Về ‘Solaris’ của Stanisław Lem

K. H.

 

Solaris là một ẩn dụ đầy sáng tạo của Stanisław Lem, là động lực mạnh mẽ giúp ích cho việc khai phá những xứ sở bí ẩn đang tồn tại trong vũ trụ và cả cái xứ bí ẩn vào loại bậc nhất: tâm hồn con người. Biết bao xứ sở vẫn âm thầm hiện hữu trong vũ trụ thênh thang, nơi trí tuệ con người chưa thể vươn tới, và cũng có cả những xứ sở vẫn cứ lặng lẽ tồn tại trong trí tuệ và tiềm năng sáng tạo của con người.

Solaris đã được công nhận là một hành tinh có sự sống, nhưng chỉ có một sinh vật duy nhất.

Có lẽ Solaris đã đạt đến một trạng thái thống nhất toàn vẹn, đã trở thành một sinh thể tĩnh lự thuần nhất sau những xung đột nội tại khắc nghiệt, hoặc bản thân Solaris còn chưa tiến hóa đến thời kì chia tách, phân mảnh chính bản thể ra thành nhiều cá thể tự trị. Cũng có thể Solaris bằng những kinh nghiệm vũ trụ và ý chí của riêng mình đã sáng suốt thoát khỏi sự chi phối của những quy luật tiến hóa, và như vậy nó đã mặc kệ những quy luật vẫn đang ám ảnh các loài sinh vật khác, để hòa mình vào lòng vũ trụ, tự tại, ung dung. Đây là một ẩn dụ sâu sắc, cũng là một dấu chấm hỏi lớn cho những vấn đề của con người, liên quan đến sự chia tách và thống nhất, đồng thời đó cũng chính là những vấn đề của mỗi cá nhân. 

Loài người trải qua biết bao thăng trầm, đổ bao nhiêu công sức, vận dụng tất cả tinh lực trí não và năng lực sáng tạo để khai sáng chính mình bằng nhiều con đường và phương cách khác nhau: tôn giáo, triết học, khoa học, nghệ thuật… Tầm nhìn của họ đã vươn đến được những vùng miền xa xôi nhất chưa từng được khai phá trong vũ trụ, xâm nhập đến tận thế giới lượng tử siêu vi mô… Họ tự động viên mình bằng cách gọi đó là những bước tiến vĩ đại, những thành tựu lớn lao. Nhưng khi đã tiếp cận được Solaris, họ như trở thành những đứa trẻ lên ba lạc trong một thế giới thần tiên xa lạ, tầm vóc lớn lao của những phát kiến ngày xưa giờ đây đã mang một dáng vẻ khác:

Triết học Trung cổ chắc còn sáng ngời chân lý hơn so với những ý tưởng mơ hồ nảy sinh từ vấn đề này.

Xuất hiện nhiều phân khoa về Solaris mà đặc tính chuyên ngành đi xa đến mức nhà điều khiển học Solaris không hiểu nhà hình thái học. ‘Làm sao các anh có thể hiểu được đại dương, nếu như chính các anh không thể hiểu nhau’.

Đó là nỗi đau dai dẳng và âm ỉ suốt lịch sử tiến hóa của loài người, như một điều lệ không thể xóa bỏ mà tạo hóa đã kết án họ. Chi tiết này gợi nhớ hình ảnh tháp Babel được đề cập trong Kinh Thánh, theo đó những bất đồng ngôn ngữ là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại trong việc xây dựng một ngọn tháp có thể vươn đến được nước Chúa.

Những nhà khoa học trên Trái-đất có thể yên tâm thực hiện các nghiên cứu một cách khách quan theo những nguyên tắc và chuẩn mực của khoa học, họ tin rằng những trở ngại thần kinh và tâm lí cá nhân ít có khả năng và thậm chí không thể gây ra các xáo trộn trong tư duy khoa học và phá hỏng các công trình nghiên cứu. Nhưng ở Solaris, họ luôn phải đương đầu với nỗi hoang mang, những nghi ngờ về tính chân xác của tinh thần khoa học mà họ luôn được trang bị khi còn ở Trái-đất.

