Suy nghĩ tiếp theo ông Vũ Ngọc Hoàng – bàn về Biển Đông

Lê Học Lãnh Vân

Bài “Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông” của ông Vũ Ngọc Hoàng được đăng trên các báo mạng, trang mạng như Văn Việt, Diễn Dàn, Viet-studies… Bài viết này nêu lên và thảo luận các điểm quan trọng trong bài nói trên. Các hàng in nghiêng được trích từ bài viết của ông Hoàng.

Điểm thứ nhất:Âm mưu của Trung Quốc về việc cưỡng chiếm Biển Đông của Việt Nam đã có từ lâu. Âm mưu đó có nguồn gốc từ bản chất Đại Hán của đế chế Phương Bắc này”.

Hoàn toàn đồng ý. Trung Hoa có âm mưu cưỡng chiếm Biển Đông của Việt Nam từ sau thế chiến thứ hai với đường lưỡi bò được Trung Hoa Dân Quốc đưa ra năm 1948. Lúc này Trung Hoa Dân Quốc còn nắm quyền trên đại lục. Sau khi rút ra Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc chiếm đảo Ba Bình (Trường Sa). Tuy nhiên, chính Trung Hoa Cộng Sản, sau khi chiếm đại lục, mới thực thi việc cưỡng chiếm Biển Đông một cách có lộ trình. Họ ẩn nhẫn chờ tới khi nước Việt suy yếu do cuộc chiến Bắc-Nam, thì tung quân chiếm Hoàng Sa năm 1974. Năm 1988 lại cuộc tấn công hải chiến khác. Từ đó tới nay họ xây dựng và củng cố căn cứ quân sự trên các đảo mới chiếm, đồng thời thực hành chủ quyền tự nhận một cách không-thể-chứng-minh trên vùng Biển Đông bất chấp luật pháp và cách ứng xử quốc tế.

Cũng hoàn toàn đồng ý rằng âm mưu cưỡng chiếm Biển Đông của Trung Cộng hôm nay “có nguồn gốc từ bản chất Đại Hán của đế chế Phương Bắc này”. Ý kiến của ông Hoàng đồng thuận với ý kiến của ông Ngô Đình Nhu “Trung Hoa, suốt gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất [Việt Nam] mà Trung Hoa coi như bị tạm mất”.

Điểm thứ hai: Ông Hoàng cho rằng Việt Nam không thể nhìn Trung Cộng ngang ngược trên vùng biển thuộc lãnh hải của mình. “Một đất nước có chủ quyền mà sao có thể chịu vậy”, nghĩa là nước Việt Nam có chủ quyền không thể chịu cảnh tàu Trung Cộng “muốn vào thì vào, muốn ra thì ra” vùng biển thuộc chủ quyền Tổ Quốc. Nếu Việt Nam chịu vậy thì sẽ mất Biển Đông, mà “Mất Biển Đông là mất nước”!

Điểm thứ ba:Vào lúc này công việc lớn lao nhất, quan trọng nhất, hơn bất cứ thứ gì, là bảo vệ Đất nước, trước mắt là Biển Đông. Tổ Quốc trên hết”.

Tôi tin rằng điểm thứ hai và điểm thứ ba này được sự đồng thuận của rất nhiều người Việt.

Điểm thứ tư: Để bảo vệ Biển Đông, bảo vệ Đất Nước, Việt Nam cần “kiện Trung Quốc ngay”. Ý kiến này đã được nhiều nhà quan sát thời sự quốc tế, nhiều học giả trong và ngoài nước nhắc tới.

