giữa cả một cộng đồng nhân sinh cùng chung một nỗi khốn khó vì chinh chiến.

Nói rõ hơn, văn chương của Nguyễn Mộng Giác đứng cùng phía hướng đến và nhằm phục vụ khối đa số quần chúng bất hạnh trong xã hội Việt Nam ngày nay. Sự phục vụ quần chúng, phục vụ con người của tác giả có đem lại kết quả mỹ mãn hay không qua những tác phẩm văn chương?  Điều đó có lẽ không tùy thuộc vào riêng tác giả mà tùy thuộc đến vấn đề chung là sức mạnh của văn chương liệu có thực hiện thành công ý  hướng tốt đẹp đó hay không?  Đây là một vấn đề cốt yếu và rộng lớn không thể bày giải hay trả lời trong một vài lời ngắn ngủi. Đối với những nhà văn chân chính, chỉ cần biết một điều này : là dầu cho sứ mệnh văn chương có được hoàn tất ở cuối đường hay không, điều đáng quý hơn cả là biết và dám nhận lãnh sứ mệnh đó ngay trong phút khởi hành ở đầu đường.

Thưa Quý Hội,

Tôi rất tiếc những lời trên đây của tôi chắc là không được đưa ra thêm một ý kiến nào mới lạ hơn ý kiến của Quý Hội khi nhận định về tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác. Và nhận định của Quý Hội thì đã được biểu lộ một cách hùng hồn hơn bất cứ những lời lẽ văn hoa nào, chỉ với một sự lựa chọn trao giải văn chương năm nay cho tác phẩm Đường Một Chiều của Nguyễn Mộng Giác.

Thưa Quý Hội,

Lời chào mừng của tôi xét ra có thể chấm dứt nơi đây nếu thời cuộc nước nhà hiện nay không xẩy ra những biến cố rất lớn, mà đáng mừng thay, Quý Hội hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc vận động chung. Tôi muốn nói công cuộc tranh đấu đòi hỏi quyền tự do sáng tac, tự do  báo chí, tự do xuất bản mà Hội Văn Bút Việt Nam đang liên kết chặt chẽ với các đàon thể khác tại Việt Nam.

Tôi rất tiếc không nhớ rõ chi tiết bản Hiến Chương của Hội Văn Bút thế giới, hay Hiến chương về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nhưng tôi chắc chắn là bất cứ một bản Hiến chương nào, bất cứ một Tuyên ngôn nào của bất cứ một tổ chức nào nếu muốn có đủ uy tín để quy tụ mọi người thì điều kiện tiên quyết là phải đòi hỏi cho con người quyền Tự do Tư tưởng.

Quý Hội đang tranh đấu cho quyền Tự do Tư tưởng. Tôi hân hoan vui mừng trước cuộc tranh đấu đó và thành thật cầu chúc Quý Hội thành công. Vì sự thành công của Quý Hội chắc chắn sẽ đem lại một làn gió mới và làm phục sinh hoạt động văn hóa nước nhà. Với quyền tự do sáng tác, xuất bản báo chí, văn hóa văn chương Việt Nam chắn chắn sẽ phồn thịnh phát triển tương xứng với sự làm việc của các văn nghệ sĩ chứ không èo uột, mờ nhạt, kém cỏi một cách bất công như hiện nay. Nghĩa là dầu cho các văn nghệ sĩ có nỗ lực làm việc đến đâu, mà nếu không được tự do xuất bản thì công lao của họ, tác phẩm của họ cũng sẽ mãi mãi bị vùi dập một cách oan uổng trong bóng tối hay chỉ được xuất hiện dưới dáng vẻ khập khiễng, thiếu hụt, trái ý một cách đau lòng cho những kẻ sáng tạo.

Bốn ngàn năm văn hiến của nước Việt Nam không phải là một món đồ cổ bám đầy bụi bặm, mỗi năm đôi ba lần lại được khiêng ra, cho vào trong những bài diễn văn bóng bẩy. Bốn ngàn năm văn hiến ấy chỉ có nghĩa, chỉ là một niềm hãnh diện thực sự khi được chúng ta, những người hoạt động trong lãnh vực văn hóa và sáng tác nghệ thuật ngày đêm cố gắng làm việc để tiếp nối. Ngược lại, những người cứ nhắc nhở mãi đến bốn ngàn năm văn hiến, mà một mặt lại ngăn chặn, cắt bỏ những tác phẩm nghệ thuật là chất liệu nòng cốt  đẩ xây dựng văn hiến thì dầu cho là cắt bỏ một phần, một đoạn cũng vẫn giống như là chỉ cắt bỏ một con số 4 trong hàng số 4.000 năm đó. Những người đó phải chịu trách nhiệm nặng nề đối với con số không to tướng của nền văn hóa nước nhà.

Thưa Quý Hội,

Đến đây thì những lời chào mừng của tôi gửi đến Quý Hội mới thật sự xét ra nên chấm dứt thật. Xin kính chào Quý Hội, Quý vị văn nghệ sĩ hiện diện và nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người mà hiện đang nhận lãnh vinh dự trong ngày hôm nay, cũng là nhờ ở một tinh thần làm việc hăng say và một tấm lòng tha thiết đối với văn nghệ rất đáng ca ngợi.

Qui Nhơn ngày 3-11-1974

Nguồn: https://nhavannhattien.wordpress.com/duong-mot-chieu-tac-pham-cua-nha-van-nguyen-mong-giac/

Comments are closed.