Sự bình an cho cá nhân, xã hội và tổ quốc

Lê Học Lãnh Vân

1) Cái chết của cụ Lê Đình Kình và ba viên công an là vụ việc rất lớn của quốc gia. Sinh mạng công dân Việt Nam rất quan trọng, bất kỳ sinh mạng nào cũng quí giá như nhau.

Một cuộc điều tra độc lập, đặc biệt là độc lập với các phe liên quan tới sự việc Đồng Tâm, là cần thiết để an dân. Khi chưa được điều tra độc lập, bất kỳ kết luận nào đưa ra cũng bị nghi ngờ, lòng dân luôn âm ỉ mối hoài nghi. Huống chi sự nghi ngờ đã từng được củng cố trong dân chúng bởi bao nhiêu cuộc điều tra không độc lập trong quá khứ mà người dân cảm nhận sự che giấu, và có trường hợp như một vụ án ở Long An, giả mạo chứng cớ!

Hiện nay, trên báo chí chính thống là các thông tin nghiêng về kết tội cụ Lê Đình Kình và gia đình, trên các trang mạng phổ biến là các thông tin nghiêng về ủng hộ và thương xót cụ Kình.

Trong trường hợp này, bài học được truyền đời sẽ có tác dụng trong tiềm thức người dân: khi trứng chọi với đá, lý thông thường cho rằng trứng có lẽ phải. Giữa bên yếu và bên có sức mạnh, lý thông thường cho rằng bên có sức mạnh là bên tấn công trước. Do đó mới có lời dạy: nếu quả trứng đối chọi với bức tường thì lý thông thường và nhân bản là bênh vực quả trứng. Bởi vì trong cuộc đối chọi đó quả trứng vỡ tan còn bức tường không bị hề hấn.

Trong khi chờ đợi các kết luận mong đợi, dưới đây là nhận xét về vụ việc sau khi thẩm định thông tin theo hướng trên.

3) Không quen biết các viên công an thiệt mạng, tôi vẫn rất đau lòng khi nghe tin. Bất kỳ thiệt hại nhân mạng nào cũng đau lòng. Càng đau lòng hơn khi cái chết thương tâm! Các anh để lại vợ con từ nay không còn được chồng, cha che chở dưỡng nuôi. Các anh bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Vì mục tiêu gì các anh bị đặt vào tình thế đó? Có phải đó là giải pháp duy nhất để cứu xã hội khỏi một tai họa khủng khiếp?

Ngoài ra còn những hệ quả xã hội khác. Mục quan trọng nhất trong bảng mô tả trách nhiệm của công an chắc chắn là bảo vệ sự bình an của xã hội và sinh mạng người dân. Có nên sợ không rằng cái chết của ba viên công an khiến xã hội chia rẽ, và do đó ít bình an hơn? Có nên sợ không việc dùng bạo lực giải quyết tranh chấp sẽ thành thói quen, còn tinh thần tranh luận, dùng pháp luật ngày dần bị coi nhẹ?

4) Trong các bức ảnh về cụ Lê Đình Kình, thần thái của cụ khi ung dung, khi quắc thước, khi đượm lo lắng… Trên tất cả, tôi cảm nhận thần thái của một người đã ra ngoài vòng danh lợi, khảng khái, trung thực.

Cụ đã có một cuộc đời nhiều người cho là đẹp. Tuổi trẻ tòng quân kháng chiến, khi ấy cụ thật lòng tin tòng quân là cứu nước. Lớn tuổi hơn, tham gia việc công phụng sự làng xóm, khi thấy quyền lợi bà con bị xâm phạm, cụ đứng chung quyền lợi và sống chết với bà con yếu thế. Thực là đội trời đạp đất ở đời! Rất khí khái!

Ba năm trước, với mong muốn thu xếp mọi việc êm đẹp, cụ nghe theo lời phía không cùng quan điểm, rời nhà và bị đánh gãy chân khiêng vào nhà thương… Xuất viện, chân không đi được như trước, cụ vẫn xem nhẹ chuyện riêng mà cùng bà con lối xóm lo việc chung. Cách cụ tin rằng lời giao ước của ông chủ tịch UBND Hà Nội là chân thành cho thấy đại lượng của bậc trượng phu. Người như cụ không phải tin vì sợ, mà tin vì có tấm lòng chân thành của người quân tử trượng nghĩa.