Tất nhiên tôi đồng ý với khuyến cáo của ông về hành động thiết thực này mang lại lợi ích cho công cuộc bảo vệ Tổ Quốc. Điều tôi chú ý đây là phát biểu của một đảng viên cao cấp về tư tưởng và lý luận chính trị. “Sử dụng luật pháp và dư luận quốc tế khi có mâu thuẫn giữa các bên là biện pháp cần thiết và đúng đắn trong một thế giới văn minh và hội nhập. Đó cũng là tư tưởng pháp quyền tiến bộ”. Ý thức về luật pháp, về tư tưởng pháp quyền tiến bộ được trình bày bởi ông Vũ Ngọc Hoàng, dù đã về hưu, cho thấy điều gì?

Điểm thứ năm: Để bảo vệ Biển Đông, bảo vệ Đất Nước, Việt Nam cần liên minh quân sự, cần kết đối tác chiến lược với quốc gia “đã lên tiếng sớm nhất và mạnh mẽ nhất để ủng hộ chủ quyền của Việt Nam”. Bởi vì quốc gia này “xứng đáng hơn nhiều so với “đối tác chiến lược toàn diện” kia đang xâm lăng đất nước ta”.

Ông Hoàng không nói rõ tên quốc gia nhưng ai cũng biết ông đang so sánh Hoa Kỳ với Trung Cộng. Hoa Kỳ xứng đáng hơn Trung Cộng rất nhiều nếu xét từ mục tiêu bảo vệ Biển Đông, bảo vệ Tổ Quốc. Rất đồng ý với ông Hoàng, và tôi lại còn thấy không thể so sánh Hoa Kỳ với Trung Cộng. Bởi vì Hoa Kỳ là đối tác giúp Việt Nam giữ nước, Trung Cộng “đang xâm lăng đất nước ta”. Không so sánh một số dương với một số âm!

Khi ông Vũ Ngọc Hoàng công khai tuyên bố nghiêng về Hoa Kỳ hơn Trung Quốc, người ta thấy tư tưởng của sự “xoay chiều” đã lộ diện trong giới lãnh đạo. Cho dù hiện nay quan điểm xoay chiều này chưa được chính thức công khai, tôi nghĩ nhiều người đang trông chờ nó được thể hiện trong các bước đi cụ thể của Việt Nam trong tương lai gần. Một chính sách ngoại giao tích cực giúp Việt Nam thoát khỏi thế đối đầu song phương Trung – Việt, sẽ hỗ trợ lớn công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam.

Điểm thứ sáu: ông Hoàng đặt lại mối quan hệ “đồng chí cùng XHCN”, “cùng một hệ tư tưởng” của “hai đảng cộng sản cầm quyền”.

Còn cách đặt lại vấn đề nào rõ ràng hơn cách nói của ông: “Một quốc gia bảo vệ độc lập chủ quyền và một quốc gia khác đi xâm lăng sao lại cùng tư tưởng?”. Từ đó mà ông tuyên bố rõ ràng không thể là anh em, đồng chí với kẻ “có tâm địa và âm mưu xấu lợi dụng làm hại đến chủ quyền quốc gia”, vì đó là “có tội lớn với dân tộc mà lịch sử không thể tha thứ”. Lời kêu gọi của ông “Đừng có nhân danh XHCN để lừa phỉnh nhau” phải chăng cho thấy một sự lay động tận gốc tư tưởng chính trị về liên kết đồng minh? Sự lay động này có sẽ dẫn tới các thay đổi căn bản, thay đổi có tính chất bước ngoặt không?

Điểm thứ bảy:Chỗ dựa vững chắc và đáng tin nhất chính là cộng đồng nhân dân Việt Nam”. “Nước là nước của dân. Dân là chủ nhân của đất nước”. Không có bất kỳ ai, bất kỳ đối tác nào “thay được nhân dân”.

Rất đồng ý với ông. Trong khi nói về chính sách ngoại giao, về liên minh, chúng ta ý thức rằng tất cả để phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc và phát triển Dân Tộc. Trong sự nghiệp đó, cộng đồng Nhân Dân là mục tiêu phục vụ và là chỗ dựa vững chắc nhất. Chân lý đó rất đơn giản mà dễ thấy, dễ hiểu nhất, tất cả những lập luận vòng vo, hoa mỹ nhưng rời xa chân lý đó đều hoặc có tính ngụy biện, hoặc nhằm phục vụ mục tiêu khác với phụng sự Nhân Dân.

