KHI QUAN CHỨC ĐÃ KHÔNG THỂ LÀM GƯƠNG

LẠI NGUYÊN ÂN

xequanNgày từ trước Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu cán bộ công chức, không đi lễ hội trong giờ hành chính.
Thế nhưng tin tức hàng ngày hàng giờ cho thấy, tại những lễ hội lớn như lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội đền Trần (Nam Định) và nhiều lễ hội khác, trong số lượng đông đảo khách trẩy hội vẫn có khá nhiều khách đến bằng xe công, tức là có khá đông quan chức đến dự, ngay trong giờ làm việc.

Có vẻ như có một số không ít cán bộ, quan chức đang công nhiên làm trái quy định của người đứng đầu Chính phủ. Vì sao vậy?

Phải chăng vì lâu nay, lễ hội tại các địa phương, nhất là các lễ hội lớn của từng vùng, đã bị “nhà nước hóa” ở mức đáng kể?

Như ta biết, các lễ hội vốn nảy sinh trong dân gian từng vùng miền, nằm trong niên lịch của cư dân mỗi vùng miền; người ta đi lễ, tham gia hành lễ như thực hiện một nhu cầu vốn xuất hiện theo lịch thường niên trong đời sống các cư dân nông nghiệp. Theo trình tự tự nhiên ấy, hội làng nào do dân làng ấy thực hiện; dân làng khác, nếu muốn tới, cũng chỉ là “người dưng” đến xem. Số người tham dự các lễ hội nhỏ, do vậy bao giờ cũng có hạn. Chỉ những lễ hội lớn mang tính toàn vùng, như hội chùa Hương, hội Phủ Giày, … mới có nhiều “khách thập phương”, nhưng được điều tiết bằng cách kéo dài thời gian lễ hội ra nhiều ngày.

Các lễ hội dân gian ấy, nhất là ở miền Bắc, trong hàng chục năm ròng, đã bị cấm; chỉ đến thời Đổi mới, các lễ hội mới lần lượt được khôi phục. Trong việc phục dựng các lễ hội đã mất, nỗ lực đáng kể là thuộc về cán bộ, quan chức địa phương, cộng thêm những trợ giúp từ các giới nghiên cứu và văn nghệ sĩ, nhưng lại thiếu hẳn vai trò những phường hội dân gian tại chỗ (đã bị tan rã sau những năm cấm đoán).

Hệ quả là các lễ hội mới sống lại trong vài chục năm nay đều có ít nhất hai đặc tính trước kia hầu như không có: ấy là mức độ “nhà nước hóa” rất đậm, đồng thời phần trình diễn của nhiều lễ hội bị “chuyên nghiệp hóa” quá mức, đến nỗi ngay cư dân tại chỗ cũng bị biến thành “người dưng”, thụ động như mọi “khách thập phương” đến xem.

Gần đây, giới nghiên cứu văn hóa dân gian nhận ra cái lệch lạc nghiêm trọng của việc “chuyên nghiệp hóa”, “sân khấu hóa” lễ hội, biến cư dân từ người làm ra lễ hội thành người thụ động xem lễ, triệt tiêu cả nguồn cảm hứng lẫn động lực duy trì lễ hội. Người ta đang sửa chữa lệch lạc này theo hướng trả lễ hội về cho cư dân.

Nhưng còn tình trạng “nhà nước hóa” lễ hội?
Cần nhận ra rằng quan chức chính quyền các địa phương hiện đang can dự ở mức rất lớn vào các lễ hội diễn ra tại địa phương mình. Nhiều biến tướng, bày vẽ lễ hội, phóng đại các nội dung lễ hội, − ví dụ quy mô trình thức “đóng ấn” ở đền Trần – hoặc tăng cao các loại dịch vụ lễ hội, mời gọi cho thật nhiều khách đến dự, v.v… – đều có nguồn từ những toan tính và sự quyết đoán của “nhóm lợi ích” gồm những quan chức nhất định tại các địa phương. Họ sẽ nói rằng nguồn thu từ lễ hội là không thể thiếu của ngân sách địa phương, rằng họ hành động là vì quyền lợi nhân dân địa phương mình, … nhưng người ta ngầm hiểu, trong đó, quyền lợi của chính họ lại cốt yếu hơn!

Điều đáng lấy làm lạ, — vì sao Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cán bộ công chức không đến lễ hội vào giờ hành chính, không dùng xe công đi lễ hội; — vậy mà tại những lễ hội như hội Yên Tử, hội đền Trần đều phát ra hàng ngàn giấy mời, đối tượng được mời là lãnh đạo các tỉnh thành, rồi các ban tổ chức đều chuẩn bị đầy đủ những thứ liên quan, ví dụ phù hiệu cho xe công được mời, v.v… – thật ra không nên lấy làm lạ.
Những hiện tượng kể trên đều cho thấy rằng, trên thực tế, hầu hết các quan chức các địa phương đều đang đóng vai chính tại các lễ hội, rằng họ đang làm lễ hội như làm kinh tế. Tức là họ không thể đứng ngoài, trái lại họ phải can dự tích cực vào lễ hội, vì vậy họ phải có mặt tại lễ hội, hơn thế, họ phải mời gọi nhiều người nữa, nhất là quan chức các địa phương là bạn bè thân thiết.
Tóm lại là họ không thể thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, chừng nào lễ hội vẫn còn chủ yếu do chính quyền các địa phương trực tiếp tổ chức, quản lý, điều hành.

Rốt lại, phải chăng muốn cho cán bộ công chức không đến các lễ hội (vào giờ hành chính) thì vấn đề sâu xa hơn lại là: cần “phi nhà nước hóa” các lễ hội, trả nó về cho dân sự, cho cư dân các địa phương?

Xin bật mí rằng, chỉ cách nay một tuần, tôi và và hai nhà văn Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên, cùng vài nhóm họa sĩ, đã tới một hội chùa cách trung tâm Hà Nội không đầy 30 km, một hội chùa làng không đông không vắng, nhưng nét khác biệt là các quan chức địa phương – ý nói quan chức cấp xã cấp huyện – không thấy đến, dù chỉ để kiểm tra trật tự thông thường!

Lý do chính là vì, hội chùa ấy đã hoàn toàn là của cư dân, họ đến làm lễ, rồi thụ lộc là bữa cỗ chay đơn sơ, tự phục vụ, ngay trong khuôn viên ngôi chùa.

Từ lễ hội chùa ấy trở về, tôi nghĩ: khi người ta trả lễ hội lại cho cư dân, thì những tệ nạn nhất thời trong mùa lễ hội sẽ dần dần bớt đi.

Vâng, đối với các lễ hội lớn, cũng nên tiến hành “phi nhà nước hóa” việc tổ chức lễ hội. Nhà nước chỉ cần duy trì lực lượng giữ trật tự an ninh cho không gian các hội lễ mà thôi. Còn lại, xin trả về dân sự, dân gian!

03/03/2015

https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10204940245404728

Comments are closed.