Sách của nhà xuất bản Tri thức ảnh hưởng xã hội Việt Nam hiện nay ra sao?

Kính Hòa RFA

Hình minh họa các đầu sách của Nhà xuất bản Tri Thức

Hình minh họa các đầu sách của Nhà xuất bản Tri Thức. Courtesy nxbtrithuc.com

Nhà xuất bản Tri thức ảnh hưởng xã hội Việt Nam hiện nay đến đâu?

Ngày 25/10/2018, ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, giám đốc nhà xuất bản Tri thức bị kỷ luật đảng, một tuần lễ sau đó Ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông báo, liệt kê chi tiết lý do ông bị kỷ luật. Điều đầu tiên và quan trọng nhất được thông báo này nêu ra là những quyển sách mà ông Chu Hảo chịu trách nhiệm xuất bản đi ngược lại với quan điểm đường lối của Đảng Cộng sản.

Những quyển sách đó là: Đường về nô lệ của Hayek, Karl Marx của Peter Singer, Tranh luận để đồng thuận của nhiều tác giả, ngoài ra còn có cuốn Ông Sáu Dân trong lòng dân, nói về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, được cho là tập hợp những bài viết khác với đường lối chủ trương của Đảng Cộng sản.

Nhà xuất bản Tri thức được chính thức thành lập vào tháng 9/2005, ba tháng sau đó, Tủ sách Tinh hoa được thành lập với tham vọng ấn hành 500 tác phẩm kinh điển về triết học, kinh tế, chính trị,… ở Việt Nam. Tác phẩm Đường về nô lệ là một trong các tác phẩm của tủ sách Tinh Hoa.

Sự thành lập Nhà xuất bản Tri thức, cũng như Tủ sách Tinh hoa, với những tác phẩm không thuộc hệ thống triết lý chính trị cộng sản chủ nghĩa, tại nước Việt Nam cộng sản, lúc ấy được cho là một điều khá cởi mở của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ trương một ý thức hệ duy nhất mà thôi.

Người Việt Nam hiện nay không có thói quen đọc sách, thói quen này thậm chí đã giảm so với thời gian cách đây vài chục năm. – Sương Quỳnh

Nay nội dung những quyển sách không cộng sản đó được đưa ra làm một lý do để kỷ luật ông Chu Hảo, thì câu hỏi đặt ra có phải là tác động của những quyển sách đó làm cho Đảng Cộng sản lo sợ hay không?

Trong một buổi nói chuyện với đài RFA sau khi có tin ông Chu Hảo bị kỷ luật đảng, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng có một tâm lý cuống cuồng trong đảng lo ngại những quyển sách mà ông Chu Hảo cổ súy cho những giá trị dân chủ phương Tây.

Tuy nhiên có những nhà quan sát khác như Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập Sương Quỳnh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, lại nói rằng tác động của những cuốn sách mà ông Chu Hảo cho xuất bản không lớn trong xã hội Việt Nam hiện nay bao nhiêu, vì đó là những tác phẩm lý luận, khó đọc với số đông dân chúng.

Bà Sương Quỳnh giải thích với RFA rằng:

Người Việt Nam hiện nay không có thói quen đọc sách, thói quen này thậm chí đã giảm so với thời gian cách đây vài chục năm.”

Nhà thơ Hoàng Hưng cũng đồng ý với nhận xét của bà Sương Quỳnh, và cho biết thêm rằng:

Nước Việt Nam đã bị cắt rời quá lâu đối với sự phát triển khoa học xã hội trên thế giới.”

Ông nêu ví dụ về những quyển sách tâm lý học giáo dục mà ông phụ trách biên dịch ở nhà xuất bản Tri thức. Ông nói khi tham gia làm công việc này ông phát hiện ra rằng không có nhà tâm lý giáo dục Việt Nam nào quen thuộc với những lý luận tâm lý giáo dục thế giới từ đầu thế kỷ 20 đến nay.

Tuy nhiên ông Hoàng Hưng cũng nói những quyển sách của nhà xuất bản Tri thức không tác động ngay lập tức tới công chúng, nhưng nó được một tầng lớp nhỏ của giới trí thức Việt Nam tiếp nhận, và như thế ảnh hưởng của những quyển sách này là về lâu dài.

Sự ảnh hưởng của những quyển sách này như khi ném hòn đá, nó tạo những vòng sóng khác nhau, từ nhỏ tới lớn.
-Dịch giả Phạm Nguyên Trường.

Một dịch giả khác là ông Phạm Nguyên Trường, là người dịch quyển Đường về nô lệ của nhà xuất bản Tri thức cho rằng nếu nói sách của nhà xuất bản Tri thức không có ảnh hưởng gì là không đúng:

Sự ảnh hưởng của những quyển sách này như khi ném hòn đá, nó tạo những vòng sóng khác nhau, từ nhỏ tới lớn.”

Ngoài những tác phẩm kinh điển, nhà xuất bản Tri thức còn xuất bản những quyển sách với những nội dung cụ thể hơn, ví dụ như quyển Ông Sáu Dân trong lòng dân. Một nguồn tin giấu tên nói với chúng tôi rằng quyển sách này làm cho một số nhà lãnh đạo đảng ganh tị với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người cổ vũ những thay đổi kinh tế của Việt Nam sau thời kỳ bao cấp, gần gủi với tầng lớp trí thức Việt Nam.

Hiện nay vẫn không có chỉ trích nào chính thức từ phía Đảng Cộng sản về quan niệm chính trị, hay hành động chính trị của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cả, nhưng như đã nêu, Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa quyển sách này ra làm ví dụ như là một tập hợp những bài viết của những người có quan điểm đường lối khác với chủ trương của Đảng Cộng sản.

Ông Hoàng Hưng nói rằng những quyển sách loại này có sức tác động lớn hơn, ngoài ra ông còn đề cập đến cách tiếp cận kiểu bình dân hóa các khái niệm chính trị, xã hội, triết học cho dân chúng, như tác giả Phạm Đoan Trang đã làm với tác phẩm Chính trị bình dân của cô. Nhưng cách làm này gây nguy hiểm cho những người thực hiện nhiều hơn.

Đánh giá chung về tác động của nhà xuất bản Tri thức, nhà thơ Hoàng Hưng cho rằng ngoài những cuốn sách được xuất bản, nhà xuất bản Tri thức còn tổ chức những cuộc hội thảo lôi cuốn nhiều sinh viên trẻ tuổi tham gia, và chính họ cũng thành lập những hội nhóm riêng, gắn bó với nhà xuất bản Tri thức để đọc và tìm hiểu những quyển sách kinh điển.

Ngoài ra ông còn so sánh hoạt động của nhà xuất bản Tri thức hơn 10 năm qua với thời kỳ nhân văn giai phẩm tại miền Bắc Việt Nam khi những người cộng sản mới nắm quyền cách đây hơn 50 năm. Theo ông Hoàng Hưng, Nhân văn giai phẩm có tác động lớn vì lúc đó còn có tự do báo chí. Ông cho rằng với khả năng nhà xuất bản Tri thức không còn hoạt động nữa, thì sự truyền bá tri thức chính trị xã hội tại Việt Nam sẽ chủ yếu dựa vào mạng xã hội, và ông lo ngại việc này sẽ bị bóp nghẹt tới đây khi luật an ninh mạng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chu-hao-book-impacts-11022018124001.html

Comments are closed.