Kính Hòa RFA
Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và lời phát biểu của ông được báo Tuổi Trẻ đưa tin, 9/1/2018. Ảnh chụp màn hình Báo Tuổi Trẻ.
Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, ông Hữu Thỉnh tuyên bố vào ngày 9/1 rằng tổ chức của ông đã đạt được một thắng lợi to lớn là nhà nước Việt Nam vẫn sẽ hổ trợ cho tổ chức này. Số tiền được ông tiết lộ là 85 tỉ đồng mỗi năm, dùng để trợ cấp cho bốn vạn thành viên, mà ông nói rằng là “những chiến sĩ giữ vững trận địa tư tưởng của đất nước.”
Hội nhà văn Việt Nam cũng nằm trong Liên hiệp này.
Sau đây là những nhận định của một số cựu thành viên Hội nhà văn Việt Nam về sự hiện hữu của hội này.
Trước khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986, tất cả những hoạt động trong xã hội, từ kinh tế tới văn học nghệ thuật đều nằm trong những tổ chức do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Giáo sư Hoàng Dũng, khoa văn, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết như vậy và đó là nguyên tắc của một xã hội theo cách nhìn của những người cộng sản:
“Không có cách nào khác, vì trong một thiết chế của xã hội toàn trị, người ta sẽ không yên tâm khi có những tổ chức thoát ra khỏi sự kiểm soát. Mà không chỉ có văn học nghệ thuật, toàn bộ các hoạt động trong xã hội đều vậy. Người lãnh đạo chỉ an tâm khi họ nắm được. Cái chức của ông Hữu Thỉnh xem vậy chứ không phải ai cũng làm được, phải được những người lãnh đạo đồng ý.”
Việc đặt những người sáng tạo nghệ thuật vào những tổ chức như hội nhà văn, nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bị chỉ trích là làm mất đi sự tự do sáng tạo của họ.
Nhà văn Nguyễn Viện, từng là thành viên Hội nhà văn TPHCM khi còn làm việc tại báo Thanh Niên tại Sài Gòn nói về cảm xúc của ông khi lần đầu tiên vào hội này:
“Tất nhiên tôi cũng biết tất cả các hội đoàn đều là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là lần nói về điều lệ của Hội, thì điều đầu tiên đó là Hội nhà văn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tôi thấy kinh khủng quá. Tại sao một nghệ sĩ lại được đặt dưới sự lãnh đạo của ai đó.”
Ông Nguyễn Viện sau đó không còn có hoạt động gì liên quan đến Hội nhà văn nữa, và có lần ông đã tuyên bố chính thức trên mạng xã hội rằng ông không còn là thành viên của hội này.
Tôi thấy kinh khủng quá. Tại sao một nghệ sĩ lại được đặt dưới sự lãnh đạo của ai đó.
-Nhà văn Nguyễn Viện.
Tuy vậy, Giáo sư Hoàng Dũng cho rằng vào thời kỳ bao cấp, tất cả nhà văn đều lãnh lương, và chỉ có một công việc là làm thơ viết văn, không lao động nặng nhọc, thì cũng có một số người cho ra đời những tác phẩm mà ông gọi là đọc được. Ông ví dụ những nhà văn nhà thơ có tài như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân. Nhưng ông nói tiếp là sự ảnh hưởng của lối dẫn dắt về tư tưởng vẫn có tác động xấu nhiều hơn đối với sự sáng tạo:
“Cái phần mất vẫn nhiều hơn. Nếu so sánh Nguyễn Tuân khi vào Hội nhà văn với Nguyễn Tuân thời thực dân thì ta thấy không bằng. Khi viết mà cứ lo cấp trên có đồng ý hay không, viết mà phải in ra cho được thì họ tự kiểm duyệt lấy họ.”
Có quan điểm tương tự Giáo sư Hoàng Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng cho rằng Hội nhà văn cũng có công giúp đỡ những cây bút mới bắt đầu sự nghiệp của mình.
“Cái mặt chính trị (của những hội đoàn này) thì ai cũng thấy rồi, nhưng nó cũng có những tác dụng tích cực như là những cây bút trẻ tham gia hội được huấn luyện qua những hoạt động của hội như là những buổi thảo luận, trao đổi về chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức. Nhưng khi tôi bắt đầu có ý thức, đọc được nhiều thì cảm thấy cái dẫn dắt về chính trị của nó rõ quá, lấn át chuyện nghề nghiệp đi. Bắt đầu từ năm 1973 tôi không còn dính líu gì nữa với Hội nhà văn.”
Nhà thơ Hoàng Hưng bắt đầu viết từ năm 1961 và cũng tham gia Hội nhà văn tại Hải Phòng. Sau năm 1975 ông bị bỏ tù vì có trong tay những tập thơ của nhóm Nhân văn giai phẩm. Gần đây ông có tập thơ Ác Mộng mô tả thời gian ở tù của ông, chỉ được xuất bản tại hải ngoại.
Phong trào Nhân văn giai phẩm bùng lên tại miền Bắc sau khi Đảng Cộng sản lên cầm quyền. Những người chủ trương phong trào này đấu tranh đòi tự do sáng tác, họ đều là những người tham gia cuộc kháng chiến chống pháp của Việt Minh mà nòng cốt là Đảng Cộng sản. Những người chủ trương phong trào này sau đó bị đàn áp với những án tù rất nặng nề.
Tình hình bây giờ nó khác. Người ta không cần những cái hội này nữa.
-Nhà thơ Hoàng Hưng.
Nhà thơ Hoàng Hưng cho biết một lý do mà phong trào này bùng lên được vào lúc đó là vì vẫn còn những nhà xuất bản do tư nhân nắm giữ, và một trong những nhà tư sản tài trợ cho việc xuất bản các tác phẩm của Nhân văn gia phẩm là nhà tư sản Hà Nội Trần Thiếu Bảo. Ông Bảo sau đó cũng bị một án tù rất nặng.
Ông Hoàng Hưng đánh giá tiếp về sự tồn tại của Hội nhà văn hiện nay:
“Tình hình bây giờ nó khác. Người ta không cần những cái hội này nữa. Người ta có nhiều con đường để thu thập kiến thức. Cái tiền mà nhà nước chi cho nó thực ra là để duy trì chính bộ máy của nó mà thôi.”
Ông Hoàng Hưng cho biết là không phải nhà nước Việt Nam không biết điều đó. Ông chứng kiến điều này khi còn làm việc ở tờ báo Lao Động của nhà nước Việt Nam.
“Vào những năm 1990, chính phủ đã trình quốc hội việc cắt bỏ kinh phí của các hội đoàn, họ phải tự nuôi lấy họ, nhưng dự án này bị những hội đoàn đó phản ứng rất dữ dội nên đành thôi.”
Nhà thơ Hoàng Hưng cho rằng trong một xã hội bình thường như các quốc gia khác thì đa số những nhà văn hay nhà thơ là những người kiếm sống bằng một công việc nào đó bên cạnh sự sáng tác của mình, chứ không cần những hội nhà văn và những nhà văn có biên chế được trả tiền.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/writer-association-01112019124327.html