Người như cụ có phong độ một lãnh đạo địa phương: được kính trọng, được nghe theo. Một người như vậy, thế lực có lòng vì cộng đồng có nên hợp tác để an dân, để phát triển địa phương làm kế sâu rễ bền gốc cho đất nước? Tổ quốc đang chịu nguy cơ hiển hiện bị khống chế, bị mất thêm từng mảng lãnh thổ! Tổ quốc đang cần sự ủng hộ của từng người dân, sự đoàn kết của tất cả các thành phần, sự phát triển của từng địa phương…

Nhưng, từ ba năm nay, cụ và những người ủng hộ là cái gai trong mắt một số thế lực! Làng cụ bị tấn công lúc 4 giờ sáng, mục tiêu chánh là nhà cụ. Một ngày sau xác cụ được trả về. Xác một cụ già với những vết thương và vết đạn bắn trực diện vào tim. Xác một cụ già trên tám mươi tuổi, bị di chứng gãy chân không thể tự đi vững. Cụ chết vì lý do gì? Người ta sợ gì ở cụ? Sợ gì ở một kẻ bị loan tin là phản loạn, là không được lòng dân xã Đồng Tâm?

Việc cộng tác với cụ Kình và dân chúng Đồng Tâm, so với việc đem lực lượng tinh nhuệ tấn công khiến bốn người chết, việc nào có lợi hơn cho sự an bình của xã hội? Ở tầm vóc có thể lấy quyết định này, tôi nghĩ người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, sứ mạng lớn, giá trị cao đẹp hơn nhiều so với việc cấm đoán, bắt bớ, dùng vũ lực tấn công… Tầm vóc đó phải có đạo đức, tài năng và dũng lược thu phục nhân tâm bằng cách chỉ ra hướng đi được sự đồng ý của đa số, vạch ra các mục tiêu chiến lược thuyết phục và khả thi, quản lý các giá trị đạo đức, chống tham nhũng hữu hiệu… qua đó mà thu phục nhân tâm, đoàn kết các thành phần xã hội phát triển quốc gia…

Sự việc đã xảy ra gây đau thương quá lớn cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, tôi tin rằng cụ Kình đã an nghỉ. Người có chí khí với tấm lòng trượng nghĩa, người không tham lợi lộc phi nghĩa, trước khi nhắm mắt dễ dàng an nghỉ. Tôi tin cụ Kình không kêu gọi “máu van trả máu, đầu van trả đầu”! Tâm thế cao thượng không màng tới lòng thù hận báo oán thấp kém kia!

Nếu còn sống, chắc cụ sẽ đồng ý với giải pháp nào đem lại sự an bình cho xã hội. Sao cho các nguồn thông tin đa chiều được tự do bung ra dưới ánh mặt trời, không còn cảnh đúng sai, chính tà lẫn lộn khiến xã hội rối tung và kẻ có sức mạnh bức hiếp người lành! Sao cho các thành viên trong quốc gia tôn trọng, thương yêu, cộng tác nhau trong tinh thần đồng bào cùng dòng dõi Tiên Rồng. Sao cho trong xã hội sinh mạng con người là quí giá nhất, không còn cảnh người giết nhau vì tranh giành đất đai…

Hy vọng cái chết của cụ không vô ích. Năng lượng ngầm đang tích tụ trong lớp cỏ khô ngày càng dày và rộng… Mong Việt Nam biết cách hướng năng lượng này thành các cải cách tiệm tiến thay vì để tới một ngày gặp tia lửa và đám cháy bùng lên không còn kiểm soát nổi!

Lúc đó, hạt cây dại nào sẽ phát tán và nảy mầm trên dải đất hình chữ S?

Ngày 11 tháng 01 năm 2020

Comments are closed.