Loài người truy tìm những chân lí của vũ trụ khi còn chưa thấu hiểu chính bản thân, một mình Trái-đất đã chứa đựng biết bao ẩn số, khoa học và tất cả những ngành học khác tương trợ nhau khám phá những bí ẩn, giúp họ thu về không ít thành công đáng khích lệ. Nhưng ở Solaris, họ hầu như phải bắt đầu lại từ đầu, khám phá lại từ đầu, mọi thứ; những kinh nghiệm họ đã tích lũy trên Trái-đất giờ trở thành những rào cản kiên cố cho việc lí giải những thực tại mới – những thực tại còn không như trước nữa, logic khoa học và kinh nghiệm sáng tạo của con người trên Trái-đất giờ đây tỏ ra là những trò tư duy thiếu sinh khí của một trí năng tiều tụy, một nỗi thất vọng sâu sắc của quyền năng sáng tạo vô biên mà họ tin mình đang sở hữu.

Chúng ta tự coi mình là những hiệp sĩ của cuộc tiếp xúc thần thánh. Đấy là điều dối trá thứ hai. Chúng ta không cần cái gì khác ngoài những con người. Chúng ta không cần những thế giới khác. Chúng ta cần một tấm gương phản chiếu. Chúng ta không biết phải làm gì với những thế giới khác. Chỉ riêng điều đó cũng đủ để trừng phạt.

Rồi,

Thế nhưng chúng ta mang theo từ Trái-đất không phải chỉ những tinh hoa giá trị của mình! Chúng ta bay tới đây với cái “tôi” vốn có trong thực tế của mình, và khi cái mặt trái mà chúng ta muốn bưng bít đó được “nó” chỉ ra, chúng ta đã không thể chịu đựng được.

Có lẽ đại dương đã đáp lại các bức xạ của chúng ta bằng các bức xạ khác nào đó và bằng cách đó đã xâm nhập vào não của chúng ta để lấy đi các thông tin có liên quan đến các quá trình tâm lý khép kín, những dấu ấn sâu kín và dễ bị kích động nhất của kỷ niệm.

Những sinh vật đó là cái gì? Đó không phải là con người, cũng không phải là copy một con người xác định, mà chỉ là hình chiếu được vật chất hóa của cái tương ứng với một con người cho trước được lưu giữ trong não của chúng ta.

Vì vậy mà các nhà nghiên cứu của chúng ta luôn có “khách”, như một trò trêu ngươi nỗi-cô-đơn-chưa-từng-ngưng-dày-vò mà Solaris dành tặng những sinh-vật-đại-diện-cho-Trái-đất đi tìm hiểu những bí ẩn của vũ trụ.

Rồi,

những trạng thái quan trọng nhất của con người xảy ra trong giấc ngủ…

ý thức chỉ làm việc tối đa khoảng 8%, phần việc còn lại do vô thức đảm nhiệm…

Hari và tình yêu, những vũ hội symmetriad, asymmetriad, mimoid

Solaris còn tạo ra những phép màu ngoài những cơn ác mộng, hay chỉ toàn phép màu, chỉ vì chúng ta nhìn chúng thành ra ác mộng đó thôi?

Dù bất cứ chuyện gì đã, đang và sẽ xảy ra, dù phải đánh đổi bằng chính cuộc sống và sinh mạng của mình, hễ ngày nào con người còn là con người thì họ vẫn tìm cách tiếp cận sinh-vật-Solaris để tiếp tục khám phá những bí ẩn của nó, cũng chính là những bí ẩn của loài người. Tất cả những gì Stanisław Lem đã trao truyền qua tác phẩm này không đơn giản chỉ là viễn tưởng.

 

Nguồn: http://chiecnon.wordpress.com/2010/09/07/ve-solaris-cua-stanislaw-lem/

Comments are closed.