Tôi thấy trong điểm thứ bảy này một ý thức dịch chuyển về một nền dân chủ thực chất cho quốc gia. Ý thức này cũng rất gần với quan điểm của ông Ngô Đình Nhu năm xưa:

Để chống xâm lăng, chúng ta có những biện pháp quân sự và ngoại giao. Nhưng hơn cả các biện pháp quân sự và ngoại giao, về phương diện hữu hiệu và chủ động, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, phát huy ý thức quốc gia và dân tộc, và mở rộng khuôn khổ giới lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt”.

Xin cám ơn ông Vũ Ngọc Hoàng về, và không chỉ về, bảy điểm nói trên. Khi thảo luận về bảy điểm này, tôi so sánh với các ý kiến của ông Ngô Đình Nhu. Thời đất nước phân đôi, ông Vũ Ngọc Hoàng cùng bậc tiền bối của ông ủng hộ Miền Bắc, trong khi ông Ngô Đình Nhu là một lãnh tụ của Miền Nam. Dù theo hai hướng đi chính trị khác nhau, những vị này đều ủng hộ một Việt Nam độc lập, tự chủ, nhất là chống lại “Phương Bắc cướp nước”. Ông Võ Nguyên Giáp đã nói với các ông Hoàng Xuân Hãn và Phan Anh rằng “Giành lại độc lập từ Pháp rồi ta phải trở thành bạn tốt của họ, vì ta chỉ mất công sức mười, hai mươi năm, và sau đó Pháp sẽ không quay lại chiếm đất ta lần nữa. Nhưng ta sẽ còn mất công sức liên tục hàng ngàn năm với Tàu để được đứng độc lập” ((từ cuộc nói chuyện riêng của người viết với ông Hoàng Xuân Hãn, Paris, 1989). Và chính ông Ngô Đình Nhu, trong khi không đồng ý áp dụng lý thuyết Cộng Sản vào Việt Nam, cũng rất thông cảm với ông Hồ Chí Minh trong việc dựa vào khối Cộng Sản để kháng Pháp.

Hôm nay, trước mối họa hiển hiện của “cái Phương Bắc bá quyền ấy”, đọc người nay mà nhớ người xưa, ta thấy một sự đồng thuận ý kiến. Cho dù chỉ đồng thuận về nhận định, chứ không phải về giải pháp, ta cũng thấy sự đồng thuận đó đại diện cho truyền thống, ý chí của người Việt chống xâm lăng. Mong sao người Việt đoàn kết, quí trọng nhau, cộng tác nhau tìm một lối thoát cho Tổ Quốc, không chỉ thoát vòng áp chế của Trung Cộng mà còn thoát vòng chia rẽ dân tộc thời Quốc-Cộng, một thời đã lùi rất xa, và thoát vòng lẩn quẩn tư tưởng để bước vào thế giới dân chủ, văn minh. Để dân tộc giàu mạnh dài lâu!

Xin minh bạch rằng bài viết này không có ý muốn tôn vinh bất cứ người nào, một chế độ nào. Trong hoàn cảnh Việt Nam hôm nay, không có gì lớn hơn và cấp bách hơn là bảo vệ quyền lợi Dân Tộc, chủ quyền Tổ Quốc. Như ông Vũ Ngọc Hoàng nói “Vào lúc này công việc lớn lao nhất, quan trọng nhất, hơn bất cứ thứ gì, là bảo vệ Đất nước, trước mắt là Biển Đông. Tổ Quốc trên hết”. So với sự nghiệp đó, có phải mỗi cá nhân và cả mỗi chế độ đều nhỏ bé?

Ngày 10 tháng 9 năm 2019

Comments are closed.